Cứ 2 năm một lần, vào ngay mùng 7 khai hạ tính theo lịch Mường và là ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch, bà con nhân dân khắp các nơi xa gần lại tụ tập về tham dự lễ hội đu Mường Vôi thuộc xã Liên Vũ (Lạc Sơn). Hội đu Mường Vôi đã có trên 100 năm, do chiến tranh, hội đu Mường Vôi đã có một thời gian bị gián đoạn không được tổ chức, nhưng đến nay, hội đu Mường Vôi lại được khôi phục và tổ chức định kỳ với nhiều hoạt động đa dạng phong phú.
Lễ hội gồm 2 phần:
Phần lễ gồm có dâng hương cúng thành hoàng làng, đọc lời khai mạc và đánh trống khai hội.
Phần hội có tổ chức đánh đu, ném còn, bắn nỏ, kéo co, đánh bóng chuyền, đánh mảng và đẩy gậy. Đặc biệt, trong lễ hội đu Vôi còn có những nghệ nhân hát đúm, rằng thường để cổ vũ khích lệ ngày hội và chúc mọi người, mọi nhà có một mùa xuân mới an lành, no đủ, và cac tiết mục văn nghệ khác.
Nghi lễ hạ cột đu vào ngày mùng 7 khai hạ có ý nghĩa hết sức đặc biệt, quan niệm năm nào cột đu đổ vào làng là năm đó cả làng no đủ, mọi sự tốt lành.
Lễ hội đu Vôi mang đậm nét bản sắc văn hóa của người Mường Vôi nói riêng và của bà con dân tộc Mường ở huyện Lạc Sơn nói chung. Lễ hội được duy trì không những có ý nghĩa to lớn về giá trị văn hóa mà đây còn là dịp để con em quê hương và mọi người dân trong Mường tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên, những người đã có công đi khai dân mở đất.
Lễ hội cầu an cho bản mường (xên bản, xên mường) của người Thái, đặc biệt là người Thái Mai Châu, Thuận Châu, Mộc Châu, người Mường... là một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng rất quan trọng đối với cộng đồng người ở Tây Bắc. Lễ hội thường được tổ chức vào cuối tháng giêng, đầu tháng hai âm lịch hàng năm (dịp tết Nguyên Đán), gắn với tục giết trâu hiến sinh cầu và tạ thần linh, được biểu hiện qua tiếng sấm, tức lời phán quyết của vua trời, qua hình tượng thủy thần, thuồng luồng... Lễ hội có liên quan đến đời sống vật chất, tinh thần, tâm linh của cả bản mường, đến mùa màng, sức khỏe và sự làm ăn của cộng đồng năm ấy, nên được tổ chức rất trọng thể, vui vẻ, thu hút sự tham gia của đồng bào ở địa vực lớn (bản, mường).
Lễ hội này thường được tổ chức tại một bãi rộng, nơi có nguồn nước (mở nước), nhiều khi là nguồn nước thiêng, hoặc ở cạnh rừng (bìa rừng) trong hai hoặc ba ngày. Từ địa vực mà sự hiến sinh gắn với một biểu hiện của thần linh hay bản thân thần linh (sấm, mưa, thuồng luồng, thổ công, thổ địa...). Nhiều người cho biết, ở Mộc Châu, lễ hội này được tiến hành ở đầu nguồn nước thuộc một bản được chọn (thường là bản Mòn). Đây là nguồn nước thiêng, gần rừng thiêng, nơi cư trú của thần thuồng luồng đầy uy lực. Ở người Thái Mai Châu, thì lễ hội lại được tổ chức ở bãi rộng gần đình như các lễ hội ở châu thổ, đồng bằng. Có nơi, người ta tổ chức lễ ở các miếu thờ thổ công, thổ địa của bản, của gia đình, ở vườn và ở đầu ruộng. Thường thì ngay từ dịp tết Nguyên Đán, mọi thứ dùng cho lễ hội đã chuẩn bị xong.
