Lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư (xưa thường gọi là hội Trường Yên, hay hội Cờ Lau) diễn ra vào các ngày 6,7,8 tháng 3 âm lịch hàng năm. Lễ hội được tổ chức tại khu di tích lịch sử văn hoá cố đô Hoa Lư (huyện Hoa Lư, Ninh Bình) nhằm suy tôn công lao các anh hùng dân tộc đã xây dựng kinh đô Hoa Lư, lập ra nhà nước Đại Cồ Việt thế kỷ X mà tiêu biểu là hai vị vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành.
Giống như các lễ hội truyền thống khác, Lễ hội cố đô Hoa Lư gồm 2 phần: phần lễ và phần hội
Phần lễ
Lễ Rước nước: Mở đầu là lễ Rước nước, Đoàn người khởi hành từ đền vua Đinh đến kiệu Long Đình trên có đặt một cái ché để đựng nước Thánh đến bên sông Hoàng Long thì dừng lại lấy nước vào ché đem về đền.
Đoàn rước đi theo thứ tự dẫn đầu là những người mang cờ ngũ sắc các loại, đi hàng đôi. Kế tiếp là phường nhạc bát âm, phường trống. Tiếp đến là một kiệu bát cống lớn có hương án do tám nam thanh niên trong trang phục lính tráng nhà Đinh xưa khoẻ mạnh khiêng, tiếp theo là các vị quan khách, đại biểu trung ương, địa phương. Rồi tiếp đến là những kiệu bát cống có tán do các trinh nữ mang các lễ vật. Đoàn người đi sau là các bô lão, những đội tế nữ quan của nhiều địa phương xa gần, nhân dân và du khách.
Lễ tế: Ngay sau khi đoàn rước nước trở về sân khấu trung tâm lễ hội, tại đàn tế của khu di tích là nơi khởi điểm phần lễ tế. Sau lời diễn văn khai mạc là màn trống hội Hoa Lư, các màn diễn tái hiện lịch sử kinh đô Hoa Lư cho tới hết buổi sáng khai mạc. Lễ tế được tiến hành sau đó cả ban ngày và ban đêm ở cả đền vua Đinh và vua Lê với nội dung ca ngợi công đức của hai vị vua, sau đó khách hành hương vào thắp hương tưởng niệm và tri ân ngưỡng tượng thờ, các công trình điêu khắc và kiến trúc xưa. Tham gia lễ tế có nhiều đoàn trong vùng.
Phần hội với các trò chơi dân gian gắn với những truyền tích của hai vị Vua như cờ lau tập trận, múa rồng, cắm trại, thi hành quân nấu cơm, thi múa kiếm, võ tay không, thi nấu cơm, thi hát hội, kéo co và đặc sắc có lẽ là màn xếp chữ. "Thái Bình" niên hiệu của Đinh Tiên Hoàng khi ông lên ngôi trị vì thiên hạ, cũng là tên gọi đầu tiên của đồng tiền Việt Nam. Màn xếp chữ lôi cuốn du khách không phải ở thông điệp "Thái bình" của một ông vua phong kiến mà còn ấn tượng bởi 120 thiếu nữ mặc áo tứ thân xanh tay cầm cờ đỏ, kéo cờ lên, hạ cờ xuống theo nhịp trống kết thành chữ linh thiêng. Đến với lễ hội Cố đô Hoa Lư, du khách còn được xem màn thi người đẹp, thi hát chèo, những làn điệu ngọt ngào cũng với kèn phách xênh xang trong mấy ngày hội, đủ để níu chân du khách thập phương dùng dằng chẳng muốn rời.
Lễ hội đền Thái Vi diễn ra từ ngày 14 đến ngày 17 tháng 3 âm lịch hằng năm tại thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư (Ninh Bình). Đây là dịp để nhân dân Ninh Bình và nhân dân cả nước tưởng nhớ công lao các vua Trần - những người có công lớn với dân với nước.
