Đập Trống là một lễ hội lớn của người Ma Coong mỗi năm được tổ chức một lần vào ngày 16 tháng giêng âm lịch để mừng mùa trăng mới. Lễ hội được tổ chức tại bản Cà Roòng, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch Quảng Bình.
Theo truyền thuyết: Ngày xưa vùng đất của người Ma Coong đang ở xuất hiện một con khỉ ác mầu vàng, hằng đêm nó thường vào rẫy của bà con dân bản ăn ngô, lúa. Khi có khỉ ác xuất hiện, người Ma Coong liên tục mất mùa, đau ốm. Đời sống người Ma Coong vì thế triền miên đói khổ. Dân làng quyết tâm phải đuổi con khỉ ác này đi. Và một hôm khỉ ác tìm đến bản, bà con đã khua trống đánh chiêng đuổi khỉ, tiếng trống tiếng chiêng của cộng đồng người Ma Coong cùng với sự giúp đỡ của Giàng mà khỉ ác đã phải rời xa vùng đất này và từ đó người làm được mùa, con cháu không còn đau ốm nữa.
Để nhớ công lao vị Già bản tiên tổ người Ma Coong và cầu cho quanh bốn mùa làm ăn thuận lợi, hàng năm họ tổ chức việc cúng tế linh đình dâng lên Thần linh những của ngon vật lạ sinh lợi được trên vùng đất họ ở. Hoạt động ấy dần dần thành một lễ hội lớn của dân tộc người Ma Coong ở đây. Lễ hội đập trống của người Ma Coong có từ khi đó.
Suốt cả ngày 16 tháng Giêng, dân bản Cà Roòng ai cũng bận rộn vì tối này là trung tâm của lễ hội đập trống. Đàn ông thì lo phần chuẩn bị hội, còn đàn bà thì chuẩn bị thức ăn để tiếp đón bà con từ các bản khác đến.
Trước ngày diễn ra lễ hội, người dân ai có gì đóng góp nấy cho làng, nhưng không thể không đóng góp gạo nếp để làng nấu rượu hiêng - thứ rượu được nấu bằng nếp nương với men lá, có màu trắng như sữa, chỉ được dùng cúng và mời khách quý. Còn làng không thể thiếu gà, xôi làm lễ cúng. Bộ phận chủ lễ thường có năm người, là những người đứng đầu năm dòng họ trong vùng, được coi là những dòng họ có công khai phá ra vùng đất mà người Ma Coong đang sống hiện nay. Họ được quyền cha truyền con nối để làm chủ lễ hằng năm.
Khi mặt trời khuất bà con 18 bản men theo những con đường mòn về đây dâng lễ, già làng Đinh Cửu bước vào lễ tế cúng trời đất, cúng Giàng mặt trời mọc, cúng Giàng mặt trời lặn mong sao năm nay mưa thuận gió hoà, ngô lúa tốt tươi, tất cả mọi người khoẻ mạnh, không đau ốm.
Lễ thức của Lễ hội đập trống diễn ra theo những quy định của dân bản rất nghiêm ngặt và chặt chẽ. Bản trao quyền cho người Già bản già nhất tức là người tìm ra miền đất đang ở (trước đây người dân tộc này di trú 3 năm 1 lần do vị Già bản đi tìm đất đẹp và yên ổn, thuận lợi). Theo nghi thức, Lễ hội đập trống được tiến hành theo Phần Lễ và phần Hội.
Phần Lễ : Trên khoảnh sân rộng nhất của bản, dưới tán của cây cổ thụ, người làng dựng một dãy nhà tranh nhỏ. Trong căn nhà chính làm nơi hành lễ, treo trang trọng chiếc trống. Đến đêm, công việc chuẩn bị đã xong, mọi người cùng chờ trăng lên.Khi trăng nhú lên trên rặng núi sau lưng bản, đồ vật cúng được mang ra sắp đặt. Mâm cỗ cúng Giàng gồm có rượu hiêng, thịt gà nấu với chồi cây mây non, cá, xôi, ngọn cây mây, khúc thân cây đoác, một ít lúa gạo... Mỗi bản có một mâm và trong lễ cúng phải có 18 mâm cỗ như thế. Trách nhiệm làm mâm cỗ phải là người nhà của các già bản.
Cá để cúng Giàng được lấy từ khúc suối cấm, đây là khúc ngăn của con suối Aky. Vào khoảng tháng 5 dân bản ngăn con suối Aky từ bản Rào Bụt đến bản Nồm và được quản lý nghiêm ngặt nếu ai vào đó đánh cá thì bị phạt rất nặng, khúc suối này chỉ được đánh bắt cá tự do sau khi lễ hội đập trống diễn ra. 3 giờ sáng ngày 16, Đinh Xon được dân bản tín nhiệm là người thả lưới lấy cá cúng Giàng tại khúc suối cấm Aky.
Khi trăng lên ngửa đầu là lúc vào giờ khai lễ. Già làng đọc lời khấn cầu trời đất phù hộ cho dân bản sống yên lành, làm ăn no đủ, mùa màng bội thu... Xong phần hành lễ, lúa gạo được ném ra tứ phía, cầu mong thóc lúa về đầy bồ, đầy nương.
Mâm cỗ cúng Giàng gồm có rượu cần, gà, cá, xôi, ngọn cây mây, khúc thân cây đoác. Mỗi bản có một mâm và trong lễ cúng phải có 18 mâm cỗ như thế. Trách nhiệm làm mâm cỗ phải là người nhà của các già bản.Sau vài lượt cúng khấn, già làng phát lệnh và lễ hội đập trống bắt đầu. Dân bản ùa vào, khách tham dự cũng ùa vào. Ai ai cũng cố tranh cái dùi để đập trống.
Phần hội: Phần lễ kết thúc, là lúc tiếng trống hội mở màn vang lên. Mọi người bắt đầu xúm lại với những ché rượu cần, rượu hiên.Những thanh niên khỏe mạnh giành nhau dùi và trổ tài đánh trống mạnh, đánh trống nhanh. Những người không tham gia đánh trống thì cầm tay nhau nhảy múa quanh đống lửa cháy sáng rực.
