Lễ hội Nghinh Ông - Là lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc của ngư dân miền biển Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Lễ hội Nghinh Ông được tổ chức vào 2 ngày 09, 10, tháng 3 ÂL hàng năm. Nghinh Ông là tưởng nhớ công ơn của loài cá voi - được ngư dân miền biển phong là vị thần Đại tướng quân Nam Hải vì theo truyền thuyết đã có công cứu giúp ngư dân đi biển vượt qua sóng to gió lớn mỗi khi gặp bão tố.
Theo lưu truyền trong dân gian, “cá Ông” là một linh vật hết sức linh thiêng, là vị thần hộ mệnh cho thuyền bè đi biển. Khi sóng to gió lớn, tàu bè gặp nạn thì Ngài sẽ hiện lên hộ tống tàu bè đưa vào chỗ cạn, an toàn. Và ngược lại, khi cá Ông gặp nạn hoặc chết, xác trôi dạt vào bờ đều được ngư dân tổ chức an táng và thờ cúng thật trang trọng. Hiện tại, ở Gành Hào và một số địa phương khác trong tỉnh đều lập miếu thờ bộ cốt (xương) cá Ông.
Nghinh Ông là một tập tục lâu đời của ngư dân miền biển Gành Hào – Bạc Liêu, đây là lễ hội dân gian truyền thống được lưu truyền gìn giữ hàng năm, do vậy mà không ai bảo ai, hễ đến ngày lễ (9 đến 10 tháng 03 â.l), có hàng vạn người từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh về tham dự. Lễ được tổ chức dưới hình thức học trò lễ dâng rượu, cúng tế sau đó khách đến ăn uống và xem hát tuồng kéo dài đến khuya.
Trong lễ hội Nghinh Ông, buổi lễ chính quan trọng nhất đó là lễ rước Ông. Lễ được khởi hành tại lăng ông, sau đó diễu hành quanh thị trấn Gành Hào và tiến lên ghe ra biển cúng đồng thời thả tôm giống xuống biển. Đoàn rước Ông gồm đội múa lân đi trước, kế đến là đội kèn Tây, theo sau là học trò lễ, các đoàn binh sĩ, nữ thanh lịch,… Dân chúng đứng hai bên đường, hò reo cổ vũ, tạo nên không khi lễ hội thật náo nhiệt.
Mỗi năm cứ đến ngày lễ Nghinh Ông, từ sáng sớm ngày lễ chính có không dưới 100 tàu thuyền trong huyện và khắp nơi về tham gia lễ hội. Các chủ ghe tàu trang hoàng cờ, phướn, băng rôn, khẩu hiệu, như một thuyền hoa, mọi người vô tư lên tàu ra biển Nghinh Ông. Trong những ghe tàu lớn nhỏ ra biển Nghinh Ông, có một cụm tàu chính gồm 2 chiếc kết lại thành đoàn. Tàu này có nhiệm vụ chở Ban tổ chức, các vị chức sắc, học trò lễ... Đám rước “Sắc phong Thần tức Ông Nam Hải” có một nhóm người mặc trang phục của binh sĩ thời vua Gia Long, nhóm mặc áo dài khăn đóng... Họ đưa Long đình xuống tàu và chạy ra biển tiến hành làm lễ cúng bái, xin keo cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi và tiến hành thả hàng triệu con tôm giống xuống biển nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản, đây là một hoạt động không thể thiếu trong lễ hội Nghinh ông hàng năm của ngư dân Gành Hào - Đông Hải .
Lễ Nghinh Ông là lễ cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho quốc thái dân an. Đặc biệt các ngư dân cầu xin được “phù hộ độ trì” trong những chuyến đi biển đánh bắt được nhiều tôm, cá. Diễn ra song song với lễ Nginh ông là các trò chơi dân gian như đua ghe trên cạn, thi kéo co, đi cà kheo, thi đập niêu (nồi), thi thả diều, hội thi giao lưu ẩm thực, hội chợ thương mại, triển lãm trưng bày hình ảnh, sách báo, hiện vật giới thiệu về đời sống vật chất, tinh thần của 3 dân tộc anh em kinh – hoa – khmer cùng chung sống trên địa bàn. Tất cả là niềm tin tích tụ từ bao đời nay và ăn sâu vào tâm trí của từng người dân Gành Hào nói riêng và ngư dân Bạc Liêu nói chung. Đó là cả một nền văn hóa miền biển cần được giữ gìn và phát huy trong quá trình xây dựng đời sống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc hiện nay.
