Xên Lẩu nó là nghi lễ quan trọng của người Thái đen Mường Lò tỉnh Yên Bái mà bản chất nhằm tri ân công đức những thầy cúng đã chữa khỏi bệnh cho mọi người - “Mo một”, đặc biệt là những người từng bị bệnh nặng đã khỏi, được coi là những con đẻ - “lụ hỏi” và những người bệnh nhẹ đã chữa khỏi được coi là con nuôi - “lụ liệng”, gửi áo hồn chủ thờ cúng tại nhà thầy mo. Đồng thời đây cũng là ngày hội lớn của cộng đồng, thu hút được mọi đối tượng tham gia, bởi ý thức tôn trọng truyền thống văn hóa của dân tộc, mọi người được gặp gỡ chan hòa cùng người thân, bạn bè, mừng cho nhau tai qua nạn khỏi và tham gia các trò chơi, điệu xòe truyền thống.
Người Thái đen tin rằng có một lực lượng siêu nhiên chi phối mọi hoạt động của vạn vật. Bởi vậy trong cộng đồng, ngoài các thầy lang chuyên trị bệnh bằng các bài thuốc dân tộc cổ truyền thì còn hệ thống các thầy mo chuyên trừ ma tà và khuyên bảo con người phải sống cho trọn đạo lý. Thầy mo của người Thái Tây Bắc thường chuyên vào những việc cụ thể khác nhau. Ví dụ: “Mo hóng” - mo cúng tổ tiên, “Mo xên bản xên mường” - mo cúng bản cúng mường, “Mo đông” - mo cúng rừng, “Mo đu mự đu vền” - mo xem ngày giờ, “Mo khuôn” - mo cúng vía, “Mo pẻ” - mo cúng hồn người chết, “một lao” - mo cúng đau ốm, “Mo pồng mốn” - thầy lên đồng, “Một án ník” - bà mo cúng khi đau ốm... Có lễ cúng do ông mo đảm nhiệm, nhưng cũng có lễ cúng lại do bà mo chuyên trách như: “xên so lụk” - cúng cầu xin con cho những đôi vợ chồng muộn con hoặc khó nuôi. “Nhá phay” - cúng thôi sưởi lửa cho sản phụ mới sinh, “Tám khuôn quái” - cúng vía trâu vào dịp “Síp sí” - tức tết 14/01 theo lịch Thái cổ (ngày rằm tháng 7)... Những thầy mo này thường là cha truyền con nối, song cũng có khi do học từ thầy mo khác, do vậy khi bắt đầu hành nghề và được tín nhiệm thường đã nhiều tuổi và phải được các thầy mo khác và cộng đồng thừa nhận cả về tài năng và đức độ.
Trong đời sống của người Thái Tây Bắc có nhiều lễ cúng. Như cúng bản cúng mường, mà bản chất là lễ cúng thành hoàng, cầu cho bản mường bình yên no ấm. Lễ cúng rừng - cầu thần rừng phù hộ cho núi rừng, bản mường bình yên, trù phú. Cúng đưa hồn người qua đời lên trời, cúng khi đau ốm, lên nhà mới, đám cưới, xuống đồng, mừng cơm mới, cúng vía... Loại trừ những yếu tố mê tín dị đoan, thì thầy mo giúp cho cộng đồng rất nhiều trong việc củng cố đời sống tinh thần, làm tăng niềm tin và nghị lực sống cho mỗi con người trước những thử thách của cuộc sống, giúp con người biết hướng thiện, tránh cái xấu, sống hiếu thuận với cha mẹ, vợ chồng chung thủy, vun vén gia đình, biết đối nhân xử thế và làm theo những điều ông bà dạy và luật tục của bản mường, pháp luật của Nhà nước.
Lễ “Xên Lảu nó” bao giờ cũng được tổ chức tại nhà “Mo một” vào mùa măng mới nhú hàng năm, khi cây cối đâm chồi nẩy lộc, hoa ban trắng tinh khôi tỏa hương thơm mát, hoa mạ vàng tươi cùng muôn hoa đua nở khắp rừng, vạn vật rạo rực sinh sôi sau mùa đông giá, các “lụ hỏi” và các “lụ liệng”, đem lễ vật đến nhà thầy mo tạ ơn tái sinh. Những người này đều đã gửi áo đã mặc, tức là áo mang con vía của mình treo ở bàn thờ của thầy mo ngay từ khi đặt niềm tin vào tài năng và đức độ của thầy mo, để được thường xuyên cầu cúng mong cho khỏe mạnh, bệnh tật tiêu tán. Đến khi người bệnh hoặc chính thầy mo qua đời, người bệnh hoặc người nhà phải đem lễ vật đến xin về. Tùy theo người đã từng có bệnh nặng hay nhẹ mà lễ vật là lợn hay gà, ngoài ra còn có khăn piêu, rượu - “lảu”, hương, nến, rau rừng xôi tổng hợp - “phắc nửng chụp”, hoa ban - “bók ban”, hoa mạ - “bók mạ”, các cô gái còn dùng hoa ban gài lên tóc, củ gừng - “mắn khá”, đặc biệt không thể thiếu măng rừng - “nó” (măng vầu - “nó pao”, măng sặt - “nó pặt”, măng giềng - “nó khá”) tượng trưng cho sự hồi sinh, mạnh khỏe sau khi được chữa khỏi bệnh. Những người từng bị bệnh nặng còn đem theo một cây báng để cả ngọn cho vào sọt dựng ở bên cạnh bàn thờ tượng trưng cho lễ vật là con trâu đen - còn gọi là “co quái xiên”, cây chuối non cả gốc tượng trưng cho trâu trắng - “co quái lón”, (những cây này còn gọi là “co quái tao”), trên “co quái tao” treo quả còn tượng trưng cho rồng còn - “luông còn” trong truyền thuyết. Với người Thái Tây Bắc rồng là con vật đẹp nhất, là biểu tượng của những gì tốt đẹp nhất, tua còn như tám tia nắng, chín tia mưa, mang theo những hạt giống như lúa, ngô, bông… chờ gieo xuống sinh sôi nẩy nở, tốt tươi.
Ông mo cúng cho từng người một ngụ ý tỏ lòng biết ơn với đấng siêu nhiên: “Đẩy kin bấu lưm thú/ Đẩy dú công cánh ơn/ Sau chắng mík cáy tô luông (hoặc tô mu) ma vảy”, tức là: Được ăn không quên đũa/ Được ở (sống lại) không quên công ơn/ Có gà (lợn) to về tạ. Mỗi người đều được thầy mo cho ba lát gừng được sâu bằng chỉ đen đeo vào cổ làm bùa - “hản”, người bệnh nhẹ buộc vào cổ tay, mọi người đều để cho đến khi tự rơi mới đem cất vào nơi để “Tạy ho”, tức nơi giữ hồn vía của mỗi người, bùa này nếu càng lâu rơi càng được coi là điềm tốt, nên ai cũng chú trọng giữ gìn. Khi buộc bùa cho mỗi người, thày mo đều khấn giống như khẩu quyết: “Phi nha dú cuông năng/ Phi nha thăng cuông nựa/ Ổm dăm quám khất”, có nghĩa là: Ma đừng ở trong da/ Ma đừng trú trong người/ Lời thiêng linh nghiệm. Trong thực tế, những lát gừng giúp mọi người tăng khả năng đề kháng khi trái nắng trở trời, cùng với nghi lễ mang tính tâm linh giúp mỗi người tự tin, lạc quan, có ý thức giữ gìn sức khỏe hơn trong cuộc sống. Mỗi người đều chân thành tỏ lòng biết ơn cứu tử và thề trung thành, hiếu thuận đối với thầy mo như đối với cha mẹ mình: “Tẳng hươn so choi tụp/ Tẳng túp so choi pe/ Phạ phôn so dú cỏng tét/ Phạ đét so dú cỏng moi”, có nghĩa là: Dựng nhà xin giúp một chái/ Dựng nhà xin giúp cây đòn nóc/ Trời mưa xin được trú dưới chân/ Trời nắng xin được nấp dưới bóng.
Sau lễ cúng, mọi người cùng ăn uống vui vẻ. Những lời hát trong bữa cơm thân mật này đều cầu chúc cho mọi người có sức khỏe, con vía không đi lạc làm cho người đau ốm: “Dệt kin khửn dựt dựt sương nặm mả/ Nha lông kha kha sương nặm hảnh…”, có nghĩa là: Làm ăn lên nhanh như nước lũ/ Đừng xuống cạn (nghèo) như nước rút và chúc nhau: “Hảo sâng quang đanh/ Hánh sâng chạng thướng/ Siểng sâng baư/ Saư sâng bók…”, có nghĩa là: Khỏe như nai đỏ/ Mạnh như voi rừng/ Mát như lá/ Tươi hồng như hoa… Mọi người cùng nắm tay nhau nồng say trong điệu xòe vòng xung quanh cây “co quái tao”, khi bước xòe đến bên mâm cúng không bao giờ quay lưng và tỏ lòng tôn trọng, vừa xòe vừa vui vẻ tung còn.
Người tung quả còn bay lên mang đi cái úa vàng, vận hạn rủi ro vừa tung vừa hát: “Khắm sai bản lống tọt xia lương, khắm sai mướng lống tọt xia sảy”, có nghĩa là: Chúng ta cùng nhau cầm dây còn ném đi cái úa vàng, nắm dây còn quăng đi cái đau ốm. Người đón còn, đón lấy cái may mắn, tốt đẹp về cùng hát: “Hặp au ăn đi, ăn ngám má chảu/ Hặp ăn ăn thảu, ăn ké má tô”, có nghĩa là: Bắt lấy cái tốt đẹp về mình/ Đón lấy cái phúc, tuổi thọ về ta.
Ngày nay khi trình độ dân trí được nâng cao, người dân khi đau ốm đều đến bệnh viện để khám chữa bệnh nhưng lễ “Xên lảu nó” vẫn được bảo tồn như một nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Người Xá Phó (Phù Lá) ở tỉnh Yên Bái cư trú chủ yếu ở huyện Văn Yên, một số rất ít sinh sống tại hai huyện Văn Chấn và Yên Bình với tập quán canh tác lúa nương truyền thống, cùng với kỹ thuật thủ công phát nương trọc lỗ, tra hạt. Hàng năm vào trung tuần tháng 8 đến tháng 9 âm lịch, khi những bông lúa mới trên nương đang uốn cong mình thì chính là lúc đồng bào dân tộc Xá Phó chuẩn bị cho mùa thu hoạch mới và tổ chức lễ mừng cơm mới (Già - ì - xì - mờ - ra - né) để cám ơn tổ tiên, cám ơn trời đất đã ban cho mưa thuận gió hoà, có một mùa mới bội thu.
Địa điểm tổ chức lễ Già - ì - xì - mờ - ra - né tại mỗi nhà, tuỳ từng gia đình dòng họ mà đồng bào sẽ lựa chọn những ngày tổ chức khác nhau, phụ thuộc vào những kiêng kị cụ thể của từng nhà, từng gia đình, dòng họ. Tuy nhiên, đồng bào kiêng tổ chức vào các ngày con Dê, con Khỉ hay những ngày sinh của bố mẹ chủ gia đình nơi tổ chức mừng cơm mới.
