Hội đình Hả mở ra ở đình làng Hả, xã Tân Trung, huyện Tân Yên vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch, trùng với ngày hội ở Phồn Xương - Yên Thế.
Trong thời kỳ cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp nổ súng tấn công đánh chiếm Bắc Ninh, Bắc Giang. Ngày 16 tháng 3 năm 1884 chúng tiến đánh Tỉnh đạo (Yên Thế) rồi tiếp tục tấn công lên Thái Nguyên. Trên đường đi, chúng bị nghĩa binh Yên Thế do Đề Nắm chỉ huy chặn đánh ở Đức Lân và thất bại nặng nề. Sau trận đánh này, nghĩa binh Yên Thế rút về đình Hả tế cờ khởi nghĩa, mở đầu cho phong trào khởi nghĩa Yên Thế. Để kỷ niệm về phong trào khởi nghĩa Yên Thế lễ hội Yên Thế được các cấp chính quyền cho mở tại Phồn Xương - đại bản doanh của Đề Thám năm xưa vào ngày 16/3 hàng năm. Ngày nay, ở đình Hả cũng tổ chức dâng hương tưởng niệm và có các trò vui. Từ đó đến nay ngày 16/3 đã có ấn tượng sâu sắc trong tâm trí mọi người. Cũng vì ý nghĩa lịch sử này nên ở đình làng Hả, nhân dân đã cho tạc một pho tượng Lương Văn Nắm (tượng trưng) để thờ cúng ở thánh cung cùng thành hoàng làng Cao Sơn - Quý Minh.
Ngày 16 tháng ba ở đình Hả là lễ mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Trong hội này, các cấp, các ngành và nhân dân địa phương đều đến dự từ sớm ở sân đình để làm lễ dâng hương tưởng niệm vị thủ lĩnh đầu tiên của phong trào khởi nghĩa Yên Thế.
Lễ tưởng niệm trong lễ hội tổ chức theo nghi thức mới. Cùng với việc thắp hương tưởng niệm, thành hoàng làng, nhân dân cũng thắp hương tưởng niệm Lương Văn Nắm ở thánh cung. Sau đó tổ chức lễ khai hội ở trước sân đình. Trong khu vực đình, chùa Hả, bà con dân xã Tân Trung vẫn tiếp tục duy trì các trò vui của hội.
Hội 16/3 ở đình Hả cũng là một bộ phận tạo nên lễ hội Yên Thế. Có năm, ở khu vực đình Hả, huyện Tân Yên cho mời đội kỳ lân sư tử của xã Phúc Hoà trống dong cờ mở tới múa thờ ở đình. Lại cho tập trung cả trăm con ngựa với các trai trẻ Tân Yên đóng làm nghĩa binh cụ Đề đến đình từ sớm 16/3 dự lễ khai mạc. Trong lễ khai mạc này, không khí thật hào hùng, hoành tráng, bài diễn văn ngắn gọn mà thôi thúc lòng người như tinh thần khởi nghĩa Yên Thế bất diệt. Tế xong, xe ngựa sẵn sàng chở đội kỳ lân tung cờ, đánh trống vừa ngồi trên xe ngựa vừa chạy, vừa múa. Cả trăm con ngựa được lệnh nối nhau tiến vào trung tâm lễ hội Phồn Xương. Từ đình Hả đến Phồn Xương, đường làng ven đồi, ven những luỹ tre. Các trai Cầu Vồng mặc quần áo nâu, đầu và bụng chít khăn đỏ, người cầm cung, cầm giáo, cầm kiếm, người cầm súng, cầm cờ thúc ngựa tiến bước. Vó câu nhịp nhàng, trống giục thùm thùm, bụi hồng mờ mịt. Khí thế ngày hội tưng bừng. Dân háo hức, rầm rập chạy theo, kẻ trước người sau, không khí tưng bừng phấn khởi; náo nhiệt.
Hội Bổ Đà được tổ chức từ ngày 16, 17, 18 tháng hai âm lịch hàng năm tại khu vực núi Bổ Đà của xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, Bắc Giang.Hội Bổ Đà cũng thường được gọi là hội chùa Bổ. Cái tên này xuất phát bởi trung tâm lễ hội ở khu vực chùa Bổ thuộc khu vực thôn Tiên Lát Thượng.
Ngày vào hội, cả một vùng núi Bổ Đà rực rỡ bóng cờ. Tiếng trống phách rộn ràng đây đó. Dân làng chuẩn bị cho tế lễ ở đền Hạ- nơi thờ thánh mẫu và lễ rước từ đền Hạ lên đền Trung để bái vọng lên đền Thượng. Không khí ở đền Hại rất tưng bừng , náo nhiệt.
Sáng 17 đoàn rước cử hành từ đền Hạ lên đền Trung. Đám rước được sự phối hợp tham gia giữa nhà chùa với dân làng. Đoàn rước đi qua đình Lát Hạ, chùa Linh Chi, chùa Núi đất rồi lên đền Trung. Kiệu và đồ rước đóng tại đền Trung để dân làng làm lễ bái vọng lên đền Thượng. Sau lễ này là lễ hoàn cung. Còn khách thập phương tiếp tục cùng dân làng lên núi thắp hương đền Thượng và tiến lễ cúng Phật ở chùa Quan Âm và chùa Tứ Ân.
Đến với lễ hội Bổ Đà du khách sẽ được thăm một vùng danh thắng với các truyền tích, huyền thoại về đá, về một trung tâm Phật giáo lớn ở Bắc Giang. Sẽ được thấy một tập tục thờ đá rất cổ kính của Bắc Giang và sẽ được thấy cuộc sống của các nhà sư tu hành nơi thiền viện. Và cũng qua lễ hội này sẽ cảm nhận được yếu tố văn hoá dân gian hoà với Phật giáo để tạo sức sống cho lễ hội Bổ Đà.
Hội đền chùa Y Sơn ( hay còn gọi là IA ) được tổ chức vào ngày tết Thượng Nguyên (15 tháng Giêng âm lịch) tại xã Hoà Sơn huyện Hiệp Hoà, Bắc Giang. Đây là lễ hội cổ truyền có từ lâu đời. Nơi đây thờ đức thánh Hùng Linh - người có công giúp vua Hùng dẹp giặc Ân, mang lại bình yên cho đất nước. Theo quy định của dân, cứ 3 năm chùa lại mở hội to một lần theo đúng nghi thức cổ truyền ( trong 3 ngày: 16,17,18/giêng ) còn các năm khác thì chỉ tổ chức hội lệ trong thời gian 1 ngày.
Nghi lễ trong 3 ngày được sắp đặt khá chặt chẽ:
- Ngày 15: tất cả các giáp rước kiệu, có cờ quạt, chiêng trống tập trung về đền – nơi thờ thánh Hung Linh Công. Sau khi làm lễ tại đền, tất cả lại rước sang chùa cùng hai cỗ ngựa thần bằng gỗ ( một hồng, một bạch đặt trên giá gỗ có bánh xe. Lễ rước ngựa thần mở đầu ngày hội rất đông vui. Khách trẩy hội đi theo đoàn rước kiệu tiếp nối dài từ đền sang chùa, vượt qua núi Yên Ngựa. Khi đoàn rước tới chùa, ngựa thần được đặt vào vị trí có bệ đứng trang nghiêm, rồi rước nồi hương xuống nhà hội và rước chuối dò vào chùa đề làm lễ. Một cây chuối được chọn theo tiêu chuẩn quy định để cắm những cây dò. Đó là một thanh tre bánh tẻ, dài hai gióng, vót sao chụm lại ở một đầu như bông hoa ( giống như cây dò ở đền Sóc Sơn nhưng để trằng không nhuộm đỏ ). Bên bông hoa dò còn nhuộm một ré lúa sai bông mẩy hạt. Mỗi giáp làm 10 cây dò như vậy. Sáu mươi cây dò ( 6 giáp ) cắm vào thân cây chuối rồi rước vào chùa gọi là rước dò. Bông hoa dò và ré lúa tượng trưng cho lòng thành cầu trì khấn phật mưa thuận gió hoà, cho cây trái mùa màng đơm hoa kết quả. Khi tế lễ xong, những bông hoa dò đó phân phát về các giáp để biếu các cụ thất – bát – cửu thập niên. Tiếp sau là lễ: “ cuốn cờ đập đất ”. Tất cả các quan viên và trai đồ các giáp mang theo cờ quạt, chiêng trống, mặc áo, quấn khăn, gon quần theo nghi thức truyền thống, kéo quân đến một khoảng đấtt rộng chừng gần một mẫu ( đã được chuẩn bị sẵn ) do một ông quan viên điều khiển theo hiệu trống. Đoàn quân đi theo hình vành chảo, cuốn 3 vòng. Vừa đi vừa nổi chiêng trống rồm rộ. Sau kéo thành hàng dài rồi gấp lại cắt thành chữ tâm đứng thành ba hàng, dàn đều cờ trống. Theo nhịp trống và tiếng hò của quan viên điều khiển, đoàn quân làm những động tác như: đứng nghiêm, ngồi xuống, hạ cờ xuống, vác cờ lên, quay phải, quay trái…có tới mấy chục động tác ăn nhịp với tiếng trống. Tiếp theo là lễ “kéo chữ ” tức xếp chữ. ở đây người ta thường xếp các chữ: nhân, tâm, đức bằng chữ Hán.
- Ngày 16: tướng và quản tượng lên voi, xe vào chùa lễ Phật. Trên bành 5 cỗ voi có 5 nam quản tượng và 5 nữ tướng. Cách lễ là lễ rún ( như đã kể trên ). Tiếp theo lại diễn lễ “ cuốn cờ đập đất ” và “ kéo chữ ”.
- Ngày 17: là ngày vui nhất, náo nức nhất, cũng là ngày cuối của hội. Khoảng ban mai hôm ấy, tất cả tướng và quản đều lên voi, ngựa. Trước khi vào chùa làm lễ, 5 quản tượng và 5 nữ tướng phải qua 3 vòng khám. Đây là giờ phút rất trang nghiêm, đòi hỏi các tướng và quản phải thể hiện đúng “ sắc vụ tinh hoa, y mạo đoan nghiêm”. Đoàn khám tướng, quản có 6 kiệu, đi 3 vòng qua hàng voi ngựa các giáp. Khi kiệu rước và ngựa thần đi qua hàng các tướng và quản, mắt phải nhìn thẳng không được chớp. Nét mặt tươi cười, ngồi thẳng tư thế đường bệ. Việc khám do giáp đăng cai phụ trách được tiến hành nghiêm túc và chính xác. Qua 3 vòng khám, tướng và quản nào đạt tiêu chuẩn thì được thưởng, khiếm khuyết thì phải phạt. Nghi thức lễ là lễ rún. Đây là buổi lễ long trọng nhất, vui nhất. Khi nhìn các nữ tướng và nam quản tượng trong bộ trang phục lễ hội truyền thống, trong tư thế lễ rún mới thấy rất kỳ công, nhưng thao tác nhịp nhàng, uyển chuyển, vừa cung kính, vừa đẹp mắt.
Ngoài những cuộc tế lễ, dẫn rước theo nghi thức cổ truyền, hội còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian như đánh đu, bịt mắt bắt dê (con dê thật ), nhảy phỗng, đánh cờ người, diễn tuồng, hát chèo và nhiều trò chơi khác.
Làng Vẽ ngày xưa là xã Nam Xương, tổng Thọ Xương, huyện Bảo Lộc, phủ Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Nay thuộc xã Xương Giang, thành phố Bắc Giang. Ở làng Vẽ hàng năm có hai hội lệ chính, đó là:Hội đình mở vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, Hội chùa mở vào ngày 7 tháng Giêng âm lịch. Hai ngày đó là ngày chính hội. Trước đó một ngày và sau đó một ngày thì gọi là vào hội và giã hội, như thế mỗi hội đều có ba ngày.Hội đình, hội chùa đều lấy đình Cả, chùa Vẽ làm khu trung tâm.
Ngày hội chùa mồng 7 tháng Giêng: dân làng cho mở cửa chùa từ ngày mồng 6, trước sân chùa có dựng phướn và cắm cờ hội lớn, cờ thần. Các cụ bà ra chùa tụng kinh, lễ phật và đón khách thập phương đến dự. Ngày mồng 7 cũng vậy, trong chùa, bên đình Cả người đông như nêm. Các già làm cơm nhà chùa, chủ yếu là sôi oản lễ phật. Tiếng tụng kinh, tiếng mõ xen trong tiếng chuông râm ran khắp khu chùa. Ở làng Vẽ các vãi đón nhau bằng lối hát kể hạnh. Lối hát này có các bài mời khách, mời trầu, mời nước, hỏi thăm nhau, ca ngợi nhau, tiễn nhau…tuỳ theo hoàn cảnh đối đáp. Lối hát này ai thuộc, ai biết hát thì tham gia rất vui vẻ.
