Chùa Muống tên tự là Quang Khánh tự, thuộc thôn Quảng Đạt, xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành tỉnh Hải Dương. Hội chùa Muống đã có truyền thống từ đầu thế kỷ XIV bắt nguồn từ kỷ niệm ngày mất của sư Tuệ Nhẫn( 27 tháng giêng năm 1935), một cao tăng đồng thời còn là một lương y, người công xây dựng ngồi chùa này. Sau khi mất ông được nhân dân tôn là Thành hoàng làng. Lễ hội diễn ra trong 4 ngày từ ngày 24 đến 27 tháng giêng, trong đó 27 là ngày trọng hội.
Lễ hội chùa Muống mang 2 yếu tố Thần và Phật:
- Ngày 24 làm lễ nhập tịch, cỗ chay gồm hoa quả, bánh dầy, bánh nếp.Sư sãi tụng kinh cả đêm, không khí thật sôi nổi.
- Ngày 25, theo lệ là ngày rước bánh dầy quanh chùa trước khi đưa vào tiền đường thờ Thánh tổ. Đây là một nghi thức mong mùa màng bội thu
- Ngày 26, lễ tập ngơi, thực chất là một cuộc tập dượt chuẩn bị cho ngày đại lễ. Trong ngày tổ chức tập rước kiệu, chuẩn bị chu đáo các thứ cho trọng hội, buổi tối, các sư làm lễ mộc dục.
- Ngày 27 là ngày trọng hội, khách đến dự rất đông từ sáng sớm. Lễ rước thực hiện như ở các đền và đình làng, gồm có bát biểu, tàn, long, đòn bát cống rước tượng Thánh tổ Non Đông, Thánh phụ, Thánh mẫu. Đoàn rước diễu xung quang chùa rồi ra tam quan làm lễ, xong lại chuyển vào chùa để các thần tượng được an vị. Hội kết thúc vào đêm 27.
Hội chùa Muống là lễ hội lớn của Hải Dương.Ngày nay, lễ hội chùa Muống vẫn được duy trì tuy không còn được như xưa nhưng vẫn còn lưu giữ một số thuần phong mỹ tục như: vào những ngày hội, các cụ bà phân công nhau đứng hàng dài trước cửa chùa, bưng cơi trầu, niềm nở mời khách thập phương, gây thiện cảm từ đầu cho khách đến dự hội.
Đền Cuối ở thôn Hội Xuyên, thị trấn Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Lễ hội đền Cuối diễn ra trong 3 ngày, từ 26 đến 28/8 âm lịch, bắt nguồn từ ngày giỗ tướng Nguyễn Chế Nghĩa (27/8) - một danh tướng thời Trần từng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, ông được thờ phụng ở ngôi đền này.
Sáng 26/8, sau nghi thức tế lễ mở cửa đền, một hồi trống vang lên báo hiệu giờ khai hội. Mọi người đổ về đền chính thắp hương làm lễ.
Ngày 27 là chính hội. Từ đêm, các xóm đã sắp kiệu lễ để mang ra sân đền. Khi các cỗ kiệu và đội hình được tập kết, tiếng chiêng trống vang lên báo hiệu lễ rước truyền thống bắt đầu. Hành trình rước xuất phát từ đền, qua khu lăng mộ, qua chợ Cuối rồi về đền chính. Đi đầu là đội múa lân, vừa dẫn đường vừa biểu diễn. Theo sau là đội thó, tiếp đến là đội tế nam, đội dâng hương, các bà, các cô đội khăn vàng, áo thêu, thắt lưng hồng, quần trắng, dép mũi hài. Thứ đến là 2 con ngựa gỗ tượng trưng cho 2 con ngựa chiến Long Câu, Long Đề mà đức thánh cưỡi khi ra trận và các kiệu, thứ tự từ kiệu cỗ đường, kiệu cỗ tam sinh, kiệu cỗ bò thui, kiệu cỗ hoa quả tứ linh, cuối cùng là kiệu thánh.
Một điều tạo nên sự đặc biết của lế hội là trong những ngày hội, có nhiều loại cỗ cúng .Làng có 12 giáp , mỗi giáp làm một loại cỗ.
Trong 3 ngày lễ hội, ngày đầu cúng bằng cỗ ngũ quả , bày theo kiểu Thượng tam long, hạ tứ linh. Những ngày sau cúng bằng các loại cỗ.
Cỗ đường: Gồm các loại bánh như: Bánh dầy , bánh cốm , bánh phu thê, bánh trôi, bánh chay, bánh nướng, bánh do, bánh bột lọc.Trên mặt bánh dán chữ thọ bằng giấy hồng điều. Bánh cốm, bánh gio, bánh bột lọc gói bằng lá chuối tươi, buộc lạt nhuộm đổ.
Cỗ thầu: Gồm các loại thịt: luộc, nấu đông, giò , nem, chả, nem chạo, ninh, mọc. Các món đều đựng trong bát lớn.
Cỗ tam sinh: Về tam sinh mỗi nơi quan niệm một khác, ở đây tam sinh là lợn, gà ,ngan hoặc ngỗng. Ba con vật này làm thịt xong, để thịt sống, tạo dáng như còn sống, trang trí giấy hồng điều, cúng thần xong, chia cho các giáp làm cỗ.
Cỗ bò thui: Ngày thứ ba, mổ bò, thui. Thui xong, mang cả con bò và chậu tiết vào tế thần. Tế xong , giáp đăng cái khiêng bò về làm cỗ, chia phần.
Phần hội được bắt đầu sau lễ rước với các trò chơi được tổ chức từ hàng trăm năm nay như thi bắt vịt, đi cầu kiều. Song, nói đến lễ hội đền Cuối phải nhắc đến trò đánh thó (một dạng võ gậy). Đây là môn võ cổ truyền mà Nguyễn Chế Nghĩa rất điêu luyện và đánh thó cũng là linh hồn của lễ hội đền Cuối.
Lễ hội đền Cuối thể hiện niềm tự hào và biết ơn của dân làng Hội Xuyên đối với vị anh hùng quê hương của mình, trải qua bao tháng năm nhưng lễ hôi vẫn vẫn gìn giữ được những nét văn hóa truyền thống. thu hút khách thập phương về tham dự.
Hội đền Kiếp Bạc lễ hội truyền thống kỉ niệm ngày mất của anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn diễn ra vào mùa thu từ ngày 15 đến 20 tháng 8 âm lịch hàng năm tại đền Kiếp Bạc, Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Là một trong những lễ hội lớn nhất nước, thu hút hàng vạn người từ khắp mọi miền đất nước về đây trẩy hội, tưởng nhớ đến công đức của vị anh hùng dân tộc đồng thời, họ còn đi thăm thú cảnh quan tuyệt đẹp nơi đây.
Trước đây, hội đền Kiếp Bạc được tổ chức theo nghi lễ quốc gia, triều đình cử quan lại về làm chủ tế. Tương truyền, ngày giỗ Đức Thánh Trần là một ngày rất thiêng liêng vì nhân dân tôn thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn như một người cha.
Ngày nay 20/8 âm lịch mới là chính hội nhưng một vài ngày trước đó khách thập phương đã nô nức kéo về, thuyền đậu chật bến sông. Ngày hội chính được tổ chức rất long trọng, mở đầu bằng lễ dâng hương của chính quyền địa phương. Đại diện chính quyền đọc diễn văn ca ngợi công đức của vị anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn, ca ngợi thắng lợi của cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông và giữ lại không khí oanh liệt, hào hùng của dân tộc hơn bảy trăm năm trước, đồng thời biểu dương tinh thần đại đoàn kết và lòng yêu nước của nhân dân ta. Sau lễ dâng hương là đại lễ với nghi thức tế uy nghiêm. Sau lễ tế là đến lễ rước, đây là một nghi lễ rất quan trong của lễ hội, Người được chọn chèo thuyền xem đó là một điều vinh hạnh lớn, việc chuẩn bị thuyền rước cũng quan trọng không kém.Tất cả các thuyền rước đều được trang trí những dải vải đỏ ở mạn thuyền, trên thuyền chăng đèn kết hoa rực rỡ. Riêng thuyền rước Long kiệu trang trí vải màu vàng ở mạn thuyền, trên thuyền trang trí cờ hoa màu vàng.lễ rước không giới hạn trong một địa phương mà nó là đám rước của toàn dân, quy tụ người từ khắp nơi với nhiều loại phẩm vật dâng lễ của các vùng miền. Khi lễ rước bắt đầu Bài vị Ðức Thánh Trần được rước trên Kiệu sơn son thiếp vàng, đi qua Tam Quan hướng tới bờ sông. Từ đây kiệu được rước lên thuyền rồng. Cuộc rước kéo dài khoảng 2 giờ, sau đó lại rước Ngài trở lại đền để làm lễ tạ - đồng thời kết thúc ngày hội lớn.
