Po Nai là lễ hội truyền thống của người Chăm được tổ chức ở núi Chà Bang (Ninh Thuận), cầu mưa thuận gió hòa của nhà nông.
Nằm cách thành phố Phan Rang khoảng 15 km về phía tây nam, núi Chà Bang cao hơn 430 m, thuộc địa phận xã Phước Nam, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Đứng trên đỉnh núi, bạn có thể nhìn rõ biển xanh chạy dài từ bãi Cà Ná đến vịnh Phan Rang. Hàng năm, người Chăm hành hương lên núi Chà Bang để làm lễ cúng Po Nai.
Núi Chà Bang gắn liền với truyền thuyết kén chồng của công chúa Po Nai - con gái út của vua Po Rome, có sắc đẹp chim sa cá lặn. Vua Po Rome muốn tạo sự bang giao gần gũi với tộc láng giềng, nên quyết định gả Po Nai cho chàng trai Raglai là Po Kei Maw tài giỏi, khôi ngô, tuấn tú. Không chịu kết hôn, công chúa Po Nai bỏ lên núi tu hành. Yêu Po Nai, chàng Po Kei Maw quyết tâm đi tìm.
Qua nhiều tháng lội đèo leo núi không tìm thấy công chúa, Po Kei Maw tức giận lấy nỏ thần bắn lên ngọn núi - nơi công chúa trú ẩn, khiến ngọn núi nứt làm đôi. Từ đó, đến nay người Chăm gọi núi là “cek Cambang”, có nghĩa là núi hình dáng như cây nạng. Còn người Việt đọc chệch từ tiếng Chăm ra thành “Chà Bang”.
Po Nai được người Chăm thờ phụng trên núi Chà Bang với biểu tượng Linga - Yoni bằng đá đen óng ánh. Nếu tới đây vào tháng 4 đến tháng 6 hàng năm, bạn có thể cùng tham dự lễ hội Po Nai của người địa phương nhằm cầu xin được mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Lễ hội chia thành hai phần, gồm lễ nghi tôn giáo và lễ nghi theo tín ngưỡng dân gian.
Phần đầu của lễ hội, các chức sắc Bani làm lễ trong hang đá trên đỉnh núi từ 12h đến 13h. Đây là giờ hành lễ thứ ba trong 6 giờ hành lễ quan trọng của người Chăm. Một tín đồ chỉ được dâng 3 miếng trầu têm. Khi kết thúc lễ cầu kinh, họ trở lại nơi thờ tự để tổ chức lễ hội dân gian.
Lễ hội tín ngưỡng dân gian do ông Ka-ing (vũ sư) làm chủ lễ. Ban hành lễ bao gồm ông Maduen, ông Ka-ing và các nghệ nhân sử dụng nhạc cụ truyền thống như trống gineng, kèn saranai, ceng. Lễ vật gồm hoa quả đủ loại, mía, xôi, đường, ngoài ra còn có nước, trứng, trầu cau để khấn các vị thần khác.
Vào lễ, ông Maduen, ông Ka-ing làm phép tẩy uế thân thể, mặc lễ phục, làm động tác thỉnh nước thánh, làm lễ tắm tượng và mặc lễ phục cho tượng Po Nai. Sau đó lễ vật được dọn ra để cầu khấn. Khi ông Maduen hát thánh ca mời các vị thần về dự lễ, ông Ka-ing rót rượu mời tín đồ chấp tay cầu nguyện sự an bình cho quê hương xứ sở.
Khi tiếng trống baranâng do ông Maduen gõ vang lên, ông Ka-ing nhịp nhàng điệu múa, vừa khoan thai vừa trầm bổng. Mỗi vị thần sẽ có một bài thánh ca, điệu trống riêng. Ông Ka-ing sẽ múa mỗi điệu múa khác nhau để dâng lên các vị thần.
Múa hầu Po Nai là điệu quan trọng của cuộc lễ. Ông Ka-ing khoác lên y phục nữ giới trắng tinh, bưng hoa quả múa nhịp nhàng, khoan thai theo điệu trống “sa gai”. Lúc này, ông Maduen hát bài thánh ca nói về quá trình tu hành của Po Nai. Lễ hội cứ thế tiếp diễn say sưa, người tham gia như bị cuốn hút vào cuộc lễ.