Hội chùa, dân làng cũng cho mở hội. Cây đu dựng ở trước đình, chùa từ trong Tết, để qua Giêng, hết hội chùa mới hạ. Hội còn có hát trò, hát chèo nhà chùa do các nơi tự đến góp vui. ở các khoảng đất trống bên đình chùa, cũng có một số trò như chạy hoá trang, múa xin tiền, múa nón, múa kiếm, đạp niêu, cướp cờ….
Hội đình làng Vẽ mở vào ngày 10 tháng 3 âm lịch. Trước ngày hội, dân cho rước cầu hậu cung lên hương án thờ cầu để chuẩn bị vào hội. Lại họp các giáp chọn quan viên vào ban tế và các đô tuỳ rước kiệu thánh ở đình Cả. Tối hôm mồng 8 có tế lễ và hát nhà tơ ở đình Cả. Hát nhà tơ thường đón các nơi về biểu diễn cho vui; dân làng, các cụ ít khi cầm chầu như các nơi khác, nhưng không vì thế mà được phạm uý.
Sáng mồng 10 tháng 3, các giáp tổ chức rước kiệu từ các đình lên đình Cả, hội họp tề tựu tại đó để phù giá kiệu thánh đình Cả. Cả làng có 6 vị thành hoàng, nhưng chỉ hành rước 5 kiệu. Trong đó, giáp bắc rước hai kiệu: kiệu Quốc Công và kiệu thánh Tứ Vệ, giáp tây rước kiệu thánh Anh Dũng, giáp nam rước kiệu thánh Quảng Hưng. Các đô tuỳ 3 giáp được chọn kiểu rước kiệu thánh đình Cả. Rước thánh đình Cả chỉ rước một thánh; còn một thánh thì ngự tại đình. Đoàn rước 5 kiệu tiến hành rất uy nghi, rầm rộ và long trọng. Các vị thành hoàng tuần du địa vực chỉ là tượng trưng, do vậy các kiệu chỉ rước nồi hương và sắc.
Đường rước ngày 10 tháng 3 ở làng Vẽ bắt đầu từ đình Cả, mỗi đoàn đi cách nhau chừng 20m - 30 m, tiến lên phía Bắc để đến đình Hậu, sau đó đi về phía tây đến đình Kẹm, lại từ đình Kẹm rước về phía Nam, nơi có đình Diệc, qua đình Diệc lại trở về đình Cả, dừng kiệu tại đó để tổ chức tế lễ. Tới chiều, làng tổ chức tế lễ xong thì các giáp cho rước hoàn cung. ở đình hàng giáp, các giáp tổ chức tế lễ thờ thần theo ghi thức của giáp mình.
Hội làng Vẽ có tục lệ cướp cầu thần, tục này có từ lâu đời. Cầu được thờ ở đình là loại cầu lớn, bằng gỗ, có đường kính 40 - 50 cm, sơn đỏ. Sau khi tế lễ xong thì làng tổ chức cướp cầu. Sân cầu ở phía trước đình làng, chia làm hai bên, cuối sân hai bên có vạch chuẩn, giữa sân dân trải một chiếc chiếu hoa, giữa có chữ "thọ". Tham gia cướp cầu thần là các giai đinh hàng giáp chia làm bên Đông và bên Đoài. Cai đám bưng quả cầu ra đặt ở giữa chiếu, trên hình chữ thọ. Khi bắt đầu chơi, cai đám hô lớn: Cầu cho mùa màng tươi tốt, dân khang vật thịnh. Rồi phất cờ chéo ra lệnh bắt đầu. Hai bên xô vào nhau giành quả cầu khỏi chiếc chiếu rồi tranh cầu, đẩy cầu bằng tay về vạch giới hạn của đối phương, nếu bên nào bị cầu chạm vạch là bên đó thua, cứ như thế từ trận này qua trận khác. Mỗi trận, mỗi bên có 10 giai đinh khoẻ đóng khố cởi trần tham gia. Giai đinh các giáp tham dự nếu thắng thì cho rằng năm đó sẽ làm ăn khấm khá, mùa màng bội thu.
Trò cướp cờ tổ chức sau khi cướp cầu. Cờ được cắm ở giữa sân, mỗi bên 10 người, có một ông tổng cờ chỉ huy. Khi tổng cờ ra lệnh bắt đầu thì hai bên vào cướp cờ. Người cướp được chạy về phía mình, bên kia đuổi theo. Bên cướp được cờ phải bố trí người chạy cản bảo vệ người cầm cờ, nếu bị người bên kia đuổi kịp đập tay vào người thì cuộc cướp cờ lại bắt đầu lại từ đầu. Cứ như thế, hết hiệp này sang hiệp khác, trò chơi đã rèn luyện sự tinh nhanh và khoẻ mạnh cho mỗi thành viên.
Cùng với trò chạy cướp cờ lại là trò chạy hoá trang. ở sân chơi có đích và vạch xuất phát cách nhau chừng 30 - 50 m. Nơi xuất phát có một đầy lớn, trong để hơn chục bộ quần áo lẫn lộn cả của đàn bà lẫn đàn ông....Mỗi lần chơi có hai người vào sân. Khi quan đám ra hiệu bắt đầu thì mặc chiếc khố cởi trần, khi mặc nhầm quần áo chạy về đích trông rất ngộ. Ai mặc đúng trang phục, về đích trước là được giải.
Hội ở làng Vẽ mở ra trùng ngày với làng Thành. Hai làng này cùng nằm trên một thửa đất bên phía Tây Bắc thành Xương Giang xưa, bởi thế hội của hai làng được mở ra thì khí thế mạnh, tiếng vang lớn và người đi hội rất đông.
Đền Suối Mỡ gồm 3 ngôi: Đền Hạ, đền Trung, đền Thượng. Đền thuộc xã Nghĩa Phượng, huyện Lục Nam, Bắc Giang. Hội đền Suối Mỡ mở vào ngày 1 tháng 4 âm lịch hàng năm. Theo các tài liệu xưa cho biết: đền Suối Mỡ là nơi thờ công chúa Quế Mỵ Nương thời vua Hùng Định Vương, có công giúp dân khơi nguồn suối lấy nước làm ruộng, làm nương, xây dựng cuộc sống no ấm.
Ngày hội đền Suối Mỡ là ngày rước của người dân sở tại. Làng Dùm có ngôi đình to cách đền hơn 1 km về phía đông. Tinh mơ dân làng và quan viên đã tế lễ ở đình. Tế xong xin rước sắc và bài vị ra đền suối. Đám rước trống dong, cờ mở qua đền cây Xanh đến xế trưa thì tới đền Hạ. Cũng thời điểm ấy, dân làng Quỷnh cũng rước từ đình Quỷnh ở phía Tây Suối Mỡ rước lên, đi qua nghè Hàn Lâm để vào đền Trung làm lễ. Khi đám rước tới đền Hạ thì tế an vị. Những năm hội lớn, lễ này thường mổ lợn to. Cuộc tế này diễn ra ở ngay sân tiền đường của đền Hạ.
Ngoài việc tế lễ, hội đền còn tổ chức thi bắn cung, võ dân tộc, đi quyền, múa côn, múa kiếm, múa đao…. Tối đến nhà đền có tổ chức hát chầu văn. Các đội hát chầu văn được bố trí hát ở tiền đường. Thường thì dân làng sở tại ưu tiên cho các đội chầu văn hàng hội của Chí Linh, Kiếp Bạc (tỉnh Hải Dương) biểu diễn cho dân và khách thập phương xem.
Khách đến hội đền Suối Mỡ rất đông, từ nhiều vùng ở các huyện, tỉnh bạn. Trong đó có các bà, các cô chủ yếu đi lễ và xem hát chầu văn; Thanh niên nam nữ trẻ, chưa vợ hoặc chưa chồng thì đi bộ leo suối, leo núi. Suối, núi ở Suối Mỡ hoà với nhau rất hữu tình.
Lễ hội Yên Thế tổ chức vào ngày 16 tháng 3 dương lịch hàng năm tại thị trấn Cầu Gỗ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Lễ hội bắt đầu từ năm 1984 - lễ kỷ niệm 100 năm khởi nghĩa Yên Thế .Từ đó, lễ kỷ niệm đã trở thành một lễ hội.
Lễ hội Yên Thế được tiến hành ở khu đền Thề đối diện với khu đồn Phồn Xương thuộc khu di tích Yên Thế. Ngoài khu trung tâm, hội còn tổ chức ở các địa điểm công cộng trên đất Cầu Gồ quanh khu đồn Phồn Xương.
Vào ngày 16 tháng 3 dương lịch. Từ tờ mờ sáng, khắp các ngả đường trong vùng Yên Thế, Tân Yên, người người kéo nhau đi hội. Từng đoàn, từng tốp... tưng bừng phấn khởi, chật cả đường đi. Tại khu tập kết, các đoàn tham gia lễ hội quần áo chỉnh tề, hoá trang... sẵn sàng chờ giờ xuất phát hành lễ.
Lễ diễu hành qua kỳ đài được cử hành để bắt đầu cho Lễ hội Yên Thế. Đây là cuộc biểu dương sức mạnh, biểu dương sự uy nghi, đẹp đẽ và cũng là lúc làm cho không khí ngày hội trở lên sôi động nhất. Các đoàn quân lần lượt tiến qua lễ đài với biểu tượng và trang phục riêng của mình trong tiếng trống, tiếng chiêng ngân vàng trong núi rừng Yên Thế.
Sau lễ diễu hành, các trò vui được tổ chức ở nhiều địa điểm. Học sinh các trường thi cắm trại ở sườn đồi đối diện khu đồn Phồn Xương. Sới vật được mở ra và bắt đầu trong khu vực đền Thề. Các đô vật lên làm lễ xe đài và vào trận thi đấu. Các đội văn nghệ, văn công chuyên nghiệp cũng mở màn biểu diễn ban ngày cho bà con xem. Các môn thi đấu thể thao như: bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, đu quay, mô tô bay... Cứ như thế, chỗ nào trong khu vực Phồn Xương cũng thu hút rất đông người xem và tham dự. Trong khu đền Thề, chùa Lèo, đền thờ Bà Ba Đề Thám, các cụ, các già, các vãi dâng hương lễ Phật, lễ đền. Người ra người vào không lúc nào ngơi. Khu nhà trưng bày về cuộc khởi nghĩa Yên Thế cũng đã mở cửa phục vụ nhân dân các nơi đến hội.
Ngoài các nội dung trên, lễ hội còn có những hình khác mới được bổ như: tổ chức diễu ngựa từ đình Hả - Tân Trung (Tân Yên) lên Phồn Xương, rước từ Nhã Nam vào tham dự. Tổ chức tiết mục "Trai Cầu Vồng Yên Thế gặp gái Nội Duệ, Cầu Lim", tiết mục lễ tế cờ của Hoàng Hoa Thám... các tiết mục này đã làm cho nội dung của lễ hội mỗi ngày một phong phú và có bản sắc văn hóa riêng.
Đình Vồng thuộc xã Song Vân, huyện Tân Yên, Bắc Giang.Lễ hội đình Vồng gồm lực lượng chính của 4 xã: Song Vân, Ngọc Vân, Lam Cốt, Việt Ngọc của tổng Vân Cầu cũ. Ngoài ra còn một số xã khác xung quanh ở phía Tây của huyện tham gia.Lễ hội đình Vồng là một lễ hội có từ lâu đời. Hàng năm hội đình Vồng được tổ chức vào ngày 15 tháng giêng và ngày 9,10,11 tháng 9 âm lịch.
Trong ngày hội, người ta tổ chức tế lễ, rước sách và các môn thi, các trò chơi dân gian.
Đám rước trong hội đình Vồng được diễn ra với nghi thức trọng thể. Ngày 15 tổ chức rước 17 đạo sắc từ nhà để sắc ở làng Vân Cầu về đình. Đi đầu đoàn rước là một người đóng tướng. Người này phải được lựa chọn kỹ theo từng năm. Đó phải là người có gia đình toàn vẹn, có chức sắc trong làng và có uy tín trong dân, được mọi người quý trọng kính nể. Khi rước sắc về đến đình thì tổ chức tế lễ long trọng.
Trong hội đình Vòng xưa có tục tế ngựa rất uy nghiêm, có nhiều trò chơi, nhiều môn thi đấu thể thao dân gian giầu tính thượng võ như: Múa võ, vật, đua ngựa, bắn cung, bắn nỏ, bắn phết và nhiều trò chơi dân gian chọi gà, thi thả diều, thi thổi cơm, chạy chữ...
Đầu tiên phải kể đến cuộc thi đua ngựa được tổ chức rất chu đáo, có lề luật. Địa điểm diễn ra cuộc đua ngựa là con đường rộng chạy quanh một quả đồi. Trên đường đua được đặt trướng ngại vật là cây tre bắc cao ngang đầu ngựa. Sắp vào cuộc thi ông cai đám tiến ra điểm xuất phát có đặt hương án và cắm cờ, thắp hương làm lễ song rồi tuyên bố lý do và nổi trống đốt pháo hiệu. Khi có pháo hiệu nổ, hai kỵ sỹ điều khiển ngựa quần áo nai nịt gọn gàng, đầu chít khăn đỏ bỏ múi, ngang sườn thắt bao thúc ngựa tiến vào trường đua. Gần đến đích ( Có vật chắn ), người dự thi cúi giạp người trên lưng ngựa vượt qua trướng ngại vật. Nếu ai nhanh hơn và không để rơi chướng ngại vật là người thắng cuộc.
