Lễ hội Nhịp cầu xuyên Á được tổ chức 03 năm một lần vào trung tuần tháng 7 (thường là từ 20/7 – 27/7) nhân kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ 27/7 tại tỉnh Quảng Trị.
Lễ hội “Nhịp cầu xuyên Á” diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch của nhiều đoàn nghệ thuật trong cả nước tham gia cùng một số đoàn nghệ thuật, thể thao của các nước nằm trên trục Hành lang kinh tế Đông – Tây như: Lào, Thái Lan, Myanmar và mời một số đoàn nghệ thuật của Trung Quốc.
Điểm nhấn tại Lễ hội “Nhịp cầu xuyên Á” là liên hoan ca múa nhạc "Đường 9 Xanh". Các hoạt động trong chương trình Liên hoan nhằm quảng bá du lịch Quảng Trị và các vùng liên quan, từ đó góp phần hướng đến khai thác và phát triển tiềm năng kinh tế của các địa phương trong tuyến Hành lang kinh tế Đông –Tây.
Lễ hội thống nhất non sông - Lễ hội gắn với cụm di tích lịch sử đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, nơi chứng kiến nỗi đau 20 năm chia cắt đất nước, nơi biểu hiện cao nhất khát vọng thống nhất và đoàn tụ của dân tộc Việt Nam.
Lễ hội thống nhất non sông gắn với hoạt động kỷ niệm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước 30/04 hàng năm. Đây còn là ngày hội tôn vinh chiến thắng của đồng bào, đồng chí và chiến công của nhân dân cả nước trong cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Lễ hội gồm 2 phần:
Phần lễ gồm: Lễ thượng cờ trên kỳ đài bờ Bắc và khai mạc ngày hội.
Phần hội gồm: Các hoạt động cắm trại, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao của nhân dân trong tỉnh.
Đây là lễ hội cấp Quốc gia được tổ chức vào năm tròn nhân kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/04/1975).
Lễ hội do cộng đồng giáo dân giáo xứ La Vang tổ chức vào ngày 15/08 Dương lịch hàng năm, tại Thánh địa La Vang thuộc xã Hải Phú, huyện Hải Lăng.
Lễ hội tổ chức nhằm kỷ niệm sự kiện “Đức Mẹ Đồng Trinh Maria hiện hình”. Trong dịp này còn có tổ chức rước “Kiệu”, “Kiệu” được tổ chức trọng thể vào những năm chẵn, cứ 3 năm một lần thì gọi là “Kiệu đại hội”.
Lễ hội thu hút hàng chục vạn lượt giáo dân và khách hành hương trên khắp cả nước và nước ngoài về tham dự. Đây thực sự là một lễ hội độc đáo ở tỉnh Quảng Trị.
Lễ hội đua thuyền truyền thống diễn ra hàng năm vào dịp 30/4, kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và 1/5 kỷ niệm ngày Quốc tế lao động.
Đây là một hoạt động trong diễn ra trong khuôn khổ của lễ hội Thống nhất Non sông. Với hàng chục đơn vị thi tài, trong đó có các đội nam và các đội nữ đại diện cho vùng sông nước của các huyện, thị, thành về tham gia. Lễ hội đua thuyền truyền thống là một hoạt động mang đậm nét văn hóa của các ngư dân miền sông nước Quảng Trị.
Chợ Đình Bích La là lễ hội độc đáo, một phiên chợ quê hiếm có chỉ họp mỗi năm một lần vào ngày mùng 03 Tết Nguyên Đán tại chợ Đình Bích La, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong. Làng Bích La lâu nay vốn được biết đến là đất địa linh nhân kiệt, đồng đất nơi này đã nuôi lớn bao bậc danh nhân, trong đó có cố Tổng Bí thư Lê Duẩn và họa sĩ tài danh Lê Bá Đảng...
Truyền thống tổ chức chợ đình của người Bích La có từ thuở xa xưa. Hẳn chẳng ai còn nhớ dấu mốc trọng đại ấy, nhưng nay phiên chợ này đã định danh là một nét văn hóa riêng biệt dành cho làng Bích La, thậm chí còn là một niềm tự hào đối với tỉnh Quảng Trị. Chợ chỉ họp một đêm duy nhất trong năm và chỉ bắt đầu vào lúc nửa đêm (đêm mùng 2 đến sáng 3 Tết âm lịch).
