Nằm trên địa phận xã Ninh Sơn thuộc thị xã Tây Ninh cách trung tâm thị xã chừng 11km về phía Tây Bắc, khu di tích danh thắng núi Bà Đen gắn với nhiều truyền thuyết, tín ngưỡng dân gian được đánh giá là vùng đất tâm linh vào hàng bậc nhất của vùng đất Nam bộ. Trên núi có nhiều hang động, đền đài, am miếu thờ nhiều vị thần linh, tiên, thánh, Phật, trong đó vị thần chính là Bà Đen được sắc phong Linh Sơn Thánh Mẫu. Hàng năm tại núi Bà Đen có hai lễ hội được nhiều người biết đến: hội Xuân núi Bà diễn ra từ đêm 18 và ngày 19 tháng Giêng âm lịch và hội Vía Bà được tổ chức trong ba ngày 4, 5, 6 tháng Năm âm lịch.
Vào dịp Tết Nguyên đán, khi tiết trời còn mát mẻ, cảnh vật như được khoác lên một màu áo mới thì lòng người cũng hồ hởi hân hoan…, người ta rủ nhau đi trẩy hội núi Bà. Tuy vía Bà diễn ra từ đêm 18 và ngày 19 tháng Giêng nhưng trong suốt tháng Giêng và cả tháng Hai, núi Bà Đen trở nên đông vui với dòng người tấp nập tuốn về. Khách đến hành hương vì nhu cầu tín ngưỡng đã đành nhưng người đi phó hội vì muốn tham quan, giải trí chiếm tỷ lệ không nhỏ, nhiều người về đây như muốn hòa chung niềm vui cùng đất trời.
Từ chân núi, khách trẩy hội phải dùng chính sức mình để chinh phục ngọn núi. Khi đến lưng chừng, có thể ghé vào lễ tại đền Linh Sơn Thánh Mẫu trước khi tiếp tục theo đường mòn để lên chùa lễ Phật. Gần đỉnh núi còn có ngôi miếu Sơn thần, đứng tại đây khách có cảm giác như đang lạc vào chốn thần tiên khi nhiều đám mây là là dưới chân. Cũng từ đây khách có thể phóng tầm mắt bao quát toàn cảnh hồ Dầu Tiếng, một công trình thủy lợi vào hàng đẹp và lớn ở Việt Nam. Những người hành hương lên núi Bà thường thích xin những gói giấy đỏ trong đựng một nhúm gạo hoặc tiền lẻ như nhận lộc Bà đầu năm, với hy vọng một năm làm ăn phát lộc, phát tài…
Khác với hội Xuân, hội Vía Bà là lễ hội quan trọng nhất trong năm, được tổ chức vào ba ngày 4, 5, 6 tháng Năm âm lịch. Hội Vía Bà khởi đầu bằng lễ Mộc Dục (tắm tượng) được tiến hành vào lúc 0 giờ ngày 4 tại điện thờ. Đây là một nghi thức trang nghiêm, người bên ngoài không được tham dự và cửa điện được đóng kín, đèn nến cũng tắt gần hết. Sáu phụ nữ trung niên trong đó có ba ni cô của nhà chùa sẽ cử hành nghi thức tắm tượng. Đầu tiên mọi người đến trước tượng Bà làm lễ thắp nhang, xin được phép tắm và thay áo cho Bà. Được nửa tuần nhang, dưới sự điều động của một phụ nữ cao tuổi trong nhóm, mọi người bắt đầu cởi áo khoác trên tượng Bà rồi chuyền tay nhau những gáo nước thơm được nấu từ các loại hoa sen, lài, sứ, quế, dầu thơm… dội lên tượng Bà, kỳ cọ sạch sẽ, sau đó dùng những chiếc khăn khô và sạch được xông hương để lau khô tượng Bà rồi khoác lên một bộ áo mới.
Khi nghi thức tắm và thay áo cho tượng Bà vừa kết thúc, các phụ nữ lại thắp nhang vái lạy Bà, lúc này nhang đèn trong điện cũng được thắp lên và các cửa điện mở ra cho khách hành hương vào lễ bái. Trong suốt ngày này tại Điện Bà diễn ra các nghi thức lễ hội dân gian gồm hát bóng rối chào mời, hát chặp bóng tuồng hài “Địa Nàng”, múa dâng bông, dâng mâm ngủ sắc, múa đồ chơi (múa lu, múa lục bình, múa bông huệ…)…
Ngày 5 là ngày lễ vía chính thức của Bà cũng là ngày hội núi Bà. Nghi lễ quan trọng nhất là “Trình thập cúng” dâng lên Bà 10 món gồm hương, đèn, hoa quả, trà bánh, rượu… Trong ngày này các vị sư thay nhau tụng kinh liên tục trước bàn thờ Bà. Ngày 6 dành cúng các cô hồn, uổng tử và chẩn tế cho bá tánh. Trong ngày này các sư sải tham dự sẽ đọc kinh sám hối siêu độ cho các oan hồn. Buổi chiều sau lễ cúng ngọ là lễ thí thực cô muối. Ban đêm các nhà sư tiếp tục các chầu kinh siêu độ cho bá tánh.
