Lễ hội Lam Kinh được tổ chức hàng năm vào ngày 22 tháng 8 âm lịch (ngày giỗ của vua Lê Thái Tổ) tại khu di tích Lam Kinh thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá nơi an táng vua Lê Thái Tổ. Nơi đây, ngày trước, theo định lệ, cứ ba năm một lần, vào ngày giỗ vua, các vua quan nhà Lê ở Ðông Kinh (Thăng Long) lại về Lam Kinh làm lễ. Còn nhân dân địa phương hàng năm vẫn mở hội tưởng nhớ, tôn vinh người anh hùng dân tộc này.
Lễ hội Lam Kinh được tổ chức ngay sau khi vua Lê Thái Tổ băng hà vào ngày 22/8 (âm lịch) năm Quý Sửu (1433) và thi hài được đưa về an táng tại đất Lam Sơn. Vùng đất này còn là nơi an táng của các vua, hoàng hậu triều Lê Sơ và trở thành sơn lăng của nhà Lê Sơ. Ðể thuận lợi cho việc cáo yết tại lăng miếu, các triều vua đã cho dựng điện và các tòa Thái miếu để thờ cúng. Vì vậy, Lam Sơn được gọi là Lam Kinh.
Từ 1995 đến nay, lễ hội Lam Kinh được tổ chức thường xuyên hằng năm với quy mô hoành tráng. Phần lễ được thực hiện theo đúng nghi thức cổ truyền, tái hiện nhiều sự kiện trọng đại thời Lê như: Màn trống hội (biểu diễn đánh trống đồng và trống da các loại), cờ hội, rước kiệu; đặc biệt là những nghi thức tế lễ từ thời vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông truyền lại.
Phần hội sẽ là các chương trình nghệ thuật tái diễn các sự kiện như: Hội thề Lũng Nhai, Lê Lai cứu chúa, giải phóng thành Đông Quan, Vua Lê Thái Tổ đăng quang, Phát huy hào khí Lam Sơn…
Trong các ngày diễn ra lễ hội còn có những trò chơi, trò diễn truyền thống của xứ Thanh như: trò Xuân Phả, trò Chiêng, trò Sanh Ngô, dân ca Đông Anh, dân ca sông Mã, thi đấu vật, đấu võ dân tộc; hội trại các làng văn hoá; trưng bày các hiện vật, cổ vật thời Lê; trưng bày giới thiệu tiềm năng du lịch và sản phẩm ẩm thực của địa phương và nhiều hoạt động nghệ thuật khác như chiếu phim, biểu diễn chèo, chương trình ca nhạc tân cổ giao duyên…
Lễ hội mang đậm nét văn hóa dân gian truyền thống tạo nên dấu ấn của một vùng đất anh hùng đồng thời góp phần bảo tồn nền văn hoá của dân tộc.
Lễ hội Bà Triệu được tổ chức vào các ngày 20 - 23/02 âm lịch hàng năm tại xã Triệu Lộc - Hậu Lộc - Thanh hoá. Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ tới vị anh hùng Triệu Thị Trinh - người đã lãnh đạo nhân dân đứng lên chống lại ách đô hộ của nhà Ngô vào năm 248.
Lễ hội được tổ chức với quy mô lớn trên một không gian rộng theo quy trình đền, lăng, đình. Các điểm di tích ấy đều diễn ra tế lễ với nghi thức trang trọng vừa truyền thống vừa kết hợp với lễ hội đương đại. Riêng đình làng Phú Điền có tổ chức nghi thức hội “ Ngô, Triệu “giao quân”
Tại đền Bà Triệu chủ yếu là tế lễ, như rước kiệu, tế nữ quan. Trong phần hội không có trò diễn dân gian mà chỉ có Hội trận, khơi dậy, liên tưởng đến hào khí chống quân Ngô của bà..Tiếp sau những đại lễ, rước kiệu…còn có hát chầu văn, một hình thức âm nhạc truyền thống trong ngày lễ rất linh thiêng.
Ngoài các nghi thức lễ trên còn có lễ Mộc dục. Đây là một nghi thức lễ được nhân dân địa phương rất chú ý, thận trọng, chọn ngày tốt để hành lễ, thường là ngày 18, 19 tháng 2 âm lịch ở cả 2 nơi đền và đình làng, do ông từ cả và 3 ông từ phụ chịu trách nhiệm. Tiếp đó là tế Phụng Nghinh. Tế Phụng Nghinh là thủ tục mời vua Bà cùng lục bộ triều đình, hội đồng các quan, thánh tổ bách gia về trong ngày huý kỵ Vua Bà, là ngày rất trang nghiêm và linh thiêng, thời gian tế nửa ngày. Việc rước bóng, trong ngày hội là một thể thức hết sức quan trọng, người ta đặt bát hương Vua Bà lên kiệu cùng với hộp tư trang, đĩa trầu cau. Có 8 chàng trai được chọn lọc, đức độ, sạch sẽ, gia đình không có việc tang, việc xấu. Các chàng trai khênh kiệu (có 8 đòn) mặc áo đỏ cộc tay, thắt lưng màu đỏ đầu chít khăn đỏ, quần trắng, chân đất. Người chủ tế đi dưới gầm kiệu. Tiếp theo có kiệu song loan, trên kiệu có áo chầu và các hộp sắc phong, có 8 người khiêng. Nghi thức đi đầu có một hương án có 2 người vác lọng che hương án, trên kiệu có bát hương, trầu cau hoa quả. Sau hương án là phường bát âm cử nhạc lưu thuỷ, có trống, chiêng và có 32 người thực hiện các nhiệm vụ vác gươm, vác bát bửu, dùi đồng. Cứ như thế các đoàn vác cờ hội, kiệu song loan, người đi cùng đoàn rước kiệu ăn mặc chỉnh tề khăn nhiễu, quần trắng, áo lương. Đạo hành từ đền chính đến Lăng rồi về Đình làng. Đến Lăng kiệu được đặt trên giá đỡ và làm thủ tục nghi thức khấn đức Bà, nhân ngày huý kỵ, với tấm lòng thành kính của các con cháu thập phương nhớ công ơn Bà. Đoàn cử hành về đình làng, kiệu, bát hương bóng Bà đặt giữa đình và tiếp tục tế lễ một ngày một đêm gồm các tế yên vị, tế tam sanh. Sau đó đòn rước tế theo lộ trình về Đình Chính để làm Vua Bà trong hai ngày 22 và 23 tháng 2 âm lịch.