Trống hội được làm từ buổi sáng, tang trống được làm bằng thân cây gỗ lồi, da bịt mặt trống được lấy từ da bò, bịt trống bằng những cây mây già, chêm mặt trống cho căng là những thân tre già. Thanh niên thường là người khỏe mạnh nhất đánh trống. Trống phải đánh cho kỳ thủng trước khi trời sáng mới thôi, trời đất mới chứng giám cho lòng thành của mọi người, trong năm mới mới được mùa màng. Vừa đánh trống, lũ thanh niên vừa la vang rừng: “Roa lữ Giàng ơi!” (sướng quá, vui quá trời ơi).Trống thủng càng sớm, thanh niên càng mau được dắt tay bạn tình vào rừng tình tự.
Đêm hội này còn được gọi là đêm “thả cửa”. Nghĩa là mọi người, không kể lạ quen, người bản này bản kia, tất cả đều được dắt tay nhau vào rừng chuyện trò, tình tự. Khi mặt trống bị đánh vỡ,hàng chục thanh niên nam nữ, không chỉ có người Ma Coong ở Thượng Trạch, mà cả người nước bạn Lào ở các bản lân cận biên giới Việt - Lào cũng dắt tay nhau lẩn vào rừng tình tự. Chỉ còn những người già, trung niên và trẻ con vui chơi bên bếp lửa, hay nhâm nhi bên ché rượu cần.
Mỗi năm chỉ có một ngày, ngày của núi rừng, của những câu chuyện tình yêu.Một đêm không có ghen tuông , không có giận hờn, chỉ có yêu thương nồng nàn của đam mê, của men nồng đôi lứa…cho đến sáng mai, khi con gà đã thức dậy gáy vang rừng thì họ mới bịn rịn rời nhau trở về. Những người trẻ hơn thì cùng nhau ước hẹn, chọn ngày mời bố mẹ, già làng đến nhà cô gái đặt lễ trầu cau...
Khi đống lửa dần tàn, mặt trời dần nhô lên bên kia ngọn núi, cũng là lúc lễ hội Đập Trống của người Ma Coong kết thúc.
Vào dịp đầu xuân, các làng xóm thường có lễ Xuân Thủ ở đình làng. Trong lễ thường có buổi rước thần. Theo truyền tụng thì rước thần có mục đích chính là mời các vị thần, trong đó, vị thần chính là thần Thành Hoàng Bổn Thổ đi ngự xem giang sơn phong thổ và dân tình một năm qua có gì thay đổi. Rước thần còn gọi là nghinh thần.
Đi đầu đoàn rước thần là hai hàng người cầm cờ và người cầm loa truyền lệnh dọn đường.
Tiếp theo, đội trống cà rừng và một số nhạc công như nhị, sáo, kèn, bạt, hợp tấu với trống cà rừng. Không ai hiểu vì sao đội trống kèn này lại có tên là “cà rừng”, nhưng khi nghe tiếng trống thì quả là âm thanh của nó gần đúng như tên gọi.
Một đội trống cà rừng gồm từ ba đến sáu người, mỗi người mang một chiếc trống trước ngực, mặt trống ngửa lên, người nhạc công phải gõ trống cả hai tay theo chiều thẳng đứng trên mặt trống (khác với cách đánh trống điểm ở trống đại). Đội trống cà rừng bao gồm cả bộ phận trống đại điểm cho trống cà rừng. Tóm lại, toàn đội trống cà rừng gồm có:
- Ba hoặc bốn, năm, sáu chiếc trống cà rừng.
- Một chiếc trống đại có hai người khiêng và một người đánh.
- Vài ba nhạc công kèn, nhị, bạt v.v. . .
Loại trống cà rừng chỉ sử dụng riêng trong các lễ rước thần. Nó không được dùng trong các đám rước khác. Cho nên, trong làng xã, nếu nghe tiếng trống cà rừng đâu đó thì người ta biết chắc đó có rước thần.
Trống cà rừng bắt buộc nhạc công phải đeo trước ngực. Trống có hai mặt, bịt bằng da bò thuộc mỏng, đường kính mỗi mặt trống khoảng 30cm, chiều cao chang trống chừng 28cm làm bằng gỗ mít, có khi là cả thân cây mít đục rỗng. Trống hình trụ, giữa lưng chang trống rộng hơn hai đầu mặt trống. Chu vi giữa chang trống, chỗ rộng nhất là 1m14. Nếu tính đường kính, có thể là 36cm, rộng hơn hai mặt 5 cm.
Người nhạc công đánh trống bằng hai cái dùi bằng gỗ táu, tiện tròn, đầu lớn đầu nhỏ; đầu lớn có đường kính 3cm, đầu bé 1,5cm, chiều dài dùi trống là 40 cm.
Như trên đã nói, trống cà rừng luôn có bộ phận trống đại kèm theo để điểm đệm cho cà rừng.
Tuy nhiên, trống đại ở đây không phải là loại trống đại đi đôi với chuông trong bộ “chung cổ”. Nó khác ở chỗ kích thước nhỏ hơn đôi tí đã đành nhưng nó khác nhất là ở chỗ âm thanh giữa nó với trống đại chung cổ.
Rước thần là loại rước có bước diễu hành rất chậm, khoan thai, thư thả, dịu dàng và tôn nghiêm, kính cẩn khác với lối diễu binh, bước quân hành hùng dũng, mạnh mẽ, nhanh gấp, dứt khoát.
Thần ngự khác với quân đi, mặc dầu trong rước thần cũng có quân lính (tượng trưng) theo hầu. Cho nên trống cà rừng tuy cũng là trống diễu hành, cũng thúc giục rộn ràng, cuốn hút nhưng thư thái, hình như khuyến khích người tham gia đám rước chỉ cần nhích lên từng bước, ung dung tuần tự mà đi, chớ vội vàng. . .
Tiếng trống nghe xao xuyến, giục giã mà từ tốn; oai nghiêm, ngân vang mà cũng dịu dàng, lắng động… là phần nhiều nhờ ở tiếng trống đại điểm nhịp.