Huyền thoại Chợ Đình Bích La
Tương truyền rằng, thuở dựng làng lập ấp, những bậc mở cõi của làng Bích La đã biết xây đình, trước đình có một hồ nước trong xanh, là nơi trú ngụ của một con rùa vàng. Mỗi năm, vào mùng 3 Tết âm lịch, dân làng Bích La lại tề tựu về đình làng để thắp hương, tri ân những bậc tiền bối, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đời sống an lạc. Cứ mỗi lần như vậy, rùa vàng lại nổi lên mặt nước như để chứng giám cho những lời nguyện cầu tốt đẹp ấy... Nhưng bỗng một năm, khi hương nến đã được thắp lên mà rùa vàng vẫn không thấy tăm dạng, nhiều vị chức sắc trong làng cho đó là điều chẳng lành. Quả nhiên, đó là năm mà người Bích La “trồng đậu đậu úa, trồng lúa lúa khô, trồng ngô thì ngô khô quắt lại”, đời sống cơ cực trăm bề… Từ năm sau, dân làng Bích La đã tự bàn bạc nhau sau khi thắp hương ở đình làng vào rạng sáng mùng ba Tết, họ sẽ tập trung thật đông bên ao đình. Người đốt đuốc, người khua chiêng múa trống, người hò hét để gọi cho bằng được “ngài rùa thần” nổi lên, ban phát “phúc, lộc, thọ” cho dân làng. “Chuyện được kể từ đời này sang đời khác lâu dầu đã trở thành một sự thật hiển nhiên đóng đinh trong tâm khảm mỗi người” - một cụ cao niên của làng Bích La nói.
Rồi điều tưởng như ngẫu nhiên kia cũng trở thành lệ, từ buổi ban sơ nặng tính tâm linh, chợ đình Bích La cũng từ đó mà thành tự bao giờ… Để rồi, trong đêm xuân âm lịch, giữa không khí Tết quê đang tỏa lan khắp xóm làng, không chỉ người dân Bích La mà cả du khách thập phương đã kéo về mảnh đình làng này “đi chợ”. Đêm Bích La như đêm trắng, mọi người dập dìu nhau, dạo qua những gian hàng đang bày bán những sản vật được làm nên từ bàn tay nông dân lam lũ, cùng “mua may, bán rủi”…
Vào ngày lễ, dân làng Bích La lại hội tụ về đình làng thắp hương khấn lễ đầu năm và trẩy hội. Chính từ sự hội ngộ đầu năm đông đúc và mong ước cầu tài, cầu lộc, cầu sự bình yên, làm ăn may mắn nên đã hình thành nên lễ hội chợ đình Bích La và trở thành lễ hội truyền thống của làng.
Lễ hội đêm Thành Cổ thường được tổ chức vào ngày và đêm 1/5 tại thị xã Quảng Trị. Và lễ được tổ chức định kỳ 5 năm một lần vào dịp năm chẵn,năm tròn ngày giải phóng Quảng Trị. Lễ hội gắn với khu di tích Thành Cổ Quảng Trị nhằm tưởng niệm những người con nước Việt đã ngã xuống trên mảnh đất Thành Cổ. Tôn vinh chiến công hiển hách của quân và dân cả nước trong cuộc chiến 81 ngày đêm chống phản kích và tái chiếm của địch. Đồng thời giới thiệu cho du khách những nét văn hoá tiêu biểu của Thành Cổ, một trung tâm chính trị văn hoá, thời Nguyễn ở tỉnh Quảng Trị…
Phần lễ:
-Lễ tưởng niệm tại tượng đài Thành Cổ, kết hợp với kỷ niệm ngày giải phóng thị xã Quảng Trị.
-Thả hoa đèn trên sông Thạch Hãn.
-Lễ dâng hương ở các hương án.
-Lễ cầu siêu chung cho các vong linh đã mất.
Phần hội: Các hoạt động giao lưu, tọa đàm dành cho cựu chiến binh Thành Cổ. Các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch tôn vinh và quảng bá văn hóa truyền thống.
Lễ hội là hoạt động tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đang yên nghỉ trên Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang quốc gia Đường 9 và các nghĩa trang khác ở Quảng Trị. Lễ hội này gắn với hoạt động kỷ niệm ngày Thương binh liệt sỹ 27/7, thể hiện trách nhiệm và tình cảm của người còn sống với anh hùng liệt sỹ đã hi sinh và vì đạo lý uống nước nhớ nguồn của nhân dân ta.
