Đền Trúc nằm ở thôn Quyển Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam. Nơi đây thờ danh tướng Lý Thường Kiệt. Hàng năm, nhân dân Quyển Sơn mở cửa đền mở hội từ ngày 1 tháng giêng đến 1 tháng hai âm lịch. Lễ hội được mở vào những ngày nông nhàn nên dân quanh vùng và du khách thập phương nô nức kéo về dự hội. Không gian lễ hội từ xưa mở rộng từ đình Trung đến đền Trúc, chùa Thi và ven núi Cấm.
Từ sáng sớm, đoàn rước kiệu từ đền đã về tới cửa đình làm lễ dâng thương. Sau đó, các đội tế trong trang phục tế đủ màu làm lễ tạ ơn Trời Phật. Sau nghi lễ cáo trời đất, thành hoàng chừng 3 tiếng đồng hồ thì đến các trò chơi như thi kéo co, đấu vật, chọi gà, chơi cờ bỏi… Song nét đặc sắc nhất của lễ hội đền Trúc phải kể đến là múa hát dậm và đua thuyền.
Sáng mùng 1 tháng 2 âm lịch, làng chính thức mở hội rước tượng Phật cùng bài vị thờ Lý Thường Kiệt từ đền về đình làng. Sau phần lễ là đến phần múa hát thờ. Hát dậm được biểu diễn liên tục 6 ngày. Đến sáng mùng 7 lại rước tượng Phật cùng bài vị của Lý Thường Kiệt về đền, hát dậm vẫn tiếp tục trong 3 ngày nữa (gọi là hát yên vị) và đến 10 tháng 2 thì đóng cửa đền, vãn hội.
Múa hát dậm là lối múa hát tương truyền Lý Thường Kiệt bày cho dân trong vùng khi ông thắng trận trở về dừng lại nghỉ ở đất này. Từ đó, vào dịp hội đền, nhân dân tổ chức múa hát dậm để tưởng niệm vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt. Sáng mùng 1 tháng 2 âm lịch, làng chính thức mở hội rước tượng Phật cùng bài vị thờ Lý Thường Kiệt từ đền về đình làng. Sau phần lễ là đến phần múa hát thờ. Hát dậm được biểu diễn liên tục 6 ngày. Đến sáng mùng 7 lại rước tượng Phật cùng bài vị của Lý Thường Kiệt về đền, hát dậm vẫn tiếp tục trong 3 ngày nữa (gọi là hát yên vị) và đến 10 tháng 2 thì đóng cửa đền, vãn hội.
Múa hát dậm được tổ chức ngay tại sân đền. Phường múa hát có từ 30 con dậm trở lên. Đây là những cô gái tuổi từ 13-15, thanh tân, xinh đẹp, có tài múa hát. Ai có chồng hoặc có tang không được hát. Đứng đầu phường hát là cụ trùm, vừa cao tuổi, vừa có tài hát, đặc biệt là tài nhớ bài, chỉ đạo múa hát. Cụ trùm thuộc lòng tất cả các làn điệu hát múa, trực tiếp điều khiển con dậm thực hiện chương trình tiết mục. Khi diễn xướng, cụ trùm mặc áo thụng vàng, vấn khăn vàng, đi dép cong, các con dậm mặc áo mớ ba nhiễu đỏ trong cùng rồi the xanh, the đen bên ngoài, yếm đỏ, váy lĩnh, khăn đỏ, mũ tiên đính ngọc... Trong múa hát dậm, điệu múa có các động tác mô phỏng các động tác chèo thuyền, lúc đứng hát cũng như khi quỳ lạy (gọi là chèo thuyền và chèo quỳ). Đây được coi là phần lễ gắn bó mật thiết với phần hội là hội đua thuyền trên sông Đáy. Cụ trùm được coi là một “quan chức” trong làng, được ưu tiên ưu đãi. Các con dậm thì chẳng được gì, lại còn phải đóng góp thêm. Nhưng được làm con dậm đã là một vinh dự chẳng phải ai cũng có. Bài bản hát dậm được ghi lại bằng chữ Nôm, có tên là: “Lý Đại vương bình Chiêm sự tích diễn ca”. Hát dậm có 30 tiết mục với hơn một nghìn câu thơ. Múa dậm kết hợp với hát, mô phỏng động tác dậm chân chèo thuyền (vì thế mới gọi là hát dậm). Ngoài hát dậm, hội đền Trúc còn có hát bỏ bộ, hát đúm. Trai gái đến tuổi trưởng thành, còn son đều đến hát với nhau trước cửa đền. Tối tối, họ đến đền lễ tạ rồi tản ra chung quanh, vào rừng, lên núi, dưới bóng cây, bãi đất... hát đối đáp tỏ tình...
Hội đua thuyền được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng 2. Ngược với hát dậm, chỉ có nam giới mới được tham gia cuộc đua này. Số lượng thuyền đua tùy theo từng năm, thường có 3 thuyền dự thi. Ba đội đua với trang phục có màu sắc khác nhau. Thuyền đua được đóng bằng gỗ, dài khoảng 8m, đầu và thuyền được đóng vuông. Phía trên đầu thuyền có gắn đầu rồng bằng gỗ và cắm một lá cờ hội nhỏ. Đoạn đường đua dài gần 3km trên sông Đáy. Điểm xuất phát từ trước cửa đền Trúc, đua đến chân cầu Quế rồi vòng trở lại. Mỗi thuyền đua gồm 18 người: 1 người lái thuyền, 16 tay chèo, 1 người gõ nhịp chỉ huy. Mỗi nhịp gõ, mỗi câu hò là một nhịp chèo tạo nên sự nhịp nhàng rất cao, Khán giả đến xem cổ vũ rất đông, tiếng hò reo vang dội cả một vùng. Kết thúc cuộc thi, đội thắng cuộc sẽ nhận được phần thưởng.