Trong cuộc thi đua ngựa bắn cung thì đua ngựa là phụ, bắn cung là chính. Sân đua được dọn trên một bãi đất rộng. Gần đích là một nia quét vôi trắng, trong nia ấy vẽ ở tâm điểm một vòng tròn nhỏ bằng mực đen. Người ta chôn ba cây tre cao rồi treo ba cái nia như vậy lên ngọn tre. Sau khi có hiệu lệnh từng tốp ba kỵ sỹ ăn mặc gọn gàng, đeo cung tên phi quanh sân một vòng lấy đà đến khi cách đích khoảng 40m ( nơi có một vạch vôi trắng ) thì dừng ngựa và bắn cung. Nếu người nào bắn trong tâm cả ba phát thì được giải ông cai đám sẽ trao giải bằng cách vòng một vuông nhiễu điều vào cổ người đoạt giải rồi trao cho anh ta mọt đồng bạc, một bánh pháo và một gói chè.
Trong trò thi diều, người ta tổ chức thi hai loại : Diều loại to có sáo và diều loại nhỏ không có sáo. Ông cái đám cầm đầu ban chấm thi và điều hành cuộc thi. Từng nhóm ba diều vào xới. Một diều có người đâm ( phóng ) diều và một người ra dây. Sau khi cai đám tuyên bố lý do, pháo nổ rứt, các diều vun vút lao lên trời. Loại diều có sáo phải đạt các tiêu chuẩn : Diều to, lên cao và lên thẳng, không trao đảo, sáo kêu đều và hay thì được giải theo thứ tự nhất, nhì, ba. Hội thi thả diều thu hút rất đông người đến dự và cổ vũ.
Hội đình Vồng được tổ chức long trọng, vui vẻ trong ba bốn ngày đêm. Ở hội đình Vồng ngoài việc diễn các tích trò còn tổ chức thi hát đối đáp giữa các gánh hát trong vùng và các nơi khác đến biểu diễn khiến không khí lễ hội càng thêm hấp dẫn.
Do điều kiện thực tế khách quan từ sau năm 1953, lễ hội đình Vồng không được tổ chức lớn mà chỉ với quy mô nhỏ ở địa phương. Đến năm 1998, dưới sự chỉ đạo của Sở VHTT và UBND huyện Tân Yên, lễ hội đình Vồng được tổ chức long trọng tại trung tâm huyện theo đình kỳ 5 năm 1 lần nhằm gìn giữ và phát huy vốn di sản văn hoá truyền thống đặc sắc của nhân dân trong vùng Yên Thế Hạ (nay là Tân Yên). Đồng thời, lễ hội cũng cũng phản ánh tinh thần thượng võ, kiên cường, bất khuất của các chàng trai con cháu cụ Đề trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc. Lễ hội đình Vồng còn góp phần không nhỏ trong việc giáo dục các thế hệ con cháu hôm nay phải biết giữ gìn đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cao đẹp của các bậc tiền nhân để lại.
Lễ hội Thổ Hà (xã Vân Hà, huyện Việt Yên, Bắc Giang) được tổ chức vào ngày 19 đến 21 tháng Giêng hằng năm. Đối tượng suy tôn là Thành Hoàng làng. Năm nào cũng tổ chức lễ hội nhưng ba năm một lần mới mở hội lớn có lễ rước. Đây là một lễ hội còn duy trì được nhiều nét bản sắc độc đáo của lễ hội xứ Bắc.
Lễ hội làng Thổ Hà bao giờ cũng gồm hai phần, đó là phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức rất trọng thể và bài bản. Từ sáng sớm, chánh tế, thông xướng, độc chúc cùng toàn bộ các bô lão trong ban tế quần áo chỉnh tề để đón đám rước từ các miếu về đình làng. Chủ tế đứng ở bậc tam cấp đón đám rước. Khi mọi người đã yên vị, cuộc tế mới được bắt đầu với những nghi thức long trọng. Tất cả đều tỏ lòng thành kính mời Thánh về dự hội cùng dân làng và cầu xin Thánh phù hộ cho dân làng một năm mới dồi dào sức khỏe, làm ăn phát đạt, xóm làng yên vui, gia đình hạnh phúc.
Sau nghi thức tế lễ, tiếp đến là phần hội với các trò chơi dân gian đặc sắc như chọi gà, bơi trải, đấu vật, chơi cờ, cầu lông, chèo thuyền bắt vịt… nhưng tiêu biểu nhất phải nói đến đó là hát quan họ. Thổ Hà được coi là một làng gốc của nghệ thuật hát quan họ. Các liền anh, liền chị của các thôn lân cận cùng về dự hội trổ tài hát cả ngày lẫn đêm tại sân đình hay trên thuyền. Lời hát trữ tình và mượt mà làm nao lòng bao du khách gần xa. Ngoài hát quan họ, một môn thi không kém phần hấp dẫn và sôi động, thu hút được nhiều người tham dự đó là môn cờ tướng. Các bàn cờ được bày ra mời các thí sinh dự tài cao thấp. Người thắng thì hồ hởi, mừng vui còn người thua cũng không vì thế mà "cay cú" chỉ ước mong đến hội năm sau sẽ gặp lại đối thủ. Kết thúc lễ hội, mọi người cùng ra về trong niềm vui hân hoan.
Lễ hội Thổ Hà là một nét đẹp trong văn hóa của người Kinh Bắc, làm giàu thêm cho kho tàng văn hóa nước Việt, đáng được gìn giữ và phát huy.
Hàng năm, cứ vào tháng giêng âm lịch, các làng Ngọc Cục (Việt Ngọc), kép Thượng (Lam Cốt), Phúc Lễ (Phúc Hòa), Làng Lý (Ngọc Lý)... thuộc miền hạ Yên Thế, nay là huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, mở hội cướp cầu mừng xuân.
Hình thức tổ chức tùy theo làng lớn, làng nhỏ mà cách làm khác nhau. Làng nhỏ chia làm 2 giáp, làng vừa thì 4 giáp, theo lượng người mà phân chia. Những trai đinh dự thi thường là người cường tráng, nhanh nhẹn. Hình thức trang phục tùy thuộc sự quy định của từng làng. Có làng người dự thi cởi trần, đóng khố lụa đủ màu sắc xanh đỏ sặc sỡ, tay cầm một chiếc móc có cán dài. Có làng lại để cho trai đinh mặc quần áo, chít khăn màu trên đầu, ngang lưng thắt bao lụa các màu rực rỡ, tay không dùng để cướp cầu.
Ðịa điểm làm nơi cướp cầu có khi là sân đình là bãi rộng cửa đình, hay bãi rộng bên đình. Vào giờ lễ hội cướp cầu, trai đinh các giáp vạm vỡ trong trang phục nhiều màu sắc rực rõ, chắc khỏe, đứng tề chỉnh, trang nghiêm trước sân đình với khí thế hừng hực, quyết thắng.
Quả cầu được sơn son thiếp vàng, màu sắc rực rỡ, hấp dẫn. Khi hiệu lênh bắt đầu ,Trai các giáp xô nhau cướp, ngăn chặn, luồn lách tranh cướp lấy cầu đỏ ôm được vào lòng. Ðây là cả một sự vật lộn, tranh giành, đua chen khá quyết liệt, đòi hỏi không chỉ có lực, mà còn phải có trí, có mưu, dũng mãnh mới mong giành phần thắng. Trong khi đó, chiêng trống của làng giục giã liên hồi, rộn ràng, sôi nổi, dân làng của các giáp đứng quanh đông đảo vòng trong, vòng ngoài.
Cuối cùng, trai đinh giáp nào cướp được cầu, ôm lấy, chạy vào đặt được trong cung đình là thắng cuộc. Cuối cùng, quả cầu được đặt đúng vị trí tôn nghiêm. Cả giáp, cả làng, cả hội đều vui sướng. Chiêng trống rền vang dồn dập, liên hồi, người người già trẻ gái trai reo hò vang cầu trường. Giáp thắng cuộc được làng thưởng và mừng vì năm ấy cả làng, cả giáp gặp may, bình an, làm ăn phát đạt, giàu sang, thịnh vượng.
Thái Đào, xưa là một xã của tổng Thái Đào, huyện Phượng Nhãn, phủ Lạng Giang gồm 5 thôn: Chùa, Gia, Ghép, Mỹ, Then. Nay Thái Đào thuộc huyện Lạng Giang. Hội của xã Thái Đào được mở vào mồng 9, mồng 10 tháng Giêng âm lịch. Đó là ngày hội chính, cũng là hội xuân. Trong năm, Thái Đào còn hai sự lệ nữa vào ngày 15 tháng 5 gọi là ngày Giỗ Thánh và ngày 23 tháng chạp âm lịch, gọi là ngày “ cắt keo”.
Hội xuân của Thái Đào được tổ chức ở khu đình, đền, chùa Thái Đào. Chùa Thái Đào xưa kia là một ngôi chùa lớn, có tên chữ là Long Quang Tự ( chùa Long Quang ).Xã Thái Đào xưa có 5 thôn, chia làm 5 giáp gọi là giáp Đông, giáp Tây, giáp Nam, giáp Bắc và giáp Ghép. Các giáp này bao gồm các họ: Nguyễn, Lê, Hà…trong đó họ Hà là to nhất. Giáp Ghép tuy chung đình với các giáp khác nhưng lại riêng chùa.
Theo lệ thì cứ vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch năm trước dân xã Thái Đào làm lễ cỗ xôi, con gà, hoa, quả, trầu, cau, rượu, nước lên đình làm lễ “ cắt keo” để xin chủ tế. Lễ “ cắt keo” có đủ cả năm thôn, lần lượt từng thôn lên lễ. Qua tết âm lịch, dân xã cho chuẩn bị vào hội từ ngày mồng 6 tháng giêng. Trong ngày này, bãi hội trước đình được bố trí định đặt các điểm tổ chức trò chơi chư vật, đu, cờ người, cờ tướng, cướp cầu…Đồng thời chủ tế cùng dân làng lên đình làm lễ xin đài cho rước kiệu, về đóng kiệu thờ tại xóm thôn của mình, đến ngày mồng chín tháng Giêng thì rước lên. Giáp đương cai tổ chức rước kiệu thánh cùng các đồ nghi trượng… từ làng xóm mình lên đình, chùa. Từ đây các quan viên, các giáp khác sẽ hợp cùng giáp cai rước kiệu lên thôn Ghép để ra giếng Chằm La lấy nước vào chéo sư đem về thờ ở đình. Đình Thái Đào nằm trên trục đường cổ nên khi rước, đám rước của dân thôn được người thập phương đến dự rất đông. Kết thúc cuộc rước, kiệu được đóng tại sân đình. Làng sẽ tổ chức tế lễ ở thánh cung. Việc tế lễ do chủ tế cùng các viên bồi tế chịu trách nhiệm. Trong ngày này, có lệ thi cỗ. Cỗ thi do các gia đình làm rồi đem lên lễ đình để thi. Các quan viên tổ chức chấm cỗ. Cỗ thi ở hội Thái Đào có các món: Xôi, thịt, giò, chả, măng, miến, bánh chưng, bánh dày, bánh xu xuê, bánh dợm, bánh gai, chè lam, chè đường, chè con ong…tất cả các món ấy đều được sắp đặt lên mâm đồng, hai, ba tầng sao cho thật đẹp, thật ngon thì mới được giải. Cỗ ngon, giải nhất dành để mâm trên cho các cụ thượng xơi, còn các cỗ khác dù được giải hay không cũng đều để lại đình bày lễ nhà thánh cho sang trọng. Tế lễ xong thì làng cho ngả cỗ để mọi người thụ lộc thánh. Mỗi cỗ đóng 4 người một mâm tại đình. Các cụ tuổi từ 100 trở lên thì được mỗi người một cỗ. Nếu không thụ hết thì mới lấy phần cho con cháu ở nhà.
Sau cuộc tế, buổi chiều mồng 9 tháng Giêng, quan chủ tế làm lễ cầu ở đình. Quả cầu bằng gỗ to, có đường kính khoảng 50 – 60 cm. Ngày thường cầu được cất trong hậu cung, đến ngày mồng 6 tháng Giêng đem ra dán giấy đỏ kín quả cầu rồi mang ra thờ ở đình. Sau khi tế cầu, xin cho dân mở hội cướp cầu. Ông chủ tế bưng quả cầu ra bãi hội trước sân đình. Giai của các giáp chia làm hai phe, mỗi phe đứng một bên sân. Cuối sân có lỗ đất lớn để khi cướp thì quả cầu vào gôn nhau, bên nào bị bỏ vào gôn là thua. Ông chủ tế đội mũ phốc đầu, mặc áo thụng, mang quả cầu lên rồi nói rằng:
“ Bớ các giai làng, đầu xuân năm mới, dân mở hội gieo cầu cho lúa tốt khoai to, cho vụ mùa thắng lợi, nào các giai hãy vào cướp cầu”.
