+84 983 035 435

Lán Nà Lừa

Hãy khám phá việt nam qua những địa điểm phượt vô cùng thú vị, thơ mộng và hùng vĩ.


Lán Nà Nưa (còn gọi là lán Nà Lừa) là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ cuối tháng 5/1945 đến ngày 22/8/1945 để chuẩn bị và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.

Đây là một căn lán nhỏ, nằm ở sườn núi Nà Nưa, dưới chân dãy núi Hồng, cách trung tâm làng Tân Lập 500m về phía đông. Địa điểm dựng lán đáp ứng được yêu cầu của Bác đề ra, đó là “gần nguồn nước, gần dân, xa đường quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái”. Lán được dựng theo kiểu nhà sàn của đồng bào miền núi, ẩn mình dưới những tán cây rậm rạp, cột làm bằng thân cây chôn xuống đất, rui mè bằng tre nứa, mái lợp lá gồi. Lán có hai gian nhỏ, gian bên trong là nơi Bác nghỉ ngơi, gian bên ngoài là nơi Bác làm việc và tiếp khách. Tại căn lán nhỏ đơn sơ này, nhiều văn kiện, chỉ thị, chủ trương, kế hoạch liên quan đến cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã được Bác Hồ soạn thảo.

Ngày 4/6/1945, tại lán Nà Nưa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập hội nghị cán bộ toàn khu để củng cố căn cứ địa cách mạng, thành lập khu giải phóng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành quân giải phóng, chuẩn bị cho hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội. Ngày 22/8/1945, Bác Hồ rời lán Nà Nưa về Hà Nội theo đường Đèo Khế, Cù Vân (Thái Nguyên). Bác cử một số đồng chí ở lại Tân Trào để chỉ huy kháng chiến, trong đó có đồng chí Phạm Văn Đồng, Lê Giản, Hoàng Văn Thái, Trần Thị Minh Châu

Vài nét về Lán Nà Nưa:

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/03/1945), cuộc khởi nghĩa ngày 10 /3/1945 tại Thanh La giành thắng lợi, Châu Tự Do được thành lập gồm các xã vùng thượng huyện Sơn Dương, có đủ điều kiện để Bác Hồ chọn làm nơi ở và làm việc, chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám.

Ngày 4/5/1945, Bác Hồ bắt đầu cuộc hành trình từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang) theo con đường Nam tiến mà Bác đã vạch ra cho đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ngày trước. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đang công tác tại phía nam căn cứ địa được tin, lên đón Người ở Chợ Đồn (Bắc Kạn). Người yêu cầu “Cần phải chọn ngay trong vùng Tuyên Quang hoặc Thái Nguyên một địa điểm có dân tốt, địa hình tốt làm trung tâm liên lạc giữa miền xuôi, miền ngược, ra nước ngoài, làm nơi ở và làm việc”.

Nhận chỉ thị, đồng chí Võ Nguyên Giáp trở về Kim Quan Thượng  (thuộc huyện Yên Sơn, cách Tân Trào 10km) bàn với đồng chí Song Hào, quyết định chọn Tân Trào, Sơn Dương, làm nơi đặt đại bản doanh của đồng chí Hồ Chí Minh 

Trải qua 18 ngày đêm xuyên rừng vượt suối, ngày 21/5/1945 Bác đến Tân Trào, nơi dừng chân đầu tiên của Bác là đình Hồng Thái, sau đó Bác vào làng Tân Lập ở và làm việc tại gia đình ông Nguyễn Tiến Sự (chủ nhiệm Việt Minh làng Kim Long). Hai nhân viên điện đài theo Bác suốt hành trình bố trí vô tuyến điện dưới các tán cây trong vườn nhà ông Sự, giữ liên lạc với quân Đồng Minh.

Ít ngày sau, để đảm bảo bí mật và tiện làm việc, Bác bàn với các đồng chí cán bộ địa phương dẫn Bác đi chọn địa điểm để ở và làm việc. Qua vài địa điểm, đến nơi căn lán bây giờ Bác đồng ý dựng lán.

Nà Lừa là một căn lán nhỏ, nằm ở sườn núi Nà Lừa, cách làng Tân Lập  500m về phía đông, được dựng theo kiểu nhà sàn của người miền núi, dưới các tán cây rậm rạp đảm bảo bí mật cũng như đáp ứng được yêu cầu của Bác đề ra: “Gần nước, gần dân, xa đường quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái”. Lán có hai gian nhỏ, gian bên trong là nơi Bác nghỉ ngơi, gian bên ngoài là nơi Bác làm việc và tiếp khách.

 Theo chỉ đạo của Bác và Tổng bộ Việt Minh, ngày 4/6/1945, Hội nghị cán bộ toàn Khu được tổ chức tại Tân Trào. Hội nghị đã quyết định thành lập Khu giải phóng; thống nhất các lực lượng vũ trang thành quân giải phóng; đề ra 10 chính sách lớn của Việt Minh. Tân Trào là Thủ đô lâm thời Khu giải phóng.