Phần hội khá phong phú và đa dạng đan xen phần lễ với nhiều cuộc thi như thi làm cỗ tiễn thánh, đua thuyền, đấu vật, hát dân ca, quan họ…. Một trong những trò diễn hấp dẫn của lễ hội Kiếp Bạc là đua thuyền trên sông Lục Ðầu với hàng trăm chiếc thuyền lướt như tên bắn cùng trống thúc, chiêng dồn và tiếng hò reo dậy đất náo nức lòng người. Trảy hội Kiếp Bạc được sống lại không khí ra trận năm xưa của Hưng Ðạo Ðại Vương Trần Quốc Tuấn, mỗi người dân Việt Nam càng thấy tự hào hơn về lịch sử vẻ vang của dân tộc mình.
Lễ hội chùa Bạch Hào, xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà được tổ chức ngày mồng 5 - 6 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Đây là lễ hội đầu tiên trong năm và cũng là lễ hội lớn của huyện Thanh Hà với nhiều trò chơi dân gian độc đáo.
Bắt đầu từ ngày mồng 4 các gia đình, già trẻ, gái trai các làng đã tất bật với việc chuẩn bị mâm quả cho lễ rước hôm sau. Những người khéo tay nhất trong thôn được triệu tập tham gia bày mâm quả, sao cho vừa đẹp, vừa có ý nghĩa để thi tài cùng thôn khác. Lễ rước trước đây là rước “long đình” của các dòng họ trong xã chứ không rước cỗ như bây giờ. Ngày nay, lễ hội rút ngắn trong thời gian hai ngày, việc rước “long đình” được thay bằng rước “cỗ” do long đình của nhiều dòng họ bị hỏng, không thể di chuyển. Cỗ là các mâm quả, được bày theo các tích khác nhau, tạo nên các thế vừa uy nghiêm, vừa đẹp mắt như: quần long tụ hội, hạc ngậm phong thư... Từ sáng sớm ngày mồng 5 tháng Giêng, tại sân các nhà văn hóa thôn đã chật cứng người. Các cụ già mặc áo the, khăn xếp, các bà đi chùa mặc áo nâu, thanh niên nam nữ trong trang phục truyền thống của lễ hội, ai nấy đều hân hoan, sẵn sàng chung tay tham gia đám rước. Ngoài 5 cỗ của 5 thôn, người ta còn rước bài vị của 3 vị thành hoàng, cũng là 3 vị tướng đời Trần có công dẹp giặc, mở ấp, dựng làng và dạy dân Thanh Xá nghề tằm tơ thuở trước từ đình Sụn tới sân chùa. Sau đó là các nghi lễ khác của lễ hội như dâng hương, tế tổ... được thực hiện ngay tại chùa.
Lễ hội chùa Hào thu hút được nhiều khách thập phương đến dự, ngoài ý nghĩa tâm linh còn bởi sự phong phú của các trò chơi dân gian trong phần hội. Trong đó hội bơi thuyền truyền thống mà người dân quen gọi là bơi chải là một nét đẹp văn hóa. Hội đua thuyền được tổ chức vào ngày mồng 6 tháng Giêng (ngày chính hội) kỷ niệm ngày vua Trần Nhân Tông trong lần kinh lý tại Hải Dương đã dừng lại thăm chùa. Một thời gian dài, do kinh tế khó khăn, thuyền đua không phải là chải gỗ mà là thuyền nan. Song từ năm 1985 đến nay, địa phương đã đầu tư kinh phí để đóng "chải" phục vụ lễ hội.
Hội thi bơi chải thường gắn liền với phần thi bắt vịt và nấu cơm trên sông. Đây cũng là phần thi sôi nổi nhất. Chỉ các đội về nhất nhì mới được tham dự phần thi này.
Hiện nay, một số trò chơi dân gian tổ chức cùng với hội bơi chải như leo cầu thùm, bắt chạch... không còn được tổ chức vì lý do mất nhiều thời gian và điều kiện thời tiết không thuận lợi. Thay vào đó là các môn thể thao hiện đại như bóng đá mi-ni, cầu lông, thể dục dưỡng sinh của người cao tuổi, được tổ chức từ ngày mồng 4 Tết để khai xuân và kéo dài cho đến hết lễ hội. Ngoài các hoạt động thể thao, vào buổi tối mồng 5 tháng Giêng, lễ hội chùa Hào còn diễn ra các hoạt động văn nghệ. Trước đây các gánh hát, các phường chèo ở khắp các nơi trong tỉnh thường kéo về biểu diễn phục vụ bà con, còn nay là những tiết do đội văn nghệ các thôn tự biên tự diễn để giao lưu trong đêm hội chung của xã nhà
Những hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi này, cùng với hội bơi chải truyền thống đã làm nên nét văn hóa độc đáo cho lễ hội chùa Hào, để hội chùa thực sự là ngày hội mừng xuân của người dân Thanh Xá nói riêng và Thanh Hà nói chung khi bước vào năm mới
Lễ hội được tổ chức vào ngày 18/2 âm lịch hàng năm tại di tích Văn miếu Mao Điền xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, nhằm ôn lại truyền thống hiếu học và khoa bảng. Từ đó khích lệ, động viên các thế hệ con cháu học tập để trở thành những người con hữu dụng của quê hương và đất nước.
Phần lễ có rước kiệu, văn tế và diễn văn ca ngợi Đức Khổng Tử cùng các bậc tiên hiền liệt vị xứ Đông, đặc biệt là lễ chữ dâng Thánh “Tiên học lễ - Hậu học văn”.
Phần hội có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao.
Tại buổi lễ, các vị đại biểu, cùng đông đảo học sinh – sinh viên, nhân dân trong và ngoài tỉnh về dâng hương Đức Khổng Tử và các bậc tiên hiền, đại khoa bảng của trấn Hải Dương xưa.
Đền Cao thuộc địa phận xã An Lạc (Chí Linh) là một danh thắng không chỉ bới kiến trúc độc đáo, thắng cảnh đẹp mà còn vì ở nơi đây có một lễ hội độc nhất vô nhị đó là lễ xin trùm. Lễ hội này ra đời từ khi lập đền và đã duy trì được hơn một ngàn năm và sau hơn chục năm vắng mặt, năm 2010 lễ hội đã được phục dựng. Lễ hội diễn ra vào ngày 15 tháng 10 âm lịch.
Trong ngày đại lễ, đền được trang hoàng ấn tượng. Chính giữa nơi hành lễ là một tấm biển lớn trên có chữ “Lễ Xin Trùm”. Từ 5 giờ sáng, bài vị, kiệu, lọng của năm vị thánh, đền Cao, đền Cả (nơi thờ hai vị), đền Bến Tràng, đền Bến Cả cùng cỗ chay: cơm trắng, hoa quả, bánh kẹo, bánh dày và chè đông (hai món không thể thiếu được trong lễ hội đền Cao) đã được các quan đám cùng dân làng rước về nơi hành lễ trong tiếng chiêng trống vang lừng. Cả năm đoàn rước từ năm hướng cùng một lúc tụ về nơi hành lễ.
Lễ xin trùm là một nghi lễ linh thiêng được thực hiện vô cùng khắt khe. Để đứng ra lo việc đền hằng tháng, hằng năm sẽ có một cụ trùm và năm vị quan đám đại diện cho bốn ngôi đền trên và một ngôi đình là quan Đông, quan Đoài, quan Nam, quan Bắc và quan Trung. Những người này là bậc cao niên trong làng, sống đức độ, con cháu hiếu thảo thuận hòa và đặc biệt gia đình không có tang trở. Mỗi tháng 6 vị trên phải trai giới ăn chay ngày 13 đến ngày 15 và ngày 29 đến ngày mồng 1 âm lịch khi tiến hành làm lễ. Các quan đám chỉ được nhận mũ áo và đảm nhiệm việc làng trong một năm từ mồng 2 Tết này cho đến mồng 2 Tết sau. Sau nhiệm kỳ họ sẽ được làng phong Lềnh và rất được trọng vọng. Riêng ông trùm là người lãnh đạo các quan đám sẽ đảm nhiệm vai trò của mình đến lúc gia đình có việc tang trở hoặc qua đời. Khi đó, lễ xin trùm mới lại được tổ chức và chỉ tiến hành vào ngày 15 tháng 3 hoặc 15 tháng 10 âm lịch.
Nghi lễ xin trùm được thực hiện một cách nghiêm trang và mang đậm yếu tố tâm linh. Người được phong trùm sẽ được chọn trong số các Lềnh. Trước hết, năm quan đám sẽ tiến hành dâng trầu nước, dâng cỗ lễ chay, thắp hương đen lên các ban. Trên bục hành lễ, quan đám đứng trước sẽ đọc tên khấn với nhà thánh xin phép cho vị đứng sau mình được làm trùm rồi quỳ xuống đội chiếc mâm đồng trên có 2 đồng tiền trinh để trên một thoi vàng phủ vải điều, làm lễ khất keo. Khi vị quan đám hơi cúi đầu để gieo lễ thì hai vị quan đám khác khiêng chiếc mâm đồng đệ phía trước đón hai đồng tiền rơi xuống. Lễ khất keo này chỉ được phép thực hiện duy nhất một lần. Nếu hai đồng tiền một sấp một ngửa thì lễ xin trùm đã được chấp thuận. Trường hợp ngược lại thì việc xin trùm phải gác lại cho đến dịp sau và các quan đám sẽ tạm thời đảm trách các công việc của trùm. Lễ xin trùm là một nghi thức tín ngưỡng được đông đảo nhân dân nơi đây quan tâm theo dõi. Theo quan niệm năm nào làm lễ xin trùm thành công thì năm đó và những năm tiếp theo trong vùng sẽ được no đủ.
