Lễ hội Căm Mường là một lễ hội của đồng bào dân tộc Lự, tỉnh Lai Châu. Đây là dịp để bà con dân bản dâng tế lễ vật cầu khẩn thần sông, thần núi, thần khe, thần suối thần rồng phù hộ cho bà con dân bản no đủ, điều lành ở lại, điều dữ mang đi. Lễ hội được tổ chức vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm.
Phần lễ: Mỗi gia đình sẽ cử ra một người đại diện là nam giới đi tham gia phần phụ lễ, khi về sẽ có lộc dành cho những người ở nhà. Mở đầu cuộc lễ, thầy cả đọc lời tuyên bố lý do buổi lễ. Trong lời của thầy cả đề cập tới lịch sử của người Lự, lịch sử bản mường, cái lý của việc làm lễ và những người sẽ được “thụ lễ” lần này.
Khi bắt đầu lễ các thầy lạy một lạy rồi bắt đầu đọc lời khấn. Trong phần lễ này không có khèn, sáo, trống hay bất kì một loại nhạc cụ nào để làm âm vang. Theo quan niệm của người Lự thì như thế sẽ làm ảnh hưởng tới các linh hồn riêng, mà cái linh hồn ở đây chính là sự thần bí, linh thiêng ẩn hiện trong những lời khẩn cầu của thầy cúng.
Người Lự ví lễ là dịp để thể hiện lòng thành kính đối với các vị thần được thể hiện bằng các lễ vật dâng tế trong buổi lễ. Những lễ vật này do dân bản tự nguyện đóng góp, và thầy cúng sẽ khẩn cầu lên vị thần thấu hiểu lòng thành kính của dân bản, mong được mùa bội thu, thóc lúa đầy bồ, già trẻ gái trai trong bản được vui vẻ sum vầy hạnh phúc.
Phần hội: Các chàng trai thổi sáo để các cô gái hát những bài ca của dân tộc mình. Những lời hát nhắn nhủ của thế hệ đi trước dành cho lớp trẻ hôm nay phải biết chung tay xây dựng bản mường ngày càng ấm no hạnh phúc.
Cùng với các bài hát thì các trò chơi như kéo co, đẩy gậy. Nó thể hiện sức mạnh của mỗi người, đồng thời nếu ai thắng sẽ gặp may mắn trong năm tới, còn ai thua sẽ là gặp không may. Vì vậy mà kết thúc lễ hội mọi người cùng té nước để cầu may, cũng như gột rửa những điều không may mắn.
Lễ hội Xên Mường ((cúng Mường) là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm ở Lai Châu, nhằm tưởng nhớ đến các vị thần linh đã khai sáng ra Mường - cách gọi tên vùng đất nơi người Thái đang sinh sống, cầu mong cho người Thái được ấm no, hạnh phúc...Lế hội được tổ chức vào ngày Thìn tháng 2 âm lịch hàng năm tại Xã Mường Than, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu.
Mỗi Mường chọn địa điểm, thời gian, cách thức tiến hành và một số nghi lễ khác nhau. Người Thái Tây Bắc thường tổ chức lễ hội này ở đầu nguồn sông suối, nơi cung cấp nước cho toàn Mường. Tuy nhiên, người Thái Đen ở Mường Lò (Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) lại tổ chức ở một khu rừng cấm của Mường, nơi có gốc đa to nhất, xung quanh là chỗ "yên nghỉ" của những người đã khuất. Ở Mường Lò, ông mo Nghè (mo Mường), người trông coi thần quyền cho chủ Mường và Hội Phụ lão đứng ra tổ chức lễ hội Xên Mường.
