Nối tiếp lễ hội Cổ Loa diễn ra tại Đông Anh - Hà Nội, lễ hội Đền Cuông được tổ chức long trọng từ ngày 12 đến ngày 16/2 âm lịch, trong đó ngày chính lễ là 14 và 15/2 tại xã Diễn An, huyện Diễn Châu,tỉnh Nghệ An. Theo truyền thuyết,lễ hội đền Cuông (đền Công) không chỉ là dịp cầu phúc cầu tài mà còn là dịp để lòng người ghi dấu đoạn kết của câu chuyện Loa Thành: An Dương Vương đem công chúa Mỵ Châu chạy trốn kẻ thù, tới Diễn Châu thì dừng lại. Lễ hội Đền Cuông chính thức ra đời từ năm 1993, còn trước đó nó chỉ tồn tại dưới hình thức lễ tế thần.
Phần lễ của lễ hội đền Cuông bao gồm năm lễ: lễ khai quang, lễ cáo trung thiên, lễ yết, lễ đại và lễ tạ. Ngoài ra, còn có thêm lễ túc trực. Khi tham gia lễ, các vị trong ban hành lễ sẽ mặc lễ phục theo quy định.
Lễ khai quang là lễ diễn ra đầu tiên trong lễ hội đền Cuông. Lễ được tổ chức vào ngày 12 tháng 2 âm lịch hàng năm. Nội dung của phần lễ là dâng hương xin các vị về trời để nhân dân làm công tác don dẹp đền chuẩn bị cho lễ hội sắp tới.
Lễ cáo trung thiên được tổ chức sau khi kết thúc công việc dọn dẹp. Lễ diễn ra khá đơn giản và nhanh chóng. Nội dung của lễ là báo với các vị công việc dọn dẹp đền đã hoàn thành, mời các vị về đền tham dự lễ hội và lắng nghe những nguyện vọng, mong ước và chứng giám cho lòng thành kính của nhân dân.
Lễ yết là lễ thứ ba trong phần lễ và cũng là lễ có tính chất mở đầu lễ hội đền Cuông. Lễ được diễn ra vào chiều tối ngày 14 tháng 2 âm lịch.Theo đúng thông lệ, lễ phải diễn ra vào tối khuya khoảng 22 giờ trở đi nhưng do yêu cầu hành lễ của bà con nên lễ được tiến hành sớm hơn, vào khoảng 17h chiều ngày 14 tháng 2 âm lịch. Lễ yết gồm 6 bước được tiến hành qua 35 lần xướng trong đó chỉ có một lần xướng ở mỗi bước. Nội dung của lễ yết là xin phép các vị cho mở lễ và mời các ngài về dự lễ.
Lễ rước kiệu bao gồm ba phần: Lễ rước vua và công chúa vi hành, lễ rước kiệu từ nhà thờ họ Cao và đình Xuân Ái về đền Cuông, lễ rước kiệu về nhà thờ họ Cao( nơi thờ tướng quân Cao Lỗ, một vị tướng tài ba trong thời đại An Dương Vương có công chế tạo ra nỏ thần). Lễ rước vua và công chúa vi hành là bước đầu tiên trong quá trình diễn ra lễ rước kiệu. Lễ diễn ra khoảng vào 11 giờ tối ngày 14 tháng 2 âm lịch. Việc đầu tiên trong quá trình diễn ra lễ là phải làm lễ xin vua và công chúa cho phép nhân dân được mang linh vị lên kiệu để đưa về đình Xuân Ái phục vụ cho lễ rước kiệu ngày mai. Sau đó rước vua và công chúa về đình Xuân Ái cách đền khoảng 2km. Tương truyền, đình Xuân Aí được nhân dân xây dựng để tưởng nhớ công ơn của vua An Dương Vương và đình được xây dựng trước đền vì theo quan niệm dân gian đền chỉ là nơi ngài ngự còn đình mới là nơi ngài về với dân. Cũng do quan niệm đó nên khi diễn ra lễ hội phải rước ngài từ đình ra đền để làm lễ, cho nhân dân cầu nguyện.
Lễ rước kiệu từ nhà thờ họ Cao và đình Xuân Ái về đền Cuông bắt đàu từ sáng sớm ngày 15/2. Đi đầu đám rước là cờ lễ của cả đình và nhà thờ, ban âm nhạc, tiếp đến là kiệu của vua, sau đó là kiệu của công chúa Mỵ Châu, và tiếp theo nữa là kiệu của tướng Cao Lỗ. Khi kiệu về đến đền, cửa chính của tam quan sẽ được mở ra để cho đoàn rước kiệu đi vào. Kiệu được đặt ở sân trước bái đường để chuẩn bị làm lễ.
Đại lễ tại đền là lễ chính trong phần lễ của lễ hội đền Cuông, đây là lễ lớn nhất, kéo dài nhất và đông người tham gia nhất. Lễ đại diễn ra vào sáng ngày 15 tháng 2 âm lịch. Buổi lễ là sự phối hợp nhịp nhàng giữa ông đông xướng, tây xướng, những nhạc công, và những người hành lễ. Kết thúc phần hành lễ của ban hành lễ, cũng như trong lễ yết là phần dâng hương. Đầu tiên, đại diện của các ban ngành mỗi người cầm một que hương lên thắp. Sau đó cửa tam quan được mở để cho nhân dân lên dâng hương.Sau khi làm xong lễ, kiệu của vua và công chúa được vào tả vu.
Lễ tất diễn ra vào 16 tháng 2 âm lịch.Lễ tất được tiến hành rất đơn giản. Nội dung của lễ là cảm ơn các vị đã về dự lễ. Sau lễ kết thúc, tất cả lễ vật trên bàn thờ được hạ xuống để mọi người hưởng lộc vua ban. Sau lễ tất, phần lễ của lễ hội coi như kết thúc nhưng phần hội còn kéo dài cho đền hết ngày 16 mới kết thúc
Phần hội là phần đặc sắc nhất của lễ hội đền Cuông. Hội được diễn ra từ ngày 14 cho đến hết ngày 16 tháng hai âm lịch. Hội bao gồm rất nhiều trò chơi dân gian, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, nhiều hoạt động giải trí…. Không gian của hội chính là khoảng đất trống đối diện đền. Hội thu hút không chỉ trẻ em, thanh niên mà tất cả nhân dân ở mọi lứa tuổi.
Lễ hội đền Cuông năm nào cũng có trò chơi chọi gà. Đến lễ hội, mọi người sẽ được chiêm ngưỡng những con gà nòi đẹp nhất, khỏe nhất mà nhân dân khắp nơi đưa về. Hết lễ hội, con gà thắng cuộc cuối cùng sẽ được vinh danh và chủ nhân của nó sẽ được thưởng.
Không chỉ thế, hầu như năm nào trong lễ hội đền Cuông cũng có chơi cờ người. Các cuộc thi không phải là giữa những xã với nhau như những trò chơi thể thao khác mà là cuộc thi giữa một số huyện trong tỉnh có đoàn về tham gia trò chơi này trong lễ hội.
Bên cạnh những trò chơi truyền thống lễ hội đền Cuông còn sôi nổi cùng phong trào thể thao như: bóng đã, bóng chuyền, kéo co…Các hoạt động văn nghệ biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim, thi nét đẹp đền Cuông, hát chầu văn …
Lễ hội đền Cuông thực sự trở thành một hoạt động văn hóa tâm linh không thể thiếu được của người dân Diễn Châu nói riêng và du khách thập phương nói chung, là sự tri ân của thế hệ hôm nay với những người có công với đất nước, là đạo lý uống nước nhớ nguồn ngàn đời của dân tộc ta, để các thế hệ nối tiếp nhau phát huy truyền thống hào hùng của dân tộc.