Phần lễ trong hội đền Thái Vi gồm có rước kiệu và tế lễ.
Lễ rước kiệu: Nghi lễ của một đoàn rước kiệu đi đầu là một chiếc chống cái do hai người khiêng và một người mặc áo thụng đi hia, đội mũ cánh én (mặc thẩm phục) làm thủ hiệu trống, rồi đến 5 người cầm 5 lá cờ ngũ hành, tiếp đó đến kiệu bát cống (8 người khiêng) trên đặt bài vị các vua Trần hoặc Hoàng hậu, hay công chúa đời Trần, hương hoa lễ vật. Kiệu có lọng cắm, màu đỏ đung đưa trông rất đẹp mắt. Tiếp đó là kiệu 4 người khiêng bày lễ vật là hương hoa, oản quả. Sau đó là phường bát âm, rồi tới ban tế do ông chủ tế dẫn đầu đi hàng hai. Tất cả đều mặc thẩm phục.
Rước kiệu ở đền Thái Vi không chỉ có một đoàn, mà là trên dưới 30 đoàn rước kiệu của các xã trong huyện Hoa Lư và trong tỉnh Ninh Bình. Theo đó, từ sáng ngày 14/3 kiệu từ các nẻo đường trong huyện, trong tỉnh rước về đền Thái Vi trong không khí tưng bừng, náo nhiệt, vui tươi của ngày hội. Các cỗ kiệu đèu được sơn son thếp vàng lộng lẫy do các trai thanh nữ tú ăn mặc theo phong tục lễ hội xưa, duyên dáng rược kiệu trang nghiêm, thành kính. Kiệu tiến, kiệu lùi, bước đi nhịp nhàng, khoan thai, tạo nên không khí náo nhiệt, sinh động.
Phần Tế: Đây là nghi lễ quan trọng, tổ chức ở trước đền. Ban tế gồm từ 15 đến 20 người, gồm một ông chủ tế (thường là người cao tuổi có uy tín nhất trong làng) hai ông bồi tế (giúp cho ông chủ tế trong khi hành lễ), một ông đọc văn tế, hai ông xướng tế và mỗi bên tả hữu có từ 5 đến 10 ông để thực hiện việc tiến hương, tiến tửu. Ông đọc văn tế đọc khúc văn tế ca ngời công đức của vua Trần Thái Tông được trình bày qua nghệ thuật diễn xướng. Sau mỗi khúc tế, lại có hai người phường trò, người nam chơi đàn, người nữ dẫn giải bằng lối ca trù.
Phần hội đền Thái Vi thực sự là phần vui chơi giải trí của nhân dân và những người đến dự hội với các trò chơi, giải trí, múa rồng, múa lân, đánh cờ người, đấu vật, bơi thuyền...
Lễ hội đền Nguyễn Công Trứ là lễ hội lớn nhất của cư dân huyện mới ven biển Kim Sơn tỉnh Ninh Bình để ghi nhớ công ơn của Doanh điền Nguyễn Công Trứ - người đã chiêu dân khai hoang lấn biển lập ra huyện Kim Sơn (núi vàng) của Ninh Bình và Tiền Hải (biển bạc) của Thái Bình. Lễ hội diễn ra từ ngày 14 tháng 11 đến 16 tháng 11 âm lịch hàng năm để tưởng niệm ngày mất của ông.
Đền thờ Nguyễn Công Trứ nằm bên quốc lộ 10, cách thị trấn Phát Diệm 2km, thuộc xã Quang Thiện, Kim Sơn.
Đền thờ Nguyễn Công Trứ ở Ninh Bình, Thái Bình và Hà Tĩnh đều có điểm chung là được nhân dân xây dựng từ khi ông còn sống nhưng mãi tới những năm đầu thế kỷ 21 thì tượng ông mới hoàn thành và rước về 3 đền. Tất cả 3 ngôi đền đều được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Phần lễ: Dâng hương tại đền thờ Nguyễn Công Trứ xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn. Thường có sự tham gia của nhiều làng trong huyện Kim Sơn. Điều độc đáo là lễ hội có sự tham gia của cả người lương và giáo với những nghi thức khác nhau.