Nói xong ông chủ tế gieo quả cầu xuống đất, hai bên xô nhau vào tranh cầu. Quả cầu cứ chuyển từ tay người này sang tay người khác không kịp rơi xuống đất. Người ta chen nhau huỳnh huỵnh trên sân cầu. Trống thúc tùng tùng lúc mau lúc chậm. Tiếng chiêng, tiếng cồng hoà theo, cho đến khi có một bên thắng, nhưng thường là hoà.
Sau cuộc cướp cầu, làng mở hội vật, chọi gà, hát trò. Hội kéo dài cho đến hết ngày mồng 10 thì giã hội.
Khu chùa này nằm ở sườn núi chùa Thú thuộc thôn Cầu Cần, xã Việt Lập, huyện Tân Yên. Nguyên trước đây chùa Thú thuộc xã Tuy Lộc Sơn, tổng Tuy Lộc Sơn, huyện Yên Thế, phủ Lạng Giang. Mỗi năm chùa có hai lần hội. Hội xuân vào ngày 21 tháng Giêng âm lịch và hội cuối xuân vào ngày 19 tháng 3 âm lịch.
Trong ngày hội 21 tháng giêng, nhân dân các làng, các xã lân cận từ các ngả kéo về làm lễ dâng hương cúng Phật, cúng quan Phán Thú và quan Thái Bảo (triều Lê). Lễ dâng hương của các đoàn chủ yếu là lễ chay, hoa quả, đèn hương... Các bà vãi, các đoàn đi quy của các bản tự thành tâm dâng lễ, tụng kinh, cầu tài, cầu lộc, cầu bình yên cho gia đình, xã hội.
Trước đây trong hội chùa Thú có tục đua ngựa, nay không còn. Sách Địa chí Tân Yên chép rằng: “Đua ngựa: diễn ra vào mùa xuân, dân làng vào đám mở hội. Các cuộc đua coi là sân quần ngựa, nằm trên khoảng đất rộng trước đình Lý Cốt (Phúc Sơn), chùa Thú (Việt Lập), xóm Khủa (Tân Trung).
Sân quần ngựa là một đường rộng chạy quanh một quả đồi, trên đường đua đặt một chướng ngại vật là cầu tre bắc ngang cao bằng đầu ngựa. Sắp vào cuộc thi, ông Cai đám tiến ra điểm xuất phát có đặt hương án và đầm cờ. Ông thắp hương làm lễ, tuyên bố lý do rồi nổi trống đốt pháo do 2 kỵ sỹ điều khiển, áo quần nai nịt gọn gàng, đầu chít khăn, ngang sườn thắt bao. Pháo nổ vừa xong, hai chàng kỵ mã thúc ngựa lao vào trường đua. Đến chỗ vật chắn (gần đích) người dự thi cúi rạp mình thúc ngựa vượt qua chướng ngại vật. Ai nhanh hơn lại không làm rơi vật chắn là thắng cuộc.
“Hội thi diều tiêu biểu nhất trong vùng cũng đã từng diễn ra tại chùa Thú. Mùa xuân mở hội thi hai loại diều. Diều loại to có sáo và diều loại nhỏ không có sáo. Ông cai đám cầm đầu ban chấm thi và điều hành cuộc thi. Từng nhóm ba diều vào xới. Mỗi diều có một người đâm (phóng) diều và một người ra dây. Sau khi cai đám tuyên bố lý do, pháo nổ dứt, các diều vun vút lao lên. Loại diều có sáo phải đạt ba tiêu chuẩn: diều to, lên cao và lên thẳng, không chao đảo, sáo kêu đều và hay thì được giải theo thứ tự nhất, nhì, ba. Hội thả diều rất đông người dự và cổ vũ. Ngày 21/3 âm lịch năm 1994 hội thi diều lại được mở tại chùa Thú”.
Cuối tháng ba, sắp sang hè, lúc ấy cũng đã có mưa rào; trời trong sáng, gió nam cũng đã thổi đều làm diều sáo các làng quê vi vu trên ,ất êm đềm thi vị. Hội thi diều ở chùa Thú được mở ra trong không khí ấy, rất vui. Khi diều đã lên, đã đậu mọi người ngồi vui ngắm diều, uống trà, uống rượu nói chuyện vị quan Phán Thú với biết bao suy ngẫm ly kỳ hư, hư thực thực đầy chất dân gian độc đáo.
Lễ hội Xương Giang được mở ra ở đất Bắc Giang bắt đầu vào năm 1998 và được duy trì liên tục từ đó đến nay. Đây là lễ hội được xây dựng trên cơ sở chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang năm 1427 của quân dân Đại Việt chống lại và đập tan gần 10 vạn quân xâm lược Minh. Vì thế, lễ hội Xương Giang là lễ hội phản ánh lịch sử hào hùng chống xâm lăng của dân tộc, thông qua các hình tượng văn hoá ngay trên mảnh đất Xương Giang lịch sử.Lễ hội được tổ chức vào ngày 6-7 tháng Giêng.
Dù đã trải qua hơn năm thế kỷ, dư âm của chiến thắng Xương Giang vẫn còn vang dội. Sáng sớm ngày mồng 6 tháng giêng âm lịch, các đoàn người từ các phường xã, giương cờ, gióng trống, xe kiệu với quần áo rực rỡ, tề chỉnh từ các ngả đường lần lượt tiến về trung tâm khai hội. Không khí cờ hoa, biểu ngữ, các đoàn quân hành tiến trong tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng nhạc vang lừng làm cho cả thành phố Bắc Giang khí thế hẳn lên.
Trước ngày khai hội, Tối mồng 5 tháng giêng, thanh niên tổ chức đốt lửa trại. Họ nắm tay nhau, kết vòng tay lớn quanh đống lửa trại. Đêm hôm ấy, các làng, các thôn, phường, xã cùng rậm rịch hầu như không ngủ. Mọi người chuẩn bị cho cuộc hành rước hôm sau. Tại các đình, chùa, đền. miếu và nhà văn hoá đèn đuốc suốt đêm để tới canh năm hôm sau tề chỉnh săp hàng ngũ, chiêng trống kéo về nơi khai hội.
Đoàn làng Kế lên đường với xa kiệu, ngựa, đưa đội quân tượng trưng đức thánh Cao Sơn, Quý Minh về với lễ hội. Đoàn này lần lượt hội đủ các đội quân hành rước của làng Tiêu, làng Kế, làng Vĩnh thành một đoàn tiến vào các phố phường.
Đoàn rước của làng Thành, làng Vẽ cũng đưa đồ rước của đức thánh Cao Sơn - Qúy Minh tham dự. Vốn hai làng là hai lằng nằm kề bên phía cửu Bắc thành Xương Giang. Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh năm xưa, họ đã về thành trên cót khiến cho quân thù bạt vía kinh hoàng tưởng quân ta có thần nhân giúp đỡ một đêm đã dựng xong thành.
Đoàn rước của thôn Hoà Yên rầm rộ với tinh thần của tướng quân nhà nhà Lý Lều Văn Minh đánh quân giặc Chiêm. Họ mang tới hội niềm kiêu hãnh bởi cha anh xưa cũng có mặt trong cuộc kháng chiến chống quân Minh.
Đoàn rước của xã Đa Mai, phường Mĩ Độ lại tiến từ bờ nam sông Thương qua cầu Bắc Giang rồi theo quốc lộ 1A tiến vào khu khai hội. Làng Đa Mai thờ hai bà công chúa nhà Trần có công đánh giặc Nguyên thế kỷ XIII ngay tại khúc sông này nên làng đã không rước kiệu mà rước thuyền với anh linh của hai bà. Họ có một đội kỳ lân, sư tử do các bà đồn múa, rất hăng say và vui nhộn, đẹp mắt. Người Mĩ Độ thì rước tượng đức thành hoàng với long đỉnh, bát bửu, hương án…oai phong.
Lễ dâng hương được tổ chức ở trung tâm khai hội rất long trọng. Ở đây, các lễ chào cờ, lễ đọc diễn văn, đọc " Đại cáo bình Ngô ", lễ múa ra quân được tiến hành. Giữa các lễ này đều có nhạc hiệu làm nền vang lên trầm hùng và thức giục lòng người.
Sau khi dâng hương, các đoàn rước trở về làng mình, làm lễ Am Vị đưa xếp các đồ tế khí, kiệu, ngựa vào vị trí cũ. Riêng làng Thành và làng Vẽ thì coi như đã bắt đầu vào hội lệ của làng mình. Cờ, kiệu, ngựa…được đóng tại trước sân đình. ở khu vực đình, chùa hai làng, các trò vui được tổ chức như: Đu, đu quay, cờ bỏi, cờ tướng, hát chèo nhà chùa, dâng hương lễ phật, tế thành hoàng và có tổ chức hương ẩm tới ngày mồng 7 tháng Giêng mới dứt.
Lễ hội Xương Giang là lễ hội mới tổ chức lại. Hình thức khai hội thay đổi theo từng năm rất phong phú.
Làng Thành là một làng thuộc xã Xương Giang, thành phố Bắc Giang . Một năm làng có hai kỳ hội gọi là xuân thu nhị kỳ. Về mùa xuân thì hội mở vào ngày mồng 6, mồng 7, mồng 8 tháng giêng âm lịch, gọi là hội xuân. Trong đó ngày mồng 7 là ngày hội chùa, còn hội đình thì cả ba ngày. Về mùa thu, lệ mở vào ngày mồng 4, mồng 5 tháng 8 âm lịch.
Hội làng Thành diễn ra ở đình và chùa là chính. Ngoài ra, trong làng còn một số địa điểm nữa, đó là các địa điểm liên quan đến cuộc rước kiệu thánh tuần du quanh làng.
Đình làng Thành là ngôi đình lớn, đặt trên thửa đất kề đường làng, địa thế đình khá rộng. Đình có quy mô bề thế, 5 gian hai dãy mái cong, lợp ngói mũi có sàn, cửa bức bàn, chấn song con tiện ( nay xây gạch bao quanh ). Chùa Thành cũng là ngôi chùa cổ, nhìn ra cánh đồng rộng, thoáng. Trong chùa có nhiều công trình có giá trị nghệ thuật.
Theo tục cổ truyền, khi làng vào hội thì cho hai giáp làm cỗ, đóng đám. Cỗ vào đám của làng chỉ có xôi, thịt lợn và muối vừng. Cỗ được bày lên mâm dâng lên thánh cung tế thần. Thành hoàng của làng Thành là đức Cao Sơn – Quý Minh. Đức Cao Minh được thờ ở đình Chung, thờ chung với làng Vẽ. Ngoài ra còn thờ vị hậu thần là Dương Quốc Công. Vị họ Dương này còn có nghè riêng trong xóm Đình gọi là nghè Miễu.
Trong dịp hội xuân, dân đóng đám từ ngày mồng 6 tháng Giêng. Trong ngày này có tổ chức rước kiệu. Làng Thành thờ ba vị nên có ba liệu rước trong hội. Người ta tổ chức nghênh rước vị thành hoàng Quý Minh từ đình Thành ra ngã tư vào chùa Thành. Tại đây đoàn kiệu này sẽ gặp đoàn rước kiệu Dương Quốc Công đi đến đó, hai kiệu nhập vào nhau. Kiệu Quý Minh đi trước kiệu Dương Quốc Công, cả hai cùng đi tới đình Chung làm lễ Đức thánh Cả Cao Sơn. Từ đây cả hai kiệu cùng rước, lúc này kiệu Cao Sơn đi trước.
Hành trình rước lúc này là cả ba cùng đi từ đình Chung theo đường xóm Dinh, tiến theo sườn làng đến ao Mạo, sau đó thẳng đường giữa làng ra đến quốc lộ 1A ( đường cái quan ) xuống cuối phố quán thánh rồi vòng trở về đình Thành. Cả ba kiệu đó hạ ở sân đình. Làng cho nồi hương vào đình để làm lễ an vị, chờ trong ba ngày.
Sau cuộc rước, làng làm lễ cướp cầu. Sân cầu ở cổng đình Thành liền bên chùa Thành. Chỗ ấy gọi là đồng. Truyền tích về quả cầu ở đây là: Do ngài Dương Quốc Công rèn luyện quan sĩ nên làm ra quả cầu. Thường ngày quả cầu đó được thờ ở nghè Miễu ( xóm Đinh ). Đến ngày hội thì đem ra chơi; Khi chơi có làm lễ tế cầu.
Sân cầu có vạch ở giữa sân, cuối sân. Người chơi chia làm hai bên. Khi cụ tiên chỉ cầu mùa gieo cầu, hai bên xông vào cướp, cướp được thì chạy qua sân đối phương rồi ôm chạy về phủ phục nộp ở cửa đình. Bên nào nộp được là bên đó thắng, năm ấy là làm ăn khá giả.