Lễ hội diễn ra trong 3 ngày từ 13 đến 16 tháng giêng hàng năm tổ chức khu mộ vua (xóm Hà Long, xã Vân Diên, huyện Nam Đàn) để tưởng nhớ công tích của Mai Thúc Loan – Vị vua đã có công lãnh đạo nhân dân nổi dậy chống lại ách thống trị hà khắc của nhà Đường, lập nên nhà nước Vạn An độc lập, tự chủ ở thế kỷ VIII (722-726).
Lễ hội Vua Mai là lễ hội vùng của tỉnh Nghệ An, lễ hội được tổ chức theo quy mô vừa nhưng vẫn mang những nghi thức chung như nhiều nơi trong tỉnh và cả nước: lễ tế, rước kiệu, đua thuyền, hội vật…
Phần lễ: diễn ra trong 3 ngày.
• Ngày 13/1: Lễ khai quang tại mộ, đền thờ và mộ thân mẫu Vua Mai.
• Ngày 14/1: Lễ yết cáo tại khu mộ, đền thờ và mộ thân mẫu Vua Mai.
• Ngày 15/1: Đại tế.
Buổi sáng: Các làng trong vùng rước kiệu về Đền Vua Mai để hội tế theo nghi lễ của Triều đình.
Buổi chiều: Lễ dâng hương tại mộ và lễ tạ tại đền.
Phần hội: Diễn ra trong 3 ngày từ 14, 15, 16 tháng 1 âm lịch.
Các trò chơi dân gian xưa: Đấu vật, đua thuyền, hát văn, hát đối, hát ví, đánh đu, leo cột mỡ, đi cà kheo, cướp cờ, đánh cờ….trong đó đua thuyền là vui vẻ và độc đáo nhất còn các trò chơi như đấu vật, hát đối, đánh đu là kéo dài ngày nhất.
Hiện nay, ngoài các trò chơi dân gian còn có các hoạt động văn hoá, văn nghệ – thể thao khác như: múa, hát, chiếu phim, triển lãm các chuyên đề lưu động, bóng đá, bóng chuyền; tổ chức tham quan các di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh ở quanh khu vực lễ hội như di tích Kim Liên, Di tích tưởng niệm cụ Phan Bội Châu, mộ đồng chí Lê Hồng Phong, Khe Bò Đái, Bến Sa Nam…
Thông qua lễ hội, các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh thiếu niên sẽ hiểu rõ được cội nguồn của dân tộc, công lao đức độ của Vua Mai cùng các tướng lĩnh của ông. Các giá trị truyền thống như yêu nước, đoàn kết cộng đồng, hiếu học đã được nhắc lại và trao quyền cho các thế hệ trẻ. Mặt khác lễ hội góp phần giúp mọi người tìm hiểu, thưởng ngoạn các giá trị văn hóa thông qua các di tích đền thờ, lễ hội Vua Mai, phát huy văn hóa truyền thống và phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc ta.
Tương truyền hội vật cù ở đây có từ khoảng đầu thế kỷ 15. Bắt nguồn từ việc chọn những lực sĩ khỏe mạnh, nhanh nhẹn để sung vào đội quân của tướng Phan Đàn - một võ tướng của vua Lê Thái Tổ, coi việc quân ở vùng này, dần dà hội vật cù trở thành một sinh hoạt mang tính hội lễ đậm nét dân gian được mọi người ưa thích và phổ biến, đi vào đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào vùng Thanh Chương, Đô Lương, Nam Đàn, mà sôi nổi, náo nhiệt hơn cả là ở những vùng dọc hai bờ sông Găng (một nhánh của sông Lam) - Thanh Chương, nơi được xem là xuất xứ của trò chơi này.Người ta tổ chức thi vật cù giữa các làng xã, thời gian mỗi cuộc chơi không qui định cụ thể, số người tham gia mỗi bên cũng không hạn chế. Có khi hội vật cù lên đến đỉnh điểm, đàn ông trai tráng trong làng đều hăng hái vào cuộc không kể tuổi tác, lúc ấy thường là vào dịp Tết Nguyên đán.
Trước ngày vào hội, người ta đã lựa tìm những gốc chuối, đặc biệt thích hợp là gốc chuối hột loại lớn, đào lên lấy củ. Dùng dao sắc đẽo củ chuối thành hình tròn có đường kính cữ 30cm, trọng lượng 5 - 7kg là có quả cù đảm bảo yêu cầu. Quả cù phải sạch nhựa và có độ dẻo cần thiết, bởi nó thường xuyên bị giành giật, quăng ném mạnh dễ vỡ trong khi chơi. Vì vậy, quả cù sau khi lược đẽo xong, được luộc qua nước sôi, vớt ra phơi nắng khá kỹ. Lúc này quả cù có màu sẫm và rất dẻo, không bị nứt vỡ khi chơi. Sân chơi cù thường là những sân cát bên bờ sông hay trong làng, chiều dài độ 50m, ngang độ 25m. Có ba hình thức chơi củ: cù gôn, cù đẩy và củ nước. Cả ba lối chơi này đều có chung hình thức tính điểm và bố trí giống nhau, ở hai đầu sân của mỗi bên là hai chiếc sọt đan bằng nan tre, nứa cao 1,5m, đường kính 50cm (cù gôn, củ nước), hay đào một hố sâu rộng 50 x 50cm (cù đẩy). Bên nào giành và đưa được cù vào sọt (hay vào hố) của đối phương được một điềm. Để đưa được quả cù vào đích cũng không phải dễ dàng gì bởi phải giành giật, tranh cướp quyết liệt, bên nào cũng tìm mọi cách nhằm cản phá đối phương đưa cù vào sọt (hố) của mình. Hội vật cù vì thế rất sôi nổi, hào hứng, cuốn hút mọi người dự khán.
Ở cù gôn, khi vào cuộc hai bên dàn đội hình ngay giữa sân, quả cù đặt dưới đất; có hiệu lệnh của người cầm trịch (trọng tài) , hai bên bắt đầu vào cuộc tranh cướp, giành giật chuyền nhau . . . Ở cù đẩy, quả cù được chôn sâu dưới cát giữa sân, khi có hiệu lệnh hai bên tranh nhau đào moi lấy cù bằng tay không. Lúc một trong hai bên đã có cù, các cầu thủ của hai đội đứng sau đội trưởng - người cầm cù – và bắt đầu dùng sức đẩy thông qua quả cù . Bên nào qua lần đẩy này tỏ ra mạnh hơn làm cho bên đối phương phải lùi sẽ giành được quyền ôm cù, ngay sau đó rất nhanh và khéo léo chạy chuyền cù cho nhau để đưa cù tới đích.
Đặc biệt vui và hào hứng lối chơi cù nước. Sân chơi cù nước là một bãi cát ngập nước sâu độ 30 - 40cm ven sông, quả cù được chôn sâu dưới cát ngập nước; khai cuộc cả hai đội dầm mình trong nước tranh nhau moi quả cù sau đó vừa chạy vừa lội với quả cù to nặng, vừa phải luồn lách qua đối phương đang tìm mọi cách đề giành giật quả cù. Người tham gia vật cù đều cởi trần đóng khố. Đề phân biệt người của hai đội, ban tổ chức qui định rnàu sắc của khố hay dải khăn màu vấn trên đầu. Tuy từ xưa không có một điều luật cụ thể, nhưng trong hội vật cù không hề có lối chơi thô bạo, ác ý. Rất quyết liệt nhưng cũng rất trong sáng. Kết thúc cuộc chơi, đội nào có số lần đưa cù vào đích của đối phương nhiều hơn là đội thắng. Giải thướng chỉ mang tính tượng trưng, danh dự. Ở hội cù, người các làng xem và cổ vũ rất đông, hò reo, đánh trống chiêng cuồng nhiệt cổ vũ cho đội nhà và tán thưởng những đường chạy cù ngoạn mục... Ai đã một lần được xem hôi vật cù ở Thanh Chương hẳn sẽ vô cùng thích thú.