Phần hội: Tổ chức trò chơi đua thuyền trên nhánh sông Vạc, một đặc trưng của lễ hội cư dân đồng bằng ven biển. Phần hội còn có phần thi hát ca trù, loại hình dân ca liên quan nhiều đến Nguyễn Công Trứ.
Làng Nộn Khê thuộc xã Yên Từ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Theo tục lệ cổ truyền, hàng năm vào ngày 14 tháng giêng âm lịch, làng tổ chức lễ hội báo bản. Hội báo bản có nghĩa là hội báo đáp lại nguồn gốc, công ơn của tiền nhân. Bởi vậy, cứ đến ngày hội con cháu của làng dù ở đâu cũng cố gắng về dự.
Phần lễ ngoài việc tổ chức tế, dâng hương tôn vinh công đức của các vị tiền bối lập ra làng xã, còn dâng hương tưởng nhớ, tỏ lòng biết ơn các liệt sỹ là con em của làng. Một nét độc đáo của lễ hội Báo bản là kính báo lên Thành Hoàng, các bậc tiên tổ về sự thành đạt, hiếu học của con em dân làng và những thành tích của làng đã đạt được trong năm cũ.
Phần hội sôi động với các tiết mục: múa rồng, múa lân, đánh cờ, võ vật, tổ tôm và các hoạt động thể dục thể thao ….
Lễ hội báo bản Nộn Khê còn gắn kết nét sinh hoạt văn hoá hết sức độc đáo, đây là dịp trình diễn các tiết mục thơ ca do chính những người dân trong làng sáng tác. Những con em quê hương đi xa không về được, có thể gửi thơ về và cũng được ban tổ chức bố trí người ngâm hoặc chuyển thể thành các làn điệu dân ca để hát. Đêm thơ này thường được tổ chức vào đêm ngày 13 tháng giêng gọi là “Dạ hội văn nghệ”
Một nét đặc sắc mà lễ hội Báo Bản ở Nộn Khê còn giữ được đó là hai phiên chợ đêm vào tối ngày 12 và 13 tháng Giêng thu hút hàng nghìn người về dự với nhiều món ăn dân dã mang đậm hương vị quê hương như : bánh đúc, bánh gai, bánh quấn, bún riêu, bún ốc... Lễ hội Báo Bản được tiến hành vừa nghiêm cẩn, linh thiêng, vừa rộn ràng, ấm áp. Sau những ngày lễ hội, người dân Nộn Khê lại phấn chấn bước vào một mùa làm ăn mới với niềm mong ước “nhân khang vật thịnh” hơn năm trước
Lễ hội đền La ở thôn La Phù, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, tưởng nhớ hai vị Vua thời Hậu Trần là Giản Định Đế và Trùng Quang Đế, lễ hội được mở từ ngày 13 đến ngày 15 tháng giêng âm lịch.
Lễ hội có 2 phần:
Phần lễ có rước kiệu quanh đền, sau đó là lễ dâng hương, đọc văn tế.
Phần hôi có nhiều trò vui chơi như đánh đu, kéo chữ, đánh cờ và múa hát. Hội còn có tục lệ dâng “Xôi Vựng”. Loại xôi này phải chọn gạo nếp thật trắng và thơm, các làng dự thi xôi và làm cỗ cúng. Gạo nếp được vo ở nước giếng đặc biệt của thôn Thượng Phường gọi là giếng Me, các thôn khác phải cử người về giếng Me của thôn Thượng Phường từ ngày hôm trước để xin nước ngâm gạo. Người dân nơi đây cho rằng nước giếng Me trong suốt, tinh khiết, nấu xôi rất dẻo và thơm để tế thánh thể hiện tấm lòng thành kính của người dân nơi đây.