Người Xá Phó ở đây ăn mừng cơm mới trong 3 ngày: ngày thứ nhất là ngày chuẩn bị gạo mới, ngày thứ hai cúng tạ tổ tiên, trời đất (đây chính là ngày tổ chức lễ chính thức) và ngày thứ 3 tổng kết lễ mừng cơm mới.
Vào ngày thứ nhất, gia chủ sẽ cử một người vào nương gặt lúa từ sáng sớm tinh mơ. Người đi gặt lúa bao giờ cũng phải là bà vợ chủ nhà, người chuyên lo các công việc “nội trợ” cho gia đình. Khi đi gặt lúa, người được cử đi gặt phải giữ cho thanh tịnh, mặc trang phục mới, khăn mũ mới để đi đón “hồn lúa” (theo quan niệm của người dân).
Trên đường đi đón hồn lúa mới về gia đình, bà vợ sẽ phải kiêng nói chuyện, chào hỏi mọi người trong suốt quãng đường từ nhà tới nương lúa và đi thật nhanh liền mạch từ nhà tới thẳng nương lúa.
Để gặt lúa mới, dụng cụ mang theo bao gồm gùi đựng lúa (á tre), dao (mi the) và hái lúa (le dị). Khi tới nương, người được cử đi gặt thường chặt cây làm ám hiệu để thông báo cho những người đi nương khác biết và cấm vào nương trong thời gian thực hiện các nghi thức đón hồn lúa mới theo phong tục tập quán truyền thống.
Khi gặt lúa, người đi gặt phải quay mặt về hướng Đông, hướng mặt trời mọc. Theo quan niệm dân gian, để giữ hồn lúa, đón được hồn lúa về nhà để tổ chức lễ cơm mới cám ơn trời đất và cầu xin cho vụ mùa tới tốt tươi thì không được để hồn lúa gặp những người ngoài khiến hồn lúa sợ mà đi mất hoặc không về nhà. Hồn lúa không về nhà sẽ làm cho vụ mùa năm sau không còn may mắn, không tốt tươi. Cũng với quan niệm đó mà ngay cả khi gặt lúa, người vợ chủ nhà phải gặt thật nhanh những bông lúa đầu tiên. Ở ba cum lúa đầu (cum - đơn vị chỉ một bó lúa của người Xá Phó) phải gặt lúa mới thật nhanh để giữ hồn lúa và các cum lúa sau có thể gặt bình thường lại và sau đó gặt thêm 6 cum lúa khác để chuẩn bị gạo tổ chức lễ mừng cơm mới. Tổng số 9 cum lúa sẽ được gặt trong ngày đầu tiên, 8 cum sẽ được mang về nhà làm lễ cúng Già - ì - xì - mờ - ra - né, một cum được để lại nương, đặt vào một vị trí cao và trang trọng nhất trong nương. Theo quan niệm dân gian đây là cum lúa giống, đồng thời cũng là cum lúa để thông báo cho thổ công thổ địa biết việc tiến hành nghi thức cúng mừng cơm mới của gia đình để thổ công thổ địa gìn giữ và phù hộ cho lúa.
Sau nghi thức gặt lúa này, từ các ngày sau đó mọi người trong gia đình có thể lên gặt lúa mới bất kỳ lúc nào. Trường hợp gia đình chưa làm được lễ cúng cơm mới thì tuyệt nhiên trong gia đình không ai được vào nương, không ai được hái lúa.
Lúa mới được mang về nhà, cho lên gác bếp sấy khô rồi đem giã lấy gạo. Gạo làm cơm mới không được giã quá kỹ để giữ lấy hương vị thơm ngon, tinh khiết của lúa mới. Gạo sau khi giã xong được cho vào một ống nứa mới, dựng gần bếp lửa nơi sẽ diễn ra các nghi thức của lễ mừng cơm mới. Trấu và cám của gạo mới cũng không được bỏ đi. Tất cả được để riêng và dùng cho gia súc, gia cầm sau khi nghi thức cúng cơm mới cho tổ tiên đã hoàn thành. Khi gặt lúa, cả hai loại gạo nếp và tẻ được gặt về và trong lễ Già - ì - xì - mờ - ra - né hai loại cơm đó đều được xôi cúng trời đất, tổ tiên.
Sang ngày thứ hai, ngày chính thức của lễ Già - ì - xì - mờ - ra - né, vào buổi sáng gia đình sẽ chuẩn bị đồ lễ, lễ vật dâng cúng như gạo để thổi xôi, mổ lợn, gà... Vào sáng sớm, người chồng phải vào rừng hái lá chuối rừng, lấy một bi chuối (hoa chuối rừng) bóc lấy phần non, tìm thêm một chút cát vàng ven suối, hái một chùm quả cà dại (loại cà dại quả xanh nhỏ bằng đầu ngón tay). Mỗi thứ lấy một chút và chỉ được lấy một lần. Các đồ vật do người chồng vào rừng lấy sẽ được rửa sạch, gói riêng từng loại vào lá chuối rừng đặt xuống đáy chõ xôi cùng cơm mới. Theo quan niệm của đồng bào, hoa chuối tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở, bởi vậy trong nghi thức cúng cơm mới luôn có hoa chuối cùng với mong muốn lúa luôn tươi tốt phát triển, lúa sẽ phát triển nhanh, mạnh, nhiều như chuối rừng, nhiều như cát và cà xanh (nhiều hạt).
Lễ cúng và ăn mừng cơm mới thường được diễn ra vào buổi chiều tối, khoảng từ 19-20h. Ngày hôm đó, gia đình chuẩn bị các công việc cho lễ cúng theo cách tổ chức lễ Già - ì - xì - mờ - ra - né truyền thống. Mọi công việc từ chuẩn bị cho tới việc tiến hành các nghi thức đều phải diễn ra âm thầm, tránh tổ chức ấm ĩ, phô trương. Khách đến dự lễ thường là anh em trong gia đình, dòng họ, họ có thể mời nhau tới cùng dự lễ cúng từ trước đó nhưng cũng có thể tới gần giờ tổ chức nghi lễ mới cho con cháu sang mời để tránh được sự ồn ào, náo nhiệt.
Gạo tẻ và gạo nếp được ngâm từ khoảng 14-15h chiều, tới 17h dưới sự hướng dẫn của bà chủ gia đình sẽ tiến hành xôi cơm mới với hoa chuối rừng, cát vàng và quả cà dại. Gạo tẻ sẽ được xôi chín cho ra một chiếc mẹt, tiếp đó chiếc chõ tiếp tục được sử dụng ngay để xôi cơm nếp dâng cúng tổ tiên trời đất. Cơm sau khi xôi chín sẽ được cất kỹ do bà chủ nhà phụ trách để tránh trẻ em ăn cơm mới trước khi cúng tổ tiên.
Chủ nhà phải chuẩn bị hai mâm cúng, cúng mừng cơm mới. Một mâm cúng tổ tiên được đặt trong nhà dưới “cửa ma” gọi là A - nẹ - na - be để cúng cám ơn tổ tiên (cửa ma là tên gọi nơi thờ tổ tiên của đồng bào Xá Phó, một miếng liếp giống như một chiếc cửa sổ nhỏ ngay vách chính giữa ngôi nhà truyền thống của đồng bào, trên đó có cắm hai chiếc lông gà).
Mâm cúng được đan bằng nứa hình mắt cáo, trên đó được lót một phần đuôi của tàu lá chuối rừng (1/4 tàu lá chuối, phần ngọn lá được quay về phía cửa ma, cuống lá chuối được xếp thẳng với bếp lửa, như vậy tàu lá được xem như dụng cụ thông quan giữa thần linh với con người trong lễ cơm mới qua hình tượng bếp lửa). Trên mâm cúng được đặt 6 chén (làm bằng ống nứa) xếp hình cung theo chiều của mâm. Hai bên mâm đặt mỗi bên 3 chiếc bát (làm bằng ống nứa to) và 3 đôi đũa. Trên mâm còn được bài trí một chút cơm tẻ và một chút cơm nếp mới được xôi. Hai bên mâm có một đĩa thịt gà luộc đặt bên phải và một đĩa thịt lợn luộc đặt bên trái. Hai ống nứa đựng rượu đặt hai bên cửa ma. Hoa chuối, cát và cà xanh xôi cùng cơm mới cúng được người dân bài trí lên mâm cúng cho tổ tiên cùng với những ước mong nguyện vọng của họ về một năm mới với những vụ mùa tươi tốt.Thêm một chút muối cùng với gừng giã, hai cuộn chỉ một đen và một trắng là hoàn thiện một mâm cúng đầy đủ để dâng cúng tổ tiên trong lễ Già - ì - xì - mờ - ra - né.
Phía trên vách nhà, hai bên được bài trí quần áo và những đồ trang sức của phụ nữ Xá Phó được bày trong suốt thời gian gia đình tổ chức lễ Già - ì - xì - mờ - ra - né.
Một mâm cúng trời đất, thiên nhiên được gia đình sắp đặt bên ngoài Thích (sàn ngoài trời nơi đây cầu thang nhà người Xá Phó), mâm cúng có tên là Mu - thiu - a - né - pư - bá. Các lễ vật trên mâm Mu thiu a né pư bá bao gồm có 6 chén uống rượu bằng tre, 6 bát và 6 đôi đũa, một nải chuối được đặt chính giữa, một miếng thịt lợn sống và một đĩa muối trắng. Hai bên mâm cúng có hai cây mía còn lá được đặt chạm tới đất, phần lá bên trên được uốn cong vào giữa mâm cúng. Hai thân mía đồng bào buộc hai ống đựng rượu, ở chính giữa phía sau mâm cúng là một cây chuối rừng được chặt hết phần lá còn để lại duy nhất một mầm non ở giữa. Đồng bào Xá Phó ở Yên Bái kiêng mang cây xanh vào trong nhà ở của họ vì vậy mâm cúng thiên nhiên với các lễ vật là cỏ cây hoa lá được đồng bào đặt tại Thích và tiến hành các nghi thức cúng bái tại đó.
Sau khi đã chuẩn bị xong hai mâm cúng, gia chủ cho mời thầy cúng tới thay mặt gia đình tiến hành nghi thức cúng mừng cơm mới, cám ơn tổ tiên trời đất và mời tổ tiên về dự lễ cúng và chung vui với gia đình, sau đó cúng cầu xin tổ tiên và thần thánh phù hộ cho vụ mùa năm sau. Mỗi một mâm cúng thầy cúng tiến hành trong khoảng 30 phút với đại ý : “Hôm nay gia chủ có con gà, có bát cơm mới là lễ cúng mừng cho lúa mới đã về nhà…hồn lúa đã ở lại đây…xin mời tổ tiên…thần thánh về dự và hưởng cơm mới cùng con cháu, con cháu đã làm lễ này để cảm ơn các ma…” Nghi thức cúng ngoài trời cũng được thực hiện bởi thầy cúng với nội dung cúng tương tự. Tuy nhiên đối tượng cầu xin ở đây được xem là chính bởi trời đất và thiên nhiên mới ban cho con người mưa thuận gió hoà để mùa màng tốt tươi.
