Bài chòi là một loại hình nghệ thuật dân ca và trò chơi dân gian đặc trưng của ông cha xưa còn lại đến ngày nay ở miền Trung Việt Nam nói chung và trên mảnh đất Quảng Nam nói riêng. Cứ vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, người dân trong các làng ở Quảng Nam lại rộn ràng chuẩn bị dựng chòi kê ván chuẩn bị cho Hội bài chòi.
Hội bài chòi được khai mạc từ tờ mờ sáng mồng 1 Tết. Những cụ già có vai vế trong làng làm lễ cúng thần linh, thổ địa, thành hoàng... cầu cho một năm mới gặp nhiều điều an lành, mùa màng bội thu, làng xóm trù phú. Trong khi đó, tiếng trống hội liên tục vang lên báo hiệu và thôi thúc dân làng đến chơi và nghe hô hát bài chòi. Nhân dân làng trên, xóm dưới trong những bộ trang phục đẹp nhất nô nức đến chơi bài chòi đầu năm tìm sự may mắn.
Theo các tài liệu nghiên cứu văn hóa dân gian, nếu đúng thể thức thì khi chơi bài chòi, người ta dựng 11 chiếc chòi cao từ 2 đến 3 thước, bên trái có 5 chòi và bên phải có 5 chòi, gọi là chòi con và 1 chòi ở chính giữa là chòi trung tâm hay còn gọi là chòi cái. Thông thường dân gian chơi bài chòi cốt để giải trí, để nghe anh hiệu gõ mõ, hô bài chòi diễn xướng mang đậm tính chất nghệ thuật dân gian. Ở đây âm nhạc là nhịp gõ, nhịp trống, kết hợp nhuần nhuyễn với lời hô hát. Lời hô mang nghĩa văn chương bình dân mộc mạc, hình mỗi con bài thì mang dáng vẻ họa tiết cách điệu theo phong cách dân gian.
Chơi bài chòi thực hiện theo mỗi chòi con (10 chòi) được phát 3 con bài, trên thân bài có tên con bài, tất cả là 30 con bài (gọi là bài nọc). Ở chòi cái có một cái ống tre lớn dùng để đựng bài cái. Khi trống thúc liên hồi báo hiệu hội bài chòi bắt đầu, những người đánh bài chòi vào chòi con, tay cầm 3 con bài do họ tự chọn lựa ngẫu nhiên. Anh hiệu (người hô) bước ra ống thẻ cái, xóc đi xóc lại rồi chậm rãi rút từng con bài. Mỗi lần rút bài anh hiệu hô câu thai tên con bài. Chòi nào có đúng quân bài đó thì người chơi cầm mõ gõ lên ba tiếng cắc, cắc, cắc hoặc xướng to lên "ăn rồi" thì anh hiệu sẽ sai ngưòi phụ việc đến trao cho một cây cờ đuôi nheo nhỏ. Đến lúc chòi con nào ăn đủ 3 con (được 3 cờ) thì hô "tới" và gõ một hồi mõ kéo dài, lúc này trống tum, trống cán ở chòi cái đánh vang lên báo hiệu có người thắng/tới. Thông thường cuộc chơi từ 8 đến 10 hiệp là hết một ván bài chòi, lưu lại một hiệp/ ván cho ban tổ chức dùng để chi phí và sau đó tiếp tục kẻ bước xuống người bước lên chòi chơi ván khác.
Hội bài chòi ở Quảng Nam vừa mang trong nó hơi thở nóng hổi của cuộc sống hiện đại, vừa chứa đựng vẻ dịu dàng, duyên dáng của một nét văn hóa truyền thống đầy ý nghĩa. Chính vì thế, hội bài chòi đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa, là món ăn tinh thần không thể thiếu được của nhiều tầng lớp nhân dân trong tỉnh, thu hút cả người già và lớp trẻ ở mọi vùng miền, không những trong dịp tết mà còn ở các lễ hội của địa phương.
Lễ hội Cộ Bà Chợ Được là nét văn hoá đặc trưng mang đậm yếu tố tâm linh, tín ngưỡng của người dân xứ Quảng. Lễ hội diễn ra vào 2 ngày mồng mười và mười một tháng giêng âm lịch hằng năm tại Lăng Bà (Thôn Phước Ấm- Chợ Được- xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam).
Lễ hội gồm các lễ cầu an, truy niệm Đức Bà, rước Cộ Bà và một số trò diễn xướng dân gian. Theo truyền thuyết, vào năm 1852 (năm Tự Đức thứ 5) một lần Bà vân du qua thôn Phước Toản (Phước Ấm) thấy nơi đây có cỏ cây rậm rạp, thôn cư hẻo lánh, trông ra bóng nắng trên cát chói loà nhưng phong cảnh lại hữu tình nên Bà muốn quy tụ thành chợ. Sau này dân chúng gọi nơi đây là Chợ Được (”Được” hiểu theo nghĩa “đắc thị”). Để tri ân việc Bà dựng chợ và phù trợ cho dân chúng làm ăn phát đạt, thịnh vượng người dân đã lập lăng thờ Bà. Theo Thần phả ghi: vào năm Thành Thái thứ 6 Bà được triều đình sắc phong “Trai thục dực bảo trung hưng trung đẳng thần”.
Từ sắc phong đó lễ rước Cộ Bà ra đời. Lễ rước Cộ Bà vừa mang ý nghĩa phụng tự vừa mang ý nghĩa sinh hoạt diễu hành tín ngưỡng dân gian.
Hội cộ chỉ diễn ra ban đêm, sau khi các vị cao niên trong làng tiến hành xong phần lễ diễn ra ở lăng thờ Bà, các món cúng đều là các món chay, sắc phong do sáu người khiêng sẽ dẫn đầu đoàn cộ (được đặt trên các xe bò đẩy đi), có phường bát âm, trung đại cổ cùng cờ phướn, tàn lọng, người dân hai bên đường bày hương án đốt cung kính nghinh đón, lệ đó đến nay vẫn còn. Nghệ nhân làng cộ có tài chọn trích đoạn diễn Cộ như Thánh Gióng đuổi giặc Ân, Hai Bà Trưng đánh Tô Ðịnh… để từ quan chí dân, từ trẻ đến già ai nhìn vào cũng biết.
Làm bàn cộ chuẩn bị lễ hội
Kiệu Bà là một ngai sơn son thiếp vàng trên phủ lễ phục bằng nhung gấm màu đỏ, Kiệu được cung nghinh từ chính điện của lăng đưa ra sân với 6 người khiêng phục trang áo nẹp, nón chóp, phụng tống 2 bên là các bô lão, nhân sĩ và chức sắc địa phương.