Dù được tổ chức vào ngày xuân hay ngày hè, lễ hội núi Bà vẫn có sức thu hút đặc biệt đối với nhiều người cả trong và ngoài tỉnh. Những nghi thức trong lễ hội núi Bà vừa có tính chất trang nghiêm của lễ thức Phật giáo, vừa mang sắc thái tươi vui rộn ràng của tín ngưỡng dân gian, chuyển tải một cách dung dị những ước mong của đại chúng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc…, thể hiện rõ nét đặc trưng của nền văn hóa dân gian Nam bộ…
Ở Tây Ninh, tập tục thờ cúng Quan lớn Trà Vong từ lâu nay đã trở thành một hình thức tín ngưỡng dân gian đặc biệt. Cho đến nay, ngày giỗ của Quan lớn Trà Vong hằng năm đã trở thành một lễ hội dân gian thực sự với sự tham dự của đông đảo nhân dân trong, ngoài địa phương, kéo dài từ tháng 2 cho đến tháng 4 âm lịch. Tại đền thờ Quan lớn Trà Vong ở ấp Tua Hai, xã Đồng Khởi (Châu Thành), trong 2 ngày 15 và 16.2 âm lịch, lễ giỗ đã được tiến hành với các nội dung cúng tế tưởng nhớ vị công thần họ Huỳnh ngày trước và các nghi thức cầu an.
Tại đền thờ Quan lớn Trà Vong Suối Vàng, thuộc ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Tân (thị xã Tây Ninh) lễ giỗ đã tổ chức trong 2 ngày 20 và 21 tháng 2 âl. Theo truyền khẩu của dân gian đây là nơi ngày xưa Quan đại thần Huỳnh Công Giản tổ chức tập luyện binh mã. Ngôi đền đã được nhân dân xây dựng khá lâu. Đến năm 1995, nhân dịp tỉnh lộ 4 được mở rộng, người dân đã tiến hành xây dựng ngôi đền mới thật khang trang, tường gạch, cột bê tông, mái ngói với kiến trúc kiên cố theo hình chữ tam. Đây là ngôi đền thờ Quan lớn Trà Vong lớn nhất trong tỉnh so với các đền khác. Số lượng khách đến viếng cũng rất đông. Ngôi đền này thờ cả 3 vị quan đại thần Huỳnh Công Giản, Huỳnh Công Thắng và Huỳnh Công Nghệ. Trong dịp này, đền thờ Quan lớn Trà Vong Suối Vàng đã tổ chức trọng thể lễ đón sắc phong từ lăng mộ ông Huỳnh Công Giản (ấp 3, xã Trà Vong, Tân Biên). Cũng cần nói rõ thêm: vào giữa năm 2009, Ban Hội các dinh, đền thờ Quan lớn Trà Vong toàn tỉnh đã xin phục chế sắc phong của đại thần Huỳnh Công Giản và đã được Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế nghiên cứu, phục chế bản sắc phong dựa theo các tài liệu lịch sử.
Tại xã Cẩm Giang (Gò Dầu) có đền thờ của Quan đại thần Huỳnh Công Thắng. Lễ giỗ được tổ chức hằng năm vào ngày mùng 6 tháng 4 âl. Ngôi đền kiến trúc 3 lớp hình chữ Nhị. Trong đền có tượng ông Huỳnh Công Thắng. Gần ngôi đền còn có ngôi mộ của vị đại thần này. Hiện nay, đền thờ này đã được tu bổ khá khang trang, nhiều công trình phục vụ sinh hoạt cũng đã hình thành.
Tại rạch Vàm Bảo - Bến Thứ (xã Hảo Đước, Châu Thành) có đền thờ của ông Huỳnh Công Nghệ. Nơi yên nghỉ cuối cùng của ông hiện nay vẫn chưa tìm thấy dấu vết. Tương truyền, khi ông qua đời nhân dân đã chôn cất ông giữa một khu rừng rậm nào đó, lâu ngày đã thất lạc mồ mả,
Nói chung, nghi thức lễ Quan lớn Trà Vong gần giống như lễ kỳ yên ở các đình Nam bộ và trong khu vực Tây Ninh. Lễ vật dâng cúng chủ yếu là thức ăn mặn cùng hương, hoa, đèn nến… Có chủ tế cùng các lễ sinh cũng như các ban nhạc, đờn ca tài tử khi hành lễ. Riêng tại lễ giỗ của ông Huỳnh Công Giản, nhiều nơi còn tổ chức biểu diễn hát bội cho dân làng xem.