Cái tinh tế của tiếng trống đại trong đội trống cà rừng là ở chỗ: Khi đám rước đang trên đường đi, bước diễu hành đang đều đều chầm chậm, tiếng trống cà rừng dù chỉ một thanh “rừng” hay hai thanh thành đôi “rưng, rừng” thì âm thanh của nó chỉ gần bằng nhịp “hai - bốn” trong tân nhạc, tiếng trống đại điểm cho nó cũng chỉ bằng một thanh độc nhất, nhưng lại ngân dài, lan tỏa rộng hơn cả những tiếng trống cà rừng… Tiếng trống đại điểm nhịp lúc này giống như trong hành văn, nhà ngôn ngữ học sử dụng chấm lửng cuối câu sau những chặng ngắt ý bằng dấu phẩy…
Khi đám rước dừng lại một điểm nào đó, (thường là dừng lại ở trước đền miếu thờ các vị thần ngoài vị Thành Hoàng Bổn Thổ) và khi đám rước về trở lại ngôi đình đã xuất phát, thì tiếng trống cà rừng lúc này rất dồn dập, giục giã, gấp gáp, cáp bách đến kỳ lạ, ngược hẳn lúc đang đi diễu hành.
Lúc này, những thanh âm “rưng… rừng… rừng rừng… và tiếng trống đại điểm thùng” đều ngắn, tròn trặn, dứt khoát, như một dấu chấm than (!) trong một câu văn
Ở diễu hành rước thần, trống cà rừng thư thái khi đang đi và thúc giục, dồn dập khi dừng lại. Ở diễu binh, trống nhạc giục giã khi đang đi và dịu dàng êm ả khi dừng lại…Do đó, tiếng trống đại điểm nhịp cho cà rừng phần nhiều là một tiếng, rất ít khi tiếng đôi liên tục (chỉ trừ khi chấm dứt hẳn, nhưng lúc này thì hạ dần gần như không còn nữa). Nhưng, cũng một tiếng trống đại điểm nhịp đó mà khi điểm nhịp trên đường dài của đám rước thì âm thanh cũng kéo dài và khi đám rước dừng lại thì âm thanh của nó lại ngắn gọn, tròn trịa một cách gọn gàng. Người rành nghe hay quen thuộc với nhiều đám rước khác nhau sẽ phân biệt được, sẽ biết được cái tinh túy của nó…
Trong một đám rước thần, tiếng trống cà rừng cộng hưởngvới rất nhiều thứ âm thanh khác như những bản tấu nhạc của đội nhạc ngũ âm, tiếng trống cơm với tiếng kẻng, tiếng loa “lộ bố”, (ban bố lệnh trên đường đi của thần) cho âm linh, oan hồn tránh đường; và tiếng chuông trống lớn chầu hàu cộng thêm hàng ngũ lọng tàn, cờ quạt cùng mùi hương trầm mà thêm tôn nghiêm, oai vệ...
Đi sau đội trống cà rừng là đội nhạc ngũ âm, gồm đủ trống kèn, sáo, nhị, bạt… Tiếp đến là trống đại, chuông lớn, cứ ba tiếng chuông là tiếp theo ba tiếng trống, nhịp chậm… Sau hàng trống và nhạc là hương án có đủ đèn lư bằng đồng, bình hoa, quả nải… Hương án thay cho bàn thờ trong đám rước, trên đặt các hộp sắc bằng vua phong cho các vị thần thánh từ các miếu, các đền rước về làng, xem như các vị thần đang ngồi trên hương án để đi về đình làng.
Đi sau hương án là đội binh bảo vệ ngai vàng. Độ binh được trang phục đúng như binh lính thật của nhà vua nhưng trang bị bằng binh khí gỗ mà hình dáng giống như thực… Sau đội binh là Ngai Thần, sơn son thếp vàng giống như ngai vua thật, chỉ khác là trên ngai không có vua và người ngồi. Ngai Thần cũng được một đội binh 4 người khiêng, có 4 lọng vàng che. Trước bệ ngai còn có một chiếc lư trầm bằng đồng lớn, đốt trầm hương mà không có đèn nhang như ở hương án. Tiếp Ngai Thần là vị chánh tế chủ bái của làng đi theo hầu. Vi này cũng được che hai hay một lọng xanh, tùy theo chức tước của vị đó. Cuối đám rước là một đoàn người cầm cờ giống như đội cờ đi đầu.
Đoàn rước thần đi khắp các nẻo đường chính trong làng. Những nhà ở hai bên đường mà đám rước sẽ đi qua đều tự nguyện dọn bàn thờ, lương án, hương đèn nghi ngút chờ đón đám rước đi qua, chủ nhà mang áo rộng xanh, chít khăn đóng đen vái lạy chào mừng, giống như nghênh giá đức vua .
Sau lúc đám rước thần trờ về đình làng, làng làm lễ tế. Nhân dân, tùy khả năng, lòng thành, bưng lễ vật của mình đến tế thần, bên cạnh lễ vật của làng.
Việc tế lễ ở đình làng, nói chung, nơi nào cũng giống nhau… Nếu muốn đi tìm những nét đẹp riêng trong việc thờ cúng và tế lễ ở tỉnh ta, thì chúng tôi thử nêu lên một tục lệ nói là lạ lùng cũng được, nói là văn minh cũng được, vì nếu chúng ta đi ngược thời gian một chút, quay về thời phong kiến triều Nguyễn trước Cách mạng Tháng 8-1945, chắc chắn sẽ thấy tục lệ này là văn minh, là đẹp.
Ngày xưa chế độ đình trung ở làng xã, không nơi nào chấp nhận cho phụ nữ đến cúng bái, kể cả việc nấu ăn, sửa soạn lễ vật dâng thần. Nếu có một trường hợp nào, có một cô gái nhà ai đó phải bưng mâm giỗ thần cho cha, anh đến đình làng thì khi đến gần cửa tam quan, cũng giao lại cho ai đó là nam giới bưng vào đình hộ, rồi quay trở về. Đã là phụ nữ thì không được tới đình làng, trừ trường hợp, người nữ đó bị tội mà làng cho áp giải tới để trừng phạt.
