+84 983 035 435

Tĩnh Gia

Hãy khám phá việt nam qua những địa điểm phượt vô cùng thú vị, thơ mộng và hùng vĩ.


Tĩnh Gialà huyện phía Nam của tỉnh Thanh Hoá, với địa hình bán sơn địa, bao gồm các hang động hoang sơ, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, đường bờ biển dài, dải cát mịn, cùng quần thể các hòn đảo, cửa lạch, cảng biển lớn đã tạo cho Tĩnh Gia tiềm năng và lợi thế đặc biệt để phát triển du lịch. Ðến với Tĩnh Gia, du khách không quên ghé thăm những địa danh nổi tiếng như: biển Hải Hòa, động Trường Lâm, Đền thờ Quang Trung, Chùa Đót Tiên, Nhà thờ Ba Làng...Tất cả tạo thành quần thể du lịch vô cùng độc đáo, đó là những di sản mà đất và người xứ Thanh dành tặng cho du khách.

Biển Hải Hòa: Mảnh đất Xứ Thanh được thiên nhiên ưu đãi ban tặng hơn 100 km đường bờ biển với những bãi cát dài, mịn, rất phù hợp cho phát triển du lịch. Nếu như hơn 100 năm nay, du khách biết đến Thanh Hóa với bãi tắm Sầm Sơn, bãi biển Hoằng Tiến (Hoằng Hóa) thì những năm trở lại đây, khách du lịch nhắc nhiều hơn về một bãi biển mang đầy nét hoang sơ mà không kém phần quyến rũ, đó là bãi biển Hải Hòa, nằm cách thành phố Thanh Hóa hơn 40 km về phía Nam, trên địa phận xã Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia.

Biển Hải Hòa có một không gian yên bình với bãi biển đẹp nguyên sơ, nước biển trong xanh, sóng biển hiền hòa, bãi cát trắng mịn trải dài xen lẫn những rặng phi lao xanh ngắt đầy lãng mạn và nên thơ. Du khách có thể thưởng thức các món đồ hải sản tươi ngon, tận hưởng hương vị mặn mòi của biển, cùng kéo lưới với các ngư dân để đón những mẻ cá đầu tiên của ngày…tất cả tạo nên dư vị nồng nàn của biển mà hiếm nơi nào có được.

Động Trường Lâmthuộc địa phận xã Trường Lâm, cách thành phố Thanh Hoá 50 km về phía Nam. Động nằm xuyên ngang dãy núi Mo Cua có chiều dài khoảng gần 500m, rộng rãi, thoáng mát. Nơi đây có nhiều động lớn nhỏ khác nhau như động Ngọc Hoàng, Ngọc Long và động Tiên với vẻ đẹp hoang sơ, đầy bí ẩn. Nóc động cao, có nhiều nhũ đá tạo thành hình những đám mây trắng lững lờ trôi. Nền động bằng phẳng đầy cát mịn và sỏi, trong động còn có con suối nhỏ nước trong mát chảy qua. Tiến sâu vào động du khách sẽ thấy rõ hai tầng trần gian và hạ giới. Tầng trần gian có cung vua hình thành trên vách đá vôi với rồng chầu hai bên ngai vàng. Trước ngai vàng có tượng nhiều người đang cúi xuống, ta liên tưởng đến hình ảnh các quan đại thần đang cúi đầu chờ vua phán những điều cơ mật của sơn hà xã tắc. Lên tầng hạ giới, ta gặp ông tiên râu tóc bạc phơ đứng giữa một bầy con cháu. Đi tiếp là cung Vương Mẫu với bàn thờ uy nghi, các hình chuông treo lơ lửng và những quần đảo trùng điệp...…

Ra khỏi động Ngọc Hoàng, du khách sẽ được vào thăm động Ngọc Long. Hình tượng đầu tiên là những con rồng chầu quanh một bàn thờ mang đầy sự tích nhà phật. Đi sâu vào sẽ thấy ngay cột nhũ cao như cổng thành của một lâu đài tráng lệ. Nhìn lên vách động, ta bắt gặp hình ảnh phật bà Quan âm chắp tay đứng nhìn nhân gian.

Rời cõi phật du khách hãy đến với cõi tiên, nơi có voi chầu trên vách đá và hổ phục dưới nền động. Động Tiên giống như một lâu đài, vòm và vách động có nhiều hình tượng phụ nữ, thiếu nữ mắt nhìn đăm đắm phương trời xa, tà áo dài tung bay trước gió...        

Những hang động ở đây quý giá ở chỗ nó còn giữ đầy đủ nét hoang sơ, hùng vĩ và huyền bí của thiên nhiên đã ban phát cho con người. Cùng với hệ thống hang động tự nhiên đẹp đến mê hồn, động Trường Lâm sẽ là sự lựa chọn lý tưởng để du khách dừng chân thưởng ngoạn. 

Đền thờ Quang TrungQuang Trung - Nguyễn Huệ là người có công to lớn trong việc đánh tan quân đội nhà Thanh và tiêu diệt tập đoàn phong kiến cắt cứ Trịnh - Nguyễn, thống nhất đất nước, tên tuổi và sự nghiệp của người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ sống mãi trong lịch sử dân tộc việt Nam.