Kết thúc các nghi thức cúng mừng cơm mới của thầy cúng là các nghi thức ăn mừng của gia đình do bà vợ chủ nhà thực hiện. Mâm cơm chính của lễ Già - ì - xì - mờ - ra - né được gia đình chuẩn bị từ trước mang lên đặt dưới cửa ma. Thầy cúng và những người cao tuổi sẽ được mời vào mâm này. Vợ chủ nhà cũng ngồi vào mâm chính của lễ mừng cơm mới và bắt đầu thực hiện các nghi thức. Trang phục của bà vợ phải là trang phục mới được mặc từ hôm trước đi gặt lúa (trong suốt thời gian 3 ngày của lễ cơm mới là thời gian kiêng, người vợ phải mặc nguyên một bộ áo váy mới và không được thay ra cho tới khi kết thúc 3 ngày kiêng kị).
Bà vợ lấy một chiếc bát xới một bát cơm nửa tẻ, nửa nếp úp lên trên đó một miếng lá chuối mang xuống để dưới sàn của chạn đựng bát. Theo người dân, đây là một nghi thức mà người dân tin rằng sẽ đoán biết được vụ mùa năm sau. Sáng hôm sau ở bát cơm này ra, nếu thấy bát cơm ngót đi họ cho rằng sẽ phải đón chờ một vụ mùa không thuận lợi. Nếu bát cơm còn nguyên không vơi đi thì người dân vui mừng vì sẽ đón chờ một vụ mùa may mắn.
Tiếp theo, người vợ lại xới một bát cơm nửa nếp, nửa tẻ, chan vào đó một chút nước “lần” (nước khe suối) dùng tay trộn đều hai loại cơm rồi dùng tay quãi cơm về phía mọi người, phía con cháu và khách tới dự lễ Già - ì - xì - mờ - ra – né. Mọi người có mặt trong lễ cúng sẽ dùng vạt áo để hứng những hạt cơm “lộc” do bà chủ nhà quãi, sau đó dùng một miếng lá chuối nhỏ đã chuẩn bị từ trước gói những hạt cơm đã hứng được mang về nhà đặt dưới bồ thóc của mình với niềm hy vọng những may mắn của một vụ mùa tới của gia chủ cũng sẽ đến với mọi gia đình.
Bát cơm thứ ba của nghi thức này cũng được bà chủ nhà lấy hai loại cơm trộn đều với nước lần và đưa cho mọi người để cúng thưởng thức cơm mới và đánh giá chất lượng của gạo mới năm nay. Thầy cúng là người được thưởng thức đầu tiên và thông thường họ sẽ khen cơm ngon, dẻo hơn mọi năm. Tiếp đó là lần lượt từng người trong buổi lễ từ vai vế cao trở xuống sẽ cùng nhau thực hiện nghi thức này. Mọi người đều dùng tay để bốc và ăn thử cho tới khi hết bát cơm.
Sau đó chủ nhà cho dọn những mâm cỗ đầy, với các loại rượu ngon của gia đình thiết đãi mọi người để mừng cho vụ mùa mới, mừng cho cơm mới của gia đình.
Ngày thứ 3 là ngày tổng kết lễ Già - ì - xì - mờ - ra – né. Trấu, cám và những sản phẩm thừa từ việc chiết xuất gạo mới sẽ được cho gia súc gia cầm ăn. Người dân quan niệm rằng con người được ăn cơm mới thì trong ngày đó súc vật, gia cầm cúng được hưởng và họ sẽ cho vào ngày tổng kết lê Già - ì - xì - mờ - ra - né.
Lễ mừng cơm mới là một nghi lễ đặc sắc và khá độc đáo của người Xá Phó. Nghi lễ thể hiện nhiều giá trị thẩm mỹ cao đẹp, giáo dục con người biết tôn trọng thiên nhiên. Ngày nay, người Xá Phó ở đây vẫn thường xuyên tổ chức lễ mừng cơm mới, duy trì truyền thống văn hoá tốt đẹp mang đậm bản sắc dân tộc. Tuy nhiên việc tổ chức lễ Già - ì - xì - mờ - ra - né đã đơn giản hơn cả về thời gian và quy mô tổ chức.
Đền Đông Cuông thuộc địa phận thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, vốn là một ngôi đền lớn, cổ kính mang đầy những dấu vết, huyền tích thiêng liêng về Mẫu Thượng Ngàn. Hàng năm lễ hội đền được tổ chức vào ngày Mão đầu tiên của tháng Giêng và tháng Chín, thu hút đông đảo nhân dân cả nước đến dâng hương, vãn cảnh đền và cầu nguyện cho mình và người thân một năm gặp nhiều may mắn…
Lễ hội được mở đầu bằng lễ mổ trâu tế Mẫu, được thực hiện vào thời khắc đầu tiên của ngày Mão đầu năm.
Trâu dùng để tế phải là trâu đực trắng, to khoẻ, được tuyển chọng kĩ lưỡng. Tới giờ phút thiêng liêng nhất, ông mo bước từ cung cấm ra cùng các giai chay và dân làng làm lễ, tiến hành lễ hiến sinh cầu cho linh hồn những anh hùng đã hi sinh ở thác Ghềnh Ngai trên dòng sông Hồng trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông thủa trước. Một trong những nghi thức đặc biệt ở đền Đông Cuông là lễ treo Trâu ngay trước đền, vừa mang tính cổ xưa lại mang đậm tính tâm linh, song thể hiện rõ phong tục tập quán của người Tày khao.
Cuộc tế lễ diễn ra một cách nghiêm linh, muôn dân trăm họ hướng về cội nguồn để cầu cho Quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hoà, bình an hạnh phúc, v.v.
Tiếp sau lễ mổ trâu là lễ rước Mẫu sang sông, đây là một trong những lễ chính của lễ hội đền Đông Cuông. Sau khi Mẫu được rước sang sông bằng chiếc thuyền lớn quay trở về bản đền. Đây cũng là lúc dâng hương tế Mẫu, hàng ngàn du khách thập phương và nhân dân trong vùng lần lượt dâng hương để cầu mong những điều may mắn sẽ đến với bản thân, gia đình và bạn bè.
Lễ rước Mẫu sang sông
Sau phần lễ là phần hội, các hoạt động thi đấu thể thao, trò chơi dân gian như: đẩy gậy, kéo co và các hình thức sinh hoạt mang đậm chất dân gian như ném còn đã tạo cho lễ hội đền Đông Cuông thêm phần sống động.
Lễ hôị đền Đông Cuông mang đậm nét văn hoá tâm linh, và có ý nghĩa khơi dậy truyền thống, lịch sử hào hùng của dân tộc.
Đền Tuần Quán thuộc phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái. Đền còn có tên gọi khác là Đền thần Diệp phu nhân Bách Lẫm. Đền có từ thời Lê Trung Hưng, đầu thế kỷ 15. Đền thờ mẫu Liễu Hạnh, ngoài ra Đền còn thờ đức thánh Trần là Trần Quốc Tuấn, người đã có công giúp vua đánh giặc cứu nước. Hàng năm cứ vào ngày 3 tháng 3 âm lịch Đền tổ chức chính hội (Ngày hội Mẹ) để tưởng nhớ đến công lao của Mẫu Liễu Hạnh, người đã có công giúp nhân dân khai khẩn ruộng nương, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Hội đền Tuần Quán gồm 2 phần: Phần lễ là những nghi lễ dâng hương truyền thống được tổ chức công phu và trang trọng. Phần hội là những trò chơi dân gian truyền thống như cờ tướng, đánh vật, kéo co, làm bánh dày, hát chầu văn, hát chèo… nhằm tái hiện lại cuộc sống, giá trị văn hoá thủa xưa trong truyền thống dựng nước và giữ nước của ông cha ta.
Ngoài ra Đền còn có một lễ hội nữa gọi là tiệc cha được tổ chức vào ngày 20 tháng 8 âm lịch hàng năm.
Với những nét đặc trưng, sự thành kính trang nghiêm, hàng năm, vào mỗi dịp đầu xuân, du khách thập phương lại nô nức trở về Đền để trảy hội, vãn cảnh, cầu tài cầu lộc, cầu cho một năm may mắn, mưa thuận gió hoà, phúc đẳng hà sa, Quốc thái dân an.
Một năm có một lần diễn ra, Lễ hội đền Đại Cại ở tỉnh Yên Bái đã trở thành nơi để cho những môn thể thao truyền thống của nhân dân các dân tộc trong vùng được duy trì và phát triển rộng rãi hơn. Thông thường, Lễ hội đền Đại Cại diễn ra ở xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái trong 2 ngày. Ngày chính lễ tiến hành vào ngày rằm tháng Giêng.
Trong ngày lễ chính bắt đầu là nghi thức rước và dâng lễ độc đáo bằng thuyền độc đáo trong quần thể di tích. Lễ rước bà chúa quân lương Vũ Thị Ngọc Anh và lễ dâng hương được đồng bào chuẩn bị kỹ lưỡng. Đoàn rước theo đường thủy ngòi Lăn, rồi xuôi dọc sông Chảy, tiếp theo đi đường bộ vào sân đình làm lễ, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Phần hội có thể diễn ra trước hoặc sau lễ rước với nhiều sinh hoạt cộng đồng phong phú. Chương trình văn nghệ trong ngày khai hội với Các tiết mục của diễn viên chuyên nghiệp hay chính những người dân địa phương trình bày đã tạo không khí phấn khởi vui tươi trong ngày đầu năm mới.
Trong ngày lễ hội, bên cạnh những môn thể thao hiện đại không thể thiếu những trò chơi đậm bản sắc của đồng bào nơi đây. Ngay sau lễ rước, dòng sông ngay trước cửa đền đã vang động tiếng trống thôi thúc các vận động viên đua thuyền tranh tài. Chiếc thuyền độc mộc này là phương tiện đi lại không thể thiếu của đồng bào Tày, đồng bào Dao của các xã dọc theo sông Chảy như Tân Lĩnh, An Lạc. Bơi thuyền đạp chân như bẩm sinh trong mỗi chàng trai, cô gái ở đất này. Và ai được tham gia cuộc đua này cũng lấy làm tự hào lắm.
Kết thúc cuộc đua trên sông, cũng vừa khi sương sớm tan hết, nắng lên đủ để trai làng, gái bản và du khách nhìn rõ vòng còn. Cây nêu cao vút dựng lên ngay giữa sâu khấu nhà đền, vòng còn nhỏ nhoi thách thức những người chơi điệu nghệ và những quả còn tíu tít qua lại như muốn nói lên ước vọng và tinh thần vượt lên khó khăn của mỗi người dân vùng cao.
Trong Hội đền Đại Cại, kéo co cũng là môn thi đấu không thể thiếu. Nhưng vui hơn ở đây là cuộc thi tài giữa các thôn của xã Tân Lĩnh - một địa bàn được coi là có trường luyện binh, là nơi sản xuất lương thực nuôi quân của Phó tướng Vũ Thị Ngọc Anh năm xưa. Những người tham gia các đội chơi này đã thể hiện bề dày truyền thống lịch sử của vùng đất thiêng.
