Bắc Hà nằm trên thượng nguồn sông Chảy, nơi được mệnh danh là cao nguyên trắng trên vùng đất Tây Bắc, sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp và phong phú về bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số. Một trong những nét văn hóa rất đặc trưng của Bắc Hà đó là lễ hội đua ngựa. Lễ hội đua ngựa ở Bắc Hà dường như chứa đựng tất cả những gì thuộc về văn hóa của người dân vùng cao Lào Cai.
Đua ngựa đối với người vùng cao Bắc Hà như là một trò chơi chứa đựng nhiều nét văn hóa làm nổi bật bản sắc riêng của con người nơi đây.
Từ xa xưa, người Mông, người Tày, người Nùng, người Dao đã sống theo bản làng trên các sườn núi. Họ chủ yếu sống bằng nghề làm nương, làm ruộng và việc đi lại của họ cũng nhờ vào ngựa rất nhiều nên ngựa là con vật gần gũi, có vai trò cực kỳ quan trọng với cuộc sống của họ nên ngựa được nuôi nấng, chăm sóc rất kỹ. Đua ngựa xuất hiện ở mảnh đất vùng cao này cũng rất tự nhiên. Theo tục truyền: ngày xưa việc điều khiển ngựa thồ chủ yếu do các chàng trai đảm nhiệm, sau những buổi thồ ngô, thồ lúa xong sớm, đám trai tráng cao hứng rủ nhau đua ngựa để thử tài và cũng là để rèn luyện sức khỏe, dần dần đua ngựa trở thành lễ hội với nét văn hóa độc đáo riêng của người Bắc Hà.
Chỉ có ai trực tiếp xem các cuộc đua ngựa của đồng bào dân tộc vùng cao Bắc Hà mới hiểu rõ cái khó và sự dũng cảm của những kỵ sĩ trên đường đua. Có lẽ không có kỵ sĩ vùng nào, nước nào lại cưỡi ngựa đua như thế, họ cưỡi ngựa không yên cương và không bàn đạp giữ chân mà chỉ có một miếng vải lanh hình chữ nhật buộc phủ trên lưng ngựa, đai buộc ngựa chỉ bằng dây thừng bện, có hai móc sắt buộc vào dây hai bên hàm để điều khiển, kỵ sĩ không cầm roi quất ngựa được mà hai tay phải cầm dây cương vừa điều khiển vùa giữ thăng bằng, kỹ sĩ muốn giữ được thăng bằng cần phải biết cách ngồi vào đúng điểm lõm gần vai ngựa, hai chân phải kẹp chặt vào bụng ngựa và nhấp nhổm lên xuống theo nhịp phi của ngựa, nếu chẳng may có mất thăng bằng mà ngã thì cũng phải "có võ ngã" mới mong không bị thương.
Việc chọn và chăm sóc ngựa đua với ngựa nuôi để phục vụ sản xuất, đi lại cũng gần giống nhau. Bởi đối với người dân vùng cao thì con ngựa cũng là "đầu cơ nghiệp", nó giúp cho người dân rất nhiều việc nặng nhọc mà con người không thể cáng đáng được, tham gia đua ngựa chỉ để rèn luyện sức khỏe và giữ gìn bản sắc văn hóa mà thôi. Ngựa muốn khỏe và chạy nhanh phải có dáng hình cao ráo, gân to, thịt săn, chân thẳng và thon chắc, răng trắng đều, bờm dày, lông đều, sờ vào mượt như sờ vào tơ lụa. Khi đi chọn ngựa đua người ta thường cưỡi thử chạy mấy vòng quanh núi; nếu ngựa chạy về mà thở đều, không khục khoặc hoặc thở dốc là ngựa có sức khoẻ tốt.
Theo kinh nghiệm của đồng bào các dân tộc vùng cao, việc chọn ngựa đua cũng cần phải biết tuổi ngựa, bởi độ tuổi mà ngựa khỏe nhất là trong khoảng từ 4 đến 7 tuổi, muốn biết tuổi ngựa thì xem răng. Với những người có thâm niên đua ngựa khi chọn ngựa họ còn phải xem kỹ tính nết, bởi ngựa cũng có con dữ, con hiền, có con biết nghe lời và có con bướng bỉnh…Thực ra, việc chọn ngựa của các tay đua thì chỉ học qua kinh nghiệm các cụ truyền lại .Thức ăn của ngựa thường là cỏ, cám. Tuy nhiên khi chuẩn bị cho ngựa đi đua người ta thường cho ăn thêm ngô, thóc, đậu tương, song cũng cần cho ăn điều độ để ngựa không được béo quá (chạy nước đại sẽ nhanh mệt).
Ngựa là loài có sức khoẻ dẻo dai, ít bị ốm nhưng ở vùng cao Bắc Hà thời tiết lạnh nên ngựa dễ mắc sổ mũi và đau bụng, đầy hơi. Tuỳ từng bệnh mà có loại thuốc riêng, đa số người dân ở đây chữa bệnh cho ngựa bằng các bài thuốc dân gian gia truyền. Khi ngựa mắc bệnh viêm phổi, sổ mũi thì lấy quả thảo quả khô nghiền nhỏ pha với nước rồi cho ngựa uống 3 - 4 lần là khỏi. Còn nếu muốn chống cảm lạnh và chống rét cho ngựa trong mùa đông giá lạnh thì cần cho ngựa ăn thêm bã rượu ngô (ngô sau khi lên men đem nấu lấy rượu còn lại bã nguyên hạt).
Hiện nay, Bắc Hà đã có một khu sân đua rất đẹp, năm nào người ta cũng tổ chức một lễ hội đua ngựa và việc tuyển chọn ngựa đua được thực hiện từ thôn bản đến xã rồi mới được lên thi đấu giải cấp huyện. Bây giờ lễ hội đua ngựa Bắc Hà cũng đã mở rộng đối tượng tham gia thu hút các tay đua đến từ nhiều tỉnh Tây Bắc như: Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên.
Trò chơi có tính dân gian và dũng mãnh này đã trở thành một nét văn hóa độc đáo của người dân vùng cao Bắc Hà. Vẫn là các chàng trai người dân tộc địa phương "chân đất" thật thà, vẫn những chú ngựa do chính họ nuôi dưỡng hàng ngày thồ lúa, thồ ngô từ nương về nhà, nhưng khi vào cuộc đua đã mang đến cho khán giả những màn biểu diễn thật hấp dẫn, ngoạn mục, để lại trong lòng mỗi du khách ấn tượng sâu sắc khi đến với miền "cao nguyên trắng".
Lễ hội rước Đất, rước Nước của người Tày - Bắc Hà, Lào Cai diễn ra vào ngày rằm tháng giêng hàng năm để cầu xin Mẹ Đất, Mẹ Nước phù hộ cho đất luôn màu mỡ, cầu cho nguồn nước không bao giờ cạn, giúp dân bản có cuộc sống no đủ quanh năm.
Từ sáng sớm, dân làng đã cử một đoàn người gồm: thầy cúng, đội trống, chiêng, khèn và các cô, các chị (là những người chăm chỉ làm ăn, có cuộc sống gia đình yên bình khoẻ mạnh)… đi lên ngọn núi Pản Phố - nơi có nguồn nước trong nhất bản - rước hồn Đất, hồn Nước về dự hội.
Đi đầu đoàn rước là thầy cúng. Thầy là người giữ vai trò làm sứ giả để giao tiếp với các vị thần linh. Trong tay thầy cầm cây nêu - biểu tượng của sự sinh sôi, nảy nở - rước đến địa điểm diễn ra lễ hội.Tiếp theo là kiệu rước Nước và các mâm lễ. Nước được đựng trong hai ống bương to, tượng trưng cho ống bố, ống mẹ. Tiếp đến là kiệu rước Đất - hồn mẹ Đất được lấy từ trên đỉnh núi cao thiêng liêng. Sau đó là đến các mâm lễ để dâng các vị thần linh. Lễ vật gồm một mâm quả còn, bên trong các quả còn đựng các loại hạt giống do các cô, các chị kỳ công làm ra, các mâm xôi ngũ sắc, gà luộc, hoa quả… đều là những sản vật tinh tuý của mùa màng – thành quả sản xuất của dân bản trong năm. Đội chiêng trống đi hai bên thầy cúng nổi chiêng trống để thầy giao linh với các vị thần.
Địa điểm tổ chức lễ hội là cánh đồng rộng của bản. Khi các đoàn rước tới nơi, ba hồi kèn trống nổi lên vang động đất trời, thấu đến chín tầng cao xanh như báo cho Trời - Đất biết: Ngày hôm nay dân làng mở hội. Thầy cúng thực hiện nghi lễ cầu khấn.
Tiếp đó, thầy cúng phun nước làm phép để xua các điều xấu, xua quỷ dữ không cho về quấy phá dân bản. Rồi thầy tung lộc (ngô, lúa) của thần linh cho dân bản, những người dự hội ai cũng cố gắng nhận cho được vài hạt thóc, hạt ngô đem về nhà làm khước may mắn để nhà mình vụ sau ngô sai hạt, lúa sai bông.
Sau phần lễ nghi trên, mọi người bước vào phần hội với những màn xoè điệu nghệ của các cô gái, chàng trai. Khi các màn xoè kết thúc là các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, chọi gà, chọi trâu (bằng bắp bi chuối và măng), ném còn…bắt đầu Dù là ngày hội của người Tày nhưng các dân tộc khác trong vùng cũng đến dự rất đông vui.
Dao Họ (thuộc bản Khe Mụ, xã Sơn Hà huyện Bảo Thắng, Lào Cai) là một cộng đồng nhỏ so với cư dân trong xã. Trong văn hoá của người Dao Họ thì lễ lập tịch đóng một vai trò quan trọng trong đời một con người. Lễ lập tịch (hay còn gọi là cấp sắc) của người Dao Họ giống như lễ thành đinh của các dân tộc ở nước ta và trên thế giới. Đó là nghi lễ đánh dấu một giai đoạn của cuộc đời con người, giai đoạn từ tuổi thiếu niên lên tuổi trưởng thành, được cộng đồng công nhận có vị trí trong đời sống và sinh hoạt của người Dao Họ. Hơn thế nữa, đó không chỉ là sự công nhận chính của cộng đồng, mà còn là sự chấp nhận của thần linh cho chàng trai đó có đầy đủ mọi tiêu chuẩn của một thành viên chính thức của cộng đồng.
Để làm được một lễ lập tịch là điều mong ước của mọi gia đình nhưng không phải ai cũng có điều kiên để làm vì chi phí khá tốn kém về mặt kinh tế. khi chưa làm lễ này thì người đàn ông cho đến khi chết vẫn chỉ là người thường, không có vai trò gì trong cộng đồng. Đến những nơi thiêng liêng anh ta không được quyền vào, không được coi trọng trong các buổi hội hè, ăn uống, mà chỉ là người phục vụ bình thường.
Gia đình định làm lễ lập tịch cho con cần phải chuẩn bị gạo, thịt, tiền để làm cỗ cúng thần, mời các thầy cúng và bà con dân làng. tuy rằng mọi người đến đều có quà mừng, nhưng phần chủ yếu vẫn là do gia đình tự lo.
Làm lễ lập tịch gồm có hai loại Tam Thanh và tam nguyên. Tam Thanh đơn giản hơn Tam Nguyên, nhưng người làm Tam Nguyên xong sẽ ở thứ bậc cao hơn so với Tam Thanh. Làm Tam Thanh hay Tam Nguyên là do truyền thống của từng gia đình. Nếu trước kia trong gia đình ông bố làm Tam Thanh thì nay cũng chỉ làm Tam Thanh cho con. Nếu bố trước kia đã làm Tam Nguyên thì nay con cũng phải làm Tam Nguyên. Tam Nguyên đòi hỏi tốn kém và các nghi lễ phức tạp, do vậy mà chỉ những người có điều kiện mới làm được.
Con trai từ 13 tuổi trở lên là làm được nếu gia đình có điều kiện. Khi gia đình đã quyết định làm lễ lập tịch cho con, phải lựa ngày tốt đến gặp ông thầy để em tuổi có được ngày, được tháng, được năm hay không. Sau đó về nhà, 20 ngày sau tiếp tục xem chân giò, nếu chân giò mà đẹp, tức là làm được - thần linh đã đồng ý. Gia đình lấy một tờ giấy, viết tên tuổi chàng trai, tên tuổi của thầy và ngày tháng gia đình sẽ làm và mời thầy đến. Việc mời thầy phải trước ít nhất 7 ngày để thầy chuẩn bị tìm những người giúp việc và xem sách dạy các bước làm, sắm sửa các đồ trang trí để đến ngày đó mang tới gia đình. Điều này rất quan trọng bởi vì đối với người Dao Họ, mỗi một bước làm trong mọi nghi lễ đều có sách quy định. Vả lại việc trang trí trong một buổi lễ rất công phu, nào là viết sớ, dán tranh thờ, trang trí bàn thờ, đồ thờ và các vật hành lễ. Do đó cần phải có sự chuẩn bị trước hết sức tỉ mỉ.
