Lễ hội đâm trâu xoay cột hay người dân thường gọi là Lễ xoay cột, Lễ đâm trâu, một hoạt động văn hóa giàu bản sắc của đồng bào dân tộc Ba Na ở tỉnh Phú Yên vừa diễn ra tại Làng Đồng thuộc xã vùng cao Phú Mỡ, huyện miền núi Đồng Xuân.
Đây cũng là hoạt động của đồng bào miền núi chào mừng 36 năm giải phóng tỉnh Phú Yên (1/4/1975-1/4/2011), 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển gắn với Năm du lịch Quốc gia duyên hải Nam Trung bộ 2011 do tỉnh Phú Yên đăng cai.
Lễ hội đâm trâu lần này được tổ chức để tạ ơn trời đất, tạ ơn thần linh, tạ ơn những người đã hy sinh tại Làng Đồng trong sự nghiệp bảo vệ buôn làng, bảo vệ Tổ quốc; đồng thời cầu mong Giàng phù hộ cho gió thuận mưa hòa, lúa đầy bồ, sắn đầy rẫy; cầu mong cho người dân trong buôn ai ai được mạnh khỏe.
Người Ba Na ở Làng Đồng tổ chức Lễ đâm trâu xoay cột để trả ơn Giàng và cầu Giàng trời phù hộ. Do vậy, từng thành viên trong cộng đồng phải lo làm ăn, tích lũy và nhất là hai năm gần đây được mùa lúa rẫy, sắn được giá nên cùng nhau sắm sửa đủ lễ vật để tổ chức.
Trước khi tổ chức lễ khoảng một tuần, những người đàn ông khỏe mạnh ở Làng Đồng đã cùng nhau lên rừng tìm vật liệu như tre, mây, lồ ô… về làm cây nêu cao khoảng 3,5m mà bà con gọi là Kưng-Tăk; dùng mây bện dây A-Ngoa-Kbô để buộc vào cổ trâu.
Trước khi lễ hội bắt đầu, người Làng Đồng làm thịt một con lợn cúng báo cho Giàng biết đã có trâu, rồi họ giết tiếp một con lợn khác và nhắc 3 chóe rượu để cúng ông bà tổ tiên chứng nhận con trâu đó sẽ được tạ ơn Giàng…
Đúng ngày, bà con tụ tập tại Nhà rông văn hóa và tổ chức trồng 4 cây nêu ngay giữa trước mặt sân rộng khoảng vài trăm mét vuông, Cây nêu làm bằng tre và trên mỗi cây tre đó đều gắn một sợi dây dài được đan bằng tre theo kiểu xương cá. Tại những điểm cuối của mỗi sợi dây đó, người ta gắn các hình vật được sơn màu đen, đỏ từ nhựa cây như chim, chiếc thuyền, vòng tròn...
Khoảng 3h chiều, con trâu được buộc dây “A-Ngoa-Kbô” vào cổ và người ta làm thịt con bò, nhắc vài chóe rượu để cùng Giàng rừng, Giàng đất, Giàng núi… chứng kiến con trâu về hầu Giàng trời; làm thịt một con lợn thiến để cúng mời Giàng ông bà, tổ tiên về dự lễ hội.
Những thầy cúng đứng thành hàng ngang, tay trái cầm một bát gạo đầy, tay phải bốc vãi lên trời cho gạo rớt xuống lưng trâu, xuống đầu những người dự lễ hội đang đứng xung quanh. Và đêm đó cả Làng Đồng như không ngủ; họ hầu như không biết mệt khi liên tục đánh cồng chiêng, múa xoan, vỗ trống đôi và đi vòng quanh con trâu và cây nêu.
Sáng hôm sau, bà con lại tổ chức cúng và các thầy cúng cũng làm động tác như tay trái cầm bát gạo, tay phải bốc gạo vãi lên trời, miệng kêu các Giàng về chứng kiến.
Trong lúc các thầy cúng thực hành nghi lễ, mọi người cũng múa hát xung quanh cây nêu và đến 9h sáng lễ đâm trâu bắt đầu.
Khi đó, một già làng cầm một con dao dài, nhọn và rất sắc chém mạnh trên lưng trâu về phía hai đùi sau cho máu chảy ra. Các thầy cúng dùng vải, hoặc bông chùi máu rồi đem chấm lên trán của những những người tham gia lễ hội như báo rằng những điều may mắn của bà con được Giàng ban cho; cả những cháu nhỏ vài tháng tuổi mẹ gùi sau lưng cũng được hưởng “ân huệ” này.
Tiếp đến con trâu được những thanh niên khỏe mạnh cột dây vào 4 chân và dùng thế đè trâu ngã quỵ xuống đất; đồng thời làng chọn người có kinh nghiệm để đâm trâu.
Sau khi trâu chết, họ cắt đầu trâu gắn trên cột của cây nêu để sau đó hai thanh niên gánh đầu trâu đi 3 vòng xung quanh cột theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Còn các thầy cúng vẫn tiếp tục vãi gạo lên trời mời Giàng xuống nhận trâu, con trâu sẽ thay người làm rẫy, làm nương cho Giàng trời.