Ngày 23 tháng 2 thuộc vào các ngày chính kỵ, ngày này không tế mà chỉ làm lễ , có một số lễ vật như 100 trứng sống, 100 quả dưa chuột, 3 bát cơm gạo trắng, 3 quả trứng luộc, bánh dày, bánh gai, bánh trưng, bánh mật…
Lễ hội thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, tôn vinh khí phách anh hùng của hậu thế đối với Bà Triệu - người nữ anh hùng của nhân dân Xứ Thanh.
Lễ hội cầu ngư là lễ hội truyền thống của ngư dân địa phương có từ rất lâu đời được tổ chức hàng năm tại làng Diêm Phố, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc ), vào cuối tháng hai âm lịch, kéo dài trong 4 ngày, thường được chuẩn bị trước hàng tháng trời với mục đích cầu mong trời yên biển lặng, thuận lợi cho mùa vụ đánh bắt cá trong năm.
Mở đầu là Lễ rước thuyền Long Châu (một lễ vật quan trọng nhất trong lễ hội cầu ngư) từ thôn Bắc Thọ vào sân vận động xã, được bà con tổ chức trang nghiêm bày tỏ tình đoàn kết giữa các vạn chài, mong thần linh chứng giám lòng thành của ngư dân ngoài biển.
Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, các dòng họ trong xã đến trước thuyền Long Châu cầu khấn mong cho mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an, cầu một mùa đánh bắt hải sản thắng lợi, đời sống ngư dân ấm no hạnh phúc.
Tiếp theo là phần hội với nhiều hoạt động văn hóa, thể dục thể thao sôi nổi, mang đậm nét văn hoá truyền thống vùng biển như: thi câu mực, kéo lưới, thi cờ tướng, hát giao duyên, biểu diễn nhạc lưu thuỷ...
Trước khi kết thúc lễ , Ban tổ chức sẽ “hoá vàng” chiếc thuyền Long Châu, gửi về biển cả, để các thần linh của biển chứng giám lòng thành và che chở cho ngư dân một năm “trời yên bể lặng”, tôm cá đầy thuyền.
Từ năm 2005, lễ hội này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Lễ hội Văn hoá phi vật thể.
Đền Sòng Sơn xưa thuộc trang Cổ Đam, Phú Dương, Phủ Tống,Thanh Hoá, nay thuộc Phường Bắc Sơn, Thị xã Bỉm Sơn, Tỉnh Thanh Hoá, là một trong những nơi thờ Mẫu Liễu Hạnh - một trong Tứ bất tử của người Việt Nam từ xa xưa. Lễ hội Đền Sòng thường diễn ra từ ngày mùng 10 đến 26-2 âm lịch hàng năm, trong đó ngày 25 là chính hội, đó là ngày Thánh Mẫu hạ giới.
Ngày chính hội diễn ra từ 5 giờ sáng kết thúc vào khoảng 12 giờ trưa, nhưng tất cả mọi việc phải chuẩn bị từ trước đó một tháng.
Lễ hội Đền Sòng gồm cả phần lễ và phần hội.
Phần lễ chính là rước Thánh Mẫu từ Đền Sòng đến Đền Chín Giếng và tế nữ quan. Thủ tục trong lễ hội không nhiều nhưng được cắt đặt chặt chẽ và theo một qui trình nhất định. Vật lễ gồm hoa quả, bánh kẹo, xôi gà, xôi thịt. Một số địa phương quanh vùng còn làm nhiều thứ bánh như bánh chưng, bánh lá răng bừa, bánh nếp, bánh mật, bánh trôi đem tới dâng lễ.
Việc cúng lễ, theo tài liệu xưa ghi lại thuộc phụ nữ đảm nhiệm, gọi là Bà Đồng. Bà Đồng thường là những người sống độc thân từ hồi còn trẻ, tự nguyện làm nghề đồng và coi giữ ngôi đền Thánh Mẫu, hầu Mẫu, hầu Thánh bằng nhiều hình thức như lên đồng, nhảy đồng... còn đàn ông thường chỉ đánh đàn và hát chầu văn. Trong thời gian mở hội các bà đồng phải sống riêng biệt: ở ẩn và ăn chay để giữ cho lòng mình luôn thanh sạch.