Thế mà, ở Thuận Bài (nay thuộc xã Quảng Thuận, huyện Quảng Trạch) có lệ: trong các ngày lễ tế Thành Hoàng Bổn Thổ như lễ Xuân Thủ, Kỳ Yên hàng năm, làng tổ chức một cuộc thi “Cỗ Bánh dân thần” dành riêng cho phụ nữ. Các cô gái trong làng được phép tự bưng cỗ bánh do mình chế biến đến đình làng để dự thi tài gia chánh. Cỗ bánh nào được làng chọn làm giải thưởng thì chủ nhân nó được bê đặt lên bàn thờ dâng thần ngự lãm, và dĩ nhiên là cô gái được dự lễ tế thần. Có lẽ đây là một tục lệ hiếm thấy và cũng là ngoại lệ, nếu không dám nói có một không hai dưới thời phong kiến. Với phong tục này ở Thuận Bài mà nhìn rộng ra thì trong việc tín ngưỡng đa thần, người mình còn thờ khá nhiều nữ thần. Ví dụ: Các làng biển làng nào cũng thờ Đại Càn tứ vị thánh nương, các làng vùng gò đồi thì thờ Liễu Hạnh công chúa, nhiều nơi thờ Nữ thần Thiên Y-A-Na, thờ Trưng Nữ Vương, thờ Bà Hỏa, Bà Thủy, Bà Thổ, Bà Ngư, có làng thờ cả nữ Thành Hoàng Khai Canh. Trong gia đình thì nhân dân đều thờ Bà Bếp, Bà Mụ, Bà Cô, Bà Tổ Cô, Bà Thần Tài, trong tôn giáo thì thờ Quan Âm Thị Kính, Phật Bà Quan Âm...
Lễ hội đua thuyền được tổ chức vào ngày 2/9 hàng năm, tại sông Kiến Giang, huyện Lệ Thuỷ.
Tương truyền, vùng chiêm trũng Lệ Thủy ngày xưa thường cầu mưa ’’lấy nước để uống, lấy ruộng để cày’’. Mùa hạn, dân làng cúng lễ và ’’hô huầy’’ đẩy thuyền xuống sông. Lâu dần tục lệ đã biến thành ngày hội chung của cả huyện. Các làng xã thi nhau việc chuẩn bị thuyền tốt, trai bơi tài, người lái giỏi. Nếu chưa có thuyền dài gấp rưỡi nấc ngang, phải tìm gỗ tốt, mời thợ đóng mới sao cho thuyền thon nhẹ và lướt nhanh. Cùng với việc tuyển chọn tay chầm, tiến hành bơi thử, tìm bạn bơi thử nhằm kiểm tra sức dẻo dai với tốc độ cao trên con đường ba vòng sáu tao.
Từ năm 1946 đến nay, Lễ hội đua thuyền mừng Tết Độc lập bị gián đoạn 2 lần. Lần 1, 8 năm. Trai bơi phải gác mái chầm cầm súng lên đường đi theo cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp. Hoà bình lập lại, Kiến Giang lại dậy vang tiếng reo hò, tiếng trống, tiếng mõ trong ngày 2/9. Tiếng bom rền của máy bay Mỹ trên miền Bắc đã lần thứ 2 làm gián đoạn Lễ hội thiêng liêng này cũng 8 năm, từ năm 1965 cho đến năm 1973, khi hiệp định Paris có hiệu lực. Rồi từ đó đến nay, chưa năm nào dòng Kiến Giang lại không dậy sóng trong ngày Tết Độc lập, dù đã có năm, mãi đến ngày 30/8, dòng Kiến Giang vẫn trơ đáy. Nhưng kỳ diệu thay chỉ sau 2 ngày mưa, nước Kiến Giang lại đầy và tiếng trống, tiếng mõ, tiếng reo hò vọng mãi suốt dọc sông... Hàng năm cứ vào ngày Quốc khánh 2-9, hội đua thuyền truyền thống lại diễn ra sôi nổi và hào hứng trên sông Kiến Giang với sự tham gia của nhiều xã trong huyện. Nhân dân xem đó là Tết độc lập vì sau "toóc nạp rơm khô" cả thời gian và đời sống đều no đủ. Từ đó hội đua thuyền đông vui náo nhiệt hơn kéo dài đến cả tháng mới đủ cho công việc tập dượt, tranh giải thôn xã và toàn huyện. Nhân dân náo nức chuẩn bị dụng cụ cho hội, ’’khuấy động’’ một vùng sông nước Kiến Giang. Khách thập phương đổ về huyện lỵ, trong Nam ra, ngoài Bắc vào, cả những xã miền núi "cơm đùm gạo bới’’ ngủ lại qua đêm chờ xem bơi ngày tới.
Đường bơi trong các cuộc đua thường trên dưới 20 km tùy theo giải xã hay huyện. Tuyến độc nhất thường chọn từ trước đến nay là thượng tiêu cầu Trạm (Mỹ Thủy) qua chợ Thùi - Phú Thọ (An Thủy) và hạ tiêu mũi Viết Thượng Phong (thị trấn Kiến Giang) cũng là điểm buông phao.
Hội đua thuyền trở thành nét đẹp văn hóa thể thao truyền thống từ ngàn xưa đáng trân trọng, giữ gìn và phát triển.
Lèn Vịnh là tên gọi từ xa xưa một hòn núi ở xã Quảng Tiên, huyện Quảng Trạch. Từ thuở khai thiên lập địa, Lèn Vịnh mọc lên giữa làng Tiên Lệ như một tấm bình phong lớn cao sừng sững. Những khi mây xuống thấp tưởng như chạm đến đỉnh trời. Nơi đó trở thành chốn thâm nghiêm và đầy sự uy linh. Hàng năm cứ vào dịp sau giỗ Tổ Vua Hùng 10-3 một tháng, đúng ngày 8-4 thì nhân dân làng Tiên Lệ lại cùng nhau tổ chức lễ hội đền Phù Đổng Thiên Vương.