Lễ hội đâm trâu xoay cột không chỉ là hoạt động văn hóa ở Làng Đồng mà còn có ý nghĩa đối với đồng bào Ba Na các buôn lân cận. Cuộc vui càng vui hơn, khi trong ngày Lễ đâm trâu xoây cột của Làng Đồng còn có sự tham gia của hàng trăm người Ba Na từ các thôn lân cận ở Thồ Lồ, Xí Thoại, Hà Rai… đến dự.
Đêm thơ Nguyên Tiêu vào đúng ngày Rằm tháng Giêng trên núi Nhạn, thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của địa phương và được xem là nơi khởi nguồn Ngày thơ Nguyên tiêu trong cả nước.
Núi Nhạn là nơi tọa lạc của ngôi tháp cổ cùng tên được xây dựng từ thế kỉ thứ 16 nằm trong chuỗi công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc của Vương quốc Chămpa xưa trên dải đất Nam Trung Bộ. Đỉnh tháp cũng là nơi quân và dân ta đã cắm cờ chiến thắng trong ngày giải phóng Phú Yên (1/4/1975).
Nói như vậy để thấy rằng hình ảnh tháp Nhạn cổ bên bờ Sông Ba – con sông dài nhất miền Trung đã trở thành một hình ảnh thiêng liêng của người dân Phú Yên.
Năm 1980, giữa bối cảnh đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, “Đêm thơ Nguyên tiêu được hình thành rất tự nhiên nhưng cả người tổ chức và những người trong cuộc không ngờ đạt được kết quả ngoài sự mong đợi những năm sau này”, nhà thơ Dương Thái Nhơn – một trong những người sáng lập ra Đêm thơ Nguyên tiêu Phú Yên chia sẻ. Đêm Thơ Xuân 1980 được tổ chức do yêu cầu của Hội những người yêu sách của Thư viện Hải Phú và từ năm 1991 đến nay được tổ chức đều đặn ở sân tháp Nhạn với chiều cao 64 mét so với mực nước biển.
Mỗi năm, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Yên – đơn vị trực tiếp tổ chức Đêm thơ Nguyên tiêu đều nhận được hàng trăm tác phẩm gửi về và chỉ có vài chục trong số đó được lựa chọn để trình bày. Tuy nhiên, quan trọng nhất đối với thi hữu là có dịp tụ hội trong đêm Rằm tháng Giêng hàng năm. Thi hữu có người là lãnh đạo tỉnh, có người là nông dân, học sinh… Họ sống ở nhiều nơi, công tác trong nhiều lĩnh vực nhưng có chung hai tình yêu: yêu quê và yêu thơ.
Ban đầu, có mặt trong Đêm thơ chủ yếu là người yêu thơ sống ở Tuy Hòa nhưng về sau thu hút người dân ở các huyện xa, và rồi cả các thi hữu ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Hà Nội cũng nghe tiếng thơ vang xa mà góp thêm những tiếng thơ khác. Với những người đã một lần nặng tình với Đêm thơ Nguyên tiêu Phú Yên, thiếu thơ Nguyên tiêu dường như thiếu Tết!
Theo Nguyễn Thị Ngọc Huyền, sinh viên người Phú Yên hiện học tại Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh, “ấn tượng nhất là Đêm thơ được bắt đầu bằng bài thơ Thần nổi tiếng với câu mở đầu “Nam quốc sơn hà nam đế cư” cùng với bài Nguyên Tiêu của Bác Hồ. Đây là nét riêng đặc biệt chỉ có ở Đêm thơ Nguyên tiêu Núi Nhạn”.
Có nhiều năm, các nghệ sĩ thơ đến từ Hàn Quốc, đặc biệt là từ Hội Nghệ thuật Nhân dân tỉnh Chung-Buk, tỉnh kết nghĩa của Phú Yên góp mặt và góp thơ, đem lại không khí giao lưu thơ ca quốc tế hết sức đặc biệt.
Nhà thơ Nguyễn Gia Nùng đã miêu tả ngắn gọn Đêm thơ Nguyên tiêu như sau:
Cả người làm thơ, người yêu thơ đều phải vượt tầm cao
Từ bốn phương trời tụ về, bên Tháp cổ
Vầng trăng Xuân chưa bao giờ tròn sáng thế
Sông Đà Rằng dào dạt giọng thơ ngâm
Theo Hội Nhà văn Việt Nam, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 7 năm 2014 có chủ đề “Tuổi trẻ và Tổ quốc”. Đây cũng là chủ đề của Hội thơ Nguyên tiêu truyền thống xuân Giáp Ngọ lần thứ 34 tại cái nôi sinh hoạt thơ ca của miền Trung.
Càng phấn khởi hơn khi kể từ Nguyên tiêu Canh Dần (2010), lãnh đạo tỉnh Phú Yên cho phép nâng lên thành Hội Thơ hàng năm của Phú Yên với nhiều hình thức phong phú hơn. Vẫn mong dù được nâng cấp, dù được mở rộng về quy mô nhưng Đêm thơ Nguyên tiêu Phú Yên sẽ luôn giữ mãi được bản sắc trong hơn ba chục năm qua là sự chia sẻ, mộc mạc, sự giản dị, là nghĩa tình chân quê.