Đi đầu đoàn rước Cộ Bà là các cộ hoa được trang trí rực rỡ bằng hoa lá, giấy ngũ sắc và vải lụa đủ màu phục hiện các tuồng tích xưa trong lịch sử dân tộc.
Sau lễ rước Cộ Bà mới đến phần hội thực sự gồm: múa lân, đua thuyền, hát bội, các hoạt động thể dục, thể thao….đặc biệt là hội đua thuyềntrên sông Trường Giang.Ðã thành lệ, hội đua thuyền mỗi năm không thiếu các ghe đua đến từ khắp nơi như Hội An, Duy Xuyên, Ðại Lộc, Núi Thành… Ðó là một cuộc so tài, đọ sức, đấu trí quyết liệt góp phần làm lễ hội càng thêm sôi động.
Lễ hội thu hút đông đảo cư dân địa phương và các đại phương lân cận đến tham gia.
Lễ hội Cầu Bông được tổ chức vào mùng Bảy tháng Giêng âm lịch hằng năm ở tại làng Trà Quế, thuộc xã Cẩm Hà, thành phố Hội An tỉnh Quảng Nam. Lễ hội Cầu Bông có ý nghĩa như một nghi lễ mở mùa cho một năm mới. Hàng trăm gia đình lo sắm sửa lễ vật dâng cúng và cầu mong một năm mưa thuận, gió hoà, mùa rau bội thu, nhà nhà no ấm.
Trước hết là lễ Nghinh thần (rước thần), từ sáng sớm người dân ở 2 làng đã tụ hội về đình làng, nhà thờ Tiền hiền để nghinh thần. Cờ phướng dâng cao, kiệu hoa quả tươi, lư hương và án thờ được bốn chàng trai làng vận lễ phục khiêng đi. Trước đoàn rước là hai hàng cờ, biển, theo sau kiệu thần là trống chiêng, đồ gia lễ, đội nhạc cổ và các nghệ nhân, các bô lão trong sắc phục áo dài, khăn đóng diễu qua các ngõ làng, thôn xóm. Lễ nghinh thần của làng rau Trà Quế bao giờ cũng có thêm đoàn phụ nữ mặc áo dài, trên tay bưng mâm ngũ quả.
Làng Trà Quế từ lâu nổi tiếng với nghề trồng rau. Năm nào làng rau phát đạt thì lễ Cầu Bông được tổ chức quy mô. Ngoài phần lễ còn có phần hoạt động hội hè, vui chơi để bà con giải trí và chuẩn bị bước vào năm mới với hy vọng nhiều tài lộc. Khi đoàn rước vừa đến đình, các vị bô lão tiến hành ngay lễ cúng đất và cúng âm linh theo nghi thức truyền thống. Bàn thờ cúng đất được đặt trước và đối diện với bàn cúng chính, trên bàn bày hoa quả, gạo, muối, thịt gạo, áo giấy và vật tế âm linh. Sau một năm làm ăn vất vả, đến lúc rãnh rỗi, nghỉ ngơi, nông dân luôn ngưỡng vọng về ân đức cô bác, âm linh, đồng thời bày tỏ lòng thành và niềm thương cảm.
Tiếp theo đó mọi người bước vào phần tế chính thức với bàn thờ đầy ắp bánh trái, hương hoa và đặc biệt có cả một con gà giò. Theo người dân nơi đây, gà giò cúng phải là gà trống nuôi vừa mới lớn, có màu lông đẹp, đem luộc hết sức cẩn thận, da và gân phải nguyên vẹn. Văn tế có nội dung tôn vinh, ngưỡng vọng công đức tổ tiên, những bậc tiền hiền có công khai hoang lập nên làng rau truyền thống hơn 500 năm qua, Sau khi tế lễ xong, các cụ cao niên tập trung lại để xem giò gà, nếu giữa bàn chân gà đầy đặn thì xóm làng bình an, khá giả, hoa trái tốt tươi.
Không chỉ tập trung cúng đình, cả làng nhà nào cũng sắm một mâm lễ vật để Cầu Bông. Lễ vật nhất thiết phải có một con gà trống thiến miệng ngậm hoa, trên lưng cắm một con dao làm bằng tre, năm dĩa xôi hồng cắm năm cái bông rực rỡ và một ly rượu trắng. Ngày nay, mọi người đều cảm thấy mình được xác nhận là một thành viên quan trọng không thể thiếu trong làng. Chính vì thế mà tất cả dân làng Trà Quế cũng như dân làng lân cận đều tụ họp về để tham gia phần hội hè sống động, vui vẻ này.
Năm nào cũng vậy, hội làng Trà Quế đều mở màn bằng hội thi cuốc đất trồng rau. Xóm nào đạt giải sẽ được bà con đãi đằng, mở tiệc linh đình.
Hội Cầu Bông ở Trà Quế còn có thêm hội thi làm món tôm, là món đặc trưng của làng dùng trong các lễ cúng, hội hè và đãi khách. Đó cũng chính là tình bằng hữu của người dân quê này. Có lẽ vì thế mà nhiều người gọi là tôm hữu.
Nhiều năm qua, bí quyết tạo nên loại rau Trà Quế ngon nổi tiếng cả xứ Quảng không chỉ do đất đai màu mỡ, mà còn do ở đây có loại rong trên sông Cổ Cò. Ngoài phân, nông dân đều bón lót bằng loại phân này. Vì thế, hội thi vớt rong, bón gốc cũng diễn ra trong không khí rộn rã tiếng cười. Nhiều năm, lễ hội Cầu Bông còn có phần hội đua ghe ngang qua cửa hai làng Đông – Tây và nhiều làng ven sông khác ở Hội An ngay trên sông Cổ Cò chảy qua làng
Lễ hội Cầu Bông của nông dân Trà Quế đã trở thành một nét độc đáo về văn hoá làng nghề, thu hút đông người tham dự. Cũng từ lễ hội này, mọi người trong làng gần gũi, thân thiết nhau hơn…
Lễ hội Bà Thu Bồn là một lễ hội dân gian của cư dân ven sông Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam.Lễ hội được tổ chức hằng năm vào ngày 12 tháng 2 âm lịch. Lễ hội là dịp người dân nơi đây tỏ lòng thành kính biết ơn sự che chở của bà cho dân làng sống trên bờ cũng như trên sông nước được bình an, ấm no. Đây là lễ hội lớn mang màu sắc tín ngưỡng dân gian có từ bao đời thể hiện tinh thần đoàn kết các dân tộc Chăm, Cơ Tu, Kinh sinh sống vùng thượng lưu sông Thu Bồn, Vu Gia (Quảng Nam).