Tại đây, lễ Xên Mường phải có áo của con trai thuộc dòng dõi quý tộc gốc hay người đương chức làm vật tế. Ngày nay, chức danh quý tộc không còn nữa nên người Thái lấy áo của một vị lãnh đạo xã làm vật tế. Lễ vật do người dân toàn Mường đóng góp, có thể mổ từ hai đến bốn con trâu. Riêng người Thái ở Yên Châu, tỉnh Sơn La thì tế trâu trắng. Điều lạ là, con trâu để Xên Mường phải do chính mo Nghè đi tìm, ông thích con nào thì chỉ con đấy, không cần biết con trâu đó của nhà ai. Người ta bảo khi bị ông mo chỉ gậy vào, con trâu đứng yên đến mức gần như bị thôi miên, người giúp việc cho ông chỉ việc dắt trâu về nơi tổ chức lễ hội. Cỗ cúng thường gồm ba mâm nhưng phải đảm bảo có thịt trâu chín, gạo và rượu. Ông mo khấn bảy lần, mời các vị thần, tổ tiên về dự lễ và phù hộ cho dân Mường được ấm no, sung túc, cuộc sống an vui. Các trò chơi trong lễ hội Xên Mường thường là xoè vòng theo nhịp, ném còn. Trước khi bắt đầu, người Thái lập đàn tế còn dưới chân cột còn cao 15m-20m. Lễ vật gần giống Xên Mường, chỉ khác là có thêm hàng trăm quả còn trên đàn tế. Tham gia trò này chủ yếu là nam thanh niên, ai ném rách tâm điểm trên đỉnh cột còn sẽ được coi là người hùng của hội...
Kin lẩu khẩu mẩu (Lễ hội cốm mới) của người Thái trắng - xã Mường So - huyện Phong Thổ đã có từ rất lâu đời. Lễ hội là nơi người dân cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi phát triển. Lễ hội cũng là nơi giao lưu tình cảm của các cư dân trên địa bàn toàn tỉnh. Qua nhiều năm, Lễ hội này không được tổ chức nên đã dần bị mai một. Năm cuối cùng diễn ra Lễ hội là năm 1961, trải qua 46 năm gián đoạn, Lễ hội giờ đây đã được tổ chức, phục dựng lại tại bản Huổi Én - xã Mường So - huyện Phong Thổ (2007) và được tổ chức đều đặn vào mỗi năm vào rằm tháng 9 (âm lịch) hàng năm, đây chính là thời điểm lúa non thích hợp nhất để chọn về làm cốm.
Theo truyền thống canh tác nông nghiệp của người Thái trắng Mường so trước đây họ thường trồng 1 vụ lúa, ngày nay do biết áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp nên dân cư ở đây đã canh tác lúa 2 vụ. Lúa dùng để làm cốm phải là lúa nếp, cũng có rất nhiều loại lúa nếp có thể làm cốm như: Lúa Lương phượng, lúa nếp thơm, nếp tan, nếp quýt, nếp hoa…
Ngày trước lúa được chọn làm cốm thường là lúa nếp nương bởi vì loại lúa này thường giữ được chất ngọt của hạt nếp, mùi thơm và độ dẻo của hạt lúa cũng không bị mất đi và đặc biệt hơn nữa những hạt lúa nếp nương lại rất tròn và mẩy. Ngày nay do nhu cầu sử dụng lúa nếp của người dân có phần hạn chế và diện tích canh tác lúa nương không còn nhiều nên lúa làm cốm là giống lúa Nếp thơm hoặc lúa Lương phượng. Khi chọn lúa làm cốm người ta không nhất thiết phải lấy lúa của một gia đình nào, trong thời gian chuẩn bị họ tập trung ra cánh đồng của bản tìm ruộng lúa có giống lúa phù hợp với các tiêu chuẩn trên, họ sẽ sử dụng loại lúa trong ruộng đó. Số lượng lấy nhiều hay ít tuỳ thuộc vào nhu cầu sử dụng của buổi Lễ.
Người ta cũng chọn những bông lúa hạt to, mẩy và đặc biệt là không lẫn lúa tẻ rồi tuốt lúa từ những bông lúa đó đem phơi khô rồi bảo quản ở trong các bao đặt nơi khô thoáng để làm giống cho vụ sau.
Trước hôm diễn ra buổi lễ một ngày, một bà cụ trong bản (đã được lựa chọn, phân công từ trước) có kinh nghiệm về làm cốm cùng với chủ ruộng và một tốp nữ của bản cùng ra đồng lấy lúa. Bà cụ tiến lên trước thửa ruộng rồi đọc lời khấn: "Qua quá trình cày cấy, chăm sóc giờ đây lúa ở ruộng đã chín vàng, lúa trên khắp cánh đồng đã chín. Con cháu sẽ tổ chức ăn cốm mới, xin với ông bà thổ địa được lấy lúa về làm cốm".