Hội bài chòi Phú Yên thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia. Một trong những hoạt động văn hóa dân gian hấp dẫn, không chỉ góp phần tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho cán bộ và nhân dân tại địa phương trong dịp Tết cổ truyền, mà còn góp phần bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống dân gian độc đáo.
Ở Phú Yên, hội đánh Bài Chòi còn có một nét riêng mà không phải ở hội đánh Bài Chòi nơi nào cũng có. Đó là, ngoài những người mua thẻ và được ngồi trên các chòi, một số người khác cũng mua thẻ nhưng trải chiếu ngồi dưới đất (xung quanh các chòi) cùng tham gia đánh. Và, trong cuộc chơi, đôi khi xuất hiện cảnh Anh Hiệu và một chân bài nào đó trên chòi đối đáp với nhau, như trường hợp đánh Bài Chòi ở làng Long Thủy, xã An Chấn, huyện Tuy An. Còn một nét khác biệt nữa, là việc dâng tiền thưởng, không chỉ là hành động dâng tiền một cách đơn điệu, mà Anh Hiệu còn biểu diễn một vài làn điệu cổ, như xuân nữ, xàng xê, hò quảng,… để gửi những lời chúc an khang thịnh vượng, mua may bán đắt,… tới người trúng thưởng.
Sinh hoạt Bài Chòi là một loại hình văn hóa đặc thù của người dân miền Nam Trung Bộ nói chung, ở Phú Yên nói riêng và là nhu cầu giải trí của người dân sau một năm tất bật với mùa màng. Trong cuộc chơi, người thắng hay người thua đều được cười thỏa thích. Đó chính đó là phần thưởng tinh thần vô giá cho những ai tham gia vào hội đánh Bài Chòi. Tính đỏ đen, hơn thua không có chỗ đứng trong mỗi cuộc chơi, vì người chơi quan niệm, đánh Bài Chòi là để thử vận may đầu năm, chứ không phải đánh để sát phạt lẫn nhau. Vì thế, trong quá trình hô thai, Anh Hiệu thường hay ứng tác để lồng ghép vào cuộc chơi những câu thai có nội dung dí dỏm, đả kích, mỉa mai,… Trong Bài Chòi, ngoài tính chất giải trí, các câu thai còn có tác dụng giáo dục con người về đạo đức, nhân cách sống, tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu lứa đôi,…
Với những giá trị văn hóa tiêu biểu của di sản, Bài Chòi Phú Yên đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014.
Ở Phú Yên, mùng chín tháng giêng âm lịch hàng năm đã thành thông lệ, người người rủ nhau lên Gò Thì Thùng xem đua ngựa. Không nhớ rõ môn đua ngựa ở đây có từ bao giờ, chỉ biết rằng những ngày mới giải phóng ở vùng núi này ngày tết vắng vẻ lắm, vậy là thanh niên rủ nhau dắt ngựa ra Gò Thì Thùng để đua với nhau.
Gò bằng phẳng và rộng mênh mông, mọc đầy hoa sim tím.Ngựa đua là những chú ngựa hàng ngày cùng họ lên rẫy thồ hàng, được họ khóac thêm tấm vải màu cho thêm phần long trọng. Những cô gái trong làng đến xem cũng hái những bó hoa rừng quanh đấy tặng cho người chiến thắng trong cuộc đua. Rồi thôn này thi với thôn kia, đến nay hội đua ngựa đã lan rộng ra các xã giáp ranh ba huỵện :Đồng Xuân ,Sơn Hòa, và miền núi Tuy An.
Sau hồi trống lệnh, đoàn diễu hành đã đi quanh sân để chào khán giả. Hàng ngàn người đã cổ vũ cho các kỵ sĩ. Kỵ sĩ trẻ nhất trong hội đua khoảng từ 14 tuổi, và người lớn tuổi nhất phải tới 60 tuổi, kể cả những người có thâm niên ba, bốn mươi năm...đua ngựa.
Có điều khá lạ là chiến mã tham gia cuộc đua chủ yếu là ngựa cái, chuyên thồ nông sản của người địa phương, còn ngựa đực chỉ được dắt đến để ...làm cảnh, không cho tham gia đua!. Khi ra sân, những chú ngựa này được khoác thêm tấm vải màu cho thêm phần long trọng. Các kỵ mã chính là những nông dân chân lấm tay bùn. Người và ngựa đều không chuyên nhưng không khí trường đua hấp dẫn. Tiếng trống giục, tiếng vỗ tay, tiếng hò reo cổ vũ đã làm cho cuộc đua tăng thêm sức nóng.
Phần thưởng cho người và ngựa về nhất là một khoản tiền nhỏ mang tính tượng trưng. Cái được lớn nhất là cả người thua, người thắng lẫn người đi cổ vũ đều có rất nhiều niềm vui ngày đầu xuân.