Về phía gia đình một mặt tiếp tục chuẩn bị lễ vật, mời anh em họ hàng gần xa, mặt khác nhờ bà con anh em ở gần đến dựng lán thờ.
Lán thờ là nơi sẽ tiến hành các nghi thức chính thức cho lễ lập tịch. Lán được xây dựng trên một khoảng đất bên cạnh hoặc ở ngoài xa nhà ở một chút, theo đúng kiểu một ngôi nhà thu nhỏ. Đặc biệt là một bên mái được khoét trống ở giữa nhưng thẳng từ vách lên chứ không phải ở giữa mái. Nơi đó sẽ dựng một bàn thờ ngoài trời. bàn thờ được dựng trên 4 cọc. Toàn bộ lán thờ được thưng kín bằng vách xung quanh, chỉ để một cửa ra vào. Trên khắp bốn vách được dán kín bởi rất nhiều tranh thờ, giấy màu, các tờ sớ và những hình cắt dán rất công phu. Theo chiều dọc của lán thờ có dựng 4 khối cọc thẳng nhau theo nóc lán, xung quanh bốn khối cọc (mỗi khối gồm nhiều cọc tre nhỏ bó lại) được dán kín bằng giấy màu, sớ .v.v ... Theo suy nghĩ của người Dao họ, đó là nơi nhốt các ma để chúng không quấy phá con người trong ngày lễ. Có thể nói hầu hết các nghi lễ quan trọng đều được tiến hành tại đây và nó là trung tâm của những ngày lễ. Việc dựng lán thờ là một việc làm hết sức công phu, nên gia chủ phải báo trước để thầy cúng chuẩn bị. Đến ngày ông thầy đến trang trí lán thờ, mọi việc ông đều dựa trên luật tục đã quy định mà bàn bạc, chứ không bao giờ độc đoán bắt gia chủ phải nhất nhất tuân theo ý của mình. Đây cũng là nét văn hoá đáng chú ý.
Làm lán thờ đã xong, nhà chủ chọn lấy vài người thân cận đi lấy dây để đan võng. Đó là một tấm lưới được đan bằng những cây leo trong rừng để đỡ chàng trai sau khi đã hoàn thành các nghi lễ Tam Nguyên từ trên trời trở lại với cộng đồng. Người đi lấy dây làm võng không cần phải lựa chọn kỹ, nhưng loại dây leo để làm võng phải được lựa chọn rất kỹ. Đó là loại dây leo dài, dẻo và chỉ chọn những cây leo vắt qua ngòi nước hoặc suối và thật xoắn. Loại cây leo đó gọi là tay thảy mảy, đã được truyền từ đời nọ qua đời kia, dùng để bện võng. Thường thường những người đi tìm dây leo là những người đã rất thông thạo, biết ở chỗ nào có nhiều loại dây đó. Người ta đến lấy và cuộn thành bó khiêng về bóc hết vỏ, chỉ lấy ruột rồi tước ra để thành đống sẵn đó.
Làm bàn địa cũng là một việc quan trọng. Bàn địa là nơi thực hành những nghi lễ cuối cùng của người lập tịch Tam Nguyên. Tại đây, sau khi đã làm xong các nghi lễ, người thụ lễ sẽ buông mình rơi xuống tấm lưới võng do mọi người cầm đỡ ở dưới, biểu tượng cho một cuộc thử thách dài, qua hết các đoạn đường và từ trên trời trở về với cộng đồng.
Nơi đặt bàn địa là vị trí cao ráo, thoáng ở đầu bản. Tại đó người ta dựng 4 chiếc cọc bằng bốn đoạn gỗ to, khoẻ và chắc chắn. Trên đầu bốn cọc ấy được đặt một chiếc bàn hướng về phía đông, đó cũng là nơi người làm lễ lập tịch phải rơi xuống. Bàn gỗ được cột chặt vào bốn góc ở độ cao từ 2,5 m đến 3 m. Một chiếc thang dài 3m được đặt phía tây gắn vào mép bàn. Thang gồm 12 bậc, tượng trưng đường đi lên trời.
Trước khi làm bàn địa, người ta sắm một mâm lễ vật gồm hương, gạo, trứng, rượu. Thầy cúng đặt mâm lễ ấy trên chỗ đất sẽ làm bàn địa. Trên mâm lễ còn có một con dao găm. Sau khi thầy cúng khấn vái xong liền cầm con dao găm vạch ra mấy vạch ở chỗ sẽ chôn cọc, tựa như thần linh đã mách bảo chỗ phải đặt bàn địa. Sau đó, thầy cúng cầm chiếc rìu, sẽ dùng để chặt cây làm cọc, dâng lên trước mâm lễ và khấn, rồi cầm rìu ra chặt vào các cây đã để sẵn cạnh đó. Thầy cúng tiếp tục khấn một vài lời nữa và lấy con dao găm trên mâm ra đo độ dài của cọc để lấy kích thước. lấy xong ông thầy khấn tiếp vài lời nữa rồi mọi người bắt tay vào việc.
Điều đáng chú ý ở đây là việc thực hành nghi lễ cúng này có hai người. Một ông thầy đứng ở trước mâm lễ đọc tất cả những lời khấn, còn một ông khác ngồi đối diện sát mâm thực hiện những bước đã kể trên theo lời khấn của ông thầy đứng trước mâm. Khi xong các nghi thức, những người đàn ông, mỗi người góp một tay để làm bàn địa, người đào hố, người chặt cây, người buộc thang... Chẳng mấy chốc mà chiếc bàn địa đã dựng xong. Các thầy cúng kiểm tra lại độ chắc chắn của thang, của bàn rồi mọi người dùng lá chuối phủ lên. Việc làm bàn địa kết thúc.
Trong lúc ở dưới đầu bản làm bàn địa thì trên nhà gia chủ, người ta gây mối để đan võng. mối gây như một chiếc chôn quang, xung quanh chiếc võng tròn kiểu chôn quang này, cách đều từng đoạn, người ta buộc sẵn các sợi dây dài ra các phía, để sau này cứ theo các đoạn dây ấy mà đan tiếp vào làm thành một tấm lưới võng. Gây mối xong, người ta dồn tất cả đống dây leo đã tước sẵn ấy thành một đống, buộc gọn lại, đợi đến lúc đem ra chỗ bàn địa để đan võng. Trong lúc mọi người gây mối để đan võng, có nhạc của chiêng và trống kèm theo.
Lễ lập tịch của người Dao Họ ở Khe Mụ kéo dài tới ba ngày và có thể hơn nữa. Nhiều nghi lễ và sinh hoạt tín ngưỡng được tiến hành trong thời gian đó. Người ta thường kết hợp làm cả lập tịch cho Tam Thanh, Tam Nguyên và làm chay (hay còn gọi là làm ma khô) vào cùng một lần. Người ta quy định rõ cho từng ngày trong thời gian diễn ra lễ lập tịch phải làm những gì.
- Lễ trình trước bàn thờ tổ tiên.
- Các nghi lễ ở trong lán thờ.
- Các nghi lễ ở ngoài bàn địa.
Trong số này, dài nhất và phức tạp nhất là các nghi lễ diễn ra ở trong lán thờ. Đây là nơi hành lễ chính thức và gồm rất nhiều lễ như lễ cúng cầu, lễ múa gà, lễ cân lợn, làm bùa, lễ dẫn đường cho Tam Thanh và Tam Nguyên .v.v... Về thời gian, trong ba ngày thì ngày đầu tiên thực hiện những nghi lễ mở đầu cho lễ lập tịch, cúng tổ tiên, thần linh để báo cho biết, mời họ về dự và giúp đỡ đuổi tà ma; đón khách đến thăm hỏi dự lễ, chuẩn bị lán thờ. Ngày thứ hai tiếp tục trang trí lán thờ, dán tranh, viết sớ, yểm bùa trừ tà ma, làm bàn địa, đan võng và cúng lễ trong lán thờ đến hết đêm. Sang ngày thứ ba thì từ lúc chưa sáng đã tiến hành múa gà, cân lợn và kết thúc các nghi lễ trong lán thờ để sau đó thực hiện các nghi lễ cuối cùng là nghi lễ nhảy võng từ trên bàn địa. Sau nhảy võng là kết thúc lễ lập tịch. Nếu gia đình nào kết hợp làm chay thì sau lễ nhảy võng một lúc người ta sẽ tiến hành làm chay.
Nhảy võng là nghi lễ mà người con trai làm Tam Nguyên phải tiến hành ở giai đoạn cuối của lễ lập tịch. Đó là khi anh ta buông mình rơi từ trên bàn địa xuống tấm lưới to do nhiều người đàn ông khác từ dưới căng ra và đỡ. Võng ở đây chính là một tấm lưới to được đan bằng loại cây leo, đã được trình bày ở trên. Người Dao Họ quan niệm rằng việc họ hứng tấm lưới ấy ra chờ đón người con của cộng đồng, sau khi đã trải qua mọi thử thách, được thần đất, thần gió, được tổ tiên và các vị thần linh khác che chở, nay đã chính thức được làm một người con của gia đình, dòng họ, một thành viên của cộng đồng với đầy đủ phẩm chất của nó.
Vào sáng ngày thứ ba, sau khi những nghi lễ đã kết thúc, tại lán thờ lúc này, người ta choàng cho người làm Tam Nguyên một chiếc áo dài đỏ, một chiếc khăn thêu trùm lên đầu. Hầu hết tất cả các thầy cúng có mặt tại đây để tiến hành nghi lễ. Bảy ông thầy, một người cầm dao, một số tay không, đi xung quanh Tam nguyên, vừa vỗ tay vừa tung dao chém vào khoảng không. Sau đó, họ cầm mỗi người một ngọn nến đi vòng quanh Tam Nguyên. Hết vòng, tất cả cùng chụm tay vào trán Tam Nguyên, lầm rầm đọc thần chú, rồi cùng áp tay vào bụng, vào chân Tam Nguyên đọc thần chú. Một ông thầy đứng bên ngoài đọc to các lời khấn. Tiếp đến tất cả các ông thầy cùng nhau ngồi xuống trước bàn thờ để đọc lời khấn. Đọc xong, một ông thầy trang phục giống như Tam Nguyên, đầu đội mũ có đuôi, trán có đeo một bức tranh vẽ một vị thần, nối với Tam Nguyên bằng một tấm vải ở trước bụng, dắt tam nguyên đi vòng quanh chiếc cột ở giữa lán thờ. Các thầy có mặt cùng nhau đọc những lời khấn viết sẵn trên giấy và chuẩn bị đi xuống bàn địa.
Đoàn người dẫn tam nguyên xuống bàn địa gồm có: Người đi đầu tiên cầm hai kiếm, vừa đi vừa múa. Theo sau là một người cầm thước, một người cầm kiếm và một người đeo mặt nạ. Rồi tiếp đến hai người với những chiếc tua vải ở tay vừa đi vừa múa. Kế đến là một ông thầy dẫn Tam nguyên đi. Ông này đi giật lùi, mặt đối mặt với Tam Nguyên để dẫn đường. Lần lượt theo sau là một ông thầy đội mũ, mặc áo đỏ, tay ôm sách; một người cầm hương, một người đọc lời khấn trong lúc đi. Hai người khiêng võng cùng dàn nhạc và mọi người đi theo.
Đến bàn địa, tất cả đi quanh bàn địa thuận chiều kim đồng hồ. Phía trước mặt bàn địa, về hướng đông, có đặt một chiếc bàn hương và một bức tranh thánh, phía đối diện bàn này ở hướng tây, sau chân thang lên bàn địa, cũng đặt một bàn hương như thế. sau khi ba vòng đi quanh thang kết thúc, nến được thắp và cắm dọc hai bên của 12 bậc thang lên bàn địa. Tam Nguyên cùng ông thầy dẫn đường bước lên bậc đó. Các ông thầy cúng khác ngồi hết lên các bậc thang còn lại phía trên. Sau đó tất cả các ông thầy trên đó từ từ đi xuống, một ông thầy khác từ dưới đất bước lên thang vừa đi vừa khấn, vừa xua tay và gạt hết những cành lá chuối che trên đó xuống. Một ông thầy đứng trước chân thang đọc lời khấn. Một ông khác tiếp tục trèo lên thang. Khi lên tới bàn, ông ta đứng dậy làm những động tác thần chú và múa ở trên đó. Một tay ông cầm tua vải, tay kia cầm một chiếc gậy bằng gỗ, một đầu vót nhọn, một đầu là con dao. Sau khi múa xong, ông ta không đi xuống theo bậc thang, mà nhảy xuống. Lúc đó ông thầy đang đứng đọc khấn trước chân thang tiếp tục lên. Tay ông cầm con dao có đeo một vòng tiền xu ở cán, khi lên tới bàn ông lấy tay vạch trên mặt bàn và thì thầm đọc lời niệm chú. Kết thúc ông ta cũng nhảy xuống. Một điều đáng lưu ý là cả hai ông này mỗi khi nhảy xuống đều vỗ hoặc xoa tay vào cột ở bàn địa rồi mới nhảy. Mặt bàn khá cao so với mặt đất nên các ông đều trèo thả chân rồi mới nhảy chứ không nhảy thẳng từ trên mặt xuống.