Lễ hội thường kéo dài trong ba ngày (có nơi hai ngày một đêm, có nơi một ngày một đêm). Nghi lễ cúng viếng cơ bản là hiến sinh trâu (nơi là một cặp trâu đực to, trắng - đen, nơi thì một con, nhiều nơi cúng cả gà, lợn). Ở Mộc Châu, trong lễ xên bản, xên mường, người ta hiến tế cặp trâu đen - trắng cở từ mười tuổi trở lên. Hai trâu, nhưng trâu trắng mới thực sự mang năng lượng thiêng để thành lễ vật tế thần (ở đây là thủy quái thuồng luồng, con ma to nhất dưới nước mà bà con thường gọi là phi ngược). Có lẽ nghi thức thờ, hiến sinh hai trâu là mới hơn nghi thức hiến sinh một trâu mộng rất phổ biến. Bởi theo bà con cho biết, trước kia, dân một mường khác phải đem trâu trắng và các đồ cúng lên cúng tại bản Mòn này. Từ đó nảy sinh lễ cúng liên mường (xên liên mường) mà đồ cúng và trâu hiến sinh tăng thêm về số lượng. Suy tưởng này, thực ra mới chỉ là giả thiết.
Người chịu trách nhiệm chính trong tổ chức lễ hội cầu an bản mường là a nha, nhưng người trực tiếp điều hành buổi lễ lại chính là ông thầy cúng (mo mường). Dân chúng trong mường, ngoài bản, bất kể già trẻ gái trai đều có nghĩa vụ tham gia, đóng góp tùy sức mình và được quyền tham dự lễ hội của mường.
Nghi lễ giết trâu ở đây hết sức đơn giản, không quan trọng và hệ thống như nghi lễ đâm trâu, ăn trâu ở Tây Nguyên. Trước ngày hội chính thức, tức là khoảng 2-3 giờ chiều ngày hôm trước, người ta đã làm lễ giết trâu. Trước khi thịt trâu, ông mo mường và ông mò phăn (tức ông thầy chém, được dân mường chọn ra) làm lễ vái thần linh, tổ tiên rồi cầm dao nhọn làm động tác chém dữ (mang tính nghi lễ) vào cổ các con trâu dùng tế lễ, miệng thì thầm những câu như thần chú (thực ra, nhiều người cho rằng các ông chỉ nói lời kính báo với thần linh, tổ tiên: trâu tế thần đã sẵn, dân bản, dân mường đã thịt trâu dâng các vị rồi đây nhé, xin các vị về mà nhận lấy). Sau đó, các ông lui ra, dành chỗ cho các thanh niên khỏe mạnh vào chém trâu, thịt trâu... Bắt đầu ngày hội, người ta làm nhiều mâm cỗ cúng (mỗi mâm cỗ tượng trưng cho một bản lớn, xưa, có tạo bản đứng đầu, các bản nhỏ không được tượng trưng bằng mâm cỗ) đặt cạnh nguồn nước thiêng của mường.
Đặc biệt, mâm cỗ của ông a nha, đặt ở giữa, dùng cúng tổ tiên (mâm cúng chính thức) phải đầy đủ các bộ phận của con trâu hiến tế (đầu, đùi, thân, móng, đuôi...) cùng tất cả các bộ phận của một con lợn. Những mâm còn lại của các bản, ngoài thịt trâu, cơm rượu... còn phải có gà vịt, đặt ở hai bên mâm cúng chính, dành để cúng các vị thần khác. Khi buổi lễ bắt đầu, mo mường quì trước các mâm cỗ, phía sau là a nha, tạo bản, dân mường quì lễ. Trong không khí trang nghiêm, linh thiêng, ông mo trang trọng, xuất thần đọc bài cúng đã thông thuộc, mời tổ tiên (ông cha bà cố nội ngoại tiếng Thái là Pao pu pang cải), thần đất (Chau đỉn), chủ nguồn nước (Chau nặm bo), thổ công thổ địa... về nhận lễ vật, dùng cỗ, vui vẻ với cộng đồng dân cư bản mường; đồng thời cầu mong tổ tiên thần linh ban phúc, phù trợ cho bản mường bình yên, làm ăn suôn sẻ, con người khỏe mạnh, ngô lúa sinh sôi, gia súc gia cầm đàn đàn, lớp lớp. Khấn xong, mo mường và các vị chức sắc cùng dân bản mường vái lạy tổ tiên và các vị thần. Trong lúc đó, mo mường ném hai quả trứng (một đỏ, một trắng) và một nắm cơm nhỏ xuống nguồn nước.