Cuộc đua thuyền trên sông Đáy này mang rất nhiều tầng ý nghĩa. Ngoài ý nghĩa là một cuộc đua mang tính thể thao nó còn là một nghi lễ tưởng niệm cuộc hành quân của Lý Thường Kiệt trên sông trong lần tiễn phạt quân Chiêm Thành. Và cổ xưa hơn nữa, đây là một hoạt động tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước thể hiện khát vọng thoát khỏi thiên tai lũ lụt, cầu mong mưa thuận gió hoà cho mùa màng tốt tươi. Hơn nữa, không khí sôi nổi và cuốn hút của lễ hội đền Trúc được tạo ra từ màn múa hát thờ do các cô gái thể hiện trong sân đền và cuộc đua thuyền do nam giới tiến hành trên đoạn sông Đáy trước cửa đền chính là sự diễn tả lại không khí khải hoàn ca thắng lợi của cuộc bình Chiêm nức lòng trong lịch sử dân tộc.
Lễ hội hát dậm và đua thuyền đền Trúc là một hoạt động đầy sức sống của dân gian, ca ngợi chiến công của Lý Thường Kiệt, ca ngợi quê hương đầy ắp không khí lịch sử, truyền thống văn hóa.
Đền Trần Thương thuộc thôn Trần Thương, huyện Lý Nhân, Hà Nam. Đền thờ vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo và song thân của người.Cũng như những nơi thờ Hưng Đạo Đại Vương khác, đền Trần Thương tổ chức lễ hội tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc này vào ngày 20 tháng 8 âm lịch hàng năm.
Lễ hội theo quy định được tổ chức 3 ngày nhưng trên thực tế có thể dài hơn do số lượng người về lễ đăng kỹ dự tế đông. Từ rằm tháng tám đã có đoàn đến tế ở đền. Mỗi ngày có 4 đến 5 đám tế.
Vào ngày chính hội, phần lễ có rước kiệu, dâng hương, tế lễ, phần hội có các trò đánh cờ tướng, bơi chải, đi cầu kiều, tổ tôm điếm… Thu hút sự quan tâm của nhiều người nhất là tục thi đấu cờ tướng. Tục này diễn ra trước các trò hội. Khi tiếng trống nổi lên báo hiệu cuộc chơi thì các đấu thủ cùng dân làng đến sân đền tham dự. Làng chọn các lão làng, các chức sắc có gia phong tốt vào khai cuộc, trong đó, người cao tuổi nhất được làm chủ tế. Chủ tế làm lề cáo yết Đức Thánh Trần rồi rước bàn cờ từ hậu cung quay ra, đến trước hương án nâng bàn cờ lên vái ba vái. Sau đó, cuộc chơi bắt đầu. Hai đấu thủ mang y phục truyền thống của các tướng lĩnh đời Trần mang thanh long đao vào cuộc. Sau một tuần hương, ai thắng, người đó đoạt giải. Vãn cuộc, quân cờ cùng bàn cờ được rửa bằng nước giếng của đền và nước ngũ quả, lau chùi cẩn thận rồi đặt lên hương án. Tục chơi cờ nhằm tưởng nhớ tài thao lược quân sự của Hưng Đạo Đại Vương, rèn luyện trí tuệ, nêu cao truyền thống chống giặc ngoại xâm của ông cha ta.
Lễ hội đền Trần Thương là một trong ba lễ hội vùng của tỉnh Hà Nam. Lễ hội này có ý nghĩa là một cuộc hành hương về cội nguồn không chỉ đối với người dân địa phương mà đối với người dân cả nước.
Làng Liễu Ðôi thuộc xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Hàng năm từ 5 đến 10 tháng Giêng âm lịch, làng đều tổ chức hội Vật võ để kỷ niệm Thánh Ông (một người họ Ðoàn, đã có công chiến đấu chống ngoại xâm phương Bắc, đồng thời là ông tổ của vật võ) do đó vật võ là nội dung chính của lễ hội.
Truyền thuyết Liễu Đôi kể rằng ở đây có một chàng trai họ Đoàn có sức mạnh phi thường lại giỏi võ, một mình địch nổi năm trai tráng trên sới vật. Một hôm, ở Nương Cửi, tự nhiên có một ánh sáng xanh chói lòa phát ra, dân làng vô cùng hoảng sợ, chỉ có chàng trai họ Đoàn nọ dám đi tới và nhận thấy ánh sáng ấy phát ra từ một thanh gươm đặt trên một tấm khăn đào. Chàng trái bái tạ thần linh, tay cầm gươm, lưng thắt chiếc khăn đào, múa gươm cho dân làng xem.
Khi có giặc phương Bắc kéo tới, chàng trai mang gươm ra trận. Trong đoàn quân của chàng có nữ tướng họ Bùi rất dũng cảm, hai người thề ước với nhau. Nhưng không may, chàng trai bị tử trận, thi hài được mang về quê hương. Giặc tan, nữ tướng họ Bùi đến viếng mộ chàng nhưng quá đau thương nên đã chết trên ngựa khi cách mộ chàng chừng vài trăm bước. Dân Liễu Đôi thương nhớ, lập đền Ông thờ chàng, gọi là Thánh Ông, lập đền Bà thờ nữ tướng, gọi là đền Tiên Bà. Hàng năm làng mở hội vật để tưởng niệm, gọi là hội Thánh Tiên (gọi tắt hai chữ Thánh Ông–Tiên Bà), đó là hội vật võ Liễu Đôi.
Ngày mùng 5 Tết, hội vật võ bắt đầu. Trường diễn hay gọi là đóng vật được chọn đặt trên mảnh đất truyền thống, đó là Nương Cửi, nơi chàng trai họ Đoàn được gươm thần thuở trước. Tham dự hội là dân làng Liễu Đôi và các làng có truyền thống vật võ gần xa. Hội vật võ Liễu Đôi cho phép phụ nữ được tham gia, chị em cũng được ra đóng với đao, côn, kiếm, quyền… không thua kém con trai. Nghi thức tiến hành hội như sau:
Đầu tiên là lễ rước Thánh vào đóng: Đóng tức là nơi tổ chức vật, rước thánh vào đóng tức rước kiệu Thánh Ông từ đền vào đóng vật. Lễ vật dâng thánh là lễ chay, gồm mấy phẩm oản, vài bẹ chuối, một nậm trà (thay cho rượu). Một cụ già tay cầm gương đi giật lùi dẫn đầu cuộc rước, khi kiệu Thánh vào đóng thì làm lễ tế. Sau lễ tế Thánh là lễ phát hoả. Người ta đốt lên một ngọn lửa lớn để tưởng nhớ lại ngọn lửa xanh thần diệu bốc lên từ thanh gươm phát hỏa mà trời ban cho đất Liễu Đôi ở cánh Nương Cửi. Tiếp đó là lễ trao gươm và thắt khăn đào tưởng nhớ việc chàng trai họ Đoàn nhận thanh gươm thần và tấm khăn đào.