Đặc biệt thú vị là ở môn đánh quay. Ở sân chơi này, những con quay được người chơi đẽo gọt công phu, nhiều con quay gắn bó với họ trong nhiều cuộc chơi ở thôn bản. Người chơi cũng thật giỏi dang khi đánh thật trúng quay đối phương để vào những vòng trong để rồi xứng đáng nhận phần thưởng từ ban tổ chức.
Cũng như kéo co, sân đấu vật trống thúc liên hồi giục giã các đô vật là các chàng trai người Tày, người Kinh, người Dao vào xới. Sức khỏe, sự khôn khéo, nhanh nhẹn thể hiện trong từng miếng lừa, thế tấn, bước ra vào mạnh mẽ. Tiếp sau là môn đẩy gậy - một môn thi đấu đòi hỏi sức khỏe và kỹ thuật cao. Tuy không có nhiều vận động viên, nhưng việc đưa vào thi đấu như khẳng định rằng đây là môn thể thao mũi nhọn của các địa phương vùng cao ở huyện Lục Yên thuộc tỉnh Yên Bái. Ngoài các môn thể thao này, tùy theo quy mô Lễ hội hàng năm mà địa phương còn tổ chức thi đấu bóng chuyền, cờ tướng, bắn nỏ và một số môn khác.
Sau những ngày lễ hội, những người dân nơi đây lại trở về với công việc thường ngày trong dư âm ngày hội không dứt. Rồi trong sinh hoạt cộng đồng dân cư, họ lại chơi, lại thi đấu hay tranh thủ luyện tập, giải trí khi nghỉ ngơi. Một năm có một lần diễn ra, Lễ hội đền Đại Cại trở thành nơi để cho những môn thể thao truyền thống của nhân dân các dân tộc trong vùng được duy trì và phát triển rộng rãi hơn.
Đã thành thông lệ, cứ vào ngày 9 tháng giêng âm lịch hàng năm, đông đảo bà con nhân dân cùng du khách thập phương lại nô nức về dự hội Đền Mẫu Thác Bà thuộc thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình tỉnh Yên Bái. Tương truyền từ thời các vua Hùng, có nàng công chúa tên gọi Minh Đạt được cắt cử trông coi vùng sông Chảy Thác Bà, dạy dân khai khẩn đất hoang, trồng lúa, dệt vải. Khi bà mất được nhân dân tôn kính, lập đền thờ phụng tại Thác Bà.
Cũng như nhiều lễ hội khác, lễ hội Đền Mẫu Thác Bà gồm hai phần chính, là phần lễ và phần hội. Phần lễ với những nghi thức truyền thống trang trọng, mở đầu là phần rước kiệu. Phần rước được chia làm ba hướng, hướng thứ nhất là rước kiệu hoa, kiệu võng và kiệu bát cống; hướng thứ hai là rước lễ vật gồm 8 mâm từ hồ xanh lên gồm chè kho, bánh, hoa quả; hướng thứ ba là rước cá từ Hồ Thác Bà vào. Tiếng trống hội xuân rộn rã thúc giục, làm bừng lên không khí nhộn nhịp của cả vùng. Người người tấp nập đội lễ ra đền thành tâm cung kính, gạt bỏ hết mọi điều ác để hướng thiện. Sau phần rước kiệu là lễ tế mẫu, lễ dâng hương kính mẫu, lễ dâng hoa, dâng quả, lễ dâng tửu… Tất cả mọi nghi lễ rước, tế, dâng hương đều nói lên tấm lòng thành kính, biết ơn của dân làng đối với người xưa.
Sau phần lễ nghiêm trang là phần hội sôi nổi và vui nhộn với các trò chơi dân gian như: kéo co, đẩy gậy, chọi gà, ném còn, cờ tướng v.v…Những hình thức sinh hoạt văn hóa mang đậm màu sắc dân gian đã tạo cho ngày hội của nhân dân vùng hạ lưu sông Chảy thêm sống động và thực sự là nơi giao lưu văn hóa giữa các dân tộc Kinh, Tày, Nùng trong vùng. Các trò chơi trong hội không chỉ thể hiện sự khéo léo, tài trí và thông minh mà còn toát lên tính tập thể, tinh thần cộng đồng cao.
Từ khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng ruộng bậc thang thuộc các xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình là Di tích danh thắng cấp quốc gia vào năm 2007, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái thường xuyên mở hội lễ hội ruộng bậc thang độc đáo. Lễ hội thường diễn ra vào tháng 9-10, mùa gặt của Mù Cang Chải.
Dọc đoạn đường quốc lộ 32 từ Đèo Khau Phạ về thị trấn huyện lỵ, ở đâu bạn cũng có thể chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang xếp tầng, xếp lớp, trải rộng khắp các triền đồi, núi cao. Trên lưng chừng núi không chỉ đơn thuần là những thửa ruộng để sản xuất mà còn là những tác phẩm văn hóa kiệt tác mang bản sắc của đồng bào người Mông. Những thửa ruộng bậc thang vào mùa lúa chín như những dải sóng vàng uốn lượn trên lưng chừng đồi núi cao.
Đặc biệt hơn, vào những ngày mây mù bao phủ, sóng lúa, biển mây hòa quyện vào nhau tạo nên khung cảnh không gian kỳ ảo đẹp đến mê hồn. Đây chính là “kỳ quan nhân tạo” mà không phải ở nơi nào trên Trái Đất này có được.
Là một trong những địa danh nổi tiếng của vùng Tây Bắc, ruộng bậc thang Mù Cang Chải từ lâu đã được nhiều bạn biết đến với vẻ đẹp kỳ vĩ do con người tạo nên. Nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mặt nước biển; với hơn 2.600ha, ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải được hình thành từ nhiều đời nay do tập quán canh tác của người Mông…
Ngay từ khi định cư ở mảnh đất này, đồng bào Mông đã lấy trồng trọt là phương thức canh tác chủ yếu, từ đó nghĩ ra cách khai khẩn ruộng bậc thang. Trước tiên, họ là lựa chọn mảnh đất ưng ý, có độ dốc vừa phải, có nguồn nước, có khả năng tạo mặt bằng, ít sỏi đá. Tiếp theo, họ xác lập quyền khai khẩn bằng cách xếp các cột đá cao hoặc chặt ngọn một số cây gỗ lớn trên mảnh đất đó làm dấu hiệu xác lập và khi đã đánh dấu nghĩa là mảnh đất đã có chủ, không ai được xâm phạm.
Khi đã huy động được lực lượng và có điều kiện thời tiết thuận lợi, việc khai khẩn được tiến hành. Cần cù lao động, sản xuất, đồng bào Mông đã tạo nên những “kiệt tác” trên núi, đồng thời cũng tạo ra đời sống tinh thần vô cùng phong phú.
Cầu mưa "pay so phôn" là nghi lễ không thể thiếu trước mỗi mùa vụ mới của người Thái đen Mường Lò tỉnh Yên Bái. Trong hội cầu mưa này, con người không chỉ cầu xin các đấng siêu nhiên ban cho mưa thuận gió hòa, mùa vụ tươi tốt, mà còn thông qua các yếu tố tâm linh để khuyên răn, nhắc nhở về bổn phận và trách nhiệm của mỗi người.
Người Thái quan niệm có sự tồn tại của hai thế giới. Thế giới thực gồm sự sống của con người và muôn loài mà con người thấy được. Còn thế giới siêu nhiên là lực lượng quyết định sự sống trên trái đất do đó người Thái rất coi trọng việc cúng tế. Bên cạnh đó, người Thái còn cho rằng thần linh cai quản mưa gió, thương những đứa trẻ sinh ra không có cha để làm nhà cho nên đã không làm mưa khiến cho trời hạn hán, đây cũng là cách trừng phạt những người phụ nữ có con ngoài giá thú, vì vậy trong hội cầu mưa bao giờ cũng do một người đàn bà góa - "me mải" đại diện dẫn đầu cùng dân bản cầu xin các vị thần chủ nước, chủ sông suối (biểu tượng cụ thể là thuồng luồng - "tô ngựa") để mời các thần linh về lắng nghe nguyện vọng và phù hộ cho con người.
Bà góa cùng các bà, các mẹ trong bản mặc áo tơi cọ - "sửa cọk", đội nón, cùng khênh bung đến từng nhà để quyên góp. Các bà còn đem theo một chiếc mõ tre - "khe mọ" và một chiếc mẹt - "lổng". Đến nhà nào các bà cũng gõ mõ báo hiệu và gõ mẹt rồi cất tiếng hát: "Dú hươn bấu lê?/ Me nang ơi?/ Khắp tu lét haử é/ Khay tu phôn haử é/ So nặm phôn háy cả/ So nặm Phạ háy na/ Háy na háy ta cả/ Háy cả háy lí lo/Khẩu dú hay tai phoi/ Hòi dú na tai lệnh/ Pảnh dú sả hôm quân/ Măn dú khủm tai ẩu/ Báo thẩu tai dạ pa/ Báo na tai da nhiểu da nhiếng/ ... Mựt ma sương áng ỏm/ Cóm ma cờ áng nin dơ. Có nghĩa là: Có ở nhà không bà nàng ơi/ Đóng cửa nắng cho tôi/ Xin nước mưa làm mạ/ Xin nước trời làm ruộng/ Vừa làm ruộng vừa làm mạ/ Làm mạ làm nhanh nhanh/ Lúa trên nương đã chết khô/ Ốc ở ruộng chết cạn/ Bánh men rượu thành khói/ Sắn dưới đất chết thối/ Con trai không còn nơi bắt cá/ Con cà niễng không có để ăn/... Trời tối như nước chàm/ Mây đen về như mực...".
Các nhà tùy điều kiện, người góp gạo, người góp rượu, sắn, khoai để vào mẹt rồi các bà mới chuyển vào bung, chủ nhà và đoàn người cùng hát: "Phôn phôn giơ/ Lôm lôm giơ", có nghĩa là: "Mưa nhanh nhanh/ Gió nhanh nhanh".
Khi đã có đủ lễ vật, đoàn người rước hình mô phỏng "Tô Ngựa" đến địa điểm cúng lễ, bà góa dùng mẹt làm mâm, đặt lễ vật vào và bắt đầu cúng bài cúng cầu mưa với nội dung mời chủ nước, chủ sông suối về ăn lễ vật và lắng nghe nguyện vọng của dân bản cầu xin trời làm mưa: "Mơi chaủ phảu tu lét mướng bun/ Mơi chảu phảu tu phôn mướng phạ/ Mơi ma kin chịn mu luông, mu pi to lỏng/... Kin lẹo chắng coi cáo đi/ Lảy kin pang chắng coi cáo cụm/ Khắp tu lét mướng bun haử nớ/ Khay tu phôn mướng phạ haử nớ"... Có nghĩa là: Mời chủ giữ cửa nắng của trời/ Mời chủ coi cửa mưa của thiên/ Xin mời về ăn thịt lợn nạc to bằng máng giã gạo... Ăn rồi xin rủ lòng thương/ Ăn xong thì xin phù hộ/ Đóng cửa nắng lại nhé/ Mở cửa mưa đi thôi. Bà góa tổ chức cho dân bản ăn uống vui vẻ và cùng múa hát cầu mưa. Không thể thiếu các điệu xòe truyền thống, bởi "Không xòe không tốt lúa/ Không xòe lúa không trổ bông...". Sau đó tất cả dân bản, thanh niên nam nữ cùng nhau ra những chỗ còn nước, mọi người vừa té nước lên nhau, vừa đồng thanh: "Phôn phôn giơ/ Lôm lôm giơ".
