Lễ hội Lồng Tông được tổ chức tại thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang vào ngày mùng 8 tháng Giêng hàng năm. Đây là một lễ hội mang đậm bản sắc văn hoá của dân tộc Tày nhằm cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, dân chúng an lành...
Lễ hội Lồng Tông theo nghi thức truyền thống, người ta dựng một kệ tồng 3 tầng làm bằng tre ở giữa khu ruộng lớn, đây là nơi đặt các mâm có chứa đồ lễ để cúng thánh thần, Thần Nông, Thổ Địa .
Ngày tổ chức lễ hội Lồng Tông, khi trời hửng sáng, mặt trời bắt đầu lên cũng là lúc đoàn rước mâm tồng ra nơi làm lễ. Đi đầu là 7 thanh niên trai tráng, mỗi người cầm trên tay một cành lá cây vừa đi vừa vung vẩy, theo quan niệm của đồng bào là để xua đuổi tà khí, rủi ro. Đi sau là đoàn múa lân, tiếp đến là thầy Cả (người cúng chính của buổi lễ) và các thầy giúp việc. Theo sau là 9 mâm tồng được các thiếu nữ đội trên đầu. Lễ vật gồm có gà luộc, các loại bánh, các loại hạt giống lúa, ngô, lạc, đỗ tương, hoa quả và rượu trắng. Các mâm lễ được đặt thứ tự lên kệ Tồng, tầng trên cùng gọi là thượng án là nơi mâm Tồng chính lễ, tầng thứ 2 là Trung án và tầng thứ 3 là Hạ án, mỗi tầng đặt 4 mâm, tất cả đều quay về hướng chính Đông nơi có núi Bách Thần sừng sững.
Sau khi Thầy Cả làm lễ đặt mâm Tồng là đến lễ tạ ơn và lễ cầu sự ấm no, hạnh phúc. Một phần quan trọng không thể thiếu trong lễ Lồng Tông đó phần cầu mưa và lễ cày ruộng, sau đó là phần cấy lúa, gieo hạt được thể hiện tượng trưng qua màn múa của các em học sinh.
Bước sang phần hội, hoạt động đầu tiên đặc trưng nhất, đông vui nhất là hội tung còn, đây là trò chơi nhưng cũng là một nghi thức không bao giờ thiếu trong lễ hội Lồng Tông. Trên cây còn treo 3 vòng nhật nguyệt, tượng trưng cho Thiên - Địa - Nhân (trời, đất và con người). Theo quan niệm của đồng bào, còn phải được ném thủng và nếu thủng trước giời chính Ngọ thì năm đó mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu. Trong hội còn tổ chức các hoạt động vui chơi khác như kéo co, thi nấu ăn, thi văn nghệ... thu hút đông đảo đồng bào các dân tộc tham gia và cổ vũ.
Lễ hội được tổ chức hàng năm vào ngày mùng 4 tháng Giêng tại Đình Tân Trào và Quảng trường Tân Trào thuộc Khu dic tích Tân Trào huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang. Đây là Lễ hội cầu mùa của làng Kim Long xưa (nay do 3 thôn Tân Lập, Lũng Búng và Mỏ Ché thực hiện).
Lễ hội chính thức bắt đầu ở Đình Tân Trào, ngôi đình đã gắn liền với đời sống của nhân dân Tân Trào và đối với toàn thể dân tộc Việt Nam. Lễ hội Cầu mùa tại Đình Tân Trào có ý nghĩa cả về mặt tâm linh cũng như giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Lễ hội cầu mùa gồm 2 phần lễ và hội. Phần lễ được tổ chức hết sức thành kính và trang nghiêm tại Đình Tân Trào. 8 mâm cỗ lần lượt được 8 thanh niên bưng vào đền để làm lễ. Sau khi tiếng chiêng, trống vang lên, mọi người đều phủ phục để tỏ lòng biết ơn đến vị Thành Hoàng làng và tám vị Đại vương. Năm nay, phần nghi lễ trong đình do 3 ông Hương đình đảm nhận.