Diễn ra vào 2 ngày 15 và 16 tháng Giêng Âm lịch hàng năm, nhưng lễ chính thường diễn ra 3 năm một lần vào năm (Tí, Ngọ, Mão, Dậu ) gọi là “ lễ cầu phúc” hay còn gọi là “ lễ cầu yên “, để tưởng nhớ công ơn Thái uý Quận công Nguyễn Sư Hồi (Con trai Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí) - người giúp dân khai hoang lập nên làng Vạn Lộc xưa, Cửa Lò nay và cầu cho sóng yên, biển lặng, cư dân ra khơi đánh bắt được nhiều tôm cá, mùa màng bội thu góp phần xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Lễ hội đền thờ Vạn Lộc gồm có 2 phần: Phần lễ và phần hội:
Phần lễ bao gồm: Lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ xuất thần, lễ khai hội, lễ rước, lễ yên vị, lễ đại tế (lễ kỳ phúc, lễ kỳ yên ), lễ tạ. Nhìn chung trình tự phần lễ cũng diễn ra như ở các di tích khác: lau chùi, tẩy uế các hiện vật, đồ tế khí trong đền. Báo cáo với các thần linh xin pháp được mở hội, kính mời thần linh về dự lễ hội để ban phước lành cho sóng yên, biển lặng, dân khang, vật thịnh, ngư dân ra khơi vào lộng được an toàn… sau khi tiến hành xong các phần lễ thì tổ chức làm lễ yên vị và lễ tạ.
Riêng phần lễ rước ở lễ hội đền Vạn Lộc có phần khác so với các lễ hội khác. Sáng ngày16 tháng giêng, vào khoảng lúc 3h sáng tiến hành làm lễ xuất thần với nội dung: Xin các vị thần nghênh giá tiến hành lễ diễu hành ra tại sân đền tham gia khai mạc lễ hội. Sau khi tham dự xong lễ khai hội thì tiến hành lễ rước, tổ chức các đoàn rước như sau:
Tốp 1: Đội múa lân và trống nhạc.
Tốp 2: Đội cờ: cờ tổ quốc và cờ hội.
Tốp 3: Kiệu ảnh Bác.
Tốp 4: Kiệu bằng Di tích Lịch sử Văn hoá.
Tốp 5: Đội bát bửu - ngựa - hạc.
Tốp 6: Kiệu rồng có ngai thờ Thái uý Quận Công Nguyễn Sư Hồi (có Tàn lọng)
Tốp 7: Chiêng trống đại.
Tốp 8: Cờ thượng đẳng thần, cờ anh linh vạn cổ, hương án bày lễ vật, bát hương.
Tốp 9: Mâm ngũ quả.
Tốp 10: Đại biểu, nhân dân, du khách…
Đặc điểm riêng trong lễ rước là các dòng họ có nhà thờ ở dọc đường đoàn rước đi qua (ở phường Nghi Tân có 71 dòng họ) và các gia đình hai bên đường đều mang bát hương, một ít vàng mã, hoa quả,... trước cổng nhà mình để cầu lộc, cầu may.
Đường đi của đoàn rước: Xuất phát từ đền Vạn Lộc, đoàn rước đi lên khối 6, rẽ qua UBND phường Nghi Tân - quay về khối 4 - sau đó trở về đền . Mỗi khi đến gần một hương án dòng họ, đoàn rước lại đi chậm lại để đại diện dòng họ dâng hương, bái vọng và đội sư tử lại múa trò, còn đội trống thì biểu diễn múa, đánh tróng và đoàn rước tiếp tục đi.
Sau khi đoàn rước về đến đền thì ban nghi lễ và ban tổ chức vào làm lễ xin vào đền xong khi đó đoàn rước mới được vào, sau đó cử hành lễ yên vị.
Tiếp đến là lễ đại tế (lễ cầu yên, cầu phúc) đây là lễ chính được tiến hành từ khoảng 19h đến hết các thủ tục tế trong đêm. Ban hành lễ gồm có: 1 đại bái, 2 bồi tụng, chấp sự mỗi bên 5 người; 2 đội trống chiêng, bát âm; 2 vị thông xướng (đông xướng, tây xướng ) để hô hiệu lệnh.
Các bước hành tế được tiến hành theo đúng nghi thức truyền thống . Trong nội dung lễ có phần quan trọng là đọc chúc văn của đền và đọc văn thúc ước của làng. Trong khi tế, lúc đọc chúc văn, cũng như dâng hương, dâng rượu đều có nhạc bát âm, chiêng trống đệm vào làm cho không khí trang nghiêm, linh thiêng.
Phần hội: Trong lễ hội đền Vạn Lộc tổ chức nhiều trò chơi mang tính truyền thống cũng như hiện đại như: Chọi gà, đánh cờ người, bóng bàn, bóng chuyền, bóng đá, cắm trại, thi văn nghệ… nhưng có lẽ trò chơi sôi nổi và cuốn hút nhiều người tham gia cũng như người xem đó chính là: đua thuyền truyền thống. Dưới sông thuyền đậu dọc đường đua, cờ đỏ, cờ hội, phấp phới. Trên bờ cả dãy dài người xem chật cứng, tiếng hò reo cổ vũ vang động cả một quãng sông. Các làng trong phường Nghi Tân chuẩn bị cho lễ hội đua thuyền trước đó một tháng; mỗi làng chuẩn bị một thuyền đua, một đội đua với những tay chèo khoẻ mạnh, có nhiều kinh nghiệm. Lễ hội đua thuyền trở thành hoạt động văn hoá tinh thần lôi cuốn tất cả các thành viên trong phường tham gia.
Lễ hội Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí được con cháu của ông từ khắp mọi miền tổ quốc cùng với các cấp ngành liên quan ở địa phương tổ chức hàng năm trong hai ngày 30 tháng giêng và mồng một tháng hai âm lịch. Địa điểm tổ chức lễ hội tại đền thờ Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí thuộc xã Nghi Hợp huyện Nghi Lộc, Nghệ An.
Lễ hội đền Nguyễn Xí là một lễ hội dòng họ gắn với quần thể di tích. Đây là một trong những lễ hội truyền thống lớn ở Nghệ An. Lễ hội thể hiện rất rõ sự gắn kết giữa văn hoá dòng họ và văn hoá làng xã.
Phần Lễ: được tổ chức vào ngày 30 tháng 1 và ngày mồng một tháng 2 âm lịch hàng năm.
+ Ngày 30 tháng 1, tổ chức lễ yết và dâng hương tại bái đường.
+ Đêm 30 tháng 1, tổ chức đốt pháo bông và hát chầu văn, thi văn nghệ quần chúng.
+ Sáng ngày mồng 1 tháng 2, tổ chức đám rước kiệu gồm: Kiệu sắc phong của Nguyễn Xí, kiệu rước bằng di tích lịch sử văn hoá Quốc gia.
Phần hội:
Các trò chơi dân gian truyền thống: Chọi gà, đu tiêu, cờ người, cờ thẻ, đấu vật, kéo co....
+ Tham quan các di tích thắng cảnh: Đền thờ, lăng mộ Nguyễn Sư Hồi, bãi biển Cửa Lò, núi Cờ, núi Kiếm, núi Voi.
Trong Lễ hội có hàng vạn con cháu họ Nguyễn Đình khắp bốn phương về tụ họp và du khách thập phương về dâng hương cầu tài, cầu lộc, cầu may mắn.
Di tích lịch sử đền Nguyễn Xí được phát huy trong cụm di tích danh thắng tại thị xã Cửa Lò và vùng phụ cận tạo thành một tour du lịch văn hoá tâm linh đặc sắc, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Lễ hội diễn ra vào hai ngày 30/4 và 01/5 hàng năm. Ngành văn hoá du lịch Nghệ An phối hợp cùng các cấp ngành ở Thị xã Cửa Lò tổ chức lễ hội Du lịch Cửa Lò kết hợp với lễ hội sông nước truyền thống trên cơ sở lễ hội đền Vạn Lộc, tạo ra một nét văn hoá độc đáo kết hợp giữa truyền thống và hiện đại mở đầu cho mùa du lịch tại bãi biển Cửa Lò.