Theo Địa chí Tây Ninh, cách đây trên 300 năm, những người dân Việt đầu tiên đã tiến về phương Nam, khai phá đất đai ở lưu vực sông Vàm Cỏ Đông, lập nên những khu dân cư mới. Khu Bình Tịnh – Phước Lộc là khu đất đầu tiên của Tây Ninh được khai phá và làng Bình Tịnh, xã An Tịnh, làng Gia Lộc, thị trấn Trảng Bàng, huyện Trảng Bàng là 2 làng cổ nhất của Tây Ninh.
Trong tiến trình khai hoang, lập ấp ở Trảng Bàng, ông cả Đặng Văn Trước là người có công lớn. Để ghi nhớ ơn ông, nhân dân trong làng đã xây đền thờ ông, rồi tôn ông làm Thành hoàng làng, thờ tại đình Gia Lộc, thị trấn Trảng Bàng, huyện Trảng Bàng. Hàng năm, nhân dân tổ chức lễ hội tại đình, hay còn gọi là lễ cúng đình, lễ Kỳ Yên, từ ngày 14 đến 16 tháng 3 (Âm lịch), để cầu nguyện cho mưa thuận gió hoà, một năm an lành, mùa màng bội thu, cũng là để kỷ niệm ngày ngày mất của ông.
Theo các bậc cao niên, từ năm 1926, sau khi đình được trùng tu, lễ kỳ yên ở đình Gia Lộc đã được tổ chức liên tục cho đến ngày nay, trở thành nề nếp sinh hoạt tín ngưỡng dân gian của người dân đất Trảng.
Lễ hội được tổ chức tại đền Ông cả Đặng Văn Trước và đình Gia Lộc. Vào 6 giờ sáng ngày 14 tháng 3, dân làng tiến hành làm lễ thỉnh sắc thần từ đền Ông cả về đình Gia Lộc. Sau khi Trưởng ban nghi lễ niệm hương xin thỉnh hàm ấn, Chánh lễ lấy sắc thần được bọc bằng vải hay lụa đỏ đựng trong một chiếc ống thiếc có nắp đậy, trải sắc ra, bọc cuốn lại bằng khăn điều mới, rồi đặt lên kiệu. Kiệu trang hoàng lộng lẫy, sơn son thếp vàng, do 4 lính thú khiêng. Đi theo kiệu có 2 Đào thài, 2 Trò lễ, dàn nhạc, quân hầu cầm 16 binh khí, tàn, lọng. Việc thỉnh sắc thần thể hiện lòng tôn kính, niềm tự hào của dân làng đối với Thành hoàng làng. Đoàn người tham gia lễ thỉnh sắc thần kéo dài hàng cây số. Dẫn đầu là lân, rồng, kế đến là ngựa có đai, yên phủ vải đỏ, có lính thú dẫn đường.
Sắc thần được rước vào đình, tiến hành cúng an vị, cúng tiền vãng (cúng những vị có công xây dựng đình).
Sau cúng tiền vãng là lễ túc yết (lễ xin ra mắt, yết kiến, một trong những nghi lễ không thể thiếu trong lễ kỳ yên). Phẩm vật chính bao gồm : 2 con heo quay, 1 con heo sống để tưởng nhớ thời ông cha ăn lông, ở lỗ, xôi, bánh trà, hoa, rượu… Sau khi trống đổ ‘tiếp giá nghinh thiêng’, trên nền nhạc Nam xuân, Nam ai, Đảo ngũ cung, có Đào thài, 14 học trò lễ lần lượt dâng cúng 3 tuần rượu, 1 tuần hương, 4 tuần trà. Học trò lễ cung kính dâng lên các vị thần lễ vật bày tỏ lòng tri ân của nhân dân đối với Thành hoàng, Tiền hiền, Hậu hiền, những người có công mở mang bờ cõi, có công xây dựng đình như hôm nay. Trong lễ túc yết, lễ thức quan trọng là phần khấn nguyện, ngưỡng vọng linh thần, Thành hoàng bản cảnh xã Gia Lộc - Ông cả Đặng Văn Trước. Tiếp đến là nghi lễ ẩm phước, phân phát lộc của các vị thần đến các ông Chánh tế, Bồi tề, Đông hiến, Tây hiến.