Đền Cao thờ Thiên Bồng Đại tướng quân Đại vương Vương Đức Minh, là một di tích lịch sử có từ lâu đời tọa lạc trên đỉnh núi Thiên Bồng, giữa rừng lim già cổ thụ nhiều trăm năm tuổi. Ngôi đền cùng với đền Cả, đền Bến Tràng, đền Bến Cả tạo nên một cụm di tích danh thắng gắn liền với cuộc đời của năm vị tướng là năm anh em ruột họ Vương đã có công giúp vua Lê Đại Hành đánh quân xâm lược Tống (năm 981): Vương Đức Minh, Vương Đức Xuân, Vương Đức Hồng, Vương Thị Đào, Vương Thị Liễu. Qua thời gian, cuộc đời cùng chiến công của những vị danh tướng đã được nhân dân huyền thoại hóa để tỏ lòng tôn kính và được truyền tụng đến tận ngày nay.
Lễ hội đền Cao được mở từ ngày 21 đến 25 âm lịch tháng giêng hằng năm mục đích suy tôn Thành hoàng làng và 5 vị tướng họ Vương. Ngoài ra nơi đây còn là chốn linh thiêng gắn với sự ra đời của mười hai dòng họ Giao Chỉ thời Bắc thuộc (theo ngọc phả đền) và địa danh cổ được khắc ghi trong lịch sử (nơi vua Lê Đại Hành đóng đại bản doanh trong cuộc kháng chiến chống Tống). Trong ngày hội có nhiều hoạt động để người dân tham dự và sinh hoạt như lễ dâng hương (chỉ được đốt hương đen), đọc chúc văn, tế lễ, rước bộ, đu tiên, vật, kéo co, cướp cờ, cờ người, thi bánh dày, chè đông.
Với hiện trạng di tích và các sinh hoạt lễ hội, đặc biệt là lễ xin trùm, được nhân dân bảo tồn và gìn giữ khá nguyên vẹn, lễ hội đền Cao đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá là một trong những lễ hội cổ truyền tiêu biểu của tỉnh Hải Dương.
Lễ hội chùa Trông được tổ chức vào ngày 15/3 hàng năm, tại xã Hưng Long, huyện Ninh Giang, nhằm suy tôn Phật và đức thánh Nguyễn Minh Không.
Bắt nguồn từ kỷ niệm ngày mất của thiền sư Nguyễn Minh Không từ thời Lý. Là lễ hội lớn nhất của vùng Hạ Hồng xưa và đã được ghi vào lịch sử dân tộc.
Chùa Trông do Minh Không thiền sư xây dựng từ thời Lý (TK XI). Chùa thờ Phật và đức thánh Nguyễn Minh Không. Còn có tên gọi là Chùa Tông, Đại Nam nhất thống chí ghi là đền thờ Minh Không thiền sư, họ Nguyễn, tự Chí Thành. Thời phong kiến thuộc xã Hán Lý, tổng Văn Hội, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng. Từ năm 1947, Hán Lý là một thôn thuộc xã Hưng Long, huyện Ninh Giang.
Chùa Trông được xây dựng từ thời Lý, đến thời Nguyễn, quan thượng thư Thượng Đoàn tôn tạo theo kiểu nội công ngoại quốc gồm: Tam quan nội, tam quan ngoại, tắc môn, giải vũ, nhà mẫu, chùa kiểu chữ đinh, đền Đức Thánh kiểu chữ đinh rất đồ sộ. Công trình đã bị tàn phá trong kháng chiến chống Pháp, chỉ còn lại hệ thống tam quan và một số cổ vật. Tam quan chùa Trông là công trình kiến trúc nghệ thuật lớn ở thời Nguyễn. Chùa hiện nay đã được khôi phục nhưng chưa được như xưa.
Hội chùa Trông bắt nguồn từ kỷ niệm ngày mất của thiền sư Nguyễn Minh Không từ thời Lý. Đây là lễ hội lớn nhất vùng Hạ Hồng xưa và đã được ghi vào lịch sử dân tộc. Hội kéo dài 16 ngày, từ 15/3-1/4.
Ngày 15/3, lễ thỉnh kinh, rước nước, tổ chức rước kiệu rất trịnh trọng ra sông Luộc lấy nước cúng.
Ngày16, lễ rước Thành Hoàng và tế tại chùa.
Lễ hội chùa Trông là lễ hội chung của hai làng Hào Khê và Hán Lý, vì xa xưa nguyên là một làng. Sau khi chia tách, mỗi làng có một đình. Đình Hán Lý thờ thành hoàng là Đường Cát đại vương, một vị tướng của Khúc Thừa Dụ có công đánh giặc Đường ở TK X. Đình Hào Khê thờ thành hoàng là Lý Chiêu Hoàng, vua cuối cùng của triều Lý. Như vậy ngày hội phải tế 3 vị, gồm hai thành hoàng và một thiền sư. ở đây chỉ có tế nam, trang phục theo truyền thống gồm 3 mạnh bái, 16 bồi tế. Tên huý kiêng các từ: Minh, Lệ, Chiêu, Ứng.
Quy trình tế gồm ngũ tuần: Tuần nhất: Dâng hương hoa; Tuần nhị: Dâng đăng trà; Tuần tam: Dâng quả thực; Tuần tứ: Đọc chúc văn; Tuần ngũ: Lễ Tất
Sau lễ đức Thánh và nhị vị Đại vương là các trò vui dân gian kéo dài ba bốn ngày.
Đến ngày 20/3, Lễ rước xuất Đông nhập Tây. Lễ này có từ khi xây dựng tam quan. Cổng phía Bắc ghi 3 chữ Bắc địa đầu-nghĩa là làng Hán Lý ở phía bắc. Cổng phía Nam ghi 3 chữ Nam thiên động - làng Hào Khê là động ở phía nam. Đoàn rước gồm: Kiệu bát hương, kiệu Đức thánh, hai kiệu Thành hoàng, kiệu Thánh mẫu. Kiệu này do nữ thanh đồng khiêng. Đoàn rước đi qua cổng phía đông, đi quanh hai làng , về cổng phía tây.
Tối 25/3, mỗi giáp một mâm cỗ cúng tại đền Đức thánh, đọc kệ kể tiểu sử của Người.
Từ ngày 26-30/3, tế lễ Đức thánh và Thành hoàng. Sau tế có lễ dâng hương do một đội múa gồm 16 người thực hiện trước tượng Đức thánh theo điệu Hoa chúc, Giao liên, mô phỏng múa cung đình. Trong những ngày lễ hội có các trò diễn dân gian.
Sáng ngày 1/4, tổ chức rước Thành hoàng về các đình, kết thúc hội.
Phần chia cỗ: Nếu tế bằng trâu bò, thì thủ biếu tiên chỉ một nửa, còn lại chia ba, một phần biếu già làng từ 60 tuổi trở lên, một phần biếu chức sắc, một phần biếu những người hành văn. Thịt chia theo đầu người từ hương ẩm trở lên.
Hội chùa Trông bao giờ cũng mời đại biểu chùa Hoa Vân đền Tân La ( Quỳnh Phụ, Thái Bình). Đền Tranh, đền Trung Hoà (Ninh Giang). Trong những ngày hội, nhân dân Đào Phố, xã Hồng Phúc thường rước Thành hoàng lên chùa Trông dự cho hết hội, gọi là rước chạ.
Hội chùa Trông nay vẫn đông vui, nội dung khá phong phú không kém hội xưa.
Lễ hội chùa Nhẫm Dương xưa có tên là Trũng Nhẫm, diễn ra hàng nằm vào các ngày 5, 6 và 7 tháng 3 âm lịch, tại xã Duy Tân, huyện Kinh Môn.
Chùa Nhẫm Dương còn có tên là Thánh Quang Tự. Nhưng do những biến động lịch sử, nhất là những năm chiến tranh ở thế kỷ XX, chùa Thánh Quang đã bị tàn phá. Còn lại là những cây thị có tuổi sáu bảy trăm năm, những viên đá tảng, gạch trang trí hoa văn thời Trần cùng những bia đá, nhất là động Thánh Hoá ở sau chùa cùng bao nhiêu huyền thoại trong dân gian ở cả vùng còn lưu giữ đã thôi thúc nhân dân và phật tự khôi phục chùa Thánh Quang.
