+84 983 035 435

Khu lưu niệm Ns. Cao Văn Lầu

Hãy khám phá việt nam qua những địa điểm phượt vô cùng thú vị, thơ mộng và hùng vĩ.


Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầunằm trên chính con đường mang tên ông - đường Cao Văn Lầu, phường 2, TP. Bạc Liêu. Ông Cao Văn Lầu (hay Sáu Lầu), sinh ngày 22/12/1892 tại xóm Cái Cui, làng Chí Mỹ, quận Vàm Cỏ, tỉnh Long An. Là một nhạc sĩ và là tác giả bài "Dạ cổ hoài lang", một bài ca độc đáo và nổi tiếng nhất trong nghệ thuật cải lương Việt Nam. Do hoàn cảnh khó khăn, gia đình ông trôi dạt nhiều nơi trước khi dừng chân tại Bạc Liêu. Với sự hướng dẫn những bước đi đầu tiên của nhạc sĩ cổ nhạc Lê Tài Khị, tài năng của một người nhạc sĩ lớn trong ông đã được phát triển.

Nhắc đến Nhạc sĩ Cao Văn Lầu, người ta nhớ ngay đến bản Dạ cổ hoài lang được xem là tiền thân của bản vọng cổ ngày nay. Ông viết bản nhạc trên gồm 20 câu, nhịp 2 để trút cạn nỗi niềm tâm sự. Chuyện kể rằng thời phong kiến có quan niệm, vợ chồng ăn ở với nhau trong 3 năm, vợ không sinh con, chồng được quyền bỏ để cưới người khác hầu có con nối dõi tông đường.

Vợ chồng ông đã phải chịu cảnh chia ly trong hoàn cảnh ấy. Bản Dạ cổ hoài lang tức "Đêm nghe tiếng trống nhớ chồng" ra đời trong những buổi đầu vợ chồng chia ly. Tác phẩm “Dạ cổ hoài lang” do ông sáng tác là một đóng góp có nhiều ảnh hưởng đối với âm nhạc và nghệ thuật Việt Nam, gắn liền với sự ra đời và phát triển của dòng nghệ thuật sân khấu cải lương.

Để tri ân cố Nhạc sĩ Cao Văn Lầu và bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử, một Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, năm 2013, Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu được nhà nước đầu tư xây dựng. Đây cũng là nơi để khẳng định Bạc Liêu là một trong những “chiếc nôi” đã hình thành và phát triển đờn ca tài tử Nam bộ nói riêng và nghệ thuật cải lương nói chung.

Khu di tích Nhạc sĩ Cao Văn Lầu gồm nhiều hạng mục nhưng điểm nhấn rõ nhất của Khu di tích là Đài Nguyệt cầm. Đài được xây dựng bằng đá, nằm ở vị trí trung tâm và cao nhất là biểu tượng cây đờn kìm cách điệu – một trong 4 loại nhạc cụ chính của dàn nhạc tài tử Nam bộ và cũng chính từ cây đờn kìm này, nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã sáng tác ra bản Dạ cổ hoài lang bất hủ. Xung quanh vách tường bên ngoài ghi tên 20 bản cổ của Đờn ca tài tử theo lối chữ thư pháp. Đặc biệt, ý tưởng thiết kế cầu thang Đài nguyệt cầm có 32 bậc, mỗi bậc tượng trưng cho sự phát triển của bản Dạ cổ hoài lang từ nhịp 2 lên bản vọng cổ nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32,...

Tại nhà trưng bày, du khách được nghe giới thiệu về thân thế sự nghiệp của cố Nhạc sĩ Cao Văn Lầu, quá trình phát triển từ bản “Dạ cổ hoài lang” đến bản vọng cổ nổi tiếng của nghệ thuật sân khấu cải lương Nam bộ. Du khách cũng sẽ được nghe cô thuyết minh duyên dáng hát cho nghe một đoạn của bản “Dạ cổ hoài lang” để phần nào cảm nhận được nỗi lòng của người phụ nữ nhớ chồng được tác giả gửi gắm…

Ngoài ra, khu lưu niệm còn có vườn tượng nhạc cụ dân tộc, nhà trưng bày Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và cải lương, nhà biểu diễn Nghệ thuật Đờn ca tài tử, gian hàng lưu niệm... là những nơi du khách không thể bỏ qua.

Từ bản Dạ cổ hoài lang để rồi nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012”, được UNESCO vinh danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” tháng 12/2013. Đây là minh chứng rõ nhất về giá trị của loại hình âm nhạc này cũng như công lao của cố Nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã cống hiến, đóng góp cho nền âm nhạc dân tộc Việt Nam.  

Khám phá 9 địa điểm ở Bạc Liêu

Thành Hoàng Cổ Miếu

806

DTLS Đồng Nọc Nạng

766

KDL Nhà Mát

909

Khu lưu niệm Ns. Cao Văn Lầu

875

Khu DLST Hồ Nam

771

Chùa Xiêm Cán

189

Điểm phượt gần Khu lưu niệm Ns. Cao Văn Lầu