Hội làng Thành cũng có tổ chức vật, nhưng không thờ vật mà chỉ vật giải. Làng cũng có cho đánh cờ người. Quân cờ là các chàng trai, cô gái trẻ, mặc áo tướng sỹ, có vẽ chữ 32 quân cờ. Hai bên, một bên nam, một bên nữ. Có năm cả hai bên cùng nữ. Điều kiện chọn quân cờ là những cô không quá 18 tuổi. Cô nào đẹp nhất thì vào làm tướng. Khi chơi có trống đánh và có bàn cờ nhỏ bên ngoài theo dõi.
Ở hội làng Thành cũng tổ chức trò chơi như đập nồi, đập niêu, ném vòng cổ chai, chạy hoá trang. Chạy hoá trang ở đây xếp từng bộ không cho người tham gia biết, ai lấy phải bộ nào thì mặc bộ đó, vừa chạy vừa mặc.
Hai giáp của làng Thành đều có đội kỳ lân sư tử. Hai đội này khi hội được đi đầu đoàn rước, vừa đi vừa múa. Khi kiệu về đình thì múa thờ ở đình. Mỗi đội kỳ lân có một phong cách riêng, nét độc đáo riêng. cả hai đều múa rất giỏi, rất nhiều động tác. Khi múa thờ ở đình, cả hai đội đều trổ hết tài nghệ của mình để biểu diễn.
Chiều ngày mồng tám tháng giêng là ngày giã hội làng Thành. Làng tổ chức tế hoàn cung. Khi hoàn cung thì ba kiệu lại thong dong về cơ sở của mình. Đoàn rước lúc này về đình Chung theo đường ao Mạo.Tới đường rẽ lên nghè Miễu thì kiệu thánh Quý Minh dừng lại cho kiệu Dương Quốc Công về. Lúc này kiệu Cao Sơn lên đầu, kiệu Quý Minh đi thứ 2, kiệu Cao Sơn chuyển nồi hương vào đình Chung thì về thứ 3, cả ba tiến vào nhà sắc ở giữa làng. Tại đây tề tựu rồi tháo kiệu cất vào nhà sắc, hoàn thành lễ hoàn cung.
Cúng trong ba ngày này, ở đình chùa có tổ chức hát nhà tơ, hát chèo, hát ống….Hát ống là lối hát đối đáp với nhau, ai hát thì cầm ống hát cho người bên kia nghe; ống hát làm bằng ống tre, lột da con ếch làm màng loa, hai loa nối với nhau bằng sợi chỉ truyền âm. Bên kia để ống nghe vào tai nghe được thì bỏ tai nghe làm loa hát cho bên kia đáp lại…
Hội làng Thành là hội có tiếng ở vùng Bắc Giang. Hội này có cuộc rước và trò cướp cầu khá qui củ, độc đáo. Trong lễ hội, cỗ bàn cúng đơn giản không cầu kỳ, không tốn kém. Ngoài lễ hội đầu xuân, làng Thành còn có lễ hội mùa thu là hội của đình. Nói chung, lệ mùa thu bình thường không to vui bằng hội xuân. Từ khi có hội Xương Giang, hội làng Thành cũng là một trong những hội làm cho lễ hội Xương Giang có thêm sức sống.
Lễ hội cúng rừng là một trong những lễ hội đặc sắc của người Nùng. Hội được tổ chức hai lần trong năm và ở hai địa điểm khác nhau. Lần thứ nhất được tổ chức vào ngày 30 tháng Giêng. Hội cúng rừng vào ngày mồng 2 tháng Bảy âm lịch. Địa điểm tổ chức là một khu rừng cấm, ở cánh đồng hay gò bãi. Theo quan niệm của người Nùng, rừng là tất cả, rừng tạo nên cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bình yên cho mọi người vì vậy lễ hội cúng rừng mang ý nghĩa sâu sắc, giáo dục ý thức cho con người phải gìn giữ, bảo vệ rừng…
Xưa kia hội cúng rừng ngày 30 tháng Giêng do các già bản đứng ra tổ chức, mời thầy mo, thầy cúng tiến hành các thủ tục nghi lễ. Ngày nay do trưởng thôn, trưởng bản đứng ra tổ chức. Lễ cúng rừng được chuẩn bị kỹ càng. Khu rừng cấm được dọn dẹp sạch sẽ, lập bàn thờ dán giấy đỏ… Lễ vật cúng rừng gồm: Rượu nếp cẩm, thịt gà, thịt lợn, vàng, hương... Bàn thờ bày lễ vật kết cấu hai tầng: Lễ vật để mâm trên có một gà trống lông đỏ mào lá, một lợn đực đen tuyền, bảy chén rượu, một bát nước trắng, một đĩa muối trắng, bảy bát cơm, bảy xâu thịt và có một bát thịt tổng hợp - đó là bát bảo hộ đất nước, bảy ngựa giấy đen, một ô làm bằng giấy đen che bình hương được bện bằng cây cỏ và thắp bẩy nén hương. Lễ vật mâm dưới gồm có một gà trống, một miếng thịt lợn, năm xiên thịt, năm chén rượu, năm bát cơm, năm ngựa giấy màu và một bát ăn chay. Sau khi chuẩn bị lễ vật chu đáo, trưởng thôn, bản thay nhau hành lễ, quỳ lạy hai lần 4 phương, mỗi lần 3 lạy - cầu mong mưa thuận, gió hoà, nguồn nước dồi dào, bình yên vô sự. Tiếp đó mọi người giết lợn, gà làm lễ cúng. Khi hành lễ xong mọi người mới được ra dự hội và sinh hoạt ẩm thực tại chỗ trong không khí đầm ấm của cộng đồng.
Hội cúng rừng vào ngày mồng 2 tháng Bảy âm lịch cũng được tổ chức tại khu rừng cấm ở cánh đồng hay ở gò bãi. Thần khu rừng này chỉ có nhiệm vụ bảo vệ cây trồng ở ruộng đồng, gò bãi. Điểm tiến hành nghi lễ có bàn thờ, lễ vật cũng như ngày cúng 30 tháng Giêng, ngoài ra còn có một con vịt. Mọi quy trình hành lễ theo như trước. Những người đi dự hội cúng rừng đều phải đội mũ, chân đi giày hoặc dép, không được ăn ớt, cơm cháy. Nếu ai không tuân thủ những quy định chung của cộng đồng thì mùa màng thất bát, đói kém.
Lương Phong là một làng cổ thuộc huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang. Dân cư ở đây làm nghề ruộng trồng lúa nước là chính. Sau một năm làm ăn vất vả, sau những ngày vui Tết đón xuân, người dân Lương Phong lại tổ chức hội lệ vào ngày mồng 9 tháng Giêng âm lịch. Hội Lương Phong tổ chức rất to ở đình Câu, chùa Khánh, các nghè, lăng họ Trần và đền Giếng Thuỷ Thần. Đó là một không gian hội khá rộng, trải khắp địa bàn xã Lương Phong cũ, nhưng khu vực chính vẫn là đình Câu.
Đình Câu là ngôi đình có quy mô lớn, nằm ở trên đỉnh đồi Đình, giữa làng Chớp. Ngôi đình này được xây dựng lớn vào thời Lê Trung Hưng ( thế kỷ XIII ) do sự hưng công của gia đình viên quan thời Lê, tước quận công Trần Đình Ngọc cùng với sự công đức của bà con làng xã. Trong đình thờ các vị thành hoàng của làng.
Chuẩn bị vào hội , dân xã cho người của hai giáp Đông - Đoài dọn dẹp bãi hội, định chỗ đả cầu, bốc cầu, làm sới vật, cắm cờ dựng phướn….Cai đám và các vị Câu đương được bầu ra lo việc cho dân. Các vị này trong ngày mồng 6 tháng Giêng phải đem lễ vật xôi, gà ra đình tế lễ rồi rước cầu lớn, cầu bé đặt thờ dưới nồi hương ở đình để chuẩn bị vào hội.
Hội đình Câu được mọi nơi biết đến bởi trong ngày hội có tổ chức rước sách và bốc cầu, đả cầu, cũng vì thế mà người ta gọi hội này là hội đả cầu.
Vào ngày mồng tám tháng giêng, dân cho đóng kiệu ở đình rồi tổ chức các tổ vào hội.
Sáng ngày mồng chín, dân làng tổ chức rước sắc từ nghè lên đình. ở Lương Phong xưa có lệ: Mỗi năm giáo sắc cho từng thôn, từng xóm lưu giữ ở nghè thôn, mỗi thôn giữ một năm: khi thôn đương cai tổ chức rước sắc lên đình thì các thôn khác đều tham gia. Sau đó dân làng lại về nhà thờ họ Trần ở thôn Chấp rước nồi hương thờ Trần quận công lên đình thờ. lễ rước này cũng có kiệu và đồ nghi trượng long trọng như rước sắc. nồi hương này đặt ở bên phải đình, sau đó dân thôn tổ chức tế lễ, chèo hát nghiêm trang, vui vẻ. Trong ngày này họ Trần cũng cử người đại diện lên đình cùng với cụ từ và ban tổ chức trông nom việc đèn hương tế lễ. Những thành viên khác trong gia tộc cũng tham gia như những người trong làng xã. Sáng hôm sau, mồng 10 tháng giêng dân làng tổ chức bốc cầu.
Cầu bốc là loại cầu nhỏ, bằng gỗ, có đường kính khoảng 40 cm khi chơi cầu chia làm hai phe: Phe bên Đông và phe bên Đoài. Cai đám bưng cầu ra giữa sân để gieo cầu, trước khi gieo cầu ông nói vài câu mong mùa màng tươi tốt. Quả cầu gieo xuống khỏi tay cai đám thì hai bên xông vào tranh cầu đem cầu bỏ vào lỗ cầu bên kia, nếu bỏ được thì thắng. Chơi bốc cầu chỉ dùng tay tranh cầu chứ không có dụng cụ.
Đả cầu cũng gọi là cầu phết, hay đánh phết. Cầu phết to hơn cầu bốc, cầu cũng đẽo bằng gỗ, tròn có đường kính khoảng 60 cm. khi ông đám gieo cầu, chia bên mỗi người có một cái phết bằng tre để đá cầu. Phết cầu là dùng chiếc cù nèo khèo cầu. Đầu cù nèo là đoạn củ tre cong để đẩy, khèo cầu về hết sân đối phương, nếu đẩy được là thắng.
Chỉ huy cuộc chơi, mỗi bên có ba người, một người cầm cờ sai là chỉ huy chính, một người cầm cồng và một người cầm lệnh; hai người cầm cồng, cầm lệnh đứng bên ngoài gõ động viên, thôi thúc cuộc chơi.
Sau cuộc đả cầu thì hội vật bắt đầu. Sới vật mở ra có giải, ai tham gia đều được cả. Luật chơi ở đây là qua vật lèo rồi sẽ vào vật giải. Đô nào “ túc ki địa” hoặc “ lấm lưng trắng bụng” là thua.
Xong hội vật lại tế lễ, rồi hạ lễ để kết thúc hội lệ. Bánh dày của 8 giáp được hạ xuống để thi, lấy giải. Cỗ nào nhất thì dân xã mang biếu nhà thờ họ Trần. Cụ nào cao tuổi nhất làng được biếu một miếng bánh dầy. Các cụ khác cùng tham gia thì ngả cỗ ra ăn và chia phần cho con cháu. Cỗ bánh dày to nhất đoạt giải nhất làng thưởng bằng trầu cau.
Cỗ dân mang về nhà thờ họ Trần thì họ chia cho con cháu trong gia tộc. Phần còn lại thì nhà ông trưởng họ được hưởng cả.
Xã Lương Phong ngày nay bao gồm ba xã cũ là xã Sơn Quả, Thiện Mĩ và Lương Phong. Tuy hợp ba xã cũ thành một xã mới nhưng các nơi cứ gọi chung cho cả ba xã là vùng Gió- Lương Phong. Đó cũng là vùng đất đẹp và có những phong tục đẹp.
Làng Liên Xương thuộc xã Xương Lâm, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Trước kia Liên Xương là một xã của tổng Phi Mô, huyện Bảo Lộc, phủ Lạng Giang. Mỗi năm ở Liên Xương duy trì khá nhiều tiết lệ, trong đó ngày 6, 7,8 tháng giêng là ngày hội lệ to nhất của làng.
Để thực hiện các tiết lệ trên, làng định ra ban tế và các chân cai đám, hoá xí…ở Liên Xương, những ai đến tuổi thì vào làm cai đám. Tuỳ theo từng xóm, từng giáp mà định. Xóm nào, giáp nào đông thì những người 30 – 40 tuổi mới được làm. Xóm nào, giáp nào ít người thì có khi 20 tuổi đã dến lượt. Mỗi năm làng cử ra 3 cai đám, 3 hoá xỉ để lo việc làng. Ai làm cai đám phải nuôi lợn cỗ ba năm liền, nhưng không phải khao làng.
