Nghinh Ông là lễ hội dân gian lớn nhất ở Cà Mau có nguồn gốc xa xưa của người Chăm được người Việt tiếp thu, phát triển.Nghinh Ông là tưởng nhớ công ơn của loài cá voi - vị thần Đại tướng quân Nam Hải đã không ít lần cứu giúp dân đi biển vượt qua sóng to gió lớn, với mong muốn đánh được nhiều tôm, cá, đem lại điềm lành và hạnh phúc cho mọi người. Lễ hội được tổ chức trong ba ngày: 14, 15, 16 tháng 2 âm lịch hàng năm tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Ngày 15 là chính hội, nghi lễ chính bắt đầu từ 14 giờ Chủ lễ cùng ban trị sự lăng trang trọng thỉnh lư hương lên kiệu (long đình), được 8 học trò lễ khiêng và theo hầu. Những học trò lễ được chọn thường là những nữ sinh con em ngư dân ở thị trấn Sông Đốc. Các đội trống lân, cờ ngũ sắc, đội binh khí: kích, kiếm, bát xà mâu; đoàn múa mâm… ăn mặc lễ phục xếp thành hai hàng dài từ chánh điện ra tới ngoài sân. Khi diễu hành bà con trong vùng cũng nhập đoàn đi theo. Trước đó đã có hàng trăm chiếc tàu đánh cá của ngư dân trong và ngoài tỉnh được trang trí cờ hoa neo đậu dưới bến sông.
Chủ lễ trực tiếp rước lư hương lên tàu đã được trang trí rất công phu, lộng lẫy và lớn nhất (có khi được kết từ ba chiếc tàu lại). Tàu do chức sắc Lăng Ông và ngư phủ bầu chọn. Ra tới cửa biển nhiều tàu khác tiếp tục được nhập vào đoàn diễu hành. Hàng trăm tàu đủ mọi kích cỡ, công suất, kiểu trang trí tạo ra một khung cảnh đầy màu sắc sống động cả một vùng cửa biển rộng lớn. Tiếng sóng nước, tiếng động cơ ầm ầm vang xa. Hàng ngàn người đủ mọi sắc áo đứng ngồi trên boong tàu vẫy cờ hoa.
Trên đường diễu hành nếu gặp cá Ông phun nước (Ông dội) thì đoàn tàu quay trở về ngay. Nếu không gặp thì đoàn tàu tiếp tục ra khơi và sau đó chủ lễ vái đọc lời nguyện cầu. Thường thì cách đất liền một, hai hải lý, chủ lễ sẽ làm lễ “xin keo”. Xin được keo tức là đã gặp “Ông” và rước “Ông” về. Tại Lăng sẽ tiếp tục diễn ra các nghi lễ, cúng bái đến tận khuya.
Cũng như nhiều nơi khác, lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc cũng là lễ hội cầu ngư: cầu cho biển lặng, gió hoà, ngư dân may mắn làm ăn phát đạt an khang. Lễ được tổ chức khá lớn, có hàng chục ngàn người trong tỉnh và vùng lân cận đến cúng viếng, tham dự lễ. Trong đó có nhiều ngư phủ của các tỉnh miền Trung và phía Nam đang khai thác cá ngoài khơi cũng nhớ ngày về dự./ lặng, gió hoà, ngư dân may mắn làm ăn phát đạt an khang. Lễ được tổ chức khá lớn, có hàng chục ngàn người trong tỉnh và vùng lân cận đến cúng viếng, tham dự lễ. Trong đó có nhiều ngư phủ của các tỉnh miền Trung và phía Nam đang khai thác cá ngoài khơi cũng nhớ ngày về dự.
Lễ hội vía Bà diễn ra vào ngày 23 tháng 3 âm lịch hàng năm, tại Chùa Bà Thiên hậu, ấp Cái Rắn, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước.
