Hàng năm, tại Vạn Thủy Tú (Bình Thuận) - nơi trưng bày một bộ xương cốt cá Ông (cá voi) thuộc loại lớn nhất nước - đều tổ chức Lễ hội cầu ngư. Một năm tại đây tổ chức tới 5 lần lễ hội này.Đại lễ cầu ngư chính bắt đầu từ ngày 19 đến 22 tháng sáu âm lịch. Lễ hội thể hiện niềm tin tưởng mãnh liệt của ngư dân Bình Thuận vào sự linh thiêng của cá Ông và họ coi đây là vị Thần cứu trợ luôn ở bên cạnh trong những chuyến biển đầy nguy hiểm.
Khu thờ Dinh Vạn Thủy Tú
Cũng như ngư dân các tỉnh ven biển miền Trung và Nam Bộ, tập tục thờ cá Voi của ngư dân Bình Thuận bao hàm nhiều nghi thức lễ, hội hè liên quan đến Ông cũng như chu kỳ mùa màng làm ăn của ngư dân. Ngoài lễ hội Cầu ngư chính mùa được coi là nghi thức chính trong năm, một số nghi thức lễ khác cũng thường xuyên được tổ chức tại vạn hàng năm, tập hợp lại thành hệ thống như: lễ mai táng xác Ông, lễ Thượng ngọc cốt Ông, Lễ Cầu ngư đầu năm (hay goi là lễ tế Xuân) diễn ra trong tháng Hai âm lịch, lễ Hạ nghệ xuống vụ cá Nam (lễ Cầu ngư đầu mùa) diễn ra trong tháng Tư âm lịch, lễ Cầu ngư chính mùa diễn ra trong tháng Sáu âm lịch, Lễ Mãn mùa diễn ra vào tháng Tám âm lịch.
Lễ hội chính thường diễn ra trong vòng 4 ngày 4 đêm,nhưng theo tập tục lâu đời, lễ hội cầu ngư chính mùa ở Vạn Thuỷ Tú theo trình tự thời gian cứ 2 năm cúng mặm liên tiếp thì có 1 năm đáo lệ làm chay, những năm cúng mặn thì thời gian ngắn hơn chỉ diễn ra trong 2 ngày đêm. Từ khi mở đầu đến kết thúc, lễ hội đều theo một chương trình nghiêm ngặt bao gồm nhiều lễ nghi, trong đó đáng chú ý là lễ Nghệ sắc (Ban lâm tế cúng vái thần, đưa sắc phong xuống các hương án, báo cáo lễ tết chính thức bắt đầu và mời các thần về chứng giám). Lễ cúng cá Ông Sanh Thủy Lục diễn ra tại biển phía ngoài cảng Phan Thiết trong 2 giờ. Đoàn chèo Bá Trạo trình diễn lễ cung nghinh thần Nam Hải từ biển khơi xa về. Về đến Vạn tiếp tục hát chèo mời các vị thần vào ngự trong Vạn.
Phần hội diễn ra bên ngoài và trên biển như lễ Nghinh Ông (rước thần Nam Hải) từ biển về, trong đó thời gian chủ yếu là diễn chèo Bá Trạo trên thuyền, trên quãng đường rước từ cửa biển về Vạn Thủy Tú với trang phục đặc sắc của lễ nghi.
Ngoài ra, còn có lễ phóng đăng trên biển, lễ thả thuyền cúng các linh hồn đã khuất trên biển, lễ phóng sanh, lễ phá cộ, bao hàm cả hai yếu tố: lễ và hội phối hợp. Trong đó, lễ rước thần Nam Hải là lễ nghi quan trọng nhất mang tính cộng đồng rõ nét, mở đầu cho hàng chục lễ nghi nối tiếp theo. Nội dung của lễ rước thần Nam Hải là lễ chính và là điểm nhấn của lễ cầu ngư. Đoàn rước gồm nhiều người tham gia, trong đó có đoàn lễ, đoàn nhạc lễ, đoàn chèo Bá Trạo, các nhà sư, đủ các loại trang phục… Đặc biệt là hàng chục chiếc thuyền lớn được trang bị cờ quạt và đông đảo người tham gia cùng các điệu hò chèo Ba Trạo diễn ra một giờ để nghinh Thần trên biển gây ấn tượng lớn và xúc cảm cho người xem.
