+84 983 035 435

Hồ Chiềng Khoi

Hãy khám phá việt nam qua những địa điểm phượt vô cùng thú vị, thơ mộng và hùng vĩ.


Hồ Chiềng Khoi thuộc Bản Pút, Xã Chiềng Khoi, Huyện Yên Châu, Tỉnh Sơn La. Từ trung tâm thị trấn huyện Yên Châu về phía Nam 4 km, Hồ Chiềng Khoi có diện tích 40 ha hiện ra như một con nhện khổng lồ. 

Hồ Chiềng Khoi là hồ nhân tạo được khởi công xây dựng năm 1971 với một đập chắn cao 45 m, dài 110 m và hoàn thành đi vào sử dụng năm 1980. Hồ Chiềng Khoi vốn là đáy các thung lũng hẹp, có các dòng suối nhỏ từ trong lòng núi chảy vào Suối Sập. Lòng Hồ là một thung lũng hẹp, chạy ngoằn ngoèo quanh những quả đồi lớn dài tới 7 km. Nước Hồ Chiềng Khoi lúc nào cũng trong xanh, yên ả quanh năm bởi nguồn nước cung cấp cho hồ đều chảy ra từ trong lòng núi. Chính những con suối nhỏ và rừng núi nguyên sơ đã tạo cho mặt hồ và cảnh quan nơi đây có vẻ đẹp huyền ảo. Như bức tường thành thẫm xanh bồng bềnh mây trắng, những dãy núi điệp trùng trải dải từ phía Nam đến phía Tây Bắc và rừng già ôm lấy toàn bộ mặt hồ, hồ lồng trong bóng núi. Khi du khách đến đây vào mùa hoa ban nở sẽ thấy một mầu trắng thuần khuất trải dài theo sườn núi và mềm mại như một dải lụa, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh sắc trời đất nơi đây.

1. Sự kiện, nhân vật lịch sử và thuộc tính của di tích:

- Theo truyền thuyết của nhân dân địa phương trong vùng “Chiềng Khoi” có nghĩa là một vùng đất rộng lớn bằng phẳng và ở trên cao. Đúng thực vậy, từ trung tâm huyện lên tới di tích ta phải qua một con dốc mới tới được di tích.

- Từ xa xưa, lâu lắm rồi trên trái đất bị một trận lụt lớn, không còn chỗ là còn đất ở chỉ còn duy nhất là vùng này là nước không lên được. từ đó xuất hiện một con rồng không biết từ phương trời nào bay tới, cất lên tiếng gáy “Vùng đất này phải sinh ra vua” và rồng phun ra dòng nước trong suốt, tạo thành dòng suối ngày nay. Thân rồng chết tạo thành dẫy núi chắn về hướng Tây - Nam của hồ.

- Dòng nước ngày xưa theo truyền thuyết. Năm 1970 do nhu cầu thủy lợi tạo nước tưới cho đồng ruộng gần 200ha tạo nên mặt hồ mênh mông và tạo môi trường sinh thái cả vùng.

2. Khảo tả di tích:

Qua suối Sặp Vạt, xe dần đưa du khách lên cao và chạm vào đất Chiềng Khoi. Trước mắt là một vùng đất rộng lớn, bằng phẳng, với những cánh đồng thẳng cánh cò bay ở giữa là con đường chạy thẳng vào hồ.

Hai bên đường bản làng sầm uất. Những mái nhà sàn mang đậm nét kiến trúc cổ xưa và xen lẫn lẫn hiện đại, thấp thoáng dưới bóng dừa và xen lẫn những vườn xoài, cây me, hàng tre xanh quanh làng.

Từ phía dưới bằng nhìn lên, dẫy núi Hồ Chiềng Khoi chạy từ phía Nam đến phía Tây Bắc điệp trùng núi và núi. Núi xen nhau lớp lớp, tầng tầng chạy dài tít tắp ôm lấy toàn bộ hồ. Đó là đàn rồng của đất trời tung hàm trải lên phía Bắc. Chẳng hay cuộc trường trinh ấy bắt đầu từ thủa nào. Nhưng khi qua vùng đất Chiềng Khoi, có một chú thiên long đã cao hứng bay ra khỏi đàn, tung tẩy trên thảm lúa vàng của cánh đồng Chiềng Khoi. Theo truyền thuyết của địa phương đó chính là ngọn núi ngày xưa mà rồng cất tiếng gáy.