Sự tích về “Bà Thu Bồn” có nhiều truyền thuyết. Nhưng thuyết phục hơn cả là câu chuyện lưu truyền trong dân gian ở làng Thu Bồn như sau: Bà Thu Bồn hay còn gọi là bà Bô Bô – một vị nữ tướng của nhà Lê bị giặc truy đuổi đến làng Thu Bồn thì bị ngã ngựa do tóc bà bị quấn vào chân ngựa, sau đó bà bị giặc giết. Bà đã được các vua triều Nguyễn sắc phong là Bô Bô phu nhân, là thượng đẳng thần. Có lẽ chính vì vậy mà những người dân nơi đây truyền tụng những truyền thuyết về bà mẹ xứ sở mang sắc màu thần bí nhưng luôn là biểu tượng của cái đẹp, của khát vọng thái bình.
Phần nghi lễ của lễ hội Bà Thu Bồn gồm có lễ rước nước thiêng trên sông Thu Bồn, rước "Ngũ hành tiên nương" (5 vị nữ tướng dưới quyền, theo hầu Bà Thu Bồn trong cuộc chinh chiến) về lăng Bà để cúng tế, lễ cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa... Lễ vật cúng bao giờ cũng có một con trâu và mâm xôi lớn. Trâu tế sau khi bị giết, không xẻ thịt hay nấu chín mà để nguyên con, dùng huyết của nó bôi lên cúng.
Cùng với các hoạt động tế lễ, phần hội còn có các hoạt động văn hóa - thể thao hấp dẫn như hát tuồng, hô hát bài chòi, hát hò khoan đối đáp, hội hoa đăng trên sông Thu Bồn; thi kéo co, thi đấu bóng đá, bóng chuyền, quan trọng nhất là hội đua thuyền Lệ Bà (Nam-Nữ), hội thả hoa đăng và đốt lửa thiêng trên những bãi bồi của dòng Thu Bồn.
Từ năm 2005 đến nay, lễ hội Bà Thu Bồn được tỉnh Quảng Nam đưa vào chương trình lễ hội "Quảng Nam - hành trình di sản".
Cứ vào tháng 7 âm lịch hằng năm, khi những cánh đồng lúa chín vàng rực rỡ, đồng bào Cơ Tu miền tây tỉnh Quảng Nam lại hân hoan mở hội mừng lúa mới. Lễ hội diễn ra vào lúc thu hoạch mùa lúa mới, để cúng Giàng (Trời) và các đấng thần linh đã phù hộ cho dân làng một mùa bội thu và cuộc sống luôn bình yên, mưa thuận gió hòa.
Lễ hội mừng lúa mới là dịp để mọi người trong làng giao lưu, gặp gỡ với nhau, không khí trong làng vì thế luôn rộn ràng, náo nức. Các nghệ nhân thử lại cồng, chiêng cùng các loại nhạc cụ để đảm bảo đúng âm, đúng điệu.
Đặc biệt, người có uy tín trong làng được cử đi mời khách tham dự lễ hội của làng mình. Nam thanh niên lo quét dọn nhà cửa, đắp sửa lại đường đi, sân làng, sắp xếp, trang trí Gươl (nhà cộng đồng) thật khang trang để đón khách quý. Những dụng cụ sản xuất đưa vào Gươl để “báo cáo” với thần linh, giàng về kết quả công việc sản xuất suốt vụ mùa vừa qua. Các mẹ, các chị chuẩn bị trang phục truyền thống, các loại gùi…để sớm mai lên rẫy tuốt những gùi lúa chín vàng về cho làng. Mọi người trong làng ai ai cũng hăng hái góp sức để có được một lễ mừng lúa mới thành công.
Trong lễ hội mừng lúa mới, đồng bào còn tổ chức lễ hội đâm trâu để cúng Giàng, thần linh. Sau khi trâu chết, già làng cắt một miếng đuôi trâu, cùng với con gà sống tẩm máu trâu rồi ném lên cái ổ trên cột nêu. Nếu lễ vật đó rơi đúng vào ổ, xem như Giàng, thần linh chấp nhận lễ hội mừng lúa mới. Những tấm dồ, tấm tút sặc sỡ được phủ lên mình trâu hàm ý chia của cải cho nó, gạo nếp, rượu được đổ vào miệng trâu với ý nghĩa cho trâu được ăn no, và chiêng trống lại nổi lên để tiễn đưa linh hồn trâu về với thần linh. Xong phần lễ, cả làng tổ chức đến phần hội. Thịt trâu được xẻ ra, một phần dành cho già làng tiếp khách quý ngay tại Gươl, phần còn lại chia đều cho cả làng. Rượu cần, xôi nếp, thịt lợn, gà, trái cây... được mang ra, cả làng quây quần ăn uống, tâm tình, bàn chuyện làm ăn. Mọi người không quên múa hát những làn điệu dân ca vui vẻ. Phần múa Tung tung zá zá làm cho lễ hội mừng lúa mới càng thêm tưng bừng, hấp dẫn. Cả làng cùng hòa mình trong không khí phấn khởi, mừng cho một vụ mùa thắng lợi.
Lễ hội mừng lúa mới của đồng bào Cơ Tu còn giữ được nhiều phong tục tập quán xưa, là một nét đẹp của văn hóa truyền thống cần được giữ gìn.
Vào những năm mưa thuận gió hòa, cây lúa trên nương cho nhiều hạt, người Cadong ở Trà My - Quảng Nam vui mừng và sung sướng vì một năm đã cho họ vụ mùa no đủ. Đó là lúc gia đình bàn chuyện với các bô lão (Hội đồng già làng) xin ngày để mở hộ Ká-pêê-nau (ăn mừng lúa mới). Lễ hội thường diễn ra vào tháng 9 tháng 10 âm lịch trước mùa thu hoạch khi đám lúa trên nướng, trên dãy chín vàng.
Với người Cadong, từ bao đời nay, Thần lúa (Mó-pế), luôn được tôn kính và giữ một vị trí quan trọng, thân thiết trong đời sống mỗi gia đình. Ước muốn no đủ, an lành, hạnh phúc, thịnh vượng... lễ cầu mùa và lễ hội Ká-pêê-nau (Lễ ăn mừng lúa mới) của người Cadong là một tín ngưỡng mang đậm nét của cư dân vùng núi tôn vinh vị Thần lúa của mình.
Thông thường, đến khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch, khi những đám lúa trên nương, trên rẫy chín vàng, gia đình suốt tượng trưng một số lúa vừa đủ một gùi mang về rồi trình báo với Hội đồng già làng xin phép ngày tổ chức lễ hội Ká-pêê-nau. Cứ thế hết nhà này đến nhà khác, lễ hội Ká-pêê-nau diễn ra tưng bừng. Để cho hội Ká-pêê-nau tưng bừng, họ chọn loại nếp đặc chủng, nấu thành xôi, làm men ủ rượu, để làm rượu cần. Nếu không có gạo nếp,dùng sắn để làm rượu cần và lo gà, heo và một số thực phẩm khác... Đặc biệt, lúa mới vừa được suốt về dùng để nấu xôi, làm bánh.