Đã thành thông lệ, cứ mùng 8 tháng giêng hàng năm, đông đảo cán bộ nhân dân Phú Yên lại về tham dựlễ hội đập Đồng Cam và dâng hương tưởng niệm những người có công và những người đã hy sinh trong quá trình xây dựng.
Trong tâm thức của người dân Phú Yên, công trình thủy nông Đồng Cam được ví như mạch máu quê hương, nuôi dưỡng đồng lúa Tuy Hòa.
Theo tài liệu do người Pháp để lại: Mơ ước dẫn nước sông Ba về tưới cho đồng bằng Tuy Hòa xuất hiện từ rất lâu. Ý tưởng này đã được người Chăm thực hiện 1 phần. Năm 1889 các kỹ sư người Pháp tiếp tục nghiên cứu cho đến năm 1904, đề tài nghiên cứu mới chính thức dưới sự hướng dẫn của kỹ sư Desbos. Nhưng bản thiết kế không được thực hiện vì lúc bây giờ chưa có kinh phí. Mãi đến năm 1920 kỹ sư Nordey tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đầy ý nghĩa này dưới sự hướng dẫn của kỹ sư trưởng Lafevre. Vượt qua nhiều trở ngại trong quá trình thiết kế, đề án được phê duyệt vào ngày 30/11/1923. Trải qua 9 năm xây dựng và hoàn thiện, cuối cùng công trình thủy nông Đồng Cam được toàn quyền người Pháp tại Pasquier đọc diễn chính thức khánh thành vào ngày 7/9/1932.
Công trình thủy nông Đồng Cam hình thành, tạo thành một công trình để đời, vừa mang ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, vừa là công trình mỹ thuật, kỹ thuật tiêu biểu của Phú Yên. Công trình đầu mối thủy nông Đồng Cam gồm một đập dâng có chiều dài 680m, hai cống lấy nước và 2 cống xả cát ở hai đầu kênh chính bắc và nam.
Trong điều kiện khắc nghiệt, đã có 52 người đã hy sinh trong quá trình thi công công trình thủy nông Đồng Cam, để nuôi dưỡng mạch máu quê hương. Hiện nay, nguồn nước từ công trình thủy nông Đồng Cam đã phục vụ tưới cho đồng lúa Phú Yên với diện tích tưới bình quân mỗi năm gần 35.000ha lúa thuộc các huyện Đông Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa, thành phố Tuy Hòa và Tuy An. Làm gì để phát huy hiệu quả của công trình thủy nông Đồng Cam trong giai đoạn hiện nay. Ông Trần Tiến Anh, giám đốc Cty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thủy nông Đồng Cam nói: Là hậu duệ và được phân công quản lý khai thác công trình, chúng tôi đang ra sức bảo vệ phát huy hiệu quả công trình, phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp của tỉnh Phú Yên và tiếp tục tôn tạo để xây dựng nơi đây thành một điểm đến hấp dẫn cho nhân dân và du khách trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Khắc Huy, một du khách đến từ Hà Tĩnh cho biết, từ lâu tôi đã nghe về công trình thủy nông Đồng Cam, một công trình thủy lợi vĩ đại được xây dựng từ thời Pháp. Nhưng khi đến đây rồi tôi mới thật sự thán phục tài xây dựng của các bậc tiền nhân.
Chính sự hùng vĩ của công trình thủy nông Đồng Cam cùng quần thể cảnh quan đẹp, mỗi năm vào dịp tết, khu đầu mối thủy nông Đồng Cam đã thu thút hàng nghìn lượt khách đến tham quan, dã ngoại. Với người dân Phú Yên họ đến đây cũng là để hiểu hơn về ý nghĩa và tầm mức của công trình, đồng thời tưởng nhớ những người tiền bối đã bỏ mình để khơi nguồn mạch máu quê hương.
Được tổ chức hằng năm, hội đua thuyền trên sông Đà Rằng từ lâu đã trở thành một lễ hội truyền thống, không chỉ phản ánh nét đặc sắc trong đời sống văn hóa của người dân vùng sông nước Phú Yên, mà còn là điểm hấp dẫn thu hút khách du lịch mỗi dịp tết đến xuân về.
Lễ hội đua thuyền truyền thống Tp. Tuy Hòa những năm gần đây đã thu hút nhiều du khách đến tham gia cổ vũ. Với nhiều người, lễ hội đua thuyền truyền thống đã thành món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi dịp tết đến xuân về.
Người dân nơi đây vẫn thường bảo nhau, dù đi đâu về đâu, nhớ ngày mùng 7 tết là lại trở về với sông quê, để được hòa cùng không khí Lễ hội đua thuyền truyền thống Đà Rằng. Mỗi mùa lễ hội đi qua là sự tiếp nối của các thế hệ, tiếp tục gìn giữ và bảo tồn một giá trị văn hóa truyền thống quý báu của quê hương Núi Nhạn- Sông Đà.