Phần lễ: Gồm Lễ cáo kết hợp với lễ viếng nghĩa trang được tổ chức trước ngày giỗ chính. Lễ giỗ tại đền thờ nghĩa trang dành cho các đoàn hành hương tổ chức trong cả hai ngày 26 và 27/7. Lễ giỗ chính do lãnh đạo tỉnh chủ trì tổ chức tại Đài tưởng niệm nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn chiều 27/7. Cùng ngày, tất cả các nghĩa trang liệt sỹ trong toàn tỉnh đều tiến hành lễ viếng, dâng hương.
Phần hội: Gồm các hoạt động tổ chức hành hương cắm trại tại nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn. Tuỳ theo điều kiện từng lễ hội để tổ chức các hoạt động giao lưu nghệ thuật, tôn vinh chiến công của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Cuối ngày dâng nến trên tất cả các phần mộ ở hai nghĩa trang liệt sỹ quốc gia. Lễ hội Trường Sơn huyền thoại sẽ được tổ chức ở hai nghĩa trang liệt sỹ quốc gia nhưng phần Hội tập trung ở nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn. Đại giỗ sẽ được tổ chức định kỳ ba năm một lần.
Ðây là hội làng được tổ chức tại đình An Mỹ, làng Cẩm Phổ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh vào ngày 04/01 Âm lịch hàng năm. Lễ hội kéo dài hai ngày, sau phần lễ tế cầu an là trò chơi cướp cù. Nét độc đáo của hội cướp cù là bên nào huy động được nhiều người tham gia không kể già, trẻ, gái, trai thì càng dễ thắng cuộc. Ðây là một hình thức hoạt động thể thao mang tính dân gian của người dân Quảng Trị.
Ngày 26/1 (mùng 4 tết), đông đảo nhân dân các nơi nô nức đổ về đồi cát vàng, thuộc làng Cẩm Phổ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, tham gia Hội cướp cù đầu xuân.
Theo thông lệ, hội được tổ chức trong hai ngày (mùng 4 và 5 tết) thu hút đông đảo người dân địa phương và các vùng lân cận đến xem và cổ vũ.
Truyền thuyết kể rằng: Ngày xưa có hai ông bà lão sống dưới một gốc cây cổ thụ bên đồi cát của làng không có con nhưng rất thích chơi với bọn trẻ. Mỗi lần mang quà đến cho những đứa trẻ chăn trâu, bò trên đồi cát, ông bà thường tung quà lên trời rồi bảo bọn trẻ tranh nhau cướp quà.
Ông bà tốt bụng này còn dạy cho bọn trẻ mục đồng những trò chơi chia phe cướp quà hấp dẫn khác. Trò chơi “cướp cù” của làng Cẩm Phổ bắt nguồn từ đó và sau này trở thành ngày hội lớn của làng.
Ngày nay, hội cù truyền thống của làng Cẩm Phổ thường được tổ chức vào các ngày mồng 4 và mồng 5 Tết Nguyên đán. Đây là thời điểm dân làng không còn vướng bận công việc đồng áng của ngày thường, có thể bắt đầu du xuân và về tham dự lễ hội.
Vài ngày trước lúc diễn ra hội cù, dân làng chọn những gốc cây chuối sứ to đem đốt chín rồi lấy ra gọt thành những quả cù tròn, đường kính 20 x 20 cm, nặng khoảng 3 kg. Đồi cát vàng rộng nhất, đẹp nhất của làng được chọn làm địa điểm tổ chức hội cù.
Ở giữa bãi cát, người ta chôn hai cột tre hoặc dương to, thẳng, cao khoảng 5 – 7 mét, phía trên mỗi cột có treo một cái rọ được đan bằng tre với đường kính 40 cm cùng với quốc kỳ.
Trong trang phục của lễ hội, các bậc cao niên và chức sắc có uy tín của làng tiến hành làm lễ cúng tế trời đất để khai mạc hội cù. Sau tiếng trống khai hội, trận đấu chính thức bắt đầu trong tiếng reo hò cổ vũ nồng nhiệt của đông đảo người tham dự và tiếng trống làng liên tục vang lên từng ba tiếng một trong suốt quá trình diễn ra hội thi.
Theo thể lệ cuộc thi, mỗi trận đấu có hai đội chơi tham gia, số lượng người chơi của mỗi bên không hạn chế và không phân biệt già trẻ, gái trai. Tuy không quy định cụ thể số người chơi, nhưng trò chơi cướp cù ở làng Cẩm Phổ thường có khoảng 150 người, lúc đông lên tới 250 – 300 người. Đặc biệt, nếu người đang chơi vì một lý do nào đó mà không thể tiếp tục cuộc chơi, thì người đứng ngoài xem vẫn có thể nhảy vào thay thế ngay lập tức.