Trong ngày hội, các con cháu trong họ dù đi làm ăn xa hay có chồng ở rể đều được quy tụ về. Khách mời khi đến tham dự hội Ká-pêê-nau thường mang thêm ít rượu, cơm nếp, thịt, cá khô... để vui cùng gia chủ. Sáng sớm, khi mặt trời vừa hé lộ, gia chủ dọn một mâm cúng gồm: một ché rượu, một gói bánh bằng lá dong, một ống xôi nướng trong ống tre, bốn bát cơm mới, một con chuột, một con sóc nướng, một con cá nướng, một đĩa trầu cau, một con gà luộc chín, đặt mâm cúng trong nhà không theo hướng nào cả. Người cúng mặc đồ trong trang phục truyền thống của người Cadong. Họ khấn vái và mới các Yàng, ông bà, tổ tiên về dự. Họ tin rằng vị thần này đã giúp đỡ, chở che, đùm bọc họ vượt qua mọi hiểm nguy, hoạn nạn, nghèo đói, bệnh tật. Cúng xong, dân làng cùng nhau ăn uống, mời rượu no say, hỏi thăm sức khỏe, công việc, nương rẫy... trong sự đùm bọc, thương yêu của mọi người.
Lễ hội Long Chu được tổ chức vào ngày 15/7 Âm lịch hằng năm, tại các làng biển thuộc thị xã Hội An. Lễ hội thường được tổ chức ở đình làng hoặc nơi hội họp của thôn, ấp. Rằm tháng giêng (Thượng nguyên), rằm tháng bảy (Trung nguyên) là hai thời điểm chuyển tiếp giữa mùa mưa và mùa khô. Cuộc sống lạc hậu, thiếu vệ sinh ở thôn quê xưa cộng với tác động của thiên nhiên sau khô hanh, lũ lụt thường có bệnh dịch hoành hành, lây lan cả vùng. Vì vậy tất cả cư dân trong cộng đồng đều có trách nhiệm tham gia cúng Long Chu. Chức sắc trong làng và các tộc trưởng cử ra một ban chánh tế và mời thầy phù thủy chủ trì. Họ quyên góp trong dân và xuất quĩ thuê thợ mã làm Long Chu, số khác che rạp, bày hương án tại đình làng, ấp. Không khí náo nức, vui vẻ, mọi lứa tuổi tham gia quét tước trong nhà ngoài ngõ đúng nghĩa “chộn rộn chàng ràng như làng vào đám”.
Trước lễ chính một ngày, mọi việc chuẩn bị phải xong, 7 thày phù thủy thuộc loại cao tay ấn, do thầy Cả dẫn đầu cùng các học trò lễ (người phụ tá) đi làm phép “trấn đạo lộ” (trấn yểm). Họ mang theo những mảnh bùa vẽ sẵn dán trên mảnh gỗ, tre, vừa đi vừa giật khăn ấn, vừa bắt quyết, phún hỏa (phun dầu hỏa) dựng bùa vào ngã ba ngã tư đường làng hoặc nơi nghi ngờ có quỉ, ôn tụ tập. Những nơi này đều có một bàn thờ nhỏ, thấp, trên có một lư hương. Nơi có đựng bùa hoặc đường dự kiến cho các phù thuỷ cùng đám người đi trấn yểm, trừ tà ma quỉ quái đều được dọn dẹp phong quang, thoáng đãng.
Trên đường, đoàn trấn yểm kéo dài như đoàn rồng rắn. Phía trước là những người đánh trống, thanh la và các thày pháp vừa đi vừa ái phà, hú hét. Phía sau là cả đoàn dài những người tò mò đi xem. Từng tốp trai thanh gái lịch đứng ở vườn này, vườn kia cất giọng thách hát đối, khi thấy các tốp nam nữ ở ấp khác đi qua. Những điệu hát huê tình, hát đúc, hát kiến tại cứ bay bổng hàng giờ. Khi cuộc hát kết thúc, đám đông nhập vào đoàn trấn yểm và như vậy, cuộc trấn yểm bỗng trở thành cái cớ cho người tứ xứ gặp nhau. Hết những nơi đã định sẵn, các thầy pháp trở về đình dán 4 lá bùa vào 4 cây cột góc và một lá ở cửa chính. Tại đây, nhiều người thuộc các xóm ấp nhỏ trong làng, những nhà vườn lâu nay bị “quỉ ma khuấy phá” đã chầu chực sẵn. Ai cũng mang theo vài tảng đá đã quét vôi đến xin thầy vẽ bùa vào để về yểm. Chánh bái cùng thầy Cả và một số tráng đinh khỏe mạnh kèm ban nhạc, cờ xí đi trước về tại sân đình. Đầu Long Chu xoay vào trong trước mặt có hương án, trên đựng đồ ăn bằng chuối cắt ra gồm bánh trái, xôi thịt, cháo chè, gạo muối, thuốc, nước, củi… mỗi thứ một ít. Thầy Cả làm phép khai quang điểm nhãn, lấy mực và son vẽ 2 con mắt cho Long Chu rồi làm lễ vô khoa (lễ cúng tổ phù thủy) làm khởi đầu cho các lễ sau.
Đầu tiên là lễ cáo thần (lễ túc yết) vào giờ tý (12-2 giờ đêm) lễ vật đơn sơ, hương đăng trà quả. Đến giờ mão (6-8 giờ sáng) làm lễ tế thần. Lễ này cúng mặn, có heo, gà để bày tỏ lòng thành của dân làng với thần, lính cai quản làng nên hết sức trang nghiêm, trọng thể như lễ đình ở mọi nơi, có văn tế và nhạc đã coi là lệ nên không thể bỏ. Xong thủ tục, đến giờ thìn (8-10 giờ sáng) lễ cúng Long Chu chính thức bắt đầu. Thầy Cả mặc áo Thái Thượng Lão Quân in hình bát quái, thắt lưng đỏ, vai vắt khăn ấn đỏ hoặc vàng, chân đi hia, đầu đội mũ tì lư, tay cầm cái vãng cắm hương hoặc cái kỵ lịnh (chuông lắc), tay bắt quyết. Phụ tá cho thầy Cả có các thày con và các học trò lễ cùng dàn nhạc. Thầy bắt quyết cho quay đầu Long Chu ra cổng, thầy đọc những bài chú riêng, mỗi đoạn chuyển lại gõ lệnh bài vào hương án, trong khi các thầy con điểm nhạc, đọc kinh hòa theo và dâng những thứ cần cho thầy Cả. Thầy Cả vừa đọc những bài chú đầy bí ẩn vừa đọc văn triệu 32 tướng chỉ huy, văn triệu âm binh, văn phát lương, văn phát ngoại binh.