Cuộc lễ kết thúc, mọi người bắt đầu vào cuộc ăn uống cộng cảm, vui chơi thể thao, văn nghệ... Cuộc ăn uống cộng cảm diễn ra hết sức vui nhưng đúng lễ nghi. Các ông mo mường, a nha, tạo bản... ăn làm phép ở mâm cỗ chính, rồi đi từng mâm; ở mỗi mâm các ông ăn một miếng thịt, uống một hớp rượu. Kế đó, cả bản mường ăn uống vui vẻ cho bằng hết các mâm, không được bỏ thừa hay đem về. Để chuẩn bị cho việc diễn ra những trò bách hý trong hội lễ, ngay từ sáng tinh mơ của ngày đầu tiên, bên cạnh vị trí cúng lễ (mặt bằng, có thể là bàn đá cạnh nguồn nước), người dân bản đã sửa sang, dọn dẹp một mặt bằng rộng, cách nơi hành lễ khoảng trên dưới 100m. Mọi hoạt động hội hè, trò chơi, văn nghệ, thể thao... đều được diễn ra nơi đây.
Trời về chiều, trong tiếng trống, tiếng chiêng dìu dặt lúc khoan lúc nhặt, dân làng tổ chức xòe vòng, xòe đôi, xòe đơn thật hào hứng. Bên mâm rượu tập thể, những nam thanh nữ tú hát giỏi múa hay, biết nhiều, nhanh nhẹn trong ứng đối vừa ăn uống, chọc ghẹo, vừa hát đối đáp giao duyên. Họ hát giới thiệu, khen ngợi nhau, bày tỏ chí hướng, tỏ lòng với nhau... trong men rượu, men tình...
Bên cạnh đó, dăm bảy đôi nam nữ (thường là những đôi đã ngầm kết nhau, tổ chức múa sạp, thi bắn nỏ, bắn súng hỏa mai. Nhiều nơi còn có tục đi săn tập thể vào ngày kết thúc lễ hội. Dưới sự chỉ huy của một thợ săn giỏi nhất mường, được dân bản bầu lên, mọi người lao mình vào cuộc săn một cách hào hứng. Thú rừng săn được sẽ chia đều cho mọi người cũng như lũ chó tham gia cuộc săn... Cứ như thế cuộc vui kéo dài trong hai, ba ngày. Sau đó, bản nào về bản ấy. Bản nào giàu có, nhiều khả năng vật chất thì mời mo mường, a nha về bản mình, tiếp tục mổ lợn, giết gà tiệc tùng vui vẻ, hoặc tổ chức cầu an cho bản (xên bản).
Đã thành thông lệ, hàng năm, khi năm cũ chuẩn bị qua đi, một năm mới sắp đến cũng là lúc nhân dân làng Vai xã Thanh Nông (Lạc Thuỷ) nao nức, xôn xao hòa mình vào không khí ấm áp của ngày hội làng truyền thống. Ngày hội truyền thống của làng bắt đầu từ ngày 11 đến hết ngày 13/11 hàng năm tại đình và đền làng Vai. Hội làng là dịp để nhân dân làng Vai tỏ lòng thành kính và nhớ ơn Tam vị Tản Viên Sơn và Cảnh Tiên Công chúa, cảm ơn các vị thần linh đã phù hộ cho họ một năm yên bình, ấm no, hạnh phúc. Ngày này, những người con của làng dù đi đâu xa cũng về ngày hội truyền thống của làng còn là dịp để mọi người đoàn tụ, thắt chặt tình người, tình quê hương, làng xóm.
Vẻ đẹp của làng Vai - Hòa Bình
Hội được chia làm hai phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ được tiến hành uy nghi, trang trọng, những nghi thức trong phần lễ vẫn được người dân truyền giữ, vun đắp từ đời này sang đời khác, phần hội đã bị mai một đi nhiều. Làng Vai gồm có 2 giáp, được chia làm giáp trong và giáp ngoài, đứng đầu mỗi giáp có giáp trưởng, trong ngày 11, dân làng tổ chức đưa kiệu đến nhà trưởng hàng giáp để rước sắc về đình thờ. Đi đầu là kiệu đặt bài vị của thần thành hoàng làng, đi sau là kiệu hoa quả, xôi, gạo, bánh chưng….