Lễ hội chùa Bái Đính diễn ra hàng năm từ ngày mùng 6 tết đến hết tháng 3, tại xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, khởi đầu cho những lễ hội hành hương về vùng đất cố đô Hoa Lư.
Hiện nay, Lễ hội chùa Bái Đính là một trong những lễ hội lớn ở miền Bắc và là một lễ hội truyền thống điển hình của người Việt Nam. Chùa Bái Đính là một trong những di sản văn hoá quốc gia có giá trị về mặt lịch sử, tâm linh và danh thắng.
Ngày mồng sáu tháng giêng là khai hội. Lễ hội chùa Bái Đính diễn ra trong suốt mùa xuân. Trước ngày mở hội và ngay cả trong thời gian đón tết, tất cả các động, chùa trên núi Bái Đính đều khói hương nghi ngút, không khí lễ hội bao trùm khắp vùng quê chiêm trũng.
Chùa Bái Đính không chỉ thờ các vị sơn thần, phật tổ, bà chúa thượng ngàn mà còn gắn với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc với các danh nhân đức Lý Quốc Sư, Quang Trung, Đinh Bộ Lĩnh. Vì vậy, phần lễ gồm tổng hòa toàn thể hệ thống tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam; có sự sùng bái tự nhiên, có Đạo, có Phật và có cả Nho. Chùa Bái Đính là một trong những Di sản văn hoá quốc gia trên đất Cố đô, có giá trị về mặt tâm linh, văn hóa và danh thắng. Núi Bái Đính đứng độc lập, sừng sững giữa vùng bán sơn địa, được tạo thành bởi hai dãy núi khép lại hình cánh cung và hướng về phía tây - tựa như tay ngai, mở ra một thung lũng rộng hơn 3 ha - gọi là Thung Chùa. Chùa Bái Đính là một quần thể chùa nằm trên núi Bái Đính, Quần thể chùa này gồm một khu chùa cổ và một khu chùa mới được xây dựng từ năm 2003. Chùa Bái Đính thuộc Khu di tích lịch sử cố đô Hoa Lư, với nhiều kỷ lục được xác lâp bởi Trung tâm kỷ lục Việt Nam như: Khu chùa rộng nhất Việt Nam (107ha); Tượng phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á (Tượng Phật Tổ Như Lai nặng 100 tấn, ba pho Tam Thế, mỗi pho nặng 50 tấn); hai quả chuông lớn nhất Đông Nam Á (36 và 27 tấn); chùa có nhiều tượng La Hán lớn nhất Việt Nam (500 vị bằng đá xanh cao khoảng 2m); Khu chùa có giếng lớn nhất Việt Nam; số cây bồ đề nhiều nhất Việt Nam (100 cây bồ đề được chiết từ cây bồ đề Ấn Độ)...
Phần hội trong Lễ hội chùa Bái Đình gồm các hoạt động như: đấu vật, ném còn, đánh bài, kéo co, thi hát diễn ra khá nhộn nhịp đông vui. Có thể thấy, trẩy hội chùa Bái Đính không chỉ dừng lại ở chốn Phật đài hay bầu trời - cảnh bụt, mà trước hết là do ở sự tiếp xúc - hòa nhập huyền diệu giữa con người trước thiên nhiên cao rộng.
Lễ hội đình Voi đá ngựa đá được tổ chức hàng năm vào ngày 12-10, tại làng Cam Giá thuộc xã Ninh Khánh, huyện Hoa Lư. Ngoài ý nghĩa “báo bản” còn có ý nghĩa phồn thực, đó là tục lễ độc đáo: Làm xôi đâm, lễ xôi đâm, thi xôi đâm và thưởng thức xôi đâm.