Chấm dứt lời khấn bà cụ sẽ cắt một ít lúa trong ruộng đó làm mẫu rồi hướng dẫn các cô gái cắt đủ số lượng lúa cần lấy. Dụng cụ để cắt lúa là dao và liềm. Những cô gái được chọn để cắt lúa cũng có những tiêu chuẩn nhất định: Đó phải là những cô gái còn trinh tiết, nếu là những người đã có gia đình thì đó sẽ là những gia đình thuận hoà yên ấm, con cái khoẻ mạnh, ngoan ngoãn. Theo quan niệm của người dân nơi đây chỉ những người đó lấy lúa về làm cốm mới thể hiện được sự trưởng thành, phương trưởng của con cháu, sự nguyên vẹn đối với các thần linh.
Lễ hội cốm mới là một nét văn hoá đặc trưng rất riêng của tộc người Thái trắng Phong Thổ - Lai Châu. Cùng với nhiều các lễ hội khác trong năm, Phong Thổ giờ đây đang dần trở thành một điểm hấp dẫn thu hút khách du lịch đến thăm quan và được sống trong một mùa Lễ hội với nguyên vẻ đơn sơ, hồn hậu không thể lẫn với bất cứ nơi nào.
Hội Hoa ban, được tổ chức vào dịp 13 tháng 2 âm lịch hàng năm, khi thời tiết bắt đầu nắng ấm. Lễ hội có một ý nghĩa quan trọng đối với người Thái. Hội hoa ban mở ra không chỉ là ngày hội của tình yêu và hạnh phúc tưởng nhớ đến câu chuyện của đôi trai gái trong sự tích mà còn là dịp bày tỏ đạo hiếu đối với ông bà, cha mẹ, thỉnh bái thần rừng, thần hang cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Sau mùa mưa hoa ban bắt đầu nở trắng cả núi rừng thì người Thái ở Tây Bắc bắt đầu đi trẩy Hội.
Lễ hội bắt nguồn từ sự tích của dân tộc Thái: Ngày xưa, nàng Khôm (tiếng Thái là nghèo, cay đắng) và chàng Tào Lu (nghĩa là giàu có) yêu nhau nhưng không được gia đình chấp thuận. Mùa xuân, hai người rủ nhau lên chơi hang Thẩm Đông Ngoạng (hang rừng ve, tức hang Thẩm Lé thuộc tỉnh Yên Bái bây giờ). Ít lâu sau, chàng cảm chết, biến thành con Tô Mánh Lú (màu đen, to hơn con ve). Nàng Khôm không muốn bị ép duyên với chàng trai khác đã bỏ trốn vào rừng. Nàng chạy, chạy mãi, kiệt sức rồi chết ở trong rừng. Nơi nàng nằm xuống mọc lên một loại cây có hoa trắng, có hương thơm, mật ngọt. Người dân gọi đó là hoa Ban.
Loài hoa ban ấy nở đúng vào mùa xuân, thời gian mà chàng Lu và nàng Khôm cùng nhau đi chơi hang. Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về, hoa ban lại nở trắng núi rừng Tây Bắc,và người Thái khắp nới trên vùng Tây Bắc nói chung, Lai Châu nói riêng đều háo hứng đi trẩy hội.
Ngày hội sôi nổi với những trò diễn độc đáo. Âm vang nhộn nhịp của tiếng pí, tiếng khèn, tiếng trống chiêng. Con trai thổi khèn, con gái dập dìu múa điệu múa hái hoa.
Đó là dịp gặp nhau, hò hẹn, tâm tình của những đôi bạn tâm giao. Chàng trai ngắt những bông hoa ban đầu xuân đẹp nhất cài lên mái tóc của người mình yêu. Cô gái e ấp, thẹn thùng nấp mình dưới những lộc ban xanh mướt. Tất cả được thể hiện thông qua tiếng đàn, tiếng hát và lời nguyện cầu tha thiết
Lễ hội Nàng Han tôn vinh nữ anh hùng có công đánh đuổi giặc ngoại xâm của đồng bào Thái trắng, được tổ chức vừa để tri ân Nàng Han, vừa mong cầu sự no ấm, cuộc sống an lành, nhân khang, vật thịnh, mùa màng tươi tốt cho khắp bản làng. Lễ hội được tổ chức vào ngày 15 tháng 2 hàng năm, tại bản Tây An xã Mường So. Vào ngày này, bà con dâng hương, hoa, nông sản, thực phẩm do chính bản làng làm ra.