Phần lễ nó cũng bao gồm các phần lễ từ lễ khai quang, lễ yết cáo… đến khi xong thì có lễ tạ, tất cả đều diễn ra tại đền Vạn Lộc. Riêng lễ rước kiệu xuất phát từ đền Vạn Lộc rước về Quảng trường Bình Minh - Trung tâm của thị xã Cửa Lò đã thu hút hàng vạn người xem. Cấu trúc của đoàn rước không có gì thay đổi so với cấu trúc đoàn rước ở lễ hội đền Vạn Lộc, nhưng thời gian tiến hành lễ rước từ buổi chiều đi quanh Thị xã qua các trục đường chính đóng trên địa bàn với đoàn rước có đến hàng nghìn người tham gia, với đầy đủ chiêng trống, đội múa lân, kiệu rước được trang trí lộng lẫy, cờ hoa rợp trời, áo quần sặc sỡ,… Đoàn rước thu hút sự tham gia của đông đảo du khách tạo nên một không gian văn hoá đa chiều để lại nhiều ấn tượng trong suốt mùa lễ hội.
Phần hội được tổ chức rất sôi nổi với nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao như: Chương trình văn nghệ “ Nối vòng tay biển” do các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp biểu diễn, đốt pháo bông; bóng chuyền bãi biển, kéo co, cầu lông, Tennít, chọi gà, cờ người, trưng bày ảnh các Di tích lịch sử, thắng cảnh của Cửa Lò và Nghệ An trong quá trình chiến đấu và xây dựng quê hương …trước khi diễn ra lễ hội giữa các khách sạn còn tổ chức hội thi văn hoá ẩm thực, thi đầu bếp, lễ tân giỏi… và một hoạt động đặc biệt không thể thiếu trong lễ hội du lịch Cửa Lò hàng năm đó chính là hội đua thuyền truyền thống thu hút hàng vạn người xem và cổ vũ náo nhiệt. Hội đua có sự hội tụ của các tay chèo từ phường, xã có nghề biển, có năm mời cả huyện bạn như Hưng Nguyên, Diễn Châu,tỉnh bạn Thừa Thiên, Huế cũng tham gia. Mỗi thuyền thường có 20 tay chèo và một người cầm chịch thường gõ trống hoặc thổi còi để làm hiệu lệnh. Khu vực đua thuyền là bãi biển phía trước Quảng trường Bình Minh với đường đua dài 1000m, có tàu Hải quân trực bảo vệ và cứu hộ. Cuộc đua không những làm sống lại một nét đẹp văn hoá truyền thống của người dân biển mà còn trở thành một hoạt động văn hoá du lịch đặc sắc trên bãi biển Cửa Lò.
Đền Cờn thuộc địa phận xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Hội đền trước đây thường được tổ chức 15 tháng chạp đến hết tháng giêng âm lịch hàng năm, để tưởng nhớ đức Thánh Mẫu, tứ vị Thánh Nương - nữ thần bảo vệ và phù hộ cho dân làm ăn thịnh vượng và vượt qua hiểm nguy, đã nhiều lần giúp đỡ cho đội quân nhà Trần, nhà Lê vượt biển bình an. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, lễ hội đền Cờn không còn được duy trì, mãi đến năm 1998 mới được khôi phục lại, đây là một trong những lễ hội tuyền thống văn hoá lớn của xứ Nghệ. Ngày nay lễ hội được tổ chức vào ngày 21 tháng giêng âm lịch hàng năm.
Lễ hội đền Cờn chính thức được tổ chức vào ngày 21 tháng giêng, nhưng bắt đầu từ mồng 1 tết Nguyên đán hàng năm, lễ hội mở màn bằng những đoàn thuyền du xuân trang trí cờ hoa cùng với tiếng chiêng trống ầm vang. Đến ngày hội chính thức sẽ diến ra một trận thuỷ chiến giả có quân xanh, quân đỏ giao chiến trên một giải núi non hiểm trở kéo dài 10km từ làng ói về đền Cờn. Những trai đinh khoẻ mạnh, đóng khố, đầu chít khăn thủ rìu khác nhau để phân biệt là người của đội nào. Khi lâm trận họ phải mang theo vũ khí là đòn khiêng, dây chạc… trận giả này cứ 3 năm một lần gắn liền với truyền thuyết dựng đền. Đây chính là nét riêng nghi lễ và tín ngưỡng văn hoá đền Cờn.
Trong trò chơi trận giả còn có trò chơi “ Chạy ói “. Đám rước chạy ói gồm có 4 kiệu, 4 ngai, 4 tàn, 4 quạt khởi hành từ đêm. Sáng ra lại đi tiếp 4 kiệu, 2 voi, 2 ngựa, cùng đi theo đoàn rước có đoàn cờ, nhạc Bát âm, đoàn cầm đồ Bát bửu nghi trượng, đội nữ quan, đội nữ tướng. Chỉ huy đám rước là người đứng đầu 4 giáp và 1 vị thủ chỉ. Ngoài đám rước, trên bọ có đoàn thuyền 16 chiếc xếp thành chữ Nhất xuất phát từ bến đền đi theo sông ra biển men theo bờ tiến về đền Quy Lĩnh ở Quỳnh Lương. Hai đoàn rước liên lạc với nhau để khi qua Quỳnh Liên, Quỳnh Bảng và cùng lúc tới Quỳnh Lương. Khi đám rước xuống Phú Lương, đến Quy Lĩnh, dân ở hai làng Phú Lương - Phương Cần gây xô xát và cùng hô “ Xô bề cá ông về với bà “. Sau đó làng Phú Lương làm lễ khuất lưu, làng Phương Cần làm lễ Phụng Nghinh. Xong lễ, đoàn rước khứ hồi lại đền Cờn. Lễ vật hiến tế lớn: 5 trâu, 5 lợn, 5 bò, 5 dê, gà, xôi, rượu vào mồng 6 tháng giêng. Sáng ngày mồng 7 tế bánh. Toàn bộ dân đình Phương Cần góp 1 đinh 2 chiếc bánh chưng, từ ngày 17 đến ngày 22 đại tế tam sinh như ngày mồng 6.
Người dân ở đây tin rằng năm nào Giáp Tam (đội 3) thắng trò chơi chạy ói thì năm đó biển lặng sóng yên, sản xuất mùa màng tốt tươi, thuyền chài kéo được nhiều tôm cá, đời sống no đủ.
Trong quá trình tổ chức lễ hội tại đền, các khu vực ngoài đền, sân đình, chùa, đền, bến sông tổ chức các trò chơi dân gian như: đua thuyền, đấu vật, kéo co, đánh cờ người,cờ thẻ, bài điểm, chơi đu, chọi gà, biểu diễn tuồng, hội hát ca trù…
Sau nghi lễ và các trò chơi hội là lễ cúng tế mang đậm nét dân gian, thể hiện tín ngưỡng của người dân địa phương như: lễ cầu yên, cầu tài, cầu lộc, lễ tạ ơn, bốc xăm, xem quẻ…
Lễ hội đền Cờn được xem là lễ hội truyền thống ở xứ Nghệ, nó đã có rất lâu đời từ thời Trần đến thời Nguyễn đều tổ chức lễ hội này, nó không chỉ còn là lễ hội của xã mà trở thành lễ hội của vùng, của tỉnh và cả nước.
Lễ hội đền Quả Sơn là lễ hội vùng lớn vào loại bậc nhất ở Nghệ An. Lễ hội được diễn ra trong 3 ngày 19, 20 và 21 tháng giêng âm lịch hàng năm để tưởng nhớ tới công đức của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang – vị danh tướng, danh thần của vương triều Lý đã có công lớn trong việc bảo quốc an dân, củng cố nền độc lập, thông nhất đất nước ở thế ký XI .
