+84 983 035 435

Tháp Bình Sơn

Hãy khám phá việt nam qua những địa điểm phượt vô cùng thú vị, thơ mộng và hùng vĩ.


Tháp Bình Sơn, còn gọi là Tháp chùa Vĩnh Khánh hay Tháp Then, là một ngôi tháp cổ, tương truyền nguyên thủy có 13 tầng tuy hiện nay chỉ còn lại 11 tầng. Tháp được xây dựng từ thời Trần, nằm ở trong khuôn viên chùa Vĩnh Khánh (chùa Then) thuộc thôn Bình Sơn, thị trấn Tam Sơn huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.

Là ngọn tháp tiêu biểu cho kiến trúc chùa tháp thời Lý-Trần ở Việt Nam và là ngọn tháp đất nung đời Trần cao nhất còn lại đến ngày nay,Tháp Bình Sơn với hình khối thanh thoát, đường nét mềm mại, trang trí phong phú điêu luyện, là di tích lịch sử và di tích nghệ thuật có giá trị cao trên lãnh thổ Việt Nam. Tháp Bình Sơn đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vào tháng 3/2016.

Lịch sử:

Theo truyền thuyết nhà Phật, khi Phật Tịch Diệt, người úp cái bát lên trên bộ quần áo tu hành đã gấp vuông vắn và đăt cây gậy lên trên trao lại cho đệ tử gọi là trao y bát, tức là truyền thừa cho người kế tục. Các môn đệ đã theo hình ảnh chiếc bát úp và cây gậy chống mà chế tác ra mô hình tháp để thờ Phật. Khi đạo Phật truyền bá vào nước ta, nhân dân cũng đã chế tác ra rất nhiều mô hình tháp bằng đá, bằng đất nung. Từ Ấn Độ cho đến các quốc gia khác nhau, tháp thờ Phật luôn là công trình lịch sử điêu khắc phong phú và biến đổi theo từng quan niệm của Phật giáo khi đi vào từng địa phương. Tháp Bình Sơn thị trấn Tam Sơn – Sông Lô – Vĩnh Phúc làm bằng đất nung cũng nằm trong dòng chảy đó.

 Thời kỳ Lý - Trần (thời kỳ hưng thịnh nhất của Phật giáo Việt Nam), có hàng ngàn các ngôi chùa và tháp được xây dựng trên khắp đất nước. mỗi thời, những ngôi tháp, ngôi chùa lại có sự biến đổi theo từng thời kỳ, từng vương triều nhưng vẫn giữ được những giá trị đích thực của nó. Ở thời Lý, ngôi chùa chính là tháp, và tháp cũng chính là chùa. Trong các ngôi chùa ở thời Lý, người dân xây một ngôi tháp ở trung tâm của chùa và trong tháp chứa tượng Phật (Điều này giống với chức năng của một ngôi chùa mà chúng ta vẫn thường thấy ngày nay). Nhưng đến thời Trần, Phật giáo đã phát triển theo một triều hướng khác, lúc này Phật giáo Đại Thừa được du nhập và phát triển mạnh mẽ với nhiều hệ thông tượng Phật và tượng Bồ Tát. Kiến trúc tháp thời kỳ này đã được thay đổi và biến tấu để phù hợp với tín ngưỡng của người dân. Ngôi tháp thời kỳ nhà Trần đã được dịch chuyển và đưa lên phía trước của ngôi chùa với quy mô nhỏ hơn và trở thành tháp biểu tượng Phật. Còn ngôi chùa được xây dựng phía sau của ngôi tháp với lối kiến trúc 5 gian 2 dĩ hoặc 3 gian 2 dĩ để có thể bày được nhiều tượng Phật. Ngôi tháp của thời Trần lúc này trở thành tháp biểu tượng Phật và trong lòng tháp không có tượng Phật.