Theo văn bia hiện còn lưu giữ ở chùa thì Chùa Thánh Quang Tự là nơi Thánh tổ Thuỷ Nguyệt khai sáng đạo Phật tại đây vào niên hiệu Thiệu Bảo Kỷ Mão nguyên niên thời Trần 1279. Tổ là bậc thiền sư có công đức lớn trong sự nghiệp bảo vệ đất nước bấy giờ. Chùa Thánh Quang còn là một tổ đình lớn nổi tiếng của miền Đông Bắc duyên hải. Nơi đây đã xuất hiện nhiều bậc Thiền sư cao tăng thạc đức hoằng pháp lợi sinh hộ quốc an dân như Quốc sư Thánh tổ Thuỷ Nguyệt thời Trần cùng Sư Tổ Cáy đã tu ở động Thánh Hoá; Sư tổ Thuỷ Nguyệt Thông Giác thời Hậu Lê, người đã sáng lập thiền phái Tào Động ở Việt Nam cũng đã từng tu hành ở đây, xung quanh khu vực chùa là một hệ thống hang động kỳ vĩ. Tại hang Thánh Hoá đã phát hiện dấu vết có niên đại Canh Tân cách ngày nay từ 5- 3 vạn năm.
Lễ hội chùa Nhẫm Dương diễn ra trong ba ngày 5, 6 và 7 tháng 3 âm lịch, được tiến hành theo diễn trình như sau:
Ngày 5-3 âm lịch, nhà chùa cúng Nhập tịch gồm trước là cúng phật, sau đó cúng mỗi Phật tổ về. Thời gian cúng khoảng hơn một giờ. Tối 5-3 làm lễ Mộc dục (lễ tắm tượng Thánh tổ). Lễ được tổ chức khá tỉ mỉ. Người được tắm tượng phải là người có tuổi, phải ăn chay 3 ngày, phải tắm rửa tẩy trần và mặc quần áo mới trước khi vào việc. Nước tắm tượng phải là nước giếng chùa. Khăn tắm và lau tượng đều phải mới, tinh khiết. Nước tắm đun ngũ vị hương, chắt ra gạn lấy nước trong, đựng trong thau mới. Mỗi lần tắm như thế phải dùng từ 5 đến 7 thau. Số khăn mặt bằng với số thau. Bã ngũ vị hương sau khi đun nước tắm tổ, dân xúm lại xin mỗi người một chút về nấu lại tắm cho trẻ con hoặc người lớn, rửa mặt. Trước khi tắm, trong lễ mộc dục còn có tục lệ dâng nước cúng. Nước cúng gồm các vị thuốc bắc đem sắc ba nước rồi đổ chung lại cô lấy 3 chén cúng Phật tổ. Bã thuốc được chia cho mọi người về nấu lại uống. Đấy là lộc Thánh ban cho. Trong lúc chùa tắm tượng thì ở bên ngoài sư tiến hành cúng Đàn tràng sái tịnh. Lễ cúng có hoa quả, xôi chè, bánh chưng chay (nhân bánh chỉ có đỗ chứ không có thịt). Thời gian cúng hơn một giờ.
Ngày 6-3 là ngày Lễ chính, ngay từ sáng sớm, mọi nghi thức được chuẩn bị đầy đủ. Dân làng và phật tử xa gần đã có mặt để chứng kiến lễ cúng Phật và cúng Thánh Tổ, sau đó là lễ rước Thánh Tổ. Hoa lễ cúng gồm có: hương hoa quả, nến, bánh chưng, xôi chè và cỗ chay (cỗ có thịt gà, giò chả, nem, cá, ốc, tôm… nhưng đều làm bằng bột đậu nành). Cúng tại chùa xong thì cuộc rước bắt đầu. Đoàn rước gồm cờ thần bát biểu, trống, đoàn nhạc bát âm, long đình, nhang án bày lễ vật, kiệu rước ngai thánh tổ. Đi sau là các đoàn thể và dân làng. Đoàn rước đi từ chùa ra cổng, vòng phía trái đi dọc làng Duyên Linh đến giáp chùa Sanh lại vòng theo tay trái về tới thôn Kim Bào rồi về chùa. Tiếp theo khi đoàn rước đã yên vị là đến việc tế Thánh Tổ. Sau khi đoàn tế của làng và nhà chùa tế xong mới đến các đoàn tế nơi khác.
Ngày 7-3 là ngày Lễ Tất. Đây là lễ kết thúc 3 ngày lễ hội. Việc đầu tiên vẫn là cúng Phật, rồi đến cúng Thánh Tổ. Các sư và phật tử cầu kinh. Hoa lễ vẫn như ngày hôm trước. Tuy vậy ngày lễ tất còn có lễ bố thí bằng cháo hoa, bỏng nẻ. Lễ bố thí làm ở sân chùa. Nhà chùa cho dựng đàn Mông Sơn Thí Thực, thỉnh Phật về phá tù ngục cho các vong linh cô hồn được tới ăn mày cửa phật. Đàn Mông sơn thí thực làm bằng gỗ cao chừng 1,5m, bày đối diện với hương án cúng phật ở cửa chùa. Trên đàn có người đóng giả Phật, làm chủ lễ, mặc áo cà sa đàn, đội mũ thất phật. Hai bên có Kim Đồng, Ngọc Nữ ngồi thấp hơn. Dưới sân là thầy cúng. Lễ nghi vẫn gồm xôi chè, hoa quả, trà, hương đăng. Riêng cháo và nẻ để cúng cô hồn thì bày ở dưới sân. Lễ cúng còn có cả chim, cua, cáy, ốc, cá còn sống và càng nhiều càng tốt. Khi cúng phải đưa lễ từ đàn sang bàn cúng phật, trong lễ lúc này còn thêm hai bát cơm lồng. Việc đưa lễ như vậy là để thỉnh Phật để Phật cho phép. Lễ bố thí phải cúng tối. Khi cúng xong đêm thả tất cả cá, cua, cáy, chim... ra các ao hồ đầm ruộng quanh chùa. Còn cháo, nẻ và hoa lễ đem cho dân. Xong lễ bố thí cũng là kết thúc ba ngày lễ hội. Trong ba ngày lễ ở chùa thì tại sân chùa, cổng chùa và các địa điểm chân núi gần chùa thường tổ chức các trò chơi như chọi gà, kéo co, đánh cờ, đu và hát nhà tơ (ca trù), hát văn, hát múa sênh tiền. Những người đến hát phần lớn là người ở làng khác. Đặc biệt ở gần chùa Nhẫm Dương có hang Yên Ngựa, nơi có truyền thuyết rằng rất nhiều nhà tơ đã đến ở và chết trong hang.
Lễ hội đình Cậy được tổ chức vào ngày 22/2 âm lịch hàng năm, tại xã Long Xuyên, huyện Bình Giang. Đây là hoạt động nhằm kỷ niệm ngày sinh của Thành hoàng.
Dưới thời phong kiến lễ hội được tổ chức vào ngày 9 tháng 3 âm lịch. Hai làng Hương Gián và Kệ Gián tổ chức hội thi bơi chải. Hội thi bơi chải bắt nguồn từ truyền thuyết: sau khi đánh thắng nhà Thục, Vua Hùng Vương thứ 18 đã lấy ngày 10 tháng 3 là ngày giỗ tổ. Vào ngày đó tất cả các Lạc hầu, Lạc tướng trị vì ở các địa phương đều phải trở về kinh đô Phong Châu (Vĩnh Phúc) để dự lễ.
Bảo Phúc Đại vương là một tướng của vua Hùng lúc này đóng quân ở Hương Gián, Kệ Gián cũng lên đường về kinh dự lễ. Ngày mồng 9 tháng 3 dân làng mở hội đua thuyền để tiễn đưa ngài. Từ đó về sau, hàng năm cứ vào ngày mồng 9 tháng 3 dân hai làng Hương Gián, Kệ Gián lại tổ chức lễ hội thi bơi chải để tưởng nhớ đến sự kiện lịch sử đó.
Trước đây đội hình đua thuyền được tổ chức theo các xóm; Hai thôn có 6 xóm được tổ chức thành 6 thuyền đua. Mỗi thuyền đua có 18 người là nam giới mặc đồng phục, không hạn chế tuổi tác bao gồm một người cầm mõ, một người cầm lái, 1 người cầm cờ, một người tát nước, một người thổi tù và và 13 tay chèo (một người chèo mũi); hai bên mạn thuyền mỗi bên 6 tay chèo. Do kinh tế khó khăn nên các xóm không tự đóng hoặc mua sắm được thuyền, mỗi năm đến kỳ lễ hội các xóm phải đi thuê thuyền đua của nơi khác, chủ yếu thuê của làng Quát (xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc). Đường bơi dài khoảng 1.500 m. Điểm xuất phát từ cây đa Đống ếch (cách cầu Cậy hiện nay khoảng 500m về phía đông), ngược theo sông Kẻ Sặt về phía tây đến hết địa giới làng Cậy, các thuyền bơi 3 vòng. Đội của xóm nào giành giải nhất được làng thưởng cho một tối hát chèo. Các xóm khác không đạt được giải phải đi xem nhờ, việc treo giải như vậy đã tạo không khí ganh đua giữa các xóm quyết tâm đoạt giải trong các kỳ thi bơi chải.
Từ khi di tích đình Cậy được xếp hạng cấp quốc gia và lễ hội tại đình Cậy được phục hồi, chính quyền và nhân dân làng Cậy đã xây dựng quy chế tổ chức lễ hội, thống nhất lồng ghép lễ hội thi bơi chải vào lễ hội kỷ niệm ngày sinh mồng 10 tháng 2 và hai năm mới tổ chức thi bơi chải một lần.