Lễ hội gồm 2 phần lễ và hội.
Phần Lễ: Ngày 19 làm lễ yết cáo. Ngày 20 là chính hội, buổi sáng làm lễ rước thần từ đền quả đến đền Bà Bụt, buổi chiều có lễ tạ ơn Bà Bụt. Ngày 21, buổi sáng làm lễ rước xuôi từ chùa bà Bụt về đền, buổi chiều có lễ yên vị.
Phần Hội: Diễn ra từ sáng ngày 20 đến chiều ngày 21 tháng giêng âm lịch. Các trò chơi dân gian: Đáng đu tiên, chọi gà, cờ thẻ, cờ người, đấu vật, múa võ, đặc sắc nhất là đua thuyền bơi chải xuôi ngược dòng Lam, hát chầu văn, ca trù, diễn các tích chèo, tuồng cổ…
Ngày nay, ngoài các trò chơi dân gian và nghệ thuật dân tộc, còn tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục , thể thao như : Biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim, cắm trại, triển lãm, trưng bày bán các loại ấn phẩm văn hoá, tổ chức thi đấu bóng đá, bóng chuyền, đi tham quan các di tích danh thắng trong vùng.
Đây là lễ hội dân gian đặc sắc, hấp dẫn và mang nhiều ý nghĩa nhân văn, thể hiện tinh thần đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, làm sống động tinh thần thượng võ cùng những thuần phong mỹ tục của nền văn hoá dân gian.
Sau rằm tháng giêng, hàng nghìn người dân lại đổ về trẩy hội Hang Bua (thuộc bản Na Nhàng, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An). Lễ hội Hang Bua bắt nguồn từ tục thờ mẹ nước của người Thái cổ. Ngày nay, nó trở thành nơi giao lưu văn hóa với nhiều loại hình nghệ thuật dân gian phong phú. Lễ hội Hang Bua được tổ chức từ ngày 17 đến ngày 19 tháng giêng, luôn thu hút được số lượng lớn người tham gia.
Lễ hội Hang Bua chính là câu chuyện tâm linh gắn liền với đời sống sinh hoạt của đồng bào Thái cổ. Cách Hang Bua 500 m có một vùng đất cổ gọi là Pò Nậm (nước). Từ khe đá đến núi cao, một dòng nước mát lạnh từ nguồn chảy xuống hai giếng nguyên sinh trong vùng. Từ một vùng đất hoang người Thái cổ đã lập nên bản Búa (Bản Bua, nay là bản Na Nhàng) và quần cư tại đây. Để nhớ ơn "mẹ nước" từ xa xưa, người Thái cổ đã chọn một vùng đất (đẹp đẽ, cao ráo, thoáng đãng để thờ cúng. Sau vụ thu hoạch dân bản lại quây quần bên Hang Bua để thờ cúng thần nước và nhảy múa ăn mừng. Từ năm 1997, Hang Bua được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích thắng cảnh tầm cỡ quốc gia, Sở Văn hóa - Thông tin Nghệ An và huyện Quỳ Hợp đã phối hợp tổ chức để lễ hội Hang Bua thực sự mang đậm bản sắc dân tộc.
Lễ hội Hang Búa thiên về phần hội, phần lễ đơn giản gồm: Diễn văn khai mạc lễ hội và lễ cũng thần linh tại hang. Nhân dân khi về dự lễ hội không mang theo hành trang của người hành hương mà luôn mong mỏi được trao đổi giao lưu văn hóa, được thưởng thức cái đẹp những truyền thống văn hóa dân tộc thể hiện qua nhiều hình thức sinh động khác nhau, đặc biệt qua các loại hình nghệ thuật dân gian cũng như hiện đại. Dàn cồng chiêng của các chàng trai, cô gái Thái vang lên rộn rã, những trò diễn, những điệu múa rộn ràng, tiếng réo rắt của sáo, tiêu, khèn bè và bay bổng những làn điệu dân ca nhuôn, xuối, lăm, khắp... Cả núi rừng đều như bước vào hội xuân.
Ở Hang Bua hàng năm vẫn diễn ra các trò chơi dân gian độc đáo như bắn nỏ, đẩy sào, ném còn... Đặc biệt "hội thi người đẹp Hang Bua" thu hút được nhiều người tới xem. Đến Hang Bua vào mùa lễ hội, ta còn được thưởng thức các món ăn đặc sản của người Thái như: thịt thú rừng nướng, chẻo môn, cơm lam...
Nghệ An có nhiều lễ hội như lễ hội đền Cồn, lễ hội sông nước Cửa Lò, lễ hội uống nước nhớ nguồn..., nhưng lễ hội Hang Bua vẫn thu hút được nhiều người hơn cả. Đó là những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân gian cần được gìn giữ và phát triển.
Người Khơ Mú ở Nghệ An thường làm lễ Pa Sưm trước lúc tra hạt trên nương rẫy. Đây là lễ cầu khấn trời đất, tổ tiên và các thần linh cho nương rẫy được bội thu.
Chủ lễ là người phụ nữ trong nhà. Bà đóng vai Mẹ lúa, tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở. Trước tiên, Mẹ lúa dọn một khoảnh đất khoảng 2m2, đủ để đặt mâm làm lễ cúng ở một chỗ tương đối bằng phẳng trên rẫy, gọi là Mắt rúc. Mẹ lúa đặt mâm cúng vào giữa Mắt rúc, trong mâm ngoài xôi, rượu, muối nhất thiết phải có một con gà luộc và con gà này phải là gà trống lông đen. Mẹ lúa trong trang phục cổ truyền chỉnh tề, trước mâm lễ đọc bài cúng, nội dung cầu khấn Hrôi Yvang (Thần Ông trời) làm cho mưa thuận gió hòa, Hrôi Ptê (Thần Đất), Hrôi Hrê (Thần Nương rẫy) làm cho hạt giống mau nẩy mầm, lên xanh tốt, bông to, hạt mẩy, muông thú không phá hoại.
Mẹ lúa làm lễ xong, mọi người bắt tay vào tra hạt. Tra hạt xong Mẹ lúa làm lễ tưới nước, kết thúc lễ Pa Sưm. Vào buổi chiều tối ngày tra hạt xong, Mẹ lúa bảo mọi người lấy nước rửa tay, rửa gậy chọc lỗ cho sạch, đứng trước chòi lúa. Sau đó, Mẹ lúa cầm ống nước đi vòng quanh chòi lúa, tưới nước ra xung quanh, vừa làm vừa khấn: "Tưới cho cây lúa mọc, cho cây lúa nẩy mầm, cho hạt chắc bông dài, gốc lúa bằng gốc lau, bông lúa dài bằng quả núc nác…". Mẹ lúa khấn xong mọi người vào chòi ăn cơm, uống rượu, kết thúc công việc tra hạt.
Lễ Pa Sưm là một lễ trong hệ thống các lễ tục nông nghiệp của người Khơ Mú. Nó phản ánh niềm tin của đồng bào vào thiên nhiên (trời, đất, nương rẫy…) có linh hồn, phản ánh ước muốn của họ về mùa màng bội thu, cuộc sống đầy đủ.
Lễ hội Đền chín gian, hàng năm có hai kỳ tế lễ, vào dịp tháng Hai đầu năm âm lịch và tháng Tám vào dịp Pò Hàu Cắm. Trong các kỳ tế lễ, những nghi lễ tâm linh được tổ chức hết sức trang nghiêm.
Mở đầu luôn là lễ chém trâu (Phắn quái) - một nghi lễ quan trọng được tổ chức vào buổi sáng sớm ngày đầu tiên của lễ hội, ngay trước sân đền.