Đầm Ô Loan thuộc địa phận huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Hằng năm cứ vào dịp mùa xuân, khoảng ngày mồng 3 tháng Giêng (âm lịch), lúc nông nhàn, vui xuân, dân quanh vùng đầm và có khi ở Sông Cầu vào hay Tuy Hòa ra, tham dự lễ hội. Lễ hội có tính chất văn hóa cổ truyền, diễn ra với nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi…
Dựa vào những cứ liệu lịch sử cũng như việc tìm hiểu, sưu tầm văn hóa dân gian địa phương ở vùng Tuy An – Phú Yên, bước đầu chúng tôi với cái nhìn có tính chất tổng thể thấy rằng lễ hội Đầm Ô Loan có tính chất truyền thống mang nét đặc trưng của văn hóa dân gian vùng duyên hải niềm Nam Trung Bộ, của người Việt, mới ổn định vào khoảng 300 đến 400 năm trở lại đây. Chủ yếu dân cư sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt hải sản. Lễ hội Đầm Ô Loan có nét riêng về vùng sông nước Tuy An – Phú Yên, song cũng có mang những nét chung của văn hóa dân gian Việt Nam.
Lễ hội Đầm Ô Loan, không chỉ đơn thuần là việc tổ chức vui chơi giải trí trong ngày xuân, mà người xưa còn gắn vào đó nhiều ý niệm như: tín ngưỡng, thờ các thần, phản ánh đời sống lao động sản xuất nông nghiệp, sự khai thác kinh tế tự nhiên ở vùng đầm, hồ v.v… cầu mong cho các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, săn bắt đạt kết quả tốt đẹp vào một năm mới đến.
Lễ hội Đầm Ô Loan xưa, diễn ra trong không gian thôn dã và thời gian thôn dã. Thành phần tham dự gồm: nông dân, ngư dân, thợ thủ công cơ dân khai thác kinh tế tự nhiện, quăng chài, kéo lưới, đánh bắt tôm cá v.v… Nề tả của xã hội là: Nhà tộc họ - xóm – làng – vùng tập hợp thành quần thể khá rộng lớn. Trước đây lễ hội được tổ chức ở thôn Phú Tân, xã An Cư, huyện Tuy An.
Lễ hội Đầm Ô Loan là nét đẹp của truyền thống văn hóa Phú Yên, vì nhiều lẽ sau đây:
Không gian của lễ hội ở hai bờ khúc quanh của đầm. Xung quanh đầm rộng lớn là đồi núi bao bọc, non nước hữu tình và trên mặt đầm, nước “thản nhiên” phẳng lặng. Chúng tôi dùng từ “thản nhiên” vì ca dao Phú Yên có câu:
Lẻ loi như ngọn núi Sầm
Thản nhiên như mặt nước Đầm Ô Loan
Môi cảnh để tổ chức lễ hội là: Trời – Đất – Nước. Trên cơ sở nền kinh tế của lễ hội là: Ngư nghiệp – Trồng trọt – Chăn nuôi.
Phương tiện thực hiện lễ hội là: Thuyền, ghe, xuồng, chài, lưới, trên một số ghe lớn trang trí rồng phượng, trang nghiêm, tôn kính. Các trò chơi diễn ra trong lễ hội xưa là quăng chào đánh cá, mở mắt bắt vịt, bơi chài (nam, nữ), bơi bộ (nam, nữ), móa hát bội. Phần lời là: Ngôn ngữ dân gian, phần nhạc có: Trống, kèn, đờn cò, gậy gõ…Ngoài ra còn vật võ và một số hoạt động vui chơi khác…Lễ vật dâng lên bao gồm: nhang hoa, xôi, chè, chuối, thịt heo, thịt gà…
Lễ hội còn thể hiện một điều có ý nghĩa cơ bản là: cư dân muốn thể hiện tín ngưỡng của mình trong quan niệm trời – đất – sông – biển… qua các vị thần quanh vùng: Thần biển, thần đầm (Nam hải đại vương), thần sông (hà bá), cùng hệ thống thủy thần, hải thần (hội đồng). Người ta làm các bài văn tế (do thần văn đọc) biểu thị sự tin tưởng, ngưỡng mộ tự nhiên (trời – đất – gió – mưa)… cầu cho gió yên, biển lặng, cá tôm nhiều, cầu cho con người được an toàn khi làm nghề.
Trong diễn trình phát triển của lịch sử, lễ hội Đầm Ô Loan được bổ sung nhiều hoạt động mới; mặc dù vẫn gắn liền với tinh thần dân tộc, tính truyền thống, tính dân dã, song đã mang thêm mày sắc hiện đại, đáp ứng yêu cầu và mục đích của cuộc sống. Và, tùy theo hoàn cảnh của từng năm mà việc tổ chức lễ hội có quy mô khác nhau.
Từ sau năm 1975, đất nước thống nhất, dân tộc độc lập. Nét đẹp của lễ hội mùa xuân lại về với người dân Phú Yên. Hàng năm, ở huyện Tuy An tổ chức lễ hội, có bổ sung thêm nhiều hoạt động văn nghệ phong phú, sinh động, hấp dẫn, thi đua thuyền, thi bóng nước, bóng đá, về đêm biểu diễn thơ, ca nhạc, hát bội… mà người biểu diễn là các nghệ nhân thôn dã quanh vùng. Đềm càng về khuya, không khí cuộc vui càng sôi động.