Hồ Chiềng Khoi với diện tích mặt hồ rộng gần 40ha, có 9 ngách chảy ra len lỏi giữa các ngọn đồi thấp cao. Dưới góc nhìn khác, hồ rộng trông tựa như là một đàn rồng có 9 râu to khỏe choãi ra tứ phía. Hồ Chiềng Khoi không biết khởi nguồn từ câu chuyện truyền thuyết hay từ cái nhìn thực thể mà thực tế là cảnh đệp hiếm thấy mà tạo hóa ban tặng cho con người. Nước hồ trong xanh, có chỗ sâu tới 40m, cảnh quan diện mạo cùng với môi trường Hồ Chiềng Khoi từ lâu đã hấp dẫn du khách mọi miền. Đến hồ, ai cũng muốn tận hưởng thú vui bơi thuyền hoặc đi bè, mảng, ngắm cảnh câu cá, leo núi hoặc thỏa sức ngụp lặn trong làn nước trong xanh, mát lạnh.

Cảnh sắc trời đất, cây cối vận vật lung linh, bóng thuyền đi trên mặt gương phẳng lặng làm đắm lòng du khách. Hồ Chiềng Khoi còn như một máy điều hòa không khí khổng lồ, điều tiết khí hậu cho cả vùng. Chính vì vậy mà nhiệt độ ở vùng này thường được giữ ổn định mát mẻ.

Mấy năm gần đây, nhiều du khách tới tham quan chiêm ngưỡng cảnh núi non để hòa mình với thiên nhiên, lắng nghe hơi thở của tâm hồn, nghe nhịp đập của con tim đang rung lên trước thiên nhiên khoáng đạt. Rừng ở đây bạt ngàn cây gỗ quý, có hàng chục loại gỗ quý hiếm đang được bảo tồn như: Đinh, nghiến, tấu, lát hoa… và hàng chục loài hoa phong lan. Hoa Phong Lan không những mọc trên cây, mà còn mọc ở dưới đất và trên vách, hốc đá.

Đến Hồ Chiềng Khoi rồi ta nhớ đến hang én, hang dơi. Mỗi buổi sáng ban mai hoặc chiều tà, từng đàn én và dơi bay lượn khắp mặt hồ, tạo nên cảnh sinh động và sạch sẽ môi trường.

Khi lên đến hang én, hang dơi, từ mặt hồ lên tới hang cao khoảng 2000m, đứng từ đây nhìn xuống mặt hồ cảnh vô cùng ngoạn mục.

Cứ mỗi độ xuân về, các loài hoa đua nhau đâm chồi nẩy lộc, mang lại cuộc sống. Nơi đây còn có một loài cây khi mỗi độ xuân về mang đậm nét của vùng Tây Bắc, đó là cây hoa ban. Đứng từ dưới mặt hồ nhìn lên xung quanh, cả một vùng núi rừng rộng lớn toàn là màu trắng. Đó là màu của hoa ban. Tô điểm vào đó thỉng thoảng có những điểm màu xanh thẫm xen lẫn là những cây rau sắng. Gọi là rau nhưng thực chất cây rau sắng thuộc loại thân mộc. Cây có đường kính từ 20 - 30c. Cao từ 5 - 6m, muốn hái lá phải lên tận ngọn… Người ta nấu canh lá rau sắng với các loại thực phẩm khác nhau: thịt gà, cá rô, cá quả… là loại thức ăn bổ dưỡng.

Đến hồ Chiềng Khoi không những thăm vãn cảnh hồ, leo lên ngắm cảnh mà đến với đây còn tận được hưởng một nền văn hóa độc đáo của dân tộc Thái Yên Châu. Đó là những làn điệu xòe do những cô gái Thái miền “Sơn cước” thể hiện.

