Khi lúa đã ngủ yên trong kho, bắp treo lủng liểng đầy xà nhà, năm cũ với những buồn vui cũ đã bay đi cùng những cơn gió từ rừng đại ngàn tràn về. Mùa xuân mới sà xuống đậu trên búp non của những cành cây, người Pu Noong lại tổ chức lễ Tăm Nghét. Không phải là lễ ăn cơm mới như tộc người Êđê, tổ chức sau khi gặt những gùi lúa đầu tiên, mà thu hoạch xong mùa màng, người ta làm thịt một con gà, buộc một ghè rượu nhỏ để xin Yàng đóng cửa kho lúa, rồi mới làm lễ Tăm Nghét để xin chính thức mở cửa kho sử dụng, hoặc sum họp gia đình vào đầu năm mới.
Hằng năm, lễ này cúng rượu và heo. Chỉ khi thu được hơn 100 gùi lúa, sẽ phải cúng trâu. Sau khi thầy cúng đã chọn ngày chính thức, gia đình cho người đi báo tin và mời họ hàng ở buôn xa, buôn gần về dự lễ. Trai gái các bon cũng nhân lúc này mà có lời hẹn hò.
Gia chủ phải lo chuẩn bị cho lễ Tăm Nghét này cả tháng trước đó, nhất là việc ủ những ghè rượu thật ngon, sau khi tuốt được những gùi lúa đầu tiên.
Ngày đầu, những người đàn ông đi chặt cây Blang để làm cột mới buộc trâu. Cũng trong ngày này, đàn ông khéo tay trong gia đình phải dùng gỗ Blang thay những chiếc khung D’rang day vẽ hoa văn màu đen, nẹp chung quanh giàn kho lúa trên bếp lửa và chiếc giá để bầu cơm trong nhà, làm lại cho đẹp, cho mới để cúng vị thần coi sóc kho lúa, và còn đón khách quý các bon đến nhà nữa chứ. Đám phụ nữ trong nhà tíu tít chuẩn bị lương thực, thực phẩm, ai cũng có việc của mình. Chỉ riêng lũ con nít chộn rộn, hết chạy tới lại chạy lui vô ra ngắm nhìn. Xem cho kỹ nghe, những lễ hội sau là của các con đấy.
Dựng cột buộc trâu Gơng rga và cột nêu Gơng la là công việc quan trọng nhất trong ngày thứ hai. Việc này chỉ chọn người khéo tay. Từ khi mây mù còn bủa vây khắp thung lũng, tiếng chày giã gạo của lũ con gái đã len lỏi khắp trong bon. Thậm thịch, thậm thịch tiếng chày nện xuống lòng cối. Lốc cốc, lộc cộc tiếng va nhau của chày đôi, chày ba. Cứ từng nhóm hai ba cô gái trẻ, váy na put n’rưng dệt đẹp dài ngang bắp chân thon, chuyện trò ríu rít, mắt sáng ngời, má hồng rạng rỡ, vồng ngực căng lên như những quả đồi đang thở vì luôn tay nâng chày lên, giã xuống cối.
Người đàn bà chủ nhà - U ruanh - chỉ đạo đám phụ nữ lớn tuổi lo phần nấu nướng. Những món gì ngon nhất của riêng gia đình mình hôm nay phải làm cho ngon hơn nhé. Đám đàn ông phân công nhau ai làm thịt heo, ai đi dắt trâu về, ai dựng cột cúng.
Cây cột bằng gỗ Blang cao quá đầu người, có tượng Kon Nuih - một người đàn ông và một người đàn bà - ngồi hai bên, tay chống lên đùi, để chào tiễn biệt con trâu hiến sinh. Phía trước dựng một khung tre ngăn cách với chỗ người ngồi, lại thêm một cây cọc để ghì trâu cho chắc. Sát bên cạnh là cột nêu - Gơng la, trên đỉnh có chim kring giang cánh như sắp bay lên, sáu chùm lá cọ Lha sra xé tua rua trang trí như hoa dọc thân cột gơng la, với bốn sợi dây prei jum - chỉ khi được mùa mới có - kết dài những hạt cườm, tượng trưng cho bầy ong và những mảnh gỗ vẽ hoa văn các màu. Khác với trong nhà dùng màu đen, tất cả ở đây chỉ dùng màu đỏ.
Một chiếc đàn tre N’rơng rla buộc chắc ở lưng chừng cột, để người ngồi thổi kèn Rlet khi cúng và ngồi canh trâu. Còn tiếng chiêng thì đã nổi lên từ lúc bắt đầu chôn cột. Dựng xong, đội chiêng đi ba vòng quanh nhà như một hình thức thông báo cho các thần xung quanh, để chuẩn bị đón trâu về buộc. Váy, khố, áo đẹp cất kỹ trong gùi, nay thơm mùi nắng xuân mới phơi, đung đưa theo những bắp chân, cánh tay nâu bóng. Vồng ngực trần đàn bà mẩy hồng, đôi vai và bắp chân trai tráng rắn đanh trong ánh ban mai và trong hàng trăm ánh mắt long lanh ngưỡng mộ của cả bon lan.