Tế lễ xong, ba ông cai đám làm lễ tế cầu ở đình, rồi cả ba ông bưng quả cầu gỗ đường kính 50cm dán kín giấy đỏ ra bệ làm lễ gieo cầu rồi bưng cầu ra sân. Sân cầu ở đình có vẽ vòng bằng vôi. Cuộc đánh cầu ở Liên Xương chơi theo hai cách gọi là tung cầu và cướp cầu.
Đầu tiên là tung cầu. Cai đám sau khi làm lễ cùng nhau bê quả cầu rồi hô các trai đinh hàng giáp vào sân. Quả cầu được tung lên trong tiếng hò reo của dân làng. Ba ông cai đám cầm mỗi người một nắm tiền xèng tung vào trong sân. Các giai đinh chen nhau tìm nhặt đồng tiền ấy gọi là lấy phước, lấy lộc. Trong cuộc tung cầu này, quả cầu lăn đâu thì lăn, chưa ai tranh cả.
Tiếp theo, đến mục cướp cầu. Ba ông cai đám lại bưng quả cầu cùng nhau tung vào sân. Lần này các giai đinh xô vào tranh cướp lôi quả cầu ra khỏi sân. Phe nào lôi ra khỏi sân là phe ấy thắng, coi như năm ấy làm ăn được.
Hội kéo chữ cũng được tổ chức ở đình. Chữ được kéo là: “ Thiên, Hạ, Thái, Bình ”. Muốn xếp được chữ này, người tham gia phải tập từ trước. Cứ theo hiệu lệnh trống mà tiến theo đường nét quy định, nhịp nhàng cho chữ hiện lên. Khi chữ lên rồi thì ngồi cả xuống cho các quan viên nhìn rõ chấm điểm.
Hội xuân Liên Xương cũng được tổ chức cờ người. Quân cờ toàn là các cô gái trẻ, mặc áo mớ ba mớ bảy, đeo thẻ quân cờ. Tướng ông, tướng bà ăn mặc như tướng quân tam cúc. Tuy là đánh cờ người, nhưng thực ra để biểu diễn. Người chơi cờ chỉ thực hiện một số nước là xong.
Hội Liên Xương ngày nay vẫn duy trì nhưng phạm vi thu hẹp lại. Các nghi thức, lễ nghĩa, cỗ bàn có giảm tiện hơn và thay vào đó là một số môn thể thao mới như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông….
Đây cũng là một lễ hội có sắc thái riêng ở Lạng Giang.
Làng Đại Phú là tên gọi chung cho hai thôn: Đại Phú 1 và Đại Phú 2 thuộc xã Phi Mô, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Hàng năm, vào ngày 16 tháng giêng thì làng Đại Phú mở hội – hội này là hội chính trong năm. Trong ngày hội làng tổ chức rước kiệu vào nhà sắc ở giữa làng để nghênh sắc ra đình thờ mấy hôm hội. Sau đó lại tổ chức rước ở đền Giếng tế lễ và rước nước ở đền Giếng về đình.
Đình Đại Phú là nơi thờ vị thành hoàng Cao Sơn – Quý Minh và Minh Giang đô thống. Tương truyền trong khu vực làng xưa có các địa danh: Non Lẫm, Non Cầu, Non Hương là các địa danh gắn với nhân vật Cao Sơn – Quý Minh. Bởi thế cũng có những năm được mùa làng rước kiệu đi khắp địa vực để tưởng niệm, ghi nhớ chiến công đánh giặc của nhà thánh năm xưa. Theo các cụ thì Non Lẫm là kho lương thực của Cao Sơn – Quý Minh. Non Cẩu là trại chó của 2 ngài. Non Hương là đại bản doanh của các vị và cũng là nơi các ngài hoá về trời ngày 12 tháng 8 âm lịch. Còn ngày 12 tháng giêng là ngày sinh của 2 ngài. Sau khi các vị về trời, dân lập miếu thờ và được triều đình cho phép. Từ đó hai ngày ấy trở thành ngày sự lệ của làng. Dân làng Phú Xuyên xưa ( nay là Đại Phú ) cứ đến 12 tháng 8 và 12 tháng giêng thì mở cửu đình và đền Giếng. Tổ chức đại lễ hay lễ hội vào ngày 16 tháng Giêng. Rước kiệu thành hoàng ra đền Giếng, nhà sắc, hoặc cúng có năm rước lên tận Vôi, xuống tận Phố Giỏ rồi lại quay về đình, gọi là tuần du địa vực. Ngày nay trên chùa Trúc Sơn cũng mở cửa đón khách thập phương, thập hương lễ phật đầu xuân – Cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, con cháu thảo hiền, gia đình mạnh khoẻ, hạnh phúc.
Ngoài việc tế lễ, rước sách, còn các trò vui như vật chọi gà, kéo co, diễn tích nhà phật, hát tuồng, chèo và hát mừng nhà thánh.
Hội Đại Phú ngày nay không còn tổ chức rước sách nhưng các trò vui vẫn còn, lại bổ xung thêm một số trò mới. Đó là sự hài hoà về nếp sống văn hoá mới với yếu tố văn hoá cổ truyền khiến cho lễ hội Đại Phú càng thêm sức sống.
Hàng năm vào dịp rằm tháng Ba âm lịch, ngày Đại kỳ phước, đền Dĩnh Kế là nơi trung tâm diễn ra lễ hội của nhân dân các thôn trong xã.
Người ta tổ chức rước long ngai, bài vị của Đức thánh Cả về Nghè Cả; tổ chức hành lễ biểu hiện lòng sùng bái của muôn dân trăm họ đối với Đức Thánh, sau đó tổ chức trò vui, biểu diễn văn nghệ. Đặc biệt ở hội Kế còn tổ chức trò chơi cờ người và kéo chữ. Trai gái trong làng được chọn vào làm quân cờ hoặc kéo chữ phải tập trước hàng tháng.
Ba ngày trước khi hội mở, họ tập trung nhau lại để tổng duyệt. Người kéo chữ trước đây mặc quần áo đẹp, đầu đội khăn xếp, nón chóp dứa, đi giầy chín long, thắt lưng nhiễu điều, vác cờ ngũ sắc đi theo hiệu trống của ông tổng cờ cho đến khi thành chữ: " Thiên hạ thái bình - Trình quan đại hội ".
Trước đây, vào dịp 20 tháng Bảy, ở Dĩnh Kế còn diễn ra lễ “thượng điền " của nhân dân toàn xã. Vào ngày này, các giáp mang lễ vật về tế ở đình làng, xã thể hiện lòng sùng bái trời đất, thánh thần đã phù giúp cho mùa màng tốt tươi, dân an vật thịnh.
Không chỉ thờ Phật, ngưỡng vọng các bậc hiền tài khoa bảng, người Dĩnh Kế còn thờ bà " Chúa chợ " - bà Nguyễn Thị Chuyên đã có công mở mang chợ Kế thành trung tâm buôn bán sầm uất vào các dịp tuần rằm hàng tháng.
Vào những dịp lễ hội, có đến Dĩnh Kế chúng ta mới thấy hết được những sáng tạo tuyệt vời của người dân lao động vùng này. Đặc biệt với cụm di tích lịch sử văn hoá đã được Nhà nước xếp hạng: đền Dĩnh Kế, chùa Đống Nghiêm. Lễ hội ở đây ngày càng đông hơn, vui hơn với nhiều nội dung độc đáo mà hấp dẫn:
" Đồn rằng hội Kế tháng Ba
Không đi xem hội cũng già mất thân "
Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm cũng là Hội chùa La được tổ chức vào ngày 14 tháng 2 âm lịch hàng năm, tại thôn Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng.
Ngày này các sư gọi là ngày giỗ tổ nên cũng gọi là hội giỗ tổ chùa La. Chùa Vĩnh Nghiêm là ngôi chùa cổ nổi tiếng có từ thời Lý, Trần (thế kỷ XII - XIII) thuộc dòng Thiền phái Trúc Lâm. Chùa này nằm ở chỗ hợp lưu của sông Lục Nam và sông Thương. Khu vực này năm xưa còn gọi là khu vực ngã ba Phượng Nhãn. Chùa nhìn ra ngã ba sông và nhìn về phía Lục Đầu Giang - Kiếp Bạc. Phía sau chùa là thôn Đức La xa hơn nữa là vùng Cẩm Lý cửa ngõ ra vào vùng núi Yên Tử. Bao quanh chùa có một số núi lớn tiêu biểu là núi Cô Tiên. Ra vào chùa có thể đi theo sông Thương, sông Lục Nam và con đường quốc lộ 31 đi Trí Yên (Yên Dũng). Do thuận tiện giao thông như vậy nên khách thập phương đến hội không có trở ngại.
Trong ngày hội (14/2), các tăng ni ở chùa thắp hương tụng kinh, niệm phật ở tam bảo, nhà tổ đệ nhất và nhà tổ đệ nhị. đồng thời cũng thỉnh chuông hoăng dương phật pháp vào lúc sớm, tối trong ngày.
Từ ngày 13 trở đi, khách thập phương từng đoàn từ 5, 10 đến 20, 30 người lũ lượt kéo về chùa. Khách đến chùa trẩy hội hầu hết là các già, các vãi và thanh thiếu niên nam nữ. Hàng quán được mở tạm dọc theo đường từ tam quan vào đến nhà tiền đường. Trong khu vực nội tự, không có hàng quán nhưng đông các đoàn dâng hương hành lễ. Xen lẫn trong đó các đội văn nghệ của làng biểu diễn tích chùa.
Tổ Chúc Lâm ở Chùa Vĩnh Nghiêm là ba vị :
- Giác Hoàng Điều Ngự Trần Nhân Tông
- Thiền Sư Pháp Loa
- Thiền sư Huyền Quang
Về ba vị tổ này, trong một số tấm bia cũ, ở đoạn nói về thời Lý đã ghi : Vua Lý Thái Tổ mở ra chùa chiền . Tăng đồ thịnh hành là thời kỳ đạo phật đại hát đạt. Song không có bia để lại . Chỉ được nghe đại lược như vậy.Ở đời Trần , thì xem trong truyện ký có vua Trần Nhân Tông , cũng là con trưởng vua Thánh Tông lên năm Mậu Dần , đổi niên hiệu là là Thiên Bảo ( 1279- 1284). Ngài là người nhân từ có trí thao lược ,xứng đáng đứng đầu thời nhà Trần , nhưng lúc muộn việc nhàn rỗi , phái mời thiền khách đế giảng giải nghiên cứu tâm tông , tham khảo Tuệ trung thượng sỹ, đi sâu vào thiền cốt . Sau nhường ngôi cho Anh Tông ( theo sử ký : ở ngôi 5 năm , xuất gia 8 năm ).
Năm Kỷ Hợi , Hưng Long thứ 7 (1299) ngài đi đường tắt vào núi Yên Tử , sửa lại Đầu Đà Hạnh , tự hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà tinh xã. Mở khoá giảng về Phật pháp tăng nữ đến học đông đúc. Năm Giáp Thìn , Hưng Long thứ 12 (1304), ngài đi chu du khắp các đạo , tìm người kế thừa đạo pháp. Khi đi qua sông Nam Sách , thấy đứa con ông thần dân nặc danh là Kiên Cương, ngài lấy làm lạ nói: ”Chú bé này có đạo nhân’, bèn ban cho tên Thiện Lai, đưa về am Kỳ Lân, cắt tóc, cho thụ giáo tâm thiên, học kinh hiểu rộng được ban tên hiệu là Pháp Loa. Ngày 11 tháng giêng năm thứ 16 Điều ngự đăng đoàn thuyết pháp ở chùa Bảo Ân chuyện Siêu Loại. Giảng xong bèn đi xuống dắt Pháp Loa lên toà, thay sư vái đáp lễ, xin trao cho y bát, khoác áo rồi Điều Ngực trao cho sư tiếp nối trụ trì chùa Siêu Loại - Sơn môn Yên Tử thành đời thứ 2 của phái Trúc Lâm. Vua Trần Anh Tông nhiều lần gửi tờ điệp cho sư. Sư thường tuý tăng không câu lệ luật thường.
Tháng tư Điều Ngự đến chùa Vĩnh Nghiêm ở Lạng Giang làm lễ kiết hạ, lệnh cho Pháp Loa trụ trì.
Điều Ngự giảng truyền Đăng Lục, lệnh cho quốc sư (Pháp Loa) giảng Pháp Hoa kinh cho chúng tăng. Hết khoá hạ thì xong. Điều Ngự vào núi Yên Tử đến nằm ở Am Ngoạ Vân - ngày 1-11 bổng dưng ngài hoá. Anh Tông Hoàng đế kính dâg tên hiệu: Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tĩnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Phật tổ.
Năm thứ 21, Quý Sửu (1313) Pháp Loa phụng chiếu đến chùa Vĩnh Nghiêm, định chức tăng trong thiên hạ và đặt nơi dựng ở chùa một năm. Sau cứ ba năm một lần làm như vậy, nên tăng ni giáo xuống vài ngàn.