Ông Trùm là một người cao tuổi có uy tín được cử cầm trống cái cho hội trao chiếc gươm trên kiệu thánh và thắt khăn đào cho một đô vật danh dự được cử ra ngồi dưới cây dải trước rạp. Sau đó là lễ múa cờ tụ nghĩa, điệu múa này còn có tên là "thiên nhân kỳ trận". Điệu múa này có hai hoặc bốn người tham gia, mỗi người một lá cờ đỏ hình vuông, tiến từ hai bên kiệu thánh ra giữa đóng theo hiệu trống mà múa. Theo tiếp là lễ thanh động. Lễ này bắt đầu bằng tiếng trống cái ở đóng nổi lên liên hồi cùng với tiếng pháo nổ ran, tiếng chuông, cồng, mõ, thanh la tại khu vật võ và tất cả các đền chùa trong vùng đều nhất tề hưởng ứng hoà với tiếng reo hò cổ vũ sôi nổi.
Sau những nghi thức trên thì đến cuộc vật võ. Hội vật võ có nhiều nghi thức bắt buộc. Đầu tiên là nghi thức gọi là năm keo trai rốt. Trai rốt là hai cậu con trai của làng ra đời cuối cùng trong năm qua. Mở đầu cuộc vật, làng gọi tên hai trai rốt ra vật năm keo trình làng, lễ thánh. Tất nhiên trai rốt hãy còn bé chưa vật được nên bố phải ra vật thay. Lệ quy định, hai ông bố chỉ vật biểu diễn, không được vật thật để đối phương ngã, bởi vì hai ông bố ra vật với mục đích trình làng, trình Thánh chứng giám để hai đứa trẻ tương lai sẽ trở thành hai đồ vật võ. Vì vậy nếu để bị ngã thì làng sẽ bắt phạt cả hai. Có khi bố đi vắng thì ông ra vật thay, không được bỏ cuộc. Với lệ này, người dân Liễu Đôi muốn nhắn nhủ con cháu là sinh ra làm anh con trai thì trước hết phải là trai vật võ.
Tiếp theo là nghi thức đô xã làm nền, có nghĩa là đô Liễu Đôi vào đóng trước, giao đấu trước để gây không khí, khuyến khích tinh thần cho đô vật bốn phương. Khi đô vật bốn phương đã hăng say rồi thì đô vật Liễu Đôi rút ra, nhường đóng cho khách, chỉ đứng ngoài cổ vũ động viên là chính. Vào giải, ai thắng được 5 keo liền thì được vào vòng giải. Ai thắng hết các đô trong vòng giải thì được giải cọc. Giải cọc là giải đặc biệt, tiếp đến là giải thứ: nhất, nhì, ba, cuối cùng là giải cuộc trao cho tất cả những người vào đóng vật. Như vậy, cả người thua cũng có giải. Phần thưởng trao giải là tiền hảo tâm của thập phương công đức, ngoài việc chi vào đèn nhang, còn lại bao nhiêu phải chi hết vào giải, nếu còn chút ít thì cho người nghèo ngay tại chỗ, tuyệt không được chi dùng vào việc khác.
Vào đóng, đô vật chỉ được đóng khố, không được mặc quần áo. Các đô vật có tục kiêng cởi áo và xỏ áo tay phải trước, vì tay phải là tay cầm giáo, cầm gươm, tay lợi thế trong đấu vật. Cần cởi áo hoặc xỏ áo, họ dùng tay trái trước, vì thế, tay trái còn gọi là tay áo. Trong đóng, những miếng hiểm độc làm hại đối phương bị cấm ngặt. Ai phạm luật bị xử rất nghiêm khắc. Người phạm luật bị phạt đứng giữa đóng cho một đô vật khoẻ hơn bê vứt ra khỏi đóng và năm đời con cháu không được tham gia vật võ.
Liên quan đến hội vật võ Liễu Đôi còn có hội thi món ăn đặc sản trước hôm mở hội, món ăn nào được làng trao giải mới được đem bán phục vụ khách thập phương trong những ngày hội.
Tinh thần thượng võ của người dân Liễu Đôi còn được thể hiện ở lễ trầm tự, được tiến hành vào đêm 30 tết tại chùa Ba Chạ. Trầm tự có nghĩa là chém chữ. Tương truyền có một vị tướng đời nhà Trần khi về đây thao binh luyện tướng đến khi ra quân đã trao lại cho 5 làng của xã Liễu Đôi một cuốn binh thư có tên là Võ trận. Người dân Liễu Đôi truyền đời phải học thuộc cuốn binh thư đó. Đêm ba mươi tết, các tộc trưởng đeo gươm vào đền thờ Thánh trước mặt là băng giấy ghi chữ đầu trang của tập Võ trận. Đúng giao thừa, đèn nên vụt tắt, mỗi tộc trưởng vung gươm chém một nhát lên băng giấy trước mặt. Chém được đoạn giấy nào thì nhận lấy đoạn giấy ấy. Xong lễ, đèn nến sáng trở lại, từng họ xem các chữ đầu của băng giấy biết được họ mình năm đó phải học thuộc đoạn nào trong sách. Nhiều năm như thế, các dòng họ có thể thuộc lòng quyển binh thư. Đến thời Pháp thuộc, việc dùng gươm chém băng giấy đã được thay bằng việc rút thẻ. Ngày nay, cuốn Võ trận không còn nên lễ trầm tự cũng không còn nhưng ký ức về tục lệ đó đã chứng tỏ tinh thần thượng võ sâu đậm của người dân Liễu Đôi.