Ngày nay việc cúng tế không chỉ do phụ nữ đảm nhiệm mà thuộc về các Bản hội. Có nhiều bản hội tới tế lễ như bản hội bà Sang, bà Toàn, ông Hào.v.v... Các bản hội thường tổ chức chuẩn bị và tập luyện trước kỳ khai hội khoảng một tháng. Ngoài ra còn có bản hội ở các tỉnh, thành phố khác về hội lễ như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định...
Trình tự cuộc tế lễ như sau: Già làng Cổ Đạm sau khi thắp một tuần nhang cáo yết cầu Thánh ban cho dân làng một năm an khang vật thịnh... thì bắt đầu tổ chức rước Mẫu. Tượng Thánh Mẫu được ngự kiệu từ chính tẩm rước qua cung Đệ nhị, Đệ tam và rước quanh đền. Việc rước này theo quan niệm của nhân dân là để cho Thánh Mẫu có thể quan sát lại cảnh vật, đất đai, sông núi xưa...
Đi trước đoàn rước là chiêng, trống, rồi đến bàn thờ đặt những lễ vật và đồ tế khí (chỉ có bà đồng mới có đặc ân được gánh trên vai những thứ thiêng liêng ấy). Trên bàn thờ bày biện đồ cúng tế, hòm đựng những đồ giấy màu vàng óng ánh và tô màu sắc tượng trưng cho quần áo, hoa khăn của Thánh Mẫu, tiếp theo sau là kiệu Thánh Mẫu. Mười sáu cô gái đồng trinh trang phục quần áo sặc sỡ đi giật lùi trước kiệu của Đức Thánh Mẫu. Sau kiệu cũng có mười sáu cô gái đồng trinh giơ cao những lư hương, tung hoa, cầm tán che cho kiệu. Các cô gái được chọn tham gia tế lễ đều là những thiếu nữ tuổi từ 14 đến 16 tuổi, nết na, xinh đẹp, gia đình hòa thuận, an khang. Sau khi rước Thánh Mẫu vào chính tẩm an vị, bắt đầu vào tế nữ quan, cuộc tế kéo dài tới nửa ngày.
Phần hội là những trò chơi như đánh vật, võ công, thi hát đối chầu văn. Trước kia các trò chơi tương đối phong phú như múa rồng, đánh cờ, đánh vật, đánh đu, leo dây, múa sư tử. Ngày nay do thời gian buổi lễ rút ngắn lại nên các trò chơi theo đó cũng giảm dần, chỉ giữ lại một số trò độc đáo.
Sau khi được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, thắng cảnh Đền Sòng thuộc sự quản lí của Ban văn hóa thị xã Bỉm Sơn. Lễ hội Đền Sòng được thị xã đứng ra tổ chức qui củ hơn nhằm giảm bớt chi phí không cần thiết mà vẫn đảm bảo giá trị cổ xưa của nó.
Bồng Thượng là một làng cổ của xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc., Thanh Hóa. Làng Bồng Thượng có nhiều lễ hội lớn in đậm truyền thống văn hóa còn lưu giữ đến ngày nay. Trong đó có lễ hội “Rước nước” ở chùa Báo Ân diễn ra trong 3 ngày từ ngày 27 đến hết ngày 30 tháng 2 (âm lịch) hàng năm.
Tối 27/2 (âm lịch) khi làng xóm lên đèn thì tại chùa Báo Ân và bến sông Mã (bến đò Hoành) mọi người đèn nến sáng trưng cả một vùng sông nước. Những chiếc thuyền (bè) đã tập kết trên sông. Sau lời tuyên bố của già làng thuyền, bè, người được chở lướt trên mặt sông đến giữa dòng nước biếc gọi là vụng Quần Tiên. Thuyền hạ cây nêu giữa dòng sông gió lộng đèn nến lung linh. Giữa vùng cạnh cây nêu đặt một cây đèn to sáng hắt lên sông. Đoàn người vừa chèo thuyền quanh cây nêu vừa hát. Giữa đêm xuân tháng hai, gió mát nhẹ đưa lên từng gương mặt mỗi con người, những giọng hát văn, trống quân, hát đối đáp ngân lên vang vọng một khúc sông: Những chiếc đèn hoa sen được thả bạt ngàn trên sông (đoạn sông thả đèn trong vụng Quần Tiên có nhiều đá ngầm nên nước ở đây xoáy nhẹ chạy quanh rồi mới theo dòng xuôi về biển. Đứng trên dòng sông nhìn những đèn hoa sen hàng hàng lung linh sáng lập lờ trên sông nước về xuôi thật là đẹp – Một cái đẹp thanh cao tao nhã và thơ mộng. Đó là hội “Hoa đăng” trong lễ hội. Từ vịnh thuyền (hoặc bè) trở về bến Báo Ân hát bài hát dâng trên bến cô Ba, lên bờ lên tháp Viên Quang, vào chùa, bái phật, tạ Mẫu). Sau hội “Hoa đăng” từ 22 giờ đến 24 giờ đêm có lễ “Mục Dục” tại chùa (lễ tắm gọi là Mẫu).
Sáng ngày 28/2 âm lịch là lễ chính ở chùa Báo Ân đó là lễ hội “Rước nước”. Đoàn người được phân công chuẩn bị, ăn mặc lễ hội “Kiệu Mẫu” qua ngõ Vạn, lên ngõ Chùa, qua Nghè Vẹt lên chân núi Báo qua nền Trời đất, sang khe Mang cá đến nền “Rước bóng” về chùa.