Đi sau cỗ kiệu có tàn lọng, đao, mũ, bia rất long trọng. Đi trước kiệu có đội múa sinh tiền, rồng bay, phượng múa có gươm trùng, bát bửu, bát tiên hai hàng uy nghi.
Sau khi rước sắc về đình thờ, dân làng lại tổ chức rước cỗ (gọi là cỗ đốn) của các gia đình có cụ cao tuổi hoặc những người có chức sắc trong xóm đến đình thờ và tổ chức thi cỗ, cỗ nhà ai to nhất, ngon nhất, đẹp nhất được đặt ở bàn thứ nhất và cứ như vậy, cỗ nhà ai kém hơn thì đặt ở bàn nhì, bàn ba.
Ngay trong buổi chiều ngày 11, khi các nghi thức của buổi lễ đang tiến hành thì các hoạt động vui hội cũng được bắt đầu ở sân nhà văn hóa của làng nằm phía sau đình. Các trò chơi dân gian như kéo co, bịt mắt bắt dê, đánh cờ người, tổ chức giao lưu bóng chuyền giữa các đội bóng trong xã… Buổi tối dân làng tổ chức biểu diễn và giao lưu văn nghệ giữa các đội văn nghệ ở các vùng lân cận với các chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ và tình yêu quê hương đất nước đổi mới.
Ngày 12 là ngày chính hội. Buổi sáng tổ chức rước cỗ lễ hàng giáp về đình thờ. Ngày này, cả dân làng tập trung đông tại đình làng để tham dự lễ hội. Trong buổi lễ, ông lang (ông Từ) làm chủ tế. Sau buổi lễ lý trưởng (trưởng thôn) đọc hương ước của làng để nhân dân nghe và thực hiện trong năm mới. Buổi chiều tiếp tục mở hội , thanh niên nam nữ trong làng tổ chức các trò chơi như buổi chiều ngày 11 và kết thúc vào ngày 13.
Sự ấm áp trong những ngày hội làng với lưu giữ nét đẹp văn hóa đặc sắc cổ truyền là những bài học lịch sử thực tế, hiệu quả nhất cho thế hệ trẻ, cũng là dịp để nhân thêm niềm tự hào, tự tôn dân tộc, giáo dục con cháu nhớ về quê hương, nguồn cội. Hội làng Vai đã trở thành một nét đẹp văn hóa giàu ý nghĩa, như một mạch ngầm chảy mãi, bừng lên sức sống, bản sắc của quê hương làng Vai.
Hàng năm, cứ vào ngày 26 tháng 10 âm lịch, người dân Mường Rậm, xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy (Hòa Bình) lại gác công việc đồng áng, ruộng nương thường ngày để tất bật chuẩn bị đón Tết cơm Đe. Người Mường Rậm ở Lạc Thịnh thường ăn ba tết lớn là Tết Nguyên đán, Tết Độc lập và Tết cơm Đe, trong đó Tết cơm Đe được tổ chức to hơn, đông hơn và vui hơn cả vì cả nước duy chỉ có xã Lạc Thịnh mới có cái tết độc đáo này.
Nét độc đáo trong Tết cơm Đe của người Mường Rậm là ăn chay và chỉ có phần lễ. Trong mâm cúng, bao giờ cũng phải có quả đu đủ, mướp, măng giang lấy từ rừng về đồ lên hoặc luộc chín, vừng rang giã nhỏ không cho muối hay bất kỳ gia vị nào.
Món đặc biệt không thể thiếu trong mâm cúng là cơm Đe. Cơm được làm từ gạo nếp nhưng phải là gạo ngon, đồ lên rồi trộn ủ với men lá cây rừng. Để có cơm Đe vừa ngon, ngọt, đậm đà, người Mường Rậm phải chuẩn bị trước đó vài ngày, thường là từ 20/10 âm lịch.
Những người con của quê hương dù đi công tác, làm ăn, sinh sống ở nơi xa đều cố thu xếp công việc để về thưởng thức Tết cơm Đe. Trong vùng, chỉ có dòng họ Bùi làm Tết cơm Đe, còn các dòng họ khác như Quách, Nguyễn... không làm mà đến chia vui. Để chuẩn bị cho mâm cúng tết được chu tất, ngay từ tờ mờ sáng, gia đình đã dậy, chuẩn bị bày mâm cúng.