Đền Lảnh Giang ở thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên thờ Tam vị Đại Vương thời Hùng Duệ Vương có công đánh Thục và thờ Tiên Dung. Một năm ở đây có hai kỳ lễ hội vào tháng 6 và tháng 8 âm lịch. Kỳ hội tháng 6 diễn ra từ ngày 18 đến 25 dành, kỳ hội tháng 8 diễn ra vào ngày 20.
Ngày 18 tháng 6 âm lịch, nhân dân địa phương tổ chức chồng kiệu, kéo cờ than trước cửa đền, ngày 21 bắt đầu làm lễ cáo kỵ. Các ngày từ 22 đến 24 tháng 6 là ngày chính tế và rước kiệu Thánh xung quanh đền. Ngày 25 tháng 6 tổ chức lễ tạ và hạ cờ, đóng cửa đền. Ngày 25 tháng 8 âm lịch, đền Yên Từ (xã Mộc Bắc, Duy Tiên) thờ Ngọc Hoa công chúa rước kiệu về bái vọng. Ngoài các nghi lễ như tế lễ, rước thánh còn có phần hội hết sức phong phú như múa rồng, múa lân, chiếu chèo sân đền, hát chầu văn, võ vật, đấu cờ người, tổ tôm điếm, múa sư tử, thổi cơm trên quang gánh, chọi gà, đuổi vị dưới nước, đi cầu khỉ…
Lễ hội vào tháng 6 còn có trò bơi chải trên sông Hồng và lễ rước nước. Nước được lấy từ giữa sông Hồng đem về làm nước cúng và làm lễ tắm tượng của các đền trong khu di tích. Nghi thức lấy nước giữa dòng sông Hồng để thờ cúng và tắm tượng vừa biểu thị nguyện vọng cầu xin mưa thuận gió hòa, vừa thể hiện khát vọng chinh phục thiên nhiên của nhân dân ta. Căn cứ vào tục thờ, căn cứ vào vị trí của đền bên bờ sông, có thể nhận thấy rằng, các vị thần mà đền Lảnh Giang thờ tuy có tên tuổi sự tích nhưng kỳ thực là những vị thủy thần. Và cũng như các nơi thờ cúng thủy thần khác, tục thờ cúng thủy thần ở đền Lảnh Giang thể hiện hai mặt của đời sống tâm linh: khát khao được thần thiên nhiên chở che và ước muốn chế ngự được sức mạnh của thiên nhiên hung hãn đó.
Ngoài 2 kỳ hội chính, du khách gần xa vẫn tìm về đây cầu tài, cầu lộc. Phương ngôn có câu Trăm cảnh, nghìn cảnh không bằng bến Lảnh đền Mây là để nói đến sức hấp dẫn của một di tích mà vị trí, cảnh quan, sự tích và lễ hội đều đáp ứng nhu cầu tâm linh của người về hành lễ.
Trong các lễ hội thờ Phật, đặc sắc và đông đảo nhất là lễ hội chùa Đọi Sơn thuộc xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam. Hàng năm cứ đến ngày 21 tháng 3 âm lịch, chùa Đọi Sơn mở hội. Nhân dân trong vùng và rất đông khách thập phương đã về dây lễ và văn cảnh chùa.
Từ sáng sớm, đoàn rước kiệu đã hành lễ từ chân núi lên chùa làm lễ, dâng hương tưởng niệm Lý Nhân Tông, người có công mở mang xây dựng chùa. Sau phần lễ dâng hương là các đội tế nam quan, tế nữ quan tạ ơn Trời Phật.
Về phần hội, vào ngày lễ hội chùa Đọi Sơn, có nhiều trò vui được tổ chức như nấu cơm thi, thi dệt vải, bơi thuyền, hát chèo, hát đối, hát giao duyên, hội chọi gà, tổ tôm điếm, múa tứ linh, dấu vật, đánh cờ người.
Lễ hội được tổ chức tại đình Đá, thôn An Mông, xã Tiên Phong, huyện Duy Tiên, Hà Nam. Đình Đá thờ Nguyệt Nga công chúa, một tướng tài của Hai Bà Trưng. Ngoài ngày sinh (ngày rằm tháng bảy) và ngày hóa (ngày 12 tháng 10) có tổ chức tế lễ, dâng hương ra, ngày hội đầu xuân được tổ chức vào các ngày 6, 7, 8 tháng Giêng.
Trong hội có tế lễ, rước kiệu, lễ tế thần nông và các hội thi như vật cầu, đua thuyền.
Trong lễ tế thần nông, chủ tế và các bồi tế sau khi làm xong nghi thức dân hương, dân rượu, đọc sớ tấu cầu mong bình yên cho dân làng, cầu mong mùa màng tươi tốt thì tiếp tục đến phần rước hương án tế thần ra khu ruộng gần đình đã được cày bừa chuẩn bị trước. Đoàn người đi theo hương án tế thần, có cả người gánh vài bó mạ, dăm cây lau, tay cầm cành tre, con dao và bó hom dâu. Khi ra tới ruộng cấy lúa và bãi, trồng dâu thì đoàn người đặt hương án lên bờ ruộng, còn dân làng thì đứng vây quanh. Chủ tế và bồi tế là người được phân công thay mặt dân làng lội xuống ruộng cấy ít hàng lúa và trồng ít hom dâu tượng trưng. Dân làng vây quanh hò reo, hoà với tiếng chiêng, trống tỏ niềm vui mừng, đón chờ một mùa bội thu sắp tới. Cùng với tiếng hò reo, dân làng còn té nước ruộng vào người cấy, người gánh mạ, người vác hom dâu, người cắm cành tre, cắm cây lau dưới ruộng. Mọi người cầu mong mưa thuận gió hoà cho cây lúa, cây dâu lên khoẻ như lau, cứng như tre để vượt qua mọi thời tiết khắc nghiệt để có mùa lúa, mùa dâu tươi tốt, dân làng có cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Trò đưa thuyền trên sông Châu được tổ chức tại khu ngã ba sông ở phía đông xã Tiên Phong (hiện nay là đập Quang Trung), đó là nơi tương truyền bà Nguyệt Nga tử tiết và là nơi thuyền rồng xuất hiện đón bà xuống thuỷ cung. Hội thi thường tổ chức hai chiếc thuyền lớn, đầu làm như hình rồng, đuôi tựa đuôi tôm. Mỗi thuyền bố trí một người lái, một người mặc áo đỏ, chít khăn, tay cầm mõ, gõ theo nhịp chèo động viên đội bơi. Mũi thuyền có hai phách cầm chèo hai bên để bắt nhịp cho các mái chèo, hai bên mạn thuyền mỗi bên có 12 người chèo. Như vậy, mỗi thuyền bơi thi phải huy động tới 28 người có áo quần khăn đồng bộ, tắm gội sạch sẽ, lên đình lễ thánh rồi mới được nhập đội thi. Đường bơi thường tổ chức trên đoạn sông dài hơn một cây số, có thể bơi hai hoặc ba vòng, thuyền của giáp nào về đích giật được cành nêu là thắng cuộc. Giáp thắng cuộc sẽ được giải thưởng, đồng thời cùng cả giáp ăn mừng thắng lợi. Năm ấy mọi người tin rằng được thánh phù hộ sẽ gặp may.