Lễ hội Quán âm Nam Hải Bạc Liêu là một trong những lễ hội dân gian đặc sắc mang đặc thù miền biển của người Bạc Liêu được Ban Trị sự Phật giáo tỉnh tổ chức trong 3 ngày 22 đến 24 tháng 3 âm lịch hàng năm tại khu Quán âm Phật đài tại phường Xa Mát thị xã Bạc Liêu. Lễ hội thu hút rất đông phật tử, du khách, tăng ni và người dân khắp nơi về dự.
Phần lễ với nhiều nghi lễ truyền thống như: Lễ cầu quốc thái dân an, Phật tử dâng hương cầu an, tế Anh hùng tử sĩ, thỉnh thánh, thuyết pháp...
Phần hội gồm trưng bày triển lãm hình ảnh đất nước, con người Bạc Liêu xưa và nay, khu hội chợ, diễu hành lễ rước Quán âm Nam Hải...
Lễ hội Quán Âm Nam Hải là lễ hội mang màu sắc văn hóa Phật giáo, là một trong những lễ hội văn hóa tâm linh nổi bật ở Bạc Liêu. Ngoài việc đến với lễ hội, mọi người có thể du ngoạn để chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng của Bạc Liêu.
Lễ hội Đản sinh thần Phước Đức (còn gọi là lễ Sinh nhật ông Bổn) được tổ chức vào ngày 29/3 âm lịch hàng năm tại Phước Đức cổ miếu, là ngôi miếu cổ tọa lạc tại số 74, đường Điện Biên Phủ, phường 3, Thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Lễ hội tưởng nhớ đến vị thần (ông Bổn) được coi là có công khai hoang đất đai và phù trợ cho mọi người sinh cơ lập nghiệp có cuộc sống an lành.
Đây là lễ chính của miếu. Lễ được diễn ra vào lúc tám giờ sáng, nghi lễ phải trãi qua nhiều giai đoạn như: Hiến đèn, hiến hương, dâng hoa, dâng trà, dâng rượu, hiến vật tế (thường là heo)… Sau Lễ tế Ông là Lễ "Đấu đèn", lễ này diễn ra trong không khí vui nhộn của những người đến dự lễ, ban tổ chức lễ sẽ định số đèn theo từng năm (thường thì chọn 3 cây đèn, dạng đèn Kéo quân) và sau đó, sẽ đem từng cây đèn ra đấu giá, ai trả giá cao sẽ được "Thỉnh đèn" về nhà. Số tiền thu được từ cuộc đấu đèn, sẽ sử dụng cho công tác cứu tế hay những hoạt động xã hội khác.
Đây là lễ cúng trăng diễn ra vào ngày Rằm tháng Cađấc theo Phật lịch, tức ngày Rằm tháng Mười âm lịch, là thời điểm mùa mưa chuyển sang mùa khô, mùa gieo trồng chuyển sang mùa thu hoạch lễ hội nhằm tưởng nhớ và tạ ơn mặt trăng. Người Khmer coi mặt trăng là vị thần điều động mùa màng trong năm. Lễ hội diễn ra tại Chùa Đìa Muồng, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước long, Bạc Liêu.
Nội dung của lễ hội gồm có phần lễ và phần hội, phần lễ là nghi thức lễ, phục dựng các tập tục cúng trăng, làm cốm dẹp, thả đèn nước và treo đèn gió; phần hội sẽ tổ chức các trò chơi dân gian, đua ghe ngo và các hoạt động văn nghệ có sự tham gia của 3 dân tộc Kinh, Khơ me, Hoa. Ngoài ra còn tổ chức khai trương các bộ ẩm thực ăn uống dân dã, mua bán sản phẩm lao động; trưng bày các hình ảnh, nhạc cụ.
Lễ hội Óoc-om bok ở Bạc Liêu được phục dựng năm 2009 và từ đó được tổ chức hàng năm nhằm bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hoá của đồng bào Khơ me Nam Bộ nói chung, nói riêng là đồng bào Khơ me tỉnh Bạc Liêu.