Trâu đã dắt về, cột chắc bằng những sợi dây mây và da trâu bện xoắn vào nhau. Bà chủ nhà sẽ cất tiếng ca bài Khóc trâu, an ủi và sẻ chia: “Ơ Pô, ơ Pô!/ Lâu nay sống trong nhà/ Ta với mày thương nhau/ Hôm nay dâng trâu cúng lúa/ Cầu mọi điều an lành/ Mở cửa kho/ Cho chủ nhà no/ Ơ Pô ! Ơ Pô”.
Thầy cúng bắt đầu phần nghi lễ của mình. Ông hút rượu từ trong ché, hòa với huyết heo, lẩm bẩm khấn khứa, rồi bôi rượu huyết lên giàn kho lúa, cột nhà, cột buộc trâu, trong tiếng Rlét dìu dặt. Rlét này sau lễ cúng, sẽ mang cất lên gác bếp chiếc bầu, còn ống nứa Tưng kar phải chôn ngay xuống chỗ chân cột nêu ấy. Sang năm nếu Yàng cho 100 gùi lúa nữa, được ăn trâu, sẽ lại làm Rlét khác với chiếc bầu đó. Còn đây là rượu, này là huyết cúng dâng lên các vị thần linh đó nhé.
Cha, mẹ, vợ chồng, con gái đầu lòng cùng đứng vịn tay vào cột Gơng rla, đọc lời khấn theo thầy cúng. Này là cả gia đình chúng tôi cùng đồng lòng cầu khấn các Yàng đây: “Ơ Yàng, lúa đã ngủ kín trong kho! Hãy cho chúng tôi năm sau lúa bắp nhiều hơn năm trước, được thuận hòa năm mưa tháng gió, cây cối sinh sôi nảy chồi, đâm lộc. Con người không bệnh tật ốm đau. Mở kho này cho cả năm no đủ, chúng tôi sum họp ở đây cầu xin các Yàng. Ơ Yàng!”.
Mặt trời đã lên cao quá đỉnh núi Jôk Nghi Pran, cái nắng như mật ong trải vàng trên đồng cỏ hoe hoe, lốm đốm sáng dưới bóng lá cây cà phê xanh rậm rịt trong vườn, nhà, thắp sáng bừng những gương mặt hớn hở của cả bon lan. Gần 100 mùa rẫy rồi, cả bon không nhà nào đủ lúa để được “ăn trâu” mà. Dù đã có nhiều nhà trồng cà phê, làm ruộng nước, học người Kinh gieo giống lúa có năng suất cao theo kỹ thuật mới. Nhưng cái thơm, cái ngon của hương lúa bay xa ba bon, bốn làng để cúng tế các vị thần linh, thì chỉ trong giống lúa cũ của ông bà ta để lại mới đậm đà thôi.
Tiếng chưng của các bon lan xa gần đến dự hội đang vang lên thì thụp xa xôi đâu đó trong nắng. Bà chủ hối hả giục dàn chưng nhà mình mau đi đón khách. Theo lệ của người Pu Noong, chủ nhà phải ra tận đầu bon, mang theo đĩa đựng trầu cau, thanh nứa dài cắm sẵn những miếng trầu đã têm sẵn, nhiều ống nứa khác cột dây đỏ đựng rượu cần, trong tiếng chưng bon rộn ràng đón khách.
Trầu được mời trên môi, rượu được đổ vào tận miệng trong tiếng chưng bung boong, rồi cùng vừa tấu chưng, vừa đưa nhau vào bon, vào nhà. Lại những hồi chiêng dài, những ống rượu nghiêng vào vai nhau mà uống cho đến cạn, miếng trầu cay ấm nồng như tấm lòng bon lan thơm thảo, để rồi đến phần các dàn chưng đua tài. Này là bài Pep kon jun, hay bài Dôk khleng đảo nhịp vui đến khiến cả người chơi lẫn người nghe đều ngả nghiêng, nhún nhảy. Nào là bài T’rơ chưng pu pét chững chạc, tự tin trong địa vị chủ lễ. Hay bài Tiếng chim hót trong rừng tiết tấu chầm chậm vừa phải mà thanh thoát và khắc khoải.
Ngày thứ ba, ngày chính thức của lễ hội. Mọi lễ thức khẩn cầu lại được lặp lại, trước khi hiến tế. Người được chọn để đâm trâu phải thật sự thành thạo với nghi thức này. Bởi sau khi đã chặt hai khuỷu chân sau, mà lại đâm không trúng tim, trâu không chịu chết ngay, lồng lộn lên là bị xui xẻo đấy. Thịt trâu này sẽ chia đều cho mọi người đến cùng tham gia lễ hội, mỗi người một rẻo nhỏ. Vâng, rất nhỏ thôi, nhưng là sự sẻ chia vui buồn, là sợi dây kết nối tình nghĩa cộng đồng, tồn tại mãi hàng bao đời nay trong các lễ hội Tây Nguyên. Phần xương và bộ lòng, bà chủ làm canh đãi đằng chủ khách. Bộ da sẽ được lóc sạch dùng làm mặt trống hay dây buộc rất chắc chắn.