Theo quan niệm của người Mường Rậm, phải cúng trước khi mặt trời mọc, vì thời gian này là linh thiêng và mát mẻ hơn cả. Mâm cúng được đặt ở hướng chính giữa ngôi nhà sàn (đặt mấy mâm là tùy từng gia đình). Măng giang, đu đủ, mướp được đồ chín bày lên tàu lá chuối xanh. Sau khi sắp lễ xong, một thầy mo có uy tín nhất trong làng được mời đến cúng, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, vạn vật tốt tươi, con người khỏe mạnh.
Trong khi cúng, tất cả con cháu phải ngồi ở phía trong ngôi nhà sàn để nghe và xem thầy làm lễ. Bài cúng kết thúc cũng là lúc cả gia đình tổ chức ăn Tết trong sáng sớm, từ người già đến trẻ em đều thưởng thức cơm Đe để được may mắn, mạnh khỏe.
Các cụ già trong Mường kể lại, từ xa xưa, không ai còn nhớ vào thời gian nào, có một vị tướng đem quân đi đánh giặc phương Bắc. Trận ấy ông thua và không may bị thương. Ông cùng tùy tùng phải vượt qua núi Trường Sơn chạy về vùng Yên Thủy. Đến khu vực xã Lạc Thịnh thì trời đã chuyển sang ngày 26 tháng 10 âm lịch.
Vị tướng đã vào nhà một người dân tộc Mường xin nghỉ lại. Trời lúc này chưa sáng hẳn, nhà nghèo quanh năm nên chẳng có ngô, gạo cũng không có thứ gì gọi là thực phẩm. Chủ nhà đành luộc bí xanh, đu đủ, vài chiếc măng giang đang chỏng chơ trong góc bếp nhà sàn để vị tướng và tùy tùng ăn qua bữa.
Đang ăn những thứ đó với vừng rang giã nhỏ không có muối (ngày xưa muối trên miền núi rất hiếm), chủ nhà chợt nhớ ra là còn có ít cơm Đe đang ủ, chuẩn bị nấu rượu dùng vào Tết Nguyên đán nên vội lấy ra mời. Nó không còn là cơm nữa nhưng cũng chưa phải là rượu, xưa nay ở đây không ai ăn.
Sáng hôm sau, trước khi đi, xúc động trước tấm lòng của người dân nơi đây và thương dân nghèo đói, vì vùng này thường xuyên xảy ra hạn hán... vị tướng đã lập đàn cúng thần cầu mưa. Thật linh thiêng, vừa cúng xong thì trời đổ mưa khiến cho người dân vui mừng. Từ đó đến nay, cứ gần đến ngày 26 tháng 10 âm lịch vùng đất Mường Rậm lại có mưa, không to thì nhỏ.
Nhớ ơn vị tướng đánh giặc cứu nước lại còn lập đàn cầu mưa cho dân lành ở vùng hạn hán, hàng năm người Mường ở đây lấy ngày 26 tháng 10 làm Tết cơm Đe. Vật cúng trong mâm không ngoài những thứ đã tiếp vị tướng năm nào, nhất là cơm Đe (loại cơm ủ men từ lá cây rừng để nấu rượu), thứ không thể thiếu.
Ngày nay khi cuộc sống khá dần lên, người Mường Rậm ở xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy (Hòa Bình) đã no ấm và càng coi trọng Tết cơm Đe. Ai đã từng đặt chân đến vùng đất này, thưởng thức món cơm Đe chắc hẳn không quên được hương vị độc đáo của nó và càng không quên tấm lòng hiếu khách của bà con nơi đây. Đó là nét văn hóa truyền thống lâu đời của người Mường Rậm, cần được quan tâm bảo tồn và phát huy.
Lễ hội đánh cá suối Tháng ba được tổ chức vào khoảng tháng 3 âm lịch hàng năm, tại xã Lỗ Sơn (huyện Tân Lạc). Lễ hội là dịp để người dân bảy tỏ sự tôn kính với các vị thần linh, đồng thời là cơ hội để người dân vui chơi, thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng. Lễ hội này cũng mang ý nghĩa tuyên truyền sâu rộng tới người dân việc bảo vệ môi trường sinh thái, tài nguyên thiên nhiên.
