Bắt nguồn từ một câu chuyện tình lãng mạn đầy tính nhân văn, chợ tình Khâu Vai hôm nay dù đã ít nhiều đổi thay nhưng vẫn giữ được nét đặc sắc, độc đáo riêng. Trong cái nhộn nhịp của sự mua bán, trao đổi hàng hoá, ta vẫn bắt gặp đâu đó ánh mắt kiếm tìm mải miết, vẫn nghe đâu đó văng vẳng lời kèn lá nỉ non hoà trong tiếng gió vi vu như kể lại cho du khách câu chuyện tình ngày xưa, ngày xưa…
Chợ tình ở thị trấn Khau Vai - Hà Giang
Theo các cụ già nơi đây, chợ tình Khâu Vai có từ cách đây hơn trăm năm, được bắt nguồn từ câu chuyện tình của một đôi trai gái. Chuyện kể lại rằng, vào thời bấy giờ, đất Khâu Vài chỉ có người Nùng và Giáy sinh sống. Họ sống riêng thành từng làng và mọi chuyện bắt đầu khi có một chàng trai người Nùng đem lòng yêu tha thiết một cô gái người Giáy ở làng bên. Chuyện tình của họ đang đẹp như bông hoa, như đôi chim lửa của núi rừng Khâu Vai thì cha mẹ, họ hàng hai bên biết chuyện. Họ ra sức ngăn cản bởi theo lệ thời đó, dân tộc nào chỉ lấy người dân tộc ấy, hơn nữa việc dựng vợ gả chồng là việc của cha mẹ nên việc đôi trai gái tự tìm đến nhau là trái với lệ làng… Sự cấm đoán của hai gia đình đã khiến cho đôi trai gái quyết định cùng nhau trốn lên núi. Nhưng không ngờ cuộc chạy trốn của họ lại càng làm cho mâu thuận giữa hai gia đình ngày một trầm trọng. Từ chỗ chỉ có xích mích giữa hai gia đình, dòng họ dần dần đã dẫn đến xích mích giữa hai làng người Nùng và người Giáy. Từ trên núi cao nhìn xuống thấy cảnh tượng xô xát giữa hai làng, đôi trai gái rất đau lòng, họ đành phải gạt nước mắt chia tay nhau. Hai người hẹn ước cho dù không thành vợ thành chồng nhưng mỗi năm sẽ gặp lại nhau vào ngày này (tức là ngày 27 tháng 3 âm lịch). Thế là mỗi năm cứ đến ngày hẹn, chàng trai và cô gáilại lên ngọn núi đó gặp gỡ, giãi bày tâm sự… Cứ như vậy cho đến một ngày kia khi dân làng biết chuyện, cảm phục tình yêu của đôi trai gái, người ta quyết định mở chợ tại ngọn núi- nơi đôi trai gái đã hẹn hò nhau. Chợ được mở ra, mỗi năm một lần làm nơi gặp gỡ cho những đôi trai gái vì nhiều nguyên nhân không lấy được nhau.
Theo tiếng địa phương thì Khâu Vai có nghĩa là song mây ý muốn nói đây là vùng đất có nhiều song mây song cũng có ý nói tình cảm của đôi trai gái gắn bó, quấn quýt như cây song, cây mây trên các ngọn núi quanh vùng. Câu chuyện hôm qua và cuộc sống hôm nay có cái gì đó hư hư thực thực, đã góp phần tạo nên sức lôi cuốn kỳ lạ về mảnh đất nới đây. Khâu Vai bây giờ không chỉ có người Nùng và người Giáy nữa mà còn có người Mông, người Dao cùng sinh sống đoàn kết bên nhau. Các chàng trai, cô gái được tự do tìm hiểu và quyết định hôn nhân mà không gặp phải sự cản trở của các bậc làm cha làm mẹ. Chợ tình Khâu Vai không chỉ là nơi hò hẹn của những đôi trai gái lỡ duyên nhau mà còn là nơi gặp gỡ làm quen của nam nữ thanh niên. Vì thế chợ tình Khâu Vai đã có biết bao đôi trai gái nên vợ thành chồng từ đây.
Người ta nhắc đến Hà Giang trong những ngày này không thể không nhắc đến chợ tình Khâu Vai. Và với những giá trị tự thân của nó, chợ tình Khâu Vai cũng đã trở thành điểm đến mỗi năm của nhiều du khách trong những ngày đâu xuân.