Tương truyền, Nàng Han xuất thân trong một gia đình người Thái nghèo ở Chiềng Sa (nay là xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu). Nàng đã cải trang thành nam giới, đứng lên kêu gọi thanh niên trai tráng các bản đoàn kết đánh giặc. Nàng đứng đầu cuộc khởi nghĩa của đồng bào 16 xứ Thái quật cường đánh bại giặc xâm lược phương Bắc. Sau khi dẫn đoàn quân thắng trận trở về, Nàng tắm gội ở mó nước Tây An (xã Mường So) rồi bay lên trời. Từ đó, nhớ công ơn của Nàng, bà con lập đền thờ và tổ chức Lễ hội ngay ở mó nước Nàng tắm.
Nàng Han trong tâm linh 16 xứ Thái, xứ Mường ở Tây Bắc giống như Bà Trưng, Bà Triệu đối với người Kinh.
Sau 60 năm vắng mặt trong đời sống của đồng bào Thái Tây Bắc.Năm 2008, ngành văn hóa tỉnh Lai Châu và huyện Phong Thổ nhận thấy cần khơi dựng lại vốn cổ văn hóa hàm chứa rất nhiều trong lễ hội này của dân tộc Thái, nên đã có dự án phục dựng lễ hội này ở nơi cội nguồn sinh ra nó: bản Vàng Pheo, xã Mường So, huyện Phong Thổ.
Lễ hội Nàng Han, trong trí nhớ của người già ở bản Vàng Pheo, huyện Phong Thổ, thì gồm sáu bài tế lễ do các thầy mo đảm nhiệm, gồm: Tùng song tơ, Phái lệ tơ, Thá ớc, Thá hu nơ, Then hầu phét, Quát bó héo. Ðặc biệt, trong lễ hội có tới 32 bài múa dân gian của người Thái. Những người hát múa trong lễ hội được tuyển chọn khắt khe từ các cô gái trẻ trong bản, luyện tập công phu nhiều ngày. Ðến ngày chính lễ, đội múa này sẽ múa từ trong bản ra đến miếu thờ Nàng Han, nơi các vị chức sắc ngự xem.
Ðúng ngày chính hội, dân làng tập trung trước ngôi miếu thờ Nàng Han mới phục dựng để xem hát múa. Các thầy mo cúng lễ ngay ngoài trời. Vật phẩm dâng lên Nàng Han gồm có hoa quả, gà xôi và những tờ giấy bạc của đồng bào Thái. Thầy mo cúng xong thì các cô gái trong đội múa với trang phục váy cóm thướt tha biểu diễn các bài dân ca truyền thống ca ngợi quê hương, tình yêu và công đức của vị nữ tướng anh hùng.
Cùng với phần lễ tái dựng theo trí nhớ của người già, thì phần hội khá sôi nổi và rầm rộ với các trò chơi dân gian thường thấy trong các ngày hội của đồng bào dân tộc gần đây: đẩy gậy, kéo co, ném còn... Phần trình diễn ẩm thực của người Thái, với những món ăn đặc sắc như xôi ba màu, cá nướng, rêu nướng ngay bên bờ suối đầu bản khiến du khách tò mò. Ðặc biệt trò chơi thi bắt cá dưới con suối thu hút đông đảo trai làng biểu diễn dưới sự hò reo cổ vũ thán phục của khách phương xa.
Lễ hội Hạn Khuống là một lễ hội của người đồng bào dân tộc Thái, Tây Bắc là một hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống, bao gồm nhiều thể loại (hát, kể chuyện) trong khung cảnh ấm cúng và tao nhã. Lễ hội này do nhà các cô gái tổ chức. Thực ra đây là một cuộc vui để tìm hiểu bạn đời sau đó chia tay về nhà chồng. Lễ hội thường được tổ chức sau vụ thu hoạch vào tháng 11 hàng năm.