Sau khi hành lễ tại Đình Tân Trào là lễ rước kiệu Thành Hoàng làng từ Đình Tân Trào tới Quảng trường Tân Trào để tổ chức tiếp phần hội. Các trò chơi dân gian được đông đảo nhân dân và du khách tham gia như bắt trạch, kéo co, tung còn, leo cầu vồng. Trò chơi bắt trạch trong chum do một đôi trai gái thực hiện và dâng đôi trạch bắt được tại kiệu Thành Hoàng làng (lúc này được đặt trang trọng trước khán đài).
Tại phần hội còn có các tích trò tái hiện lại cảnh sinh hoạt của người nông dân như cày bừa, bắt tôm cá,... và cả những tích trò mang tính chất giáo dục nhân văn sâu sắc như: Thầy đồ dạy học, làm then tìm vợ, bán thuốc nam.
Đền Hạ được xây dựng dưới thời hậu Lê năm 1738, thờ Mẫu thần nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân địa phương. Lễ hội đền Hạ là lễ hội lớn nhất trong năm của người dân thị xã Tuyên Quang. Lễ hội diễn ra từ 11 đến 16 tháng Hai âm lịch hàng năm.Đây là nét sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của nhân dân thị xã Tuyên Quang trong dịp đầu năm, cầu cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng tươi tốt, mọi người được khoẻ mạnh.
Ngày 11 và 12-2 là ngày chính lễ. Từ 6 giờ sáng ngày 11-2, nhân dân và khách thập phương tập trung tại đền Ỷ La để rước bà Phương Dung công chúa từ đền Ỷ La ra đền Hạ. Tiếp đến ngày 12 mọi người lại tề tựu đông đủ tại đền Thượng, xã Tràng Đà để tham gia vào đoàn rước bà Ngọc Lân công chúa từ đền Thượng ra đền Hạ để hai bà gặp nhau tại đền Hạ. Dẫn đầu đoàn rước lễ là đội múa lân, cờ, trống, phường bát âm, tiếp đó là nhang án, kiệu bát cống kiệu võng, các cụ bô lão, những người hành lễ, du khách thập phương. Đoàn rước Mẫu đi đến đâu cũng có nhân dân nô nức ra xem, nhiều gia đình còn sắp một mâm lễ, đinh tiền, nén nhang chờ đoàn rước đi qua, cầu Mẫu mang phước lộc đến gia đình mình. Không chỉ xem, ngắm, hàng ngàn người từ trung niên, những cụ già 70, 80 tuổi đến những em bé cũng tự nguyện ngồi thành hàng dọc đường để được chui qua kiệu Mẫu.
Người xưa quan niệm được chui qua kiệu Mẫu, người già sẽ có sức khoẻ, trẻ con hay ăn chóng lớn, người người ăn nên làm ra...
Sau các phần lễ, phần hội được diễn ra với rất nhiều các trò chơi như: Đánh tổ tôm, tam cúc, cờ tướng, ô ăn quan, chọi gà, kéo co, hát văn... Ngày 16-2 âm lịch, nhân dân lại làm lễ hoàn cung đưa Mẫu trở về đền thờ riêng của mình để phù trợ, giữ yên cho muôn dân được an lành, làm ăn tấn tới.
Trong các ngày rước Mẫu, đền Hạ đông hơn gấp bội lần. Nhân dân tổ chức lễ tế. Đông đảo bà con nhân dân, du khách thập phương hoà trong âm hưởng của các bài tế mừng Mẫu. Bên cạnh những bài tế, là lễ vật dâng thánh Mẫu gồm oản, xôi, hoa quả... Tất cả thể hiện tấm lòng biết ơn trời đất, Thánh Mẫu Thượng ngàn che chở cho nước thịnh, dân an, mùa màng tươi tốt.
Lễ hội giã cốm (khẩu mẩu, lẩu then) của đồng bào dân tộc Tày Chiêm Hoá là lễ hội truyền thống sau mỗi vụ thu hoạch lúa, thể hiện sự biết ơn của người dân đối với đất trời đã cho mùa màng tốt tươi, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lễ hội giã cốm khẳng định trình độ sản xuất nông nghiệp của bà con, không khuất phục trước thiên tai dịch họa để cho cây lúa trĩu bông, thóc lúa đầy bồ. Lễ hội được tổ chức hàng năm vào dịp tháng 9, tháng 10 âm lịch.
