+84 983 035 435

Đèo Mã Pì Lèng

Hãy khám phá việt nam qua những địa điểm phượt vô cùng thú vị, thơ mộng và hùng vĩ.


Đèo Mã Pí Lèng (còn có âm đọc là Mã Pì Lèng, Mã Pỉ Lèng, Mả Pì Lèng) thuộc tỉnh Hà Giang là cung đường đèo hiểm trở dài khoảng 20 km vượt đỉnh Mã Pí Lèng, một đỉnh núi có độ cao khoảng 1.200m thuộc Cao nguyên Đồng Văn, nằm trên con đường mang tên Đường Hạnh Phúc nối liền thành phố Hà Giang, Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc. Con đường dài khoảng 20 km này được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc Việt Nam làm trong 6 năm (1959-1965) với trên 2 triệu lượt ngày công lao động, trong đó riêng đoạn đèo vượt Mã Pí Lèng được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi lấn từng centimet để làm trong 11 tháng.

Mã Pí Lèng được du khách gọi một cách không chính thống là một trong "tứ đại đỉnh đèo" tại vùng núi phía Bắc Việt Nam, bên cạnh Đèo Ô Quy Hồ, Đèo Khau Phạ và Đèo Pha Đin.

Vị trí và đặc điểm:

Là con đèo nối liền 2 huyện Đồng Văn và Mèo Vạc chiều dài chỉ khoảng 20 km, cao 2.000m so với mực nước biển nhưng Mã Pí Lèng làm bất cứ ai đặt chân đến cũng phải ngợp, nỗi

Đỉnh Mã Pí Lèng thuộc ba xã Pải LủngPả Vi và Xín Cái (Mèo VạcHà Giang) trong cao nguyên đá Đồng Văn có độ cao khoảng 1.200m so với mặt nước biển, được tạo nên bởi một loạt trầm tích gồm đá vôiđá phiến ánh, đá vôi silic chứa các hóa thạch cách đây khoảng 426 triệu năm, bao gồm trong đó nhiều vết trượt và vết nứt do các hoạt động tạo núi gây ra. Cảnh quan khu vực này lởm chởm đá dựng, trong đó vực sâu sông Nho Quế như xẻ đôi một bên là đỉnh Mã Pí Lèng và một bên là Săm Pun (Sam Pun), nơi có cột mốc biên giới và cửa khẩu thông thương từ Xín Cái sang Điền BồngTrung Quốc. Các học giả Pháp, từ cả trăm năm trước, đã gọi đỉnh Mã Pí Lèng nói riêng và Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn nói chung là một "Tượng đài Địa chất". Đi trên đèo Mã Pí Lèng nhìn xuống vực sâu, sông Nho Quế chỉ bé như một sợi chỉ.

Lịch sử đèo Mã Pí Lèng

Trước đây, 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc với 8 vạn dân thuộc 16 dân tộc sống biệt lập với thế giới bên ngoài trong tình trạng đói nghèo và lạc hậu, hệ thống giao thông chỉ là đường mòn, đi lại bằng ngựa và chân người.

Ngày 10/9/1959, tuyến đường mang tên “Hạnh phúc” được khởi công, nối thị xã Hà Giang với 4 huyện vùng cao biên ải. Ngày 9/9/1963, tuyến đường đã vươn đến thị trấn Đồng Văn, được hoàn thành trong muôn vàn gian khổ của hàng ngàn thanh niên xung phong và sự góp sức của hàng ngàn dân công vùng cao.

Đoạn khó khăn nhất của tuyến đường “Hạnh phúc” chỉ còn lại khoảng 20km từ Đồng Văn sang Mèo Vạc, nhưng phải mất thêm gần 2 năm lao động vất vả nữa mới hoàn thành. Đoạn đường này chính là đèo Mã Pí Lèng - tên gọi theo tiếng Quan Hỏa là “sống mũi con ngựa” theo nghĩa đen, còn hiểu rộng ra là sự hiểm trở của dốc cao dựng đứng, tương truyền ngựa cái leo chưa đến đèo đã trụy thai mà chết, ngựa đực chưa vượt qua đèo đã tắt thở.

Để thi công đoạn đèo này, hàng trăm thanh niên xung phong đã được truy điệu sống trước khi thay nhau treo mình trên vách đá để đục từng thớ đá, lỗ mìn, kéo dài con đường thêm từng đoạn ngắn. Chính vì vậy, đoạn đèo Mã Pí Lèng 9 khoanh dài 20km được coi là công trình “Vạn Lý Trường Thành” của Việt Nam. 

Ngày 15/6/1965, toàn bộ tuyến đường đã hoàn thành như một kỳ tích, mang đến niềm hạnh phúc cho người dân biên ải, nhưng kèm theo là sự mất mát, 14 thanh niên xung phong đã vĩnh viễn nằm lại trên cao nguyên đá Đồng Văn.