Đến Chà Bang, bên cạnh tham gia vào lễ hội Po Nai, bạn có thể thưởng ngoạn cảnh đẹp của thiên nhiên. Phía tây có vách đá thẳng đứng cao chừng 20 m tạo nét hoang sơ kỳ vĩ trên ngọn núi. Phía đông, bạn có thể thả hồn phiêu bồng với hình ảnh sóng biển nhấp nhô giữa trùng khơi. Phía bắc là những làng Chăm yên bình cùng các cậu mục đồng nô đùa với đàn cừu. Nhìn xa xa, bạn có thể thấy đỉnh tháp Po Klaong Girai sừng sững trên đồi cao
Địa điểm tại thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cách thị xã Phan Rang 12km về hướng Tây Nam. Đây là lễ đón rước y phục của Nữ thần Pô Nưgar- Thần Mẹ xứ sở của người Chăm gắn liền với nhiều huyền thoại, truyền thuyết. Chính Nữ thần Pô Nưgar là thủy tổ của người Chăm, dạy người Chăm làm lúa, trồng bông dệt vải và sinh hoạt lễ hội như ngày nay. Lễ diễn ra tại ngôi Đền thờ (Danok) trong làng, được xây dựng vào năm 1942. Nơi đây, sẽ diễn các cuộc đón rước, trao báu vật của Nữ thần Pô Nưgar và giao lưu văn hóa giữa người Chăm và người RagLai.
Diễn ra vào tháng 9 hàng năm, tính theo lịch Hồi, Lễ hội Ramưwan của người Chăm ở Ninh Thuận là một lễ hội khá quan trọng. Để mừng lễ hội này, người ta cũng có nhiều chuẩn bị trước đó cả tháng. Trước đây, người ta biết đến Lễ hội Ramưwan của người Chăm như tháng chay tịnh, gắn với những hoạt động âm thầm, một trong những mục đích của lễ hội là chia sẻ về một cuộc sống nghèo khó, để thêm quý trọng những giá trị đang có được, bằng các hình thức chay tịnh, cầu nguyện và nhiều lễ tục như đổi gạo và nhiều lễ tục khác. Vào dịp lễ hội, các chức sắc, tu sĩ phải tuân thủ nghiêm ngặt những lễ nghi trong Lễ hội, để bảo đảm rằng mình có một mùa lễ hội thật sự ý nghĩa.
Được diễn ra trong thời gian một tháng, trước khi vào lễ họ thường tổ chức lễ hội trong 3 ngày đầu. Lễ hội diễn ra được chia làm 3 phần: lễ tảo mộ, lễ cúng gia tiên và lễ chay niệm tại thánh đường.
Lễ tảo mộ: Khi chuẩn bị bước vào lễ Ramưwan, người Chăm tổ chức đi tảo mộ. Đây là lễ khởi đầu cho mùa lễ Ramưwan, thường được tổ chức vào cuối tháng tám hồi lịch.Họ thường đi tảo mộ thành từng tộc họ, thành từng làng, với trang phục chỉnh tề và lễ vật đơn giản như bánh trái, ấm trà, rượu trứng. Sau đó họ sẽ đến nghĩa địa từng gia tộc để làm sạch cỏ, vun đất phần mộ, làm lễ tẩy uế phần mộ và mời tổ tiên về dự lễ cúng gia tiên nhân ngày lễ Ramưwan. Nghi lễ được thực hiện bằng những lời cầu kinh được rút ra từ kinh Koran và một số người đàn ông thuộc kinh kệ cũng ăn mặc chỉnh tề cùng với những người phụ nữ van vái mời tổ tiên, ông bà về dự lễ Ramưwan.