Một trong những chỉ thị của Bác khi đến Tân Trào là phải khẩn trương mở trường đào tạo cán bộ. Sau đó, ngày 25/6/1945, Trường Quân chính kháng Nhật khoá I khai giảng tại Khuổi Kịch, Tân Trào. Bác đến Trường thăm hỏi tình hình học tập và sinh hoạt của học viên.

Khi ở lán Nà Lừa, điều kiện làm việc của Bác hết sức gian khổ và khó khăn, những bữa ăn đạm bạc, chỉ có măng rừng chấm muối vừng, cơm chan nước chè xanh. Trước hoàn cảnh sống và làm việc như vậy, cộng với sự khắc nghiệt của núi rừng, sức khoẻ của Bác giảm sút. Cuối tháng 7/1945, giữa lúc tình hình trong nước cũng như thế giới đang tiến triển có lợi cho cách mạng, Bác ốm. Bác sốt liên miên, lúc tỉnh lúc mê, mọi người rất lo lắng, có người vào rừng tìm lá thuốc về sắc nước cho Bác, có người ra sông Phó Đáy bắt được con ba ba đem về cắt tiết nhỏ vào rượu cho Bác uống và cầu mong Bác mau khỏi bệnh.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp, lúc đó đang ở và làm việc tại gia đình ông Hoàng Trung Dân dưới làng Tân Lập, hàng ngày lên lán Nà Lừa báo cáo tình hình công việc với Bác. Một hôm, lên báo cáo công việc, thấy Bác rất yếu, đồng chí xin phép ở lại với Bác. Đêm ấy, tỉnh lại sau cơn sốt, Bác nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng cương quyết giành cho được độc lập”. Lúc khác Bác lại dặn: “ Lúc nào cũng phải chú trọng xây dựng chi bộ, bồi dưỡng cán bộ đảng viên và các phần tử trung kiên, trong chiến tranh du kích lúc phong trào lên ta phải hết sức phát triển, vừa phát triển vừa chú ý xây dựng căn cứ cho thật vững chắc đề phòng lúc khó khăn mới có chỗ đứng chân được”. Những lời dặn dò, khẳng định quyết tâm và tấm lòng khát khao giành độc lập của Bác.

Hôm sau, đồng chí Võ Nguyên Giáp cử người báo cáo tình hình sức khoẻ của Bác với Trung ương và tìm người chữa bệnh. Nhờ sự mách bảo của nhân dân, có một cụ lang già đến chữa bệnh cho Bác. Sau khi xem mạch, cụ lang  vào rừng và đem về một thứ củ gì đó, đốt cháy, hoà vào cháo loãng mời Bác uống. Sau một vài lần như vậy, Bác đỡ dần và tiếp tục làm việc ngay.

Cao trào kháng Nhật đang phát triển rất mạnh, cuộc chiến tranh Châu Á - Thái Bình Dương sắp kết thúc. Bác chỉ thị tổ chức gấp Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội. Người nói với Thường vụ Trung ương: “Nên họp ngay và không nên kéo dài Hội nghị, chúng ta phải tranh thủ từng giây phút. Tình hình sẽ chuyển biến nhanh chóng, không thể để lỡ cơ hội”.

Ngày 13/8/1945, tại khu rừng Nà Lừa Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng khai mạc trong không khí hết sức khẩn trương. Hội nghị quyết định phát động toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Uỷ ban khởi nghĩa được thành lập, 23h ngày 13/8/1945, ra bản quân lệnh số I, hạ lệnh toàn dân đứng dậy giành chính quyền.

Ngày 15/8/1945, sau khi được tin Nhật chính thức đầu hàng quân Đồng Minh vô điều kiện, Bác Hồ đã đề nghị Hội nghị nên kết thúc sớm để đại biểu còn kịp về các địa phương lãnh đạo khởi nghĩa. Ngày 16 và 17/8, Bác dự Quốc dân Đại hội tại đình Tân Trào, được Đại hội bầu làm Chủ tịch Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam.

Ngày 22/8, Bác Hồ rời căn lán Nà Lừa về Hà Nội theo đường Đèo Khế, Cù Vân (Thái Nguyên). Bác cử một số đồng chí ở lại Tân Trào, trong đó có đồng chí Phạm Văn Đồng, Lê Giản, Hoàng Văn Thái, Trần Thị Minh Châu...

So với cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, ba tháng Người sống và làm việc tại Tân Trào là một khoảng thời gian rất ngắn. Nhưng chính từ căn lán đơn sơ trên khu rừng Nà Lừa, với  những nhận định đúng đắn, những quyết sách kịp thời, táo bạo về thời cơ cách mạng, Bác Hồ đã chỉ đường cho toàn dân vươn tới một bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử vĩ đại. Từ bước ngoặt đó, dân tộc Việt Nam đã chấm dứt những ngày tháng nô lệ, bước sang kỷ nguyên độc lập, tự do.

 

Khám phá 7 địa điểm ở Tuyên Quang

Thác Mơ

532

Khu DT Tân Trào

977

Sông Gâm

573

Thác Bản Ba

840

Khu DLST Nà Hang

801

Suối khoáng nóng Mỹ Lâm

355

Điểm phượt gần Lán Nà Lừa