Lễ hội diễn ra trong 7 ngày:
Sáng 10 tháng 2 mở cửa đình, bao sái đồ thờ, chồng kiệu vào làm các bước chuẩn bị cho rước. Đi đầu đoàn rước là đội múa lân, tiếp theo đến đội mang cờ thần và cờ Tổ quốc, tiếp theo nữa đến đoàn các cháu học sinh, đội nhạc của hội Cựu chiến binh, sau đó đến đoàn rước kiệu thánh, kiệu lục lộ, kiệu long đình... Thành phần những người khiêng kiệu không phải lựa chọn qua tục cắt phù giá như trước kia mà giao cho các đoàn thể (chủ yếu là Đoàn thanh niên) và các xóm lựa chọn. Thành phần các đội tế cũng thay đổi, các thành viên đội tế do hội Phụ lão của xã cử ra, từ 50 tuổi trở lên không có tang cha, mẹ, vợ (trước kia kiêng 3 năm, nay chỉ kiêng 1 năm). Trước đây, chỉ có đội tế nam, nay có cả đội tế nữ. Ngày nay, do cơ chế thị trường, con em làng Cậy nhiều người đi làm ăn buôn bán xa, không có dịp về quê dự lễ hội. Do đó, số lượng người tham gia đoàn rước chỉ bằng một nửa thời Phong kiến.
Sáng 11 tháng 2, Ban tổ chức làm lễ dâng hương tại đình, sau đó ra thắp hương tại nghĩa trang liệt sỹ của xã. Ngoài ra, buổi sáng còn tổ chức tế thần tại đình, buổi chiều rước tập ngơi từ đình ra nghè. Toàn bộ đồ rước được để tại nghè một đêm để hôm sau tế công đồng.
Ngày 12 tháng 2, buổi sáng tổ chức tế công đồng tại nghè, buổi chiều rước Thánh từ nghè về đình. Buổi tối tổ chức hát chèo tại sân đình.
Ngày 13 tháng 2, buổi sáng chuẩn bị, buổi chiều tổ chức thi bơi chải. Buổi tối tiếp tục có hát chèo tại sân đình.
Ngày 14 tháng 2, ban ngày nhân dân trong thôn tiếp tục ra lễ tại đình và nghè. Buổi chiều tổ chức tế nữ tại đình. Buổi tối tiếp tục hát chèo.
Ngày 15 tháng 2, nhân dân tiếp tục ra lễ tại đình và nghè, tổ chức các trò chơi dân gian như: Chọi gà, đi cầu thùm...
Ngày 16 tháng 2, buổi chiều tổ chức lễ tạ, đóng cửa đình, cất đồ thờ. Kết thúc lễ hội.
Bên cạnh, những phong tục như: Tế, lễ, rước kiệu... Lễ hội còn bảo lưu được nhiều loại hình văn hóa dân gian như: Hát chéo, bơi chải...
Lễ hội chùa Minh Khánh ở thị trấn Thanh Hà được tổ chức hằng năm vào các ngày 29, 30/10 và 01/11 (âm lịch), nhằm tưởng nhớ Phật hoàng Trần Nhân Tông, nơi nhà vua đã lập đại bản doanh đóng quân tại Bình Kha để chuẩn bị lực lượng chống quân Nguyên Mông lần thứ 3.
Chùa Minh Khánh (còn có tên là chùa Hương Đại) ở thị trấn Thanh Hà. Chùa xây dựng từ thời Lý, sau đó được trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Chùa có kiến trúc, cảnh quan đẹp và còn lưu giữ được hệ thống tượng phật, tháp cổ, 16 tấm bia cùng 13 đạo sắc phong thời Lê, Nguyễn... Với những giá trị lịch sử, văn hóa được bảo tồn, năm 1990, chùa Minh Khánh được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và cũng từ đó, lễ hội chùa Minh Khánh được duy trì tổ chức hằng năm.
Chùa Minh Khánh gắn liền với tên tuổi vị vua anh minh Trần Nhân Tông, nhà tu hành đắc đạo, một trong ba vị tổ của thiền phái Trúc Lâm. Theo truyền thuyết, thế kỷ XIII, vua Trần Nhân Tông từ Tràng An đến hội quân với Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đang đóng quân tại đây. Trước ngày xuất quân, đức vua lập đàn tế trời Phật rồi cắt máu ăn thề trước cửa chùa với quyết tâm tiêu diệt giặc Nguyên Mông. Hiện chùa còn lưu giữ 9 viên xá lỵ của Ngài. Trong chùa, gian chính điện đặt ban thờ Trần Nhân Tông. Từ khi vua Trần Nhân Tông đến đây, chùa Minh Khánh trở thành ngôi chùa nổi tiếng khắp vùng, được nhân dân ngưỡng vọng. Sự kiện này còn dấu tích trên bia "Minh Khánh Đại danh lam" khắc năm Hồng Thuận thứ 3 (1511): “Tiên triều vua Trần Nhân Tông đã tu hành ở đây mà huyết thư còn lưu, đương thời coi là "Tiểu Tây phương". Một lâu đài quý báu nơi Trúc Quốc, sáng rực hoa soi. Lúc đó, đã có sư tiểu sớm hôm đèn hương, quét tước, nhân dân phụng thờ, tiếng tăm rộng khắp xa gần…”. Ngày vua Trần Nhân Tông viên tịch (1/11 âm lịch) được nhân dân lấy là ngày tổ chức lễ hội của chùa.
Lễ hội chùa Minh Khánh gồm hai phần: Phần Hội và Phần Lễ
Phần lễ có lễ rước sắc, lễ rước mâm ngũ quả, lễ mộc dục và tế lễ. Lễ rước sắc được tổ chức vào sáng ngày 29/10 hằng năm. Người tham gia lễ rước là các nam thanh, nữ tú tuổi từ 18 tuổi trở lên. Sáng sớm ngày 29, đoàn rước được tập kết ở đền Ngự Dội làm lễ xin sắc rồi rước sắc về chùa làm lễ tế xin khai hội. Xưa kia, đền Ngự Dội là nơi giữ sắc vua ban. Đây là lễ rước cổ truyền theo nghi thức Phật giáo. Đi đầu là đội múa lân, đoàn rước phướn Phật, cờ hội cùng các tăng ni phật tử đi kèm, ban nhạc lễ gồm trống, chiêng. Sau là hàng bát bửu do tám cô gái trẻ mặc áo nâu đỏ, quần trắng, đầu chít khăn mang. Đi sau bát bửu là hàng chấp kích do 8 chàng trai trẻ mặc áo nâu đỏ, quần trắng, đầu chít khăn mang. Kế đến là long đình được đặt bát hương và mâm ngũ quả. Sau long đình là đội nghi lễ gồm chấp kích, bát bửu rồi đến long kiệu đặt hòm sắc vua ban, được trang trí vải đỏ lộng lẫy. Đi sau đoàn rước là các bô lão, quan viên và dân làng cùng du khách thập phương. Không khí buổi rước diễn ra vui tươi, náo nhiệt.
Tiếp đến là Phần hội có các trò chơi như cờ người, múa rối nước, diễn chèo, hát quan họ… thi mâm ngũ quả và làm bánh dầy. Tục thi mâm ngũ quả luôn xuất hiện trong mùa lễ hội từ xưa đến nay, tạo thành điểm nhấn độc đáo cho lễ hội của chùa Minh Khánh. Vào ngày lễ hội, 9 khu dân cư của thị trấn làm 9 mâm ngũ quả tham dự. Các mâm ngũ quả được trình bày theo một số chủ đề như: cửu long tranh châu (chín con rồng tranh ngọc); cửu long bảo tháp (chín con rồng và tòa bảo tháp); long lân khánh hội (rồng lân mừng hội); thượng hoàng long, hạ tứ linh (trên rồng vàng dưới 4 vật thiêng); tứ linh tòng mẫu (bốn vật thiêng: long, ly, quy, phượng theo mẹ); thượng hoàng long chầu nguyệt, hạ tứ linh khánh hội (trên rồng vàng chầu mặt nguyệt, dưới tứ linh mừng hội)... Các nguyên liệu được dùng là những sản vật đồng quê như bưởi, chuối xanh, đu đủ, hạt tiêu, quất, na, hạt nhãn... Qua bàn tay tài hoa, trí tưởng tượng phong phú của người dân, những con rồng, phượng, lân trở nên vô cùng đẹp mắt, sống động.
Trước đây, ngoài mâm ngũ quả, bánh dầy cũng là lễ vật quan trọng vừa để thi vừa để tiến vua. Mỗi mâm bánh dầy gồm 5 chiếc, mỗi chiếc nặng 1kg, phải bảo đảm được 4 yếu tố, trắng, trong, tròn, mịn. Để có những chiếc bánh dầy như ý, người dân chọn loại lúa nếp ngon, nước dùng làm bánh trong, sạch. Trước khi làm bánh, gạo được đồ xôi và đem giã. Giã bánh xong, cho vào khuôn đúc thành bánh. Bánh được bày cùng mâm ngũ quả dùng cúng tế trong lễ hội.
Lễ hội chùa Minh Khánh được nhân dân địa phương và du khách thập phương rất ngưỡng mộ. Vì vậy cần thiết phải bảo tồn, phát huy những nét đẹp truyền thống đó.