Ngày nay, phần lễ thay bài văn tế của thầy văn, bằng bài diễn văn của chính quyền do ban tổ chức đọc. Nội dung gắn liền với đời sống văn hóa – kinh tế - xã hội, phần hội bổ sung nhiều hoạt động hấp dãn nhân dân chứa đụng nhiều ý ngĩa, khiến nó là nét đẹp của truyền thống văn hóa Phú Yên.
Lễ hội cầu ngư là lễ cúng quan trọng nhất của các vạn chài và hầu hết làng biển làm nghề đánh bắt cá đều tổ chức lễ cầu ngư. Ngày tổ chức lễ cầu ngư có nơi lấy theo ngày Ông luỵ, có nơi lấy theo ngày Vua ban sắc phong, có nơi theo phong tục làm ăn mà định ngày cúng. Thời gian tổ chức lễ cầu ngư thường kéo dài từ 3 đến 5 ngày. Ở các địa phương trong tỉnh Phú Yên thời điểm tổ chức lễ cầu ngư có khác nhau.
Thông thường được tổ chức 2 năm một lần hoặc 1 năm một lần (cá biệt có nơi tổ chức một năm 2 lần vào mùa xuân và mùa thu) trong các tháng từ 1,2,3,4,7,8 (âm lịch). Ví như cùng ở xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu nhưng lăng Ông, thôn Hoà Hiệp, hằng năm nhân dân địa phương cúng lăng Ông một lần vào ngày 12-1 (âm lịch) còn lăng Ông, thôn Vịnh Hoà, nhân dân địa phương lại cúng lăng Ông hai lần vào mùa xuân 22-2 (âm lịch) và mùa thu 22-7 (âm lịch); Lăng Nhất Tự Sơn (xã Xuân Thọ 1, thị xã Sông Cầu) hằng năm tổ chức lễ cúng lăng Ông vào ngày 24-4 (âm lịch); Lăng Ông Phú Thường (thôn Phú Thường, xã An Hoà, Tuy An) hằng năm nhân dân cúng tế vào ngày 6-4 (âm lịch) và ngày 20-8 (âm lịch); Lăng Phú Câu (phường 6, thành phố Tuy Hoà) chu kỳ 2 năm tổ chức lễ cúng lăng một lần vào một trong các ngày từ 10-20/2 (âm lịch). Những năm được mùa thì Lăng Phú Câu một năm tổ chức một lần; Lăng Đông Tác (phường Phú Đông, thành phố Tuy Hoà) tổ chức cúng lăng một năm một lần vào ngày 8-2 (âm lịch) hoặc 12-3 (âm lịch); Lăng Ông (thôn Phú Thọ Một, xã Hoà Hiệp Trung, huyện Đông Hoà) hằng năm cúng lăng Ông vào ngày 8-5 (âm lịch); Lăng Ông (thôn Phú Thọ Ba, xã Hoà Hiệp Trung, huyện Đông Hoà) hằng năm cúng lăng Ông vào ngày 20-5 (âm lịch); Lăng Ông (thôn Phú Lạc, xã Hoà Hiệp Nam, huyện Đông Hoà) tổ chức lễ cúng Ông vào ngày 25-5 (âm lịch) hàng năm.v,v..
Lễ cúng Ông luôn gắn với phần hội tạo thành lễ hội cầu ngư, là hoạt động văn hóa quan trọng nhất diễn ra tại di tích lăng thờ cá voi hằng năm. Đây là một sinh hoạt văn hóa – tín ngưỡng - tâm linh mang tính cộng đồng rất đặc sắc. Thông qua lễ hội, những giá trị nhân văn mang nét đẹp về thuần phong mỹ tục được duy trì, các loại hình diễn xướng dân gian, nghệ thuật sân khấu truyền thống có điều kiện để phát huy, tinh thần gắn kết cộng đồng được củng cố.
Lễ hội cầu ngư là sự kiện văn hóa – tín ngưỡng lớn của ngư dân miền biển Phú Yên nên được ngư dân chuẩn bị trước cả tháng trời. Dù đã được tổ chức rất nhiều lần, nhưng hàng năm trước khi tiến hành tổ chức lễ cầu ngư đàu tiên phải họp dân làng để bàn việc đóng góp tiền để mua sắm lễ vật cúng và đãi khách; luyện tập đội chèo; mời đoàn hát; chuẩn bị văn tế thần; chuẩn bị thuyền, quần áo, mũ mão cho các đội chèo, đội lân, sắm sanh chèo, đèn, cờ, trống và lễ vật cúng như heo, hương hoa. Sau đó, tu bổ sơn vẽ lại tường, điện thờ, dọn dẹp xung quanh lăng và đường làng ngõ xóm quang quẻ, trang hoàng lăng vạn rực rỡ cờ, phướn. Để điều hành cuộc lễ, Vạn chài thành lập Ban Tổ chức lễ cúng gồm bộ phận hành lễ, bộ phận soạn viết văn tế, bộ phận luyện tập đội chèo bả trạo và đội siêu, bộ phận vật chất, bộ phận tu sửa lăng, làm sân khấu hát bội. Trước khi tổ chức lễ cầu ngư, Vạn chài còn thực hiện các phong tục khác như: Tắm tượng, rửa ngọc cốt. Mỗi bộ phận do một trưởng bộ phận phụ trách, song tất cả đều đặt dưới quyền giám sát chung của Vạn trưởng.