Khi lúa nếp cái bắt đầu chắc hạt, gia đình trưởng họ xem ngày lành, tháng tốt, nhờ chị em trong dòng họ nhặt lúa thành cum, đem lạt buộc thành túm nhỏ, đào lò, đan một miếng phên vuông đậy lên miệng lò, chất củi đốt rồi hơ cho lúa chín, để nguội rồi đem vào cối giã thành hạt cốm thơm ngon, để tế dâng lên Ngọc Hoàng Thượng đế và các vị Thần linh. Đây coi như một lễ báo công tạ ơn Ngọc Hoàng Thượng đế và các vị Thần đã ban cho muôn dân mùa màng tốt tươi, mọi nhà no ấm.
Không chỉ có vậy, lễ hội giã cốm còn là dịp để các đôi trai làng, gái bản đua sức đua tài, tìm bạn kết duyên. Với nhịp chày khua đều đặn, khỏe khoắn tạo thành những âm điệu rộn ràng vang vọng khắp núi rừng làng bản với hai người cầm trịch, tiếng Tày gọi là “khửn khèng”, và bên nam bên nữ thi nhau giã gọi là “kéng mưởn”. Âm thanh chuyển điệu thành ba nhịp, nhịp đầu gọi là "kéng mưởn", có nghĩa là giã mướn, nhịp hai "tắm húc" có nghĩa là dệt vải, nhịp ba gọi là "khắp kha" có nghĩa là kẹp chân. Cứ ba nhịp chuyển điệu đều đặn suốt canh này sang canh khác có khi còn đến sáng.
Lễ hội giã cốm tại đêm văn nghệ dân ca, trình diễn thời trang các dân tộc "Âm vang Bản Ba" có thể nói là một điểm nhấn, nét tươi mới trong các lễ hội ở Chiêm Hóa. Với những nghi thức truyền thống, lễ hội giã cốm thể hiện sức sống, tinh thần lễ hội đặc sắc mang lại cho những du khách và cả những người dân bản địa được sống trong một cảm giác linh thiêng. Những nhịp giã chuyển điệu rộn ràng làm xốn sang lòng người, tạo nên nét đặc sắc của riêng một lễ hội có từ lâu đời.
Hàng năm vào ngày mồng 6 Tết âm lịch, hàng nghìn người dân ở khắp các nơi trong và ngoài huyện Sơn Dương lại tìm về làng Như Xuyên, xã Đồng Quý để vui lễ hội làng.
Lễ hội gồm 2 phần. Phần lễ được tổ chức tại đình làng với các nghi lễ tâm linh thể hiện sự tôn kính của nhân dân với các vị Vương tổ của người Cao Lan, với Thành Hoàng làng và các vị thần, cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân dân được mạnh khỏe, bình yên, no ấm.
Phần hội được tổ chức tại sân đình, trên bờ và dưới mặt nước hồ Như Xuyên với các tiết mục hát Sình Ca của dân tộc Cao Lan, các trò chơi dân gian, tung còn, đánh yến, đua thuyền, chọi gà…
Lễ hội là dịp để xã duy trì và phát triển các tiết mục văn hóa đặc sắc của địa phương, đặc biệt là các làn điệu Sình Ca dân tộc Cao Lan. Đây cũng chính là điểm nhấn quan trọng, thu hút du khách về với lễ hội.
Trong ngày lễ hội, dưới gốc đa hàng nghìn năm tuổi tại đình làng, các làn điệu Sình Ca ca ngợi mùa xuân quê hương đất nước tha thiết, ngọt ngào được đội văn nghệ thôn thể hiện làm say lòng du khách. Các trò chơi dân gian; tung còn, đánh yến, chọi gà, đua thuyền trên hồ Như Xuyên diễn ra càng làm cho không khí lễ hội thêm phần sôi động náo nhiệt.
Đình làng Giếng Tanh thuộc làng Giếng Tanh, xã Kim Phú, huyện Yên Sơn, là nơi tâm linh tín ngưỡng thể hiện bản sắc cộng đồng cư dân sống trên đất Giếng Tanh. Trong năm đình làng Giếng Tanh diễn ra nhiều lễ hội, lễ hội chính được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm.