Truyền thuyết kể lại rằng, một năm, vào ngày mở hội tế trời, khi chuẩn bị hành lễ hiến trâu, bỗng có con rồng bay đến cuốn đi con trâu trắng của Mường Tôn. Thấy điềm xấu, Tạo Mường liền cho giết trâu làm lễ tế, khấn xin trời phật, tổ tiên để chuyển dời đền đi nơi khác. Tương truyền rằng, có con quạ cổ khoang trắng đến gắp miếng xương trâu nơi đền cũ bay đi và thả xuống một ngọn đồi nhỏ phía nam Mường Tôn, còn gọi là Pú Căm (Núi vàng), tục gọi là Pú quái (núi trâu). Trong kho tàng truyện cổ dân gian người Thái nơi đây vẫn còn lưu lại truyền thuyết lập bản dựng mường hết sức đẹp đẽ.
Truyền thuyết xưa kể lại rằng, Tạo Mường ở Luông Pha Băng (cố đô Luôngphrabăng - Lào) sinh được 2 người con trai, anh là Ló Ỳ, em là Ló Ai. Cả hai anh em đều thông minh, khoẻ mạnh hơn người nhưng người em vốn tham lam và đố kỵ, thấy cha có ý định nhường ngôi cho anh nên đã giết chết rồi vứt xác xuống dòng sông Mã (tỉnh Thanh Hóa bây giờ). Xác Ló Ỳ cứ trôi theo dòng nước bị mắc kẹt ở một khúc sông hẹp. Nhưng rất may, có một con quạ cặp một lọ thuốc tiên đến đổ vào miệng và bỗng thấy Ló Ỳ tỉnh lại, đi đứng bình thường. Nhân dân thấy Ló Ỳ khoẻ mạnh, có nguồn gốc trong dòng dõi một quý tộc nên đã tôn Ló Ỳ làm Tạo và tên Tạo Ló Ỳ xuất phát luôn từ đó. Nhớ ơn con quạ đã cứu sống mình, Ló Ỳ cùng nhân tại đây đặt tên cho Mường của mình là Mường Cả Giả (gọi là mường Quạ Cứu - nay thuộc xã Hội Xuân, huyện Quan Hoá, Thanh Hoá). Vì quá thương cha mẹ già, Tạo Ló Ỳ đã trao quyền cho người khác để trở về quê cũ. Trên đường về quê cũ, băng rừng vượt suối, Tạo Ló Ỳ không biết đường nên đã lạc vào một vùng đất người Thái. Thể theo yêu cầu của mọi người, Ló Ỳ đã ở lại giúp dân lập bản dựng mường và trở thành vị chúa đất đầu tiên nơi đây.
Đền Chín Gian được xây dựng từ đầu thế kỷ XIV tại Pú Chò Nhàng gọi là Tến Pỏm (đền trên núi) ở bản Khoẳng, Châu Kim, huyện Quế Phong (Nghệ An). Trong tâm thức của đồng bào Thái vùng Phủ Quỳ, đây là nơi hướng về trong tín ngưỡng tâm linh đối với Thẻn Phà (trời), Náng Xỉ Đả (Con gái trời) và Tạo Ló Ỳ (người có công xây bản lập mường). Đền có tên là "Tến Xớ Quái" (đền hiến trâu), nhưng vì có 9 gian nên bà con thường gọi là "Tến Cau Hoong" (có nghĩa là đền chín gian).
Vùng đất đầu tiên do Tạo Ló Ỳ cai quản được gọi là Mường Tôn (Mường chủ, Mường gốc) bao gồm các bản Piếng Chào, Bản Đô, Bản Giang (Châu Kim), Bản Đỏn Cớn (Mường Nọc), Bản Pỏi, Bản Đỉn Đảnh (Châu Thôn), mường Chò Lè (Tri Lễ). Và 8 Mường được lập sau là Mường Quáng, Mường Chừn, Mường Pắn, Mường Puộc, Mường Ha Quèn, Mường Miểng, Mường Chón, Mường Chòng thuộc 11 xã của 3 huyện Quế Phong, Quỳ Châu và Quỳ Hợp.
Sau khi lập Mường xong với tài đức cai quản của Tạo Ló Ỳ, cuộc sống của nhân đân khá lên. Tuy nhiên, ông trời vẫn thường gây nên thiên tai lũ lụt, bởi vậy, dân các mường đã xin Tạo cho dựng một ngôi đền ở Mường Tôn, lấy chỗ cúng trâu cho Trời, cầu xin mưa thuận gió hoà, mùa màng no ấm. Tiếng địa phương gọi đền là Tến Xớ Quái (đền Hiến Trâu), nhưng vì đền có chín gian nên đổi thành Tến Cau Hong (Đền Chín Gian).
Vì vậy, trong lễ hội Đền Chín gian lễ vật đầu tiên không thể thiếu mà dân Mường Tôn dâng lên trong dịp lễ tế trời và Tạo Ló Ỳ là một con trâu cái trắng (lễ vật cúng tế linh thiêng nhất). Mường Quáng và Mường Puộc cũng hiến hai trâu trắng nhưng là trâu đực; 6 Mường còn lại cúng 6 con trâu đen và phải là những con trâu khỏe mạnh.
Bắt đầu buổi lễ, người chủ lễ (mo cả) mặc trang phục lễ (Xựa tẩy) làm lễ tắm trâu ngay tại bến nước dưới chân núi Pù Quái trước sự chứng kiến của mọi người.
Sau khi tắm xong, con trâu hiến tế được đưa lên sân đền với một lễ rước trang nghiêm. Chủ lế đi ba vòng quanh con trâu đã được buộc chặt vào chiếc cọc gỗ, vừa đi vừa đọc bài xến bằng tiếng dân tộc Thái mang nội dung cầu cho “Chín mường mười bản” yên lành. Theo sau là những người có chức vị trong xã hội ở các mường.
Tiếp đến, chủ lễ dùng chiếc rìu sắc bổ thẳng vào đốt xương cổ nơi tiếp giáp với xương sọ trâu. Trâu ngã xuống mới chọc tiết. Thịt trâu làm xong, nấu chín trong những chiếc vạc lớn chia đều thành chín phần để làm lễ tế tại chín gian trong đền cùng với 9 chum rượu cần được tiếp bằng nước sông múc từ bến Tà Tạo chân núi Pù Quái, đưa lên bằng ống nứa.
Lễ chém trâu sẽ được tiến hành trong tiếng reo hò của bà con về dự lễ. Thịt trâu được đặt lên bậc sạp cao nhất của gian đền. Thầy mo làm lễ nạp trâu suốt ba ngày đêm, rồi đem chia ra, nấu lên cho mọi người cùng ăn.
Sau khi lễ tế trâu xong, mọi nghi thức tế lễ khác mới bắt đầu. Mọi người quan niệm, con trâu mộng được hiến tế nếu gục xuống chỉ sau một nhát bổ, năm đó xem như mọi việc đều tốt lành, vạn vật sinh sôi, mùa màng no đủ, người người khoẻ mạnh...
Lễ hội Đền Chín gian và nghi lễ chém trâu đã góp phần khơi dậy truyền thống tốt đẹp "uống nước nhớ nguồn" biết ơn những người có công dựng bản, lập mường; đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Thái vùng Tây Bắc Nghệ An.
Hội Thanh Đàm được tổ chức từ ngày 15 - 18/2 âm lịch hàng năm, tại làng Thanh Đàm, xã Nam Tân, huyện Nam Đàn. Hội được tổ chức nhằm suy tôn Thủy thần với phần Rước và thả hến độc đáo.
Đình Thanh Đàm cách thành phố Vinh 30 km về phía Tây Nam. Ngôi làng này gần sông Lam. Đình được xây dựng vào năm 1899 (mùa đông năm Kỷ Hợi) và hoàn thành cuối năm 1900. Đình ngoảnh mặt hướng Đông - Nam, theo các cụ cao tuổi trong làng cho biết, đó là hướng càn tốn. Đình Thanh Đàm thờ Đức Ông sông nước. Di tích nằm trong khuôn viên rộng 1 ha, phía trước có 2 cây cổ thụ cành lá xum xuê. Cổng đình có 2 cột quyết, trên có hai con nghê chầu lại, phía trong có 2 con voi, 2 ông tướng, có bức nghi môn, được đắp nổi hình hổ phù.