Dân tộc Mông là một trong 22 dân tộc anh em cùng sinh sống trên mảnh đất cực Bắc Hà Giang.Sống rải rác trên các triển núi cao giữa thiên nhiên, đời sống vật chất còn nhiều khó khăn nhưng đồng bào Mông có một đời sống tinh thần, tâm linh phong phú, đa dạng. Ngoài lễ tết thông thường và các nghi lễ trong đời sống, người Mông đặc biệt thích "Hội Gầu Tào".Lễ hội được tổ chức vào mùa xuân hay những dịp nông nhàn do một gia đình hay một làng chủ trì và được tổ chức trên một bãi đất rộng quanh làng, hay một nương ngô đã thu hoạch xong.
Trước ngày hội Trưởng bản thông báo cho các hộ gia đình trong bản biết và thông báo cho các hộ gia đình các dân tộc khác cùng sống trong khu vực đến tham gia ngày hội với dân bản.
Từ sáng sớm người dân trong bản đều mặc bộ trang phục truyền thống mới nhất của mình, người con gái mang ô, người con trai mang khèn đến tập trung ở khu vực diễn ra lễ hội cùng biểu diễn thi tài.
Hội Gầu Tào gồm hai phần chính: phần lễ và phần hội.
Phần lễ: Được bắt đầu bằng lễ dựng cây nêu với ý nghĩa thông báo mờ hội đồng thời thể hiện sức sống trường tồn của làng bản người Mông trên mảnh đất cao nguyên đá. Khi cây nêu đã dựng xong: bản làng có một mâm lễ đặc dưới cây nêu để cúng thần linh và tổ tiên, trời đất.
Mâm lễ (một thủ lợn, một đĩa xôi, một chai rượu, bốn cái bát con, bốn cái chén, bốn cái thìa): đây là lễ vật dâng cầu vận may, sức mạnh thể hiện ở chỗ con vật bốn chân ứng với bốn vị thần trời, đất, sông, núi.
Vào lễ, gia chủ đặt dưới chân cây nêu mâm lễ và khấn tạ trời đất đã cho gia đình được toại nguyện.
Phần hội: Sau khi phần lễ kết thúc, phần này được tổ chức với nhiều trò chơi bổ ích, lý thú. Đó là những trò chơi dân gian, như đánh yến, đấu võ, bắn nỏ... còn những trò vui mang tính nghệ thuật như múa khèn, thổi sáo, thi hát đối đáp... Hội thi là nơi để thanh niên nam nữ trổ tài và cũng chính là nơi họ gặp gỡ, tâm sự và tìm hạnh phúc cho mình. Là một lễ hội lớn, một sinh hoạt văn hoá đặc sắc với đủ loại hình văn hoá nghệ thuật dân gian, hội Gầu Tào thực sự hẫp dẫn. Từ dụng ý ban đầu là lễ tạ ơn chúc tụng con đàn cháu đống, mang màu sắc tôn giáo, Gầu Tào trở thành lễ hội trổ tài và giao duyên của nam nữ thanh niên Mông.
Lễ hội Gầu Tào còn là một phương tiện để củng cố phát triển mối quan hệ giữa các cá nhân, giữa các gia đình hay các cộng đồng làng bản để thắt chặt tình đoàn kết. Lễ hội góp phần làm cho diện mạo của đời sống văn hoá Mông thêm sinh động, đa dạng và là nguồn lực thúc đẩy tinh thần dân tộc Mông nói riêng và tinh thần nhân dân các dân tộc vùng cao nói chung.
Nhảy lửa là một lễ hội độc đáo, mang đậm nét huyền bí, hoang sơ của dân tộc Pà Thẻn, đang sinh sống ở hai huyện Bắc Quang (tỉnh Hà Giang) và Chiêm Hoá (tỉnh Tuyên Quang) trong dịp đầu năm để mừng lúa mới, cầu chúc cho cả năm khoẻ mạnh, sung túc, mùa màng bội thu. Lễ hội nhảy lửa được tổ chức khi đồng áng đã thu hoạch xong từ giáp Tết (15/12 âm lịch) cho đến hết ngày rằm tháng giêng.