Lễ hội diễn ra trên khoảng đất rộng , thanh niên nam nữ dựng sàn, có hàng rào bao quanh bằng phên tre, và một số vật dụng bài trí theo quan niệm của đồng bào là tượng trưng cho triết lý vũ trụ muôn loài và càn khôn tương hợp. Các cô gái xinh sắn, được lựa chọn từ những người chưa lập gia đình, chăm chỉ, nết na, tháo vát, họ có vai trò điều phối giữ nhịp cho cuộc hát đối đáp. Soi sáng cho đêm Hạn Khuống là một đống lửa lớn ở giữa sàn.
Cuộc vui bắt đầu, các cô gái trên sàn hát những câu hát trữ tình, nội dung về tình yêu đôi lứa, khát vọng yêu thương, bày tỏ tâm tư nỗi niềm… Ở dưới sân, nhân dân theo dõi, nhiệt tình tán đồng, và đặc biệt là ứng với các cô gái trên sàn, các tràng trai dưới sân có nhiệm vụ hát đối lại theo nội dung do các cô gái quy định. Khi nỗi niềm, tâm tư của các cô gái được bạn tình chung lòng san sẻ thì tự tay các cô sẽ cắt sợi chỉ để mở cầu thang. Từng cặp trai gái ngồi sát bên nhau cạnh đống lửa, chàng trai vừa trổ tài Tính tẩu vừa âu yếm nhìn cô giá đang bẽn lẽn quay tơ. Càng về khuya, khi mà những người lớn tuổi ra về, thì lớp trẻ vẫn hát xướng say sưa với những lời hẹn hò, tái ngộ trao gửi…
Sau những mùa Hạn khuống, rất nhiều đôi lứa đã tâm đầu ý hợp, nên vợ, thành chồng. Đối với những người có tuổi thì Hạn Khuống thường gợi lại biết bao kỷ niệm đẹp của một thời son trẻ.
Dân tộc Si La chỉ có khoảng 700 người sống chủ yếu ở hai bản Seo Hai, xã Kan Hồ, huyện Mường Tè tỉnh Lai Châu và bản Nậm Sin, xã Cung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Cuộc sống của người Si La gắn chặt với núi rừng, điều kiện canh tác rất khó khăn nên đồng bào luôn mơ ước về sự no đủ. Đó là lý do ra đời của Lễ mừng cơm mới (ổm khe) của đồng bào dân tộc Si La. Lễ mừng cơm mới của đồng bào Si La được tổ chức đầu vụ thu hoạch (tháng Tám âm lịch), vào ngày hợi, ngọ, tị, thân hoặc thìn. Nếu ngày cúng trùng vào ngày giỗ của gia đình trưởng họ thì phải lui lại nhưng vẫn phải chọn vào một trong những ngày kể trên.
Khi lúa trên nương chín, trưởng dòng họ đi hái một nắm lúa đem về phơi khô rồi giã lấy gạo nấu một bát xôi làm lễ vật cúng chính. Những người con trai đã ra ở riêng, nếu bố đã mất phải đem lễ vật đến bàn thờ đặt ở nhà trưởng họ để cúng tổ tiên (nếu còn bố thì bố làm thay). Lễ vật bắt buộc phải có là một gói cơm mới (được lấy từ nương lúa của gia đình đem về phơi rồi đồ lên), hai con sóc, hai con cua, hai con cá.
Lễ cúng thường làm vào buổi chiều. Cách thức tổ chức và những lễ vật của các dòng họ đều giống nhau. Khi lễ vật được các gia đình trong dòng họ đem đến, trưởng họ bày ra một mâm tròn và bắt đầu làm lễ cúng. Con cháu sẽ quây tròn quanh mâm cúng, trưởng họ vừa cúng vừa đọc những câu cầu cho mùa màng năm sau được tốt tươi, cho thu hoạch bội thu. Lễ cúng không thắp hương mà chỉ thắp nến.
Khi cúng xong các gia đình sẽ cùng nhau ăn mừng lúa mới. Gia đình nào khó khăn, trưởng dòng họ cho đem lễ vật đã cúng về nhà ăn cùng con cái và người thân. Người Si La rất coi trọng Lễ mừng cơm mới nên các dòng họ thường tổ chức rất chu đáo. Lễ cúng xong, sáng hôm sau các gia đình lên nương thu hoạch lúa.