Độc đáo chèo Bá trạo trong lễ hội Cầu ngư
Lễ hội Cầu ngư là nơi lưu giữ trong mình về tín ngưỡng dân gian, phong tục tập quán cùng mối quan hệ mật thiết với tín ngưỡng tâm linh. Tất cả những mối quan hệ ấy gắn bó chặt chẽ với nhau, hòa quyện vào nhau, có tác động qua lại ảnh hưởng lẫn nhau trong quá trình tồn tại cho đến ngày nay vẫn mang đậm những đặc trưng văn hóa biển.
Lễ hội Cầu Ngư ở phường Phước Lộc thị xã La gi, Bình Thuận được tổ chức từ ngày 14 đến 16 tháng 6 âm lịch hành năm. Đây là lễ hội tưng bừng nhất của Ngư dân và những người có cuộc sống gắn liền với biển, là dịp để người dân vạn chài tạ ơn biển cả, cầu xin thần Nam Hải cho vụ mùa này may mắn đồng thời cũng là dịp vui chơi và chúc nhau những điều tốt lành.
Lễ hội Cầu Ngư bắt đầu bằng nghi thức Nghinh Thần. Hàng chục chiếc thuyền trong đoàn nghinh khởi hành ngay tại trước cổng vạn mang theo kiệu, lễ vật, cờ lộng ra khơi trước Ngài. Đoàn chèo Bả Trạo diễn xướng cảnh đánh bắt.
Phần hội sôi đông vời các cuộc tranh tài truyền thống: lắc thúng, đua thuyền, bơi lội hoặc các bộ môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền trên những bãi triều vừa rút. Đặc biệt i còn có tiết mục hát tuồng đặc sắc của vùng biển miền Trung. Một sân khấu rộng lớn được dựng ngay chính điện thờ Nam Hải để phục vụ cho việc diễn tuồng. Nếu như lễ hội kéo dài 3 ngày thì hát Bộ có thể kéo dài một tuần hoặc lâu hơn. Đây vừa là nghi thức diễn cho Thần Nam Hải, vừa đáp ứng nhu cầu quần chúng nhân dân vốn đa số xuất thân từ vùng Bình-Phú. Lễ hội Cầu Ngư ngoài việc tế lễ khi bước vào vụ mùa còn là sự ghi ơn các vị Tiền hiền và là dịp trao đổi nghề nghiệp.
Lễ hội Cầu Ngư làng Phước Lộc là sinh hoạt mang đậm nét vă hoa vùng biển. Quanh năm lao động trên biển miệt mài, vui chơi thư giản trong những ngày lễ hội, để rồi mang theo niềm tin may mắn, thắng lợi vào vụ mùa, lại bắt đầu những chuyến ra khơi.
Mbăng Katê là lễ hội của người Chăm, lễ có quy mô lớn và kéo dài nhiều ngày và cũng là dịp để người Chăm tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, các vị thần linh, nữ thần Pô Nagar, các vị vua có công phát triển nông nghiệp như Pô Klông Girai, Poo Rômê đã được thần hóa và cúng tổ tiên, ông bà. Lễ Mbăng Katê được tổ chức vào đầu tháng 7 theo lịch Chăm (khoảng giữa tháng 10 Dương lịch) tại các lăng, tháp Pô Klông Mơnai (Phan Rí) và sau đó dân làng chuyển về từng gia đình tổ chức lễ cúng tổ tiên trong 3 ngày.
Lễ hội diễn ra rất long trọng, các già làng của các người Raglai sống ở Đông Trường Sơn thuộc tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận dẫn đầu đoàn người xuống tham gia tổ chức lễ. Vào những năm được mùa, đoàn người Raglai xuống dự càng đông. Họ mang theo vương miện, y phục của vua Chăm cùng những bảo vật và phẩm vật dâng cúng về nơi lăng, tháp để dâng lên các thần. Dẫn đầu đoàn người Raglai về dự lễ là ông Jơngưi.