Lễ hội đánh cá Tháng ba thường được tổ chức khi bắt đầu vào mùa mưa, thời điểm này cá đã lớn tránh được mùa cá sinh sản. Trước đây khi còn chế độ Nhà Lang, có quy định các khoang cá (khúc suối có cá), định ra khoang cá của nhà Lang và khoang cá của dân làng. Khoang cá của nhà Lang là khoang suối có nhiều cá và không ai được đánh bắt, nếu ai vi phạm sẽ bị nhà Lang phạt nặng, có thể là phạt trâu, phạt lợn, hay một hình thức nào đó do nhà Lang đặt ra. Mỗi năm nhà Lang chỉ tổ chức đánh cá một lần, không có sự ấn định về ngày, tháng, mà tuỳ vào thời tiết hàng năm nhưng thường là vào khoảng tháng 3 âm lịch. Khi tổ chức đánh cá, nhà Lang thông báo cho các Ậu biết và chuẩn bị lực lượng khi đánh cá, các Ậu đuổi cá, sau đó sai những người giúp việc đánh bắt cá cho Lang. Khi đánh bắt được cá, nhà Lang lựa chọn ra những con to nhất, ngon nhất, mời thầy cúng đến làm lễ, mục đích là nhằm tạ ơn thần linh đã phù trợ cho mường có một năm no đủ và cầu mong năm sau cá dưới suối sẽ nhiều hơn, con thú trên rừng sẽ đông hơn để cuộc sống của dân mường bớt vất vả. Khi lễ cúng ở nhà Lang hoàn tất, nhà Lang chia cho dân một ít (chủ yếu là cho những người tham gia đánh bắt cá cho Lang), số còn lại dùng để tổ chức ăn uống ở nhà Lang, chỉ có Lang và các Ậu mới được ăn uống tại nhà Lang.
Sau khi nhà Làng tổ chức lễ hội đánh cá tại Khoang cá của nhà Lang lúc này nhân dân trong vùng mới được tổ chức đánh cá tại Khoang của dân làng. Theo quy định, mỗi gia đình sẽ cử một người đàn ông tham gia đánh cá, số cá đánh được, một phần sẽ được đem cúng tại Miếu thờ Thành Hoàng làng, sau khi cúng sẽ tổ chức ăn uống luôn tại miếu thờ của làng, mời quan Lang, Ậu và chức sắc trong làng tham gia, những người dân tham gia đánh bắt cá cũng được mời ăn. Số cá còn lại, Lang, Ậu cho phép dân làng chia nhau đem về ăn. Người dân các vùng lân cận cũng có thể đến đây đánh bắt cá, nhưng phải nộp lại một phần cho Lang vùng này.
Trước đây là lễ hội có quy mô nhỏ của một làng, nghi trình tổ chức lễ hội chưa thật rõ nét, phần lễ tương đối đơn giản, phần hội cũng không lớn, theo các cụ kể lại thì chủ yếu là việc tổ chức ăn uống. Tuy thế, Lễ hội đánh cá lại biểu hiện những nét đặc trưng trong sinh hoạt của đồng bào Mường thời xưa, vừa đơn giản, mộc mạc nhưng lại mang tính cộng đồng cao.
Lễ hội đánh Tháng ba ngày nay được chia làm hai phần: Phần Lễ và Phần Hội
Mở đầu là phần Lễ diễn ra trang trọng tại miếu thờ xóm Tân Vượng. Thầy mo làm lễ cúng các thần linh phù hộ cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, người dân mạnh khỏe, gặp nhiều may mắn. Sau đó, 4 thanh niên khỏe mạnh sẽ khiêng bè (mảng) ra suối, chọn một người có uy tín đại diện của xóm, xã thực hiện quăng mẻ chài đầu tiên. Theo quan niệm của người dân ở đây, mẻ chài này mà bắt được cá ngay thì trong năm việc đánh bắt sẽ thuận tiện và cũng chứng tỏ suối của bản rất nhiều tôm cá.