Lễ mừng cơm mới của dân tộc Si La ở Lai Châu ngoài ý nghĩa tín ngưỡng còn là dịp để các dòng họ tưởng nhớ những người đã khuất và là dịp để anh em họ hàng hội tụ, biểu thị sự đoàn kết và sức mạnh cộng đồng. Các điệu hát và tiếng sáo, tiếng đàn vang lên khắp núi rừng báo hiệu một mùa bội thu, an lành, no ấm. Đây là nét đẹp văn hóa của đồng bào Si La.
Lễ hội Kin Pang Then là một lễ hội của đồng bào dân tộc người Thái trắng, mang tính cộng đồng cao có hình thức diễn xướng dân gian độc đáo. Đã thành thông lệ, cứ vào mùng 10/3 (Âm lịch) khi những bông bó mạ nở vàng trên núi đồi, những trận mưa đầu mùa lắc rắc rơi gọi mầm măng đắng nhú lên khỏi mặt đất là bà con dân tộc Thái trắng ở Lai Châu lại kéo về xã Khổng Lào, huyện Phong Thổ, Lai Châu để dự lễ hội Then Kin Pang.
Đây là một lễ hội địa phương có nguồn gốc từ dân gian. Truyền thuyết dân tộc Thái trắng kể lại rằng: Sau Vua Trời là Then, các vị Then đều có lòng bao dung độ lượng, yêu thiên nhiên cây cỏ, yêu con người. Bởi vậy mà Vua Trời phái các vị Then xuống hạ giới để cứu giúp con người. Dân bản trên mường dưới hễ đau ốm thì được Then cho thuốc, nhà nào gặp rủi ro vận hạn đến gặp Then sẽ được cầu phúc cho tai qua nạn khỏi. Bởi vậy nên cứ đến mùng 10/3 hàng năm là những người này lại đến tổ chức lễ tạ ơn Then, người khác đến cầu phúc xin cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bản mường bình yên no ấm. Dân bản khắp vùng cũng kéo đến dự lễ, tổ chức các cuộc thi múa hát dân ca; thi ném còn, đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, bơi lội, té nước; thi nấu ăn... mà thành lễ hội Then Kin Pang (nghĩa là ngày hội ăn mừng tạ ơn Then).
Lễ hội Then Kin Pang gồm 2 phần là phần lễ và phần hội.
Phần lễ với lối hát Then truyền thống. Qua lời hát, ông Then cầu cúng cho dân làng trong bản, trong mường sang một năm mới có nhiều điều tốt đẹp, cho con người luôn khoẻ mạnh, no ấm, cầu cho mưa thuận gió hoà, cho mùa màng tươi tốt và cùng với đó là lễ tạ ơn của con cái đối với cha mẹ. Ngoài ra, “Kin Pang Then” cũng là lễ hội cầu phúc lộc cho gia đình và con cháu, là dịp để con cháu tạ ơn thầy trong dịp đầu năm mới. Phần lễ đơn giản nhưng mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, không có yếu tố mê tín dị đoan, mang tính cộng đồng cao, vun đắp tình đoàn kết trong bản, trong mường.
Phần hội với những lời hát Then, điệu múa, trò chơi dân gian lành mạnh như Trò mưa đá (là trò chơi ông Then xin trời cho mưa xuống để cho mùa màng tươi tốt), trò cày bừa, hái nấm, múa khăn, múa tăng bu tăng bẳng, múa vòng xoè… đã tạo ra không khí vui tươi phấn khởi, cuốn hút dân làng đến tham gia. Bên cạnh đó, lễ hội còn là dịp để trai gái trong bản, trong mường gặp gỡ và thể hiện mình qua những câu hát, điệu múa. Và sau lễ hội, nhiều đôi đã nên vợ, nên chồng.
Lễ hội Then Kin Pang giờ chỉ còn lại ở mảnh đất Khổng Lào, cái rốn văn hóa của đồng bào Thái Lai Châu. Đây là một sinh hoạt văn hóa mang tính tâm linh của đồng bào dân tộc Thái trắng, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, khuyến khích du lịch văn hóa, ẩm thực phát triển tại vùng đất gian khó nhất nơi địa đầu Tổ quốc.