Trò vật cầu được tổ chức để tưởng niệm việc luyện quân của bà Nguyệt Nga. Theo truyền thuyết, bà thường tổ chức trò chơi này để tăng cường sức khoẻ cho quân lính. Đội vật cầu ở đây cũng có nhiều nét tương tự với hội vật cầu ở làng Gừa ở Liêm Thuận, Thanh Liêm, nhưng ở đây có nét khác là có hội vật cầu lão (cho đàn ông trên 50 tuổi). Tính chất lễ và tính chất hội đậm đà của hội thi này làm nên không khí tưng bừng náo nhiệt của ngày hội đầu xuân, thể hiện nhu cầu thăng hoa tinh thần cao cả của người dân trong lễ hội.
Làng Gừa thuộc xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm, Hà Nam. Đình làng Gừa thờ vị tướng tài của Đinh Bộ Lĩnh tên là Trương Nguyên người làng Gừa. Khi ông chết, vua Đinh cho ruộng cấy, cắt đinh phu giao cho vùng Ninh Cơ (làng Gừa ngày nay) lập đình thờ cúng. Hội làng Gừa được tổ chức vào mồng 4 tháng giêng hàng năm để tôn vinh vị tướng tài giỏi này.
Lễ hội làng Gừa ngày nay có tế lễ, rước xách và rất nhiều trò vui thể hiện tinh thần thượng võ như đánh đu, đánh vật, chém mía, cướp cầu. Ban đêm có hát chèo tuồng, phần nhiều là các tiết mục tự biên, tự diễn. Trống lễ, trống rước, trống hội, trống chèo rậm rịch ngày đêm làm cho khí thế của lễ hội càng thêm náo nhiệt.
Nhưng đặc biệt nhất là trò chơi cướp cầu. Tương truyền, khi ông Trương Nguyên từ Hoa Lư về quê có mang theo một quả cầu, một dụng cụ để luyện tập binh sĩ. Khi về làng cụ bày trò chơi cho toàn dân. Đến nay, trong lễ hội thờ ông, cướp cầu đã trở thành một nghi lễ không thể thiếu được. Quả cầu bằng gỗ, kích thước xấp xỉ như quả bóng chuyền ngày nay, được sơn son thếp vàng và trang trí vẽ mây sóng trên bề mặt. Quả cầu là thánh vật của làng Gừa, đến nay đã bị tróc sơn, các hoa văn họa tiết cũng không còn được rõ nét. Hàng năm chỉ có ngày lễ hội mới được mang cầu ra chơi và bao giờ cũng được tổ chức đầu tiên để khai cuộc.
Từ mờ sáng mồng 4, cửa đình đã rộng mở, đèn thắp sáng, khói hương nghi ngút. Trống nổi giục giã dân làng tới đình. Làng chọn lão nông hoặc người có chức sắc, gia đình thuận hòa, nề nếp làm chủ tế. Đúng giờ tỵ, trò cướp cầu bắt đầu. Đội nào thắng sẽ được vào cung hồi trống, tế thánh khai hội và họ tin rằng mọi ước nguyện cũng sẽ linh ứng.
Trò cướp cầu này còn tồn tại trong hội làng An Mông (làng Móng) xã Tiên Phong, Duy Tiên. Ý nghĩa của tục cướp cầu này, ngoài sự tôn vinh vị anh hùng của quê hương, ngoài sự thể hiện tinh thần thượng võ, có người đã nói tới dấu vết của tục thờ thần mặt trời của người Việt cổ.
Làng Dâu còn gọi làng Mỹ Đôi, thuộc xã An Mỹ, huyện Bình Lục. tỉnh Hà Nam, nằm trên địa bàn có bề dày lịch sử. Nơi đây, nhiều sự kiện chiến tranh tự vệ của nhiều lịch đại đã diễn ra, nhưng đậm nét hơn cả, vẫn là sự tích ba chị em ả Đào, Nguyễn Phương, Nguyễn Quế chỉ huy nghĩa binh đánh giặc Minh đầu thế kỷ XV. Hàng năm hội làng mở vào ngày 15 tháng 2 thao diễn quá trình đánh đồn giặc Minh để ghi nhớ công lao của 3 chi em đồng thời ca ngợi tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam.
Tương truyền: Thân phụ của chị em ả Đào từ vùng Tiên Lữ Hưng Yên, sang xã Bồ Xá Bình Lục lấy vợ lẽ là Thị Hương và sinh được ả Đào, Nguyễn Phương, Nguyễn Quế. Hồi đó giặc Minh xâm lược nước ta, sát hại sinh linh, cướp phá tài sản, gây nhiều thảm cảnh ở Trang Cổ Thọ (nay thuộc xã An Mỹ).