Làng Cam Giá thuộc xã Ninh Khánh, huyện Hoa Lư ở sát phía Bắc thị xã Ninh Bình. Ở đây có đình voi đá ngựa đá cổ kính. Đình có từ đời Trần, cách đây khoảng năm trăm năm, được xây dựng lại quy mô lớn ở thời Hậu Lê, đến nay đã trên ba trăm năm. Trước cửa đình có cây lộc vừng trường tồn đã hơn ba trăm tuổi, có bia đá rêu phong ghi công đức các vị thần Hoàng làng, có 4 voi đá, ngựa đá, mỗi con nặng hàng tấn. Trước cửa đình còn có hồ sen hình bán nguyệt, đường kính dài tới 60m, mới được dân làng góp tiền công tới 70 triệu đồng để tôn tạo, xây tường hoa bao quanh bờ hồ, ở giữa dựng quả non bộ “Ngũ hoành sơn” cao hơn 4m… Tất cả đều ở ngay bên lề đường tại Km số 3 quốc lộ 1A đường Ninh Bình-Hà Nội.
Ngoài những cảnh quan, hiện vật mang đậm dấu tích văn hóa lịch sử bằng vật thể kể trên, ở đây còn có một di sản văn hóa phi vật thể đáng quý đó là lễ hội đình voi đá ngựa đá của làng Cam Giá.
Lễ hội này được tổ chức hàng năm vào ngày 12-10 âm lịch. Các cụ cao tuổi ở đây cho biết: Lễ hội này nặng về phần lễ, từ xưa đến nay chưa bỏ lễ năm nào. Lễ hội nhằm nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn tổ tiên, biết ơn những người có nhiều công đức đối với làng. Đó là các thần hoàng đã được phong sắc. Sắc phong sớm nhất đề ngày 21-5 Cảnh Thịnh thứ 4 (1796) cho phép lành tôn thờ Lã Gia là “Thượng đẳng tối linh đại vương” đã có công đức “Bảo dân quốc hùng lược an dân”. Tiếp sau là hai vị sắc phong thần Hoàng làng đó là Hồng Đức Thái sư Câu mang, người có công khai phá đất Cam Giá, giáo dân, truyền dạy chữ nghĩa. Vị thần Hoàng làng thou ba được tôn thờ là Quận công Lê Trung Nghĩa. Trong sắc phong thời Nguyễn (Tự Đức) có đoạn: “Quận công Lê húy Trung Nghĩa sĩ Lê triều phụ quốc thượng tướng quân tá đô đốc hữu tự mãn Lê triều Cảnh Hưng Cảnh Thịnh”.
Quận công Lê Trung Nghĩa (có họ là Nguyễn được đổi lấy họ vua) vừa là quan lớn của triều đình Lê, lại là rể làng nên làng Cam Giá được ông tặng một số ruộng tốt (khoảng 14 mẫu) để lấy hoa lợi gây công quỹ chi phí cho lễ hội hàng năng của làng.
Lễ hội của làng được tổ chức vào ngày 12-10, nhưng mọi việc chuẩn bị diễn ra hàng tuần trước. Chiều 11 và cả đêm hôm đó ở đình đã có cờ quạt, trống phách, tế lễ linh đình. Ở 8 giáp của làng (nay là 5 xóm) hối hả làm đồ cúng lễ nhộn nhịp suốt đêm-sáng sớm hôm sau, ngày 12, có hai đội múa lân của làng, xuất phát từ đình, cờ rong trống mở đi về trụ sở các giáp (nay là các xóm) để rước lễ về đình. Mỗi giáp chuẩn bị một kiệu đẹp sơn vàng son, đặt lễ bên trong và có 4 thanh niên nam nữ mặc quần áo chỉnh tề khiêng kiệu cùng dân xóm rước kiệu, cờ quạt ra đình dự lễ. Sau rước lễ là phần lễ chính thức. Chủ tế đọc lại các sắc phong, nêu tiểu sử công đức của các vị tiền bối… Sau đó là tế lễ, dâng hương của nam quan và nữ quan (Ngày xưa không có nữ quan). Tiếp theo sau là các giáp vào tế lễ theo nghi thức cổ truyền. Sau phần lễ là phần hội, có diễn trò và các trò chơi dân gian như chơi cờ, cờ người, chọi gà, múa kiếm… Bản thân những công việc chuẩn bị, lễ nghi cũng đã có nội dung phần hội.