Đoàn người rước kiệu Mẫu xong là đến phần “Rước nước”, trên bến Báo Ân đã tập kết 5 chiếc thuyền. Thuyền đi đầu là thuyền Rồng lớn gọi là thuyền Phật lấy nước. Thuyền thứ hai là thuyền Mẫu rất lớn. Thuyền Rồng thứ 3 là thuyền các cô, các cậu. Thuyền thứ 4 nhỏ hơn là thuyền chỉ huy. Thuyền thứ 5 là thuyền giám sát việc lấy nước.Trên 3 thuyền rộng lớn mỗi thuyền có từ 8 đến 10 thủy thủ chèo thuyền: chiếc đầu tiên trở lọng vàng, cờ quạt, 12 nữ mặc áo tứ thân; đi hài trắng, trâm cài, đầu đội các mâm hoa quả, bình sứ hình quả bầu dục để đựng nước. Thuyền thứ 2 gọi là thuyền cô “ba Thoải” gồm các nữ ăn mặc lễ hội hát múa. Trên thuyền có phường bát âm đánh nhạc làm nền cho giọng hát, điệu múa. Số người có trên 5 chiếc thuyền có khoảng 90 đến 100 người.
Hai bên bờ sông Mã người đứng tham quan lễ hội đông đảo vô cùng. Đoàn thuyền chèo ra giữa sông Mã, qua hòn đá Bàn, vượt hòn đá Ngốc, rẽ lái sang ngang. Sau ba vòng lượn đến hòn đá giữa dòng sông thì cắm nêu dừng thuyền.Trong các ngày diễn ra lễ hội tại khuôn viên chùa tổ chức nhiều trò chơi dân gian truyền thống: So đẩy gậy, kéo co của chị em phụ nữ, cờ người, tổ tôm, bài đếm của các cụ cao niên.
Ngoài lễ hoa đăng, rước nước tối 29/2 âm lịch bước sang mùng 1/3 âm lịch có lễ tế tạ (ngày hóa của Mẫu)...
Lễ hội “Rước nước” ở chùa Báo Ân xã Vĩnh Hùng là lễ hội mang đậm truyền thống văn hóa hàng ngàn năm thu hút khách thập phương đến dự lễ hội rất đông.
Lễ hội Lê Hoàn diễn ra hàng năm từ ngày 7 - 9/03 âm lịch, tại thôn Trung Lập xã Xuân Lập - Thọ Xuân (Thanh Hoá). Lễ hội Lê Hoàn được tổ chức hoành tráng, với quy mô cấp tỉnh, nhằm tưởng nhớ tới vua Lê Đại Hành - Người đã lãnh đạo nhân dân ta đánh tan quân xâm lược nhà Tống năm 981.
Với một ý nghĩa xuyên suốt là “uống nước nhớ nguồn”, phần lễ bắt đầu bằng lễ dâng hương rước kiệu tưởng nhớ công đức của Lê Hoàn và các tướng lĩnh. Sau lễ mít tinh kỷ niệm là màn nghệ thuật sân khấu hóa, nêu bật tài năng, đức độ và công lao to lớn của vua Lê Đại Hành trong việc dẹp nội loạn, chống ngoại xâm giữ yên bờ cõi, xây dựng nền an ninh - quốc phòng vững mạnh, phát triển toàn diện kinh tế, văn hóa, xã hội... Những việc làm thuận lẽ trời, hợp lòng dân của nhà vua Lê Đại Hành đã góp phần làm rạng rỡ trang sử chống giặc ngoại xâm, xây dựng đất nước của dân tộc ta. Đồng thời, đã tái hiện một trong những sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, đánh dấu giờ khắc lên ngôi của vị anh hùng dân tộc: Thái hậu Dương Vân Nga khoác Hoàng bào lên vai vị Thập đạo tướng quân tài ba. Sự kiện ấy cũng là sự kiện mở đầu cho sự ra đời của vương triều Tiền Lê trong lịch sử dân tộc.
Trong lễ hội “Trại binh thời Lê Hoàn” sẽ được các làng văn hóa tiêu biểu huyện Thọ Xuân tái hiện lại. Ngoài ra, còn có diễn tích cày ruộng, để ghi nhớ công ơn của vua Lê Đại Hành - người đã từng đích thân cày ruộng vào một ngày đầu xuân năm Đinh Hợi 987 và nhiều trò chơi, trò diễn dân gian; hoạt động thể dục - thể thao khác, như thi đấu vật dân tộc, bóng chuyền, cờ tướng, kéo co...
Đặc biệt, nhiều tục lệ độc đáo gắn liền với những sinh hoạt dưới triều Lê Hoàn vẫn còn lưu giữ đến ngày nay như thi làm bánh lá răng bừa (gắn với việc Lê Hoàn đích thân cày ruộng), tục tiến cốm, xôi nén, tục chạp lăng, chạp mộ cũng sẽ được tái hiện lại.
Trong lịch sử Việt Nam, Lê Hoàn không chỉ là một vị hoàng đế có những đóng góp lớn trong chống quân Tống phương Bắc, quân Chiêm phương Nam, giữ gìn và củng cố nền độc lập dân tộc, mà còn có nhiều công lao trong sự nghiệp ngoại giao, xây dựng và kiến tạo đất nước Đại Cồ Việt. Ghi ơn những công lao to lớn của ông, nhân dân đã lập đền thờ Lê Hoàn tại làng Trung Lập, xã Xuân Lập (Thọ Xuân) quê hương ông. Đền thờ Lê Hoàn hiện được xem là ngôi đền cổ nhất xứ Thanh.
Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, qua sự khắc nghiệt của thời gian, đến nay, đền thờ Lê Hoàn tại làng Trung Lập đã được tu bổ, tôn tạo khá khang trang, nhưng vẫn bảo tồn nguyên dáng vẻ cổ kính.
Lễ hội bánh dày – bánh chưng diễn ra hàng năm từ ngày 11-13/5 âm lịch, tại Sầm Sơn - Thanh Hoá. Đây là lễ hội gắn với tục thờ tổ nghề dệt xúc và thờ thần Độc Cước của nhân dân địa phương, cầu cho mùa màng tươi tốt, nhân khang, vật thịnh, mưa thuận, gió hoà.
Mở màn, là lễ rước kiệu diễu quanh các đường phố chính rồi về tề tựu tại khu vực sân Đền Độc Cước để chuẩn bị cho phần nghi lễ chính thức .
Tiếp đó là phần lễ tế, đọc chúc văn tưởng nhớ công đức của tiền nhân, tiên tổ đã có công khai phá và xây dựng vùng đất Sầm Sơn, cầu cho mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, tôm cá đầy khoang.
Sau phần nghi lễ, đông đảo nhân dân và du khách thập phương đã được chứng kiến phần hội tưng bừng với màn đi cà kheo, thi kéo co…
Phần đặc sắc nhất trong lễ hội là cuộc thi làm bánh dày giữa 7 làng của thị xã Sầm Sơn. Những chiếc bánh dày có đường kính 30 cm, bánh chưng mỗi cạnh 40cm được chuẩn bị công phu từ khâu chọn gạo, đậu, thịt, lá gói đến kỹ thuật chế biến, được đặt trang trọng trên những chiếc kiệu cùng dân các làng đưa về tế lễ ở khu vực đền Ðộc Cước.
Sau nghi lễ những chiếc bánh chưng - bánh dày được các làng cùng nhau chấm giải để lựa chọn bánh làng nào ngon nhất. Lễ hội kết thúc, bánh được mang về chia cho dân trong làng cùng hưởng lộc để trong năm gặp nhiều may mắn.
Lễ hội Mai An Tiêm diễn ra từ ngày 12-14/3 âm lịch hàng năm, tại Đền thờ Mai An Tiêm, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức lễ hội để tưởng nhớ, tri ân Mai An Tiêm, người có công khai phá, mở mang bờ cõi, thủy tổ của nghề canh nông cho dân trong vùng.
Theo truyền thuyết, Mai An Tiêm- nhân vật huyền sử của nước Văn Lang ở vào cuối thời Hùng Vương, là người có công khai phá, xây dựng vùng đất ven biển Nga Sơn, cũng là người “khai sinh” ra quả dưa hấu đỏ. Ông vốn là một nô lệ bị tàu buôn phương Nam bắt làm tặng vật dâng lên Vua Hùng. Nhờ trí thông minh, nhã nhặn, yêu lao động ông được Vua Hùng quý mến tin dùng đặt cho cái tên Mai An Tiêm và ban cho một người thiếp làm vợ, được bổ làm quan cai quản các nô lệ. Nhưng sau này ông bị các Lạc hầu Lạc tướng ghen ghét, gièm pha, xúc xiểm nên nhà vua nghi ông, khép vào tội phản nghịch, đày ra sống ngoài đảo xa.
Tương truyền, chính lúc ông cùng gia đình bị đày ra sống ở trên hòn đảo xa ngoài khơi (nay thuộc vùng biển huyện Nga Sơn), nhờ loài chim biển từ phương Tây bay tới đảo ăn trái nhả hạt mà Mai An Tiêm đã tìm ra giống dưa quý. Vào vụ thu hoạch, Mai An Tiêm lấy que vạch lên vỏ quả dưa rồi đem thả xuống biển, với hy vọng những con sóng sẽ đẩy chúng vào bờ. Cách “tiếp thị” độc đáo ấy của Mai An Tiêm đã được đất liền đón nhận, họ xem như đấy là tặng vật của Thượng đế. Nhờ có thông tin, sau đó ít lâu ông cùng gia đình đã được Vua Hùng minh oan, đồng thời sai cả đội thuyền ra đảo đón Mai An Tiêm về và phục chức.
Để nhớ ơn Mai An Tiêm, người dân Lạc Việt đã tôn ông là “Bố Cái Dưa Tây”. Hiện chỗ gia đình ông sống nơi đảo xa người ta vẫn còn gọi là bãi An Tiêm. Giống dưa quý ruột đỏ ấy gọi là dưa đỏ, sau này gọi là dưa hấu. Hình ảnh Mai An Tiêm và sự tích quả dưa hấu là sức sống mãnh liệt của dân tộc ta trong buổi đầu dựng nước.
Phần Lễ gồm: Rước kiệu, dâng hương, lễ tế.
Phần hội phong phú, hoành tráng, màn nghệ thuật sân khấu hóa, có ý nghĩa sâu sắc, tái hiện lại cảnh Mai An Tiêm bị khép tội phản nghịch cùng gia đình bị đày ra đảo xa...; cảnh Mai An Tiêm gắn với sự tích quả dưa hấu, được vua minh oan, gia đình đoàn viên...; tri ân Mai An Tiêm - người có công mở mang bờ cõi, thủy tổ nghề canh nông...