Trước những hành động bạo ngược của giặc Minh ngày ngày diễn ra, các bô lão Cổ Thọ sang làng Bồ Xá cầu cứu viện binh đánh giặc. Nghe qua tình hình, ả Đào bàn với hai em và dân làng tìm cách đánh giặc trừ hại cho dân.
Nghĩa binh hai làng Bồ Xá, Cổ Thọ quyết định đánh úp căn cứ giặc Minh. Vào lúc nửa đêm ngày 14 tháng 2, ả Đào chia quân làm ba đạo, phối kết hợp với dân làng Cổ Thọ tập kích phá đồn giặc. Trước giờ xuất phát, nghĩa quân lấy bánh dầy làm lương ăn, lấy mía thay nước và tuyệt đối không dùng lửa. Trận tập kích phá đồn giặc thành công. Nhân dân cổ Thọ được giải phóng, lấy lại sự thanh bình cho làng quê.
Lễ hội có hai phần:
- Phần chuẩn bị được các Giáp thực hiện rất cẩn trọng. Các Giáp phải thi nhau nuôi lợn béo và sạch, để lấy thịt cúng thành và diễn khai sự tích. Phải chọn gạo làm bánh dầy, sao cho bánh trắng, ngon và dẻo. Thi nhau trồng hoặc mua loại mía ngon, mềm và hoa quả vừa làm lễ vật vừa tượng trưng cho lương thực, dùng trong chiến trận của các tưởng khi đánh giặc. Những lễ vật này được hội đồng chấm thi cân nhắc, xét thưởng theo từng loại nhất, nhi, ba.
Các Giáp còn có phận sự chặt cành cây, cắm xung quanh khu miếu ờ phía đông nam bình Dâu, giả làm đồn binh của giặc, đồng thời bố trí một số nơi giặc đóng trong xóm. Nhà nào được chọn là vị trí đóng quân, thì người trong nhà phải chấp nhận đóng vai quân Minh, đến đêm phải thắp đèn báo hiệu và khi quân của tiên chúa ả Đào đánh đến, nằm lăn ra giả chết, mặc cho nghĩa quân khiêng vứt ra khe, rãnh phía nam đình Dâu.
Trước khi vào hội, làng phải chuẩn bị nhân lực, bố trí làm ba cánh quân. Đặc biệt là tìm người có phúc, có đủ phẩm hạnh đóng vai trò ả Đào tiên chúa và hai vị đại vương Nguyễn Phương, Nguyễn Quế. Đồng thời phải chọn người múa rồng và đóng vai Chử Đồng Tử tiên ông… Tóm lại, lệ làng Dâu về chuẩn bị khai diễn sự tích phá đồn giặc Minh khá cụ thể, nếu các Giáp chuẩn bị thiếu chu đáo sẽ ảnh hướng đến lễ hội, do đó mọi người, mọi nhà được phân công phải lo lắng chuẩn bị, tập duyệt phần việc của mình một cách nghiêm túc.
- Phần thao diễn sự tích được triển khai sau khi tế lễ, vào giờ Tý đêm 14 rạng 15 tháng 2 âm lịch. Đến lúc này, mọi nơi (từ đình, chùa đến nhà tư) thực hiện cấm lừa như lệ làng đã ghi: “Thử gian bài binh, bất khả phát yên, duy thủ bạch viên binh, khiến sinh dĩ hường quân sỹ" nghĩa là thời gian dùng binh không được phát lửa, dùng thịt lợn, bánh dầy cho quân ăn. Truyền thuyết còn cho biết: Nước uống được thay bằng mía.
Các đạo quân được bố trí tại ba hướng:
Đạo phía Nam do Nguyễn Phương làm tướng, ’đạo phía Đông do Nguyễn Quế chỉ huy, còn đạo phía Tây do chính ả Đào tiên chúa cầm linh phù làm tướng soái. Cả ba đạo quân tiến từ ba phía về khu miếu có cành cây cắm xung quanh, tượng trưng vị trí đóng quân của địch. Bên trong khu miếu “quân xanh" được mặc áo, quần, thắt lưng như quân đội nhà Minh, từng tốp, từng tốp nằm, ngồi vạ vĩnh bên các bình rượu. Khi 9 hồi chiêng trống vang lên thì cả ba đạo giáp công, giao chiến một ngày, một đêm thì quân giặc đại bại bỏ đồn chạy trốn. Sau đó ba đạo quân chia nhau tấn công các căn cứ nhỏ đóng trong làng. Gia đình bố trí làm nơi quân Minh đóng thì châm đèn báo hiệu. Nghĩa quân ào ạt tấn công, tiêu diệt lần lượt các vị trí, rồi khiêng "xác giặc" ra khe phía nam làng Dâu, vứt xuống để giải quyết hậu quả. Sau đó đoàn quân kéo về đình tụ hội.
Trước sân đình, bỗng xuất hiện con rồng vàng, trên lưng rồng có tiên ông Chử Đồng Tử, tay cầm quạt vẫy gọi tiên chúa và hai tướng Nguyễn Quế, Nguyễn Phương. Cả ba người chạy ra phía đuôi rồng rồi như bay xa dần, trong khi đó thì dân làng dơ tay vẫy vẫy, hoặc chắp tay chào vĩnh biệt, vẻ bùi ngùi xúc động, cảm phục biết ơn.
Lệ ngạch trong lễ hội đình Dâu, thôn Mỹ Đôi xã An ỉvlỹ huyện Bình Lục tỉnh Hà Nam, với những tình tiết diễn tả cuộc chiến, phù hợp với nội dung lịch sử và tín ngưỡng dân gian, làm sáng tỏ thêm sự kiện lịch sử mà nhân dân địa phương tham gia đánh phá giặc Minh.