Ngày 13 - 2 năm Canh Ngọ, niên hiệu Khai Hựu thứ 2 (1330) Pháp Loa về viện Quỳnh Lâm, bèn đem những điều mà Điều Ngự đã truyền trước đây là giá trạng và tả tâm kệ truyền cho sư Huyền Quang dạy rằng phải gìn giữ lấy. đến ngày 3-3 Pháp Loa cầm bút viết kệ xong, không bệnh qua đời . Thái thượng Hoàng gia phong hiệu cho sư là Tịnh trí tôn giả, gọi là pháp viên thông.
Theo Huyền Quang tam tổ thực lục : thuỷ tổ Huyền Quang ở hương Vạn Tải, Vũ Ninh , Bắc Giang là Ly Ân Hoà , Làm quan cho triều Lý Thần Tông . Đến tổ đời thứ sáu là Quang Dụ làm chuyển vận. sứ ở triều trần . Quang Dụ sinh được bốn người con trai ; con út là Tuệ Tổ , Tức bố đẻ của ngài . Mẹ ngài mang thai 10 tháng , đẻ ra đã đĩnh dị , đặt tên là Đạo Tái; 9 tuổi đã giỏi văn chương. 21 tuổi đỗ đầu khoa thi đại tỉ, được tiếp Bắc Sư . Văn chương ngôn ngữ hơn hẳn thượng quốc . Khi ấy có theo vua đến chùa Vĩnh Nghiêm ở Phượng Nhỡn thấy quốc sư Pháp Loa hành pháp , lập tức giác ngộ tiền duyên ngài cảm khái nói rằng : “Phú quý vinh hoa rồi cũng hết như lá vàng mùa thu , mây trắng mùa hạ , làm sao mà giữ mãi được ?” Nhân đó , ngài nhiều lần dâng biểu từ chức xuất gia, đến thụ giáo Pháp Loa thiền sư, lấy pháp hiệu Huyền Quang đi tìm danh lam trong nước, chăm pháp hương ở Pháp toà, giảng kinh truyền thụ cho môn đệ. Sau ngài đến Côn Sơn và mất ngày 23 tháng giêng năm Giáp Ngọ. Minh Tôn hoàng đế họ tên thuỵ là: Trúc lân thiền sư đệ tam đại. Đặc biệt phong tư pháp Huyền Quang tôn giả.
Chùa Vĩnh Nghiêm hiện có các toàn chính là: Toà Thiên đường, toà thượng điện nhà tổ đệ nhất gác chuông, nhà tổ đệ nhị và một số công trìn khác. Chùa có quy mô lớn. Trong ngày hội, mội người đều được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của công trình kiến trúc này và thắp hương niệm phập ở các toà và tưởng niệm 3 vị sư tổ của thiền phái Trúc Lâm ở toà tổ đệ nhất.
Trong toà tổ đệ nhất hiện nay có một tượng hậu đặt ở phía ngoài, 2 gian bên. Ba tổ Trúc Lâm đặt ở hậu cung thẳng trục gian giữa vào sân bên trong. Mỗi người đến hội, tuy chỉ một nén hương ở chốn này mà kỳ thực như đã tưởng nhớ tới các vị thiền sư có công khai sáng thiền đạo nơi đây.
Lễ hội Đền Từ Hả được tổ chức từ ngày 6 đến 8 tháng Giêng âm lịch, tại xã Hồng Giang huyện Lục Ngạn, nơi thờ thượng tướng quân Thân Cảnh Phúc, người có công trong cuộc chống quân Tống xâm lược thế kỷ thứ XI (1075-1077).
Tương truyền cách đây hàng nghìn năm, vào đời nhà Lý (thế kỷ X - XI), tại xã Hả Hộ thuộc Động Giáp, là Châu Lạng của nước Đại Việt, đây là một động lớn của vùng Bắc Giang, dòng họ Giáp sống ở động này đã từng nổi tiếng trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Các tù trưởng, tộc trưởng vùng này đều thuộc dòng họ Giáp được kế tiếp nhau qua nhiều thế kỷ. Vào thời Lý họ Giáp ba đời có người làm phò mã cho nhà Lý, như: thời Lý Thái Tổ có Giáp Thừa Quý; thời Lý Thái Tông, Thân Thiệu Thái (1029) lấy công chúa Bình Dương; Thời Lý Nhân Tông Thân Cảnh Phúc (1066) lấy công chúa Thiên Thành, các phò mã họ Giáp giỏi đánh giặc đã được nhân dân tôn sùng và lịch sử đã ghi là những “Thiên Thần Động Giáp”. Hội Từ Hả là lễ hội thờ tướng quân Vũ Thành (Thân Cảnh Phúc) phò mã nhà Lý (1066) đã có công chống giặc ngoại xâm phương Bắc.
Để ghi nhớ đến công lao to lớn của người, hàng năm nhân dân trong vùng mở hội từ mồng 6 đến mồng 8 tháng giêng, trong đó có rước hội, cuộc rước là diễn lại sự tích đi đánh giặc của Người.
Theo lệ xưa, tổ chức lễ hội đền Hả được chia cho 4 giáp: Kép, Trong, Hăng và Nguộm. Mỗi năm, 4 giáp chọn ra một giáp đăng cai, 4 giáp chọn ra một ban khánh tiết. Ban khánh tiết gồm: hội chủ; thầy cả; đương cai; thư văn; bồi tế; chắp hiện; hỏa khí; đạo tràng; các bậc trưởng lão; thủ từ; và 4 nhà chức trách của làng.
Ban khánh tiết có trách nhiệm tổ chức lễ hội theo nghi lễ và nghi thức của nhà thánh đã truyền lại từ xưa đến nay. Hội được tổ chức vào 3 ngày, mồng 7, mồng 8 và mồng 9 tháng Giêng hàng năm. Ngày mồng 8 là ngày chính hội. Trong cả 3 ngày đều có tổ chức tế, lễ tại đền và chùa. Riêng ngày mồng 8 được tổ chức tại Bãi Dược, vừa tế lễ, vừa diễn ra các trò vui.
Cuộc rước và tế ở Bãi Dược được tiến hành từ giỡ Mão đến giờ Ngọ của ngày mồng 8 tháng giêng. Đây là một màn diễn lại tích đức thánh Vũ Thành cầm quân đi đánh giặc giữ nước. Tích diễn này chính là nét độc đáo nhất và tiêu biểu nhất của lễ hội Từ Hả.
Nghi thức và nghi lễ ngày mồng 8 tháng Giêng được bắt đầu bằng nghi lễ giao tín
Lễ giao tín được tế vào giờ Mão (6 -7 giờ sáng) do các quan viên đảm nhận. Đây là lễ dâng cỗ chay trình nhà Thánh, và mời thánh cầm quân ra trận. Các nghi lễ được tổ chức trang nghiêm, tôn kính. Cỗ chay của các giáp được đưa lên bàn thờ của thánh để cúng gồm: bánh dày, bánh ít, bánh mật, bánh đậu nhừ, bánh bìa, giang, bánh chay, chè lam, chè mật, bánh mã, xôi, cơm, cam sành, trầu cau. Sau khi làm lễ các đồ rước như kiệu, hương án, bát bửu, binh khí, cờ quạt, ngựa hồng, ngựa bạch… được sắp xếp chỉnh tề, đầy đủ ở sân đền để chuẩn bị rước.
Đúng giờ Tỵ có lệnh cho đoàn rước khởi giá. Đoàn rước tượng trưng cho đoàn quân lên đường đi đánh trận. Vì thế, đoàn rước phải đi rất trật tự âm thầm, cờ sai, quân rẹp đường chỉ lấy hiệu lệnh chuyền nhau 27 lá cờ ngũ hành được quấn lại vào cột cờ, trống, chiêng phải thu hết dùi không được đánh. Kỳ lân, sư tử cũng im lìm bước, ngựa đóng yên cương cũng từ từ bước. Hộ vệ vác đao, bát bửu nghiêm trang, đi đều không được nói. Kiệu ông, kiệu bà chậm rãi rước theo đoàn quân. Đoàn rước cứ im lặng thế đi qua miếu Bà Lão Hậu ở dưới gốc đa rồi qua bãi trống, bãi chiêng, bãi lá cờ… rồi tiến quân vào chân đồi bãi Dược dừng lại. Đây là nơi ém quân chờ thời cơ xung trận.
Sau lễ vật thờ các cuộc tế lần lượt diễn ra. Lễ vật dâng lên thánh ở bãi Dược cũng được chuẩn bị chu đáo, đúng nghi thức và đẹp mắt. Sau tế lễ mừng công thì tiếp đến là lễ đảo cờ lần một và lần hai. Lễ đảo cờ đặc trưng cho 2 lần đi đánh giặc của tướng quân Vũ Thành.
27 lá cờ được chia thành hai hàng ở trước kiệu thánh, 13 lá một hàng, còn 1 lá cắm riêng một chỗ. Các trai đinh của giáp đăng cai ở đúng vị trí và sẵn sàng chờ lệnh đảo cờ. Khi lệnh phát, 13 lá cờ bên tả chạy sang chỗ của 13 lá cờ bên hữu và ngược lại. Thời gian đảo cờ rất nhanh, cự ly chạy bên này sang bên kia là 100m, nên các trai đinh phải vận động nhanh nhẹn. Đảo cờ là biểu diễn của một trận đánh. Lễ đảo cờ lần hai được diễn ra vào lúc 13 giờ và cũng tiến trình như vậy, chỉ khác sau lần đảo cờ thứ hai thì rước thánh hồi cung. Việc đảo cờ lần hai được truyền lại, là đức thánh Vũ Thành đánh quân phương Bắc 9 trận thắng, đến trận thứ 10 thì bị thương, phải chạy về phía sau; vì thế khi thánh hoàn cung qua miếu Lão Hậu bên gốc đa thì phải dừng lại để tưởng nhớ việc tướng quân Vũ Thành khi bị thương có qua đây và hỏi bà già bán nước là “Mất đầu thì sống hay chết”... Sau đó kiệu thánh tiếp tục được hoàn cung.
Tại bãi Dược, sau khi tế lễ xong các trò chơi được tổ chức, như: đu tiên, đá cầu chinh, kéo co, đẩy gậy, vật cổ truyền, võ dân tộc. Ngày nay còn thêm bóng đá, cầu lông và hát múa. Khi thánh đã hồi cung thì dưới bóng cây cổ thụ, 2 thảo xá được dựng lên trước sân để chờ đoàn rước vào lễ hỏa xá và lễ mộc dục. Lễ thảo xá là nghi thức hóa sinh cho nhà thánh về cõi vĩnh hằng. Nơi đây chính là nơi con ngựa bạch đưa tướng quân Vũ Thành về hóa tại đó. Để tượng trưng cho sự hóa sinh ấy người ta đã chặt cây gác vào nhau (gọi là thảo xá) đến giờ dậu thì thảo xá được đốt đi và tiễn thánh về với cõi hư vô.
Anh lính của đức thánh được nhân dân tổ chức lễ mộc dục (tắm gội), tẩy hết bụi trần để siêu thoát về nơi tịnh độ. Lễ này được tổ chức ở ao mộc dục và đài mộc dục. Ao mộc dục được tượng trưng là bãi đất bằng có cỏ mọc, đài mộc dục là gò đất trước cổng, xây gạch vuông vắn. Nghi lễ mộc dục được diễn ra ở đây vào tối mồng 8 tháng Giêng, sau lễ hóa thảo xá. Tối mồng 9 tháng Giêng còn tổ chức lễ cầu siêu ở chùa Từ Hả (còn gọi là chùa Thiên Đài) để mãi mãi sinh linh của đức thánh Vũ Thành phù hộ độ trì cho con cháu làm ăn thịnh vượng
Lễ hội Từ Hả diễn rã nhằm ôn lại quá khứ hào hùng của cha ông ta và tinh thần đoàn kết đáu tranh của dân tộc. Đây là một lễ hội lớn của nhân dân trong vùng nói riêng và huyện Lục Ngạn nói chung, lễ hội đã lôi kéo thu hút đông đảo quần chúng nhân dân và du khách thập phương về chảy hội.
Lễ hội cầu nước làng Vân diễn ra vào tháng 4 âm lịch hàng năm, tại làng Vân, xã Vân Hà, Việt Yên. Lễ hội là nét đặc trưng của văn hóa lúa nước, thể hiện niềm khao khát của cư dân nông nghiệp cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Tục truyền rằng, khi xưa có hai anh em Trương Hống, Trương Hát đi theo Triệu Quang Phục đánh giặc, khi đánh thắng quân Lương trở về đầm Dạ Trạch thì bị bọn quỷ đen ở đầm quấy phá. Hai bên xung trận, bọn quỷ ra điều kiện, nếu thắng, chúng phải được thưởng lớn; còn nếu thua, chúng sẽ quy phục theo hầu nhà thánh.
Cuối cùng bọn quỷ đen thua trận, phải quy phục đức thánh Tam Giang ở đây. Chính vì vậy, dân làng Vân mở hội vật cầu (còn gọi là hội Khánh Hạ) vào ngày hóa của đức thánh, là với ý nghĩa hội mừng chiến thắng.