Sau khi quét sạch 29 vạn quân Thanh xâm lược, ghi công của cư dân các làng biển trong đó có cư dân Lạch Bạng đã giúp đỡ nhà vua luyện tập thủy binh, hăng hái lên đường giết giặc, Quang Trung đã bãi miễn việc nộp thuế yến sào lấy tận đảo Mê, cống vật có từ thời Lê - Trịnh khiến nhiều người dân phải bỏ mạng. Cảm tạ ân đức của nhà vua, dân làng đã lập đền thờ Ngài ở dưới chân núi Do Xuyên. Bên cạnh đền là quần thể di tích gồm có chùa, đình, nghè, thờ các vị thần.

Hàng năm, lễ hội diễn ra từ ngày 5-7 tháng giêng âm lịch để người dân tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ tới người anh hùng dân tộc áo vải Quang Trung, đồng thời cũng là dịp để người dân gửi gắm, cầu mong cuộc sống bình yên, ra khơi vào lộng gặp nhiều may mắn.

Chùa Đót TiênChùa còn có tên là Đót Tiên Di đà Tự, tọa lạc ở thôn Thanh Nam, xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia. Chùa thuộc hệ phái Phật giáo Bắc tông. Chùa được dựng trên sườn núi Do Xuyên, với kiến trúc hình chữ “Đinh”. Chùa còn bảo tồn nhiều tượng, bia, chuông cổ có giá trị nghệ thuật. Chùa gồm 5 gian tiền đường và 2 gian hậu cung là nơi bài trí 26 pho tượng Phật. Hai bên đầu nhà tiền đường xây hai cột nanh cao kiểu lồng đèn. Phía trước sân thượng và sân dưới phân thành hai cấp rộng 16m có bia và nhà che bia hình lục giáp, cấu trúc theo kiểu gác chuông 2 tầng. Cổng chùa có hai cột nanh to theo kiểu lồng đèn. Kề với chùa là phủ Mẫu. Trong chùa, ở hai gian đầu nhà tiền đường có hai tượng hộ pháp, bên trong hậu cung là bộ tam cấp bài trí tượng Phật. Chùa Đót Tiên là nơi còn lưu giữ nguyên vẹn những pho tượng, chuông đồng, bia ký. Với những giá trị còn nguyên vẹn, Chùa đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Nhà thờ Ba LàngNằm trên địa phận xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia, cách trung tâm thành phố Thanh Hóa 50km về phía Nam. Ba Làng là một dải đất nằm ven biển và ven sông bắt đầu từ cầu Đầu Bè đến Cửa Bạng, với chiều dài 3km. Hai đầu có hai ngọn núi: Núi Thủi phía Bắc và núi Do ở phía Nam. Phía núi Do là cửa sông Bạng chảy ra biển, uốn khúc lượn quanh núi Thủi, khiến Ba Làng như một hòn đảo tách biệt tạo nên khung cảnh sơn thuỷ hài hoà giữa đất trời thiên nhiên thật nên thơ.

Ba Làng được coi là điểm cực Nam của giáo phận với hình ảnh ba cột trụ trở thành biểu tượng của một giáo xứ lớn mạnh cả về số lượng giáo dân cũng như đời sống đức tin. Nơi đây quanh năm sóng biển vỗ về, biển nuôi sống trái tim yêu thương, lòng hiếu khách của người dân nơi đây. Ba Làng là một trong những xứ đạo lớn có lịch sử lâu đời bậc nhất của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Trong nét trầm mặc của thời gian, nhà thờ Ba Làng hướng thẳng ra biển. Ba Làng gồm các họ lẻ: Sung Mãn, Sung Thượng, Ngoại Hải và Như Xuân. Giáo dân đều sinh sống tập trung ở những ngôi làng nhỏ, trong phạm vi chừng 3km ven biển, quanh năm nghe tiếng sóng vỗ. Theo sử liệu Công giáo, vào năm 1627, cha Đắc Lộ Alexandre de Rhodes và cha Marquez trên đường giảng đạo đã đặt chân lên Cửa Bạng thuộc làng Do Xuyên, nay thuộc xã Hải Thanh. Sau 2 tháng giảng đạo, các cha đã rửa tội được 32 người. Từ số giáo dân ít ỏi đó, đến nay Ba Làng đã trở thành xứ đạo trưởng thành về quy mô, nền nếp, về cuộc sống đạo - đời với số giáo dân lên tới hơn 7800 người chiếm gần 50% dân số của xã Hải Thanh.

Đến với Giáo xứ Ba Làng hôm nay vẫn giữ lại những tập tục đáng quý như: ngắm mùa Chay; rước kiệu Thánh Thể, kiệu Đức Mẹ tháng Hoa, kiệu tháng Mân Côi với những đội trống và kèn đồng rất hoành tráng.

 

Khám phá 10 địa điểm ở Thanh Hóa

Bản Kho Mường

722

Đền Sòng Sơn

874

Thác Thạch Lâm

656

Khu BTTN Pù Luông

860

Thác Muốn

378

Đền Độc Cước

108

Điểm phượt gần Tĩnh Gia