Các bản văn cho thấy đội ngũ binh tướng được triệu đến để trừ tà diệt quỉ là cả một lực lượng khổng lồ. Trên hết là những vị tổ sư: Thượng Thanh Tiên Cảnh – Linh Bảo Thiên Tôn, Thái Thanh Chân Cảnh – Đạo Đức Thiên Tôn, Ngọc Thanh Thánh Cảnh- Nguyên Thỉ Thiên Tôn. Phía dưới là 32 chức vị thần tướng Đông Tây Nam Bắc, ba cung trung đạo và “vạn vật âm binh” tràn ngập trong “thế thiên la địa võng”. Lực lượng này được phát lương no đủ (gạo muối) để “ra tay bắt kẻ tà ma làm lệnh”, “xây lũy đào hào bủa lưới giăng”, “sát quỉ trừ tà hộ bổn chủ”. Quỉ ma cũng được đãi đằng tử tế, cả những lời vỗ về hoặc lời lên án nghiêm khắc buộc phải tuân thủ dưới sự thâu tóm của âm binh lên Long Chu đi đày miền khác. Số nào có quá nhiều tội lỗi phải chịu trừ khử. ở đoạn này, thầy Cả đọc văn khao ôn, văn tống quái. Nếu thày Cả già yếu, thày phụ trẻ sẽ đọc văn thay, vừa đọc văn vừa có những động tác múa võ, múa nhập đàn. Phạm vi hoạt động của các thày pháp là cả sân đình rộng. Thầy ra vào tới lui tấp nập như cuộc đấu quyết liệt có thật với lực lượng vô hình, người xem cứ ngày càng phấn kích hể hả ra mặt nhất là khi thày có động thái dữ dội với một tên ma quỉ ngoan cố, ngạo mạn, khi thì thầy trầm trầm trách cứ với một kẻ đã quen mặt, đã nhiều lần được tha nay lại bị âm binh bắt về. Trường hợp lâu nay có chuyện hỏa tai, có cây cột hiển linh gây đau ốm trong nhà hoặc nửa đêm thốt nhiên có đất đá quẳng rào rào trên mái nhà, thì do chủ nhân đề nghị trước, thầy sẽ cúng thêm và đọc những bài văn “tống hỏa tai”, “văn cúng tên bắn đất”, “văn cúng mộc trụ”.
Nghỉ một lát, vào giờ dậu là đợt cúng cuối cùng sau bài “phát lương”, thầy đọc tiếp các bản “văn khao Nương Nương”, “văn khao thổ ôn thổ quỉ”, “văn khao thủy giới”, “văn lễ Hà Bá” được xướng lên. Cuối cùng là bài “văn khao ôn” trong đó có đoạn “tạ Ôn Vương” được đọc nhiều lần. Các thầy phù thủy thay nhau đọc, sau đó thầy Cả vẽ bùa bắt ấn vào Long Chu xướng lớn “yểm ghe đi không được ngó lại”, “yểm Lục Giáp, Lục ất, hung thần đi cho mau, Lục Bính, Lục Đinh quỉ mị phải đi gấp, Lục Mậu Lục Kỵ lánh đi cho mau, Lục Oanh, Lục Tân, tà ma hóa ra bụi bặm, Lục Nhâm, Lục Quỉ hung nương lánh mặt đi cho xa”. Thầy Cả gõ lệnh bài chan chát vào hương án, các thầy phụ cùng bắt ấn hướng vào Long Chu để giết quỉ ma. Đến đây lễ tế tại đình kết thúc, chuyển sang phần rước Long Chu. Theo hiệu của thầy chấp lệnh, bốn thanh niên khiêng Long Chu có thầy Cả ngồi trên hai thanh gươm tuốt trần bắt chéo hình chữ X: hai bên các thầy phụ đi kèm, phía sau có ông chánh bái và ban lễ đại diện cho làng, phía trước một số thanh niên mang đuốc chạy soi đường. Người đánh trống chầu thúc ngũ liên, Long Chu chạy lúp xúp tới những nơi đã trấn yểm hôm trước, các thầy phụ đọc kinh, đọc chú, giật khăn trấn yểm. Hết nơi này đến nơi khác. Trên đường rước Long Chu có nhiều trạm dừng chân để thay người khiêng. Dưới ánh trăng rằm mới lên, mọi người trong làng dùng roi quất khắp nơi rồi tràn ra đường, xông khói lửa đuốc sáng rực ngõ xóm chờ Long Chu đến. Họ đốt pháo, quẳng roi vào Long Chu, giật bùa của thầy về dán ở ngõ. Tất cả đều hào hứng, âm thanh náo loạn. Người lớn, trẻ con chờ xem rồi nhập vào đám rước. Người già trẻ con ai ai cũng thích.
Long Chu đi hết các nơi phải đi cũng đã đến giờ Hợi. Đám rước đến một nơi vắng thì dừng lại, nổi lửa đốt Long Chu. Nơi gần sông thì họ thả xuống sông, trên Long Chu có những chén dầu lạc làm đèn cháy sáng, trôi dần ra biển.
Ở đình Cẩm Phô, ngoài các hình thức như nhiều nơi còn thêm tục “xô cộ” (cổ). Cộ là một dàn tre hình chóp nhiều tầng cao chừng 2m. Mỗi tầng có đặt xôi thịt, bánh trái, tiền… Phía trên là một khung pháo cây. Khi cúng đình xong, pháo nổ mọi người xô vào cướp, ai được nhiều thì xem như có nhiều lộc.
Người Hoa ở các bang thường làm Long Chu lớn và công phu hơn. Có khi toàn bộ Long Chu làm bằng vải, dài cỡ 5m, phải luồn tre xuống dưới bụng cho bốn cặp người khiêng (8 người) cúng ở chùa Âm Bổn, Ngũ Bang hay chùa Ông. Cộ cũng làm lớn, có khi để cả con heo quay trên đó. Khi có lệnh xô cộ, mọi người tranh nhau vào lấy lộc, có người thật nhanh dành được cả con heo quay để chót vót trên đỉnh giàn mà chạy. Long Chu của người Hoa thường được thả xuống sông, trên đó có thêm rượu, khèn, “sáp ong”, heo quay nguyên con, cả gà trống còn sống.