Theo các người cao tuổi ở làng cho biết, trước kia đây là vùng đất trũng hay bị lụt lội cho nên những năm sau này, để tránh lụt lội, hội vật cầu được tổ chức trong ba ngày là 12, 13, 14 tháng 4 âm lịch hằng năm. Quả cầu ở đây tượng trưng cho mặt trời. Nó được mang, được vác, được tung từ Đông sang Tây theo hướng mặt trời mọc và lặn. Cướp được cầu cũng có nghĩa là cướp được mặt trời, cướp ánh nắng cho lúa khoai.
Trước khi hội mở 2 ngày, các cụ trong ban khánh tiết ra mở cửa đền để dọn dẹp, vệ sinh, lau chùi các đồ thờ phụng sau đó làm lễ tắm rửa cho nhà thánh bằng rượu gừng. Tiếp đó, chủ tế làm lễ phong áo tức là mặc áo vóc đại hồng cho nhà thánh rồi làm lễ an vị và kéo cờ hội. Bên ngoài đền, ban khánh tiết phân công người tổng vệ sinh trong khu vực hội.
Đặc biệt sân cầu phải được xới xáo cẩn thận, dọn dẹp sạch sẽ. Làng lại cử ra hai cô gái trẻ đẹp nết na, chưa có chồng, mặc trang phục truyền thống của phụ nữ vùng Kinh Bắc, gánh nước từ sông Cầu đổ vào sân cầu. Đồ gánh phải là đòn gánh cong, quang song và gánh bằng hai chĩnh gốm Thổ Hà.
Việc tuyển chọn quân cầu được đặt ra rất khắt khe. Tổng số quân cầu được chọn là 16 người, đều phải là trai chưa vợ, khỏe mạnh, không có tang bụi, không có bệnh tật, dị tật, không có can phạm, can án. Tất cả quân cầu đều được huấn luyện 3 buổi chiều trước khi hội mở. Quân cầu cởi trần đóng khố, ngoài khoác áo dài the xếp thành bốn hàng dọc đứng trước sân quay mặt vào đền lễ thánh.
Lễ thánh xong, quân cầu được lên sân đền Chính để uống rượu trận. Họ ngồi xếp bằng trong 4 hàng, hai bên quay mặt vào nhau, cỗ trận để ở giữa. Cỗ trận là các loại hoa quả như dưa hấu, vải thiều và rượu đựng trong 4 mâm, mỗi mâm 4 bát, 4 đĩa. Tất cả đều dùng que tre vót nhọn để ăn. Vừa ăn, họ vừa cười nói vui vẻ.
Sau khi ăn cỗ trận hội trai cầu được xếp thành 4 hàng ở trong sân cầu. Trống nổi lên, các trai cầu vào trận. Từ 20 quân cầu, vào trận mỗi bên chọn 8 người, còn lại là quân dự bị thay thế cho những trai cầu đuối sức. Lễ thánh, trai cầu làm các động tác hai tay đan vào nhau đặt trước bụng, giơ ngang tầm mắt, hai tay đan vào nhau đặt trước trán, cúi sát đất, quỳ gối, phủ phục 5 lần. Chuyển thành vòng tròn, các trai cầu tay trái giữ bụng, tay phải giơ cao đi vòng quanh sân cầu 5 lần vừa đi vừa hô vang phô trương thanh thế. Từ vòng tròn, quân cầu lại chia thành hai hàng và từ đây mỗi đội chọn 3 trai cầu làm lễ vật thờ trình thánh. Sau lễ vật thờ, giáp đương cai bê quả cầu làm bằng gỗ mít sơn son, nặng chừng 20kg từ đẳng để trước cửa đền Chính ra giữa sân cầu rộng 14 m, dài 18m được đổ bùn, nước vừa phải do 4 cô gái gánh nước từ sông Cầu đổ vào. Hai đầu sân có hai lỗ tròn đường kính 60cm, sâu chừng 1 mét để hai bên giao đấu bằng việc đưa quả cầu lọt vào lỗ cầu của đối phương được coi là thắng cuộc.
Sau tiếng chiêng trống nổi lên ba hồi 9 tiếng, hội vật cầu nước chính thức diễn ra. Trống nổi lên, tất cả quân cầu vào trận. Lúc này, quân cầu đang ở tư thế ngồi vòng tròn trong sân cầu, nhận tiếng trống lệnh liền đứng dậy nâng cầu lên trên đầu, vừa reo hò và tranh nhau quả cầu để đặt vào lỗ của bên đối phương. Ba người làm nhiệm vụ luyện cầu cũng đồng thời là những người cầm trịch. Nếu cầu ở giữa sân thì người đánh trống nhẹ nhàng, khoan thai, nhưng khi cầu được đưa đến gần lỗ của đối phương thì trống giục liên hồi để thúc quân. Cầu gần ra ngoài vạch thì đánh trống cắc, lúc ấy, hai bên không tranh nhau cầu nữa.
Luật quy định: dưới đánh lên, trên đánh xuống, đánh trong vòng 2 giờ thì giải lao. Khi nghe tiếng cắc, cắc, cắc…, quân cầu lại bê cầu đặt vào vị trí giữa sân để chờ hiệu lệnh của người cầm trịch điều khiển.
Cứ như vậy, hoạt động cầu nước Vân Hà diễn ra trong 3 ngày cùng tiếng hò reo vang động cả một góc làng. Không chỉ trai cầu bám đầy bùn đất mà mọi người từ già đến trẻ vây quanh sới cầu ai cũng lấm lem bùn đất vì nước bùn bắn lên do trai cầu tranh cầu bắn tung tóe, nhưng ai nấy đều rất vui vẻ.
Kết thúc cuộc chơi, xóm đăng cai rửa sạch cầu rồi làm lễ tạ thánh, lễ vật dùng để tế tạ gồm: trầu, rượu, hoa quả theo lệ làng đặt ra “sáng tế chiêu, chiều tế tịch”. Quân cầu lại xếp thành 4 hàng dọc trước sân cầu để tạ thánh, rồi tất cả ùa ra sông Cầu tắm rửa, kết thúc một ngày trong hội vật cầu nước.
Lễ hội đền Dành được tổ chức trong 2 ngày 19 và 20 tháng Giêng hàng năm, tại xã Việt Lập và Liên Chung, huyện Tân Yên.
Núi Dành hay còn gọi là núi Chung Sơn, là một khối núi lớn ở phía đông huyện Tân Yên. Thế núi uyển chuyển hùng vỹ, đỉnh cao nhất của núi cách mặt nước biển đến hàng trăm mét. Đền Dành toạ lạc trên đỉnh núi Dành, đền có từ thời Lê, trải qua nhiều lần trùng tu xây dựng. Tại đây thờ đức thánh Cao Sơn- Quý Minh, những người có công giúp vua Hùng Vương thứ 18 đánh giặc giữ nước. Nằm trong quần thể di tích, ngoài đền Dành còn có Đình Vường ở thôn Hậu, tên chữ là đình Thịnh Vượng. Đây là ngôi đình đẹp, thế kỷ XVIII và là 1 trong 3 ngôi đình nguyên mẫu của tỉnh ta được được Bộ VH- TT công nhận di tích lịch sử ngày 25.1.1991. Cạnh đó là Chùa Không bụt, tên chữ là Cống phường tự, được công nhận Di tích lịch sử văn hoá năm 2008. Đền Dành trên đỉnh núi có độ cao 117 m, xung quanh đều là thông, bạch đàn xanh tốt, ngay dưới chân núi là giếng nhỏ có tên mũi voi. Tương truyền: Giếng không bao giờ cạn, xung quanh ngọn núi tồn tại nhiều câu chuyện dân gian. Đền Dành xưa là ngôi đền nhỏ cột làm bằng đá vôi tròn, được xây dựng từ thời Lê, thế kỷ 18.
Lễ hội đền Dành là một trong những lễ hội tiêu biểu thể hiện những nét đặc trưng văn hóa truyền thống của Liên Chung. Đền thờ Cao sơn Quí minh thượng đẳng thần và di tích này được công nhận Di tích LSVH.
Lễ hội đền Dành được tổ chức vào ngày 19, 20 tháng giêng hàng năm. So với nhiều đình, đền khác, đền Dành không có gì đặc biệt ở kiến trúc hay quy mô đồ sộ, song hàng năm lượng khách thập phương đến thăm quan vẫn rất đông, nhất là thanh niên nam nữ đến cầu tình duyên. Có lẽ chính bởi phong cảnh núi non kỳ vỹ nên thơ và tương truyền về sự linh thiêng của đền Dành.
Mở đầu lễ hội là lễ tế thần cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, người người khỏe mạnh, gia đình hạnh phúc, thôn xóm thuận hòa bình yên.
Nét đặc sắc của Phần lễ luôn thu hút đông đảo người dân tham dự là màn rước thánh hùng tráng từ đình Vường lên đền Dành và ngược lại.
Trong hai ngày hội diễn ra các trò chơi dân gian đặc sắc như: Vật tự do, thổi cơm thi, kéo co, bóng chuyền, giao lưu văn nghệ… du khách có thể vừa xem hội vừa tham gia các trò chơi.
Lễ hội đền Dành là dịp để nhân dân hướng về cội nguồn, tưởng nhớ tôn vinh các bậc hiền tài, những người có nhiều công lao với cộng đồng. Trảy hội đền Dành là dịp để quý khách gần xa tham quan vãn cảnh đền Dành.
Lễ hội thui trâu, rước cỗ làng Chiền (Bắc Giang) là một lễ hội mang nhiều nét riêng biệt so với nhiều lễ hội khác. Lễ hội được coi là một nét văn hóa khá độc đáo góp phần làm đẹp thêm bức tranh văn hóa làng của quê hương Việt Nam
Làng Chiền xã Nội Hoàng nằm ở vị trí không xa thành phố Bắc Giang, là một trong những làng cổ của huyện Yên Dũng hiện còn bảo lưu được rất nhiều những giá trị lịch sử và những phong tục đẹp từ xa xưa.
Cứ 3 năm một lần, lễ hội làng Chiền lại được tổ chức trong ba ngày 8, 9 và mùng 10 tháng 8 âm lịch quy mô lớn để tưởng nhớ tới các vị Thành Hoàng có công với quê hương, đất nước, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Đặc biệt, lễ hội diễn ra với những tục riêng biệt mà ít nơi có, đó là tục thui trâu tế thần, tục rước cỗ về đình.
Ngay từ sáng sớm hôm khai hội, Ban tổ chức lễ hội của thôn và dân làng đã tập trung đông đủ để làm lễ thui trâu. Theo lệ làng từ xưa quy định, ngày hội làng phải làm lễ thui trâu để tế Thành Hoàng. Chính vì vậy, Trâu được chọn mua làm lễ phải là trâu mộng to, khỏe, béo, người dân nơi đây quan niệm như vậy mới là điều thành kính, tăng thêm phần trang trọng, thiêng liêng và đem lại sự may mắn cho dân làng trong cả năm. Sau nghi lễ tế Thành Hoàng, thịt trâu sẽ được chia đều cho các hộ dân để làm cỗ trong ngày hội lệ.
Bên cạnh tục lệ thui trâu tế thần, phần lễ của hội làng Chiền còn đặc sắc và độc đáo ở tục rước cỗ. Đây cũng là một nét cổ truyền được dân làng Chiền lưu giữ từ lâu. Cỗ được ba thôn Chiền, Si, Giá sửa soạn gồm có xôi, gà, thủ lợn, hoa quả…Đội rước cỗ tập trung tại một địa điểm, sau đó rước về đình lễ thánh. Đi đầu đám rước của mỗi thôn là một gia đình tiêu biểu được làng bầu chọn, suy tôn. Gia đình được chọn để rước cỗ phải là gia đình có vợ chồng song toàn, thọ từ 75 tuổi trở lên, sống hòa thuận, chấp hành tốt chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, hương ước của thôn làng. Đó là một vinh dự của gia đình đồng thời có ý nghĩa giáo dục lớn đối với các tầng lớp nhân dân không ngừng vun đắp hạnh phúc gia đình trọn vẹn.
Bên cạnh phần lễ đặc sắc, hội làng Chiền vẫn còn lưu giữ được nhiều trò chơi dân gian truyền thống như đập niêu, bắt vịt, cờ người, vật… được tổ chức xung quanh khu vực đình trong 3 ngày, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Những năm gần đây, nhiều trò chơi mới với nhiều hình thức và không gian tổ chức phong phú cũng được làng Chiền tổ chức như bóng chuyền hơi, hát quan họ trên thuyền… nhằm làm tăng thêm phần sinh động cho lễ hội.
Chính những nét riêng biệc độc đáo, những truyền thống văn hóa tốt đẹp từ ngàn đời của ông cha còn lưu giữ trong phần lễ hội làng Chiền, được lưu truyền trong mỗi người dân đã góp phần làm đẹp thêm bức tranh văn hóa làng của quê hương Việt Nam.