Cạnh Hồ Chiềng Khoi về phía Bắc và Đông giáp hồ gồm có 2 bãi đá tự nhiên lớn, gồm:

- Bãi đá phía Đông: Tiếng địa phương là Pom xèo phí, có nghĩa là: “Chốt con ma”. Theo truyền thuyết của nhân dân địa phương trong vùng, bãi đá này là nơi thờ cúng ma của người xưa (Nhưng hiện nay nhân dân địa phương trong vùng không thờ cúng gì cả). Từ dưới hồ nhìn lên, đó là một núi đá sừng sững. Ta phải leo qua một quả đồi đất mới tới quả núi này. Tới nơi, ta mới nhìn thấy sửng sốt như theo như truyền thuyết kể lại, đó là bãi đá tự nhiên gồm: Gần trăm hòn đá to nhỏ mang hình dáng khác nhau. Du khách đến tham quan mang theo suy nghĩ, tư duy của mình để cảm nhận. Đó là hình cá sáu, hình voi, hình nàng tiên cá, hình hổ,…

- Bãi đá phía Bắc: Tiếng địa phương gọi là (Pom co Muông) có nghĩa là: Đồi cây muỗm. Ở đây bãi đá ở đồi thấp, tại nơi đây tập trung hơn một trăm nhóm đá to nhỏ khác nhau, chủ yếu là những nhóm đá hình cây nấm, hay hình thú vật như: Rùa, ba ba và hình hải cẩu (Nhiều chỗ có sự tác động của con người).

3. Giá trị của di tích

Hồ Chiềng Khoi là một hồ  nước rộng lớn nhất tỉnh Sơn La, không những hồ trước mắt mang lại lợi ích kinh tế (lấy nước tưới tiêu và là nơi thả hải sản cung cấp thực phẩm cho cả vùng). Kết hợp với 2 bãi đá và cảnh đẹp của hồ, phong cảnh tự nhiên và văn hóa bản làng có những lợi thế và yếu tố như vậy. Khu vực hồ Chiềng Khoi có những lợi thế xây dựng trở thành khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch về nguồn du lịch tín ngưỡng.

4. Hoạt động du lịch

Hồ Chiềng Khoi có các loài cá tự nhiên như: Cá chép, cá mương, cá quả, cá trê, cá riếc và nhiều loài tôm, cua, ếch. Bên sườn núi là một “vườn rau” thiên nhiên rất phong phú như: Rau sắng, rau dương sỉ, măng lay, măng sặt, chuối rừng…Tất cả những sản vật này rất đặc trưng, hấp dẫn nếu như được bàn tay của nghệ nhân khéo léo tẩm ướp, pha chế thì chắc hẳn khi thưởng thức du khách sẽ cảm nhận được hương vị ẩm thực đặc trưng của vùng Tây Bắc mà không phải nơi nào cũng có được.

Đến Chiềng Khoi du khách không những được bơi thuyền dọc hồ tham quan, thưởng ngoạn vẻ đẹp của thắng cảnh Hồ Chiềng Khoi với cảnh vật xung quanh quyến rũ và thơ mộng. Mà còn được thưởng thức những nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc Thái yên Châu, đó là những nếp nhà sàn truyền thống, làn điệu dân ca, hát trong vòng xoè với tình cảm đầm ấm bên chum rượu cần… để du khách cảm nhận sự thân thiện, gần gũi như bên những người thân yêu; Những lễ hội truyền thống với các nghi lễ thờ cúng tổ tiên, bản mường trời đất, tìm hiểu những nét đẹp trong phong tục tập quán mang đặc trưng văn hoá của người Thái đen Yên Châu, một số nghề thủ công truyền thống mà sản phẩm luôn được ưa chuộng như chiếc khăn piêu   rực rỡ sắc màu…Sau một chuyến thăm thắng cảnh hồ Chiềng khoi, du khách sẽ có rất nhiều cảm nhận về mảnh đất và con người nơi đây, những hình ảnh lưu niệm thật hấp dẫn, những món quà mang đặc trưng chỉ vùng đất Yên Châu mới có được.

Khám phá 10 địa điểm ở Sơn La

Cao nguyên Mộc Châu

142

Đồi chè Mộc Châu

872

Vân Hồ

485

Cầu Pá Uôn

836

Mường Hung

356

Cửa khẩu Loóng Sập

153

Điểm phượt gần Hồ Chiềng Khoi