Lễ hội được tổ chức trên một bãi đất rộng, bằng phẳng trong làng hoặc trước sân nhà thầy cúng. Tại lễ hội này, mỗi người tham gia lế nhảy lửa đều đem củi tới góp vui.
Để bắt đầu lễ hội, thầy mo làm lễ cầu thần linh. Lễ vật gồm có một bát hương, đàn sắt, con gà, 10 chén rượu và tiền giấy.
Một đống lửa lớn được đốt lên và thầy mo bắt đầu hành lễ. Thời gian làm lễ kéo dài một, hai giờ trước khi được bắt đầu lễ hội nhảy lửa. Khi thầy mo gõ vào đàn và làm lễ cúng, từng thanh niên sẽ ngồi đối diện với thầy và đó chính là lúc nhập đồng cho người nhảy lửa.
Những động tác lắc lư của các chàng trai mạnh dần. Họ bắt đầu bật lên và nhảy ra gần đống lửa. Trong phút xuất thần, họ bỗng thăng hoa mạnh mẽ, phi thường và biến ảo.
Trong khi thanh niên nhảy lửa, thầy mo vẫn tiếp tục làm lễ với tiếng nhạc đều đều huyền bí lẫn với lời khấn lầm rầm. Đồng bào Pà Thẻn cho rằng, thời gian nhảy trên lửa của họ tuỳ theo sức mạnh được thần linh ban cho. Khi hết sức mạnh, họ tự bị đẩy ra khỏi đống lửa, trở về ngồi lễ và lại lắc lư trong tiếng nhạc, chờ thần linh ban sức mạnh cho đợt nhảy mới.
Cứ sau 20 phút nhập thần, lại có một đợt nhảy như vậy. Vũ điệu cùng lửa càng về sau càng trở nên sôi động. Người xem ngày càng bị cuốn hút vào từng bước nhảy của các nghệ nhân và dường như chính bản thân họ cũng bị cuốn vào không khí linh thiêng này.
Ở đợt nhảy cuối cùng, chính thầy mo, linh hồn của buổi lễ, cũng thăng hoa, tung lên những bước nhảy mạnh mẽ, oai phong. Chiếc áo khoác đỏ và chiếc mũ sặc sỡ hoà cùng những hoa lửa rực rỡ tạo thành một khung cảnh vừa hoành tráng vừa mê hoặc.
Ngày nay, tại các bản làng của người Pà Thẻn, lễ hội nhảy lửa vẫn tổ chức thường xuyên vào dịp Tết với nét nguyên sơ. Đây cũng là một trong những tâm điểm của khách du lịch khi muốn khám phá văn hóa độc đáo của dân tộc Pà Thẻn nói riêng cũng như các dân tộc miền núi phía Bắc nói chung.
Lễ hội cầu mưa của dân tộc người Lô Lô, Mèo Vạc, Hà Giang thông thường được tổ chức vào tháng ba âm lịch, vào các ngày 15, 17 hoặc 19. Với những nghi thức đặc sắc, độc đáo, lễ cầu mưa được lưu truyền từ đời này tới đời khác, đến nay không chỉ là một sự kiện mang tính tín ngưỡng, mà còn là dịp để mọi người gặp gỡ, bàn chuyện làm ăn, cầu may, bày tỏ lòng thành kính với đất trời, trai gái giao duyên...
Việc cầu mưa không thể làm tùy tiện, không phải năm nào cũng làm lễ, mà chỉ vào những năm thời tiết khắc nghiệt, khô hạn, người dân trong vùng mới tập trung lại, mời người làm lễ (là trưởng xóm hoặc người cao tuổi có uy tín trong khu vực).
Trước đây, những nhà giàu trong bản sẽ đứng ra chịu toàn bộ chi phí cho buổi lễ. Nhưng ngày nay, muốn có mưa xuống để cây cối được tốt tươi, có nước gieo trồng, mỗi nhà đều lo gom góp một lễ vật mang đến nhà thầy cúng hoặc nhà trưởng bản, người thì con gà con chó, người thì cân gạo, chai rượu ... Để cho lễ cầu mưa thành công, không thể thiếu một thủ tục đầu tiên, đó là làm lễ xin các thầy cúng tiền bối (nếu các thầy cúng tiền bối không đồng ý, có làm lễ cầu khấn thế nào cũng không có mưa). Thủ tục xin khá đơn giản, bao gồm một chén nước, hương và giấy trúc (một loại giấy chuyên dùng vào việc cúng tế của người Lô Lô, nhìn gần giống như giấy bản). Trước hết thầy cúng thắp hương tại bàn thờ gia tiên, sau đó đặt giấy trúc, chén nước xuống một góc nhà và khấn xin. Sau đó ông bọc tờ giấy trúc lên chén nước, nếu nước trong chén không bị thấm hoặc đổ ra ngoài thì việc xin phép mới linh nghiệm và lễ cầu mưa mới thành công. Cuối cùng, thầy cúng đốt tờ giấy trúc, hoàn tất thủ tục.