Như vậy, lễ hội Long Chu phần cúng lễ kéo dài hai ngày hai đêm, nặng phần phù thủy. Long Chu thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan của người dân xưa, khi chưa cắt nghĩa và có hành động giải quyết được những hiện tượng lạ quanh mình nên để thực hiện phải nhờ đến thế lực phù thủy với các nghi lễ ma thuật huyền bí. Bản chất đích thực tốt đẹp ban đầu bị chìm lấp, tính chủ động, sáng tạo bị kìm hãm nên ý nghĩa hội cũng bị chìm sâu, không nổi trội. Bóng dáng các cuộc hát đối đáp hiện lên mờ nhạt. Trước năm 1945 Long Chu được mọi làng, ấp làm; làng làm lớn, ấp làm nhỏ thường kết hợp với đình nên bị hiểu lầm là hoạt động phụ của tổ chức cúng tế lớn thường kỳ hàng năm.
Long Chu là từ chỉ chiếc thuyền làm theo hình con rồng. Đây là phương tiện sang trọng dành riêng cho vua chúa ngự lãm hoặc tuần du ngày xưa.
Với dân gian xưa, ôn hoàng, dịch lệ là lực lượng siêu nhiên gây hại cho người, đáng ghét đáng sợ nhưng cũng cần kính nể. Vì vậy, làm Long Chu là dựa theo loại thuyền của vua để chở thần, tướng, âm binh áp tải, tống quái, tống ôn và xú uế đi, mong hưởng cái tốt lành cho nơi cư trú của con người. Long Chu có bộ sườn đóng bằng tre, ngoài phết giấy vẽ phẩm xanh đỏ, giữa mình là thuyền, đầu đuôi hình rồng có đủ sừng, râu, kỳ, vẩy… Hông trái buộc một dầm lái, trước buộc một dầm mũi, 4 góc trước, sau thuyền có 4 hình nhân cầm dầm, một hình nhân nữa ngồi ở lái. Trên Long Chu cắm 4 cờ, 4 cán cờ xuyên thẳng qua thuyền thành 4 chân, giữa có lọng che và một phướn, hông thuyền cột dọc 2 đoạn tre cho 4 người khiêng, trong lòng có trang bị đầy đủ đồ dùng cho một bậc quyền uy, có điều tất cả đều bằng tre và giấy màu. Long Chu làm đẹp, xấu, lớn, nhỏ, hiền, dữ tùy thuộc tài năng của thợ mã và yêu cầu đã được dân làng thỏa thuận trước.
Lễ hội Long Chu, thực chất là một cuộc tổng tấn công trừ khử tà ma dịch bệnh và cũng là công cụ để chuyển tải, bày tỏ sâu sắc văn hóa của cộng đồng cư dân nông nghiệp.
Lễ hội Dinh Bà làng Chiêm Sơn được tổ chức ngày 10-12 tháng Giêng âm lịch, tại Dinh bà Chiêm Sơn, làng Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên. Lễ hội là dịp bày tỏ niềm tôn kính với người đã khai sinh ra nghề ươm tằm dệt lụa cho địa phương. Người tham gia lễ hội có cơ hội thưởng thức các món ăn đặc trưng của người Quảng Nam. Lễ hội còn là dịp để tham gia các trò.
Tương truyền, ngày xưa, trong một khu rừng nhỏ, dân làng Mậu Hòa phát hiện ra một pho tượng đá. Tất cả dân làng hối hả đến để chuyển pho tượng về thờ. Pho tượng càng ngày càng trở nên nặng một cách kỳ lạ. Sức trai làng không ai bê nổi. Vào một đêm trăng sáng, có 8 mục đồng ở làng Chiêm Sơn mang theo dây thừng và những cây tre chắc dẻo đã chuyển pho tượng nhẹ nhàng như không. Khiêng một đoạn đường, các dây thừng đột nhiên bị đứt. Những vị cao niên của làng Chiêm Sơn quyết định thờ “Ngài” chung với các vị thần Cao Tác của làng. Một lần nữa, pho tượng lại càng nặng hơn không thể nào nhích lên nổi. Từ đó mọi người mới quyết định lập Dinh để thỉnh Bà vào thờ ngay vị trí mà bà đã có ý chọn chỉ thờ cho riêng Bà.
Dân làng Chiêm Sơn từ đó trở nên yên bình. Mọi tai ương, hạn hán, dịch bệnh đều có Bà Chiêm Sơn che chở. Tương truyền, một vị vua triều Nguyễn có lần kinh lý Quảng Nam đến viếng lăng mộ Hiếu Văn Hoàng hậu và Hiếu Chiêu Hoàng hậu phải đi ngang đường lộ trước Dinh Bà. Khi đi ngang qua, ngựa bỗng nhiên lồng lên rồi vùng chạy. Khi được biết sự linh thiêng của ngôi Dinh và uy lực siêu nhiên của Bà Đá đem đến bình an cho dân làng Chiêm Sơn, ngày mồng 8 tháng 6 năm thứ 5 niên hiệu Duy Tân, Bà được vua ban sắc phong Thái Dương Phu nhân. Tiếp đến ngày 25 tháng 7 niên hiệu Khải Định thứ 9, một lần nữa Bà được tôn vinh Trinh Uyển Dực Bảo Trung Hưng Thái Dương Phu nhân tôn thần. Sắc phong có đoạn: “Ngài được ghi rõ tặng thêm thần hiệu Trai Tịnh Trung Đẳng thần. Đặc biệt phê chuẩn để phụng thờ Ngài và ghi vào hàng Quốc khánh để kính dâng lễ mục cúng kính Ngài theo nghi điển”.
Trải qua bao thăng trầm, Dinh Bà Chiêm Sơn và truyền thuyết về Bà vẫn được dân làng Chiêm Sơn gìn giữ như một bảo vật truyền thống đời đời. Tháng giêng, sau ba ngày tết, bảy ngày xuân thảnh thơi, dân làng Chiêm Sơn lại cùng nguyện cầu bình an viếng Dinh Bà Đá.
Hằng năm nhân dân làng Chiêm Sơn và vùng lân cận tổ chức lệ Bà.
Phần lễ: Lễ tế Dinh Bà được chính thức bắt đầu vào lúc 0h sáng ngày 12 tháng Giêng. Mâm lễ tế Bà do dân làng sắm sửa gồm cơm, thịt heo, trái cây. Ngoài các lễ vật ấy bắt buộc phải có 1 con cua đồng, một nhánh tỏi có cả rễ và lá, một cây cải, một con chồn quay, một con cá lóc nấu om. Còn người dân nào có lòng thành thì dâng cúng một đũa xôi và một con gà luộc. Sau buổi tế lễ toàn bộ các lễ vật được cúng tế đều trả lại cho dân làng và bắt buộc phải dùng hết trong ngày. Những người dâng lễ hầu hết là các bô lão trong làng Chiêm Sơn, số lượng ban tế lễ từ 20 đến 30 người, được chọn từ các vị cao niên và có uy tín trong làng. Đúng 7 giờ sáng là lễ rước sắc phong xuất phát từ bến Giá Ngự về Dinh Bà.