Phần hội diễn ra tại 3 khoang suối lớn là khoang Trớ, Lở, Ích của suối cái Lỗ Sơn với các nội dung phong phú như: phần thi đua bè của hàng trăm thanh niên các xóm; phần thi đánh bắt tập thể có cả nam giới và phụ nữ tham gia…
Phần hội thu hút nhiều người tham gia
Thời gian lễ hội đánh bắt cá suối được tổ chức từ 3-5 ngày. Người dân sẽ lần lượt tập trung đánh bắt từ khoang dưới lên khoang trên. Mỗi khi có người nào bắt được cá to, hàng trăm người đánh bắt trên khoang sẽ cùng hò reo, chúc mừng, vui vẻ.
Lễ hội đánh cá suối tháng ba được tổ chức trong không khí rộn ràng, vui tươi; nét văn hóa và những giá trị truyền thống độc đáo của dân tộc Mường nơi đây…để lại trong lòng người dân và hàng nghìn du khách đến tham dự ấn tượng đẹp khó quên.
Năm nào cũng vậy, lễ cơm mới của người Thái ở Mai Châu được tổ chức một lần vào tháng 8 âm lịch. Không định ngày tuỳ theo điều kiện của từng gia đình mà làm lễ cơm mới to hay nhỏ. Đây là lễ có tính chất gia đình nhưng lại là một lễ hội thực sự vì nó được tổ chức phổ biến khắp vùng có người Thái sinh sống. Tuy là lễ của một gia đình nhưng họ hàng đến dự rất đông, thậm chí còn có sự góp mặt của đông đảo hàng xóm nên lễ cơm mới đã trở thành ngày hội. Lễ cơm mới của mỗi dòng họ thường do trưởng họ đứng ra làm.
Trước ngày làm lễ, chủ nhà phải đi mời ông mo luông (ông mo có uy tín) được ông mo nhận lời về nhà chuẩn bị làm lễ. Cô con dâu cả trong nhà đi mời cô gái chưa chồng (sao hàm) đến giúp việc. Ngoài ra, chủ nhà còn mời những người khác để làm những việc phục vụ cho ngày lễ gồm những người trong họ hàng, những già bản (tháu kè), thanh niên, trai gái (sao chở, bào chở) để đánh trống, chiêng và đánh máng (keng loóng).
Sáng sớm hôm làm lễ, cô dâu cả cùng cô gái giúp việc xuống sân lấy hai cụm lúa (bó lúa đã đặt sẵn) gánh lên nhà đặt trước bàn thờ, báo cho tổ tiên biết mùa màng đã thu hoạch và xin phép được ăn cơm mới, tỏ ý không dám ăn trước tổ tiên. Khấn báo xong, hai người lấy bó lúa xuống sân lại làm động tác gánh lên nhà, bỏ lên gác bếp cho khô rồi mang xuống máy gỗ giữa sân giã ra hạt thóc, bỏ vào cối giã gạo, xong rồi mang lên nhà ngâm vào ang, sau đó đem đồ chín. Tất cả những động tác này làm tượng trưng theo nghi lễ, còn mọi thứ chuẩn bị cho lễ đã được chuẩn bị từ những hôm trước rồi.
Sau khi xôi đồ, cá đồ chín xong, người sắp xếp mâm cỗ là vợ chồng con trai cả. Mâm cỗ được bày biện đẹp mắt, trên mâm được lót lá chuối, nắm xôi thành một vòng tròn quanh mâm tượng trưng cho bờ ruộng. Sau đó, đổ xôi vào giữa theo hình quả đồi bát úp, lấy một nắm xôi nặn hình chảo, úp tiến lên, chín miếng gừng thái lát đặt trên “núi”. Gói mọc cá đặt lên sườn núi, riêng gói chính (mọc cọc, buộc chín lạt) đặt trên đỉnh. Mọc cá được trộn với bột nếp cùng gia vị, đặt giữa lá chuối, buộc túm lại hấp chín. ở người Thái, lễ cơm mới chỉ dùng cá để cúng thờ, tránh thịt gia súc, gia cầm nuôi trong nhà vì họ cho rằng đến mùa lúa, những con vật này cũng ăn thóc như người.