Điều độc đáo ở hội cầu mưa của người Thái Mường Lò là vai trò của nghi lễ cúng tế không nhiều. Ta chỉ thấy bà góa cùng các bà mẹ tảo tần chịu thương chịu khó và giàu lòng nhân ái. Trong xã hội người Thái xưa, phụ nữ là người phải chịu nhiều khó nhọc, đặc biệt là những người góa chồng, hoặc có con ngoài giá thú, bởi không có bàn tay người đàn ông làm những việc nặng nhọc. Vì vậy trong hội cầu mưa việc chỉ có các bà, các mẹ đến từng nhà quyên góp và cầu mưa có một ý nghĩa đặc biệt, hành động và lời cầu xin cho bản mường của những người phụ nữ nghèo khổ ấy thấu đến tận trời xanh.
Bà góa như một sứ giả chuyển tải nguyện vọng chính đáng của dân bản với các đấng siêu nhiên, đồng thời có vai trò như một thủ lĩnh. Bà góa cùng các bà đến từng nhà kêu gọi lòng đoàn kết, thức dậy lòng nhiệt tình, ý chí và quyết tâm của dân bản. Phải chăng sự đoàn kết xây dựng nên những công trình thủy lợi "mương, phai, lái lin" và vai trò của người phụ nữ của thời kỳ mẫu hệ của người Thái được biểu đạt tinh tế qua hình ảnh đầy nhân ái này.
Hình tượng chiếc mõ và mẹt vừa mang ý nghĩa âm dương giao hòa, sinh sôi phát triển. Chiếc mẹt như bầu trời thu nhỏ, tiếng gõ mẹt tượng trưng cho tiếng sấm báo hiệu trời mưa. Cái mẹt với người Thái còn có những ý nghĩa sâu sa, tinh tế. Mẹt mang hồn lúa gạo, khi mỗi đứa trẻ ra đời đều được đặt vào mẹt cho hay ăn chóng lớn; xưa những đôi vợ chồng hiếm muộn con lấy mẹt làm giường để nhanh có con; khi mỗi người Thái đen qua đời, mẹt để quạt lửa trong lễ hỏa thiêu, sau đó bao giờ hài cốt cũng được rửa sạch rồi đặt vào mẹt trước khi chôn cất...
Cùng với Lễ hội "Xên bản xên mường", tức cúng bản cúng mường để tri ân các bậc đã có công dựng xây và bảo vệ nên đất Mường Lò đã được nhân dân tôn làm thành hoàng, lễ hội cầu mưa là một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng rất quan trọng đối với cộng đồng. Lễ hội thường được tổ chức vào đầu mùa mưa, sau tết Nguyên đán. Cùng với nghi lễ đón tiếng sấm đầu mùa được coi là quyết định của chúa trời, của các vị thần gió, thần mưa, chủ sông suối... trước nguyện vọng của dân lành, người Thái Mường Lò còn coi đây là Hội cầu mùa có ảnh hưởng to lớn đến đời sống vật chất, tinh thần, tâm linh của cả cộng đồng, đến mùa màng, sức khỏe và sự làm ăn của bản mường năm ấy, nên bao giờ cũng được tổ chức rất trọng thể, vui vẻ, thu hút sự tham gia của đông đảo bà con.
Lễ hội Xên Mường (cúng Mường) là một trong những lễ hội lớn trong năm của người Thái nhằm tưởng nhớ đến các vị thần linh đã khai sáng ra mường, (cách gọi tên vùng đất nơi người Thái đang sinh sống), cầu mong cho người Thái được ấm no, hạnh phúc được tổ chức vào ngày 5 tháng 2 âm lịch. Lễ hội này diễn ra giống nhau ở mọi vùng, nhưng mỗi mường lại chọn địa điểm, cách thức tiến hành và một số nghi lễ khác nhau. Người Thái Tây Bắc thường tổ chức lễ hội này ở đầu nguồn sông suối, nơi cung cấp nước cho toàn mường; người Thái đen ở Mường Lò (Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) lại tổ chức ở khu rừng cấm của Mường (Tu Mường) - nơi có gốc đa to nhất, xung quanh là nơi yên nghỉ của những người đã khuất.
Lễ hội Xên Mường của người Thái ở Mường Lò do ông Mo Nghè (Mo mường), người trông coi thần quyền cho Chủ mường (Chạu Mường) và hội phụ lão (Hang thạu ké) đứng ra tổ chức. Lễ Xên mường phải có áo của con trai thuộc dòng dõi quý tộc gốc (Tạo chạu sựa) hay người đương chức (Phìa tạo) làm vật tế. Ngày nay, chức danh quý tộc không còn nữa nên người Thái lấy áo của các vị lãnh đạo xã làm vật tế.
Lễ vật do người dân toàn mường đóng góp, có thể mổ từ hai đến bốn con trâu. Riêng người Thái ở Yên Châu, tỉnh Sơn La thì tế trâu trắng. Điều lạ là, con trâu để Xên Mường phải do chính ông mo Nghè đi tìm, ông thích con nào thì chỉ con đấy, không cần biết con trâu của nhà ai. Thú vị hơn, khi bị ông Mo chỉ gậy vào, con trâu đứng yên đến mức gần như bị thôi miên, người giúp việc (ông Cón) chỉ việc dắt trâu về nơi tổ chức lễ hội. Cỗ cúng gồm ba mâm có thịt trâu chín, gạo và rượu. Ông Mo khấn bảy lần, mời các vị thần, các vị tổ tiên về dự lễ và phù hộ cho dân mường được ấm no, sung túc, cuộc sống an vui.
Các trò chơi trong lễ hội Xên Mường thường là xoè vòng theo nhịp Liền sau là trò ném còn. Trước khi bắt đầu, người ta lập đàn tế còn dưới chân cột còn cao 15m-20m. Lễ vật gần giống Xên Mường, chỉ khác là có thêm hàng trăm quả còn trên đàn tế. Quan niệm của người Thái cho rằng, ông trời sai con đỉa dưới ruộng, con muỗi, con vắt trên rừng hút máu đem lên trời. Nay mường tổ chức ném còn để đòi lại. Tham gia trò này chủ yếu là nam thanh niên, ai ném rách tâm điểm trên đỉnh cột còn sẽ được coi là người hùng của hội.
Trong hội Xên Mường còn tổ chức săn cá tập thể, một sinh hoạt khá lý thú. Mọi thành viên trong mường ai cũng có quyền tham gia cuộc săn này. Đây không đơn thuần là vấn đề kiếm ăn mà còn là một hoạt động sinh hoạt văn hoá khẳng định tính thống nhất cộng đồng chặt chẽ hơn. Có thể nói Xên Mường là lễ hội cầu an, vật thịnh, xã hội bền vững
Vùng Mường Lò tỉnh Yên Bái là nơi tập trung đông đồng bào dân tộc Thái sinh sống và có nhiều phong tục, lễ hội, các tục cúng giỗ đặc sắc. Bên cạnh những lễ hội như: Rằm tháng Giêng, Tết Síp xí, Xên bản, Xên Mường..., lễ hội Hoa ban là một hoạt động văn hóa khá tiêu biểu của vùng đất và cuộc sống tinh thần của người Thái Mường Lò. Hội Hoa ban là ngày vui của họ hàng, của bản, mường và là dịp cho trai, gái gặp gỡ, hò hẹn. Cứ đến ngày 5/2 âm lịch hàng năm, lễ hội Hoa ban được tổ chức. Địa điểm tổ chức thường là ở hang Thẳm Lé.
Lễ hội Hoa ban hàm chứa ý nghĩa cầu phồn thực của cư dân nông nghiệp miền núi, với tâm nguyện thỉnh bái "Then" - vị thần tối cao trong hàng ngũ thánh thần theo quan niệm của người Thái; thỉnh bái "Nàng Ban" - một nữ nhân vật huyền thoại biểu thị cho sự trinh trắng của thiếu nữ Thái và tình yêu đôi lứa thủy chung; thỉnh bái ma trời, ma đường, ma núi, ma sông... phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, vạn vật đơm hoa, kết trái, cho lứa đôi hạnh phúc và cuộc sống của dân bản yên vui.
Truyền thuyết của người Thái kể rằng: nàng Ban là một cô gái xinh đẹp nhưng bị bệnh đậu mùa, nàng không lấy chồng mà lên hang Thẳm Lé (nay thuộc xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn) sinh sống. Cuối cùng, nàng kiệt sức ở đó. Nơi nàng nằm xuống sau đó mọc lên một cây hoa mang búp trắng như búp tay người con gái và chẳng bao lâu, loài hoa ấy mọc lan ra khắp vùng Tây Bắc. Hằng năm mỗi độ xuân về, hoa nở trắng núi rừng và người ta đặt tên loài hoa đó là hoa ban.
Lễ vật trong nghi lễ là thịt lợn. Người Thái quan niệm lợn là con vật thông minh, có thể làm trung gian giao tiếp với các thần linh để thỉnh cầu những ước nguyện của dân bản; đồ lễ gồm có: đầu, đuôi, bốn chân, xương thịt, lục phủ, ngũ tạng, mỗi thứ một gói và trong số lễ vật để dâng tế thì rượu là đồ lễ không thể thiếu được.
Lễ hội gồm hai phần: phần lễ để cúng thần linh, phần hội để tạo nên những tiếng cười sảng khoái nhằm giáo dục con người vươn tới cái đẹp. Toàn bộ phần nghi lễ được thực hiện ở ngoài cửa hang, sau đó thầy mo vái "Then" xin mở cửa hang thì phần hội lúc đó mới diễn ra cả bên trong và bên ngoài hang.
Sau lễ cúng, bà con dân bản được vào hang dự tiếp phần hội. Nội dung của phần hội chủ yếu là khắp giao duyên theo điệu han nê. Sau đó là các trò chơi hái hoa, múa xòe và ném còn. Các chàng trai giúp các cô gái hái những bông hoa trắng muốt đem về nhà. Hoa ban còn là món ăn độc đáo trong văn hóa ẩm thực của dân tộc Thái. Món hoa ban nấu với gạo nếp thành xôi cho hương vị đậm đà, ngào ngạt hương thơm. Khi hoàng hôn buông cũng là lúc kết thúc các trò chơi trong lễ hội. Các chàng trai, cô gái vừa đi vừa nói những lời chia tay nhau đầy lưu luyến, hẹn đến mùa xuân mới, khi ban nở trắng đồi sẽ lại gặp nhau...