Phần hội: Hội của làng có rất nhiều những hoạt động, những trò chơi dân gian như hát tuồng, bài chòi, đá gà, thi cờ tướng,…Những đứa trẻ mục đồng thì có một buổi sinh hoạt dưới chân núi, những chú nghé con được cậu bé mục đồng đội cho vương miện bằng hoa mua tím chuẩn bị cho hội thi nghé duyên dáng, khỏe đẹp, giỏi đường cày.
Lễ hội đâm trâu hoa Làng Ông Tía được tổ chức vào ngày 13/3, tại nhà Rông thôn 6, xã Phước Trà, huyện hiệp Đức. Đây là hoạt động văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào vùng cao Quảng Nam đồng thời là dịp để đồng bào giao lưu, học hỏi những kinh nghiệm vốn sống, vốn văn hóa giữa các bản làng nhằm tăng thêm mối đoàn kết giữa các thôn.
Lễ hội đâm trâu hoa Làng Ông Tía được tổ chức hàng năm nhằm kỷ niệm ngày khởi nghĩa vũ trang của làng (13/3/1960).
Để chuẩn bị cho lễ hội, từ nhiều tháng trước, buôn làng cử người đi tìm chọn mua trâu đực, loại trâu cực kỳ khỏe mạnh và sung sức, đưa về chăm bẵm để chọn ngày làm lễ.
Sáng ngày 12/3, cây nêu dài 9m có trang trí hoa văn đẹp mắt đã được dựng lên ngay trung tâm sân nhà rông thôn 6 Phước Trà sau khi cúng thần nước, thần đất, cúng đường nơi con trâu đã đi qua.
Sau phần làm lễ kỷ niệm là đến màn múa hát, đánh cồng chiêng chuẩn bị đâm trâu. Gần 100 người bao gồm già trẻ, gái trai trong làng với trang phục dân tộc Cadoong xếp thành vòng tròn quanh cây nêu đã cột con trâu làm lễ.
Với sự cổ vũ nhiệt tình của bà con bên ngoài, đội cồng chiêng, ca vũ nhảy múa xoay vần quanh cây nêu khoảng một giờ đồng hồ với vẻ mặt vui tươi. Để tiếp thêm sức mạnh, có hai người đàn ông chạy trong vòng tròn và thỉnh thoảng đưa đến tận miệng những người tham gia nhảy múa một chén rượu bất kẻ già trẻ, gái trai.
Sau phần nhảy múa, đánh cồng chiêng là phần đâm trâu. Đây là nghi thức quan trọng nhất, linh thiêng nhất. Người được chọn đứng ra đâm trâu là một thanh niên chưa vợ, khỏe mạnh và có uy tín với dân làng.
Với cây giáo tự chế trong tay, chàng trai Cadoong đã hạ gục chú trâu bằng hai nhát đâm vào phía sau chân trước của con trâu. Trước khi trâu gục hẳn, những trai tráng khỏe mạnh đã cố sức “lái” cho đầu trâu nằm phục xuống và hướng về phía cây nêu trong tiếng vỗ tay, la ó, reo hò vang dội của đông đảo buôn làng.
Sau khi con trâu đã chết hẳn, trai tráng có nhiệm vụ xẻ thịt trâu và phần chia thịt cho dân làng do các già làng đứng ra phân xử để đảm bảo nhà nào cũng có phần thịt trâu trong lễ hội.
Vào ngày mồng 9 và 10 tháng Ba âm lịch hàng năm tại xã đảo Tân Hiệp- Cù Lao Chàm người dân lại tổ chức lễ tế nhằm cầu mong biển trời phù hộ và tưởng niệm tri ân các bậc tiền bối đã có công trạng đối với nghề khai thác Yến sào.
Lễ giỗ tổ nghề yến là lệ định kỳ đã có từ hơn 150 năm qua nhằm tưởng niệm, tri ân các bậc tiền nhân đã có công khai sinh và phát triển nghề khai thác yến sào tại vùng biển Cù Lao Chàm. Những năm gần đây, giỗ tổ nghề yến cũng là lễ cầu an đầu năm của dân làng Bãi Hương cầu mong mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, cuộc sống ấm no sung túc; đồng thời nâng cao niềm tự hào và ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý hiếm của vùng biển đảo.
Theo gia phả để lại, đình làng Thạch Tân được xây dựng từ thế kỷ XI, đã qua 3 lần di chuyển và nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn giữ được dáng dấp, kiến trúc từ lúc mới xây dựng. Đây là nơi thờ tự các bậc tiền hiền đã có công khai cơ lập ấp, thủy tổ của các dòng họ, các vị nhân sĩ trí thức. Đình làng gắn liền với truyền thống cách mạng của quê xã Tam Thăng. Cùng với địa đạo Kỳ Anh, đình làng Thạch Tân được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1997.
Ngày tế lễ diễn ra như ngày hội với nhiều hoạt động phong phú: Tế Tổ nghề Yến, Vui hội làng chài ( đua ghe ngang, kéo co bằng thuyền trên biển, hội Bài chòi, trò chơi bịt mắt đập nồi), đêm hội Cù lao (biểu diễn nghệ thuật cổ truyền, giao lưu văn nghệ đất liền- hải đảo- du khách), Chợ ẩm thực món ngon Cù Lao Chàm (các đặc sản biển, rau rừng, bánh ít, tổ yến khô, yến chưng hột sen, rượu yến, rượu hải sâm- bào ngư...), tour tham quan thắng cảnh biển đảo- các khu du lịch Cù Lao Chàm, làng chài Bãi Hương, xem san hô, các loài hải sản dưới biển bằng thuyền đáy kính và thúng đáy kính khu vực Bãi Nần.
Tham gia lễ hội du khách có cơ hội tham gia một tour tham quan tại hang Tò Vò. Du khách đi thuyền đến hang xem nơi cư trú của loài chim yến, tìm hiểu công việc cực nhọc của công nhân Đội khai thác yến Hội An.
Bên cạnh đó còn có thể uống loại rượu ngâm từ trứng yến cùng các sản vật vô giá của biển đảo như rượu hải sâm, rượu bào ngư, tôm, cua, cá, mực, cua đá, ốc, vú sao, vú nàng, rau rừng...
Vào ngày mồng 10 tháng giêng âm lịch hàng năm, hàng trăm hộ dân làng gốm Thanh Hà, Hội An đều tập trung về miếu Nam Diêu thành kính giỗ tổ trong sự chứng kiến của đông đảo đại biểu Thành phố và khách du lịch thập phương.