Khi ông thầy cầm dao có vòng tiền kết thúc nghi lễ của mình thì ông thầy dẫn Tam Nguyên bắt đầu lên. hai thầy trò cùng lên cầu thang song song với nhau, mỗi người một bên. Vừa đi vừa cúi xuống dùng tua vải xua xua hai bên như để dẹp đường. Đến cạnh bàn, ông thầy cũng niệm chú rồi đỡ Tam Nguyên lên mặt bàn. Ông ta lấy ra những mảnh vải trắng và đen (do ông chủ nhà sắm sẵn và đưa lúc ông thầy còn đứng dưới chân cầu thang bắt đầu kẹp vào ba khe ngón tay giữa của Tam Nguyên, mỗi khe ba cặp. Những tấm vải dùng quấn ở bụng của cả thầy lẫn trò được cởi ra và luồn xuống khe thang. Ông thầy nhảy xuống khỏi thang vào bàn địa bị chặt đứt và thang được đem đi. Trên bàn lúc này chỉ còn Tam Nguyên ngồi xuống, quay lưng về hướng đông (nơi sẽ rơi xuống, mắt nhìn về hướng tây nơi ông thầy sẽ chủ huy cuộc nhảy võng. Ông thầy cầm con dao khi nãy bây giờ ngồi cách bàn địa khoảng 5m, bắt đầu hành lễ. Ông ta hô lên hai tiếng ê, ê báo cho tam nguyên biết cuộc lễ bắt đầu. Sau đó, ông ta hô tiếp một lần đồng thời nhổm người lên một ít, hô lần thứ hai đứng khom và hô lần thứ ba đứng thẳng người lên. Xong việc này, ông dang tay phải sang phải và cũng hô ba lần, mỗi lần hô là một lần nâng dần lên, đến câu thứ ba thì giơ thẳng lên đầu. Hết bên phải chuyển sang bên tay trái. Cứ mỗi lần hô và làm động tác này thì Tam Nguyên ở trên bàn cũng nhìn mà làm theo, và xong một bên tay thì Tam Nguyên thả một cặp hai miếng vải đen trắng ở một kẽ tay. Cứ như vậy sau sáu lần thì số mảnh vải kẹp ở tay cũng hết.
Xong việc thả các mảnh vải, theo lời hô của thầy, Tam Nguyên đứng thẳng và ngồi xuống, hai tay bó vào gối. Lại ba lần hô, Tam Nguyên theo đó mà chụm chân và xoay dần ra mép bàn phía đông. trong lúc đó, mọi người ở dưới cùng nhau trải võng cho căng ra. Trên mặt võng trải 12 cái chăn đan chéo nhau, đồng thời lấy gạo vãi khắp mặt võng. Số chăn phải xếp sao cho để lúc người Tam Nguyên nhảy xuống thì tất cả các đầu chăn phải chụm lại phủ kín toàn bộ người nhảy võng.
Tam Nguyên cứ nhích dần, nhích dần. Đến lần hô thứ ba thì buông mình rơi xuống võng theo đằng lưng xuống trước. khi xuống tới nơi, tất cả các chăn phủ kín Tam Nguyên. Anh ta không được động đậy mà vẫn giữ nguyên tư thế ngồi bó gối. Chỉ đến khi các thầy xông vào, lấy tay đập vào đầu gối, lúc ấy Tam Nguyên mới được bỏ tay ra và duỗi thẳng người và chân. các thầy cởi áo của mình ra đắp cho Tam Nguyên. Người ta bắt đầu đọc những lời thần chú. Sau đó người ta nâng Tam Nguyên ngồi dậy, các thầy lần lượt vào dùng dấu bùa đóng (tượng trưng) và niệm chú cho Tam Nguyên, bón trứng và cơm cho Tam Nguyên. Người ta đem đến một cuộn vải và chiếc ống nứa để dốc tiền vào lòng Tam Nguyên để kiểm tra âm dương rồi xé cho Tam Nguyên hai đoạn vải.
Mọi thủ tục như vậy là xong. Giờ đây chàng trai ấy coi như đã được cấp sắc là Tam Nguyên. Và anh ta đã trở thành một ông thầy Tam Nguyên mới và hoà vào dòng các thầy múa ba vòng xung quanh bàn địa. trong lúc vừa múa các thầy cùng nhau chặt võng ra nhiều mảnh và đem vứt ra bốn phía. Lễ kết thúc, mọi người lại nhảy múa trở về nhà trong tiếng nhạc rộn rã.
Những người hôm qua dựng bàn địa nay lại tự tay phá nó ra, ngoài những người đó không ai được làm. Lán thờ được dỡ và đem ra khỏi khu vực nhà ở để đốt đi.
Lễ lập tịch của Dao Họ là một lễ hội vừa phong phú vừa phức tạp, trong đó chứa đựng rất nhiều các các phong tục, tín ngưỡng của dân tộc Dao Họ. Nó là một hiện tượng văn hoá tổng hợp gồm nhiều loại hình múa, nhạc, lễ và đặc biệt là số lượng lớn những bài cúng do các thầy cúng đọc từ các sách đã được quy định từ lâu đời, có ý nghĩa rất quan trọng đến đời sống vật chất vào tâm linh của tộc người này.
Đền Thượng là nơi thờ Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo - vị tướng, người anh hùng dân tộc đã có công lao to lớn, lãnh đạo toàn dân và quân Đại Việt 3 lần đánh thắng quân Mông Nguyên xâm luợc hồi thế kỷ XIII. Nhiều năm qua cứ “ đến hẹn lại lên” vào rằm tháng Giêng hàng năm, đồng bào các dân tộc ở Lào Cai và cả nước lại nô nức hành hương về thành phố Lào Cai – nơi đất thiêng ải Bắc để hoà mình vào bầu không khí sôi động của Lễ hội đền Thượng.
Khác với lễ hội ở các di tích khác nơi thờ Trần Hưng Đạo, như ở Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương), hay ở Nam Định và các nơi khác, đền Thượng ngoài ngày lễ chính là ngày 20 tháng 8 âm lịch là ngày kỵ của Đức thánh Trần, thì từ ngày tái lập tỉnh Lào Cai (1991) đến nay, cứ vào mỗi dịp xuân về vào ngày rằm tháng riêng hằng năm là tổ chức lễ hội.
Phần lễ được cử hành trang nghiêm trong các đền chùa trên đồi Hoả Hiệu bao gồm có khai hội, rước kiệu vong linh, đọc văn tế, dâng hương.
Nghi thức dâng hương của các đoàn đại biểu Trung ương, lãnh đạo tỉnh Lào Cai, lãnh đạo tỉnh bạn Vân Nam - Trung Quốc… được tổ chức long trọng tại đền Thượng. Đồng bào các dân tộc ở Lào Cai cũng như từ nhiều nơi khác đến với Lễ hội Đền Thượng dâng lễ đều có tâm nguyện cầu mong Đức Quốc Công Tiết Chế Trần Hưng Đạo cùng Tổ tiên Đại Việt… chứng giám cho tấm lòng thành của mình, phù hộ cho con cháu được khoẻ mạnh, hạnh phúc, thành đạt
Phần hội diễn ra tưng bừng náo nhiệt với nhiều trò chơi dân gian đặc sắc, vui nhộn như: múa rồng, lân, kéo co, ném còn, vật dân tộc, đẩy gậy, bắn nỏ, chọi gà, đu, cờ người…
Lễ hội Ðền Thượng là nét đẹp văn hóa của các dân tộc Lào Cai đã và đang đưược bảo lưu và phát triển. Khách đến không những được tỏ lòng thành kính với ngưười anh hùng dân tộc, thăm quan vãn cảnh đền, cầu chúc cho năm mới may mắn tốt lành, mà còn đưược thưởng thức không khí vui tươi, nhộn nhịp của các hoạt động lễ hội. Hội xuân Ðền Thượng chắc chắn sẽ tạo nên một ấn tượng tốt đẹp, góp phần quảng bá cho hình ảnh của du lịch Lào Cai là điểm đến của du khách trong thiên niên kỷ mới.
Hàng năm vào ngày Thìn tháng Giêng âm lịch người Giáy ở Tả Van (huyện Sa Pa - Lào Cai) lại mở hội Roòng Poọc để cầu mùa màng bội thu, người yên vật thịnh, mưa thuận, gió hoà. Tuy vốn là lễ hội dân tộc truyền thống của người Giáy ở Tả Van, nhưng nhiều năm nay đã lan rộng, trở thành lễ hội chung của cả vùng thung lũng Mường Hoa.
Tại lễ hội, lễ vật trên bàn cúng bao gồm: Đĩa hoa quả, bánh kẹo, năm bát xôi màu xanh, đỏ, tím, phỏng gạo bốn bát, hai nắm xôi trắng nắm ý nghĩa vị thần mang theo trên đường đi. Bên cạnh có bát nước trong có đồng xu tượng trưng sự sung túc về tiền bạc. Cạnh bát hương là 5 chén nước chè, 9 chén rượu và 9 quả trứng màu xanh, đỏ, trắng tượng trưng cho màu trang phục của 9 nàng theo hầu vị thần. Ngoài ra còn có trang sức dành cho các nàng hầu như khuyên tai, vòng đeo tay, đeo cổ. Bên cạnh bát nước là quả Còn để ném vòng nhật nguyệt. Một con lợn con, một con gà, con vịt sống để gầm bàn lễ khi nào già bản khấn cúng xong dâng lên vị thần (hiến tế) với ý nghĩa cảm ơn vị thần đã cho dân bản nhiều gia súc. Trên ghế vị thần ngồi bên trái có gánh củi, ý nghĩa trên đường đi vị thần và người hầu có củi để nấu ăn và sưởi. Bên phải có gánh cỏ, ý nghĩa để trên đường đi ngựa của vị thần có cỏ để ăn. Trên ghế ngồi của vị thần có trải chăn màu đỏ vì theo dân tộc Giáy màu đỏ là màu may mắn.
Sau khi chuẩn bị các lễ vật xong thầy cúng khấn cúng, đọc tên các lễ vật và xin vị thần bản phù hộ cho dân bản một mùa bội thu, gia súc đầy chuồng, làm được của ăn của để.
Lễ cúng xong thì thầy cúng sẽ đưa quả Còn cho những người già uy tín trong bản ném vòng Nhật Nguyệt treo ở độ cao 30m. Trong ngày làm lễ cúng phải ném thủng vòng Nhật Nguyệt, vì người Giáy quan niệm rằng nếu vòng Nhật Nguyệt không được ném thủng thì cả năm đó bản sẽ đen đủi. Khi vòng Nhật Nguyệt được ném thủng thì từng gia đình đến bàn thờ chính để thắp hương vái lạy thần linh, cầu may mắn cho gia đình và làng bản.
Tham gia lễ hội là tất cả già trẻ, lớn bé trong bản. Người Giáy cũng rất cởi mở khi đón tiếp bạn bè các dân tộc anh em đến xem và chia vui. Sau phần lễ (cúng tế) là đến phần hội. Nhiều trò chơi dân gian diễn ra rất vui, trong đó đặc biệt là có cuộc thi tài cày ruộng của những chàng trai.
Mở đầu là trò chơi ném còn. Những người cao tuổi (nam một bên, nữ một bên) lấy 6 quả còn cùng ném tượng trưng 3 lần khai mạc, rồi sau đó mọi người vào cuộc chơi. Những quả còn tua xanh đỏ vun vút lao lên phông còn.Tiếng xuýt xoa hò reo cổ vũ rền vang. Phông còn bị ném thủng là báo hiệu cho một năm mùa màng tươi tốt.
Cùng với ném còn là chơi kéo co. Tốp nam đứng phía đông cầm phần gốc dây song (dây kéo co).Tốp nữ đứng phía tây cầm phần ngọn. Hồi trống kèn nổi nên thùc giục.Bên nam (đằng đông tượng trưng cho dương, mặt trời) luôn kéo thắng. Bên nữ (tượng trưng cho âm) giả vờ thua. Và như vậy, năm đó cả làng sẽ được mùa.