Tương truyền: năm 16 tuổi, Thiên Hậu nhặt được Thiên thư từ một giếng cạn và sau đó biết được mọi thần thông biến hóa và Thiên Hậu trở thành người cứu nhân độ thế, giúp nhiều người tai qua nạn khỏi. Sau khi mất, hồn bà vẫn linh hiển. Đặc biệt, sự hiển linh của bà Thiên Hậu đã cứu giúp nhiều ghe thuyền gặp nạn trên biển. Người Hoa xem Bà Thiên Hậu là đấng linh thiêng, phù hộ độ trì, cứu giúp họ thoát khỏi khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Hằng năm lễ hội vía Bà Thiên Hậu vào ngày sinh Bà (23 tháng 3 âm lịch), được tổ chức chu đáo: Tế heo sống nguyên con làm sạch lông và tổ chức hát quảng... Vào dịp này không chỉ người Hoa, người Việt ở Cà Mau mà ở nhiều vùng lân cận cũng đổ về chùa Bà Thiên Hậu cúng bái để cầu tài lộc.
Lễ hội vía Bà Thiên Hậu mang đậm màu sắc, dân tộc. Qua lễ hội này, thể hiện tình đoàn kết, tương thân, tương ái: Kinh - Hoa trong khối đoàn kết đại gia đình dân tộc Việt Nam. Người Hoa trực tiếp giữ gìn sự tồn tại và phát triển lễ vía Bà Thiên Hậu, nhưng do phù hợp với đặc trưng đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người Việt, phù hợp trong hệ thống thờ Mẫu (mẹ) như: Bà Chúa Xứ, Bà Đen, Thiên Y Ana, Bà Thiên Hậu v.v...
Ngôi chùa này được thành lập từ năm 1908, qua nhiều lần trùng tu, hiện nay rất khang trang, cổ kính, là nơi tập trung đông đảo người dân quanh vùng sùng đạo về vía Bà vào những ngày lễ vía trong năm: Lễ Thượng ngươn, lễ vía Thần Hổ, lễ Trung ngươn, lễ Hạ ngươn, lễ Tất niên… Trong đó, Đại lễ khánh chúc Thiên Hậu Thánh Mẫu vào các ngày 23, 24, 25/3 âl hằng năm là lễ chính.
Theo thông lệ hằng năm, cứ đến mùng 10 và 11-5 âm lịch, người dân trong vùng và nhiều nơi khác trong tỉnh, từ Tp.Cà Mau cho đến tận vùng Năm Căn, Đất Mũi, lại nô nức tề tựu về dự lễ Kỳ yên, lễ cúng linh thần của đình thần Tân Hưng, tại ấp Tân Hưng, xã Lý Văn Lâm, Tp.Cà Mau.
Tuy ngày 11 mới là lễ chính, nhưng vào trưa ngày mùng 10 các bô lão trong làng tiên hành Lễ rước sắc thần để cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, làm ăn phát đạt…
Đình Tân Hưng được xây dựng từ năm 1907, không chỉ thờ thần, các vị anh hùng dân tộc, những người chánh trực, mà nơi đây còn là nơi đầu tiên của tỉnh diễn ra sự kiện treo cờ Đảng trên cây dương trước đình, là một trong năm di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia của tỉnh Cà Mau, được công nhận ngày 25-9-1992. Nơi đây từng là vị trí đóng quân của Bộ Chỉ huy Mặt trận Tân Hưng, bố trí lực lượng hơn 3 tháng cầm chân địch, không cho chúng lấn ra vùng nông thôn, để bảo vệ căn cứ, tranh thủ xây dựng lực lượng, phát triển chiến tranh du kích, phục vụ kháng chiến lâu dài.
Đình Tân Hưng từng được sắc phong Bổn cảnh Thành Hoàng năm Tự Đức thứ 5 (tức năm 1852). Theo các vị cao niên địa phương, trên sắc thần có ghi 8 chữ: “Chánh trực - Hựu hiền - Đôn ngưng - Chi thần”; do chiến tranh loạn lạc, sắc thần của đình Tân Hưng đã bị thất lạc, người dân chỉ còn lưu giữ được ống đựng sắc thần cho đến nay. Tuy nhiên, hằng năm, vào lễ kỳ yên, người dân vẫn tổ chức cúng rất trang nghiêm, ngoài ý nghĩa tâm linh, tỏ lòng thành kính đối với các vị thần, thành hoàng phò hộ, còn nhằm tưởng nhớ đến những người có công với nước đã ngã xuống trên mảnh đất này. Đình Tân Hưng được xem như là chứng tích lịch sử của Cà Mau nói riêng và của Nam Bộ nói chung.