Lễ hội Kỳ Yên (hay cầu an) là một trong những lễ hội được người dân Bạc Liêu tổ chức quy mô, long trọng nhất mỗi độ xuân về. Mục đích của lễ hội là cầu cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu, xóm làng yên vui, dân giàu nước mạnh.
Lễ hội gồm 2 phần: Phần Lễ và Phần hội.
Trong phần lễ có các nghi thức rước sắc thần về đình; tế túc yết: dâng hương, dâng rượu, dâng trà và đọc bài văn tế cầu nguyện và cảm tạ các thần Thành Hoàng, Tiên hiền, Hậu hiền, thần Nông, thần Hổ... đã phù hộ cho dân làng có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Đặc biệt, trong phần hội của Lễ hội Kỳ Yên có chương trình hát bội với nhiều tuồng tích xưa như: Chung Vô Diệm, Thần Nữ Ngũ Linh Kỳ, Trảm Trinh Ân, Lưu Kim Đính, Tiết Đinh San... Đi xem hát bội vui hội Kỳ Yên” đã trở thành một nét đẹp văn hoá không thể thiếu trong đời sống tinh thần trong những ngày xuân của người dân Bạc Liêu. Bên cạnh là những trò chơi dân gian như nhảy cà ròn, ném banh, phóng tiêu…
Đến với Lễ hội Kỳ Yên, ngoài mục đích cầu phước, cầu tài, cầu lộc thọ, cầu hạnh phúc..., ai cũng cảm thấy xốn xang, rạo rực, cuốn hút với những trò chơi dân gian, những giai điệu trầm bổng của nghệ thuật hát bội, những cái bắt tay thắm thiết của họ hàng, anh em xa gần, bạn bè, đồng nghiệp... Người ta cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh những vị bô lão trong bộ áo dài, khăn xếp ngồi đánh trống chầu hay những nam thanh, nữ tú hân hoan tìm về nguồn dân tộc. Không ít đôi nam nữ đã nên duyên vợ chồng sau mùa hội Kỳ Yên.
Điều ghi nhận từ lễ hội Kỳ Yên hiện nay cho thấy, lễ hội đã được nhân dân tổ chức quy mô, linh đình, thiêng liêng nhưng gọn nhẹ, tiết kiệm hơn so với những năm trước kia. Những nghi thức hành lễ tốn kém tiền của, mang đậm yếu tố mê tín dị đoan trong nghi lễ thỉnh thần, lễ chánh tế... đã được lược bỏ.
Ngoài yếu tố tâm linh, Lễ hội Kỳ Yên còn có ý nghĩa giáo dục thế hệ con cháu ý thức giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tinh thần đoàn kết, lòng tự hào dân tộc.
Lễ hội “Đồng Nọc Nạng” được tổ chức từ ngày 15 đến 17/2 âm lịch hàng năm, tại khu di tích Lịch sử Nọc Nạng, thị trấn Giá Rai, huyện Giá Rai. Lễ hội để tri ân các bậc tiền nhân đã đứng lên đấu tranh chống lại bọn cường hào cướp đất của nông dân trước khi có Đảng.
Lễ hội Đồng Nọc Nạn (còn gọi Nọc Nạng theo cách gọi của địa phương) tại Di tích lịch sử quốc gia đồng Nọc Nạn ở ở ấp 4, xã Phong Thạnh B (Giá Rai). Khu di tích gồm khu mộ gia đình Mười Chức, nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, cụm tượng tái hiện trận đánh giữa gia đình Mười Chức với bọn Tây cướp lúa.
Lịch sử ghi lại: Xưa kia vùng đất này còn hoang vu chủ yếu là bùn lầy, rừng tràm, lau sậy, cỏ dại và nhiều thú dữ, rắn độc. Hồi đó, những người dân đến đây khai khẩn phải chặt cây làm nọc đóng xuống bùn rồi gác nạng lên để làm nhà tránh thú dữ và rắn độc. Cái tên Nọc Nạn sinh ra từ đó, đó cũng là tên gọi một con rạch và một cánh đồng.