Theo lịch sử, cư dân Thanh Hà có nguồn gốc chủ yếu ở vùng Thanh Hóa, Nam Định, Hải Dương vào định cư từ khoảng cuối thế kỉ 15. Trong buổi sơ khai, khi đồ dùng của đại bộ phận dân cư chủ yếu là đồ gốm sứ, đất nung thì cư dân ở đây đã tiếp tục truyền thống của cha ông, khai thác địa thế thuận lợi của vùng đất mới để phát triển nghề gốm. Theo cách nhớ của người làng Thanh Hà thì năm 1516, nghề gốm bắt đầu sản xuất tại làng Thanh Chiêm ( nay là khối phố 6 phường Thanh Hà ), sau đó do không hợp phong thủy nên dời lên Nam Diêu ( tức khối phố 5 phường Thanh Hà ), Nam Diêu có nghĩa là lò gốm phía Nam.
Hiện nay tại Nam Diêu còn miếu Tổ nghề của làng. Hằng năm, người dân làng gốm tổ chức lễ tế Xuân vào ngày mồng 10 tháng Giêng nhằm cúng tổ tiên, mong cho chư thần, tổ nghề và các bậc tiền nhân ban cho năm mới bình an, làng nghề phát triển.
Nhiều thế kỉ qua, nghề làm gốm và gạch ngói ở Thanh Hà nổi tiếng không chỉ ở xứ Quảng mà cả nước và nước ngoài.Trong sách Phủ Biên Tạp Lục học giả Lê Quí Đôn có đề cập đến gốm ” Cochi”, ” Cauchi” ( Giao Chỉ) mà người nước ngoài ưa chuộng có cả gốm Thanh Hà xứ Quảng.Và kể từ thế kỉ 17 trở lui, do việc tái tạo thành phố Hội An mà sinh ra ngành gạch ngói rất thịnh hành ở Thanh Hà.
Không chỉ phục vụ cho nhu cầu địa phương các vùng lân cận mà còn trở thành một mặt hàng trao đổi mua bán cho cả xứ Đàng Trong. Khi nhà Nguyễn chọn Phú Xuân làm kinh đô, nhiều nghệ nhân được gọi ra Huế xung vào đội thợ xây dựng cố cung. Có người được vua phong đến hàm Bát phẩm, đó là những Chánh Ca,
Lễ hội làng Gốm, một hoạt động văn hóa tinh thần của cộng đồng cư dân Thanh Hà - Hội An luôn diễn ra sôi nổi, đậm tính dân gian với nhiều nghi thức cổ truyền được chính các nghệ nhân và bà con nhân dân trong làng thực hiện.
Ngay từ sáng sớm, phần lễ chính tế Tổ với đoàn rước thần chủ đã diễn hành qua khắp các ngã đường. Đội hình lân, sư, dàn bát âm, nghi trượng, kiệu thần chủ, kiệu lư hương gốm cùng hơn 100 nam phụ lão ấu đi từ miếu Nam Diêu về đình Thanh Chiếm tế lễ. Đây là nơi được cư dân thờ tự, tôn vinh và ngưỡng vọng về công đức của các vị tổ nghề.
Trong văn tế của Ban cổ lễ do các bô lão chủ trì điều hành theo nghi thức truyền thống, nài tâm niệm cầu mong quốc thái dân an, nhà nhà an lành, mùa màng bội thu và tri ân công đức Tổ nghề. Lời tiếng của người hậu thế cũng đã gợi tưởng niềm tự hào mà bao thế hệ người làng Nam Diêu, Thanh Chiếm, Bộc Thuỷ…hoài vọng.
Ngay sau phần lễ tế chấm dứt, người làng Thanh Hà đa phần “mặc áo vải, khăn hoa” cùng mời du khách vui hội với nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như: cõng nàng về dinh, lái buôn xuất sắc, thi chuốt gốm, làm con thổi đất nung, nấu cơm bằng nồi đất, thi đập nồi, bịt mắt đánh trống,...
Sôi nổi nhất là hội đua thuyền, hô hát bài chòi, hát bội diễn ra liên tục từ đêm trước đến tận tàn ngày hội.
Làng gốm Thanh Hà nay đã là điểm đến không thể thiếu đối với du khách khi tham quan đô thị cổ Hội An – di sản văn hóa thế giới.
Theo quan niệm của người Bhnong ở xã Phước Lộc (Phước Sơn), khi những mùa rẫy liên tục được mùa, lúa thóc đầy kho, thì họ tổ chức cúng lúa trăm. Đây được coi là một trong ba lễ cúng quan trọng, thể hiện sự biết ơn thần lúa, cầu mong cho mùa màng bội thu…
Lễ cũng lúa trăm thường được tổ chức trong từng gia đình. Theo phong tục của người Bhnong, trước khi cầm đũa gắp thức ăn, mọi người phải rửa tay sạch sẽ và bốc một nắm cơm, thêm ít hạt muối sống giã với ớt rừng...
Lễ cúng được gia đình thực hiện rất chu đáo, lễ vật chuẩn bị gồm 125kg gạo, 1 con heo đen, 5 ống nứa đựng cá niêng đã muối chua, 5 đốc rượu cần, 10 con gà...
Ngày đầu tiên, nghi thức cúng diễn ra tại kho lúa, vật dụng cúng gồm 1 con gà, 3 lá trầu, 1 hũ rượu cần ngon nhất, với những lời cảm ơn và khấn cầu thần lúa, thần rẫy, phù hộ cho gia đình, dân làng sang năm được nhiều lúa, nhiều gạo, cái chân đi nương, đi rẫy chắc hơn, cái bụng no hơn.
Sau nghi thức cúng tại kho lúa, gia đình nấu 7 gùi cơm, 3 gùi thịt, 3 ống cá chua, 7 canh rượu cần để mang đến nhà làng cho dân cùng ăn uống chia vui... Trong bữa tiệc, vừa ăn uống, mọi người luôn chúc mừng nhau sang năm mùa màng bội thu.
Lễ cúng là dịp cảm ơn thần lúa phù hộ cho dân làng thịnh vượng vừa để chia sẻ sự no đủ với bà con dân làng. Cùng với lễ mừng lúa mới, cúng mùng năm, thì cúng lúa trăm cũng rất quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào Bhnong.
Lễ cúng lúa trăm không chỉ cầu mong cho mùa màng bội thu mà còn là dịp cảm ơn thần lúa phù hộ cho dân làng thịnh vượng vừa để chia sẻ sự no đủ với bà con dân làng, thắt chặt tình đoàn kết trong bản làng, khơi dậy nét đẹp văn hóa truyền thống của tộc người Bhnong.