Người làng Tiên Lệ kể lại rằng: Trước đây rất lâu người Tiên Lệ đời sống rất khổ cực. Cảnh mất mùa đói kém luôn luôn xảy ra. Quanh năm chỉ lấy nghề rừng rú làm nguồn chính cho cuộc sống. Từ người già đến trẻ con ngày ngày lên rừng hái các loại trái cây như thị, mít nài, hạt muồng, hạt sót, hạt dẻ... chạy về Trung Thôn, Biểu Lệ bán buôn ở phiên chợ Sải hoặc xuống tận Minh Lệ dự phiên chợ Mới, xa hơn thì phiên chợ Ba Đồn rồi mua gạo mua khoai đem về cho gia đình đắp đổi qua ngày. Không hiểu nhờ trời phật phù hộ thế nào mà liên tiếp mấy năm tự nhiên làng Tiên Lệ được mùa to, trồng trọt cây gì cũng cho thu hoạch khá, từ đó đời sống hết cảnh hắt hiu.
Một cụ già cao niên nhất trong làng nhân một buổi hội đình, cụ đem chuyện giấc mơ cụ gặp được con Thần, con Thánh về hộ sức cho làng kể lại để mọi người nghe. Cụ kể rằng: Vị Thần về giúp làng đầu đội mũ kim ô ngồi trên con ngựa sắt, tay cầm roi sắt rượt đuổi bọn giặc lân bang từ phương Nam đến quậy phá. Sau khi đuổi được giặc chạy xa rồi thì vị Thần quay về trên đường đi ngang qua vùng Tiên Lệ thấy cảnh đẹp sinh tình nên đã ghé lại cùng binh sĩ nghỉ sức một đêm. Khi biết dân Tiên Lệ còn nhiều khổ cực, vị thần xin Nhà Trời ở lại dạy dân cày cấy, trồng trọt. Một thời gian sau khi mọi công việc cấy hái người dân đã được thuần thục thì một mình Thần cưỡi lên mình ngựa bỏ lại binh lính rồi bay ra phía bắc đến đậu xuống vùng Nghĩa Lĩnh. Nhưng Thần cũng ở đấy chỉ một thời gian rồi lại bay tít lên trời không quay trở lại.
Sau khi nghe ông cụ kể lại giấc mơ đẹp, vị Tiên chỉ làng liền bàn với chức sắc trong làng một kế hoạch rồi cử một đoàn đinh tráng hai mươi người khoẻ mạnh khuân theo gạo, nếp, lợn, bò trồng nuôi trên đất Tiên Lệ đi bộ gần một tháng ra tận Đền Hùng xin làm lễ tế. Sau lại đến đền thờ Thánh Gióng tổ chức lễ tạ ơn và xin đất, xin lập lư hương rước về làng thờ. Chỉ một thời gian rất ngắn huy động người có công, người có của, làng xây lên ngay giữa Lèn Vịnh một ngôi đền to đẹp nhất vùng và rất trang nghiêm. Đền xây xong làng tổ chức hội đền kéo dài ba ngày đêm đèn đuốc thắp sáng trưng cả một góc núi. Người mọi vùng nườm nượp kéo về cầu yên, cầu bổn mạng. Nhìn bức phong chính giữa đền tạc hình Phù Đổng Thiên Vương ngồi trên ngựa sắt tay cầm roi sắt hai bên có hai vị tướng hộ tống ngước mắt nhìn Thần bay lên trời làm cho người người đến đây đều tỏ lòng kính cẩn.
Từ đó cứ hàng năm đến ngày tế lễ dân hai giáp: Giáp Đông và Giáp Đoài được chức sắc làng phân công trực tiếp làm cỗ cúng thi. Các loại xôi, các loại bánh phải lấy hạt gạo, hạt nếp tự làm ra trên đồng làng mà chế biến mâm cỗ cúng. Để có các loại xôi bánh tốt, khi mùa lúa chín sắp gặt làng bắt những thanh niên ra ruộng chọn những bông tốt nhiều hạt chắc lảy đem về cột chùm phơi riêng rồi cất lên sàn nhà cả bồng chẹn. Khi nào sắp lễ mới đem bồng chẹn xuống đạp ra lấy hạt lúa xay giã thành gạo. Khi thành gạo rồi, làng tuyển các cô gái giỏi giang một lần nữa chọn ra những hạt gạo cật, trắng nguyên vẹn không vỡ mới đem đồ xôi. Sau khi nếp ngâm vớt ra rồi, cách hông cũng rất công kỹ. Khi hông xôi phải trải qua ba bước, bước một hông hạt nếp đều hơi thì đổ ra nong quây mỏng cho nguội, khi hết hơi thì cho đổ vào hông lần hai lại làm như lần một, rồi lại hông tiếp lần ba xôi mới đạt yêu cầu. Khi xôi được rồi thì một nửa cho đơm vào mâm, còn một nửa bỏ vào cối giã, đầu chày giã phải bọc bằng lụa mo cau. Cứ một lần giã có ba thanh niên cầm chày nện nhíp ba, đến khi nào mệt thì thay kíp. Khi nếp đã nhuyễn thành bánh rồi thì thôi giã, lấy tiếp một người khoẻ dùng tay vắt cả nhả bánh đã nhuyễn ném mạnh vào lòng cối, ném cho đến khi nào bánh không dính cối mới đạt yêu cầu. Bánh đạt yêu cầu phải có ba tiêu chuẩn trắng, dẻo, mượt. Đó là nhìn bằng mắt còn sau khi cúng xong bưng mâm bánh xuống đem ra cho các chức sắc chứng giám bằng cách một người cầm con dao thật bén cắt đôi chiếc bánh ra. Mâm giáp nào mặt bánh lì không có những lỗ hơi rỗng phía trong mới là thắng cuộc và giáp đó được nhận phần thưởng của làng. Có những năm, tháng tư trời đại hạn, lúa đồng khô kiệt nước, cây cối rũ héo, thì lễ tế đền thờ Phù Đổng Thiên Vương còn kết hợp với lễ cầu đảo để cầu mưa xuống. Lễ thường kéo dài ba bốn ngày. Nhiều năm cứ sau lễ cầu đảo là trời đổ mưa xuống ầm ầm thể hiện sự linh nghiệm, làm cho dân làng vui sướng và lại càng tin vào sự thiêng liêng của đền thờ.