Đền Bia thuộc thôn Văn Thai xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng. Đền Bia được xây dựng để thờ Tuệ Tĩnh và tấm bia thời Lê là di vật kỷ niệm của Tuệ Tĩnh nên có tên là Đền Bia. Theo tư liệu lịch sử đang lưu hành thì khi Tuệ Tĩnh 55 tuổi đi sứ Trung Quốc và mất tại Giang Nam.
Về tấm bia thời Lê thờ tại đền có lịch sử như sau: Nhân dân địa phương cho biết tấm bia này do tiến sĩ Nguyễn Danh Nho (1638-1699) là người cùng làng với Tuệ Tĩnh soạn khắc vào năm 1699 khi ông đi sứ Trung Quốc đã đến viếng mộ Tuệ Tĩnh tại Giang Nam, đọc mặt sau tấm bia trên mộ thấy có ghi chữ : "Về sau có ai bên nước sang, nhớ cho hài cốt tôi về với", Nguyễn Danh Nho đã vô cùng xúc động trước tình cảm luôn hướng về quê hương đất nước của Tuệ Tĩnh nên đã cho dập mẫu tấm bia mang về nước, thuê thợ làm lại và chở về quê. Khi đó cả vùng quê ông bị ngập nước, xuôi thuyền đến địa phận đền hiện nay thì thuyền bị lật, tấm bia rơi xuống nước không lấy lên được, ít lâu sau nước cạn, nhân dân tìm thấy bia, thấy doi đất ở đây có hình con dao cầu (dao thái thuốc nam) nên đã dựng miếu thờ bia. Từ ngày dựng bia, người khắp nơi kéo về lấy thuốc, hái lá, xin nước đền Bia về uống với hy vọng mọi bệnh sẽ khỏi. Tương truyền vào năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) mỗi ngày có tới hàng nghìn người đến Đền Bia, nên vua đã hạ chiếu cấm việc cúng lễ và xin thuốc mang mầu sắc mê tín và mất vệ sinh, và sai người đem tấm bia về cất tại kho ở Hải Dương, sau này có một người làng Văn Thai làm chức thủ kho đã bí mật lấy lại bia đem về đền thờ.
Đền Bia nguyên được xây dựng từ thời Lê, trùng tu vào năm 1936, kiến trúc kiểu tiền nhất hậu đinh, mặt tiền quay hướng bắc, xung quanh cây cối xanh tươi và nằm giữa cánh đồng thuộc hai xã Cẩm Văn và Cẩm Vũ của huyện Cẩm Giàng, đền có vườn thuốc nam rộng lớn, phong phú các loại dược liệu, toà tiền tế trùng tu năm 1993 phỏng theo kiến trúc thời Nguyễn khá đẹp gồm 5 gian với diện tích 120 m2, trung từ và hậu cung nhỏ nhưng còn chắc chắn và đồng bộ từ kiến trúc đến các đồ thờ tự, nhà kiểu lòng thuyền tứ trụ, vì con chồng đấu sen, bức cốn chạm long cuốn thuỷ và hoa lá, chính giữa treo bức đại tự sơn son thiếp vàng ghi 4 chữ: " Thánh cung vạn tuế" nghĩa là: " Đức thánh muôn tuổi". Hai cột treo đôi câu đối ca ngợi Tuệ Tĩnh:
" Hoàng giáp phương danh đằng bắc địa
Thánh sư dược diệu trấn Nam bang"
Nghĩa là:
" Thi đậu hoàng giáp tiếng lừng đất bắc
Chữa bệnh thần diệu tài quán nước Nam".
Di tích còn nhiều cổ vật có giá trị từ các triều đại phong kiến như bệ đá thời Nguyễn chạm khắc tứ linh, tứ quý, cỗ khám sơn son thiếp vàng, tượng Tuệ Tĩnh, đặc biệt là tấm bia thời Lê là di vật kỷ niệm của Tuệ Tĩnh, được nhân dân địa phương coi như báu vật bảo quản tại hậu cung của đền.
Năm 2003 dự án trùng tu lớn đền Bia đã được phê duyệt, sau hơn 3 năm xây dựng công trình được khánh thành vào năm 2006 với tổng kinh phí là 14 tỷ 8 trăm triệu đồng. Tổng diện tích khu di tích là 3 ha, 7 mẫu gồm hai khu là: Khu thờ tự và khu y xá. Khu thờ tự gồm 5 công trình: Tam quan, nhà thuỷ đình, nhà tả vu và hữu vu, tiền tế và hậu cung, tổng số 23 gian, còn lại là sân vườn, tường bao và cổng. Kiến trúc phỏng theo thời Nguyễn, với chất lượng gỗ lim toàn phần, gạch Bát Tràng. Khu y xá gồm 3 công trình: Nhà bắt mạch kê đơn thuốc, nhà bốc thuốc và nhà chẩn trị, mỗi công trình 5 gian. Ngoài ra còn có nhà từ tâm dùng đón tiếp khách. Khu di tích đền Bia nằm ở cánh đồng nơi tiếp giáp giữa làng Văn Thai và làng Nghĩa Phú, tạo nên một không gian hoành tráng, cổ kính hài hoà với thiên nhiên.
-Lễ hội Đền Bia:
Trước khi có Đền Bia, nơi đây chỉ là một đống đất cao, nhưng vì khu đất có hình con dao cầu nên nhân dân vẫn thường tự đến cắm hương lễ bái, sau khi tấm bia được dựng nên thì mới dựng đền thờ tấm bia, ban đầu đền làm bằng gianh, tre, nhưng năm nào cũng bị cháy, vì thế dân làng mới cho lập một ngôi đền gọi là Đền Trung ở gần vị trí làng Văn Thai để thờ vọng lên đền Bia, sau đó mới xây dựng đền Bia bằng vật liệu gạch, gỗ lim chắc chắn hơn, từ đó dân làng lễ tại hai đền và gọi là đền Trung và đền Thượng.
Theo nhân dân địa phương cho biết lễ hội đền Bia được bắt đầu từ năm 1830, đó là vào đời vua Minh Mạng thứ 11, tương truyền có thánh ứng vào ngày mùng 1 tháng 4 (âm lịch) và lễ hội diễn ra từ ngày 1 tháng 4 đến ngày 4 tháng 4, trong 4 ngày đó nhân dân gọi là Hội thánh ứng lần thứ nhất và chính là ngày giỗ của thiền sư Tuệ Tĩnh. Lễ hội do lý trưởng, hội đồng tộc biểu và các vị chức sắc của làng và các giáp đứng ra tổ chức, diễn biến của lễ hội thánh ứng lần thứ nhất có thể miêu tả như sau:
- Thánh ứng lần thứ nhất ( năm 1830):
*Ngày mùng 1 tháng 4:
Nhân dân tổ chức lễ rước bát hương và hòm sắc từ đền Trung ra đền Bia (đền Thượng), lễ rước gồm hai kiệu, kiệu thứ nhất rước bát hương gồm 12 thanh niên khoẻ mạnh mặc áo màu đỏ khiêng, những người khiêng kiệu được chọn từ các giáp của làng tuổi từ 18 đến 30. Kiệu thứ hai rước hòm sắc bố trí 4 người khiêng, trên kiệu có long đình đặt hòm sắc, đoàn rước bố trí như sau:
Đi đầu là những thanh niên cầm cờ, bát biểu, sau đó đến đội chiêng, trống, tiếp đến là kiệu bát hương, đi theo sau kiệu là các vị chức sắc của làng, xã, mặc áo lương, khăn xếp, kiệu được hai người cầm tàn lọng che hai bên, sau đó đến kiệu hòm sắc, theo sau là các vị trong hội đồng tộc biểu của làng, giáp trong xã, tiếp đến là đoàn các cụ, dân làng mặc áo dài, vấn khăn đội lễ vật và nhân dân đi theo. Lễ vật gồm lợn luộc để cả con, mâm xôi, trầu, rượu và hoa quả, đèn hương... nói chung đều là sản vật của quê hương. Đoàn rước đi trong tiếng chiêng, trống rộn ràng, không khí lễ hội tưng bừng hoà với quần áo đủ sắc màu. Khi đoàn rước đến đền bia, kiệu được đặt tại vị trí trang trọng và tổ chức tế thánh, đội tế nam gồm 15 người, chủ tế phải là tiên chỉ của làng.
* Ngày mùng 2 tháng 4:
Tại đền Trung và đền Thượng (đền Bia) nhân dân đến tự do lễ bái và xin thuốc, gọi là hội thánh vì nơi đây thờ tấm bia kỷ niệm Tuệ Tĩnh, người được tôn là thánh thuốc nam, tương truyền trong những ngày diễn ra lễ hội ai vào đền Bia đều bứt lá đặt lên lễ thánh sau đó mang về sắc uống đều khỏi bệnh (bách bệnh), người nọ truyền người kia cho nên dân các nơi kéo về đền Bia rất đông, nhân dân trong làng đem ra đền đủ các loại lá để làm lễ bán, như lá tre dây, lá ngải cứu, lá cúc tần, lá mít, lá bưởi... ai mua lá xong đều phải đặt vào lễ thánh thì lá đó sắc uống mới khỏi bệnh vì lá đó đã được Thánh ứng. Năm 1830 có hàng vạn người đến lễ và xin thuốc thánh, nhân dân địa phương phải làm nhà sàn xung quanh đền để phục vụ. Không khí lễ hội nhộn nhịp suốt ngày đêm, cuốn hút tất cả mọi người trong làng xã, trong các làng chỉ còn các cụ già và trẻ con còn bé còn tất cả đều ra đền phục vụ lễ hội thánh.