Lễ cúng gia tiên: Sau khi đi tảo mộ về, người Chăm đạo Bàni chọn một nơi trang trọng nhất trong nhà để làm bàn tổ. Bàn này được trải chiếu hoa, để khay trầu, ấm trà, 2 cái gối nằm…Đây là nơi yên vị của tổ tiên về hưởng lễ Ramưwan.Sau khi lập bàn tổ xong, họ dâng lễ vật lên cúng tổ tiên như bánh tét, bánh ít, chè, xôi bánh, gà luộc, cơm canh, cá khô…Lễ vật được dâng cúng thành nhiều mâm.Mỗi thành viên trong gia đình cúng một mâm lễ vật.Mỗi lần dâng lễ thì các thành viên trong gia đình đều cầu khấn để mong hương hồn tổ tiên phù hộ độ trì cho họ.Mâm lễ còn được dâng thành nhiều đợt.Mỗi đợt dâng lên 2 mâm (mâm ngọt và mâm mặn).Trong mỗi lần dâng lễ vật người cúng lễ luôn đọc kinh, vừa rót rượu, vừa khấn vái trong hương trầm tỏa ra nghi ngút.Các vị thần linh được mời về hưởng là tổ tiên bên nội và cả bên ngoại, sau đó là những người thân trong gia đình đã khuất.Trong ngày cúng gia tiên, những thành viên trong gia đình đều họp mặt đông đủ với hương hồn tổ tiên.Họ luôn cầu khấn và hi vọng tổ tiên sẽ phù hộ độ trì cho gia đình được khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt và con đàn cháu đống. Kết thúc lễ gia tiên, họ mời bà con, bạn bè dự lễ để cùng hưởng lễ vật, họ cùng ăn, cùng chúc tụng lẫn nhau. Trong 3 ngày lễ cúng gia tiên họ thường tổ chức ngày hội.
Thời điểm này, làng Chăm Bàni đều tổ chức giao lưu bóng đá, văn nghệ, các trò chơi dân gian như tổ chức thi đội nước, bò kéo xe, kéo cày, giã gạo… Các trò chơi không chỉ lôi cuốn các thành viên trong làng mà còn có nhiều thành viên ở các làng Chăm Bàni khác tham gia. Ba ngày đầu cúng lễ gia tiên của người Chăm đạo Bà ni thật sự là ngày hội mở đầu cho lễ Ramưwan. Sau khi kết thúc 3 ngày cúng gia tiên, người Chăm lại chìm lắng trong không khí trang nghiêm.Tất cả các tín đồ Hồi giáo - Bani phải làm lễ tẩy uế cho thân thể sạch sẽ và tâm hồn thanh thản. Họ không được sát sinh, ca hát, nhảy múa nữa, mà luôn để cho tâm hồn trong sạch, mặc áo quần sạch sẽ, nam nữ đều mặc áo lễ màu trắng truyền thống để vào thánh đường dự lễ Ramưwan.
Lễ chay niệm tại thánh đường: Lễ Ramưwan tại thánh đường do các tu sĩ Po Acar thực hiện. Tất cả các tu sĩ Po Acar phải tập trung vào thánh đường.Trong suốt tháng lễ họ không được trở về nhà sinh hoạt cùng với gia đình. Họ phải nhịn đói suốt tháng lễ, chỉ được ăn lúc về đêm.
Lễ hội Ramưwan là sợi dây giao cảm với Thượng đế và ông bà tổ tiên trong đời sống tâm linh của mỗi tín đồ Chăm Bàni. Lễ hội này còn mang ý nghĩa kế thừa và bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa của tôn giáo bản địa người Chăm, góp phần nâng cao giá trị nhân văn và bản sắc văn hóa Việt Nam.
Lễ Cầu ngư gắn với tín ngưỡng thờ cá voi của ngư dân, được tổ chức rất trang trọng gồm nhiều lễ như rước Ông dưới biển, cúng tế giao cảm với “Thần” bằng văn tế, vật tế, hương quả, hát múa bả trạo hầu Thần cá Ông hết sức thiêng liêng.