Lễ hội Roòng Poọc (xuống đồng) của người Giáy là sự giao hoà giữa thiên nhiên và con người, làm mỗi người trong cộng đồng nơi đây biết trân trọng giá trị của lịch sử (ghi nhớ công lao người mở đất lập bản), biết trân trọng thiên nhiên (tâm linh tôn trọng các thế lực siêu nhiên, biết yêu thương cỏ cây, tài nguyên đất và nước), biết yêu thương con người (giao lưu, đồng cảm, đoàn kết). Vì vậy, lễ hội này vừa có nét đẹp văn hoá cổ truyền, vừa phù hợp với điều kiện cuộc sống hiện đại mà ta vẫn kỳ vọng là sự phát triển bền vững. Ngoài ra, lễ hội còn thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước, là nguồn tài nguyên nhân văn để tiếp tục phát triển kinh tế du lịch nơi vùng đất huyền thoại Mường Hoa-Sa Pa.
Hàng năm cứ vào ngày Hợi tháng giêng (mồng 5 Tết), dân tộc Dao Đỏ ở Làng Chành, xã Xuân Giao (Bảo Thắng) lại rộn ràng mở hội “Trầu Sun”.Trầu sun là một trong những nghi lễ cầu mùa rất đặc trưng của người Dao đỏ được các làng bản tổ chức thường xuyên hàng năm hoặc vài ba năm một lần vào các dịp đầu xuân cầu cho mưa thuận gió hoà, cây cối phát triển, mùa màng tốt tươi, không xảy ra dịch bệnh, gia đình ấm lo, hạnh phúc.
Lễ cúng diễn ra trên một khu đất đai bằng phẳng, ở một khu ruộng hoặc trên một quả đồi, nơi có không gian thoáng đãng, thuận lợi cho việc tổ chức. Ngày lễ chính, các gia đình trong làng đóng góp tiền mua sắn lễ vật gồm: xôi, lợn, gà, giấy tiền, vàng hương để cầu mong các vị thần tiên trên trời, dưới đất phù hộ cho dân làng có cuộc sống yên ổn, ấm lo, thịnh vượng.
Một mâm cúng chính đặt ở giữ gồm có một con lợn, xôi (xôi có bốn màu), gà (phải là gà trống), 5 chiếc chén, 1 chai rượu, 1 bát gạo và hai đồng bạc trắng để cúng sư phụ của người thầy, một bát nước để các vị thần về dự rửa tay. Một mâm cúng phụ đặt bên cạnh đặt các giống như: lúa, ngô, sắn, hạt cải, hạt mướp, hạt đậu tương…của các gia đình mang đến để nhờ thầy cúng gọi hồn lúa về nhập vào các hạt giống này. Tiếp đó hai mâm cúng khác được đặt hai bên, trong đó một mâm cúng gọi hồn lúa “chịu bèo guần” gồm có: 05 chiếc chén, 01 chai rượu, 01 ống hương, 01 bát nước, 01 bát bánh trôi, 09 quả trứng gà và giấy tiền. Bánh trôi “dùa chíu” gồm có 4 hoặc 5 được bỏ vào bát sau đó họ bỏ 7 hoặc 9 quả trứng gà vào bên trong, rồi úp con gà lên trên tựa như con gà đang ấp trứng vì theo quan niệm của người Dao đỏ nó mang ý nghĩa tượng trưng cho bồn thóc lúa của gia đình lúc nào cũng nhiều, cũng đầy, luôn sinh sôi nảy nở. Mâm cúng thứ ba là giành riêng cho ma đói, ma khát, ma đường, ma chợ không có người thờ tự, ma rừng, ma suối.
Sau khi lễ vật được chuẩn bị xong, thầy cúng thay mặt dân làng thắp hương khấn báo thần làng, trời đất phù hộ cho dân làng mở hội cầu mùa, cầu phúc, cầu tài cầu cho con trai làng trên, con gái làng dưới, thuận duyên, bén lứa nên vợ, nên chồng, nhà nhà ấm no hạnh phúc…
Sau khi kết thúc phần lễ, diễn ra cuộc thi văn hoá – văn nghệ, thi đấu các môn thể thao truyền thống, như đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, đánh quay. Đội văn nghệ các xã tổ chức thi múa, hát, trích đoạn nghi lễ cấp sắc người Dao… Các trò chơi, trò diễn càng sôi nổi hấp dẫn bởi sự góp mặt của cộng đồng các dân tộc ở 7 xã, thị trấn cùng đông đảo đồng bào các dân tộc từ khắp các địa phương lân cận đến xem và cổ vũ cho các tiết mục biểu diễn văn nghệ và thi đấu thể thao.
Từ thập kỷ 50 về trước, Tả Van có một ngôi miếu thờ 3 gian. Ngôi miếu dựng ở ngay đầu cầu treo sang làng Tả Van Giáy. Ngôi miếu trở thành địa điểm tổ chức lễ “Nào Cống” của cả vùng thung lũng Mường Hoa. Hàng năm vào ngày Thìn, tháng 6 âm lịch, các làng người Mông, người Dao, người Giáy ở Mường Hoa đều tập trung về miếu thờ làm lễ “Nào Cống”. Mỗi gia đình cử một người đại diện (có thể là chồng hoặc vợ), không phân biệt nam, nữ, già, trẻ.
Lễ “Nào Cống” có 3 phần: Phần nghi lễ cúng thần, phần công bố quy ước chung cả vùng và phần ăn uống.
Ngôi miếu thờ được người Mông gọi là “Chế đáng” (Tsêr đăngz). Miếu thờ có 3 gian, gian giữa thờ hai viên quan họ Đào, họ Nguyễn đã có công an dân và xây dựng Mường Hoa. Một gian bên trái thờ thần núi (Sơn thần), thần Suối Hoa (Long Vương), người Giáy gọi là “Sía po”, “Sía ta”, người Mong gọi là “Thủ Ti”, “Lùng Vàng”. Một gian bên phải thờ các bà nàng vợ hai ông quan họ Đào, họ Nguyễn. Lễ Vật dân cúng là trâu đen, lợn đen và gà vịt do các làng đóng góp mua. Làng Tả Van Giáy còn có trách nhiệm chuẩn bị vàng hương, bát đĩa dâng cúng.
Trước đây, người chủ lễ phải mời thầy mo người Tày của Mường Bo (4). Từ thập kỷ 40 – 50 của thế kỷ này, chủ lễ là thầy mo của người Giáy ở Tả Van. Thầy mo ăn mặc áo dài, quần thụng (kiêng đội mũ, khăn) trịnh trọng đọc lời cúng các thần kinh. Nội dung bài cúng là mời các thần về dự lễ, cầu mong các thần phù hộ người yên vật thịnh, được mùa. Sau lễ cúng, chức dịch Mường Hoa lên đọc quy ước chung của cả Mường... Nội dung bản quy ước đề cập đến 4 vấn đề:
- Vấn đề trị an của các làng: không được trộm cắp, có biện pháp phòng ngừa kẻ xấu nơi khác đến trộm cắp.
- Vấn đề bảo vệ rừng: Các làng người Mông, người Dao, người Giáy, phải chú ý làm rẫy, cấm lấy củi hái măng ở khu rừng cấm thờ thổ thần và khu rừng chung đầu nguồn nước của làng...
- Vấn đề chăn dắt gia súc : Quy ước có quy định cụ thể thời gian cấm thả rông gia súc. Hàng năm từ ngày 15 tháng chuột (tháng 10 âm lịch) đến này Thìn tháng giêng (ngày mở hội xuống đồng) người dân mới được thả gia súc. Ngoài khoảng thời gian trên, cấm mọi người thả rông gia súc để tránh bị phá hoại mùa màng.
- Vấn đề ứng xử xã hội: Các quy ước của cả vùng đều đề cập đến quan hệ tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, giúp gia đình có tang... đồng thời phê phán quan hệ nam nữ không lành mạnh, “Cấm kéo đàn bà, con gái vào trong núi”... Kết thúc phần đọc các quy ước, người chức dịch còn nhấn mạnh “Hôm nay, tôi nói cho mọi người biết như thế, từ đây mọi người trở về nhà phải tuân theo những lý lối này và kể cho cả nhà được biết để tuân theo”.
Khác với lễ “Nhặn sồng”, “Nào sồng”, lễ “Nào Cống” không tổ chức bàn bạc thảo luận quy ước, mọi người đến dự chỉ có trách nhiệm tuân theo quy ước do chức dịch đã phổ biến.
Kết thúc phần phổ biến quy ước, mọi người dự lễ “Nào cống” đều vui vẻ ngồi vào mâm ăn uống cộng cảm. Dân làng nào tự nấu lấy thức ăn cho làng ấy và cùng ăn với nhau ở ngoài miếu. Trong miếu, chỉ có các chức dịch (lý trưởng, phó lý, thầy mo) được ngồi ăn. Trong làng, gia đình nào không có người đến dự, người khác sẽ dành phần thức ăn mang về.
Đây là Lễ hội của người Dao đỏ ở làng Tả Chải (Tả Van – Sa Pa). Trước đây, vào những ngày tốt của tháng đầu năm hàng năm, người Dao ở Giàng Tả Chải thường tổ chức lễ “Nhặn Sồng” ở khu rừng cấm của làng. Từ đầu thập kỷ 50, do sự gia tăng dân số, nạn phá rừng làm nương rẫy cũng phát triển, nên chỉ năm nào rừng bị phá nhiều, trâu ngựa thả rông phá vườn tược hoa mầu, người Dao mới tổ chức lễ “Nhặn Sồng”. Đồ cúng lễ là một con lợn (to hay nhỏ tuỳ thuộc số người đến dự nhiều hay ít). Con lợn này luân phiên hàng năm từng hộ gia đình trong làng nuôi dưỡng. Lợn dâng cúng phải là lợn có lông đen tuyền, khoẻ mạnh, béo tốt.
Ngày làm lễ, mỗi hội gia đình cử từ một hay hai người nam giới đi dự. Người đi dự lễ đều mặc quần áo đẹp, mang theo nửa lít rượu và một bát gạo, nét mặt hồ hởi tiến vào khu rừng hay bị phá nhất. Địa điểm họp có khi cũng chọn ngôi nhà gần khu rừng bị phá (vì theo quan niệm của đồng bào, nhà ở gần rừng hay thả rông gia súc và hay phá rừng nhiều hơn).
Khi mọi người đến đông đủ, dân làng bầu ra một người làm gốc, “Chẩu chiếu” - người đứng đầu trông coi rừng trong năm. Người “Chẩu chiếu” phải là người có sức khoẻ, giỏi lý lẽ, hiểu biết lệ tục. Sau khi được bầu “Chẩu chiếu” làm lễ cúng thần thổ địa “Thủ Ti” - Vị thần cai quản cộng đồng làng. Sau đó ông ta trịnh trọng đọc quy ước của làng.
Sau khi “Chẩu chiếu” đọc xong một điều quy định, đại diện các gia đình thảo luận. Cuối cùng, “Chẩu chiếu” tổng hợp các ý kiến thành quy ước riêng của làng về bảo vệ rừng, mọi người dân trong làng Giàng Tả Chải đều có trách nhiệm thực hiện. Quy ước của làng đã được “Thiêng” hoá vì có sự chứng kiến, công nhận của thần thổ địa. Quy ước của làng là nguyện vọng của cả làng, trở thành “luật lệ” của làng, mọi dân làng đều tự giác tuân theo. Trong niềm vui thống nhất được quy ước, mọi người đều ăn chung một bữa ăn cộng đồng. Thịt, cơm bầy ra lá rừng, rượu uống bằng ống bương nhưng mọi người đều hân hoan trong niềm vui chung của cả làng.
Người Mông ở Séo Mí Tỷ, ở Dền Thàng Tả Van cũng như ở Lao Chải, Hầu Thào, trước đây đều tổ chức lễ ăn ước tương tự như lễ “Nhặn Sồng” của người Dao. Nhưng ngày cúng thường là ngày Thìn của tháng giêng (với ý niệm mong mưa thuận gió hoà).
Địa điểm cúng thường tổ chức ở khu rừng cấm của cả làng – nơi thờ thần thổ địa, thần thường ngự ở một gốc cây to hoặc một hòn đá lớn trong rừng cấm. Sau khi ông “Chứ lồng” - người chủ lễ dâng cúng thần, đọc lời quy ước. Người dân đến dự đều có quyền tự do thảo luận, bàn bạc.
Nội dung quy ước của lễ “Nào Sồng” tại các làng dân tộc H’Mông có sự mở rộng phạm vi điều chỉnh hơn làng người Dao. Bên cạnh việc bảo vệ rừng, chống thả rông gia súc, quy ước còn đề cập đến các vấn đề phòng chống trộm cắp, bảo vệ mùa màng, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau...
Tết nhảy là lễ hội quan trọng và được chuẩn bị khá công phu của người Dao ở Tả Van. Khoảng cuối giờ Thìn, đầu giờ Tỵ ngày mùng một và mùng hai Tết âm lịch hằng năm, lễ hội Tết nhảy - một hình thức sinh hoạt văn hóa độc đáo của người Dao đỏ - sẽ được tổ chức duy nhất tại nhà ông trưởng họ bản Tà Phìn, huyện Sapa, tỉnh Lào Cai.