Ngày trước, Tiên Lệ thượng xã nhập bảy xã lại gọi là Lệ Trạch. Đó là: Quảng Trung, Quảng Tân, Quảng Sơn, Quảng Thuỷ, Quảng Minh, Quảng Hoà. Việc cúng lễ hàng năm thường là hai giáp Đông, Đoài Tiên Lệ và ba mươi sáu phường ở vùng Tuyên Hoá đảm trách.
Đền thờ Phù Đổng Thiên Vương Lèn Vịnh là một di tích hiếm thấy ở Quảng Bình. Việc ngày trước các hương quan làng Tiên Lệ ra tận đền thờ Thánh Gióng làm lễ tạ và xin đất lập lư hương cho đền thờ làng là chứng tỏ cộng đồng dân cư nơi đây có mối quan hệ với các bộ tộc người Việt từ rất sớm. Cách thức hông xôi và cách thức làm bánh dày cúng lễ cũng mang dấu tích các món ẩm thực quen thuộc của người Việt lâu đời. Giấc mơ của lão làng với những chi tiết thánh thần dạy dân trồng trọt cũng là điều chứng tỏ người dân nơi đây đã biết sớm gieo trồng lúa nước. Hình ảnh vị Thần cưỡi ngựa sắt, tay cầm roi sắt cũng chứng tỏ phương thức canh tác của người Tiên Lệ đã từ rất sớm hoà nhập với cộng đồng người Việt cổ để được phát triển cùng tiến trình lịch sử chung cả nước. Dù sống gần núi nhưng là nhóm người tiếp cận sớm với văn minh phù hợp với nhận định chung: ’’Người Việt Quảng Bình chiếm khoảng 98% dân số toàn tỉnh. Họ sinh sống trên hầu khắp các địa bàn của tỉnh, từ đồng bằng ven sông biển đến vùng gò đồi trung du. Từ vùng thị xã, thị trấn đến các vùng núi cao... Dân cư các làng xã Quảng Bình có nguồn từ nhiều địa phương khác nhau ở phía Bắc di cư đến lập nghiệp. Các lớp dân cư của làng cũng diễn ra hết sức phức tạp trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, kể từ nửa thế kỷ XI cho đến nửa đầu thế kỷ XIX".
Mỗi vùng quê Quảng Bình đều có lễ hội của vùng quê mình mà lễ hội đền Phù Đổng Thiên Vương ở Lèn Vịnh Tiên Lệ từ lâu nay chưa hề được nhắc tới trong sách vở nào đang cần sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trước đây, Lèn Vịnh là nơi vùng Việt Minh và du kích hoạt động, nơi bảo toàn lực lượng kháng chiến. Giặc Pháp đã bao phen tổ chức những trận càn quét và về đóng đồn Tiên Lệ để phong toả vùng du kích cũng như để ngăn lực lượng Việt Minh tràn về. Nhưng rồi chúng buộc phải rút lui sớm vì luôn bị lực lượng kháng chiến từ Lèn Vịnh đêm ngày quấy rối và đốt cháy đồn.
Đền Thờ Phù Đổng Thiên Vương nơi Lèn Vịnh từ đó bị hư hại và đến nay không còn vẹn nguyên, chỉ lưu lại các khuôn nền cũng như các bậc cấp lên xuống đền mà thôi. Những bậc cao niên của làng Tiên Lệ khi nhắc đến đền thờ Phù Đổng Thiên Vương thường tấm tắc và vô cùng nuối tiếc một di tích lịch sử văn hoá hiếm của quê làng chỉ còn trong chuyện kể.
Cứ vào ngày rằm tháng 3 âm lịch hằng năm, người dân ở huyện miền núi rẻo cao Minh Hóa lại vào hội rằm tháng ba.
Từ xa xưa, người dân Minh Hóa đã dặn lòng với nhau rằng: “Thà ốm mà nằm, ai mà bỏ chợ rằm tháng ba...”. Ai đã từng đến dự lễ hội rằm tháng ba ở Minh Hóa, dẫu chỉ một lần thôi cũng sẽ không bao giờ quên được những ấn tượng đặc biệt của nó. Đó là vẻ huyền ảo của ánh trăng rằm miền sơn cước quyện trong tiếng hát đúm (một điệu hát giao duyên của người Nguồn) bày tỏ tình yêu lứa đôi...
Từ sớm tinh sương của ngày rằm, các đoàn đại diện cho các làng, xã cùng nhau đến vùng thác Bụt ở Dốc Cáng, xã Yên Hóa. Tại đây họ dâng hương cúng Bụt (như ông Bụt trong truyện cổ tích). Chính từ nơi đây đã xuất hiện lễ hội rằm tháng ba Minh Hóa. Người già còn kể lại: ngày xưa có ba anh em nhà nọ lên lèn ông Ngoi tìm mật ong. Họ đi lạc vào một hang động. Trong đó có cơ man nào là tượng Bụt bằng đá...
Ba anh em họ mỗi người vác một tượng về. Đến thác Bụt họ xuống suối tắm. Nhưng khi vác tượng lên lại để trở về nhà thì không tài nào vác được nữa. Mãi sau họ mới vác được một tượng về đến Hói Chàm và đặt ở đó. Từ đó đến nay dòng thác mà ba anh em nhà kia tắm và để tượng Bụt lại, được gọi là thác Bụt. Vậy là mỗi năm, cứ đến lễ hội rằm tháng ba mọi người lại đến đây cúng Bụt cầu tự, cầu tài, cầu lộc chuẩn bị cho một lễ hội rằm mới.
Người già ở Minh Hóa cho biết ngày xưa, lễ hội rằm tháng ba của đồng bào người Nguồn ở Cơ Sa, Kim Linh gồm ăn tết rằm tháng ba, hội chợ rằm tháng ba vào ngày sáu (tức là ngày 16-3 âm lịch). Ngày rằm đó, tất cả mọi nhà của người Nguồn đều làm cỗ bàn, xôi thịt cúng ông bà tổ tiên. Dân làng ở tổng Cơ Sa đem xôi oản lên chùa cúng Bụt cầu tự, cầu tài, cầu lộc cho mọi nhà yên vui, thịnh vượng.