* Ngày mùng 3 tháng 4:
Nhân dân địa phương và các nơi vẫn đến đặt lễ thánh và xin thuốc. Để có không khí lễ hội, làng có tổ chức một số trò chơi dân gian như đánh cờ, bịt mắt bắt dê, đi cầu kiều, có treo giải thưởng. Buổi tối tổ chức hát chèo đến khuya.
*Ngày mùng 4 tháng 4:
Tổ chức rước kiệu bát hương và hòm sắc trở lại đền Trung và làm lễ tạ thánh, diễn biến của đoàn rước cũng diễn ra như khi rước ngày mùng 1 tháng 4, sau đó kết thúc hội đóng cửa đền.
Từ năm 1830 đến năm 1950 lễ hội hàng năm vẫn được hội đồng tộc biểu duy trì và tổ chức đầy đủ lệ bộ nhưng người đến dự Hội không đông bằng năm 1830. Lễ hội ở đây có lệ kiêng: Nhà ai có đại tang không được vào rước kiệu, ai ăn thịt chó thì không được vào đền làm lễ, mọi người đều phải kiêng đúng như quy định nếu ai làm sai sẽ bị làng phạt.
- Thánh ứng lần thứ hai ( năm 1936):
Hơn 100 năm, sau Thánh ứng lần thứ nhất năm1830, vào năm Bảo Đại thứ 11 (1936) tương truyền có Thánh ứng lần thứ hai, lễ hội Thánh cũng được tổ chức 4 ngày, từ mùng 1 tháng 4 đến ngày mùng 4 tháng 4 (âm lịch) như dịp Thánh ứng lần thứ nhất. Nhưng lần này người đến lễ và xin thuốc đông hơn lần một rất nhiều, mỗi ngày có tới hàng vạn người từ các nơi đổ về xin lá thuốc, tất cả những thứ lá gì trong đền cũng đều được coi là thuốc quý chữa bách bệnh. Nhân dân từ khắp các tỉnh thành trong Nam, ngoài Bắc đều kéo nhau về đền để lễ và xin thuốc, nhân dân địa phương gọi là hiện tượng " hiển thánh".
Từ đó đến nay lễ hội vẫn diễn ra bình thường nhưng không đông như năm 1936 nữa, vào năm 1962 đền Trung bị giải hạ, từ đó lễ hội tập trung vào đền Bia là chính.
Xét quy mô lễ hội cổ truyền Đền Bia đó là một lễ hội với quy mô rộng lớn hầu như trong cả nước, nhân dân từ khắp ba miền đất nước kéo về lễ hội như một hiện tượng đặc biệt vì sự "hiển thánh" ở Đền Bia truyền đi rất nhanh, nhân dân rất tin vào vị Thánh thuốc nam Tuệ Tĩnh.
Từ năm 1992 xã Cẩm Văn thành lập Chi hội đông y, chuyên sản xuất, kê đơn bốc thuốc nam, bắc, số hội viên khá đông, địa điểm đặt tại đền Bia, xung quanh đền trồng nhiều cây thuốc, vào những ngày hội nhân dân đến dự hội, lễ Thánh và vẫn xin thuốc chữa bệnh, mặt khác còn có thày thuốc bắt mạch lấy thuốc tại đền, Chi hội đông y đền Bia là chi hội mạnh của Chi hội đông y huyện Cẩm Giàng và tỉnh Hải Dương, hoạt động có hiệu quả tốt, phát huy truyền thống của thuốc nam Tuệ Tĩnh.
Ngày nay di tích đền Bia vẫn được chính quyền địa phương đứng ra tổ chức, những hình thức cổ truyền trong dịp hội vẫn được kế thừa có chọn lọc, tiếp tục duy trì được những phong tục hay và loại trừ những biểu hiện, những hành động chưa tốt, cùng nhau xây dựng quê hương.
Sau một năm lao động vất vả, những ngày hội vui vẻ đem đến cho người dân sự thoải mái, đồng thời thắt chặt thêm tình đoàn kết xóm làng, dòng tộc trong những dịp lễ hội thiêng liêng. Số tiền công đức của thập phương được công khai để xây dựng di tích, nhân dân địa phương có dịp được giao lưu với nhân dân các tỉnh khác về dự lễ hội. Song lễ hội cũng cần khắc phục một số hạn chế hiện tượng một số người lợi dụng lễ hội để kinh doanh, có như vậy việc tổ chức lễ hội mới thực sự có ý nghĩa trong đời sống tinh thần của nhân dân.
Lễ hội Đền Sượt được tổ chức vào 2 ngày 9 và 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, tại làng Thanh Cương, phường Thanh Bình, thành phố Hải Dương. Trong những ngày lễ hội có tục đánh bệt, tức đánh hổ - một trò diễn dân gian độc đáo.
Thanh Cương linh từ hay Quang liệt miếu, nôm gọi là đền Sượt, ở tại làng Thanh Cương, phường Thanh Bình, Thành Phố Hải Dương, thờ Vũ Hựu, một danh tướng thời Lê sơ, quê tại làng Thanh Cương. Khi qua đời (16.11 năm Tân Tỵ-1521) được tôn là Thượng đẳng phúc thần, Minh quốc linh ứng, Hiển Hựu đại vương và Thành hoàng làng. Đền Sượt được xây dựng từ sau khi Vũ Hựu qua đời. Công trình hiện còn mang dấu ấn kiến trúc TK XIX. Di tích đã được nhà nước xếp hạng năm 1992.
Trước cách mạng tháng tám Lễ hội đền Sượt được tổ chức nhưng không phải năm nào cũng tổ chức rước, biểu diễn văn nghệ hay tổ chức trò đánh Bệt. Việc tổ chức rước và trò đánh Bệt từ năm 1937. Sau đó đã không có điều kiện tổ chức hàng năm, phải tới năm 1919 do sự chỉ đạo của Sở Văn hoá Thông tin, việc rước và trò đánh Bệt mới được phục hồi, nhưng nghi thức diễn ra chưa được đầy đủ như ngày xưa. Lễ hội đền Sượt được duy trì đều từ năm 1990 trở lại đây.
Các hoạt động lễ hội diễn ra như sau:
- Từ ngày 1 tháng 7 đến 7 tháng 3: Ban khánh tiết đền tổ chức lau rửa đồ thờ tự, họp bàn tổ chức lễ hội.
- Ngày 9 tháng 3: Tổ chức lễ Mộc dục, đón khách thập phương về dâng hương.
- Tối 9 tháng 3: Ban khánh tiết sửa lễ gồm xôi, gà, rượu trắng, trầu cau, vàng hương làm lễ cáo yết tại đền.
- Ngày 10 tháng 3: Buổi sáng ban khánh tiết sắm lễ xôi gà, rượu trắng, trầu cau, hương hoa dâng Đức Thánh tại đền. Từ năm 1999 đến nay, dân làng tổ chức rước kiệu từ đền, qua khu lăng mộ Đức Thánh - đến đình - về đền.
Thứ tự đoàn rước: Đi đầu là múa lân - cờ hội - bát biểu - kiệu long đình (8 ngươi khênh kiệu là thanh niên chưa vợ). Nhạc rước có tù và, bát âm và chiêng. Sau kiệu là những mâm lễ vật của dân làng. Sau khi đoàn rước về ổn định tại sân đền, kiệu được đưa vào hậu cung, trưởng ban khánh tiết thắp hương.
Nội dung lễ dâng hương: Ông trưởng ban di tích đọc diễn văn ca ngợi công đức của Đức Thánh và nêu trách nhiệm của Ban quản lý di tích, mọi công dân đều có nghĩa vụ bảo vệ di tích. Sau khi đọc xong diễn văn, các gia đình ở thôn Thanh Cương và khách thập phương vào dâng lễ.
Hiện tại thôn Thanh Cương vẫn tổ chức hội, tuần gồm 24 cụ. Cụ có tuổi cao nhất là 80, người ít tuổi nhất là 50. Hội tuần có nhiệm vụ lo việc tuần tiết tại đền: Ngày sóc, ngày vọng (ngày mùng 1 và ngày rằm) cùng các ngày tế lễ theo tục cũ đến nay thôn vẫn còn giữ được.
Phần hội: Hội đền Sượt tuy không được tổ chức các trò diễn như ngày xưa, xong vẫn còn giữ được một số trò vui như: Chọi gà, cờ tướng, biểu diễn chèo... Năm 1999 trò đánh Bệt được tổ chức lại, đã được dân làng nhiệt tình tham gia. Trước khi vào hội, đinh tráng từ 18-54 tuổi đều phải sắm gậy đánh bệt.