Ban đầu, một tốp nam thanh niên "sài cỏ" theo sự hướng dẫn của thầy cả "chái peng pi" tổ chức 14 điệu nhảy dẫn đường, bắc cầu đưa đón tổ tiên, thần linh về "ăn" Tết. Để chào bố mẹ, tổ tiên đã khuất, điệu nhảy chỉ được thực hiện bằng một chân, đầu cúi, ngón tay trỏ giơ cao; Để mời tiên nương, tiểu nữ giáng trần, điệu nhảy được diễn tả bằng múa cò "pẹ họ", mô phỏng cảnh chim cò sải cánh bay xa, rồi dáo dác tìm chỗ đậu lại; Điệu nhảy mời thần linh "ăn" Tết được diễn tả bằng nhịp bước khoan thai và uy lực của loài hổ... Các điệu múa mang tính hình tượng cao và độc đáo. Không biết có từ bao giờ, nhưng đêm của những vũ điệu vẫn được người Dao đỏ ở Tà Phìn lưu giữ cho tới ngày nay, và coi như một sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong những ngày đất trời vào xuân.
Kết thúc các điệu nhảy mở đường, đón chào tổ tiên, thần linh, cả dòng họ tiến hành điệu nhảy rước tượng tổ tiên. Tượng tổ tiên làm bằng gỗ tốt, là tác phẩm điêu khắc độc đáo của người Dao đỏ. Tượng được chạm khắc đẹp với nét hoa văn trang phục thời cổ xưa, dài khoảng 25 cm, đường kính thân 5 cm, bàn tay phải của tượng có cầm thẻ bài ghi rõ tên ông tổ.
Ngày thường trong cả năm, tượng được bọc kín bằng vải trắng. Đến ngày Tết, con cháu rước tượng xuống làm lễ tắm gội, thay khăn choàng mới. Nước tắm cho tượng cũng làm từ lá thơm qua một quy trình chưng cất nghiêm ngặt, thể hiện đậm nét văn hóa tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam. Sau lễ tắm gội cho tượng tổ tiên, con cháu tổ chức các điệu nhảy dâng gà, xôi và lễ vật. Thầy cả và 3 thanh niên tay cầm con gà trống sống, nhảy theo điệu dâng gà, có động tác rước gà lên đầu, có động tác vác gà qua hai vai, rồi vừa nhảy múa vừa vặt đầu gà làm thịt... Kết thúc là điệu nhảy múa cờ.
Tết nhảy của người Dao đỏ ở Tà Phìn diễn ra từ cuối giờ Thìn đến giờ Dậu (khoảng 5 tiếng đồng hồ) và mang tính tổng hợp khá đầy đủ các loại hình nghệ thuật dân gian khác của dân tộc Dao đỏ, như nghệ thuật nhảy múa, âm nhạc, ngôn ngữ ... Trong Tết nhảy, người Dao đỏ còn hát các điệu hát nói về công lao của đấng tổ tiên, sự tích dòng họ, các sinh hoạt cấy trồng, dệt vải, săn bắn...
Gầu tào là lễ hội quan trọng của người Hmông. Lễ hội mở ra nhằm một trong hai mục đích cầu phúc hoặc cầu mệnh. Một gia chủ nào đó không có con, thưa con hoặc sinh con một bề, sẽ làm lễ nhờ thày cúng bói xin cho mở hội Gầu tào nhằm cầu mong có con - đó là hội cầu phúc. Một gia chủ khác bị ốm đau bệnh tật, con cái yếu ớt, thậm chí có con bị chết, mùa màng, vật nuôi lụi dần, cũng nhờ thầy cúng bói xin mở hội Gầu tào - đó là hội cầu mệnh. Thời gian mở hội thường trong khoảng từ ngày mồng một đến ngày 15 tháng giêng. Nếu hội tổ chức 3 năm liền thì mỗi năm tổ chức 3 ngày liền, hội làm gộp một năm sẽ tổ chức 9 ngày.
Ngay từ cuối tháng chạp, khi được thầy cúng bói xin mở hội, gia đình mở hội cầu phúc phải nhờ anh trai, chị dâu (những người có con cả trai, cả gái) chặt cây mai cao to, không cụt ngọn, ngọn dài có lá về dựng nêu. Riêng gia chủ cầu mệnh, mong mọi người trong gia đình đều được khỏe mạnh xin đuổi hết bệnh tật ốm đau, làm ăn tấn tới thì phải cử hai thanh niên khỏe mạnh trong dòng họ chặt cây mai về dựng nêu. Lễ dựng nêu được tổ chức từ ngày 26 đến ngày 29 tết. Địa điểm trồng cây nêu (cũng là địa điểm mở hội) một quả đồi gần đường đi, tương đối bằng phẳng, đánh bớt gốc cây, dọn sạch các bụi cây lúp xúp. Cây nêu được chôn ngay trên đỉnh đồi. Nếu lễ hội được chia làm ba năm (tổ chức suốt ba năm liền) thì mỗi năm chỉ dựng một cây nêu bằng cây mai. Nhưng nếu lễ hội chỉ tổ chức gộp một lần thì phải chôn dựng ba cây nêu theo hình tam giác cân ở giữa đỉnh đồi. Trên gần ngọn nêu treo 3 miếng vải lanh màu đen, trắng, đỏ khác nhau. Ở Pha Long (Mường Khương) chỉ treo một miếng vải đỏ và dải vải đen. Ở Sa Pa lại chỉ treo một dải vải đỏ. Phía dưới sợi vải, treo lủng lẳng bầu rượu ngon và một dây tiền giấy bằng giấy bản. Khi dựng xong cây nêu, gia chủ còn làm lễ cúng ở ngay chân cột nêu mời tổ tiên các thần phù hộ cho có con, mọi thành viên đều khỏe mạnh, bằng an kế tục việc làm ăn, làm mặc theo dòng họ. Khi cây nêu được dựng lên, các làng gần, làng xa biết rằng tết năm nay sẽ mở hội Gầu tào. Mọi người nô nức chuẩn bị dự hội.
Ở Sa Pa, sáng ngày mồng một tết làm lễ mở hội. ở Mường Khương mở hội vào ngày mồng 3 tết. Sau phần cúng khai hội của thầy cúng, mọi người cùng tham gia các cuộc thi trò chơi.
Sáng sớm ngày khai hội, mọi người tụ tập đến bãi mở hội. Khắp bãi đã dựng thêm nhiều lều lợp lá cây cho người già ăn uống chúc tụng. Bãi bằng nhất được dọn ra cho trẻ em đánh quay. Những dây ống hát được chăng lên khắp triền đồi. Nơi bắn nỏ, bắn cung, sân múa khèn, đường đua ngựa cũng được qui định và bài trí đơn giản. Mỗi sân bãi đều đã cắt cử người quán xử (chủ sự). Gia chủ là người có quyền tối cao thống lĩnh toàn hội. Bên cạnh gia chủ, sẽ có hai đến ba trung niên hay ông già thạo đường ăn nói thay mặt gia chủ giải quyết mọi sự. Nếu gia chủ là người ít nói năng, chậm chạp thì có thể nhờ và ủy quyền cho một người thay mặt mình. Ngoài ra cần có xừ quan (quản lý) chăm lo việc ăn uống, có hấu pầu tờ (quản củi đuốc), hấu pầu giê (trông nom xay giã dần sàng) cùng với xừ quan. Tại đây khi làm những thủ tục lễ bái, hầu hết là dùng những từ hoa mỹ (pàng lỳ) thanh cao, những câu ví mỹ miều, những câu tục ngữ (lù txà) khoa trương. Ngày nay rất ít người biết hết những câu, từ, bài sử dụng trong hội.
Khách ngoài họ, khách đường xa đến, người thì ống gạo, người thì thồ ngô, người thì hũ rượu, người xách đôi gà, ai mang đến đều phải vào làm lễ cầu chúc cho mọi người yên vui khang đường, tiếp nữa là cầu chúc cho mùa màng bội thu, lợn gà đầy chuồng, đầy sân. Chủ nhà nói lời cảm tạ và biết ơn ghi sâu lòng hiếu thảo hào phóng của khách.
Phần hội sôi nổi với rất nhiều trò chơi như : Thi bắn cung nỏ, đánh quay, đu quay, nhảy ngựa, đánh yến, đánh cầu, múa khèn, hát gầu plềnh, hát tình ca… mỗi trò tổ chức theo từng khu riêng, khách gần khách xa, người già, người trẻ ai thích chơi trò gì thì làm đến sân ấy. Đám hội nào cũng nườm nượp.
Đêm đến, khách xa, người cao tuổi được mời về nhà gia chủ. Tại bãi hội, những đống lửa được đốt lên, mọi người tiếp tục cuộc vui. Ngày đầu tiên, sau khi làm lễ khai hội, nếu nhà thày mo ở gần thì mọi người kéo vào nhà thày làm lễ nhảy (đha thàng). Đám nhảy đồng thời cũng sẽ tiếp diễn cho đến hết hội. Những năm không có hội, mọi người vẫn kéo đến nhà thày mo cùng nhảy đồng (nhảy tập thể tốp nam hoặc tốp nữ).
Hết thời hạn hội, gia chủ làm lễ kết thúc, cây nêu được hạ xuống. Thày mo đốt thẻ giấy, hốt than cho vào gáo nước, vừa đi vừa cầu khấn. Sau mỗi đoạn khấn vái, thày lại hấp một ngụm nước phun ra xung quanh. Gia chủ cầm bầu rượu hạ từ trên cây nêu đi theo sau thày mo, cũng hẩy rượu ra khắp nơi. Mảnh vải đỏ thì mang về treo trong nhà cầu mong hồng phúc đời đời. Trường hợp nếu là hội cầu phúc, ông chủ hội chọn một đôi trai gái, một đôi nam nữ đứng tuổi đông con và họ hàng rước nêu về gia chủ gác ở đằng sau nhà hoặc làm giát giường mong sớm có con. Nếu mở hội cầu mệnh thì rước cây nêu đến gác ở chỗ vách đá khô ráo.
Lễ hội xuống đồng đầu xuân của đồng bào dân tộc Tày, Dao xã Bản Hồ- Sa Pa khai hội sáng ngày mồng 8 Tết đã thu hút rất đông nhân dân địa phương và du khách thập phương, có rất nhiều khách du lịch nước ngoài đã đến dự vui và khám phá nét văn hoá đặc sắc của đồng bào vùng núi cao phía bắc.
Phần lễ được bắt đầu từ tục rước đất, rước nước. Đoàn rước bao giờ cũng đi từ rất sớm khi trời còn chưa rõ mặt người. Trong đoàn gồm có: thầy cúng, đội trống, đội khèn, hai đôi nam nữ chưa vợ chưa chồng khiêng kiệu rước. Kiệu rước được trang trí sặc sỡ nhiều mầu theo biểu tượng âm dương ngũ hành. Đi đầu đoàn rước là thầy cúng, người được dân bản giao trách nhiệm là sứ giả để giao tiếp với thần linh, trên tay thầy cầm cây nêu biểu tượng của sự sinh sôi, nảy nở. Đi sau là kiệu rước nước, nước được đựng trong hai ống bương to một ống bố và một ống mẹ. Tiếp đến là kiệu rước đất, đất thiêng được lấy từ trên núi cao gọi là đất mẹ.
Sau đó là các mâm lễ để dâng các vị thần linh. Lễ vật gồm một mâm quả còn (bên trong các quả còn có đựng các hạt giống), mâm xôi 7 màu, bánh dày ngũ sắc và thủ lợn, gà luộc, hoa quả... Đội chiêng trống đi hai bên thầy cúng nổi chiêng trống để thầy cúng giao linh với thần linh.
Khi đoàn rước về đến địa điểm làm lễ, thầy cúng ra hiệu cho đội nhạc lễ tấu lên ba hồi kèn trống vang vọng cả núi rừng, trời đất, tiếp đó thầy cúng thực hiện nghi lề cúng. Thầy khấn và phun nước làm phép để xua đuổi ma quỉ, xua đuổi điều không may, rồi thầy tung lộc (là các hạt giống) của thần linh cho dân bản.
Phần hội được bắt đầu bằng các điệu múa và các tiết mục văn nghệ dân gian đặc sắc của người Tày, người Dao. Nhưng nổi bật nhất, vui nhất, nhiều người tham gia nhất là những màn xoè, khi tiếng kèn trống vang lên các cô gái Tày mở đầu màn xoè với những động tác xoè duyên dáng, điệu nghệ mời mọi người tham gia, vòng xoè cứ rộng mãi đi đều trong tiếng kèn, tiếng trống dập dìu.