Trước 1900, một nông dân đến khai phá khu rừng ở rạch Nọc Nạn được 73 ha. Năm 1908, nông dân này chết, để lại đất cho con là Hương chánh Nguyễn Thành Luông. Năm 1910, Hương chánh Luông chính thức làm đơn khẩn 20 ha đất, được chính quyền chấp nhận bằng văn bản. Năm 1912, Hương chánh Luông tiếp tục làm đơn xin đo đạc và cấp bằng khoán cho toàn bộ diện tích 73 ha và cũng được chủ tỉnh Bạc Liêu chấp thuận, có cả tờ bản đồ phần đất.
Khi Hương chánh Luông qua đời, con trai ông là Nguyễn Văn Toại (còn gọi là Biện Toại) thừa kế phần đất. Năm 1917, một Hoa kiều giàu khét tiếng Bạc Liêu tên là Mã Ngân, người dân địa phương thường gọi là Bang Tắc, có ý đồ chiếm đoạt đất nhà Biện Toại. Là người mưu mô, Bang Tắc biết rõ đất của nhà Biện Toại mới có bằng khoán tạm, nên y đã mua đất của bà Nguyễn Thị Dương, giáp ranh đất nhà Biện Toại, nhưng trong hợp đồng lại ghi ranh giới bao trùm luôn đất anh em Biện Toại.
Vụ tranh chấp đất giữa hai bên là Bang Tắc và gia đình Biện Toại nổ ra. Qua nhiều lần xét xử, gia đình Biện Toại luôn thua bởi Bang Tắc chi nhiều tiền lót tay cho nhà chức trách. Cuối cùng đất về tay Bang Tắc. Ngay sau đó Bang Tắc bán khu đất 50 ha cho người nhà quan phủ. Từ đó người chủ mới bắt anh em anh em Biện Toại phải nộp địa tô ngay trên mảnh đất gia tộc của chính họ.
Ngày 13 và 14/2/1928, lính mã tà gặp anh em Biện Toại để thực thi lệnh tịch thu lúa. Quyết bảo vệ mảnh đất máu thịt, tối 14/2, anh em nhà Biện Toại làm lễ lạy ông bà tổ tiên, chích máu thề không sợ chết. Sáng 16/2/1928, khi quan lính đến tịch thu lúa, anh em Biện Toại dùng dao mác gậy gộc xông ra quyết chiến. Hậu quả, bốn người em của Biện Toại là Mười Chức, Nhẫn, Nhịn, và bà Nghĩa (vợ Mười Chức đang mang thai) bị bắn tử thương. Một lính Pháp bị Mười Chức đâm thủng bụng.
Ngày 17/8/1928, Tòa Đại hình Cần Thơ xử vụ án đồng Nọc Nạn. Hai luật sư người Pháp bào chữa miễn phí cho gia đình Biện Toại. Công tố viên người Pháp cũng cho rằng tình cảnh của gia đình Biện Toại rất đáng thương: họ bị những kẻ không có trái tim đến cướp đất, rồi bọn có quyền thế tiếp tay với cường hào. Công tố viên đề nghị tòa tha bổng những người trong gia đình Biện Toại. Luật sư người Pháp cũng hết lời ca ngợi tinh thần lao động khẩn hoang của gia đình Biện Toại, đấu tranh với thiên nhiên, với cường hào, với cả các thủ tục pháp lý để xây dựng mảnh đất quê hương.
Để ghi lại sự kiện này, UBND tỉnh Bạc Liêu đã cho xây dựng khu di tích đồng Nọc Nạn ngay tại nơi xảy ra vụ việc năm xưa. Di tích là chứng tích lịch sử thể hiện công cuộc đấu tranh của nông dân Bạc Liêu nói riêng, nông dân Nam bộ nói chung chống lại những tên địa chủ, thực dân cướp đoạt ruộng đất của nhân dân. Di tích đồng Nọc Nạn được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia vào năm 1991.
Hàng năm, vào ngày diễn ra sự kiện, UBND huyện Giá Rai lại long trọng tổ chức lễ hội Đồng Nọc Nạng. Đây là dịp để nhắc nhớ mọi người - nhất là thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh kiên cường của người nông dân Bạc Liêu; đồng thời, thông qua đó để quảng bá du lịch cho huyện, giới thiệu một điểm đến hấp dẫn cho du khách gần xa.