Đình Thanh Đàm có 5 gian, dài 21m, rộng 5m, 21 cột gỗ lim ròng, trong đó 12 cột cao 4,5m, cột thấp 3,2m. Trên nóc đình đắp nổi hình hương long triều nguyệt, 4 mái cong vút, tạo cho ngôi đình thêm uy nghi. Đình lợp ngói múi hài, phía trong mỗi cột gỗ có kê một chân đá tảng (đá xanh) được đẽo tạc công phu. Thợ làm đình là thợ mộc Thái Yên (2 tốp thợ). Nghệ thuật kiến trúc đình khá đẹp, trong đình có 10 kẻ, ở hai đầu hồi được khắc hình hoa lá, chim thú; 4 đầu rồng ở 2 vì giữa, hai vì phía nam có hình rồng ngậm ngọc, hai vì phía bắc rồng dương vi dữ tợn. Các cụ kể rằng 4 con rồng, do hai tốp thợ bí mật làm.
Ba hôm sau họ dựng lên các vì kèo, thì tốp thợ có chạm hình rồng ngậm ngọc thắng cuộc, được hội đồng bô lão thưởng 10 quan tiền đồng. Thầy Hiệu, người Diễn Châu được làng mời về lập đàn làm chay, cầu cho quốc thái dân an, làng xóm trù phú, yên vui. Thầy có bài thơ ca ngợi cảnh đẹp của ngôi Đình.
“Làng ta nay khí giời ôn đúc
Mạch đất vững vàng, hai mươi mẫu dân cư người đông cổ thịnh
Đình Kỳ Phúc năm gian chính chiện
Toạ đàn hương tốn chữ tràng sinh, trông thấy rõ ràng
Áng Minh đường quanh trước Sông Lam
Sóng bạc phau phau hơi gió thổi lặng tăm kình ngạc
Ngôi huyền vũ dựng sau núi Đụn
Mạo vàng choi chói bóng trăng soi tất khởi sài lang
Phong cảnh ấy giời còn tô vẽ
Gái lịch trai thanh nhiều người tuấn tú
Văn thang võ chức đủ cách giàu sang
Bậc kỳ anh da bọc tóc mồi
Chen vai cõi thọ nền xuân
Bộ quắc thước trông chừng cứng cỏi”.
Người Thái Con Cuông (Nghệ An) có phong tục rước dâu cũng hết sức đặc biệt, đó là kiêng rước dâu vào ban ngày. Người ta có thể đi đến nhà gái vào ban ngày nhưng phải rước dâu về nhà trai vào ban đêm.
Đồng bào Thái quan niệm, rước dâu về nhà vào ban ngày sẽ không mang lại hạnh phúc cho đôi tân lang tân nương. Khi rước dâu về, người dẫn đầu đoàn rước cầm theo cái chiêng, cứ đi được một đoạn lại gõ ba tiếng, vừa để thông báo cho dân bản biết là đoàn rước đang về để họ chuẩn bị đón, vừa mang lại không khí vui vẻ cho đám cưới.
Khi đón dâu về, lúc bước chân lên cầu thang, mẹ chồng phải rửa chân cho con dâu bằng nước suối đựng trong chậu đồng. Ngâm trong chậu có một đồng xu bằng bạc. Sau đó cô dâu sẽ được tặng vòng bạc cầu may, rồi chị hay em chồng mới đưa cô lên buồng làm lễ ăn cơm, uống rượu chung với chồng và để trao tặng vòng bạc cho nhau. Hai người thề hẹn sẽ thuỷ chung đến trọn đời. Cô dâu được búi tóc và trình tổ tiên. Từ giờ trở đi, cô là gái đã có chồng. Sau bữa cơm đầu tiên của đôi vợ chồng trẻ, bữa tiệc cưới mới chính thức bắt đầu. Trong bữa cỗ cũng là cuộc vui hát đối đáp giữa nhà trai và nhà gái, giữa nam và nữ nhằm chúc mừng gia chủ, họ cùng chúc tụng cho đôi vợ chồng trẻ sống hạnh phúc trọn đời bên nhau.
Trong đám cưới của người Thái còn nhiều nghi lễ và phong tục độc đáo khác. Chẳng hạn, nhà trai đến nhà gái rước dâu bao giờ cũng gặp phải một số khó khăn, khi tới cổng, nhà gái đóng cổng lại và đứng chắn ở ngoài. Họ ra bài hát đố, ví như: “Cổng nhà tôi then nào cũng dài/đố anh biết cái này gỗ chắc?”.
Và lúc này nhà trai cũng phải khôn khéo, nếu nói thẳng sẽ bị vặn nên họ phải kể ra được sự khéo tay của gia chủ trong việc đục đẽo, chọn gỗ nhằm làm đẹp lòng họ: “Gỗ làm cổng nhà em không phải gỗ đóng bè/Không phải cây gỗ làm cọc rào/Em phải tìm nó trên lưng chừng núi caoTrên ngọn Pu Luông bản mường vẫn ngóng”...
Hai bên đối đáp cho đến khi nhà gái chấp nhận tài ăn nói của nhà trai thì mới chịu mở cổng. Khi chú rể đi vào cổng thì bị thím hay mợ của cô dâu té nước. Đây cũng là một phong tục không thể thiếu trong đám cưới của họ, mục đích là để thử thách lòng kiên nhẫn cũng như biết được tính cách của chú rể, ngoài ra nó còn biểu tượng cho việc mang lại sự may mắn cho chú rể trong ngày hôn lễ của mình. Chú rể càng khốn khổ vì bị ướt bao nhiêu thì đám cưới càng vui bấy nhiêu.
Sau đó khi nhà trai lên nhà, để cuộc vui thêm trọn vẹn lại có màn "mời ngồi". Họ nhà gái trải chiếu ra rồi hát mời nhà trai. Nếu nhà gái gặp phải người khéo lời thì đến lượt nhà trai "trả đũa". Họ sẽ không ngồi ngay mà đưa ra lí lẽ bằng lời hát, chê nhà gái trải chiếu xiên xẹo hoặc bảo chiếu nhà ông mới thế này ngồi ngại lắm. Nhà gái lại phải hát đáp lại. Họ đưa ra lí lẽ của mình để thuyết phục khách ngồi vào.
Khi khách đã chịu ngồi, nhà gái tiếp tục màn “mời trầu”. Cơi trầu được nhà gái đặt ra mâm, họ hát kể về sự khổ công khi để có được cơi trầu mời khách. Họ nói về việc đi hái dây trầu trong rừng như thế nào, trồng rồi chăm bón nó ra sao. Sau đi kể chuyện đi đập đá, đào lò nung vôi rồi mới có vôi têm trầu. Mục đích của sự vòng vo đó là muốn mời khách ăn trầu và khoe tài ăn nói của mình. Lúc này, nhà trai lại chối khéo. Họ bảo, lỡ trong lá trầu có con sâu thì sao? Sau khi nhà gái bảo cứ yên lòng đi vì chúng tôi xem kỹ rồi. Nhà trai lại bảo lỡ trong khi chăm bón các ông bón phân không tốt ăn vào đau bụng chết. Nhà gái lại kể về những thứ phân bón mà họ dùng. Tất nhiên chỉ là bịa vào cho cuộc rượu thêm vui…
Đó chỉ là một vài trong rất nhiều phong tục cưới hỏi của đồng bào nơi đây, nếu có dịp, bạn hãy một lần dự đám cưới còn mang đậm bản sắc của dân tộc này.