Còn dân làng ở tổng Kim Linh thì làm lễ cầu đảo, cầu cho mưa thuận gió hòa, xóm làng bình yên. Người từ bốn phương trong tỉnh, ngoài tỉnh và trong vùng Cơ Sa, kinh Linh đổ về dự chợ Sạt-hội chợ rằm-với đủ các loại hàng hóa lâm thổ sản. Đặc biệt là những thức ăn truyền thống đặc trưng của người dân Minh Hóa như ốc suối luộc, bồi ngô chấm mật ong rừng, khoai môn...
Đối tượng được ưu tiên đi dự hội chợ rằm tháng ba của người Nguồn là trẻ em và nam thanh nữ tú. Thanh niên đến dự hội chợ rằm là dịp gặp gỡ tìm hiểu nhau. Họ mặc những bộ áo quần đẹp nhất, chiếc ô đủ sắc màu thổ cẩm... Nhiều cặp nam nữ dù ở cách xa nhau hàng ngày đường núi, nhưng qua hội chợ rằm tháng ba đã nên vợ thành chồng. Dưới ánh trăng rằm, nam nữ quây quần bên nhau hát đúm.
Đến ngày Hội, hàng ngàn người ở khắp nơi về đây xem văn nghệ do các đội văn nghệ của các làng, xã biểu diễn bằng các tiết mục truyền thống như hát đúm, hò thuốc, hò kéo nôốc (thuyền), hát sắc bùa, hát nhà trò, múa tiên, múa lăm tơi (điệu múa của người Lào). Các làng, xã thi nấu cơm, giã hạt ngô làm bồi, chế biến món ăn truyền thống từ sản vật của địa phương... trong không khí náo nhiệt.
Mấy năm gần đây, huyện Minh Hóa còn tổ chức cả hội thi thể dục thể thao dân tộc như bắn nỏ, ném xoay, đi cà kheo... cho lễ hội thêm phần tấp nập.
Lễ hội Cầu Mùa Bảo Ninh được tổ chức từ ngày 14 đến 16 tháng 4 Âm lịch hàng năm tại làng biển Bảo Ninh - TP Đồng Hới. Đây là lễ hội tiêu biểu của người dân vùng ven biển Quảng Bình.
Đình làng Bảo Ninh thờ Nhân thần (Hai cha con người đánh cá) và Cá Ông (cá Voi đã cứu dân làng khỏi bị đắm thuyền trong các trận bão). Trong truyền thuyết ở xã Bảo Ninh xưa, có nhiều chuyện cá voi giúp ngư dân và quân lính nhà Nguyễn thoát khỏi phong ba bão táp rất kỳ lạ, càng làm cho ngư dân kính phục và vô cùng tôn trọng, biết ơn cá voi như một linh thần, gọi là Cá Ông.
Cách đây gần 100 năm, một con cá voi lớn do bị bão nên trôi dạt vào cửa Nhật Lệ và bị chết. Ngư dân đưa cá Ông và bờ ở địa phận giữa làng Sa Động và Trung Bính an táng. Lễ táng cá Ông được tiến hành rất long trọng, ngư dân các làng lân cận nghe tin cũng đến viếng cúng. Vì cá Ông rất lớn nên phải táng ở bờ sông. Nhân dân phải sang Phú Hải chở đất thịt về đắp lên cá để chôn. Mấy năm sau người ta cất bốc hài cốt cá Ông và cất giữ ở lăng của làng trong một hậu tẩm nửa chìm nửa nổi ở sau lăng thờ cá Ông. Bộ xương cá Ông cũng rất lớn. Hai cái ngà dài hơn 3m, các xương sườn như những cái đòn gánh. Dân làng gọi cá này là Cố và đến dịp rằm tháng Tư âm lịch hàng năm thì tổ chức lễ hội Cầu ngư để ra quân đánh vụ cá nam.
Lễ hội Cầu mùa Bảo Ninh có hai phần: Phần lễ mở đầu có tục rước cốt Ông từ làng về đình, có diễn “hò khoan, chèo cạn, múa bông”. Tiếp theo là ngày hội xuống biển, làm lễ cầu khấn của một làng nghề đánh cá.
Trong phần lễ tế Thần cá Ông có hai cụ già "lên đồng" phán những lời linh thiêng. Sau phần lễ là phần hội múa bông - chèo cạn ở sân lăng. Đội chèo cạn do các cô gái chưa chồng và hai người "cái hò" một nam một nữ hò cái. Hai người cái hò này mặc áo quần dài, thắt lưng điều, nữ thì chít khăn màu nguyệt bạch, chân đất; nam thì mặc áo lụa đỏ dài, đầu chít khăn hồng mỏ diều, chân đi đôi guốc mộc. Các cô gái chèo cạn mặc áo dài màu mỡ gà hoặc màu hoa lý, quần trắng, đầu búi tóc cài trâm đồng có đính bông hoa nhài, tay cầm một cây chèo gỗ sơn màu xanh đỏ dài 1,5m, động tác chèo nhịp nhàng, nhẹ êm theo nhịp hò khoan. Có một đội nhạc sinh nhị, đàn nguyệt, sáo, kèn bầu và trống đại phụ họa cho hò khoan.
Làn điệu hò khoan chèo cạn gồm 5 mái hò: hò mái dài, hò mái ba, hò mái nện, hò kéo lưới và hát khoan. Ở giữa các câu hò, các cô gái chèo cạn đệm hò con gồm các câu: "a xố đi xố...hà" hoặc "ớ là...hố". Nội dung các câu hò thường là cầu trời đất, thần linh phù hộ cho trời yên biển lặng cho dân đánh bắt hải sản được mùa.