Với người Tày ở xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên (Yên Bái), hội Lồng Tồng (hay lễ hội cầu mùa) chính là một trong những lễ hội truyền thống đặc sắc lớn nhất, vui nhất của dân tộc Tày được tổ chức trong dịp đầu xuân năm mới. Lễ hội được tổ chức vào đúng ngày rằm tháng Giêng nhằm gửi gắm ước mong của dân làng, cầu cho mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi nảy nở, người người ấm no và hạnh phúc.
Cũng giống như các lễ hội khác, hội Lồng Tồng của người Tày ở Kiên Thành được chia làm hai phần, là phần lễ và phần hội.
Phần lễ với những nghi thức truyền thống trang trọng, mở đầu là phần rước hoa quả, cỗ bánh. Sau phần rước là lễ cúng Thành hoàng bản thổ, thần núi, thần suối: Núi Khau Raáo ở phía Tây, núi Khau Thú ở phía Bắc, núi Khau Cuốm ở phía Nam và miếu Bà Chúa ở phía Đông cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, cầu cho chim muông, sâu bọ không phá mùa màng, dân làng khoẻ mạnh, đời sống của nhân dân được ấm no.
Theo tục truyền từ xưa, lễ cúng Thành hoàng bản thổ của bản Roòng Raáo được nhân dân dâng lên 6 cỗ bánh, mỗi cỗ bánh gồm có 6 loại bánh là bánh uôi, bánh bìa, bánh phong trú, bánh tẻ, bánh trà lam, bánh nổ và một cây hoa 12 tầng tượng trưng cho 12 tháng trong năm đơm hoa kết trái. Thân cây được làm bằng cây găng gai, những bông hoa làm bằng cây dâu, những vòng hoa tròn được cắm vào cành găng thành cành hoa. Mỗi đầu cành hoa được treo một quả khế tượng trưng cho những hạt lúa mẩy nặng bông. Mỗi cỗ bánh kèm theo 7 mâm cỗ là những món ẩm thực được chế biến bằng thịt lợn, thịt gà và xôi nếp. Đi cùng với mâm cỗ bánh là cờ thần, trống, chiêng… rộn rã làm bừng lên không khí nhộn nhịp của cả vùng.
Cùng với lễ cúng Thành hoàng bản thổ là lễ cúng miếu bà Chúa. Theo truyền thuyết, có nàng công chúa Quỳnh Hoa vào bản Roòng Raáo và chứng kiến cảnh dân bản ở đây khổ quá, không có bát để ăn mà phải dùng lá rừng làm bát. Cảm thông với người dân, nàng quyết định quay lại triều đình để xin triều đình có giải pháp giúp dân lành. Trên đường đi, đến thác Rào Hạ không may nàng bị nước lũ cuốn trôi, từ đó dân làng lập miếu thờ công chúa ngay trên bờ thác Rào Hạ, đặt tên là miếu Bà Chúa. Hàng năm, cứ vào ngày 25 tháng Chạp âm lịch, nhân dân trong làng lại sắm lễ vật dâng cúng Bà Chúa để cảm ơn bà đã phù hộ cho dân làng. Tất cả mọi nghi lễ đều nói lên tấm lòng thành kính, biết ơn của dân làng đối với trời đất, đối với người xưa.
Xen với phần lễ, các nghệ nhân, các già làng trưởng bản cùng nhân dân các dân tộc xã Kiên Thành cùng nhau trình diễn màn đồng diễn 6 điệu dậm cổ gồm: dậm chéo rứa (múa chèo thuyền), dậm đàn tính, dậm víi (múa quạt), dậm đáp (múa kiếm), dậm teo kéo, dậm quét sân rồng. Các điệu múa thể hiện sự phối hợp nhịp nhàng, sự khéo léo của những đôi bàn tay con người và tinh thần thượng võ của dân tộc.
Sau phần lễ là phần hội sôi nổi và vui nhộn với sự tham gia của hàng nghìn người dân trong xã và khách thập phương với các trò chơi dân gian như: bắn nỏ, đánh yến, đẩy gậy, ném còn… Tất cả các trò chơi trong hội đã thể hiện sự gần gũi và tinh thần cộng động cao của những người tham gia. Những hình thức sinh hoạt mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc đã thực sự là nơi giao lưu giữa các dân tộc Tày, Mông, Kinh và Dao trong vùng.
Lễ hội Lồng Tồng là nét sinh hoạt cộng đồng đặc sắc, chứa đựng nhiều giá trị nhân văn, là nơi tôn vinh văn hóa, phản ánh tâm tư nguyện vọng người Tày với mong ước cả năm được mùa, khoẻ mạnh và một năm mới nhiều tốt lành.
Một tục lệ không thể thiếu của các cô gái Thái Đen Mường Lò Văn Chấn, Nghĩa Lộ (Yên Bái) trước khi về nhà chồng, phải tiến hành nghi Lễ Tằng Cẩu để rũ đi những vẩn đục của quá khứ, được nhẹ nhàng, thanh sạch, bước vào một cuộc sống mới. Cô dâu được búi tóc ngược lên đỉnh đầu trong lễ Tằng Cẩu, để thông báo cho mọi người biết mình đã có chồng. Lễ Tằng cẩu được thực hiện theo từng bước rất cụ thể, chặt chẽ và độc đáo.
Lễ vật nhà trai chuẩn bị cho cô dâu gồm: 1 sải khăn piêu, khít, đôi vòng tay và hoa tai bạc, nhẫn vàng hoặc bạc, trâm cài tóc, chiếc gương nhỏ, chiếc lược sừng và 1 lọn độn tóc đem sang nhà gái tặng cô dâu.
Trong ngày làm lễ Tằng cẩu, nhà trai cử một đoàn sang nhà gái gồm những thiếu nữ trẻ đẹp và các thiếu phụ khỏe mạnh, tháo vát, am hiểu sâu sắc phong tục, tập quán và thông thạo động tác búi tóc ngược cho cô dâu mới. Phía nhà gái cũng có số người tương ứng, trong đó có hai thiếu nữ làm phù dâu, thường là bạn thân của cô dâu.
Các bước tiến hành lễ, trước tiên là phần gội đầu cho cô dâu, hai cô gái phù dâu sẽ giúp cô dâu xoã tóc và gội đầu bằng Nặm Khảu má (nước ngâm gạo nếp) đựng sẵn trong ống tre nứa cùng với nước đun lá bưởi, lá xả, tre ngà, hương nhu, long não. Bởi người Thái Đen tâm niêm dưới làn nước trong mát của dòng suối, nước suối sẽ cuốn trôi đi tất cả những gì mòn cũ của ngày quá khứ và để được nhẹ nhàng, thanh sạch bước qua một cuộc sống mới. Sau khi, gội đầu xong, cô dâu sẽ vấn tóc quanh đầu rồi cùng chúng bạn trở về bản.
Từ chân cầu thang, cô được đón rước và bước chậm rãi từng bậc lên nhà sàn. Đến Tang chan (ngoài sàn) cô ngồi vào giữa một hàng ghế mây, hướng về phía mặt trời mọc. Hai thiếu nữ phù dâu cùng phụ nâng khay đựng đồ trang sức do nhà trai mang sang.
Tiếp đó, Nai cẩu (người được chọn để Tằng cẩu cho cô dâu) đứng ở phía sau lưng cô, nhẹ nhàng chải tóc rồi dùng hai tay vuốt ngược tóc từ phía sau gáy lên kèm theo lọn tóc độn và búi cuốn chặt lại từ trái sang phải hoặc ngược lại. Khi búi tóc đã hoàn chỉnh. Nai cẩu khẽ nâng chiếc trâm bằng bạc xuyên búi tóc để giữ cho cẩu không thể xổ rối tung và chiếc trâm bạc xinh xắn nổi bật trên nền đen óng mượt của búi tóc cô dâu mới.
Khi lễ Tằng Cẩu xong, Nai cẩu khẽ hát những lời dặn dò yêu thương và chúc mừng hạnh phúc cho tình yêu đôi lứa “Mái tóc dài, chải cho mượt/ Búi ngược lên thành “Tằng cẩu”/ Từ nay về sau, người đã có chồng/ Nước không đổi dòng/ Lòng không đổi hướng, con ơi”.
Lễ Tằng cẩu được người Thái đen coi trọng, bởi nó để lại dấu ấn quan trọng trong suốt cả cuộc đời người phụ nữ dân tộc này.
Dân tộc Thái có vốn văn học cổ truyền quý báu với kho tàng thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, truyện thơ, ca dao…cùng nhiều điệu múa (khắp) độc đáo: xoè Thái, múa sạp. Và một nét văn hóa độc đáo, làm nên nét riêng có của núi rừng Tây Bắc chính là Lễ Tằng Cẩu của người Thái Đen.
Lễ hội đền Nhược Sơn được diễn ra vào ngày 20/9 âm lịch hàng năm, tại xã Châu Quế Hạ. Đông đảo bà con và du khách thập phương dâng hương tại đền để tưởng nhớ công lao của Hà Chương và cầu cho cuộc sống được ấm no hạnh phúc.
Đền Nhược Sơn thuộc địa phận thôn Ngọc Châu xã Châu Quế Hạ, đền này thờ ngài Hà Khắc Chương, một nhân võ tướng thời Trần có công đóng góp to lớn trong việc trấn giữ vùng biên cương phía bắc, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần hai, đã đuổi quân nguyên từ Phú Thọ theo đường Sông hồng lên Yên Bái, tới Châu Quế Thổ tức Châu Quế Hạ ngày nay, Hà Khắc Chương chiêu mộ thêm thổ binh địa phương tiếp tục truy kích địch, đóng bè mảng mang ra cắm chốt tại cử Ngòi Thác Nhược, để phục kích quân địch, sau một tuần quân địch lọt vào trận địa mai phục. Quân ta từ mọi hướng xông ra phá tan quân địch. Trong lúc quyết chiến Hà khắc Chương bị thương nặng và chết. Thi hài của Ông được đưa sang sông chôn cất tại cửa thác Nhược Sơn.
Đền Nhược Sơn quay mặt ra hướng Bắc, có hình thể không đều, kết cấu theo kiểu chữ đinh, trên mặt bằng tổng thể được chia làm hai phần, phần kiến trúc chính và phần kiến trúc phụ, với diện tích mặt bằng là 191,44 m vuông. Trong đền có trên 10 di vật gồm chuông đồng, các ô chữ, tượng Hà Chương được đúc bằng đồng cao 28,5cm rộng 9 cm, nặng 67 kg, bát nhang.
Lễ hội đền Nhược Sơn được tổ chức với 2 phần chính đó là phần lễ và phần hội.
Phần lễ: ngoài các tiết theo kiểu thờ thánh mẫu, ở đây đáng chú ý còn có lễ Tứ Viết được tổ chức mỗi năm hai lần vào ngày 20/1 và 20/9 (Âm lịch), tiếng Tày gọi là "phá lường" (tức: lên đồng).
Ngày 20/9, tương truyền là ngày Hà Chương mất. Nhân dân làm cốm cúng và bàn công tác trù bị chuẩn bị cho việc đón khách thập phương tới hương khói, thờ cúng Ngài.
- Thời gian: từ 5 giờ sáng tớ 5 giờ chiều.