Chủ lễ là thầy Cả Pasêh với sự trợ giúp của các ông Chăm nay (người giữ lăng và đồ thờ cúng), ông Kadhar (thầy kéo đàn Kanhi và hát lễ ca), ông Muk Pajâu (người dâng lễ vật).
Vào đêm cuối tháng 6, ông thầy Cả Pasêh cùng với những người trong ban lễ làm lễ tại Danok, để xin được thỉnh lễ phục cùng các đồ lễ khác đưa lên lăng, tháp. Vật phẩm dâng cúng gồm có trứng gà, trầu, rượu, bánh, trái cây. Sau lời khấn của chủ lễ, ông Kadhar vừa kéo đàn vừa hát ca ngợi công đức của nhà vua và các vị anh hùng đã có công khác. Ông Muk Pajâu lo dâng lễ vật. Tiếp theo là các ông Chăm nay và ông Jơngưi bước lên khấn mừng thần. Trong tiếng nhạc rộn ràng, các người đi theo khấn cầu theo ý nguyện, sau khi khấn xong, đều có múa dâng lễ. Lễ thỉnh y phục kéo dài đến khuya mới chấm dứt.
Sáng hôm sau, lễ rước y phục nhà vua từ dank (nơi để đồ lễ của vua) lên lăng, tháp được tiến hành. Phần lễ và hội diễn ra song song nhau, theo trình tự và rất quy mô như lễ mở cửa tháp Pơh Yang để vào trong, rồi làm lễ tẩy uế tượng vua Pamưnay Yang, lễ dâng lễ phục cho vua... Còn ông Kadhar thì hát lễ ca, theo sau là một đoàn thiếu nữ vừa đi vừa múa quạt trong tiếng nhạc rộn ràng vui tươi... Vì thế cuộc lễ có lúc kéo dài nhiều tiếng đồng hồ. Trong lúc đó, quanh khuôn viên đền tháp, khách tập hợp từng nhóm: Chỗ này hát lễ, cầu kinh, dâng cúng, chỗ kia đàn hát, ngâm thơ... Ai đói thì soạn thức ăn mang theo ăn tại chỗ. Chỗ khác thì những người lâu ngày mới gặp, tập hợp nhau lại để hàn huyên... và một số thiếu nữ thì đi xin chữ nghĩa của thần... Vào khoảng 3, 4 giờ chiều thì lễ cúng ở lăng, tháp kết thúc. Các đoàn rời khỏi lăng, tháp để về các xóm, các làng... Những người Chăm theo đạo Bà La Môn bắt tay vào việc tổ chức cúng ông bà, tổ tiên tại gia đình mình. Lúc này, người ta thăm viếng nhau, cùng vui chơi, làm những món ăn dân tộc để đãi khách. Nhiều trò vui chơi được tổ chức lôi cuốn nhiều người tham dự... cứ như thế cuộc vui chơi kéo dài trong 3 ngày liền.
Nếu có dịp, hãy về Phan Rí một lần để xem lễ hội Mbăng Katê và thưởng thức những món ăn đặc sản của người Chăm.
Lễ hội Nghinh Ông Quan thánh Đế Quân ở Bình Thuận được tổ chức hai năm một lần, vào năm chẵn dương lịch (ngày rằm tháng 7 âm lịch) tại Quan Đế Miếu thành phố Phan Thiết. Lễ hội là dịp để cộng đồng người Hoa tại Phan Thiết thể hiện đức tin đối với Quan Thánh Đế Quân (tức Quan Công), cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống ngày càng ấm no hạnh phúc. Đây là nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Hoa sinh sống tại Bình Thuận được gìn giữ và bảo tồn từ nhiều năm nay.
Lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh Đế Quân được tổ chức trong 3 ngày (2 ngày lễ tại chùa và một ngày hội diễu hành qua phố) với các sự kiện:
Ngày thứ nhất sẽ diễn ra các nghi lễ như: Lễ Thỉnh Kiệu Bà Thiên Hậu, Lễ Thỉnh nước, Lễ Thỉnh Kinh, Lễ Thỉnh Kiệu thần Chiêu Ứng Công, Lễ Yết Quan Thánh, Cáo Tiền Hiền, Lễ Chiêu vong linh Tiền Hiền
Ngày thứ hai sẽ diễn ra các hoạt động: Hội Quán Triều Châu, Hội Quán Hải Nam, Đoàn Rồng Thanh Long Quan Đế Miếu, Lễ phóng sinh, Cúng ngọ, Cúng thí thực, Thả thuyền (cửa biển Phan Thiết), Lễ Hoàn mãn
Ngày thứ ba: Là ngày hội diễn ra với nhiều hoạt động hấp dẫn và sinh động. Vào ngày này, đoàn rước sẽ rước kiệu của Quan thánh đi diễu hành qua các đường phố lớn của thành phố Phan Thiết, từ lúc sáng sớm cho đến 12 giờ trưa. Đoàn đi chính khoảng từ 1200 đến 1500 người, đầu tiên là đoàn của Quan Đế miếu, rồi đến các tiết mục của hội quán Quảng Đông, Phúc Kiến, Hải Nam, Triều Châu xen kẽ nhau, một con rồng xanh dài gần 50m đi kèm phía sau hộ “ngai” Quan thánh… Cuộc diễu hành thu hút rất nhiều sự tham gia của người dân địa phương và khách du lịch trong và ngoài nước.
Hội đền Dinh Thầy Thím được tổ chức trong các ngày từ 14 - 16 tháng 9 âm lịch hằng năm tại Thị Xã La Gi, Huyện Hàm Tân, Bình Thuận nhằm tôn vinh Thầy và Thím, hai vợ chồng có công chữa bệnh cho dân nghèo.
Tích xưa kể rằng: vào đời Gia Long thứ 2, tại Quảng Nam có một đạo sĩ có phép thuật cao cường, giàu lòng nhân ái. Ông cầu mưa cho dân, dời đình từ làng bên qua làng mình. Chính vì tội trộm đình mà ông bị vua phạt xử treo cổ, tuy nhiên khi ông cầm tấm lụa đào múa thì tấm lụa bỗng biến thành con rồng, đưa vợ chồng ông đến vùng đất Tam Tân (nay là xã Tân Tiến, thị xã La Gi), Bình Thuận. Ở đây, ông làm nghề đốn củi, đóng ghe, bốc thuốc chữa bệnh cứu người… Chính vì thế mà người dân gọi vợ chồng ông là Thầy – Thím. Người ta nói Thầy có phép “Sái đậu thành binh” tức gieo đậu thành binh lính, khi đóng thuyền, mọi người nghe tiếng chặt cây, đục đẽo cả ngày nhưng đến nơi thì chỉ thấy một mình Thầy mà không thấy ai phụ giúp cả. Dân gian kể nhiều câu chuyện về lòng nhân ái của Thầy như trừng phạt kẻ lái buôn gạo bắt chẹt dân, cứu giúp dân chài trong cơn sóng to gió lớn, chữa được nhiều bệnh nguy nan, Thầy còn cảm hóa được cả thú rừng hung dữ… Đến lúc Thầy – Thím mất, mọi người biết được thì thấy hai ngôi mộ đã được thú dữ đắp rồi và cứ đến ngày mùng 5 tháng giêng lại có đôi bạch, hắc hổ đến tảo mộ. Tỏ lòng nhớ ơn công đức của Thầy – Thím, bà con nơi đây chung sức lập đền thờ. Rằm tháng 9 âm lịch hàng năm tổ chức Lễ tế thu Thầy – Thím cho đến nay đã trên 100 năm. Sau khi Thầy – Thím mất, vào năm 1906 vua Thành Thái biết được những nghĩa cử cao đẹp của Thầy – Thím nên đã xét lại án trước đây và ban sắc phong cho Thầy – Thím là Chí đức tiên sinh, chí đức nương nương tôn thần..
Vào hai ngày lễ lớn hàng năm ở Dinh Thầy - Thím (lễ tảo mộ mùng 5 tháng giêng âm lịch và lễ Tế Thu vào ngày 14 và 15 tháng 9 âm lịch, nhiều sinh hoạt văn hóa sôi nổi thu hút khách thập phương đổ về: chèo bả trạo, diễn xướng tích thầy, biểu diễn võ thuật, lân múa thi tài, phóng sinh thả chim về rừng, rước xe hoa trang trí theo những truyền thuyết về cuộc đời thầy - thím quanh đường làng Tam Tân, nơi xưa kia hai người sinh sống, lao động và cứu giúp dân làng...