+ Gậy cho dân đinh dài 7 thước ta (1 thước= 40cm).
+Gậy cho 5 người trực tiếp đánh hổ, dài 4 thước.
+Gậy cho nữ đồng trinh múa trước hàng quân, dài 1,2 thước.
Lễ hội đền Sượt từ xưa đã được coi như là một lễ hội vùng có quy mô lớn, thu hút nhân dân từ các tỉnh như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng về dự. Ngày nay, đền Sượt vẫn còn là một trung tâm tín ngưỡng hưng thịnh. Đặc biệt là những ngày đầu xuân, ngày lễ hội, ngày rằm mùng 1 đã thu hút đông đảo nhân dân đến sinh hoạt tín ngưỡng. Ở đây sở dĩ thu hút đông đảo du khách ngoài cảnh đẹp của đền và truyền thống uống nước nhớ nguồn còn có nguyên nhân cho rằng: Thẻ của đền Sượt khá ứng nghiệm. Hộp thẻ có 100 quẻ tiêm được ghi thứ tự trên các thanh tre dài khoảng 20cm, vót mỏng bản có chiều rộng khoảng 1cm. Trên đầu mỗi quẻ tiêm được đề bằng chữ Hán và số tự nhiên từ số 1 đến 100, mỗi thử được ứng với cuộc đời số phận của một đức thánh hiền hoặc một quan chức trong lịch sử Trung Quốc. Trong tâm linh của nhiều người cho rằng Đức Thánh đền Sượt rất thiêng, những người đến cầu phúc, những điều tâm đức thường được phù hộ.
Hàng năm, vào ngày 1 tháng 4 Âm lịch nhân dân huyện Kinh Môn, Hải Dương lại tưng bừng tổ chức lễ hội truyền thống đền An Phụ tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ An sinh vương Trần Liễu, đấng sinh thành và góp phần tạo nên thiên tài, vị anh hùng dân tộc Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn.
Đền An Phụ (tên tự là An Phụ Sơn từ), tọa lạc trên đỉnh núi An Phụ, thuộc xã An Sinh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương được xây dựng từ thời Trần (thế kỷ XIII), thờ An Sinh Vương Trần Liễu. Theo sử sách xưa, vào năm 1237, triều đình Nhà Trần cắt đất các xã An Phụ, An Dưỡng, An Sinh, An Hưng, An Bang ban cho Trần Liễu làm thái ấp và phong làm An sinh Vương. Ngài và phu nhân là đấng sinh thành ra vị anh hùng dân tộc văn võ song toàn, có công lớn trong 3 cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông xâm lược. Ông mất ngày 1 tháng 4 năm 1251. Tưởng nhớ công đức của ông, ngày 1 tháng 4 âm lịch hàng năm nhân dân quanh vùng lại nô nức mở hội Đền An Phụ.
Lễ hội đền An Phụ được tổ chức trong 3 ngày từ ngày 29/3 đến 1/4 Âm lịch. Phần lễ được tổ chức trong suốt ba ngày diễn ra lễ hội. Lễ cáo yết xin mở hội được tổ chức vào sáng ngày 29/3. Lễ Mộc dục, bao sái tượng tại đền An Phụ diễn ra lúc 23h, ngày 30/3. Ngày chính hội là ngày 1/4 Âm lịch.
Chính hội bắt đầu với màn múa rồng, đoàn rước của các xã An Sinh, Phạm Mệnh, Thượng Quận, Hiến Thành, thị trấn Phú Thứ. Lễ khai hội và dâng hương tưởng niệm An sinh vương Trần Liễu được tổ chức long trọng tại đền An Phụ với chương trình trống hội theo nghi thức cổ, màn biểu diễn múa lân, múa rồng và dâng văn tế ca ngợi công đức của An sinh vương. Sau lễ khai hội và dâng hương là lễ tế thần theo nghi thức truyền thống. Phần lễ tạ được tổ chức vào ngày 8/4 Âm lịch.
Ngoài phần lễ theo nghi thức truyền thống, phần hội có nhiều hoạt động hấp dẫn như chương trình biểu diễn chèo tại di tích động Kính Chủ, các chương trình biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn hóa văn nghệ của người dân các xã và du khách tại sân đình và nhiều trò chơi dân gian truyền thống.
Những năm gần đây, lễ hội đền An Phụ ngày càng được tổ chức trọng thể, phong phú về nội dung và hình thức không chỉ để đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người dân địa phương mà còn là dịp giới thiệu lễ hội và di tích đền An Phụ tới đông đảo nhân dân và du khách thập phương nhằm tưởng nhớ công ơn to lớn của cha ông, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương và góp phần bảo tồn phát huy giá trị văn hóa quý báu của dân tộc.
Đến hẹn lại lên, hàng năm, vào ngày 14 đến 16 tháng 8 Âm lịch, người dân phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) lại tưng bừng mở hội để tưởng nhớ công ơn của đức thánh Khai Thiên Thể Đạo, người đã có công giúp Hùng Vương thứ 18 dẹp giặc.
Đình Hàn Bơi thờ đức thánh Khai Thiên Thể Đạo. Theo sử xưa lưu truyền, ông tên thật là Hán Công Đạt, sinh ra tại làng Phương Độ, phường Cẩm Thượng, thành phố Hải Dương, từ khi sinh ra đã có dung mạo phi thường, lại thêm trí tuệ hơn người nên sớm trở thành người văn võ song toàn, học sâu, hiểu rộng. Thời Hùng Vương thứ 18, nước Việt bị giặc Xích Quỷ xâm lăng. Vua đã cử nhiều tướng tài đi diệt giặc mà không dẹp yên được, bèn cử ông đi và phong cho bốn chữ “Hùng vĩ Việt nhân”, giao chức Đại tướng tổng chỉ huy thủy, bộ binh mã để tiêu diệt giặc. Bằng kế sách của ông, quân ta đại thắng. Không chỉ nổi tiếng với tài năng thao lược, ông còn là vị quan đức độ, được dân chúng hết mực tôn kính. Khi tuổi cao, ông về làng Phương Độ sống với dân làng. Tưởng nhớ công ơn cua ông, sau khi ông mất, dân làng lập đền thờ, quanh năm hương khói.
Ngày nay, đình Hàn Bơi tọa lạc tại phường Cẩm Thượng, thành phố Hải Dương, hường về phía sông Thái Bình và là địa điểm sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng linh thiêng của người dân. Hằng năm, cứ đến ngày 14 tới 16 tháng 8 Âm lịch, nhân dân Cẩm Thượng lại tưng bừng tổ chức lễ hội truyền thống đình Hàn Bơi để tưởng nhớ công lao của đức thánh với nhiều nghi lễ truyền thống và trò chơi dân gian độc đáo. Ngoài ngày chính lễ, lễ hội còn được tổ chức vào ngày 10/3 Âm lịch với nhiều hoạt động giống ngày chính lễ.
Trước ngày lễ hội diễn ra, người dân phường Cẩm Thượng đã sẳm sửa hương hoa lên đình dâng hương. Phần lễ trang nghiêm với lễ tế, lễ rước, lễ dâng hương lên đức thánh. Lễ rước với kỳ lân, cờ thần, trống, chiêng, phường bát âm, bát biểu, chấp kích, các bàn kiệu 18 chiếc bánh trưng, 18 chiếc bánh dày, đội lễ hoa quả, kiệu long đình rước sắc Thành hoàng, kiệu bát cống bắt đầu từ đình Phương Độ sau đó ra đình Hàn Bơi. Bánh trưng, bánh dày chính là biểu tượng tượng trưng cho 18 đời vua Hùng cũng là lễ vật mà người dân dâng lên tổ tiên. Đặc biệt, sau lễ dâng hương lên đức thánh là nghi lễ thả cá chép. 18 con cá chép được thả trong nghi lễ tượng trưng cho sự bình yên, quốc thái dân an, mùa mang tươi tốt, dân khang vật thịnh.
Sau phần lễ trang nghiêm, phần hội diễn ra sôi động với hội thi bơi thuyền trải truyền thống, tái hiện lại cách tướng quân Khai Thiên Thể Đạo dùng thuyền nhỏ dẹp giặc Xích Thủy xưa kia nhằm hun đúc tinh thần tự hào dân tộc trong mỗi người dân Cẩm Thượng, ca ngợi công ơn của ngài và cổ vũ tinh thần thượng võ của dân tộc. Tục truyền rằng, xưa kia lễ hội đình Hàn Bơi còn có màn rước nước trên sông rất độc đáo diễn ra vào ngày 15/8 Âm lịch. Đoàn rước nước với tuyền tướng, thuyền quân đi trước, thuyền ngài ngự ở giữa, tiếp theo là thuyền của 6 thôn chở kiệu, hai bên đoàn rước là đôi thuyền chải thi nhau bơi, vừa bơi vừa hô vang. Tuy nhiên, qua thời gian, ngày nay nghi lễ này chỉ còn lại trong những câu truyện kể dân gian.
Ngoài hội thi bơi thuyền trải, phần hội còn nhiều hoạt động hấp dẫn thu hút đông đảo người dân tham gia như các trò chơi dân gian và chương trình văn nghệ quần chúng.