Bên cạnh lệ thao diễn phá đồn giặc Minh, làng Dâu còn lệ đào "cốt khí” (đào xương người chết). Lệ này thường diễn ra trong xóm phía nam đình. Theo truyền thuyết, xóm này nguyên xưa là vùng trũng, có lạch nước chảy qua. Thế kỷ XV khi giặc Minh chiếm đóng vùng, bị dân binh địa phương tiêu diệt và xác giặc được tập trung vùi chôn ở vùng trũng, sau này đất cao dần do san lấp, lại có sự tôn đất thành nền nhà, thành xóm, nhưng phía dưới vẫn còn xương người. Truyền thuyết địa phương nói tới việc bất ổn về sức khoẻ trong xóm do "âm khí giặc Minh" gây ra… Do vậy, từ lâu đời, dân làng Dâu phải đào đất tìm xương người đem chôn nơi khác. Có nhà phải cậy sân, đào sâu trong lòng đất tìm xương người, có nhà phải đào cả nền nhà lấy xương đem chôn nơi khác... Tục này có màu sắc duy tâm, song việc làm có thật này lại liên quan đến sự kiện lịch sử đánh giặc Minh, góp phần làm sáng tỏ thêm về mảnh đất con người thế kỷ XV ở làng Dâu, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
Hội thi thả diều được tổ chức tại làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam. Từ rất lâu làng đã có hội thả diều để mừng được mùa và cầu mong an khang thịnh vượng. Địa điểm tổ chức thi thả diều ở đình nội, đình ngoại và đình trong. Hội được tổ chức vào 15 tháng 5 âm lịch hàng năm.
Mười bốn giáp trong làng đều tham gia thi thả diều, mỗi làng có một mẫu riêng để dễ phân biệt. Việc làm diều được chuẩn bị chu đáo từ tháng 11 âm lịch năm trước. Các cụ già thường chọn các cây tre già dài, thẳng, mịn đã rụng hết lá để pha, chẻ, chuốt thanh các nẹp để làm khung diều, gác lên bếp hong cho khô tới tháng 5 năm sau. Vào tháng 4, các cụ còn lấy nhựa từ từ trái hồng non làm keo dính dán bồi giấy, dán giấy lên khung diều. Dây diều to được xe bằng tơ tằm, dây diều nhỏ được kết bằng chỉ khâu. Ngoài ra còn phải làm một ống suốt cực lớn, hai đầu có bánh xe để cuộn dây, nhả dây nhanh.
Hình dáng của diều làng Đại Hoàng đều có hình thoi, phẳng. Khi diều bay trên cao, cánh phẳng, thanh thoát, khi diều hạ cánh, cánh diều lao vút như một mũi kiếm đâm xuyên lòng đất.
Sáng ngày 15/5 âm lịch, làng bắt đầu thi diều lớn. Một hồi trống chiêng nổi lên giòn giã. Ban chủ khảo và các đấu thủ đền ăn mặc đẹp, đầu chít khăn, áo dài, quần bó, thẳng lưng ngũ sắc. Mỗi đội dự thi có 3 người tham gia, một người cầm dây diều, một người điều khiển diều, một người đâm diều lên cao. Khi các đấu thủ đã đứng vào vị trí trên cánh đồng làng, ban chủ khảo thắp hương để tính giờ. Một hồi trống nổi lên, loa bắt đầu gọi, diều được đồng loạt lao lên, ăn dây. Người điều khiển phải giật dây, chỉnh cho diều lên thật từ từ. Khi no gió, diều lao vút lên cao, đậu trên tầng không, nhỏ dần, nhỏ dần đến khi trông như một chiếc lá. Tiếp đó lại một hồi trống nữa, có tiếng loa truyền: Loa! Loa! Các diều đấu dây vào nhau để bắt đầu chấm giải. Trên cánh đồng, các đấu thủ đi về một điểm. Trong sân đình, ban chủ khảo bàn bạc để chấm giải diều. Tiếp đó, diều được lệnh cho hạ cánh. Cách mặt đất chừng 30m, diều được điều khiển sao cho lao xuống như một mũi tên bắn thẳng, cắm đứng trên cánh đồng. Xong xuôi các đấu thủ cùng về sân đình nghe chủ khảo tuyên bố giải.
Cuộc chơi kết thúc nhưng niềm vui và sự hưng phấn còn đọng mãi trong những đấu thủ và người xem. Họ đã được thả hồn trong sự bay lượn phóng khoáng của những cánh diều trên bầu trời thanh cao, họ còn được sống trong những phút hồi hộp cùng với các đấu thủ để chờ xem giải. Đó là những giây phút hiếm hoi giúp con người thoát ra khỏi cuộc sống đều đặn thường nhật để vươn tới những thăng hoa tinh thần đầy hứng khởi, giúp mỗi một người hòa nhập một cách trọn vẹn vào với cộng đồng. Đối với người Việt Nam nhu cầu về sự thức tỉnh tính cộng đồng trong mỗi con người tùy từng lúc có những biểu hiện khác nhau nhưng có lẽ chưa bao giờ nguội lạnh. Chính vì vậy mà hội hè vẫn luôn có một sức hấp dẫn mạnh mẽ.
Đình Thọ Chương là một ngôi đình lớn ở xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân (xưa kia là đình thôn Hạ, xã Vũ Xá, tổng Ngu Nhuế, huyện Nam Xang). Đình thờ ông Vũ Lang Nữu, quê ở Thọ Chương, là người có công dẹp giặc, được nhà vua miễn trừ sưu thuế tạp dịch cho dân làng. Hàng năm, vào ngày 4 đến 6 tháng giêng, nhân dân Thọ Chương nô nức kỷ niệm ngày ông Vũ Lang Nữu thắng trận trở về quê hương, cũng là ngày xã Vũ Xá xưa được triều đình công bố lệnh miễn trừ sưu thuế, tạp dịch.
Nghi lễ diễn ra trang trọng. Các giáp Bến, Đoài, Đông, Hệ, Trúc, Giữa thi làm cỗ cúng thành hoàng. Giáp nào cũng chọn gà to, gà béo làm thịt, gài cánh lên đầu, treo túi tiền vào mỏ mới đặt lên ban thờ. Cúng thành hoàng còn có lệ thi làm bánh dày, thi lợn béo. Ngày 20 tháng 7 âm lịch là ngày ông Vũ Lang Nữu qua đời, dân làng cũng tổ chức tế lễ, đọc văn tế ôn lại tiểu sử, nhắc nhở mọi người nhớ ơn thành hoàng.