- Thành phần: các cụ tiên chỉ, chánh tổng, phó lý, bá hộ…
- Từ 5h sáng, lính dõng chỉ đạo việc mổ lợn (lợn từ 60- 70kg, không quy định lợn trắng hay đen). Mổ lợn tại bờ sông Hồng, tiết chia thành 12 chậu (để cúng Long vương tại thác Nhược Sơn) (có băng ghi âm kèm theo - xem mục IX - hồ sơ ảnh và băng tư liệu).
- 6h sáng, bà con dân bản đem cốm và bánh dày (đựng trong coóng) dâng lên quan lớn Nhược Sơn.
- 9h sáng, lễ chính diễn ra, thầy mo đọc bài văn tế gồm 7 tuần, nội dung: tưởng nhớ công lao của ngài và cầu cho nhân dân được ấm no hạnh phúc.
- 10h sáng, thấy mo cúng xong, bộ phận nhà lân (nhà khách) làm cơm phục vụ khách mời và khách thập phương về dự hội.
- Ngày 20-1 (Âm lịch) khác ngày 20- 9 ở chỗ: mổ lợn se thay bằng mổ trâu, phần lễ và phần hội vẫn giống như ngày 20- 9.
Phần hội:
- Thời gian từ 10h sáng tới 5h chiều.
- 10h sáng, các hoạt động sinh hoạt lễ hội sẽ diễn ra đồng loạt như: hội múa xoè, hội đại yến, hội ném còn, hội hát đúm…
- 10h sáng, hội múa xoè được tổ chức tại sân đền. Dân làng diện trong những bộ quần áo dân tộc xoè trước đền. Thầy mo sẽ xoè trước, mỗi bài xoè có từ 6- 7 người cùng xoè, mỗi người đeo 10 quả nhạc vừa xoè vừa hát những bài hát mang nội dung cầu mùa.
- Từ 11h- 5h chiều, hội hát đúm (hát đối), hội ném còn, hội đánh yến được tổ chức tại sân đền.
+ Hội đánh yến: quả yến được làm bằng lá cây dứa dại, được tết từ 4 lá và buộc 3 chiếc lông cánh gà. Người đánh sẽ chuyền cho nhau, nếu người nào đánh rơi sẽ bị đấm một phát nhẹ.
+ Hội ném còn: được chia thành 2 đội, một bên nam và một bên nữ, ai ném thủng vòng còn sẽ được Lý trưởng được thưởng bằng hiện vật. Cây nêu cao từ 15- 20m, vòng còn từ 20- 25cm, được dán bằng giấy đỏ mặt hướng ra bờ sông (đầu sông ném xuống, cuối sông ném lên). Quả còn được làm từ vải, trong đựng hạt bông được gói thành hình vuông, bốn góc đều trang trí thành những tua xanh đỏ. Tua làm bằng dây dài 70cm, được tết từ lạt nứa và thắt thành 7 đốt bằng vải xanh, đỏ, tím, vàng (tượng trưng cho 7 vía của ngài). Thầy mo sẽ khởi xướng cho việc ném còn. Dưới chân cột còn có một mâm gà và xôi cúng thổ địa.
+ Hội hát đúm (hát đối): nhân dân các bản sẽ hát đối với nhau những bài hát với nội dung hỏi thăm sức khoẻ và chúc làm ăn phát đạt.
- Kết thúc phần lễ hội (5h chiều), lý trưởng và bá hộ sẽ công bố và có lời cảm ơn tới nhân dân và khách thập phương.
Lễ hội “Bung Lổ”, hay còn gọi lễ hội Cầu mưa truyền thống của người Dao Họ (Dao quần trắng) xã Đông An, huyện Văn Yên mang đậm giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, làm nên bản sắc văn hóa đặc sắc của người Dao Họ.
Dân tộc Dao từ xa xưa sống chủ yếu dựa vào ruộng, nương, tự cung tự cấp với phương thức canh tác cổ truyền dựa vào tự nhiên là chính. Trước đây, thời tiết hạn hán kéo dài, mùa màng thất thu từ 3 đến 5 năm, người Dao Họ trong xã lại họp nhau lại tổ chức Lễ hội “Bung Lổ”. Họ cầu trời đất, Ngọc Hoàng, Thiên Lôi và các đấng thần linh, tổ tiên, ông bà phù hộ cho dân làng một năm mới mưa thuận, gió hòa, làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu, thóc lợn đầy nhà, gà lợn đầy sân. Lễ hội Cầu mưa - “Bung Lổ” có qui mô toàn xã, do đó việc tổ chức được bàn bạc, thống nhất trong toàn xã.
Sau khi thống nhất tổ chức lễ hội, dân làng quyết định chọn và tổ chức tại một gia đình trong xã. Gia đình được chọn phải là nhà có uy tín trong làng và trong nhà cũng có người làm “thầy đạo” hoặc “thầy múa”. Chủ nhà phải là người am hiểu về lễ hội và có kinh nghiệm trong tổ chức lễ hội. Thông thường lễ hội “Bung Lổ” được tổ chức khoảng từ ngày 5 đến 15 tháng 5 Âm lịch. Khác với các lễ hội khác, lễ hội này, thầy múa giữ vai trò chủ đạo trong tiến trình của lễ hội.
Trong lễ hội, các lễ vật và dụng cụ liên quan đến nghi lễ như: lợn, gà, rượu, gạo, hương, giấy bản màu… được chủ nhà lo liệu. Lễ vật cần thiết trên bàn thờ chỉ là mâm cúng đơn giản, các lễ vật chỉ mang tính tượng trưng, ý tưởng. Ngoài ra còn sử dụng thêm một số dụng cụ khác như: lán cúng “Màn giù”, mâm cúng, mặt nạ, cờ đuôi rồng, thanh la, đao, kiếm gỗ…
Vào khoảng giờ Thìn ngày thứ nhất của lễ “Bung Lổ”, thầy Tam nguyên cùng đồ đệ đánh chiêng, gõ trống múa nghi lễ tiến vào ngõ chủ nhà làm lễ. Đi đầu là một thầy Tam nguyên mặc áo đỏ, tay cầm đao gỗ; một thầy phụ mặc áo vàng, tay cầm kiếm gỗ vừa đi vừa múa theo điệu mở đường.
Tiếp theo là hai người múa “vạn pù” cầm dải vải có tua múa theo điệu “trừ tà”. Người đeo mặt nạ là ông “sán cô” tượng trưng cho người khai thiên lập địa, múa các điệu mang tính chất vui hoặc mang tính phồn thực làm động tác giao lưu với đất trời. Đi giữa là một thầy cầm sách và kiếm phép, cái lanh, “lệnh bài”, theo sau là một vài học trò.
Đến gần khu vực lán cúng, thầy làm lễ xua đuổi tà ma lấy lán làm lễ cầu mưa. Tiếp theo là màn cúng “Thào Phanh” (cúng, múa mời tổ tiên). Màn cúng này được tiến hành trong nhà, ở gian chính giữa có đặt bàn thờ.
Mâm cúng đơn giản, chỉ có mấy thẻ hương, nước chè, chén. Toàn bộ sớ được thầy viết trong 6 ngày sẽ được để lên bàn thờ trong suốt quá trình diễn ra nghi lễ. Nội dung của màn cúng là báo với thần công, thổ địa, tam thanh, tam nguyên hôm nay gia chủ tiến hành lễ hội cầu mưa. Mỗi đoạn cúng khoảng 2 tiếng rồi chuyển sang múa.
Đến cuối màn cúng là giai đoạn thăng hoa và hóa phép của thầy cúng, biến hóa ngọn nến trong mâm thành những viên ngọc có các màu xanh, đỏ, trắng khác nhau và tặng gia chủ. Những viên ngọc này chỉ là hình ảnh tượng trưng, được những người tham gia trong lễ hội tưởng tượng ra. Gia đình nào tổ chức lễ hội cầu mưa mà thầy hóa phép thành ngọc và được tặng viên ngọc đó thì năm đó không chỉ riêng gia đình này mà cả dân làng được phù hộ làm ăn phát đạt, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu.
Màn cúng thứ 3 là cúng vào lán (Pẹa Tàn). Bắt đầu vào màn cúng, cả thầy đạo và thầy múa cùng làm thủ tục cúng tế. Nội dung bài cúng vẫn là báo cáo và mời thần linh, tổ tiên về dự lễ cầu mưa và công nhận, phù hộ cho con cháu mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa, nhà nhà no ấm. Ban đêm lại diễn ra màn múa cao trào nhất của lễ hội Cầu mưa. Các thầy dùng gậy, kiếm, đao để múa, mặt nạ không được dùng múa trong màn này. Màn cũng này có điệu múa gà độc đáo. Gà ở đây là gà thật để múa và dâng lễ.
Mỗi vị thần tới dự đều được dâng cúng lễ một con gà. Những con gà này đều do các thầy cầm múa. Các thầy phụ lễ cầm gà múa khắp lán thờ nhằm nhặt hết xấu xa. Đội hình múa theo hình vòng tròn, mỗi vòng múa động tác khác nhau như múa dứ mổ, múa để gà trên đầu gối nhảy lò cò, múa cầm gà ngang lưng, múa dâng gà lên cao, mỗi động tác múa ba vòng. Kết thúc múa gà là điệu trống đổ hồi chín tiếng, tượng trưng gà vỗ cánh bay cao, bay xa, mang xấu xa đổ ra sông, ra biển.
Màn cúng có ý nghĩa quan trọng nhất trong lễ hội là cúng lấy dòng làm nước, đánh dấu sự thành công của lễ hội. Khi hai thầy ngồi trên đài, ở phía dưới bà con dân bản sẽ lấy cỏ, cây đốt thành ngọn lửa. Hành động có ngụ ý hăm dọa, nếu không lấy được con dòng về làm nước sẽ tiếp tục đốt lửa thiêu cháy con dòng.
Màn này diễn ra trong hai tiếng, thường thì sau khoảng thời gian đó sẽ có mưa thật. Nhưng đợi mãi trời không mưa, họ làm một dòng nước giả tưới đều khắp giống như có mưa tới. Khi có mưa, tất cả mọi người cùng hô to “Có mưa rồi”. Như vậy có nghĩa là Ngọc Hoàng đã nghe thấy lời cầu khấn của thần dân dưới hạ giới, sai thiên lôi tạo mưa cứu giúp dân bản. Ơn Ngọc Hoàng, thần linh, tổ tiên phù hộ cho mưa xuống, gia chủ mổ lợn, gà làm lễ vật tạ ơn. Một con lợn được mổ ra chia làm nhiều phần, làm lễ cúng, khấn dâng lễ vật tạ ơn đến từng vị.
“Bung Lổ” là lễ hội Cầu mưa đặc sắc của người Dao Họ xã Đông An (Văn Yên) cần được bảo tồn và gìn giữ.
Cấp sắc là một nghi lễ quan trọng không thể thiếu của người Dao đỏ để công nhận sự trưởng thành của một người đàn ông, một người phụ nữ. Cùng với nhiều người dân ở tỉnh Yên Bái chào đón năm mới, đồng bào Dao đỏ xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái tổ chức nghi lễ cấp sắc.