Lễ hội Mai An Tiêm - một lễ hội văn hóa, lịch sử giàu truyền thống, tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền bối đã có công gây dựng, gìn giữ và bảo vệ non sông đất nước. Lễ hội cũng là dịp để các thế hệ con cháu tri ân, đồng thời, tiếp nối truyền thống lịch sử vẻ vang của cha ông, tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, khai thác mạnh mẽ tiềm năng, thế mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Lễ hội rước thần cá diễn ra vào mồng 8 tháng giêng hàng năm, tại bản Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện miền núi Cẩm Thủy ( Thanh Hoá) - nơi có suối cá thần kỳ thú, hấp dẫn.
Lễ hội rước thần cá
Lễ hội rước thần cá có từ xa xưa, được đồng bào dân tộc Mường ở xã Cẩm Lương bảo tồn, lưu giữ khá nguyên vẹn cho đến ngày nay. Lễ hội được tổ chức trang trọng, hoành tráng với ước nguyện của người dân địa phương là cầu cho mưa thuận gió hòa, mọi người khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt.
Mở đầu lễ hội là phần rước thần cá từ suối Ngọc - nằm dưới chân núi Trường Sinh - đưa về sân vận động của bản để làm lễ khai mạc, báo công với thành hoàng về một năm lao động sản xuất của đồng bào địa phương và những ước nguyện của năm mới. Sau đó, thần cá tiếp tục được đưa ra đền thờ ngay chân núi Trường Sinh để cúng tế.
Sau phần lễ là phần hội với những trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Mường bản địa như ném còn, chơi đu, đẩy gậy, kéo co và nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao như hát Xường, ru Mường, thi đấu bóng chuyền, cầu lông.
Suối cá thần Cẩm Lương là hiện tượng thiên nhiên kỳ thú có từ hàng trăm năm nay bên chân núi Trường Sinh, thuộc bản Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện miền núi Cẩm Thuỷ (cách trung tâm TP Thanh Hoá gần 100 km về phía Tây Bắc).
Huyền thoại về suối cá thần
Huyền thoại kể rằng: Ngày xửa, ngày xưa, nơi bản Ngọc thời khai thiên, lập địa, vào một năm nọ, thời tiết khắc nghiệt, hạn hán quanh năm, người dân túng đói vô ngần. Một hôm, có hai vợ chồng trong bản hiếm muộn con đi làm đồng vô tình nhặt được một quả trứng có hình thù lạ. Người vợ đem quả trứng ra suối Ngọc thả xuống nước, nhưng lạ thay, khi nhấc tay lên người ấy lại thấy quả trứng đang trên tay mình.
Hai vợ chồng quyết định đem quả trứng lạ đặt vào ổ gà đang ấp, quả trứng nở ra một con rắn. Sợ quá, người chồng đem con rắn ra suối Ngọc thả, nhưng cứ đến tối con rắn lại về ở với gia đình này. Sau đó họ đã để con rắn ở lại sinh sống với mọi người.
Lạ thay, từ đó đồng ruộng của bản đủ nước cày cấy, đồng bào sống trong no ấm, hạnh phúc. Chàng rắn ấy trở thành vị cứu tinh của bản nên được mọi người hết lòng tôn kính. Rồi một hôm định mệnh, trời nổi cơn giông, sấm chớp đùng đùng. Sau cơn giông, dân bản thấy xác chàng rắn nằm bên chân núi Trường Sinh, đầu hướng về bản Ngọc. Thương tiếc chàng rắn, dân bản chôn cất chàng bên chân núi, lập đền thờ gọi là Ngọc Từ. Trong một buổi tế lễ, đồng bào bản Ngọc được thần báo mộng chàng rắn chết là do quyết chiến với thuỷ quái để bảo vệ dân bản. Sau này chàng rắn được phong thần gọi là: Tứ Phủ Long Vương. Từ đó, ở suối Ngọc bên chân núi Trường Sinh xuất hiện đàn cá thần hàng nghìn con luôn quây quần chầu trước đền Ngọc Từ để hầu hạ chàng rắn.
Suối cá thần Cầm Lương
Bên cạnh suối cá thần, xã Cẩm Lương hiện đang còn giữ được nguyên vẹn hệ thống rừng nguyên sinh với các loài động, thực vật đặc trưng của vùng nhiệt đới, thuộc dãy núi đá vôi Pù Luông - Cúc Phương. Đồng bào dân tộc Mường nơi đây với những nếp sinh hoạt văn hoá truyền thống như: dệt thổ cẩm, uống rượu cần, múa Pồn Pông... sẽ là điểm nhấn để thu hút du khách. Đặc biệt, dọc dãy núi Trường Sinh hiện còn có nhiều hang động nguyên sơ chưa được khám phá.
Hội Xuân Phả diễn ra vào 10/2 âm lịch hàng năm, tại xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá, nhằm suy tôn Đông Hải đại vương, âm phủ và Vua Đinh, Lê.