Địa điểm cúng tổ chức tại lăng thờ cá voi, nơi chôn cất cá voi chết... Nghi thức cúng kính như tế đình làng ở vùng nông nghiệp. Điều đặc biệt là có tổ chức hát múa bả trạo, mời diễn tuồng. Ở nhiều nơi còn tổ chức đua thuyền, lắc thúng, tạo nên không khí hội thật nhộn nhịp…
Trước đây mỗi làng biển đều có đội chèo bả trạo lo việc diễn trong lễ cúng và hát với nội dung ca ngợi công đức cá Ông đã hộ trì bá tánh nhân dân trong vạn chài làm ăn, cứu giúp ngư dân khi họ gặp bão tố ngoài khơi. Về hình thức hát múa bả trạo được một đội chèo biểu diễn, gồm có ba vai Tổng là: Tổng Mũi, Tổng Khoang và Tổng Lái. Ba vai này ở hàng giữa, hai hàng Trạo tử (bạn chèo) đứng ở hai bên, số lượng Trạo tử thường là 12 người (12 con giáp) hoặc 14, 16 người, mỗi người cầm một mái chèo ngắn. Đội hình xếp như đang tư thế chiếc thuyền đi trên biển. Trang phục của ba vai Tổng sặc sỡ như các diễn viên chính trong sân khấu tuồng, trang phục hai hàng Trạo tử giản đơn hơn, như vai lính hầu.
Lễ Cầu ngư là một lễ hội lâu đời của ngư dân ven biển. Đến với lễ hội là chúng ta đến với lòng tôn kính với cá voi, cầu được mùa cá của ngư dân, lại vừa được thưởng thức văn hóa dân gian đặc sắc do chính họ luyện tập và biểu diễn.
Lễ Hội Katê của đồng bào dân tộc Chăm, thuộc huyện An Phước, tỉnh Ninh Thuận.Người Chăm ăn tết Katê vào thượng tuần trăng tháng 7 (lịch Chăm) - vào khoảng tháng 9 hoặc 10 dương lịch. Lễ Hội Katê là dịp để người Chăm tỏ lòng tôn kính Trời - "Cha" sinh ra vạn vật và tưởng niệm các anh hùng của dân tộc, hành hương về Thánh địa, thăm viếng bạn bè, kết giao.
Vào ngày tắt trăng tháng 6, Ja Angui (Ông từ người Raglây) và Chăm Mưnay (Ông từ người Chăm) mang các bảo vật quý của quốc vương Chăm thủa trước và một số lễ vật (gà, chuối, trầu, cau...) xuống miếu làm lễ ra mắt Thần linh, xin được tổ chức Katê.
Tối hôm đó, người các làng tụ họp rất đông tại miếu xem lễ trình y phục (Pơh Akharao) đắm mình trong âm điệu Kampơ, những lễ nghi trang trọng, các điệu vũ thiêng cổ truyền.
Sáng ngày mồng 1 tháng 7 (theo lịch Chăm) sau khi cúng cố, mọi người dự lế rước Thần ra Đền hoặc Tháp thờ Thánh Mẫu PôInư Nagar, Vua PoKlong Garai, Vua Pôrômê (Thuộc địa giới An Phước). Đám rước khổng lồ kéo dài náo nhiệt. Tiếng nhạc chiêng của người Raglây (một bộ phận Chăm cổ) vang động cả một vùng rộng lớn.
Tại các Đền (Tháp) thầy lễ cả trang trọng làm lễ mở cửa (Pơh Băng), thầy lễ nhì tấu thánh ca theo âm điệu cày Kanhi cổ, hát kể tiểu sử và công đức các vị Vua có công với dân với nước, cầu xin sự bảo trợ. Tiếp theo là lễ tắm tượng bằng nước suối khoáng, mặc áo, đội mũ cho "Quốc vương Thần Thánh" (tượng thờ), dâng rượu và các lễ vật.Cuộc lễ kéo dài suốt ngày. Buổi tối, người ngâm thơ, kẻ chơi nhạc, các thiếu nữ xin thần chữ nghĩa, nghề khéo. Vui nhất vẫn là người tứ phương gặp nhau trò chuyện, ăn chung một mâm, đi chung một lối, cái duyên hình thành trong cái nhìn của trai thanh, gái lịch.