Nơi thực hiện lễ cầu mưa thường là một bãi đất rộng, cao, ngay cạnh nương rẫy. Đồ tế lễ phải có rượu ngô, chó, gà, một thanh kiếm (có thể bằng sắt hoặc gỗ), một bát nước, bốn chén rượu, bốn ống hương bằng tre tượng trưng cho bốn phương trời.
Các thiếu nữ chuẩn bị trang điểm, mặc trang phục truyền thống của người Lô Lô, các nhạc cụ cần thiết để vào lễ. Các trai bản thì lo làm lễ vật dâng cúng. Nhạc cụ không thể thiếu trong buổi lễ là trống đồng và nhị. Chiếc trống đồng hay cây nhị chuyên dùng trong lễ cầu mưa.
Phần lễ : Trưởng xóm hoặc người cao tuổi có uy tín trong khu vực, biết đầy đủ những nghi thức thực hiện lễ cầu mưa. Là người chịu trách nhiệm phần lễ, những nghi lễ tiến hành cùng với sự tham gia của dân xóm. Những nghi thức cúng này được tiến hành hai lần. Những lễ vật sống dâng cúng như chó, gà sẽ được dắt đến nơi hành lễ, buộc quanh bàn lễ và người tế lễ khấn cầu xin phép dâng lễ. Sau đó chúng sẽ được các trai tráng trong xóm mang đi làm thịt, xong lại dâng lên cúng lần nữa.
Bài khấn bằng tiếng Lô Lô, cầu cho mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa, làng bản no ấm. Bài khấn dài và thanh âm trầm bổng như một bài văn tế, người khấn như hát văn, nghe du dương trong tiếng trống, tiếng nhị. Sau khi khấn xong, người làm lễ sẽ đốt giấy bản ở bốn góc bàn, vẩy rượu ra bốn phương tạ ơn trời đất.
Phần hội : Cúng xong, dân bản quây quần uống rượu, ăn thịt, múa hát xung quanh bàn lễ. Các cô gái Lô Lô xinh đẹp nhảy múa trong bộ váy áo truyền thống, thêu hoa văn rực rỡ, vừa nhảy múa vừa kéo nhị. Thể hiện những nét tinh túy trong đời sống văn hóa của người Lô Lô, qua những bộ trang phục sặc sỡ mà tinh tế, qua những nhạc cụ độc đáo và những làn điệu dân ca, những điệu múa đặc sắc. Lễ cầu mưa cũng là dịp để người dân tụ hội, bàn chuyện làm ăn, trai gái thì múa hát giao duyên.
Người Lô Lô tin rằng, sau khi làm lễ, chỉ trong vòng từ 3 đến 9 ngày là có mưa.
Người Pu Péo là tộc người chỉ sinh sống ở tỉnh Hà Giang và sống tập trung nhất ở xã Phố Là, huyện Đồng Văn. Tuy dân số không đông nhưng có bản sắc dân tộc đa dạng và bảo lưu được nhiều truyền thống tốt đẹp.Trong năm, ngoài tết đầu năm mới, thì Lễ cúng rừng là quan trọng nhất đối với người Pu Péo, dù đi đâu, làm gì con cháu cũng nhớ ngày 6-6 âm lịch hàng năm về xum họp với gia đình, bản làng trong lễ cũng.
Buổi lễ diễn ra ở rừng cấm - rừng thiêng đầu bản, ông thầy cúng kính cẩn thay mặt bà con úp mặt vào một thân cây lớn, quỳ lạy bốn phương trời tám phương đất hai hồi, mỗi hồi ba lần để mong thần rừng, thần nước che chở cho bản làng. Người Pu Péo luôn hiểu rằng, giữ rừng là giữ nguồn nước, cầu thần nước là cầu thần rừng!? Cho nên, ngày Tết, trai gái ở bản Pu Péo mới nô nức kéo nhau ra suối gánh nước vàng nước bạc về nhà cầu may.