Đội ngũ múa bông (múa đèn) gồm các thanh niên chưa vợ, sức vóc cường tráng, cân đối đồng đều nhau và do một người điều khiển. Các đội viên mặc đồng phục, quần trắng, áo năm thân màu hồng hoặc đỏ, chân quấn xà cạp, đầu chít khăn mỏ quạ trắng, hay tay cầm đôi đèn lồng hình chậu tứ giác, trong có đèn nến thắp sáng. Người điều khiển mặc võ phục, áo chẽn đỏ thắt lưng xanh, đội mũ võ tướng, giữa có thắt hoa hồng vải đỏ, tay cầm đôi đèn lồng hình chậu lục giác. Đội múa bông uy nghi tiến vào sân lăng. Đội trưởng vừa múa đôi đèn vừa đi dẫn đội biểu diễn các đội hình biến hóa rất đẹp như một chiếc thuyền sáng rực trên sông, đội hình như rồng bay phượng múa. Trong khi đó, tiếng trống thúc giục kèm theo tiếng nhạc réo rắt du dương.
Lễ hội cầu mùa phản ánh đời sống văn hoá tinh thần phong phú và những tín ngưỡng mang màu sắc huyền bí trên sông nước được tổ chức hàng năm nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, được mùa tôm cá cho những chuyến biển bình yên, cầu cho cuộc sống người dân no đủ và quốc thái dân an.
Lễ hội chèo cạn, múa bông thường được tổ chức trong các dịp lễ kỷ niệm lớn của dân tộc. Đặc biệt, đây là một phần không thể thiếu trong Lễ hội Cầu ngư hàng năm của người dân Bảo Ninh.
Lễ hội chèo cạn, múa bông là hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc của người dân vùng biển Nhật Lệ nhằm cầu cho trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Những câu hò xưa cùng với các điệu múa bông, chèo cạn, thể hiện lòng biết ơn đến các vị thần linh vùng sông nước, đồng thời tạo không khí thi đua sôi nổi trong lao động sản xuất và hưởng thụ nét văn hóa của cha ông ta từ xưa để lại.
Sau phần lễ với nghi thức cúng thần linh là phần hội, các đội múa đã thể hiện những động tác chèo cạn, múa bông nhịp nhàng, mang đậm bản sắc văn hóa lâu đời của địa phương vùng biển.
Đội chèo cạn do 24 cô gái chưa chồng và hai người một nam, một nữ cái hò (hát chính). Hai người cái hò này mặc áo quần dài, thắt lưng điều, nữ chít khăn màu nguyệt bạch, chân đất; nam mặc áo lụa đỏ dài, đầu chít khăn hồng mỏ diều, chân đi đôi guốc mộc. Các cô gái chèo cạn mặc áo dài màu mỡ gà hoặc màu hoa lý, quần trắng, đầu búi tóc cài trâm đồng có đính bông hoa nhài, tay cầm một cây chèo gỗ sơn màu xanh đỏ dài 1,5m, động tác chèo nhịp nhàng, nhẹ êm theo nhịp hò khoan. Có một đội nhạc sinh nhị, đàn nguyệt, sáo, kèn bầu và trống đại phụ họa cho hò khoan.
Làn điệu hò khoan chèo cạn gồm 5 mái hò: hò mái dài, hò mái ba, hò mái nện, hò kéo lưới và hát khoan. Ở giữa các câu hò, các cô gái chèo cạn đệm hò con gồm các câu: "a xố đi xố...hà" hoặc "ớ là...hố". Nội dung các câu hò thường là cầu trời đất, thần linh phù hộ cho trời yên biển lặng cho dân đánh bắt hải sản được mùa. Đội ngũ múa bông (múa đèn) gồm 20 thanh niên chưa vợ, sức vóc cường tráng, cân đối đồng đều nhau và do một người điều khiển. Các đội viên mặc đồng phục, quần trắng, áo năm thân màu hồng hoặc đỏ, chân quấn xà cạp, đầu chít khăn mỏ quạ trắng, hay tay cầm đôi đèn lồng hình chậu tứ giác, trong có đèn nến thắp sáng.
Người điều khiển mặc võ phục, áo chẽn đỏ thắt lưng xanh, đội mũ võ tướng, giữa có thắt hoa hồng vải đỏ, tay cầm đôi đèn lồng hình chậu lục giác. Đội múa bông uy nghi tiến vào sân lăng. Đội trưởng vừa múa đôi đèn vừa đi dẫn đội biểu diễn các đội hình biến hóa rất đẹp như một chiếc thuyền sáng rực trên sông, rồng bay phượng múa. Trong khi đó, tiếng trống thúc giục kèm theo tiếng nhạc réo rắt du dương.
Lễ hội cầu ngư được tổ chức hàng năm vào dịp rằm tháng tư, tại xã Bảo Ninh, huyện Đồng Hới. Đây là một lễ hội truyền thống nhằm cầu tài, cầu an, cầu mưa thuận gió hòa cho nhân dân.
Lễ cầu ngư là một lễ hội truyền thống của xã Bảo Ninh - một xã cù lao nằm dọc bờ biển Nhật Lệ, có phần lớn nhân dân làm nghề cá. Đây là một lễ hội thể hiện văn hóa tín ngưỡng của người miền biển, đồng thời mang đậm chất nghi lễ dân gian của người dân sống ở vùng đồng bằng duyên hải miền Trung.
Theo truyền thuyết truyền miệng ở xã Bảo Ninh, từ xa xưa có một lần xác “ngài” (cá voi, được người miền biển gọi tôn kính là “ngài”) chết dạt vào gần cửa biển đoạn qua thôn Sa Động. Người dân đã ra kéo xác “ngài” vào để chôn cất nhưng kéo mãi không được. Chỉ sau khi tổ chức lễ cầu, “ngài” mới chịu vào bờ.
Trước lễ chính, chính quyền và nhân dân xã Bảo Ninh tổ chức các nghi lễ Rước văn, Vớt bạc, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân. Các lễ Rước văn và Vớt bạc được tổ chức nhằm mời những linh hồn những người đã khuất về dự lễ cầu ngư.
Lễ Cầu ngư là lễ hội văn hóa truyền thống có từ lâu đời của bà con ngư dân xã Bảo Ninh nói riêng, các địa phương vùng biển nói chung. Lễ Cầu ngư thể hiện sự tôn vinh nghề nghiệp cũng như khát vọng bình yên trong lao động sản xuất và đời sống của bà con ngư dân.