Trong lễ này, sau bước báo cáo tổ tiên của các thầy cúng, tiếng trống chiêng của lễ cấp sắc đã vang lên để báo hiệu buổi lễ cấp sắc của gia đình đã bắt đầu. Các thầy cúng và các cặp vợ chồng là con cái trong gia đình chào hỏi nhau trước bàn thờ tổ tiên để bắt đầu các thủ tục của lễ.
Theo truyền thống của người Dao đỏ, một lễ cấp sắc có nhiều bậc: 3 đèn, 7 đèn, 12 đèn. Với lễ cấp sắc được tổ chức theo bậc 7 đèn trong thời gian 3 ngày, 3 đêm. Các nghi lễ chính trong lễ cấp sắc này gồm lễ trình diện, gia chủ mổ lợn để tế lễ tổ tiên. Các thầy cúng đánh trống mời tổ tiên về dự, báo cáo tổ tiên biết lý do của buổi lễ.
Sau một hồi các thầy khấn làm thủ tục, xin âm dương, thần linh, người được cấp sắc sẽ chính thức được đặt tên âm, được công nhận là người đã trường thành, được cả cộng đồng công nhận đủ uy tín để đảm đương những công việc lớn của gia đình và bản làng. Trong ngày đầu tiên của lễ cấp sắc, các cặp con cái trong gia đình được ăn một bữa cơm có đầy đủ rượu thịt, sau đó phải tắm rửa sạch sẽ để được mặc lễ phục mới của dân tộc và thực hiện ăn cơm chay đến hết lễ mới thôi.
Cấp sắc là một nghi lễ quan trọng không thể thiếu của người Dao đỏ để công nhận sự trưởng thành của một người đàn ông, một người phụ nữ. Đây cũng là một nghi lễ để cầu cuộc sống may mắn bình an, răn dạy con em đồng bào Dao đỏ phải biết hiếu thảo với ông bà cha mẹ, người thân.
Ông Triệu Tiến Kim, người thầy cả trong lễ cấp sắc tại gia đình ông Triệu Tiến Trường (xã Phúc Lợi, Lục Yên) cho biết: “Trong làng, nhà nhà phải gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc. Cấp sắc 7 đèn còn để cầu phúc, cầu lộc, cầu tài; trồng cây ngô, lúa, khoai, sắn, nuôi con lợn, con gà bình an. Hàng năm, quỷ thần không đền quấy rối vì có tiếng có tăm rồi, không dám đền quấy rối nhà mình nữa”.
Lễ hội đình làng Dọc là lễ hội dân gian mang đậm sắc thái của người Kinh và người Tày cổ. Đặc biệt, lễ hội thường được tổ chức 2 kỳ trong năm, vào mồng 3 mồng 4 tháng Giêng âm lịch (gọi là lễ Hạ điền) và 13, 14 tháng 7 âm lịch (lễ hội cầu Thần Nông). Đây là dịp nhân dân huyện Trấn Yên, Yên Bái cầu cho mạ xanh lúa tốt, cuộc sống an lành, nhà nhà no ấm.
Đình làng Dọc nằm ở làng Dọc, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên, Yên Bái. Đình được xây dựng từ thế kỷ 19 và được ban sắc phong đời vua Khải Định gồm 5 gian 2 trái, kiến trúc chữ “đinh”. Gian trước được làm theo kiến trúc cúng thờ. Hiên trái phía đông được chọn làm cửa chính vào đình. Đình nhìn ra suối nước trong xanh có mỏ nước ngầm chảy bốn mùa, tương truyền đó là long mạch của đình và trên mỏ nước là phiến đá lớn nơi còn lưu giữ vết chân ngựa của người xưa đến vùng đất này khai khẩn. Sân trước đình hẹp, kề sát vực suối và mỏ nước ngầm. Trái đình kề dải đồi dốc thấp được chọn làm nơi lên xuống, đón khách chiêm bái. Ngoài ra, kiến trúc của đình cũng có sự giao thoa giữa lan can của người Tày và kiểu dáng nhà đất của người Kinh.
Hằng năm, lễ hội đình làng Dọc được tổ chức vào lễ tháng Giêng và lễ tháng 7. Lễ hội có sự pha trộn giữa nghi thức tế lễ của người Kinh với các điệu múa xòe then của dân tộc Tày. Phần lễ cúng Thành hoàng, tổ tiên, các bậc tiền bối có công khai khẩn vùng đất này gồm 4 mâm cỗ chay và 27 mâm cỗ mặn. Riêng lễ tháng 7 còn có thêm thịt trâu hay thịt dê. Phần lễ có sự tham gia của Đảng ủy, chính quyền xã được tổ chức trang nghiêm, tiết kiệm, không lợi dụng mê tín dị đoan. Phần hội cũng được tổ chức rất đa dạng, phong phú với các trò chơi truyền thống của các dân tộc miền núi tỉnh Yên Bái như: ném còn, kéo co, đẩy gậy…
Trải qua thăng trầm của lịch sử và sự tàn phá của chiến tranh, lễ hội đình làng Dọc đã đi vào tiềm thức mỗi người dân, minh chứng cho sức sống mãnh liệt của một lễ hội mang đậm giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, đậm nét tâm linh của đồng bào các dân tộc Trấn Yên, Yên Bái. Đây cũng là dịp thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc Tày, Kinh, Thái, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, và tưởng nhớ đến tổ tiên ông cha đã có công khai khẩn ra mảnh đất này.
Lễ hội múa Mỡi dân tộc Mường được tổ chức vào dịp đầu năm mới (mùng 3 tháng Chạp), tại thôn Ao Luông II, xã Sơn A, huyện Văn Chấn. Lễ hội là để con cháu cảm ơn tổ tiên một năm qua đã phù hộ, che chở cho con cháu làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn, mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, thóc lúa đầy bồ, con cháu mạnh khoẻ…
Theo một số người già trong làng nơi đây kể lại, lễ hội múa Mỡi đã có từ rất lâu rồi, không ai nhớ rõ là từ khi nào. Chỉ biết rằng hàng năm, cứ vào dịp đầu năm mới (mùng 3 tháng Chạp), mọi người tụ tập nhau lại để múa mời tổ tiên xuống trần gian vui chơi, nhảy múa cùng con cháu.
Điệu múa này được diễn ra tại nhà ông Mo lớn, Mo chủ (cầm thần) là ông Mo có uy tín nhất trong làng. Để chuận bị cho sự kiện này, trước nhà ông Mo sẽ dựng một cây nêu được trang trí rất nhiều họa tiết mang ý nghĩa tâm linh.
Lễ vật trong lễ hội múa Mỡi gồm có: Mâm lễ cúng (tiếng dân tộc Mường gọi là “Pán Cạo”) gồm có các lễ vật: 1 đầu lợn, bánh chay (pèng chay), bánh trưng (pèng chưng), bánh ống (pẻng ống), cơm, xôi, rau chay, măng, lá đu đủ, 1 nải chuối, rượu. Và một lễ vật có ý nghĩa rất quan trọng trong lễ hội này là cây bông, tiếng Mường gọi là “Cần Boồng”.
Bắt đầu vào lễ, thầy Mo mặc quần áo truyền thống, đầu quấn khăn Mơi, tay cầm quạt, ngồi giữa một chiếc chiếu trải ở khu vực trung tâm. Thầy Mo thay mặt tất cả mọi người tham gia trong lễ hội đứng trước mâm cúng khấn, lời khấn đại ý “Hôm nay ngày lành tháng tốt, bản mường tổ chức lễ hội múa Mơi, cảm ơn thần tiên, tổ tiên trong năm qua đã phù hộ cho con cháu một năm làm ăn gặp nhiều may mắn, mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi...”. Điệu múa này của thầy mo với đại ý là thần tiên đã nhập vào thầy để vui chơi cùng con cháu. Khi đã nhập vào, thầy mo sẽ múa điệu quay tròn lắc lư đầu, chân rung mạnh cảm giác như sắp bật khỏi mặt đất, thầy vừa múa nhập đồng miệng vừa lẩm nhẩm điệu hát.
Sau khi thầy mo nhập đồng xong mọi người bắt đầu vào màn múa đầu tiên theo nhịp gõ trống, chiêng, điệu múa trầu (hay còn gọi là múa nàng tiên). Điệu múa này là thầy mo mời các nàng tiên trên trời xuống để dự lễ hội múa vui cùng bà con dân bản. Tham gia điệu múa này chủ yếu là sáu nghệ nhân mặc trang phục truyền thống, khăn Mơi vắt qua vai, khi vào điệu múa khăn Mỡi sẽ được chuyển từ vai xuống tay thành đạo cụ múa.
Đạo cụ dùng trong điệu múa là những thanh nứa dài, gõ lên một tấm gỗ theo nhịp 3-4 kết hợp với âm thanh của trống và chiêng. Ở điệu này, người múa phải nhìn nhau múa đều theo nhạc. Điệu múa này diễn ra trong khoảng 15- 20 phút.
Điều đặc biệt là tất cả mọi người có thể cùng tham gia múa với những động tác đơn giản, không phức tạp. Chân bước theo nhịp 2-4, chân vắt sang phải thì tay cầm khăn mơi vung sang trái và ngược lại. Mọi người cùng say sưa múa, điệu múa cứ lặp đi lặp lại, từ vị trí ban đầu di chuyển theo vòng tròn rồi lại xoay lại.
Tiếp theo là điệu múa “Mùa Cuổi” (múa Cuội) hay Thần tiên xuống chơi. Đây là màn múa cao trào nhất, điệu múa mang ý nghĩa rằng thần tiên ở trên trời đã nghe thấy lời cúng khấn của con cháu nên đã nhập đồng xuống trần gian cùng vui chơi. Thầy mo lúc này vừa nhảy múa cùng mọi người vừa ra hiệu cho tất cả cùng nhau vui chơi, cùng tham gia vào màn múa. Trong điệu múa này, có một phần rất đặc biệt đó là phần “phán bông” của thầy Mo, các cô gái rất náo nức đón đợi phần này bởi qua lời phán của
Thầy Mo một trong số các cô gái xinh đẹp, đảm đang, khéo léo tham gia và công việc chuẩn bị cây bông sẽ được thầy chọn và phán là người khéo tay nhất đã làm ra bông hoa đẹp nhất.
Sau một hồi múa vui, thầy Mo sẽ ra hiệu cho mọi người chuyển sang điệu múa mô tả những trò chơi thể thao, các trò chơi ở đây chủ yếu là ném còn, đánh đu, kéo co… Xong nhịp múa này thì Cuội nhập vào thầy, lúc này thầy Mo đứng bật dậy múa các động tác lạ khác hẳn với các động tác đã múa trước, có sự trêu ghẹo các cô gái xinh của bản và bị các cô gái đuổi về trời. Kết thúc, tất cả mọi người quây quần bên nhau, chúc nhau chén rượu và hẹn năm sau thần tiên sẽ quay trở lại vui cùng bản Mường.
Có thể nói, Múa Mỡi là lễ hội truyền thống mang ý nghĩa rất lớn trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Mường nơi đây. Những khát vọng và ước mơ về cuộc sống tự do vươn tới ấm no, hạnh phúc và ca ngợi tình yêu đôi lứa đã được người Mường gửi gắm qua lễ hội.