Đồ lễ được bày biện trên những cái nong hoặc lá chuối rừng, bàn thờ được dựng bằng cây trúc màu xanh, cao gần hai mét, quay mặt về phía đỉnh núi cao. Những vuông cơm tẻ giã nhuyễn, nặn thành bánh, xắt khúc được bày biện cẩn thận trong những cái nong tròn. Nhiều miếng cơm được xếp thành hàng thành lối trên lá chuối tươi, (mỗi nắm cơm tượng trưng cho một vị thần, người Pu Péo theo tín ngưỡng đa thần, thần Rừng, thần Trời, thần Đất, thần Suối, thần Gió…) Trên mỗi nắm cơm là một mẩu trứng gà luộc (quả trứng luộc, bóc vỏ, sau đó xắt ra). Dưới chân bàn thờ làm bằng trúc tươi, lót lá chuối tươi xanh có buộc hai con gà vẫn còn sống nguyên, mỗi con gà buộc dây, dây cắm vào một cái cọc. Xung quanh là bình rượu và những cái chén. Cách bàn thờ một chút, là một cái cọc khác, có buộc một con dê cái vẫn sống, lông màu đen.
Lễ cúng kéo dài vài tiếng đồng hồ, thầy cúng cầm một cành trúc tươi, còn nguyên cả lá, khua đi khua lại suốt thời gian hành lễ. Có lúc tay lại cầm một quả bẩu khô. Bài cúng, có thể hiện sự thành kính của con người xướng lên trước thần rừng Thần Trời, thần Đất, thần Rừng mời họ về chứng kiến lễ cúng, hưởng thịt gà, thịt dê và phù hộ cho con người khoẻ mạnh, mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi. Cầu cho rừng ngày một xanh tốt chở che cho con người. Bà con trong thôn xin thề trước thần Rừng, sẽ giữ gìn rừng thật tốt, ai săn bắn, chặt cây trong rừng thì sẽ bị thần Rừng trừng phạt. Rừng tốt tươi, trời đất giao hoà, bảo hộ cho cuộc sống của bà con Củng Chá. Mưa không gây lũ, nắng không gây hẹn, bão gió sấm sét không đánh chết người
Lễ cúng chia làm ba giai đoạn, đoạn đầu cả con gà và con dê cái còn sống nguyên; đoạn hai, chúng đã bị đám thanh niên cắt tiết; và cuối cùng là phần liên hoan kết thúc buổi lễ, mọi người cùng ăn uống tại địa điểm cúng luôn. Những nhà nào không tham dự, cũng được chia phần, khắc có người mang về tận nhà. Những người có mặt phải ăn hết thịt, uống hết rượu ngay tại bãi cỏ xanh bìa rừng để cầu may mắn.
Suốt cuộc đời người Pu Péo gắn với rừng. Bà con quan niệm rất rõ, họ chỉ cúng tiên 5 đời trở lại trong nhà mình; còn tổ tiên trước 5 đời, các vị thường ở trong Rừng, ngụ tại các gốc cây đa to. Cho nên, tín ngưỡng thời giữ rừng, cúng rừng, với người Pu Péo, cũng chính là cúng tổ tiên
Trong thời gian một ngày, với không khí tưng bừng, đoàn kết của các dân tộc trong xã, phần lễ đã được các nghệ nhân dân gian dân tộc Pu Péo thực hiện nghiêm túc, đảm bảo những yêu cầu cơ bản theo phong tục tập quán truyền thống của Lễ cúng thần rừng. Phần hội được toàn thể nhân dân trong xã tham gia hưởng ứng sôi nổi. Với những nội dung thi đấu các môn thể thao truyền thống như đẩy gậy, kéo co, đánh yến, chơi “ào”, nhảy cóc đã thu hút đông đảo bà con các dân tộc trong xã tham gia. Ngoài ra, còn có chương trình múa hát các làn điệu dân ca, hát đối đáp, giao duyên được các nghệ nhân dân gian của xã trình bày, thể hiện được cuộc sống hàng ngày của bà con dân tộc Pu Péo
Hội chọi dê là nét văn hóa đặc sắc chỉ có tại vùng cao nguyên đá Hà Giang. Vào ngày này, những con dê của đồng bào người Mông, Dao, Tày chăn thả trên khắp vùng cao nguyên đá trở thành nhân vật trung tâm với nhiều màn biểu diễn nóng bỏng. Lễ hội chọi dê thường được tổ chức vào mùa xuân, gắn liền với những lễ hội truyền thống như lễ Gầu Tào, lễ Lồng Tồng của người Mông…và thường được tổ chức ở các xã có truyền thống nuôi dê như xã Lũng Cú, Lũng Táo, Sính Lủng….
Hà Giang là nơi sinh sồng của cộng đồng 16 dân tộc với những nét văn hóa truyền thống vô cùng đa dạng. Lên Hà Giang thời gian này du khách sẽ được hòa mình vào không khí lễ hội chợ tình Khau vai độc nhất vô nhị và đặc biệt được tham gia vào hội chọi dê của cộng đồng các dân tộc vùng cao Mèo Vạc, nét văn hóa đặc sắc chỉ có tại vùng cao này. Đây là lễ hội truyền thống mang ý nghĩa tâm linh nhằm mang lại may mắn cho những người chăn nuôi trên vùng cao nguyên đá.
Trong lễ hội này, những con dê hàng ngày được đồng bào dân tộc chăn thả sẽ trở thành những đấu sĩ dũng mãnh với những pha chiến đấu nảy lửa chẳng kém những chú trâu chọi. Người dân chọn những con đực to, khỏe nhất để tham gia thi đấu. Ai cũng mong muốn chú dê của mình giảnh giải để may mắn cho một năm chăn thả. Sới chọi dê được tổ chức đơn giản trên một khu đất bằng phẳng trên sườn núi được giới hạn bởi hàng cọc tre, chăng dây thừng bao quanh khu vực thi đấu. Những chú dê được đánh số và sẵn sàng cho những trận chiến khốc liệt.
Để chuẩn bị cho giải đấu chủ dê đã phải chăm chút cho những con dê của mình suốt một năm, những con dê được chọn phải có tuổi đời 3 năm trở lên, thể lực tốt, thân hình lực lưỡng, có râu dài, sừng cao, giống tốt nhất và phải có nguồn gốc rõ ràng, sống tại địa phương và được các cán bộ thú y thẩm định kĩ lưỡng tuyệt đối không mang dịch bệnh. Từ đó, người dân sẽ chọn ra những con dê to khỏe và đẹp nhất làm con đầu đàn có vai trò bảo vệ đàn dê, duy trì nòi giống.
Tuy phải thi đấu dưới “sức ép” của hàng ngàn khán giả, các đấu sĩ dê vẫn không tỏ ra sợ hãi mà bản lĩnh thi triển những đòn thế của mình. Trực tiếp xem các đấu sĩ dê thi đấu mới cảm nhận sự thú vị, không hề thua kém chọi trâu, đấu ngựa, chọi gà. Trong các trận đấu, dê chọi cũng tung rất nhiều ngón đòn hiểm hóc nhắm vào đối phương, những đòn truyền thống thường được các đấu sĩ dê sử dụng là đòn hổ lao; đòn tung vó hổ vồ uy lực; đòn khóa sừng đối thủ…
Không giống như chọi trâu ở miền xuôi hay chọi bò, ngựa của các dân tộc khác, ở hội chọi dê, các trận đấu dù có căng thẳng, kéo dài đến mấy nhưng dê đều không hề bị thương. Điều đặc biệt tại lễ hội chọi dê Đồng Văn, dù thắng hay thua các chú dê đều không bị giết thịt mà trở về đàn tiếp tục sinh sống. Cũng chính nhờ đó, người dân sẽ có ý thức chăm sóc bảo vệ vật nuôi trong gia đình, phát hiện và bảo tồn nguồn gene dê quý để nhân rộng.
Lễ hội còn là điều kiện để người dân gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm nuôi dê, chăm sóc vật nuôi trong nhà, làm tăng thêm tình đoàn kết giữa con người với con người, giữa các dân tộc thiểu số với nhau. Vì vậy, lễ hội chọi dê luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các cấp chính quyền và bà con nhân dân.