Ngoài ngày lễ chính còn có các ngày lễ phụ: Lễ khai xuân tổ chức vào ngày mùng 2 tháng Giêng; Lễ cúng cơm mới tổ chức vào ngày 15 tháng 8 âm lịch; Lễ Thượng điền tổ chức vào ngày 9 tháng 11 âm lịch; Lễ Khép ấn tổ chức vào ngày 25 tháng 12 âm lịch. Các ngày lễ phụ tổ chức đơn giản: Thắp hương, dâng lễ là sản vật địa phương làm ra (cúng cơm mới) để tưởng nhớ, biết ơn tổ tiên đã tạo dựng nơi cư chú, cầu mong có cuộc sống yên vui, hạnh phúc.
Ngày hội chính được tổ chức trọng thể có đủ cà phần lễ và hội Phần Lễ mở đầu ngày hội có 7 người tham gia gồm: Chủ tế, xướng tế, người đọc văn tế và 4 chấp Dư (chủ tế mặc áo đỏ, còn lại tất cả mặc áo xanh). Phần tổ chức cúng tế trong đình theo nghi thức cổ truyền, nội dung chủ yếu là cầu cho mưa thuận, gió hoà quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, gia súc sinh sôi... Phần tế lễ nghiêm trang thành kính nhưng không thể hiện mê tín dị đoan mà thuần khiết là tâm linh tín ngưỡng. Khi kết thúc cúng tế, phần hội bắt đầu bằng Lễ tung còn thu hút nhiều người tham gia và náo nhiệt nhất. Các trò chơi đấu vật, kéo co, biêu diễn nghệ thuật... cũng đồng thời diễn ra trong một không khí hội hè sôi động tưởng chừng không dứt. Hội đình làng Giếng Tanh thực sự góp phần xây dựng đời sống văn hoá, tinh thần của cộng đồng các dân tộc Kim Phú.
Hàng năm vào mồng 2 Tết Nguyên đán, bà con dân tộc Cao Lan xã Thành Long (Hàm Yên) tổ chức Lễ hội Khai nhạc. Các tiết mục trong lễ hội thể hiện những nét văn hoá truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Cao Lan.
Lễ hội Khai nhạc nằm trong nghi lễ trả nợ (đám tang, đám chay) của 4 dòng họ của dân tộc Cao Lan: Hoàng, Lương, Lý, Hà. Từ sáng sớm các con cháu tổ chức lễ rước kiệu tổ tiên, tổ tông, thần linh từ nhà ra đồng (ngoài đồng dựng sẵn cái rạp đã lập đàn), sau đó thầy (thầy mo) đánh ba hồi trống bắt đầu lễ Khai nhạc. Lễ Khai nhạc kết thúc thì nghi lễ trả nợ cũng hoàn thành. Thầy làm phép khai binh khiển tướng, cấp lễ hội này cho tổ tiên, tổ tông, thần linh. Coi như con cháu đã trả nợ xong công ơn của các bậc đã phù hộ cuộc sống của họ được bình yên, hạnh phúc trong nhiều năm qua. Nghi lễ trả nợ không phải lúc nào cũng có mà chỉ khi có nợ với tổ tiên, tổ tông, thần linh. Tức là đời ông, bà, cha, mẹ trước kia nuôi con, cháu khó, trâu bò, lợn gà khó, mùa màng thất thu... đã khấn các vị phù hộ. Sau khi được phù hộ, việc trong nhà ngoài ngõ thuận buồm xuôi gió là đến lúc họ phải làm lễ trả nợ. Đời bố không trả được thì đến đời con, đời cháu, tuyệt đối không được để quá 3 đời. Các đồ cúng tế trong nghi lễ là trâu (họ Hoàng), bò (họ Lương), lợn (họ Lý, Hà).