Ngày thứ tư của lễ, gia chủ mang chiếc đầu trâu vẫn đặt trên dàn cúng xuống, nấu bữa ăn chia tay khách gần, khách xa. Tiếng chưng lại vang lên bài đưa tiễn. Hẹn gặp lại trong những lễ Tăm Nghét của bon nào mùa sau thu 100 gùi lúa nhé.
Lễ cúng mừng sức khỏe được người Mạ tỉnh Đắk Nông coi là một trong những nghi lễ truyền thống quan trọng trong đời sống tâm linh, sinh hoạt hàng ngày.
Lễ cúng sức khỏe được tổ chức không theo một thời gian cố định, mà tùy theo người được mừng thọ và gia đình họ. Tuổi được làm lễ mừng thọ thường trên 70, có khi thấp hơn, lễ to hay nhỏ tùy vào kinh tế gia đình. Lễ thường được tổ chức vào thời điểm sau khi thu hoạch vụ mùa xong. Nhờ đó mọi người có thời gian vui chơi ca hát, cồng chiêng… Đa số lễ được tổ chức trong gia đình và khách mời là họ hàng, làng xóm. Nghi thức lễ không thể thiếu già làng đến làm lễ.
Trước ngày làm lễ, người chủ trong gia đình sẽ huy động con cháu chuẩn bị những thứ cần thiết như gà, lợn, ché rượu cần, gạo nếp loại ngon nhất, rau rừng… để làm món ăn trong ngày cúng. Sau đó, con cháu sẽ đi báo tin mời bà con, họ hàng trong buôn tham dự và mời già làng làm chủ lễ. Bên cạnh những món ăn truyền thống như cơm lam, canh thịt, thịt nướng… trong ngày lễ không thể thiếu cây nêu được trang trí hình hài những loài chim, thú rất công phu… để thể hiện sự tôn nghiêm, tôn kính thần linh. Lễ cúng được tổ chức ngay tại gia đình của những người được cúng mừng sức khỏe. Ngoài ra, lễ này cũng được tổ chức chung cho cả buôn làng tại bến nước, đầu làng thành một lễ cúng lớn và trang trọng, cả buôn tham gia. Trong ngày vui đó, tiếng chiêng, tiếng trống là món ăn tinh thần không thể thiếu. Những bài chiêng nói về cuộc sống lao động, sự biết ơn các Yàng sẽ được thể hiện trong suốt ngày cúng.
Vào buổi lễ chính thức, bên cạnh cây nêu là những ché rượu cần được xếp hai bên con gà… Già làng thực hiện nghi lễ cầu nguyện, cám ơn Yàng (thần sông, thần núi, thần lúa…) đã mang lại ấm no hạnh phúc cho gia đình, tạ ơn Yàng đã ban cho những người được mừng tuổi, mong phù hộ họ sống lâu trăm tuổi… Sau lời cúng của già làng, cùng tiếng chiêng trống vang lên rộn rã, rồi thịt gà, heo được mang đến nướng sẵn sàng bên lửa hồng để bắt đầu đãi dòng họ, bà con trong buôn. Tiếp nghi lễ cúng cầu Yàng, già làng tiến hành nghi thức trao vòng sức khỏe cho được mừng sức khỏe, đút nắm cơm nếp thơm, uống rượu cần ngon. Cuối cùng, con cháu thực hiện các nghi lễ dâng mừng sức khỏe cho ba mẹ, ông bà, thể hiện sự biết ơn công lao của họ. Trong ngày lễ, những người đến tham dự góp vui có những lễ vật của riêng mình như con gà, ché rượu, nếp thơm… để góp vào cuộc vui mừng cho chủ nhà. Cuộc vui diễn ra cả ngày đêm, có khi kéo dài đến hai, ba ngày, cùng với tiếng chiêng trống, lời ca, điệu múa mừng chủ nhà…
Hiện nay, Lễ cúng sức khỏe được tổ chức tập trung, thông thường được tổ chức từ các ngành văn hóa địa phương nên bà con tham dự chỉ để tái hiện lại tập tục đó. Già làng KMăng, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) cho biết: “Ngày xưa, Lễ cúng mừng sức khỏe là lễ vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của không chỉ riêng dân tộc Mạ. Lễ cúng nhằm thể hiện sự tôn trọng biết ơn đối với người đã có tuổi, đối với thần linh. Ngày nay, cuộc sống hiện đại cùng với sự thay đổi phương thức làm ăn khiến cho phong tục không còn phù hợp với lối sống bà con ngày xưa. Nếu muốn giữ lại các phong tục ấy chỉ còn cách là thường xuyên tổ chức các lễ trên để cho nó không bị mất hoàn toàn”.