Tất cả 8 giáp trong làng đều có phần ruộng công để thu hoa lợi dùng vào việc mua đồ tế lễ hàng năm mà chủ yếu là mua gạo nếp hương hoa vàng thơm ngon để làm món xôi đâm. Làm xôi đâm khá công phu. Người ta phải chọn gạo nếp còn mới, hạt trắng bóng, mẩy đều, tinh khiết thơm ngon được ngâm, vo kỹ rồi đem đồ chín đúng độ. Xôi được bỏ vào các thúng tre mới có lót mo cau được rửa sạch. Người ta dùng chày đứng dài khoảng 1,5m làm bằng những khúc tre đực tươi rắn chắc, cứ thế mà đâm, mà thúc, mà lèn thật mạnh vào thúng xôi. Bao giờ hạt xôi dính nhuyễn với nhau mà không bứt ra đựơc thì dừng. Những người đứng làm việc này không chỉ khỏe mạnh mà quần áo phải mặc đẹp, gọn gàng, chỉnh tề. Sau khi làm xong, người ta úp trọn vẹn thúng xôi lên các mâm tròn, rồi dùng kim nhọn khêu hết các hạt xôi bị đen vàng ra, còn lại mâm xôi đầy đặn, trắng tinh, đẹp mắt. Trên mỗi mâm xôi có đặt thủ lợn hoặc khổ thịt lợn luộc vuông vắn rồi mới đem lên tế lễ. Sau tế lễ, Ban tổ chức đi “khám” xôi (chấm giải). Xôi đâm của giáp nào vừa đẹp vừa ngon sẽ được thưởng bằng tiền. Sau đó các giáp dùng dao lớn sắt các mâm xôi đâm ra từng phần, từng xuất nhỏ để phân phát về các gia đình theo xuất đinh (xưa) và theo hộ gia đình (nay). Mỗi lát xôi đâm trắng mịn, thơm ngon trông như những miếng giò lụa, chỉ cần tay sạch, cầm ăn trực tiếp rất đơn giản mà ngon lành!
Bản thân những công việc đồ xôi, đâm xôi, đơm lễ, khám xôi (chấm thi) chia phần bận rộn tíu tít suốt chiều hôm trước đến quá trưa hôm sau đã là sự phô diễn những vẻ đẹp hồn hậu, trong sáng, điêu luyện của cả dân làng góp nên sự hân hoan nồng nhiệt của lễ hội đình Voi đá ngựa đá làng Cam Giá.
Lễ hội Trường Yên diễn ra hàng năm từ ngày 9 - 11/3 âm lịch, tại Xã Trường Yên, huyện Hoa Lư. Lễ hội nhằm suy tôn công đức của Vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành. Tương truyền, ngày 10/3 là ngày vua Đinh lên ngôi Hoàng đế. Vì vậy ngày Hội chính là ngày 10/3 gồm hai nghi lễ trang nghiêm là lễ rước nước và lễ tế.
Vào giờ phút thiêng liêng trong ngày 10 tháng 3, đoàn rước nước khởi hành từ đền vua Đinh Tiên Hoàng, đi đầu là cờ ngũ hành, cờ hành thuỷ (màu đen) đi giữa, sau đến đoàn múa rồng biểu hiện cho ý thức cầu nước và là biểu tượng vật thiêng (rồng vàng) từng cứu Đinh Tiên Hoàng thuở hàn vi; rồi tới phường bát âm đi hàng đôi, tiếp theo đến kiệu long đình do bốn chàng trai khiêng, trên đặt một cái choé để đựng nước Thánh, đoàn rước tiến về phía sông Hoàng Long.