Lễ Khai nhạc gồm 10 điệu múa: Tập thể, Khai đao mở đường, Mời thần an toạ, Bồ câu xoè cánh, Khỉ giã gạo, Xúc tép, Dâng hương, Dâng trà, Dâng rượu, Khai đèn và 24 câu xướng. Hát xướng là hình thức phụ họa (hát đệm) để chuyển bài, qua đó tăng thêm tính hấp dẫn, nghiêm trang của lễ hội. 10 điệu múa trong lễ Khai nhạc thể hiện sự biết ơn tổ tiên, tổ tông, thần linh đã mang lại những điều may mắn cho con, cháu, người nhà khoẻ mạnh, trâu bò không bị ốm, mùa màng tốt tươi. Hiện nay, các tiết mục múa trong phần lễ Khai nhạc của nghi lễ trả nợ được các nghệ nhân dân tộc Cao Lan lưu giữ và thể hiện dưới hình thức sân khấu hoá. Các tiết mục này đều dùng công cụ chủ đạo là trống cái - thầy đánh trống, các đồng nhi (tồng nhi - diễn viên múa) múa theo tiếng trống. Diễn viên múa không phân biệt lứa tuổi, nam - nữ. Người đánh trống giữ vai trò chủ đạo, xuyên suốt trong bài múa, điệu múa. Mỗi một hồi trống gắn với một động tác khác nhau. Sau mỗi điệu múa người đánh trống sẽ hát xen vào 2 câu xướng - coi như là nhạc dạo để các đồng nhi chuẩn bị cho điệu múa tiếp theo.
Hiện nay để lưu giữ nghi lễ truyền thống này hàng năm vào mồng 2 Tết Nguyên đán bà con dân tộc Cao Lan xã Thành Long lại mở hội Khai nhạc. Tại buổi lễ bà con chuẩn bị một mâm cỗ đơn giản vái thần Hoàng Làng, sau đó tập trung tại nhà già làng (thầy mo) mở hội. Lễ hội Khai nhạc thu hút đông đảo bà con trong xã tham gia, không kể dân tộc, dòng họ. Họ đến lễ hội vừa để vui xuân đón tết, vừa để học những điệu múa truyền thống của đồng bào dân tộc Cao Lan.
Lễ hội Lồng tông là Lễ hội độc đáo của đồng bào dân tộc Tày. Cho đến nay, lễ hội này vẫn còn giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo cần được bảo tồn và phát huy. Ở Bản Cuống, xã Minh Quang, huyện Chiêm Hóa, Lễ hội Lồng Tông ở đây đang được gìn giữ và phát triển làm phong phú thêm kho tàng văn hóa các dân tộc tỉnh nhà.
Khác với nhiều địa phương khác, Lễ hội Lồng tông ở xã Minh Quang, huyện Chiêm Hóa được diễn ra vào buổi chiều ngày mồng 3 tết. Đây là thời gian mà đồng bào nơi đây đã hoàn tất mọi lễ nghi ngày tết ở gia đình. Nơi được chọn tổ chức Lễ hội bao đời nay là cánh đồng ở Bản Cuống, xã Minh Quang. Dưới chân ngôi đền thờ Bó Cuống, một ngôi đền thờ vị tướng quân Ma Doãn Giáo, người đã có công lao to lớn cùng nhân dân đánh giặc “Cờ đen” hồi cuối thế kỷ XIX được nhân dân phong thánh. Phần lễ của Lễ hội Lồng tông, xã Minh Quang gắn liền với tín ngưỡng thờ các vị thần trên đền Bó Cuống của đồng bào dân tộc Tày nơi đây
Đến nay, người dân Bó Cuống vẫn để ra 3 thửa ruộng riêng để dành cho Lễ hội hàng năm. Một thửa ruộng dành để bày mâm “tồng” gọi là Nà Mo, thửa để treo trống hội, dựng cây còn. Đồng bào nơi đây giữ các thửa ruộng này như một mảnh đất thiêng, đem lại may mắn, ấm no cho cả bản.
Phần hội ở Lễ hội Lồng Tông xã Minh Quang luôn thu hút được sự hưởng ứng tham gia của nhân dân từ các trò chơi dân gian như tung còn, đi cầu leo, cầu lút, đánh yến, đánh pàm. Đây là những trò chơi đã được đồng bào dân tộc Tày lưu giữ từ bao đời nay.