Ra sức cướp cù và đưa cù lên đích.
Mỗi trận đấu thường được chia làm ba hiệp, mỗi hiệp kéo dài từ 30 phút đến một tiếng. Không giống như những trò chơi khác, những người chơi cướp cù ở làng Cẩm Phổ cùng tranh nhau quả cù rồi cố gắng ném quả cù cướp được vào chính rọ của đội mình trong sự cản phá của đối phương. Trong sự tranh giành quyết liệt, nếu đội nào ném được quả cù vào rọ của mình thì đội đó chiến thắng và được ghi danh vào lịch sử hội cù của làng.
Ngày trước, làng đặt giải thưởng 8 quan tiền, trị giá bằng một con bò cho người nào ném được quả cù vào đúng rọ của đội mình, nhưng trong vài năm trở lại đây chưa có ai ném lọt quả cù vào rọ. Tính nhân văn của hội cù làng Cẩm Phổ thể hiện ở chỗ, dù thắng hay thua thì người chơi của các đội vẫn vinh dự được làng mời uống những chén rượu cay nồng để lấy lộc đầu năm kèm theo những cái bắt tay thân thiện và vui vẻ.
Hội cướp cù dân gian truyền thống của làng Cẩm Phổ không đơn thuần thể hiện tinh thần thi đấu thể thao, thượng võ của vận động viên mà còn mang ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, ngư dân ra khơi thuận buồm xuôi gió, đánh bắt được nhiều cá tôm, con dân của làng học hành đỗ đạt, làm ăn phát tài phát lộc…
Cùng với các trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc như: đánh đu, kéo co, đô vật, nhảy bao bố…, hội cướp cù của làng Cẩm Phổ cũng đã có lịch sử hàng trăm năm và vẫn được con dân trong làng trân trọng giữ gìn cho đến tận ngày nay như một phong tục tập quán mang đậm dấu ấn nét bản sắc của một làng quê Việt Nam.
Arieuping là một trong những lễ hội truyền thống độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Pakô trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Lễ hội Arieuping là lễ hội cúng nhà mồ, kèm với nghi thức của phong tục, tập quán là cất bốc, quy tập phần mộ của người đã khuất về với ngôi nhà chung như khi họ đang còn sống.Ý nghĩa của lễ hội này minh chứng cho sự đoàn kết, gắn bó vĩnh hằng của dòng họ trong cộng đồng dân tộc Pakô lúc còn sống cũng như lúc về với cõi vĩnh hằng. Lễ hội biểu hiện sự tôn kính, hiếu nghĩa của người sống đối với người đã khuất. Theo quan niệm của người Pakô, khi lễ hội Arieuping được tổ chức, lúc này mới kết thúc vòng đời của một con người.
Lễ hội Ariêu Ping, một lễ hội văn hóa tín ngưỡng độc đáo của đồng bào Pa Cô đã diễn ra tại thôn A Liêng, xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, từ 13 - 15/7.
Lễ hội Ariêu Ping hay còn gọi là lễ cải táng và phong thần, là một lễ hội truyền thống mang nét văn hóa tâm linh đặc sắc, và là lễ hội lớn nhất của đồng bào Pa Cô.
Lễ hội được tổ chức nhằm tỏ lòng tôn kính và tưởng nhớ đến những người đã khuất; khơi dậy những nét đẹp văn hóa truyền thống đã ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào từ xa xưa; là dịp để tụ hợp lại con cháu trong dòng họ. Lễ hội cũng là dịp để đồng bào giải quyết các vấn đề vướng mắc cả về phong tục tập quán lẫn đời sống xã hội đã tồn tại trong cộng đồng; phân định lại ranh giới đất đai; phân công trách nhiệm của từng làng về quan hệ giao tiếp, ứng xử và đối phó, xử lý các tình huống có thể xảy ra trong đời sống hàng ngày,...
Theo già làng Côn Hy, lễ hội Ariêu Ping có từ lâu đời. Từ ngàn đời nay, ở khắp bản làng, người Pa Cô đều sống theo phong tục, tập quán, lễ nghi. Người Pa Cô quan niệm xung quanh đời sống hiện tại có thần, nên đồng bào rất tôn trọng các lễ nghi. Sự liên kết cộng đồng, làng bản thể hiện qua các phong tục, tập quán, lễ nghi. Đây là sợi dây ràng buộc và gắn chặt các thành viên trong làng thành một khối đoàn kết.