Khi đoàn rước đến sông Hoàng Long, xuống thuyền. Đoàn rước có một thuyền rồng (thuyền chính) chèo ra giữa sông làm lễ, sau đó thả đồ vàng mã và đồ lễ xuống sông tạ ơn Hà Bá. Tiếp đó người chủ tế thả một chiếc vòng tròn vải đỏ xuống dòng sông, nước được múc từ trong vòng tròn này, đổ vào choé qua một lớp vải đỏ trên miệng. Nước trong vòng tròn vải đỏ là được lọc qua lớp vải sẽ càng tinh khiết hơn. Khi nước đã đầy choé, các thuyền tản ra, quay mũi về bến, riêng thuyền rước choé nước còn quay sang bên trái rồi mới trở lại bến cũ và tiếp tục cuộc rước nước về đền.
Lễ tế diễn ra vào ban đêm cùng lúc ở hai đền vua Đinh và đền vua Lê. Bài văn tế chia thành chín đoạn (cửu khúc). Sau khi chủ tế xướng xong một đoạn có hai người phường nhà trò (một nam - đàn; một nữ - hát) diễn giải lại nội dung đoạn văn tế bằng điệu ca trù. Kết thúc lễ tế, khách hành hương trảy hội vào điện thờ ở hai đền dâng hương làm lễ và chiêm bái di tích.
Khách trảy hội có thể tham dự các trò vui, cuộc đấu như: võ, vật, đua thuyền, đu bay, hát chầu văn, bình thơ, thi thơ, trò kéo chữ, múa gậy, múa rồng, múa lân hoặc chơi cờ người...
Độc đáo nhất của hội Trường Yên là trò "Cờ lau tập trận", diễn lại sự tích quãng đời chăn trâu thuở nhỏ của Đinh Bộ Lĩnh trên đất Trường Yên.
Lễ cúng thần sông hà bá diễn ra vào tháng 3 Ấm lịch hàng năm, tại địa điểm khúc sông Trường Yên, huyện Hoa Lư, đã trở thành một tập tục độc đáo có từ ngàn đời nay.
Lễ cúng thần sông hà bá được tổ chức là để cầu một năm mưa thuận gió hoà. Đây là một phong tục đặc trưng của nhiều vùng gắn bó với đời sống sông nước của Đồng bằng Bắc Bộ.
Buổi lễ diễn ra rất long trọng, dẫn đầu là chiếc thuyển chở ông chủ tế và hai trinh nữ. Nối đuôi là hàng trăm chiếc thuyền chở đoàn tế lễ mặc sắc phục truyền thống đến địa điểm khúc sông Trường Yên, huyện Hoa Lư để tiến hành làm nghi thức bên cạnh cây tre trồng trên mặt sông.
Hai trinh nữ tham gia lễ tế có nhiệm vụ lấy nước sông bằng chiếc gáo dừa, cho vào chiếc bình gốm để đoàn rước đưa nước lên Đền Thờ Đức Thành Trần dựng trong một thung lũng cách đó chừng 5km.
Sau khi buổi lễ cúng thần sông tiến hành xong, đoàn thuyền sẽ đi dọc khúc sông dài chừng 5km tiến đến đền thờ Đức Thành Trần, ngôi đền thờ cổ hàng trăm năm tuổi được dựng bằng đá nguyên khối ở trong một thung lũng.
Hệ thống sông nước chảy theo chiều Bắc – Nam gắn liền với quần thể núi non, hang động đã tạo cho “Hạ Long cạn” Ninh Bình một đặc trưng riêng biệt không vùng nào có. Cùng với cố đô của triều đại phong kiến hưng thịnh một thời, những địa danh tâm linh nơi đây đã thu hút hàng ngàn người đổ về tham dự.
Lễ cúng thần sông hà bá được tổ chức trên sông Trường Yên, Hoa Lư là một trong nhiều hoạt động của lễ hội truyền thống Thánh Quý Minh Đại Vương của người dân bản địa. Hàng ngàn người dân trong vùng và khắp cả nước đã có mặt để tận mắt chứng kiến lễ hội tưng bừng đẫm sắc màu văn hoá của vùng văn vật.