Xưa kia, lễ hội Xuân Phả huy động sự tham gia của dân chúng trong 5 thôn, mỗi thôn đảm trách một trò. Dân mỗi thôn tự chuẩn bị cờ hiệu, cờ lệnh, trống chiêng, kiệu rước, lễ vật,... và tập luyện vũ điệu riêng của mình. Đến ngày tổ chức lễ hội, các thôn rước lễ vật ra nghè. Đoàn rước có các vũ công trong trang phục “ngoại quốc”, cờ, kiệu, người hộ giá, trống chiêng vang động khắp làng. Vào sân nghè, các đoàn dâng lễ lên bàn thờ thành hoàng và trình diễn “hầu thánh” vũ điệu của thôn mình. Qua đó tỏ lòng tạ ơn vị thần bảo mệnh (Đại Hải Long Vương) vì đã có công phù trợ cho dân an, vật thịnh, mùa màng tươi tốt.
Trò Xuân Phả có năm bộ trò tiêu biểu gồm: trò Hòa Lan, trò Ai Lao, trò Chiêm Thành, trò Tú Huần và trò Ngô Quốc, mô phỏng các hoạt động của quốc gia, tộc người láng giềng đến yết kiến, tiến cống nhà vua nước Việt.
Hầu hết đạo cụ diễn trò Xuân Phả đều chế tạo bằng nguyên liệu sẵn có như tre, trúc, gỗ vông, rễ cây si.
Các loại nhạc cụ gồm trống, nhị, hồ, thanh la, não bát. Trống có đường kính mặt 60- 65 cm nhưng phải có tiếng và âm phù hợp với loại hình trò diễn. Mõ có hình dáng cong lưỡi liềm, dài khoảng 20cm được chế từ gốc tre già, mặt ngoài được làm nhẵn, bên trong đục rỗng để có độ cộng hưởng âm thanh.
Theo một số tài liệu của địa phương, trò Xuân Phả ra đời vào thế kỷ XV (thời Hậu Lê). Nhưng có ý kiến cho rằng trò diễn này ra đời từ thời nhà Đinh.
Trò Xuân Phả là di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc nhất còn lưu giữ được tương đối nguyên vẹn ở Thanh Hóa sau hàng trăm năm qua cho đến ngày nay.
Lễ hội cử đặt diễn từ đầu tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch, tại huyện Thường Xuân - Thanh hoá. Đây là lễ hội thờ danh nhân Cầm Bá Thước, kết hợp với tín ngưỡng thờ Bà Chúa thượng ngàn của dân địa phương.
Hàng năm, hàng vạn người dân và du khách lại hành hương về Khu di tích Cửa Đạt để dâng hương cầu lộc, cầu tài…
Lễ hội phủ Nưa diễn ra từ ngày 18 đến 20 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Tại xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn. Trong ngày lễ hội nhân dân các làng dâng mâm sơn trang để tế lễ và tưởng nhớ công đức của các vị tướng, thần đã có công khai phá và gìn giữ vùng đất.
Xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn được hình thành từ một làng quê với tên gọi là Kẻ Nứa. Sở dĩ gọi là Kẻ Nứa vì địa phương có dãy núi Nưa, đây là một dãy núi cao trùng điệp được bắt nguồn từ dải Trường Sơn vươn về phía biển theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Đất đai trên núi phì nhiêu, màu mỡ, cây cối tốt tươi, đặc biệt trong rừng có cây nứa mọc khắp nơi. Vì vậy, nhân dân địa phương quen gọi là núi Nứa. Trải qua suốt chiều dài lịch sử, vùng đất Kẻ Nứa đã đổi thành nhiều tên gọi khác như: Cổ Na, Cổ Ninh, Cổ Định, Ninh Hòa và xã Tân Ninh ngày nay.
Lễ hội đền Nưa thường được bắt đầu từ sau Tết Mậu Tý, nhưng phần chính hội vẫn là từ ngày 18 đến 20 tháng giêng. Trong những ngày diễn ra lễ hội, tại di tích Am Tiên đã khai hội và đón rất nhiều du khách từ khắp nơi về đây vãn cảnh chùa, ngắm cảnh làng quê vùng sơn cước và thực hiện tín ngưỡng.
Hằng năm lễ hội được khai mạc rất trọng thể và trang nghiêm tại đền thờ Trần Khát Chân và kết thúc tại phủ Nưa. Lễ hội bao gồm Phần Lễ và Phần Hội
Phần Lễ diễn ra như sau:
Mỗi năm sẽ có một làng tiêu biểu được chọn để dâng lễ vật chính, cỗ rước bằng kiệu bát cống (8 người khiêng), trong kiệu có đủ loại hoa quả và bánh dầy- một đặc sản của địa phương được làm bằng gạo nếp cái hoa vàng. Kiệu được tổ chức rước tại hai địa điểm, đền Trần Khát Chân và đền Bà Triệu.
Đi đầu đoàn rước kiệu là một người ăn mặc trang phục võ quan, nhanh nhẹn, mắt sáng, tướng võ quan, tay cầm kiếm lệnh dẹp đường, chỉ huy đội quân rước kiệu. Phía sau là một số nam thanh, nữ tú, cùng các chị em thôn nữ đội mâm sơn trang và các lễ vật tế thần. Sau là một đội quân ăn mặc chỉnh tề, tay cầm vũ khí, ô lọng và có một đội khiêng kiệu.
Kiệu rước từ đền Trần Khát Chân được gọi là kiệu Ông; kiệu rước từ đền Bà Triệu gọi là kiệu Bà. Người khiêng kiệu phải là trai, gái thanh tân. Kiệu Ông, kiệu Bà đều được rước về trung tâm sân vận động của địa phương để làm lễ tế thiên địa, thần linh và cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi...
