+84 983 035 435

Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì

Hãy khám phá việt nam qua những địa điểm phượt vô cùng thú vị, thơ mộng và hùng vĩ.


Không ai biết đồng bào các dân tộc ở Hoàng Su Phì mất bao nhiêu lâu để biến những ngọn núi đất thành những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp. Chỉ biết rằng, ruộng bậc thang đã được đồng bào khai thác từ hàng trăm năm nay, thay thế cho việc làm nương làm rẫy, hết đời này qua đời khác, con người nơi đây lấy ruộng bậc thang làm kế sinh nhai. Ruộng bậc thang cũng đánh dấu quá trình định canh định cư, đem lại cuộc sống ấm no hơn cho các hộ gia đình.

Hoàng Su Phì - một bức tranh tuyệt mỹ trong không gian bao la và hùng vĩ của đất trời, thiên nhiên vùng cao biên giới, ngỡ như là sự sắp đặt của tạo hóa. Thế nhưng không phải vậy, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì mang giá trị lịch sử, văn hóa, là kết quả công sức lao động cần cù và sáng tạo của biết bao thế hệ đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây trong quá trình khai hoang, sinh sống và tồn tại.Từ trung tâm thành phố Hà Giang đi dọc theo Quốc lộ 2 và tỉnh lộ 177 khoảng hơn 100km là tới huyện Hoàng Su Phì. Nằm ở độ cao 1.500 mét so với mực nước biển, không khí nơi đây luôn trong lành và lạnh quanh năm. Đây là một nhánh của cao nguyên đá Đồng Văn nhưng đất đai phì nhiêu, ít có đá tai mèo như Đồng Văn, Mèo Vạc. Dù vậy, địa hình Hoàng Su Phì vẫn rất hiểm trở, phức tạp, bị chia cắt mạnh bởi hệ thống các dãy núi cao và trung bình, thấp dần về hướng hai con sông chảy qua địa bàn là sông Chảy và sông Bạc. 

Ruộng bậc thang là hình thức canh tác trên đất dốc của rất nhiều dân tộc khác nhau trên thế giới. Do ở các vùng cao, miền núi hiếm đất bằng để canh tác, nhất là trồng lúa nước, người ta khắc phục bằng cách chọn các sườn đồi, núi có đất màu rồi bạt tam cấp để tạo thành những vạt đất bằng. Sau đó tùy vào ý định canh tác mà có thể để khô hoặc dẫn nước từ những đỉnh núi cao hơn về.

Hiện tại, chưa có tài liệu nào chính xác nhất về tuổi đời của ruộng bậc thang Tây Bắc, nhưng ước tính ruộng bậc thang tại Hoàng Su Phì đã có khoảng 300 năm, được khai phá, kiến tạo và mở rộng bởi công sức nhiều đời của những dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì, trở thành một kiệt tác thiên nhiên do con người tạo nên. Ruộng bậc thang cũng đánh dấu quá trình định canh định cư, đem lại cuộc sống ấm no hơn cho các hộ gia đình tại Hoàng Su Phì.

Với tổng diện tích khoảng 760 ha, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì tập trung chủ yếu ở Bản Phùng, Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Hồ Thầu, Thông Nguyên, Nậm Ty và nằm rải rác ở 19 xã khác trong huyện. Từ thung lũng hẹp đến đồi núi thấp và ngược dốc lên đồi núi cao, cung đường đến "thiên đường ruộng bậc thang" Hoàng Su Phì là một thách thức đối với những tài xế. Cũng rất nhiều du khách chọn xe gắn máy làm phương tiện để đến Hoàng Su Phì. Họ tự lái xe và tự do ngắm cảnh để có thể tận hưởng hết vẻ đẹp của thiên nhiên lôi cuốn. 

Tại Hoàng Su Phì, mùa lúa chín vàng thường vào khoảng tháng 9, tháng 10 hằng năm. Khi đó, màu xanh của mạ non ngày nào chuyển sang vàng rực rỡ. Từ trung tâm xã Bản Phùng có thể phóng tầm mắt khắp mọi hướng, đâu cũng là tầng tầng lớp lớp những thửa ruộng bậc thang mùa lúa chín, kéo dài từ làng này sang làng khác, từ đỉnh núi này sang núi nọ, trải dài xuống tận khe suối. Nhìn từ trên cao ruộng bậc thang như một dải lụa xanh đang tung bay trong gió rộng cả cây số từ đỉnh xuống chân núi.

Mùa lúa đi qua, Hoàng Su Phì tiếp tục khoác chiếc áo mới với mùa hoa tam giác mạch, hoa cải vàng… Du khách lại có thêm lý do để đến Hoàng Su Phì lần nữa trong năm khi tiết trời chuyển từ thu sang đông và cả mùa đông lạnh giá.

Ruộng bậc thang thể hiện sự kết tinh của sáng tạo và đức tính cần cù, kỹ năng canh tác sản xuất nông nghiệp ở trình độ cao. Tuy vậy, lịch sử hình thành ruộng bậc thang ở mỗi dân tộc có sự khác nhau do thời gian di cư, đặc trưng, tập quán canh tác sản xuất nông nghiệp tạo nên những nét riêng trên mỗi thửa ruộng.

Người Dao và người Nùng thường làm ruộng xen kẽ những cánh rừng, thậm chí len lỏi mỗi nơi một ít nên họ thường khai hoang ở xa nhà. Còn người La Chí thì xung quanh nhà đều là ruộng, cùng lắm cạnh nhà là vườn rau chứ ít khi họ để đất trống. Chính vì thế khi đi từ trung tâm thành phố Hà Giang vào Hoàng Su Phì sẽ bắt gặp những đồng ruộng chín lốm đốm vàng trong rừng xanh tạo nên một phong cảnh độc đáo.

Một điều khác nhau nữa là mùa khai phá ruộng của người Dao ở Bản Luốc, Sán Sả Hồ thường bắt đầu ngay sau khi ăn Tết xong, nhưng người La Chí ở Bản Phùng lại khai ruộng vào mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 9 Âm lịch. Ngoài ra, mỗi dân tộc có tín ngưỡng nông nghiệp, nghi lễ cúng bái, cầu mùa, cầu mưa, mừng cơm mới khác nhau, chứa đựng trong nó là kho tàng văn hóa từng tộc người.

 

 

 

Khám phá 9 địa điểm ở Hà Giang

Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì

845

Xín Mần - Nàn Ma

178

Dinh Vua Mèo

674

Phố cổ Đồng văn

190

Đèo Mã Pì Lèng

141

Thung lũng Sủng Là

832

Điểm phượt gần Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì