Đà lạt có điều kiện thuận lợi cho Festival Hoa
Nằm ở độ cao 1.500m so với mặt nước biển, Đà Lạt ẩn mình trong những rừng thông bạt ngàn trên Cao nguyên Langbiang và được “trời ban cho” một khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, điều kiện lý tưởng cho nhiều loài hoa khoe sắc rực rỡ. Du khách đến với Đà Lạt sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi đắm mình vào một không gian hoa tràn ngập mọi lúc, mọi nơi. Ven đường đi, những đóa dã quỷ sắc vàng rực rỡ xen lẫn giữa màu xanh của rừng thông, hoa trinh nữ như những cục bông tim tím nhỏ xinh, hoa cánh bướm với màu hồng mỏng manh… Bên tường rào hay trên vách nhà ai thấp thoáng đóa tường vi trắng, những hoa giấy tím hồng…
Festival hoa Đà Lạt
Thành phố Hoa, mỹ hiệu này được du khách ưu ái ban tặng cho Đà Lạt từ lâu. Thật vậy, nhờ khí hậu mát mẻ và ấm áp quanh năm mà các nhà khí hậu học gọi Đà Lạt là “Thành phố của mùa xuân”, nơi đây rất thích hợp để trồng hoa và lý tưởng đối với du khách, do đó, thế mạnh của Đà Lạt là trồng hoa và du lịch.
Tỉnh Lâm Đồng có khoảng 3.449ha với sản lượng hoa các loại trên 1 tỷ cành năm. Mỗi năm, ngoài số lượng hoa phục vụ cho thị trường nội đại, địa phương này còn xuất khẩu hoa với doanh thu rất lớn. Riêng thành phố Đà Lạt có khoảng 30 công ty và hơn 5000 hộ gia đình chuyên trồng và kinh doanh cung cấp hoa cho thị trường trong nước và quốc tế. Với các loài hoa đặc biệt của Đà Lạt được giới thiệu với thế giới, như: hoa Hồng, Mimosa, Xác Pháo, Forget me not, Cẩm Chướng, Nhật Quỳnh, Cẩm Tú Cầu, Pensée, Layơn, Thu hải Đường, Thạch Thảo, Hoa Mõm Sói, Phượng Tím, các loài hoa Phong Lan độc đáo…
Tổng quan của Festival Hoa ở Đà Lạt
Nhằm tôn vinh người trồng hoa, từ năm 2005, cứ 2 năm một lần thành phố Đà Lạt đã long trọng tổ chức lễ hội Hoa mang tên “festival Hoa Đà Lạt” vào dịp cuối năm nhằm phục vụ người dân địa phương và thu hút du khách đến tham quan Đà Lạt. Sân khấu chính của lễ hội thường được dàn dựng trên mặt nước của long Hồ Xuân Hương với hàng ngàn diễn viên chuyên nghiệp và quần chúng tham gia biểu diễn để diễn đạt những thông điệp của lễ hội đến mọi người. Ngoài hai chương trình khai mạc và bế mạc rất ấn tượng, còn có các chương trình đặc sắc và phong phú khác như: hội chợ triển lãm hoa, diễu hành hoa trên đường phố với nhều hoa lớn nhỏ, hội chợ thương mại, lễ hội tình yêu và lễ cưới tập thể của những đôi uyên ương từ mọi miền của đất nước tập trung về đây, lễ hội rượu vang, chương trình chinh phục đỉnh Langbiang…
Nguồn gốc lễ hội Trà ở Đà Lạt – Lâm Đồng
Lâm Đồng có 26.000ha trồng chè, là tỉnh chiếm 21% diện tích cây chè (trà) và 27% sản lượng chè của cả nước; Trà hương B’Lao được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến hơn nửa thế kỷ qua; tại Đà Lạt có Nhà máy chè Cầu Đất – một thương hiệu Sao vàng đất Việt đến nay đã 80 năm tuổi và vẫn đang hoạt động hiệu quả. Mục đích của Lễ hội văn hóa trà là nhằm tôn vinh nghề trồng và chế biến trà, đồng thời để quảng bá những thương hiệu trà nổi tiếng của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung.
Tổng quan về lễ hội Văn hóa Trà
Việc tổ chức lễ hội văn hóa trà ở Lâm Đồng không chỉ nhằm mục đích tôn vinh những người làm trà, quảng bá cho các sản phẩm trà của địa phương, giao lưu, hợp tác phát triển nghề trà mà còn góp phần hình thành một nếp sinh hoạt uống trà trong người dân, nhất là trong giới trẻ.
Lễ hội còn có các chương trình hưởng ứng do các doanh nghiệp ngành trà đảm nhận như chương trình tham quan vùng nguyên liệu trà với chủ đề “Hương sắc trà B’Lao”, Hội thi hái trà, chương trình nghệ thuật “Sắc màu Nam Tây Nguyên”, Hội thi “Kiến thức trà và cuộc sống”, Liên hoan “Giọng hát hay xứ trà” và nhiều chương trình khác.
Đặc biệt là không gian lễ hội mở rộng tổ chức ở cả 3 địa bàn còn lại làm nghề trà là huyện Bảo Lâm, Di Linh, và Cầu Đất (Tp Đà Lạt).
Đến với lễ hội văn hóa trà, không những là ngày hội lớn gắn với niềm tự hào của những người làm trà mà còn là dịp để các làng trà, doanh nghiệp và cá nhân hoạt động trên lĩnh vực trà trong cả nước giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, giới thiệu, quảng bá thương hiệu trà; Đồng thời đây là môi trường thuận lợi về hợp tác đầu tư được tạo ra để ngành trà Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung tiếp tục phát triển trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.
Từ quan niệm và cảm nhận hồn nhiên, cùng với cuộc sống nơi núi rừng hùng vĩ, hoang sơ đã hình thành trong đời sống của tộc người Mạ, K’Ho ở Lâm Đồng lễ hội cúng cơm mới. Tục lễ này xuất phát từ thực tế khí hậu thời tiết với hai mùa mua – nắng (mùa khô) rõ rệt ở Tây Nguyên và tập quán canh tác lúa rẫy của các tộc người nơi đây.
Lễ cúng cơm mới thường được tổ chức vào cuối mùa khô đầu mùa mưa (khoảng đầu tháng 3 âm lịch). Nhất là khi trời khó mưa hoặc mùa mưa đến muộn. Địa điểm tổ chức lễ thường đặt tại nhà rông của buôn hay những nơi sinh hoạt chung của cộng đồng.
Lễ vật thường là gạo thơm mới, chóe rượu cần, gà trống giò, heo đực thiến và các loại thú săn được… Lễ hội diện ra bằng việc khấn Yàng của thần cúng, tiếp đến là tục vẩy rượu để chúc mừng mọi người. Cuối cùng là uống rượu ca hát, lễ hội kéo dài suốt đêm cho đến sáng hôm sau. Theo quan niêm của người Mạ, K’Ho thì làm như thế là cầu nguyện trời đất cho làm mùa được dễ dàng, mưa thuận gió hòa, ngăn không cho thú rừng phá hoại hoa màu…
Ngày buôn làng làm lễ cúng cơm mới thì cả buôn đều náo nức, phấn chấn; Ai cũng muốn cùng chung vui, góp phần vào lễ hội, không chỉ bằng sự đóng góp vật chất mà còn cả tinh thần. Song nếu ai đó vì lý do này khác mà không tham dự thì sau khi tổ chức hội lễ xong người ta cũng chia phần về đầy đủ. Có thể nói rằng lễ cúng cơm mới của người Mạ, K’Ho ở Lâm Đồng là ngày hội của cả buôn làng, là một lễ hội dân gian truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa cộng đồng của một tộc người vốn có truyền thống văn hóa lâu đời nơi miền đất Tây Nguyên huyền thoại…
Người Chu Ru có mặt tại một số địa phương thuộc tỉnh Lâm Đồng và một số ít ở tỉnh Ninh Thuận, Gia Lai. Người Chu Ru là một dân tộc đã định canh định cư và làm ruộng từ lâu đời. Nên họ thường làm những mương phai và những đề cập để dẫn nước từ sông, suối vào ruộng. Mỗi làng thường có một người phụ trách công việc thủy lợi và hai người giúp việc gọi là Trưởng thủy cũng do tập thể các thành viên trong làng bầu ra.
Người Chu Ru còn lưu giữ nhiều phong tục tập quán như việc thờ cúng tổ tiên và tín ngưỡng đa thần.
Việc tiến hành các nghi lễ nông nghiệp cổ truyền, như cúng thần đập nước (Bơ mung), thần mương nước (Rơ bông), thần lúa khi gieo hạt (Mơ nhum tô ốt đoồng hay khâu doông), ăn mừng lúa mới (ngay yang boong ko pa tay), cúng sau mùa gặt (p’lei đây ru). Đáng chú ý nhất, là lễ cúng thần Bơ mung. Trong mỗi vùng cư trú của người Chu Ru, có một nơi dành riêng để thờ cúng vị thần này. Hàng năm, khoảng tháng hai âm lịch, tất cả mọi người trong làng đều đến đây làm lễ cúng.
Dân làng thường cúng bằng dê, còn chủ làng thường phải cúng bằng ngựa. Tục truyền là vị thần này ưa cưỡi ngựa. Con ngựa cúng thần cũng phải thắng yên cương và phủ lễ phục. Cúng xong, tất cả mọi người tham gia hành lễ cùng ăn uống vui vẻ.
Lễ cúng thần Suối là một trong những lễ hội quan trọng trong hệ thống các lễ hội cổ truyền của người Mạ ở Tây Nguyên. Lễ cúng được tổ chức vào khoảng tháng 3 hàng năm, với mục đích tạ ơn thần nước đã đem lại những may mắn trong năm cũ và cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi cho năm sau và thường được tiến hành vào sau khi thu hoạch vụ mùa và Lễ mùng lúa mới.
Để làm lễ cúng, người ta chọn một ngày tốt làm vệ sinh buôn, dọn Suối (chọn chỗ nào có bến rộng) và soạn lại máng nước, làm thịt lợn, gà để hiến tế cúng các thần: Thần đất, thần nước, thần núi, tổ tiên. Tất cả dân làng tập trung ra Suối (khu vực đã chọn), thầy cúng sẽ chủ trì lễ cúng với mâm đồ cúng là thịt lợn, gà và quan trọng nhất là một chậu tiết pha loãng.
Khu vực Suối (chỗ chuẩn bị cúng) hôm đó được trang hoàng với cổng chào bằng lá cây, cỏ lá dài, có treo đồ vật trang trí, có dựng cả trụ trang trí dạng như cây nêu của người Kinh. Sau khi làm thủ tục cúng xong ở Suối, mọi người cùng lấy nước vào các vật đựng nước thường là các quả bầu khô, bỏ vào gùi và cõng về nhà lấy khước.
Trong khi đó một đoàn người sẽ theo chủ lễ đi đến cầu thang từng nhà, hát cầu cúng và rưới tiết vào chân cầu thang để cầu may cho chủ nhà. Sau đó cả buôn làng tập trung về nhà cộng đồng để ăn tiệc, uống rượu cần và nhảy múa trong không khí của lễ hội với âm vang cồng chiêng rộn rã…
Lễ hội cồng chiêng là một lễ hội được tổ chức hàng năm theo hình thức luân phiên tại các tỉnh có văn hóa cồng chiêng, trong đó có Lâm Đồng. Lễ hội được tổ chức nhằm quảng bá hình ảnh Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản truyền khẩu và phi vật thể nhân loại. Tại đây, những lễ hội dân gian đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên sẽ được dựng lại, nhằm kêu gọi cộng đồng cùng chung sức bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc. Cồng Chiêng Tây Nguyên là nơi tiết tấu và giai điệu gặp nhau. Mỗi nhạc công chơi một nốt và một mô hình tiết tấu, kết hợp lại thành bè, thành giai điệu.
Cồng Chiêng Tây Nguyên bảo lưu được hình thức diễn xướng tập thể – cộng đồng, hợp tấu bằng cách nghe nhau, tức phải có tâm linh cộng đồng ứng vào. Hoàn toàn xa lạ với việc cá nhân hóa, nghệ sĩ hóa người biểu diễn, văn hóa cồng chiêng chỉ còn ở Đông Nam Á, và nguyên thủy nhất ở Tây Nguyên.
Một nghệ thuật thiêng “Cồng chiêng càng cổ bao nhiêu thì thần chiêng càng mạnh bấy nhiêu…Người chủ nhiều cồng chiêng không chỉ là người nhiều của cải mà cái chính là được sức mạnh của thần chiêng phù hộ” (GS. Tô Ngọc Thanh).
Ngay khi đứa trẻ vừa ra đời, người ta đã đem cồng đến đánh bên tai nó, gọi là lễ thổi tai. Cồng chiêng luôn có mặt trong các lễ cúng từ khi con người còn là thai nhi trong bụng mẹ cho tới khi vĩnh biệt cuộc đời, chưa kể trong vô số nghi lễ nông nghiệp ở Tây Nguyên, kéo dài từ tháng ba đến tháng mười hai.
Trong mỗi lễ hội, cồng chiêng là phương tiện duy nhất để con người thông linh (với thần), giao hòa với trời đất và giao tiếp trong cộng đồng. Đánh cho khỉ trên cây cũng quên bám chặt vào cành đến ngã xuống đất. Đánh cho ma quỉ mải nghe đến quên làm hại người.
Theo truyền thuyết của đồng bào Tây Nguyên, con trâu là biểu tượng của tín ngưỡng vật tổ. Đồng bào “ăn trâu” để tạ ơn thần linh, để được tổ chức vui chơi và cũng để khẳng định uy tín, danh vọng của gia đình, buôn làng.
Lễ hội ăn trâu thường diễn ra vào lúc nông nhàn, mọi người vui chơi, nghỉ ngơi để chuẩn bị cho mùa rẫy mới, thường vào tháng ba hoặc tháng tư âm lịch.
Đầu tiên dựng nêu, cây nêu được xem là lễ đài của buổi lễ, vì thế nó không những phải cao vút, bề thế mà còn phải trang nghiêm, đầy chất huyền thoại. Cây nêu được làm bằng cây tre, được kết bằng lá cây non, cây sra, trên ngọn còn được treo một con Phượng Hoàng làm bằng gỗ được tô nhiều màu, trên thân cây nêu luôn đủ các hình: tổ ong, chim én, hình người, xâu lục lạc,…
Gà gáy báo sáng cũng là lúc người ta gọi “Thần lúa” và hát khóc trâu để vỗ về, an ủi, tiễn biệt con vật yêu quý trước khi làm lễ hiến sinh. Trong lúc đó, thầy cúng lấy một chiếc nồi đồng đem ra đặt ở trước nhà, đứng hai chân trên miệng nồi rồi làm phép cúng vái. Trời vừa tản sáng, người ta mang một ché rượu nhỏ giết một con gà để cúng hồn trâu. Một thanh niên nhanh nhẹn, thông minh và lực lưỡng nhất được cử ra để nhận lãnh trách nhiệm đâm trâu.
Anh chạy theo con trâu quanh cột cây nêu, tay cầm con dao Kgã, vừa chạy vừa múa dao, thừa lúc thuận tiện anh cầm chém đứt khuỷu chân trái sau con trâu. Bị đau, con vật lồng lộn chạy bằng ba chân, anh rượt theo, vừa múa dao, thừa lúc thuận tiện nhất anh chém tiếp chân phải của nó. Con vật ngã khuỵu hai chân sau, lết quanh chân cây nêu. Lúc bấy giờ anh mới dùng cây giáo dài, vừa múa vừa chạy theo để đâm mạnh vào sườn con trâu trong tiếng reo hò cổ vũ của mọi người tham dự.
Con trâu vừa chết, thầy cúng mang sẵn chiếc nồi đồng to tướng trong đó có chứa ít rượu đem đặt ngay cạnh vết thương con vật để hứng lấy máu. Máu hòa với rượu để cúng Giàng (thần). Người thầy cúng còn cắt một tí tai, mũi, mắt và lông đuôi con trâu rồi lấy máu bôi vào hai que tre xin keo. Sau đó, thầy cúng đem những thứ nói trên vào nhà làm lễ và đặt hai que tre lên mái nhà. Thịt trâu được xẻ ra và chia đều cho mọi người trong làng. Mọi người cùng ăn uống múa hát cho đến tận hôm sau.