Tuyến đường “Hạnh phúc” với đèo Mã Pí Lèng đạt nhiều kỷ lục nhất trong lịch sử làm đường ở nước ta. Thi công gian khổ nhất, vượt qua vùng núi đá cao nhất, thời gian thi công lâu nhất. Với trên 2 triệu ngày công, đục khoét gần 3 triệu mét khối đá, không có sự hỗ trợ của máy móc, chỉ lao động thủ công với công cụ thô sơ: cuốc, thuổng, búa, xà beng... trong sự quấy nhiễu của thổ phỉ và thiếu thốn mọi mặt về vật chất, nhưng đã thành công vang dội.

Sau khi hoàn thành, Đèo Mã Pí Lèng tuy không dài nhưng là con đèo hiểm trở bậc nhất ở vùng núi biên viễn phía Bắc và cũng được ví như "vua" của các con đèo Việt Nam. Cung đường đèo ban đầu được mở chỉ đủ rộng chỗ cho người đi bộ và xe ngựa thồ, về sau được mở rộng hơn cho ô tô nhưng vẫn rất nguy hiểm vì những đoạn cua tay áo và mặt đường lổn nhổn đá hộc, hai ô tô rất khó tránh nhau.

Hiện, cung đường Mã Pí Lèng nối liền Đồng Văn và Mèo Vạc trong đó có đoạn đèo 9 khoanh dài 20km về sau trở thành một kỳ tích mà nhiều người ví như một Vạn Lý Trường Thành của Việt Nam hay Kim Tự Tháp của người Mèo. Trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng, cũng là nơi cao nhất của Đường Hạnh Phúc, hiện có một trạm dừng chân cho du khách ngoạn cảnh và tại đây đặt một tấm bia đá ghi lại những dấu ấn trong quá trình xây dựng đường đèo.

Hoạt động du lịch:

Sau này, với phương tiện máy móc hiện đại, tuyến đường “Hạnh Phúc” nhiều lần được tu sửa mở mang ngày càng to rộng, và cung đèo Mã Pí Lèng hiểm trở đã thành di sản đặc sắc về địa chất, cảnh quan. Từ năm 2009, khu vực Mã Pí Lèng đã được công nhận là di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.

Với du khách, đèo Mã Pí Lèng đã trở thành điểm đến không thể bỏ qua trong các tuyến du lịch cao nguyên đá Đồng Văn, bởi cảm giác phiêu diêu và cảnh sắc trên đèo sẽ làm mê mẩn bất kỳ ai có dịp chiêm ngưỡng, khám phá.

Bắt đầu hành trình chinh phục đèo Mã Pí Lèng, từ trung tâm Đồng Văn hướng về Mèo Vạc, du khách sẽ vượt qua những đoạn dốc quanh co ôm lấy những ngọn núi tai mèo kỳ vĩ, ngang qua những triền ngô xanh mướt, những nếp nhà mộc mạc, thi thoảng lại bắt gặp sắc màu thổ cẩm của người Mông nơi biên ải...

Để rồi ngỡ ngàng khi đặt chân tới đỉnh đèo Mã Pí Lèng ở độ cao 2000 mét, nơi có trạm dừng chân cho du khách thỏa thích ngoạn cảnh, và các bia đá ghi lại những dấu mốc trong quá trình xây dựng tuyến đường “Hạnh Phúc”. Đây là một trong những điểm ngắm toàn cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam, núi tiếp núi trập trùng ngoạn mục, du khách tưởng như đang đứng giữa lưng trời, “tay chạm mây bay, tóc vờn gió núi”.

Phía dưới đường đèo Mã Pí Lèng còn là hẻm vực thăm thẳm, với dòng sông Nho Quế xanh màu ngọc bích, kéo dài xa tít như kẻ một đường chia hai nửa giang sơn. Nơi đây cũng được mệnh danh là hẻm vực hùng vĩ nhất Đông Nam Á. 

Quá khứ gian khổ hào hùng, cảnh sắc ngoạn mục khó mà diễn tả hết bằng lời, chừng đó đủ để Đèo Mã Pí Lèng xứng đáng với ngôi “vua” của các cung đèo ở Việt Nam, hàng năm thu hút lượng lớn du khách đến thưởng ngoạn.

Khám phá 9 địa điểm ở Hà Giang

Đèo Mã Pì Lèng

934

Thung lũng Sủng Là

503

Cao nguyên đá Đồng Văn

555

Phố cổ Đồng văn

925

Dinh Vua Mèo

568

Núi Đôi Quản Bạ

787

Điểm phượt gần Đèo Mã Pì Lèng