Khi các màn xoè kết thúc mọi người lại đổ tới khu chơi trò chơi. Các trò chơi ở đây đa số là trò chơi dân gian. Đầu tiên là trò chơi ném còn, hai đôi nam thanh nữ tú được vinh dự ném quả còn đầu tiên, sau đó tất cả mọi người đều được tham gia. Trò chơi ném còn được tiếp tục cho đến khi quả còn được ai đó ném qua vòng. Tiếp theo là các trò chơi như đẩy gậy, kéo co, đánh quay, đánh bóng, bịt mắt bắt dê, leo cột mỡ...
Hội xuống đồng Bản Hồ- Sa Pa tiếp thêm sinh lực mới cho người dân trong sản xuất và xây dựng, gìn giữ bản sắc văn hoá.
Đặc điểm chung Lễ hội cầu mùa ở Lào Cai, đều cầu cho người yên vật thịnh, mùa màng tốt tươi, lúa đầy bồ gà lợn đầy chuồng… Nhưng ở mỗi dân tộc khác nhau trong tỉnh cách thức tổ chức lễ hội rất khác nhau.
Lễ hội Cầu mùa của người Dao Tuyển
Như thông lệ vào ngày tý tháng giêng hằng năm, người dân tộc Dao tuyển thôn Làng My, xã Xuân quang, huyện Bảo Thắng, lại rộn rã tổ chức lễ cầu mùa, cầu cho người yên vật thịnh, mùa màng tốt tươi, lúa đầy bồ gà lợn đầy chuồng…
Lễ hội Cầu mùa là một lễ hội của người Dao Tuyển. Đây là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Dao Tuyển, không cầu kỳ nhưng mang nhiều yếu tố tâm linh sâu sắc của cả cộng đồng.
Trước khi mở hội người già trong bản, phân công là những người có uy tín, người cao tuổi làm bàn thờ cho ngày lễ. Cột bàn thờ được làm bằng bốn cây gỗ, xung quanh đan bằng nan nứa, phía bên trong đặt ba ống bầu to dùng làm bát hương. Ba bát hương đó thể hiện có trời có đất có con người, trong có đặt một ít tiền vàng mã. Dưới gầm bàn thờ là một bó ngọn mía như muốn cho mọi điều ngon ngọt.
Khi vào lễ, bốn người trẻ tuổi ăn mặc chỉnh tề đội lễ từ bốn hướng đi về nơi được chọn làm lễ. Trên mâm lễ là gà luộc, bánh chưng, bánh mật, tiền vàng mã. Trong các mâm lễ người ta quan niệm phải có nam có nữ vì thế nhất thiết là các con gà trên mâm lễ có cả gà trống, gà mái. Thầy mo đọc bài cầu khấn trời đất cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, bội thu, con cháu học hành thành đạt, nhà nhà no đủ. Cầu mong mọi sự bình yên, giảm đói nghèo.
Tất cả mọi người cùng nhau tham gia các trò chơi dân gian kéo co, đẩy gậy, ném còn. Trong trò chơi ném còn người Dao quan niệm rằng nếu ai ném quả còn qua vòng đầu tiên trong lễ hội là người đó gặp nhiều may mắn trong năm.
Lễ hội Cầu mùa của người Hà Nhì
Đây là lễ hội lớn của bà con dân tộc Hà Nhì Đen ở vùng cao biên giới thuộc huyện Bát Xát thể hiện nét đặc sắc truyền thống trong đời sống văn hóa của người Hà Nhì.
Người Hà Nhì mở hội "Khu rừng già" hay còn gọi là Tết tháng Sáu vào cuối hè khi cây lúa bắt đầu lên đòng, ngô gieo đã lên xanh lá, cầu mong một vụ mùa bội thu. Bằng các nghi lễ truyền thống người Hà Nhì thể hiện sự tôn kính đối với thần rừng, núi, trời và thần đất.
Phần Hội trong lễ hội Cầu mùa của người Hà Nhì.
Chuẩn bị vào hội, ngoài các khoản đóng góp cho việc tổ chức cúng tế, mỗi gia đình cử một người lên núi cắt năm bó cỏ gianh đem về lợp lại mái lán tế thần “Á gơ lạ só”. Trâu tế thần là con vật không thể thiếu, đó là một con đực to, màu đen tuyền, không có bất cứ đốm trắng nào trên mình.
Vào ngày Tỵ, người dân Hà Nhì tổ chức mổ trâu dâng cúng các vị thần. Trâu cúng được dắt ra và buộc vào cột đu “A quý”. Khi thầy cúng làm xong nghi lễ tế thần, các thanh niên khỏe mạnh lấy dây da buộc chặt bốn chân của trâu, giật nó ngã vật ra. Thầy cúng sẽ lấy một nắm cỏ gianh xoa và buộc vào mõm con vật này khỏi kêu. Người Hà Nhì quan niệm, nếu trâu mà kêu thì năm ấy sẽ mất mùa. Người được chọn chôn cột đu “A quý” sẽ là người có nhiệm vụ chọc tiết trâu tế thần. Thanh niên trong làng tiến hành mổ trâu lấy thịt chia đều cho các gia đình mang về làm mâm cúng tổ tiên.
Sang ngày Ngọ, đồng bào bắt đầu tổ chức cúng lễ và mở hội vui chơi vào chập choạng tối. Người Hà Nhì cho rằng, làm như thế thì các thần gió, đất sẽ được nghỉ ngơi yên tĩnh. Từ sáng sớm, tiếng chày giã bánh dầy của những người phụ nữ Hà Nhì đã rộn rã khắp làng bản.
Gạo làm bánh thường là gạo nếp thơm do chính gia đình tự trồng cấy được trong năm. Sau khi ngâm nước khoảng hai, ba giờ. Gạo được cho vào chõ đồ chín và mang vào cối giã của thôn. Khi xôi nếp được giã nhuyễn, những người phụ nữ Hà Nhì sẽ cùng nặn bánh dầy theo các dạng mỏng, tròn rồi lấy lá chuối ốp vào hai mặt cho mịn đều.
Mâm cúng của các gia đình Hà Nhì thường là một bát ruợu nếp, thịt trâu, chè gừng và một cặp bánh dầy… Những gia đình mang mâm ra cúng tại lán tế thần “Á gơ lạ só” đều là những gia đình không gặp điều rủi ro trong năm.
Phần lễ do hai thầy cúng chính và phụ đảm nhận trước các mâm cơm “hà chì” truyền thống và thường cúng trước chân cột đu “A quý”. Người Hà Nhì không đọc bài cúng như một số dân tộc khác mà thể hiện bằng các động tác quỳ gối biểu hiện sự gửi gắm ước mơ của họ. Sau khi các thầy làm lễ cầu xin các thần phù hộ cho dân làng, lần lượt các gia đình quỳ lạy ba lần trước bàn thờ sau đó mâm cúng được hạ xuống, mọi người được mời ăn các lễ vật cúng tại lán tế thần.
Đến phần hội, thầy cúng chính là người khai mạc. Sau khi thầy đu ba vòng ở đu dây và bập bênh sau đó các thành viên khác mới được chơi. Khi những người khác tham gia vào trò chơi bập bênh, thầy cúng cầm các hạt cơm và đậu tương tung vào nơi mọi người đang vui chơi với mong muốn cầu chúc cho mùa màng tươi tốt bội thu.
Trong phần hội không thể thiếu được các điệu múa truyền thống của người Hà Nhì. Múa gọi lúa “A đù lu chế’ là điệu múa cầu mùa nhằm mong hồn mẹ lúa về với bản làng để mùa màng tốt tươi, thóc lúa đầy nương. Cùng với những điệu múa, trong ngày hội còn có một số trò chơi dân gian như đu dây, bập bênh, hát giao duyên, múa sư tử, thổi khèn lá, thể hiện những nét đặc sắc truyền thống trong đời sống văn hóa của người Hà Nhì.
Lễ hội Cầu mùa dân tộc Tày
Phần Hội trong lễ hội Cầu mùa của người Tày
Lễ hội Cầu Mùa của dân tộc Tày được tổ chức vào rằm tháng Giêng hàng năm, tại xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên.
Lễ hội gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ là những nghi lễ dâng cúng của các thôn bản trong xã cầu mong một năm mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, người dân được ấm no hạnh phúc.
Phần hội được tổ chức độc đáo với màn đại dậm thuông của hàng trăm nghệ nhân và diễn viên quần chúng thực hiện. Bên cạnh đó là các trò chơi dân gian truyền thống như ném pao, ném còn, đá cầu... thu hút được đông đảo du khách và người dân tham dự.
Tuy đây là lễ hội cầu mùa của dân tộc Tày nhưng điều đặc biệt là trong phần lễ có cung kèn của dân tộc Dao và phần hội có nhiều trò chơi dân gian của các dân tộc khác trong vùng, thể hiện sự đoàn kết giữ các dân tộc.
Tết mừng chiến thắng của người Nùng Dín được tổ chức từ 01/07 đến 07/01 Âm lịch hàng năm, tại huyện Mường Khương và huyện Bắc Hà. Tết là dịp bà con dâng cúng thần linh thổ địa các món ăn từ chuối: quả chuối, hoa chuối, lõi chuối, xôi 7 màu với biểu tượng cây chuối và một đôi đũa màu đỏ, hát dân ca kể về sự tích chống giặc.
Truyền rằng, xưa triều đình nhà Hán (Trung Quốc) đưa quân đánh chiếm Mường Khương. Chúng chiếm đóng, giết người Nùng rất dã man. Do thế giặc mạnh nên sau một thời gian chống cự, đồng bào phải bỏ lại vùng đất của mình, rút lui theo dòng chảy của sông. Quân giặc tưởng người Nùng đã chạy trốn xa rồi nên không đuổi nữa, quay lại chiếm đóng mường, sau đó rút về nước, chỉ để lại một số người cai quản. Sau một thời gian ẩn nấp trong rừng, người Nùng đã củng cố lực lượng, quyết tâm đánh giặc để giành lại vùng đất của mình.
Trong lễ ăn mừng chiến thắng, người Nùng đã làm xôi bảy màu. Từ đó, họ chọn ngày 1/7 âm lịch làm ngày Tết cổ truyền của người Nùng. Cũng từ đó, món xôi này trở nên không thể thiếu trong ngày mừng lễ chiến thắng. Theo những người cao tuổi ở đây, mỗi màu xôi mang một sắc thái của cuộc kháng chiến năm xưa. Chẳng hạn, xanh lá chuối là màu của mùa xuân; đỏ thẫm là màu máu của những người đã anh dũng hy sinh, vàng là biểu tượng cho sự đau thương ly tán, đỏ tươi tượng trưng cho chiến thắng hào hùng của người Nùng Dín...
Điều làm nên sự khác lạ của món xôi này chính là "bản hợp tấu" tài tình của màu sắc mà chỉ những người phụ nữ Nùng Dín khéo léo mới có thể tạo ra. Không dùng bất cứ một thứ phẩm màu cao cấp nào, chỉ tận dụng cây rừng có sẵn như lá cây đỏ đen, cây hoa vàng, lá câm hoa hay nghệ... nhưng bằng bí quyết gia truyền, họ đã tạo ra một món ăn hấp dẫn.
Xôi được làm từ thứ gạo nếp ngon, hạt to tròn, hương thơm ngọt, loại gạo chỉ có trên nương rẫy, mỗi năm một vụ cấy hái. Gạo ngâm kỹ, đãi sạch, ướp màu rồi đồ khoảng hai giờ. Những phụ nữ Nùng Dín giàu kinh nghiệm cho biết, để giữ màu xôi được tươi, không được cho muối vào gạo nếp khi nấu.
Màu xanh là biểu tượng của mùa xuân; màu đỏ là máu của những người đã hy sinh, là chiến thắng hào hùng của người Nùng Dín..., bảy màu xôi thể hiện sự hào húng của cuộc kháng chiến chống quân Hán của đồng bào Mường Khương
Người Nùng Dín quan niệm, trong các ngày lễ, ngày Tết, việc ăn xôi bảy màu sẽ mang lại nhiều điều may mắn, tốt lành.
Thiếu nữ Nùng Dín trong ngày Tết.
Sau lễ cúng dân bản cùng tham gia các trò chơi truyền thống: bắn cung, bắn nỏ, đua ngựa, ném còn, kéo dây, đẩy gậy.
Lễ hội đền Bắc Hà được tổ chức hàng năm vào ngày 7/7 âm lịch, tại đền Bắc Hà, thị trấn Bắc Hà, huyện Bắc Hà, nhằm tưởng nhớ ngày mất Gia quốc công Vũ Văn Mật, người đã có công dẹp loạn, an dân, hùng cứ vùng Tây Bắc thế kỷ 16-17.
Phần Lễ gồm: lễ dâng hương, khoá tế nam, khoá kế nữ, rước kiệu.