Lễ hội cầu ngư được chia thành hai phần chính. Phần lễ là những nghi thức mang ý nghĩa nhất định và bao giờ cũng là sự biểu hiện đã cách điệu hóa những nội dung làm niềm cộng cảm của ngư dân. Phần hội: Là sự tập hợp đông người trong đó có các thành viên của cộng đồng, cùng gắn bó trong một niềm cộng cảm. lòng tin vào điều thiện.
Mở đầu lễ hội là lễ rước sắc. Sau đó là lễ nghinh thủy hay lễ rước hồn Ông Nam Hải và vong linh những người chết sông, chết biển về chánh điện (ban thờ âm binh, âm hồn) để cùng hưởng lộc Ông. Khi chủ tế cúng trong đền theo nghi thức cổ truyền, thì ở ngoài sân có rạp che, đoàn hát bả chạo bắt đầu hát. Hát bả trạo (bả: cầm nắm, trạo: lay động, chèo) có nguồn gốc từ hát bội. Các vai đóng giả ngư phủ được xếp theo đội hình chèo thuyền. Đội có từ 18 đến 20 người, có nơi có từ 24 đến 26 người. Ngoài tổng chèo phụ trách chung còn có tổng lái, tổng mũi, tổng khoan mặc áo thụng xanh, thắt dây lưng điều đảm đương từng nhiệm vụ. Tổng chèo cầm chèo cán sơn đỏ, mái màu trắng, giữa cây chèo có vẽ vòng thái cực. Chèo lái dài cỡ 2,5m, tay cầm màu đỏ, mái màu xanh có vẽ rồng vàng, còn chéo quân (con trạo) dài 1,2m sơn đen trắng. Khi hát thì tổng bả trạo lĩnh xướng còn con trạo phụ họa. Động tác múa chỉ giản đơn là động tác đưa đẩy mái chèo. Cùng với sự di chuyển từ từ của đội hình múa, tượng trưng cho con thuyền đang nhẹ nhàng lướt trên mặt sóng. Người ta thường hát các điệu hát nam, hát khách đi đưa linh, còn trong lúc lao động thì dùng các điệu hò chèo thuyền, hò giựt chì, hò hụi, hò lơ…
Đội nhạc lễ gồm có 8 người (bát âm) do tư nhạc phụ trách, mỗi người một nhạc cụ gồm trống nhỏ, mõ, kèn, chập chõa, đàn nhị, trống bồng, sanh tiền, sáo trúc. Đội nhạc thường tham gia từ đầu đến cuối lễ.
Vào phần tế lễ có: Tế sanh, tế đình, tế Bà Thiên YANA và cuối cùng là ông Nam Hải. Vật phẩm dâng cúng gồm các loại đặc sản địa phương và hương hoa. Lễ đọc văn tế, nội dung ca ngợi công đức các vị tiền hiền, các vị thủy thần phù hộ cho ngư dân lưới nặng cá đầy, làm ăn thuận lợi, cuộc sống được ấm no đầy đủ.
Lê Thành Phương sinh năm 1825 tại làng Mỹ Phú, tổng Xuân Vinh (nay là thôn Mỹ Phú, xã An Hiệp, huyện Tuy An). Năm 1885, hưởng ứng Chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, ông cùng một số sĩ phu yêu nước ở Phú Yên tập hợp nghĩa quân, dựng cờ khởi nghĩa chống thực dân Pháp. Ông được vua Hàm Nghi phong làm "Thống soái Quân vụ Đại thần".
Trong 2 năm 1885 -1886, nghĩa quân của Lê Thành Phương đã đánh nhiều trận và làm chủ một vùng rộng lớn từ Phú Yên đến Bình Thuận. Hoảng sợ trước sự lớn mạnh của nghĩa quân Cần Vương Phú Yên, tháng 2/1887, thực dân Pháp dồn lực lượng ra đàn áp cuộc khởi nghĩa. Ngày 14/02/1887, Lê Thành Phương bị địch bắt và giam tại nhà lao An Thổ. Chúng dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc nhưng ông khảng khái trả lời với câu nói bất hủ: “Ninh thọ tử, bất ninh thọ nhục“ (nghĩa là : Thà chết chứ không chịu sống nhục).
Ngày 20/02/1887 (tức 28 tháng Giêng, năm Đinh Hợi -1887), Lê Thành Phương bị địch xử tử tại bến đò Cây Dừa (nay thuộc xã An Dân- H. Tuy An). Mộ Lê Thành Phương đặt trên núi Đá Trắng, gần đèo Quán Cau, đã được trùng tu khá khang trang. Đền thờ Lê Thành Phương được xây dựng dưới chân núi Đá Chồng.