Nội dung của lễ hội Ariêu Ping là tổ chức cất bốc những ngôi mộ người thân của các gia đình trong làng ở rải rác các nơi và quy tập về một khu vực để tiện hương khói.
Lễ hội thường kéo dài trong 3 ngày, 3 đêm. Đầu tiên, đồng bào làm chung một ngôi nhà ở trung tâm dùng để mời các già làng, trưởng bản lân cận, những vị khách quý đến tham dự ở trong suốt thời gian lễ hội diễn ra. Một ngôi nhà mồ được dựng lên, là nơi đặt hài cốt tập thể được bốc từ các nơi về. Các nghi lễ thờ cúng diễn ra theo phong tục của đồng bào Pa Cô. Sau đó, các hài cốt này được đưa về an táng tại một khu vực nhất định.
Già làng Côn Hy, chịu trách nhiệm điều hành lễ hội Ariêu Ping của làng A Liêng lần này cho biết, lễ hội Ariêu Ping năm nay được tổ chức với sự tham gia của 9 thôn trong xã.
Trong thời gian diễn ra lễ hội Ariêu Ping, có nhiều hoạt động văn hóa truyền thống được tổ chức, trong đó có lễ hội đâm trâu. Mọi người tham gia lễ hội đều nhảy múa xung quanh nhà mồ cho đến khi lễ hội kết thúc.
Chủ tịch UBND xã Tà Rụt, ông Hồ Văn Ngơn cho biết, lễ hội Ariêu Ping không được ấn định niên hạn tổ chức mà căn cứ theo tình hình điều kiện đời sống kinh tế của các hộ gia đình trong làng để tổ chức với quy mô phù hợp. Đây là lần thứ 3 lễ hội Ariêu Ping được tổ chức tại làng A Liêng. Lần đầu, lễ hội được tổ chức vào tháng 12/1975, khi bà con dân bản được tập trung về làng sau thời gian chiến tranh. Lần gần đây nhất lễ hội được tổ chức vào năm 1986 với sự tham gia của 12 làng, nhằm giải quyết các tồn tại về vấn đề quản lý, về ứng xử trong cộng đồng, vấn đề hôn nhân, luật tục và tập quán sống.
Được biết, trong dịp tổ chức lễ hội Ariêu Ping năm nay, hai làng A Liêng và A Vương của xã Tà Rụt đã kết hợp tổ chức Lễ đón nhận Làng văn hóa đồng thời tổ chức Hội thi Thể thao truyền thống với sự tham gia của 7 xã của huyện Đakrông và tổ chức Lễ hội văn hóa Cồng chiêng với 9 thôn trong xã Tà Rụt tham gia.
Lễ hội cầu ngư truyền thống Vĩnh Thạch diễn ra hàng năm vào ngày Rằm tháng 5 , tại thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, nhằm cầu quốc thái - dân an, ngư dân ra khơi thuận buồm - xuôi gió đánh bắt nhiều cá tôm…
Xã Vĩnh Thạch có 10 thôn, nhưng chỉ có thôn Vịnh Mốc là có người dân đi biển đánh cá. Cả thôn có 120 thuyền, đây là phương tiện sản xuất chủ yếu giúp cho trên 350 hộ dân thôn Vịnh Mốc nâng cao thu nhập hàng năm.
Ngoài phần lễ, phần hội được xã tổ chức với nhiều nội dung như: hội thi đan lưới, hò chèo cạn cầu mùa …
Đặc biệt, hội thi đua thuyền truyền thống, nhằm tái dựng lại cuộc sống thường ngày của ngư dân làng chài Vịnh Mốc, phát huy tinh thần anh dũng, kiên cường của những lão ngư Vịnh Mốc trong những năm chống Mỹ cứu nước đã không quản ngại hy sinh, gian khổ ngày đêm tiếp tế cho cán bộ, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ, các đội đua gồm những trai tráng thôn Vịnh Mốc đã cống hiến hết mình đưa thuyền về đích trong sự cổ vũ của đông đảo người xem.
Lễ hội cầu ngư truyền thống được xã Vĩnh Thạch tổ chức hàng năm có ý nghĩa quan trọng nhằm động viên ngư dân của xã đoàn kết, ngày ngày ra khơi bám biển góp phần nâng cao đời sống và giữ vững chủ quyền an ninh biên giới tuyến biển của Tổ quốc.