Tháp Bình Sơn là một trong những ngôi tháp cổ nhất Việt Nam còn lại cho đến ngày nay. Tháp được xây dựng từ thời Lý - Trần, cách ngày nay hơn 700 năm. Tháp Bình Sơn mang trong mình những nét đẹp của thời gian và những dấu ấn lịch sử sâu đậm. Những sự kiện, sự tích bí ẩn về ngôi tháp là một dấu ấn rất riêng thu hút nhiều các vị khách mong muốn tìm hiểu về dòng chảy lịch sử của Phật giáo Viêt Nam. Tháp Bình Sơn không chỉ đẹp về kiến trúc mà tháp còn là biểu tượng của Phật giáo. Hình khối, hoa văn được trạm trổ trên tháp đơn giản, khỏe khoắn, đề tài gần gũi với người dân và ẩn chứa những thông điệp sâu sắc. 13 tầng tháp biểu trưng cho những bước tu hành để lên đến cõi niết bàn của Phật tử. Tháp 13 tầng trong Phật giáo là một dạng tháp tương đối hiếm. Con số 13 là con số biểu tượng cho Phật. Trong các kinh của Phật giáo, người ta chia ra các đối tượng Phật được xây tháp tùy theo mức độ tu hành khác nhau ứng với số lượng tầng tháp khác nhau. Tháp dành cho A La Hán là từ 4 - 5 tầng, tháp dành cho Bích Chi Phật (hay còn gọi là Độc Giác Phật) là từ 9 -11 tầng, và tháp dành cho Phật là 13 tầng. Tháp hình vuông biểu trưng cho vũ trụ.  Gạch xây tháp là đất nung ở nhiệt độ cao, ghép lại với nhau thẳng đứng, vừa khít mà không cần vôi vữa. Để cho những viên gạch có thể đứng với nhau theo một chiều cao dựng đứng theo thời gian lâu như vậy, những người xây dựng tháp đã sáng tạo nên phương pháp lắp ghép khá độc đáo. Các viên gạch được chế tác có mấu và có gờ chỉ để giữ lấy nhau, đó là phương pháp xây gạch khẩu ở chân bệ. Còn có cách khác là mỗi viên gạch có một lỗ hình thang, hai viên gạch xếp sát nhau, tạo thành một mộng cá và người ta đổ chì vào mộng cá đó để giữ hai viên gạch với nhau, đó là phương pháp xây bằng cá chì dùng để dựng chân tháp. Đây là một nghệ thuật xây dựng khá độc đáo, thể hiện sự tài hoa và trình độ đạt đến độ tinh xảo của người xưa. Trên tháp Bình Sơn, người ta trạm trổ rất nhiều những hình ảnh của những cánh sen, và dưới những cánh sen là những hình ảnh của những sóng nước lăn tăn. Vì vậy tháp Bình Sơn được coi như bông hoa sen khổng lồ nở trong ao thất bảo của Phật giáo. Hoa sen luôn là hình ảnh biểu tượng của Phật giáo, mang trong mình sự thuần khiết và sinh hóa hồn nhiên, chứa đựng đầy đủ các triết lý của Phật giáo về đời người.

Kiến trúc:

Tháp Bình Sơn tương truyền có 15 tầng, theo các cụ cao niên địa phương kể lại thì trên nóc tháp còn có một hình khối búp hoa sen chưa nở bằng đất nung tạo cho tháp một dáng vẻ thanh thoát vươn cao. Tháp hiện chỉ còn 11 tầng tháp và 1 tầng bệ vì phần chóp của tháp đã bị vỡ, có chiều cao đo được 16,5 mét. Tháp cấu tạo với bình đồ hình vuông nhỏ dần về phía ngọn với cạnh của tầng dưới cùng là 4,45 mét, cạnh của tầng thứ 11 là 1,55 mét.

 

Toàn bộ phần còn lại của tháp, căn cứ vào thống kê phân loại trong tiến trình tháo dỡ phục dựng, cho thấy tháp được xây dựng bằng 13.200 viên gạch nung, gồm 2 loại trong đó có một loại hình vuông kích thước là 0,22m × 0,22m, một loại hình chữ nhật kích thước 0,45m × 0,22m. Trong lòng tháp là một khoảng rỗng nhỏ chạy suốt chân tháp lên đến ngọn.

 

Thân của tháp Bình Sơn được cấu trúc bằng hai lớp gạch: gạch khẩu chịu lực có nhiều kích cỡ để trơn được sử dụng xây bệ, xây bên trong tháp và giật cấp làm mái phân tầng. Phần lớn các viên gạch khẩu được cấu trúc có mộng chốt, tạo dáng khớp nhau theo từng lớp, từng tầng rồi mới nung rắn chắc để xây, bảo đảm liên kết chặt và khả năng chịu lực lớn. Bên ngoài, xung quanh tháp được ốp một lớp gạch vuông, mỗi cạnh dài 0,46m, phủ kín thân tháp. Mặt ngoài của gạch ốp này đều có trang trí hoa văn rất phong phú. Những kiểu cách họa tiết phong phú tùy theo vị trí mỗi tầng mà thiết kế đồ án trang trí từng mặt tháp, tạo dáng từng viên gạch hoa văn hoàn chỉnh rồi mới đánh dấu gạch theo vị trí trước khi đem nung.

 

Các nghệ nhân khi xây dựng tháp đã dựa vào tầm nhìn của người chiêm ngưỡng mà trang trí hoa văn tinh xảo, tỉ mỉ hay đơn giản. Đẹp nhất là từ bệ tháp đến hết tầng 2, có chiều cao dưới 6 mét, là khoảng cách mắt thường có thể cảm nhận dễ dàng. Ở hai tầng này có họa tiết trang trí kỹ lưỡng, phức tạp mà nổi bật nhất là những hàng hoa cúc, cánh sen, lá đề, hoa mặt nhẵn, rồng chạm nổi, cùng mô típ "sư tử hí cầu" v.v. Những tầng trên trang trí thưa dần và hình dáng cũng đơn giản hơn như hoa chanh, lá sòi (hoa dấu phảy) v.v. Các viên gạch trang trí đều có chân và sau khi xếp vào vị trí cố định thì liên kết thành một khối.

 

 

 

Khám phá 10 địa điểm ở Vĩnh Phúc

Tháp Bình Sơn

632

Thác Bạc

271

Đại bảo tháp Mandala

554

Vườn Quốc gia Tam Đảo

971

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên

870

Nhà thờ Tam Đảo

831

Điểm phượt gần Tháp Bình Sơn