Trong lễ cơm mới, một chị người Thái kể lại rằng: Sự tích về lễ cơm mới là có nàng dâu hiếu thảo, trước ngày gặt lúa thì bố chồng mất. Đêm đó, nàng bàn với chồng đi gặt lúa cúng cơm mời vong hồn bố ăn. Nhà quá nghèo chỉ có một con gà mái đang nuôi nhưng họ quyết định thịt con gà mái cúng bố. ở dưới gầm sàn, mẹ con gà nghe thấy hết câu chuyện của vợ chồng chủ liền oà khóc chiêm chiếp, nức nở. Vợ chồng người chủ nghe những lời từ biệt não nề, sầu thảm của mẹ con gà mà động lòng thương xót. Người chồng quyết định không giết con gà nữa mà hứa sẽ đem chài ra suối bắt cá về cúng bố. Từ đó thành lệ, lễ cơm mới chỉ dùng cá và thịt thú rừng.
Ngoài ra, còn có hai bát canh măng chua nấu với cá, năm đôi đũa tre, một vò rượu cần, vuông vải trắng tự dệt, vải thổ cẩm, vòng tay bằng bạc, một bộ áo mới của chủ nhà (người con trai cả) con cháu mang đến mỗi người một bộ quần áo, đĩa trầu cau têm sẵn, chai rượu tự cất.
Mâm cỗ đặt trên một cái mâm tre hình chữ nhật dài 1m, rộng 60cm, cao 1m. Bắt đầu từ cửa vào nhà, người con trai trưởng nhấc mâm cỗ tiến từng bước đi về bàn thờ tổ tiên. Nếu “mọc cộc” buộc chín lạt thì bước chín bước, năm lạt thì bước năm bước, ba lạt thì bước ba bước. Số lạt buộc ở đây để phân biệt đẳng cấp xã hội. Dòng họ Tạo Phìa (dòng họ quyền thế trước đây) buộc chín lạt. Dòng họ Khà Khum (cũng thuộc họ Hà Công của Tạo Phìa) do lép vế, sống như cuộc sống dân thường được buộc năm lạt. Các dòng họ thường dân chỉ được phép buộc ba lạt.
Khi cỗ được bày xong, ông mo bắt đầu cúng. Đầu tiên ông khấn gọi mo tảy (thần của thầy mo) vị thần này do then luông, ông vua lớn nhất của Mường trời trao cho những người làm thầy mo ở hạ giới để hành nghề. Trước khi hành lễ, thầy mo phải xin mo tảy nhập vào mình, cũng là xin phép then luông để làm việc. Mo tảy cũng phải có mâm cỗ riêng: xôi, gà, rượu, vải, tiền. Xong nghi lễ đầu tiên này cũng vừa hết buổi sáng, mọi người nghỉ ngơi ăn cơm trưa để chuẩn bị vào phần chính của lễ cơm mới.
Phần chính của lễ này có hai nội dung: nội dung thứ nhất là ông mo kể trước bàn thờ một bài mo dài suốt một ngày đêm, mọi người ngồi nghe rất đông, chật cả sàn nhà. Nội dung thứ hai là các cuộc xoè, múa, hát đối đáp (khắp tua) đánh trống chiêng và đánh máng (keng loóng).
Ông mo kể như hát, ông gọi các bậc tổ tiên từ trên trời xuống, từ mộ về, từ bệ thờ ra cùng ngồi với con cháu vui mùa lúa mới. Sau đó ông kể tại sao có cá, có cơm. Tại sao trời hạn hán, lũ lụt, kể đến sự vật lộn với thiên nhiên để giành lấy cuộc sống ấm no. Mo còn kể những cuộc đấu tranh xua đuổi những cái ác, cái xấu ra khỏi nhà, khỏi bản, đem lại cuộc sống tốt lành cho mọi người.
Cho đến bây giờ, lễ cơm mới thực sự là một cuộc sinh hoạt văn hoá hấp dẫn và lý thú của người Thái Mai Châu. Du khách đến tham quan du lịch vào thời điểm này còn được chiêm ngưỡng những cuộc múa xoè, múa trống chiêng và đánh máng của trai, gái bản. Cuộc vui này không chỉ bó hẹp trong gia đình, dòng họ mà còn thu hút cả bản Mường cùng tới nghe kể mo và múa hát. Trai gái nhảy múa say sưa suốt đêm, hát hò qua đêm đến sáng.