Những ngày lễ tế hàng năm ở ngôi dinh cổ kính ấy đã thực sự trở thành ngày hội văn hóa lớn của La Gi, thu hút vài trăm ngàn khách du lịch bốn phương dự hội trong dịp lễ.
Lễ hội Pa Dam (Pô Tằm) của đồng bào Chăm được tổ chức hàng năm vào đầu tháng tư Chăm lịch (tháng 7 Dương lịch), tại xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong. Lễ hội nhằm tưởng nhớ đến công đức của vua Po Dam và cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, đời sống ấm no, hạnh phúc…
Theo sử liệu dân gian Chăm PôDam tức là Pêkathit sinh năm 1387, là con của vua Parachanh và là em của Pôsahinư. PôDam có 2 người con trai là PôkaBrah và PôkaBih. PôkaBrah có đền thờ tại thôn Vĩnh Hanh xã Phú Lạc, còn PôkaBih có đền thờ tại ruộng Cây Táo thuộc hợp tác nông nghiệp thôn Lạc Trị xã Phú Lạc.
PôDam lên ngôi vua vào năm Bính Dần 1446 tại Bạt Thi Nưng (Khánh Hoà), thoái vị vào năm 1472 Nhâm Thìn. Khi Ngài mất đã được nhân dân tôn thành thần với tên hiệu PôDam. Để tưởng nhớ bà con dân tộc Chăm đã xây tháp thờ cúng Ngài, vì Ngài đã có công lớn hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân khai khẩn đất đai, khai mương đắp đập trồng trọt sản xuất nông nghiệp.
Nhóm đền tháp Po Dam (Pô Tằm) được xây dựng từ thế kỷ IX thuộc phong cách Hòa Lai, một trong những phong cách kiến trúc nghệ thuật sớm của vương quốc Chăm Pa được công nhận là Di tích Văn hóa - Lịch sử cấp quốc gia vào năm 1996. Nhóm này có 6 tháp, hiện nay bị đổ 2 tháp, số còn lại đang trong tình trạng xuống cấp trầm trọng. Tháp chính thờ bộ sinh thực khí Linga – Yoni bằng chất liệu đá xanh đen nguyên khối. Khác với tất cả các tháp Chăm khác, ở đây 6 tháp đều trổ cửa chính về hướng Nam. Từ năm 1995 - 1998 tháp chính được trùng tu, tôn tạo nhằm giữ lại những nét kiến trúc nghệ thuật độc đáo của phong cách Hòa Lai. Các đời vua của triều Nguyễn đã ban tặng cho vua Po Dam 8 sắc phong ghi nhận công lao to lớn trong việc thiết lập các hệ thống thủy nông nổi tiếng.
Đây là nơi người Chăm thực hiện những lễ nghi tôn giáo quan trọng như: lễ Cầu đảo, lễ Tống ôn, lễ Cầu mưa, trong đó có Ka tê là lễ hội lớn nhất của người Chăm. Ngoài phần lễ còn có các hoạt động như thi đấu thể thao và múa hát để chào mừng của thanh niên nam nữ làng Chăm Phú Lạc.
Trong Lễ hội PôDa sẽ tiến hành các phần nghi lễ: Hành lễ gội đền tháp; Hành lễ Chà và ra mắt Ngài và lễ cúng tế Ngài PôDam cầu cho mưa thuận gió hòa, bà con dân tộc Chăm có một mùa sản xuất nông nghiệp bội thu.
Sau phần lễ là phần hội, hàng trăm nam nữ thanh niên tham gia phần thi các bộ môn thể thao dân gian: kéo co, bịt mắt đập nồi, đội nước ...
Lễ hội PôDam là lễ hội văn hóa Chăm cổ truyền vẫn còn lưu giữ đến ngày nay. Các thế hệ con cháu Chăm nâng niu, tôn tạo và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.