Năm nay, Lễ hội Lồng tông Bản Cuống đã được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch giúp đỡ khôi phục những nét văn hóa đặc sắc, quy mô của Lễ hội cũng được mở rộng trở thành Lễ hội Lồng tông của xã Minh Quang. Từ đây, cứ đến ngày mồng ba tết, nhân dân các dân tộc trong xã và các vùng lân cận lại có thêm một địa chỉ văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc.
Là năm đầu tiên tổ chức Lễ hội cấp xã, nhưng Lễ hội Lồng Tông ở bản Cuống, xã Minh Quang đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo bà con trong vùng. Ngoài các trò chơi dân gian, xã còn tổ chức lễ hội ẩm thực để đồng bào nơi đây có dịp giới thiệu với du khách gần xa những món ăn đặc sản từ chính những sản vật quê hương. Người dân Minh Quang hy vọng, trong năm tới, xã Minh Quang không chỉ có những vụ mùa bội thu mà còn có thu nhập đáng kể từ du lịch ở vùng quê giàu truyền thống văn hóa này.
Lễ hội Kim Bình được tổ chức ngày 14 tháng Giêng âm lịch hàng năm tại Xã Kim Bình cách trung tâm thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) 15 km. Đây là nơi có nhiều di tích lịch sử in đậm truyền thống cách mạng hào hùng, phong tục tập quán các dân tộc phong phú...
Lễ hội được tổ chức lần đầu vào năm 2012. Lễ hội không chỉ là dịp tăng cường công tác giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân mà còn tạo không khí vui tươi, phấn khởi động viên nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, tin tưởng vào đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc.
Lễ hội gồm hai phần: Lễ và Hội
Phần lễ dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ và nhà làm việc của Bác Hồ được tổ chức trang nghiêm.
Phần hội rộn ràng không khí mùa xuân với tiết mục múa Màng (múa cầu mùa) mang đậm nét quê hương của những chàng trai, cô gái Dao Tiền, thôn Bó Củng. Bên cạnh đó còn có những trò chới dân gian đặc sắc như hội tung còn, đánh bàm, đánh yến, chơi cù…
Lễ hội chọi trâu được tổ chức vào các ngày 10 và 11 tháng Giêng âm lịch, tại huyện Hàm Yên. Đây là một trong những lễ hội đặc sắc dịp đầu xuân luôn thu hút hàng vạn người về tham dự.
Tương truyền lễ hội chọi trâu Hàm Yên đã có từ rất lâu đời song trải qua những biến cố, thăng trầm nên đã có một thời gian dài gián đoạn, vài năm trở lại đây mới được khôi phục lại. Mặc dù trong quá trình tổ chức vẫn còn những bỡ ngỡ song bước đầu hội chọi trâu Hàm Yên đã tạo được ấn tượng với người dân địa phương và du khách xa gần. Chính vì vậy, vào những ngày diễn ra lễ hội, hàng vạn người đã đổ về sân vận động trung tâm của huyện để được tận mắt chứng kiến những trận đấu hấp dẫn và quyết liệt.
Hàng năm, lễ hội chọi trâu Hàm Yên luôn thu hút được sự tham dự của các chủ trâu đến từ các huyện trong tỉnh và từ các tỉnh bạn như: Phú Thọ, Thái Nguyên, Hà Giang, Hà Nội. Các trâu chọi khỏe mạnh, được chăm sóc và huấn luyện bài bản và được chia cặp đấu loại để tìm ta những đại diện xuất sắc đi vào vòng trong và tìm ra cặp trâu tốt nhất thi đấu chung kết.
Theo đúng phong tục của người dân bản địa, sau giải đấu, con trâu chiến thắng đã được hóa kiếp và mang về tế lễ tại Đền Bắc Mục.
Với mỗi người dân địa phương, hội chọi trâu Hàm Yên là dịp để tạ ơn trời đất, cầu mong cuộc sống hạnh phúc bình yên, làm ăn thịnh vượng và may mắn. Còn với huyện Hàm Yên, việc tổ chức lễ hội chọi trâu hàng năm gắn liền với mục tiêu phát triển và nhân rộng đàn trâu của huyện, từng bước xây dựng thương hiệu Trâu Hàm Yên, góp phần thúc đẩy kinh tế trên của huyện phát triển và xây dựng thương hiệu trâu Hàm Yên.