Lễ hội Thánh Quý Minh đại vương được tổ chức vào 18 tháng 3 âm lịch, tại Tràng An, Bái Đính. Lễ hội được tổ chức hàng năm để tưởng nhớ đức Thánh Quý Minh đại vương và phu nhân, người đã có công trong sự nghiệp gìn giữ nước nhà của dân tộc, cảm tạ ân đức của Ngài đã phù trợ, giúp người dân mưa thuận, gió hoà, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Thánh Quý Minh đại vương là một trong số những vị thần được người dân thờ phụng theo tín ngưỡng dân gian tại đền Trần, một trong những tứ trấn của kinh đô Hoa Lư xưa, nay thuộc khu du lịch tâm linh Tràng.
Theo truyền thuyết dân gian, Ngài là một trong ba anh em, ba vị tướng đã được phong Thánh gồm đức Thánh Tản Viên, đức Thánh Cao Sơn, đức Thánh Quý Minh, có công trấn ải Sơn Nam, bảo vệ đất nước thời vua Hùng Duệ Vương (tức Hùng Vương thứ 18). Ngài là một "thượng đẳng thần," được các triều vua ban chiếu sắc phong, được nhân dân tôn là Thành hoàng làng ở nhiều nơi, nổi tiếng là vị thần linh ứng khi dân gian cầu đảo. Riêng tại tỉnh Ninh Bình có 66 đền thờ đức Thánh Quý Minh đại vương như ở đình làng Sinh Dược (xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn), núi Cánh Diều (thành phố Ninh Bình), núi Thiện Dưỡng, đền Kê Thượng (xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư)...
Gần 1.000 chiếc thuyền đã đưa du khách đi vào một vùng non nước chứa đựng biết bao huyền thoại với những thung nước trong xanh, hệ thống hang động với lớp lớp nhũ đá lung linh kỳ ảo. Ở phía xa, núi non tứ bề hùng vĩ soi bóng xuống mặt nước phẳng lặng, thấp thoáng những đền đài, miếu mạo rêu phong, cổ kính, nơi từng là chỗ tích trữ lương thảo, nơi tập luyện của binh sĩ triều đại nhà Đinh (thế kỷ thứ X), in đậm dấu ấn một thời của kinh đô Hoa Lư lịch sử.
Trong suốt hành trình rước kiệu, tiến về đền Trần để tham dự lễ hội, du khách được thả mình vào không gian thiên nhiên để chiêm ngưỡng cảnh vật trữ tình nên thơ với những thung nước trong xanh, những hang động với lớp lớp nhũ đá lung linh kỳ ảo, những núi non bốn bề hùng vĩ soi bóng xuống làn nước phẳng lặng, những đền đài, miếu mạo rêu phong, cổ kính, những vết tích một thời từng là nơi tích trữ lương thảo và tập rèn binh sĩ của triều Đinh. Các tiết mục nghệ thuật của đoàn chèo tỉnh Ninh Bình như:Hát xẩm, hát chèo, đánh trống,…đã mang lại cho du khách những món ăn tinh thần đặc sắc sảng khoái trước khi xuống thuyền.
Đến khu vực đền Trình, đoàn thuyền quy tụ lại tiến hành làm nghi lễ rước nước, phóng sinh, và biểu tượng rồng cuộn ba vòng giữa dòng sông. Những nghi lễ này nhằm để cầu cho mưa thuận gió hòa đem lại cuộc sống ấm no cho dân sinh. Những chùm bóng đủ các sắc màu cũng được thả bay lơ lửng giữa khung cảnh trời – non – nước. Vẻ đẹp của địa thế Tràng An “núi là thành, sông là đường, hang động là cung điện”, bỗng được tôn lên thật trang trọng và lộng lẫy. Lễ hội truyền thống Đức Thánh Quý Minh Đại Vương với quy mô và tầm vóc mới góp phần tạo cho Tràng An một vẻ đẹp tâm linh kỳ ảo hấp dẫn du khách.