Trong thời gian diễn ra lễ hội, ngoài các tiết mục văn nghệ chào mừng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương như múa xòe sẽ có nhiều hoạt động thể thao đặc sắc như: đẩy gậy, chọi gà, kéo co, cờ tướng…
Đền Bắc Hà được xây dựng từ cuối thế kỷ 19, thờ phụng hai anh em Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật, người gốc Gia Lộc, Hải Dương, lên động Ngọc Uyển (vùng Bắc Hà ngày nay) xây dựng căn cứ quân sự, ổn định đời sống dân cư cả một vùng biên giới rộng lớn.
Sách sử có ghi: “Đời vua Tự Đức năm thứ 7 (1855) sắc phong các chúa Bầu (anh em Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật) làm quốc công, hùng cứ Bắc Hà, làm cho vùng đất này trở thành trù phú, dân cư đông đúc”. Sử nhà Nguyễn chép: “Uy thế nhà Lê nổi là nhờ sức của anh em họ Vũ đã có công đánh giặc, bờ cõi được yên, nhân dân an lạc”.
Nhà Nguyễn cũng sắc phong anh linh các chúa Bầu làm tổng binh trấn thủ Tuyên Quang. Năm Gia Long thứ nhất, xét công bách thần cả nước, quốc công Vũ Văn Mật được liệt vào hàng công thần đời Lê Trung Hưng.
Ngày 29/10/2003, đền Bắc Hà được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hoá, ngày chính lễ hàng năm là 7/7 âm lịch. Từ đó đến nay, ngôi đền là nơi để nhân dân trong vùng và khách du lịch thập phương ngưỡng vọng người có công với dân với nước. Lễ hội cũng đóng góp vào sản phẩm du lịch trên cao nguyên hoa mận trắng Bắc Hà.
Lễ hội đền Trung Đô được tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng, tại Trung Đô, thuộc xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà. Đền Trung Đô nằm lọt trong vùng thung lũng nơi hợp lưu của 2 dòng suối Nậm Thin (hay còn gọi là Nậm thiên) lũng suối Nậm Khòn ở phía Bắc và phía đông với sông Chảy nằm ở phía Tây của đền. Địa thế ở đây có sông, có núi, hội tụ đầy đủ các điều kiện cần có về phong thuỷ tạo cho ngôi đền một vẻ uy nghi trang trọng.
Đền Trung Đô là nơi thờ tướng quân Gia Quốc Công Vũ Văn Mật cùng với các thuộc tướng của mình đã có công xây dựng căn cứ ổn định bảo vệ biên cương Tổ quốc và phát triển vùng đất Trung Đô cũng như Bắc Hà thuộc trấn Tuyên Quang xưa ( Lào Cai ngày nay) thành trung tâm kinh tế xã hội thời bấy giờ.
Vũ Văn Mật là nhân vật lịch sử có thật, sống vào thời Lê (Lê Mạt) khoảng những năm từ 1516 trở đi (không rõ năm sinh và mất, ông đã kế tục sự nghiệp người anh là Vũ Văn Uyên xây dựng căn cứ chống nhà Mạc để khôi phục nhà Lê cách đây trên 300 năm ). Các sự kiện liên quan đến hoạt động của ông đều được ghi chép lại khá nhiều trong các thư tịch cổ, cả chính sử cũng như ngoại sử. Qua các sử liệu cho biết, ông là một con người gan dạ khoẻ mạnh và là một vị tướng “ Trung quân ái quốc, biết đặt vận nước lên trên tất cả ) của triều đại phong kiến thế kỷ 16 (Lê Quí Đôn toàn tập – Tiến văn tiểu lục trang 354).
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, ngôi đền hiện nay có 3 gian thờ với diện tích hơn 30 m2. Tồn tại hơn 300 tuổi, dấu tích của ngôi đền xưa còn lại những tảng kê chân cột bằng đá, những hiện vật như gạch ngói, trang trí minh chứng cho một thời vàng son. Song nó có giá trị tinh thần vô cùng to lớn đối với người dân Trung Đô nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung. Đó là giáo dục truyền thống cần cù lao động, tự lực tự cường, yêu nước chống thù trong giặc ngoài để bảo vệ đất nước. Đặc biệt các tư liệu về sự kiện, nhân vật lịch sử, thời gian, không gian của di tích có vai trò trong việc nghiên cứu chiến lược, chiến thuật của cha ông ta trong việc xây dựng căn cứ quân sự và các yếu tố “ Thiên thời địa lợi nhân hòa. “ trong việc xây dựng đất nước.
Ném còn trong hội Xuân.
Tiềm năng kinh tế du lịch cũng là một giá trị không thể thiếu đối với di tích Trung Đô. Khách đền Trung Đô không chỉ được sống trong không gian linh thiêng của một ngôi đền mà còn có thể hoà mình với cảnh sắc thiên nhiên, cộng đồng văn hoá nơi đây. Đến với Trung Đô sẽ có thể được tham quan rất nhiều cảnh đẹp theo một hệ thống liên hoàn với các điểm du lịch cực kỳ hấp dẫn như hang Tiên, gốc cây gạo, thành cổ Trung Đô, cảnh đẹp Cốc Ly và ngược trên nữa là đền Bắc Hà, Dinh thự Hoàng A Tưởng đã được nhà nước công nhận là di tích cấp Quốc gia.
Lễ cấp sắc của người Dao đỏ ở Bắc Hà, thường được tổ chức vào tháng 11, 12 âm lịch hoặc tháng 1 năm sau. Người Dao đỏ ở Bắc Hà sinh sống tập trung chủ yếu ở các xã Nậm Khánh, Nậm Đét, Bản Liền, Cốc Lầu với nhiều phong tục truyền thống tốt đẹp, song có lẽ Lễ cấp sắc vẫn là một trong những nghi lễ chính có giá trị nhân văn và mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống riêng.
Theo truyền thống, người đàn ông dân tộc Dao phải được giáo dục, rèn luyện về nhiều mặt để làm trụ cột của gia đình, dòng họ và cộng đồng. Phẩm chất của họ được kiểm nghiệm thông qua lễ cấp sắc.
Đàn ông người Dao sau thụ lễ cấp sắc mới được coi là người trưởng thành. Người đã qua lễ cấp sắc thì dù là trẻ con vẫn được coi là người lớn, được ngồi với già làng, được tham gia cúng bái hoặc giúp việc cho những thầy cúng trong các cuộc cúng lễ của gia đình cũng như cộng đồng.
Họ quan niệm rằng, người đã trải qua lễ cấp sắc mới có tâm, có đức để phân biệt phải trái, mới được công nhận là con cháu của Bàn Vương.
Lễ cấp sắc thường được tổ chức vào tháng 11, 12 âm lịch hoặc tháng 1 năm sau. Đó là khoảng thời gian nông nhàn. Ngày lễ cấp sắc được chọn kỹ, chẳng hạn họ Triệu chọn các ngày Dần, Mão, còn họ Đặng chọn ngày Dần. Lễ cấp sắc ở mỗi bậc cấp đều có những khác biệt nhất định trong trình tự hành lễ. Tuy nhiên, có 2 phần lễ chính là lễ quá tăng (qua đèn) gồm các phần: Trình diện, cấp đèn, hạ đèn, đặt pháp danh, qua cầu. Phần lễ tẩu Slai (lễ thăng cấp) gồm: lễ lên đèn, ban mũ, lễ trình diện Ngọc Hoàng, lễ tơ hồng, lễ thăm thiên đình.
Lễ cấp sắc của người Dao có giá trị nhân văn, được thể hiện ở các điều giáo huấn ghi trong sắc cấp cho người thụ lễ tuyệt đối kỵ làm việc ác, điều xấu.
Trong ngày lễ cấp sắc, nhiều điệu múa cổ truyền dân gian được trình diễn với sự tham gia của đông đảo người dân trong bản. Những điệu múa của người Dao thể hiện sự tự do hòa nhịp với các nhạc cụ thanh la, não bạt, trống, chuông lắc... Với nhiều chủ đề khác nhau về lịch sử, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, được hình tượng hóa bằng các động tác nhảy múa kết hợp với ca hát để Bàn Vương và tổ tiên dòng họ xem như diễn tả về việc làm nương, tra hạt, làm nhà... Các điệu múa có thể kéo dài hàng giờ, được cả làng đến xem đông vui như ngày hội.
Trong lễ cấp sắc của người Dao đỏ tại xã Nậm Đét - một nghi lễ quan trọng là thầy cấp sắc chuẩn bị đầy đủ như: ghế, quần áo, các thầy nhờ sư phụ, tổ tiên, ủng hộ lễ cấp sắc thắp đèn cho trò, các thầy dùng sách cúng, trống chiêng vừa cúng, vừa quay vòng quanh các trò từ 9 đến 11 vòng với mục đích để ủng hộ cho các trò, để đèn cấp sắc lúc nào cũng sáng soi các trò, cầu cho các trò luôn khỏe mạnh. Sau đó thì hạ chén khung đèn, các thầy làm lễ truyền lại phép cho trò, các trò nhận được hưởng phép của thầy và sau này người được cấp sắc đi giúp người khác duy trì phong tục, tập quán bản sắc của dân tộc, truyền lại lý lễ phép cho đời sau.
Kết thúc lễ cấp sắc, thầy sẽ làm lễ tạ ơn tổ tiên, sư phụ đã ủng hộ các thầy làm lễ cấp sắc đạt kết quả tốt, đồng thời lấy bánh trong buổi lễ cấp sắc cho mọi người cùng ăn, thưởng thức, chia vui với người được cấp sắc. Từ đây, chàng trai thụ lễ cấp sắc đã được coi như một người đàn ông trưởng thành hoàn toàn về thể chất cũng như tâm linh.
Cấp sắc là một trong những nghi lễ quan trọng của đồng bào dân tộc Dao, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc trên vùng cao Bắc Hà.
Hội Xòe Tà Chải được tổ chức vào ngày 05/1 Âm lịch, tại Tà Chải Bắc Hà. Đây là hội xuân của người Tày cầu cho mùa màng tươi tốt, thóc gạo đầy nhà. Nghi lễ khá đơn giản với một mâm lễ vật tại chân cây nêu to, biểu thị lòng thành kính của dân bản đối với Thần Nông vị thần cai quản ruộng nương. Sau khi thầy cúng làm lễ cầu khấn, cả làng cùng tham gia múa xoè trong tiếng chiêng, tiếng trống rộn rã với nhiều điệu đặc sắc: xòe tập hợp, xòe đôi, xòe bốn, xòe chào...
Người Bắc Hà giàu lòng mến khách, truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, giúp Bắc Hà trở thành một điểm đến du lịch văn hóa, sinh thái hấp dẫn. Nói đến du lịch văn hóa Bắc Hà, phải nhắc tới vùng văn hóa đồng bào Tày làng Tả Chải nổi tiếng với lễ hội lồng tồng và những điệu xòe sôi động.
Nền văn hóa dân tộc Tày xã Tả Chải, nhất là văn hóa lễ hội với hội xòe, lễ hội lồng tồng đặc sắc hấp dẫn... mang đậm nét văn hóa dân tộc với sự độc đáo, tinh tế. Ðó chính là thế mạnh để Tả Chải khai thác tiềm năng phát triển loại hình du lịch văn hóa, du lịch văn hóa cộng đồng.
Ðồng bào Tày ở Tả Chải duy trì tổ chức đều đặn các lễ hội truyền thống. Ngoài Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu, vào ngày rằm tháng chạp âm lịch bà con tổ chức lễ hội lồng tồng (xuống đồng), 2-2 âm lịch tổ chức lễ cúng rừng, sau vụ mùa vào tháng 10 âm lịch tổ chức lễ cơm mới...
Ðến với lễ hội, du khách thật sự ấn tượng với nét đẹp văn hóa truyền thống tinh tế, độc đáo của đồng bào Tày, nhất là các hoạt động văn hóa - văn nghệ dân gian, hội xòe.
Mở đầu lễ hội là phần lễ, các già làng, trưởng tộc, trưởng họ, những người có uy tín nhất trong cộng đồng người Tày dâng mâm cúng bao gồm các sản vật do chính bàn tay lao động cần cù của đồng bào Tày nơi đây làm ra, bao gồm gà trống tơ luộc nguyên con, con lợn cắp nách luộc nguyên con, ngan hoặc vịt luộc nguyên con, hoa quả; chuối, quýt... vàng mã, giấy bảng, hương...
Trong ngày hội, phần lễ tương đối đơn giản. Giữa bãi rộng, người ta dựng một cây nêu bằng cây bương to, có gắn một vòng tròn dán giấy đỏ (biểu tượng mặt trời). Dưới chân cây nêu là những mâm lễ của làng và của các gia đình thành kính dâng lên cúng thần, báo cáo thành quả trong một năm lao động sản xuất, cảm ơn thần nông đã phù hộ, mời thần về dự hội với con cháu... cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi...