Song đông vui nhất là dịp dân làng mở hội từ ngày 8 đến ngày 12 tháng giêng. Hội làng Thọ Chương cũng như làng Đồng Lâu gần đó ngoài tôn vinh thành hoàng có ý nghĩa khuyến khích nghề truyền thống quê hương
Lệ định từ xưa kiệu được rước từ Đồng Lâu lên Thọ Chương rồi rước quay trở lại. Cả hai đình đều tổ chức tế lễ, ăn giao hảo ngày mồng 8. Đồng Lâu rước lên đến tối mới về. Ngày 12, Thọ Chương rước sang Đồng Lâu chiều lại rước về. Những ngày có đám rước, nhân dân địa phương náo nức tham dự. Nhà nhà đón mời khách thưởng thức chén trà ngon, miếng trầu têm khéo.
Các buổi tối trong hội đình Thọ Chương thường tổ chức diễn chèo. Bức dại tự ghi 4 chữ Vũ ấp huyền ca nhắc nhở dân làng nhớ tới tục lệ ca hát trong lễ hội. Hội làng Thọ Chương không chỉ có rước xách tế lễ, ca hát mà còn có nhiều trò vui như đấu cờ tướng, đấu vật, chơi tổ tôm điểm, trong đó đấu vật là trò chơi cuốn hút nhất. Ngoài các đô vật ở làng, còn có các đô vật ở các xã khác như Đông Lư, Đồng Yên, Mạc Thượng, Mạc Hạ, Phúc Châu về cùng tham dự giải. Các đô vật Thọ Chương thường được giải cao vì tương truyền ở đây xưa kia có người đàn ông rất khỏe, mỗi khi đưa bò ra đồng ông thường cắp bò ngang hông, do đó, ông được gọi là xã Khỏe. Khi vào xới, ông thường giật giải cao về cho làng và để lại truyền thống thượng võ cho dân làng.
Lễ hội đình Thọ Chương cho thấy một điều là, trước khi thờ cúng vị anh hùng của làng, dân làng đã thờ cúng vị tổ nghề. Sự kết nghĩa giao hảo của hai làng Vũ Xá và Đồng Lâu và lễ hội tưng bừng của hai làng càng cho thấy lớp văn hóa sâu xa của việc thờ cúng thành hoàng ở đây. Hai mặt của cuộc sống: làm ăn và đánh giặc luôn đan quyện vào nhau, và ước muốn về một cuộc sống hoà bình an lạc đã được gửi gắm trong niềm tin tưởng về vị thành hoàng mà ý nghĩa mới không làm mờ đi những lớp nghĩa xa xưa hơn.
Đình Đinh thuộc thôn Đinh, xã Đinh Xá, huyện Bình Lục, Hà Nam. Đình Đinh thờ Đông Hải Đại Vương Đoàn Thương cùng con ông là Đông Xưng đại vương Đoàn Văn, các trung thần của triều Lý, Đông Bảng đại vương triều Lê cùng các vị tiên hiền, các vị có công lập làng. Tương truyền, làng Đinh là nơi mà Đoàn Thượng đại vương đến tìm thầy học và cũng là quê vợ của ông. Khi ông mất, con trai ông là Đoàn Văn cùng nhân dân Đinh Xá lập đền thờ. Hàng năm, cứ vào ngày sinh của Đông Hải đại vương Đoàn Thượng (10 tháng Giêng âm lịch), làng Đinh lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ bậc trung thần.
Lễ hội được tổ chức trong 4 ngày từ mồng 9 đến 12 tháng Giêng âm lịch. Ngoài tế lễ, dâng hương, lễ hội làng Đinh còn có lễ rước nước và lễ khai độc.
Cứ 3 năm một lần, làng Đinh và làng Thủy Cơ (xã Châu Sơn, Duy Tiên) lại tổ chức lễ rước nước để tưởng niệm vị Đông Hải đại vương và để thể hiện mối giao hảo giữa hai làng. Thủy Cơ là một làng chài chuyên nghề sông nước. Làng Đinh đã dành một khu đất cho làng Thủy Cơ để một khi có người qua đời thì mai táng ở đó. Do đó, hai làng có mối quan hệ rất thân thiết. Khi vào lễ hội, làng Thủy Cơ cung cấp 5 chiếc thuyền lớn để đi rước nước.
Ngày mùng 9, đình Đinh mở cửa, dân hai làng vào lễ thánh, sau đó rước kiệu, cờ, bát biểu, chiêng trống, đội bát âm cùng đội bơi chải xuống thuyền. Trên thuyền có hai chóe sành được mang theo để đựng nước. Đoàn thuyền bơi đến ngã ba sông Móng, bơi rước 3 vòng, sau đó lấy nước đựng vào chóe, dâng lên kiệu rồi bơi thuyền trở về đình. Chóe nước được đưa vào đình để hôm sau tế lễ. Đội hình tế là tế nam, có chủ tế, xướng tế và bồi tế. Khi tế, đội hình tiến từ sân đình qua tiền đường, vào hậu cung. Trong khi tế, ngoài sân đình có múa rồng, sư tử, đánh gậy, thổi cơm thi, bắt chạch, trên sông Châu thì tổ chức bơi chải.
Hàng năm cũng vào dịp lễ hội mùng 10 tháng Giêng, ở đình có tổ chức lễ khai đọc (mang sắc phong ra đọc dịp dầu năm mới) do hàng xã chủ trì. Chủ tế là chánh tiên chỉ, các tiên chỉ làng là bồi tế. Trước khi vào ngày lẽ, tối mùng 9 có rước sắc từ nhà tiên chỉ ra đình rồi làm lễ khai độc. Ngày màng 10, tổ chức rước hành ngơi (đi chơi trên đường) có kiệu, có cờ quạt, bát biểu… Ngày 11, sau khi tế tạ xong, rước lộ nhang sắc và các sắc phong về nhà tiên chỉ, đóng cửa đình.