Ngày 27/9/1996, Bộ Văn hóa Thông tin quyết định công nhận di tích Mộ và Đền thờ Lê Thành Phương là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Hàng năm, vào ngày giỗ của ông (28 tháng Giêng âm lịch), nhân dân địa phương tổ chức Lễ hội Đền Lê Thành Phương thu hút hàng ngàn khách phương xa đến tham quan, tìm hiểu.
Di tích Mộ và Đền thờ Lương Văn Chánh nằm ở thôn Long Phụng I, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên. Lương Văn Chánh quê ở Thanh Hóa, lúc khởi nghiệp theo giúp chúa Trịnh Tùng lập được nhiều chiến công nên được phong chức “Thiên võ vệ Đô chỉ huy sứ”.
Cuối thế kỷ XVI, Lương Văn Chánh theo Nguyễn Hoàng vào mở mang vùng đất phương Nam, do lập nhiều công lớn, ông được thăng chức “Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân” tước Phù Nghĩa Hầu, sau đó được giao quyền điều hành huyện Tuy Viễn, trấn An Biên (nay thuộc tỉnh Bình Định). Trong khoảng thời gian từ năm 1578 đến năm 1611 Lương Văn Chánh theo lệnh của chúa Nguyễn Hoàng đã chiêu mộ lưu dân từ các vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh và Thuận Quảng đưa vào vùng đất nằm giữa đèo Cù Mông và Đèo Cả khẩn hoang, lập làng để hình thành nên vùng đất biên viễn phía Nam của Đại Việt với tên gọi là Trấn Biên. Đó là cơ sở để năm 1611, chúa Nguyễn cho thành lập phủ Phú Yên với hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa.
Lương Văn Chánh mất ngày 19/9 (âm lịch) năm 1611, ông được tôn vinh là Thành Hoàng của vùng đất Phú Yên. Để tỏ lòng ghi nhớ công lao to lớn của ông, Mộ và Đền thờ Lương Văn Chánh được xây dựng vào những năm 30 của thế kỷ 17. Đến năm 1822 dưới thời vua Minh Mạng được xây dựng lại lớn hơn đồng thời cắt người trông coi, chăm sóc.
Đền thờ Lương Văn Chánh được xây dựng trên một vùng đất cao ráo, mặt quay về hướng Nam, sau lưng là Núi Cấm, trước mặt có sông Bến Lội. Trước đền có cổng ra vào rêu phong cổ kính, án phong trước mặt đền ghi câu đối ca ngợi công lao của bậc tiền nhân: Huân danh thiên cổ ngưỡng/Chính khí vạn niên phong. Tạm dịch: Danh thơm ngàn đời ngưỡng mộ/Chính khí muôn thuở tôn vinh. Trong khuôn viên còn có cây bồ đề cổ thụ cành lá xum xuê, che mát cả một góc đền. Do có nhiều công lao trong quá trình mở đất, Lương Văn Chánh được phong tặng nhiều sắc phong, đặc biệt ban sắc gia phong Lương Văn Chánh đến Thượng đẳng thần. Tại đền thờ hiện còn lưu giữ 14 sắc phong, sắc lệnh của các đời vua thuộc triều Lê và triều Nguyễn ban cho Lương Văn Chánh, trong đó đáng chú ý nhất là tờ sắc lệnh năm 1597 của Nguyễn Hoàng giao Lương Văn Chánh chiêu tập lưu dân đến khai khẩn vùng đất nằm giữa đèo Cù Mông và Đèo Cả.
Mộ Lương Văn Chánh được xây ở phía Bắc thôn Long Phụng, nằm cách đền khoảng 500m, trên một gò đất cao, quay mặt ra dòng sông Bến Lội, hướng thẳng về núi Chóp Chài. Mộ xây theo lối cổ, nấm mộ đắp hình mai rùa, xung quanh có tường bao bọc, bốn góc tường có bốn cột lớn, đỉnh cột đắp hình búp sen, phía trước mộ có hương án và bình phong.
Khi đến di tích Mộ và Đền thờ Lương Văn Chánh, du khách được tham quan tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp của ông qua các tư liệu sắc lệnh, sắc phong. Để tưởng nhớ người có công lao to lớn đối với vùng đất Phú Yên, vào ngày mùng 6/2 âm lịch (ngày nhận sắc lệnh) và ngày 19/9 âm lịch (ngày mất) hằng năm, Phú Yên tổ chức Lễ hội Đền thờ Lương Văn Chánh với sự tham gia đông đảo của bà con nhân dân và du khách gần xa. Du khách có thể tham gia vào các trò chơi dân gian như đánh bài chòi, kéo co, thi nấu cơm, bắt vịt dưới sông, thi đấu cờ tướng, cờ người, đập ấm đất… thể hiện nét văn hóa truyền thống của người dân sinh sống trên vùng đất Phú Yên.