Sau lễ cầu khấn, ông chủ lễ hội gióng lên hồi chiêng bắt đầu phần hội. Trò chơi ném còn thu hút đông đảo mọi người tham gia. Quả còn được làm bằng vải, buộc nơ, trang trí, thêu rất đẹp. Ai cũng có quyền được ném còn, ai ném trúng được thưởng quà lưu niệm và chén rượu lộc. Sau đó diễn ra cuộc thi ném còn giữa các đội ở chín thôn bản.
Ðồng thời, lễ hội diễn ra các trò chơi như đu quay, đẩy gậy giữa các đội ở các thôn. Các thôn cử ra các chàng trai khỏe mạnh đại diện tham gia. Trong vòng người đông đúc reo hò, cổ vũ, các chàng trai thi đấu hết mình để đem vinh quang cho thôn, bản và thể hiện mình trước các thôn nữ... Tiếp đó là hội diễn văn nghệ. Các đoàn mang đến lễ hội tiết mục văn nghệ đặc sắc nhất để thi tài.
Các điệu múa Tày, múa xuống đồng, múa địu, múa gieo hạt, múa thu hoạch, múa lên nương... thể hiện những nét uyển chuyển, quyến rũ. Các tiết mục ca hát ca ngợi Ðảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước đổi mới, đặc biệt là hát giao duyên tình yêu lứa đôi, hẹn hò nghe bồi hồi, xao xuyến. Trong lễ hội, trai gái gặp nhau làm quen, tìm hiểu, thử tài nhau qua các hoạt động văn hóa - văn nghệ, tỏ tình, hẹn hò nhau trong các buổi chợ phiên...
Kết thúc lễ hội vào buổi hoàng hôn là hội xòe, sau khi đốt một đống lửa to, tất cả mọi người tay nắm chặt tay hòa mình vào điệu xòe. Lễ hội lồng tồng của đồng bào Tày được tổ chức đều đặn vào ngày rằm hằng năm đã tạo ra sân chơi vui vẻ, lành mạnh, ý nghĩa vào dịp Tết, quảng bá văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, giúp mọi người hướng về cội nguồn dân tộc.
Lễ hội đã trở thành điểm nhấn văn hóa hấp dẫn khách du lịch tới tham quan, tham gia, tìm hiểu nét đẹp văn hóa lễ hội. Ðiệu xòe Tả Chải được tổ chức trong lễ hội lồng tồng hằng năm và các ngày vui của đồng bào Tày đã trở nên nổi tiếng.
Lễ cúng rừng của người Dao Tuyển bản Mạ, xã Trì Quang, huyện Bảo Thắng được tổ chức vào ngày mùng 8 Tết hàng năm. Đây là lễ hội bảo vệ và phát triển rừng cộng đồng, kết hợp lễ cúng rừng đầu xuân theo phong tục cổ truyền.
Từ nhiều đời nay người Dao Tuyển bản Mạ có phong tục cúng rừng đầu xuân mới vào một ngày tháng Giêng và cúng vào 3 ngày chính khác trong năm gồm lễ Thanh Minh (ngày mùng 3/3 Âm lịch), lễ Thần Nông (ngày mùng 6/6 Âm lịch) và lễ Cơm mới (ngày 9/9 Âm lịch). Trong đó, lễ Cúng rừng đầu xuân là lễ lớn nhất vì cúng vào đầu năm mới và có nhiều người tham gia dự hội mở rừng và trồng cây gây rừng theo phong tục người Dao Tuyển.
Để chuẩn bị cho lễ cúng rừng, các hộ gia đình đồng bào Dao Tuyển dậy từ rất sớm dọn dẹp nhà cửa, sửa soạn bàn thờ tổ tiên và chọn những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất tham dự lễ hội.
Bắt đầu làm lễ, thầy cúng (người có uy tín trong thôn) đi trước với bộ quần áo dài màu vàng, trên áo thêu những nét hoa văn truyền thống độc đáo của dân tộc Dao Tuyển để không bị nhầm lẫn với người dân trong làng. Thầy cúng đội trên đầu một chiếc mũ vẽ hình con hổ (biểu tượng này thay đổi theo từng năm), đi sau đó là các sản vật của dân làng: mâm xôi, thủ lợn, gà, rượu, hương, bánh mật... đã được chuẩn bị sẵn từ hôm trước ở nhà trưởng thôn. Tiếp sau là lãnh đạo huyện, khách mời cùng các già làng trưởng thôn bản, nhân dân trong xã, đặc biệt lực lượng không thể thiếu của buổi lễ cúng rừng là kiểm lâm.
Lễ vật được rước đến dưới cây mí đại cổ thụ hàng trăm năm tuổi ở khu rừng cấm của làng, thầy cúng đỡ những mâm cỗ trên đầu những nam thanh, nữ tú đặt vào miếu trước cây. Bên trên mâm cỗ treo 5 đôi câu đối được viết bằng chữ của người Dao Tuyển với các nội dung như: rừng che chở cho con người và mùa màng; mọi người phải bảo vệ rừng; nhà nhà phải bảo vệ rừng; người người phải trồng và bảo vệ rừng. Thay mặt bà con dân làng, thầy cúng cầu mong thần rừng che chở, mong cho một năm mưa thuận gió hoà, cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc.
Sau nghi lễ cúng rừng, tất cả mọi người tập trung ra khu đồi trống ở gần đó để nghe các cán bộ kỹ thuật kiểm lâm hướng dẫn phương pháp kỹ thuật trồng cây gây rừng. Bà con trong xã cùng nhau trồng nhiều cây xanh để cảm tạ thần rừng và giữ màu xanh cho làng bản.
Tiếp đó, trưởng thôn đọc cam kết bảo vệ rừng, đồng thời đại diện cho toàn thể nhân dân trong thôn tiến hành ký cam kết bảo vệ rừng với lực lượng kiểm lâm. Tất cả mọi người đều phải tuân thủ theo cam kết đã đề ra như: không chặt phá rừng, khai thác rừng trái phép, vận động bà con trong thôn cùng tham gia thực hiện nghiêm chỉnh “Quy ước bảo vệ và phát triển rừng” do thôn bản đề ra, tích cực tham gia trồng rừng... Trong năm, không một ai được xâm phạm đến khu rừng cấm, nếu ai vi phạm sẽ bị phạt theo quy ước.
Sau phần lễ cúng rừng, đến phần hội thi đấu một số môn thể thao dân tộc như kéo co, ném còn, đánh quay, đẩy gậy … luôn thu hút hàng ngàn người dân trong vùng cùng tham gia thi đấu và dự cổ vũ.
Đã thành thông lệ, cứ độ cuối tháng 9 đầu tháng 10 dương lịch hàng năm, khi những cánh đồng tràn ngập một màu vàng óng của lúa chín. Khắp các bản làng của người Tày, Bắc Hà lại rộn rã tiếng giã gạo làm cốm, làm khẩu rang chuẩn bị cho lễ "ăn cơm mới" - một nghi lễ nông nghiệp truyền thống, một nét văn hóa độc đáo của người Tày Bắc Hà.
Ngay sau khi thu hoạch vụ lúa mùa khi ngô, lúa đã chất đầy bồ thì đó cũng là thời điểm để bà con người dân tộc Tày (Bắc Hà) bước vào mùa Tết "cơm mới" với ý nghĩa tổng kết một năm sản xuất, dâng thành quả lao động cúng đất trời, cầu mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt, mùa màng tươi tốt, con cháu mạnh khỏe và bày tỏ sự tôn kính lên ông bà tổ tiên đã khuất.
Cứ theo phong tục truyền thống của người Tày, gia đình nào có "ma nhà", có cối hương thờ cúng cha mẹ, ông bà thì hàng năm đều phải tổ chức lễ cúng "cơm mới". Mặt khác, Tết "cơm mới" còn là một trong những nghi lễ quan trọng nhất của mỗi gia đình người Tày, nên được bà con chuẩn bị rất chu đáo, kỹ lưỡng. Ngay từ sáng sớm mỗi người trong gia đình dậy sớm để chuẩn bị các đồ lễ cúng. Đồ lễ cúng trong mâm là những sản vật do người dân tự chăn nuôi, trồng cấy, được như: gà, vịt, ngô, gạo... được làm chín, bày trên cỗ lá. Ngoài ra, mâm cỗ cúng cần có đầy đủ khoai lang, khoai sọ, mía và quả cọ. Đặc biệt, trong mâm lễ cúng không thể thiếu được hai món ăn truyền thống của người Tày trong lễ "ăn cơm mới" là cốm và khẩu rang. Cốm được làm từ thóc nếp non sau khi thu hoạch về có thể luộc hoặc rang vừa chín tới, sau đó để nguội rồi đem giã, sàng sẩy để loại bớt vỏ trấu rồi đem bỏ vào cối giã, tiếp sau đó đem đồ lên ăn có vị dẻo và thơm.
Lễ cúng "cơm mới" của người dân tộc Tày Bắc Hà thường được tổ chức vào cuối buổi chiều và vai trò của thầy mo là rất quan trọng. Thầy mo phải là người chủ của gia đình, hoặc là những người cao tuổi, có kinh nghiệm, được chủ nhà và bà con trong bản tín nhiệm. Bài mo "cơm mới" có nội dung, tuần tự, ý nghĩa riêng. Các bài mo thường kéo dài nhiều giờ trước sự chứng kiến của cả gia đình và hàng xóm láng giềng. Thầy mo mặc quần áo truyền thống của người dân tộc Tày và sử dụng một chiếc quạt khi mo. Mâm cỗ được dọn ra, gia chủ cùng họ hàng, làng xóm nâng cao chén rượu tổng kết một năm thành công và rộn rã những lời chúc tụng và cùng cầu chúc bước sang năm sản xuất mới gặp nhiều may mắn mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Cứ vào ngày 9/9 âm lịch hàng năm, người Xa Phó tỉnh Lào Cai lại tổ chức Hội hoa chuối, một lễ hội đầm đà bản sắc dân tộc. Trong ngày này, nhiều hoạt động được diễn ra nhằm cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, gia súc, gia cầm phát triển, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.
Theo phong tục, Hội hoa chuối được tổ chức tại một gia đình, nhóm gia đình, hay cả thôn bản, là nơi tụ họp vui chơi, cầu chúc, múa hát, thể hiện tinh thần đoàn kết, nhớ ơn tổ tiên, cùng phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, lao động của người dân tộc Xa Phó (Văn Bàn).
Để chuẩn bị cho ngày hội, trước đó các gia đình tham dự hội sẽ mang lễ vật gồm: Gạo, gà, rượu, 3 con chim nướng, mắm cá ủ chua, muối ớt… đến góp cho gia đình chủ hội. Những lễ vật này được chế biến tại nhà chủ hội để làm đồ cũng lễ. Khi các món ăn đã chế biến xong, chủ nhà bày tất cả lên một chiếc mâm đan bằng mây và đem đặt thành từng dãy theo thứ tự trên khu đất đầu làng nơi tổ chức hội. Trước khi chủ hội hành lễ, các gia đình thắp hương tại mâm lễ của mình và khấn chứng kiến tấm lòng của gia chủ với thần linh và những người đã khuất. Khi hương tàn, chủ hội vái lạy rồi xin phép hóa vàng và ra hiệu cho các gia đình hạ lễ. Các món ăn được chia làm 2 mâm, mâm dành riêng cho đàn ông, những người họ hàng, khách mời là đàn ông và một mâm phụ nữ.
Khi đã ăn uống no say, chủ hội và một số nam thanh niên thực hiện nghi lễ trồng cây chuối trong khu vực hành lễ. Người ta dựng một cây chuối rừng, sau đó cắm vào xung quanh cây chuối các loại hoa rừng, có cả hoa chuối đỏ biểu thị cho sự may mắn. Khi nghi lễ trồng cây chuối đã hoàn tất, mọi người trong bản, già, trẻ hay từng đôi thanh niên nam, nữ thực hiện các nghi lễ múa cầu mùa, diễn tả động tác cày, bừa, cấy, hái, gặt lúa, săn bắn… dâng cúng cơm mới và các đặc sản: Cá suối sấy khô, thịt chuột sấy khô, thịt chim rừng, khoai sọ...
Có rất nhiều hoạt động vui nhộn diễn ra trong ngày Hội hoa chuối, nhưng độc đáo nhất là các điệu múa truyền thống diễn tả khung cảnh tăng gia sản xuất và đời sống sinh hoạt hằng ngày được bà con mang đến lễ hội. Điệu múa truyền thống đó không chỉ làm tăng thêm không khí vui tươi ngày hội mà còn diễn tả được mong muốn có được một cuộc sống an vui, no ấm, nhà nhà hạnh phúc.
Đặc biệt hơn, trong ngày hội hoa chuối, các gia đình Xa Phó kiêng không cho ai mang bất cứ thứ gì ra khỏi nhà. Những gia đình ở làng khác chưa tổ chức Hội hoa chuối không được mời đến tham dự.