Phần Hội:
Phần hội trước đây có các trò chơi cờ người, đua thuyền, hát ví, bài điếm, chọi gà. Ngày nay, phần hội còn tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, bóng đá, cầu lông, bóng bàn, cờ tướng, chọi gà...
Lễ hội Pôôn Pôông của người Mường được tổ chức hằng năm vào các ngày rằm tháng Giêng, rằm tháng Ba và rằm tháng Bảy, hay mùa gặt gọi là lễ hội mùa mừng cơm mới. Lễ hội Pôồn Pôông theo quan niệm của người Mường là lễ cầu chúc cho mối tình chung thủy của Nàng Ờm - Bồng Hương và cũng là dịp về Mường vui vầy cùng các nam thanh, nữ tú. Hình thức nghệ thuật diễn xướng tinh tế này đã tạo nên nét riêng biệt của cộng đồng người Mường, cuốn hút người xem hòa mình vào các trò chơi, trò diễn dân gian.
Chủ của lễ hội là Ậu Máy và các nhân vật như: Enh chàng - Bông danh, nàng Choóng long - Đồng thiếp, Nàng Quắc - cô nàng lắm lý lẽ, vẽ công, vẽ việc cùng tham gia diễn trò.
Pôồn Pôông (tiếng Mường là cuộc chơi hoa) xuất phát từ sử thi Đẻ đất đẻ nước của người Mường. Lễ hội và các trò diễn xướng đều xoay quanh cây bông, mô phỏng toàn bộ những phong tục, tập quán, phương thức lao động sáng tạo, phản ánh đời sống tâm linh, văn hóa tinh thần của đồng bào Mường. Lễ hội gồm có 48 trò đặc sắc, như: trò chia đất, chia nước, dựng nhà, săn đuổi thú dữ, trồng tỉa lương thực, chọi gà, chọi trâu, đấu vật, đánh cá, múa bông - bói bông, làm cơm mời Mường, mời bạn ăn cơm dam, uống rượu cần…
Cây bông - vật trung tâm trong lễ hội, là biểu tượng của vũ trụ bao la, hội tụ đầy đủ vạn vật mà tạo hóa đã ban cho con người từ thủa hồng hoang. Trên cây bông bằng tre, cao khoảng 3m, treo 5 hoặc 7 tầng những chùm hoa bằng gỗ bấc nhuộm muôn sắc màu xanh, đỏ, tím, vàng rất bắt mắt; và các mô hình muông thú (chim, cá), nông cụ sản xuất (cày, cuốc), những thành quả chế tác của con người như: bánh chưng, vò rượu, cồng chiêng, quả còn, hòm vàng, hòm bạc tượng trưng cho ấm no, thịnh vượng. Cây bông này chỉ có bà Máy mới làm được và truyền nghề lại cho một vài người khéo tay trong làng, xã.
Dưới gốc cây bông, Enh chàng và nàng Chóng long ngồi đối xứng qua cây bông, trùm khăn đỏ khăn xanh, lúc múa hát, lúc lại soi gương chải đầu, lúc thổi sáo ôi! Nhạc cồng chiêng, tam pu nổi lên rộn rã, bà Máy vừa đi vừa nhảy múa vừa hát Đang:
“Em gái xinh xinh chóng long đồng thiếp ơi!
Em ở đất mường trời cao cao
Đêm nay, em xuống cùng anh.
Chơi bông, chơi hoa em hỡi...”.
Ấn tượng nhất là những điệu múa cùng tiếng cười “hớ hớ hơ!... hớ hớ hơ! của bà Máy cứ vang lên lảnh lót như tiếng chim ca, giục giã, mời gọi, thổi bùng không khí lễ hội rộn rã. Bà Máy như thầy cúng, là người dẫn chuyện kể lại giai thoại sinh ra trời đất, lập bản Mường...; thông báo với thần linh năm nay vụ mùa thắng lợi, làng mở hội mừng cơm mới, thể hiện tấm lòng biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa, bông lúa nhiều hạt, bắp ngô vừa to vừa mẩy. Bà kể bằng ngôn ngữ văn vần như trong lễ diễn xướng dân gian, vừa kể vừa nhảy múa. Mỗi khi kể đến giai thoại nào là các nam thanh nữ tú biểu diễn các trò mô phỏng hoạt động đó, như: cảnh dân làng đuổi hổ dữ, bắt cá, chọi gà, chọi trâu, trai gái vào hội bói hoa...
Ở Thanh Hoá, vùng nào có người Mường ở là có lễ hội Pôồn Pôông. Lễ hội diễn ra có thể từ tối đến sáng, từ sáng đến tối, có khi kéo dài tới hai ngày ba đêm. Đã từng có thời, lễ hội đặc sắc này bị mai một. Từ khi tỉnh Thanh Hóa liên tục 2 năm tổ chức một lần Liên hoan văn hóa các dân tộc miền núi Thanh Hóa (năm 1987), đã làm sống lại lễ hội dễ làm say đắm lòng người này.
Ai đã từng đến với Lễ hội Pôồn Pôông của người Mường ở Thanh Hóa cũng đều mê đắm những lời ca, điệu múa hòa trong tiếng cồng, chiêng giục giã, mời gọi, thôi thúc...