Lễ hội Cầu Ngư được tổ chức vào ngày 12 và 13 tháng Giêng, tại xã Sơn Hải (huyện Quỳnh Lưu). Đây là một lễ hội truyền thống thể hiện bản sắc văn hóa tâm linh đang được ngư dân vùng biển Quỳnh Lưu bảo tồn, giữ gìn và phát huy.
Theo phong tục, lễ hội cầu ngư trước đây được tổ chức vào hai ngày mồng 6 và mồng 7 tháng Giêng âm lịch. Nhưng do điều kiện thực tế hiện nay, thời gian tổ chức lễ hội không còn bắt buộc và cố định về ngày giờ nữa. Căn cứ vào con nước lên xuống, cứ trúng vào ngày nào con nước lên to nhất, tàu thuyền có thể ra khơi xa được trong tháng Giêng thì ngày đó ngư dân sẽ tổ chức lễ hội cầu ngư.
Đây là một lễ hội có truyền thống từ xa xưa, nguồn gốc ra đời rất ít người biết đến, người dân Sơn Hải chỉ nghe các cụ kể lại rằng: Thời xưa đây là một lễ hội có tính chất và quy mô hoành tráng nhất nhì so với các địa phương xung quanh, nhưng lễ hội này đã có một thời gian gần 50 năm bị thất truyền. Vì vậy, ngày nay để khôi phục tổ chức lại lễ hội này, cán bộ và nhân dân xã Sơn Hải đã phải bỏ ra nhiều công sức nghiên cứu, điều tra và sưu tầm ở một số lễ hội khác. Từ đó dần dần nâng cấp và hoàn thiện, tạo cho nó một dấu ấn, đặc trưng riêng.
Lễ hội gồm có 2 phần chính là phần lễ và phần hội. Phần lễ bao gồm lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ cầu ngư, lễ đại tế, lễ tạ tại các điểm rước kiệu qua như đình Trung, đền Thơi, Đài tưởng niệm, Chùa Thanh Sơn.
Phần hội bao gồm các hoạt động văn hoá văn nghệ và hai đoàn rước kiệu. Trong đó một đoàn đi theo đường thuỷ gồm 7 thuyền lớn được trang trí lộng lẫy đi từ Đình Trung đến Đền Thơi, một đoàn rước theo đường bộ sẽ rước kiệu từ Đình Trung xuống Đền Thơi. Sau đó, hai đoàn sẽ tập trung làm lễ tại chùa Thanh Sơn và quay trở lại Đình Trung. Các đoàn thể khi tham gia sẽ mặc trang phục thể hiện đặc trưng riêng của đoàn thể mình.
Lễ hội Cầu Ngư của người dân Sơn Hải, thể hiện ước muốn được mùa màng bội thu, khai thác đánh bắt hải sản thuận lợi, thu được nhiều lợi nhuận….
Lễ hội đền Đức Hoàng được tổ chức vào ngày 30/1 và 1/2 âm lịch hàng năm, tại xã Phúc Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An), để tưởng nhớ công lao của Hoàng Tá Thốn. Theo các sử liệu, Hoàng Tá Thốn không những có tài thao lược mà còn có công lớn trong việc chiêu dân, mở đất, lập làng... nên được nhân dân nhiều địa phương tôn làm Thành hoàng.
Văn bia và phả tộc họ Hoàng (ở Vạn Tràng) ghi chép: Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn sinh năm Giáp Dần (1254) vào đời vua Trần Thái Tông, ở làng Vạn Phần, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Lịch sử ghi lại, đời vua Trần Nhân Tông, năm Mậu Tý (1288), tướng nhà Nguyên - Mông là Thoát Hoan và Ô Mã Nhi đem quân sang xâm lược nước ta. Tướng quân Hoàng Tá Thốn được cấp ấn phù, thống lĩnh hàng vạn quân cùng tàu thuyền phục kích ở sông Bạch Đằng để đại phá quân giặc.... Dưới tài tổng chỉ huy của Trần Hưng Đạo, trận đánh diễn ra ác liệt, quân ta đại thắng, Ô Mã Nhi bị bắt sống. Vua Trần Nhân Tông phong cho Hoàng Tá Thốn là “Sát Hải Chàng Lại Đại Tướng Quân”. Là vị tướng có dũng khí, trí thông minh và nhiều mưu lược, có công với dân với nước nên sau khi ông mất, triều đình cho lập đền thờ ở nhiều nơi, trong đó có đền Đức Hoàng, xã Phúc Thành huyện Yên Thành. Năm 2000, Đền Đức Hoàng được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Lễ hội đền Đức Hoàng gồm hai phần:
Phần lễ được tổ chức với các nội dung: lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ rước, lễ tế thần, lễ tạ và lễ hoa đăng (lễ cáo từ).
Phần hội nhiều hoạt động phong phú gồm: biểu diễn văn nghệ quần chúng, thi đấu bóng chuyền nam, nữ, đấu vật tự do toàn huyện, thi người đẹp đền Hoàng; các trò chơi dân gian như kéo co, đánh đu, chọi gà, đua thuyền, nấu cơm, bắt cá; các trò chơi hiện đại như mô tô bay, điện tử, xe điện dụng, nhà hơi siêu nhân, xe tàu điện cùng nhiều hoạt động khác.
Lễ hội là dịp để bà con nhân dân địa phương và du khách gần xa tưởng nhớ công đức của Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn - người có công đánh đuổi giặc Nguyên - Mông, đem lại thái bình cho đất nước.
Lễ hội Đền Bạch Mã được tổ chức từ ngày 9 đến 10-2 âm lịch hàng năm, tại huyện Thanh Chương. Đền Bạch Mã là 1 trong 4 ngôi đền linh thiêng nhất xứ Nghệ.
Đền Bạch Mã thờ vị anh hùng Phan Đà, người thôn Chí Linh, xã Võ Liệt. Phan Đàn xuất thân trong gia đình làm nghề chài lưới ven sông Lam. Ông sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ, tuổi trẻ là người thông minh nhanh nhẹn được bạn bè mến phục. Đất nước gặp họa ngoại xâm, năm 1424 ông gia nhập nghĩa quân Lê Lợi chịu trách nhiệm trong việc móc nối, dò la tin tức và chặn đánh các mũi tiến công của địch, lập nhiều chiến công lớn được Bình Định vương Lê Lợi khen là kỳ đồng (tuổi trẻ có tài kỳ lạ). Trong 1 lần do la tin tức của địch, ông bị phát hiện và bị đánh trọng thương và khi về đến căn cứ thì trút hơi thở cuối cùng.
Theo sử cũ, Phan Đà đã nhiều lần linh ứng cứu giúp nhân dân tai qua nạn khỏi, dịch bệnh, phù trợ các triều đại phong kiến đánh thắng kẻ thù. Để tưởng nhớ vị tướng trẻ tài ba, dũng mãnh, sau thắng lợi kháng chiến chống quân Minh, Lê Lợi đã cho xây dựng đền đài làm nơi thờ cúng và phong sắc Đô Thiên Đại Đế Bạch Mã Thượng Đẳng Phúc Thần và cúng tế hàng năm.
Từ năm 2001 đến nay, lễ hội Đền Bạch mã được khôi phục và được tổ chức long trọng vào 2 ngày 9, 10/ 2 âm lịch. Hoạt động của lễ hội đã thu hút đông đảo nhân dân và du khách hập phương thăm viếng, thưởng ngoạn. Lễ hội gồm 2 phần:
Phần Lễ bao gồm: Lễ Dâng hương tại phần mộ Phan Đà, tại Phủ Ngoại; Lễ rước từ Đền Bạch Mã; Lễ yết cáo; Lễ tế thần; Lễ tạ.
Phần Hội: Tổ chức hoạt động văn nghệ, sinh hoạt thơ, bình thơ; tổ chức thi văn nghệ quần chúng và thi người đẹp. Ngoài ra tổ chức các giải thể thao và trò chơi dân gian như: bóng chuyền thanh niên khối THPT, vật cù, cờ thẻ, kéo co nữ, chọi gà…