Trong lễ kỳ yên, lễ xây chầu - đại bội (chầu hát cầu mùa màng bội thu) là lễ thức quan trọng. Xây chầu không thể thiếu trống chầu. Người xây chầu là người cao tuổi, thể hiện sự trường thọ, người có đạo đức và nắm rõ nghi thức hành lễ. Trống chầu ở đình Gia Lộc là loại trống đại, có từ lâu đời. Cụ Nguyễn Văn Kềm, 88 tuổi, đã trông nom đình 45 năm cho biết, lúc nhỏ đến chơi ở đình đã thấy trống chầu này. Trống chầu phải được đặt đúng hướng, đúng luồng sinh khí để tránh những điều kỵ với chủ tế. Trống trở thành thái cực linh thiêng. Vì vậy, không ai được bước lên sân khấu, hoặc trải chiếu dưới trống. Người ta tin rằng, tiếng trống thái cực đêm khuya chẳng những làm cho thông thiên triệt địa, khiến cho hoàng thiên hậu thổ, thánh thần cảm ứng, mà còn tiêu diệt phiền não và khổ ải, đem lại sự an lạc, hòa ái. Tiếng trống sẽ xua tà ma, yêu quái tránh xa, biến mất. Tiếng trống còn có một sinh lực thức tỉnh con người, tránh xa những điều xấu, đoàn kết làm những điều lành cho quốc thái dân an.
Lễ cúng đình thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, sự gắn kết cộng đồng, không chỉ trên địa bàn của xã Gia Lộc, của huyện Trảng Bàng, mà còn có ảnh hưởng lan toả trong và ngoài tỉnh. Lễ hội còn lưu giữ được các lễ thức xưa, các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; nhiều trò chơi dân gian, trò diễn của đình Nam Bộ được lưu giữ như: hát bội, chọi gà, kéo co, nhảy bao bố, thi kết hoa, trái, làm bánh tráng phơi sương, nấu bánh canh Trảng Bàng… Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc sắc của lễ hội, năm 2012, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Lễ hội Kỳ yên ở đình Gia Lộc vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình Lễ hội truyền thống.
Núi Bà Đen thuộc xã Thạnh Tân, huyện Hoà Thành, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, cách thị xã Tây Ninh 11km về phía đông bắc. Núi Bà Đen có nhiều truyền thuyết, tín ngưỡng dân gian và nơi đây hàng năm diễn ra những lễ hội lớn không chỉ của Tây Ninh mà còn của cả vùng đất Nam Bộ. Vị thần thờ chính trên núi là Bà Đen hay còn gọi là Linh Sơn Thánh Mẫu. Bà được thờ ở Điện Bà khoảng lưng chừng núi. Ngày hội lễ được xem là quan trọng nhất ở Núi Bà trong năm là lễ vía Bà tổ chức vào các ngày mùng 4, 5, 6 tháng 5 âm lịch.
Mọi việc chuẩn bị cho lễ vía Bà được tổ chức từ nhiều ngày trước đó để kịp đến khuya mùng 3 rạng mùng 4 sẽ làm lễ tắm Bà và thay áo cho Bà. Vào lúc này cửa điện được đóng kín, đèn nến tắt gần hết chỉ còn lại 6 phụ nữ trung niên trong đó có 3 ni cô của nhà chùa bắt tay vào nghi thức tắm tượng Bà, mọi người đến trước tượng Bà làm lễ thắp nhang, xin phép được tắm và thay áo cho Bà. Giữa tuần hương, dưới sự điều hành của một phụ nữ lớn tuổi trong nhóm, mọi người cùng bắt tay và cởi áo khoác trên tượng bà trong suốt năm qua, rồi chuyền tay nhau những gáo nước nấu bằng lá thơm trong rừng (về sau có pha thêm nước hoa) dội lên tượng Bà kỳ cọ sạch sẽ. Sau khi dội nước xong lần cuối, mọi người dùng những chiếc khăn khô và sạch lau khô tượng Bà và thay cho tượng một bộ áo mới. Người ta tin rằng nước tắm tượng Bà thải ra là một vị thần chữa được bá bệnh, và ngay cả khăn lau và bộ áo cũ của tượng Bà là một thứ bùa ngải linh thiêng, nên không ít người mê tín đến xin hoặc mua nước tắm, khăn lau áo cũ tượng Bà đem về chữa bệnh.
Tắm và thay áo cho Bà xong, những người phụ nữ thắp một lần hương nửa, và thắp đèn nến trở lại cho sáng sủa rồi mở rộng các cửa điện để đón các thiện nam, tín nữ vào thắp hương cầu khấn Bà.
Sáng ngày mùng 4 lễ hội Núi Bà bắt đầu sau khi nghi thức tắm và thay áo cho Bà, các du khách chen chúc nhau vào chánh điện để chiêm bái thắp hương cầu khấn Bà. Suốt ngày mùng 4 tại điện Bà diễn ra các nghi thức lễ hội dân gian gồm: Hát bóng rối chầu mời, hát chặp bóng tuồng hài "Địa Nàng", múa dâng bông, dâng mâm ngũ sắc, múa đồ chơi (Múa lu, múa lục bình, múa bông huệ...).
Ngày mùng 5 là ngày lễ vía chính thức của Bà và cũng là ngày lễ hội Núi Bà đông vui nhất. Những nghi lễ trong ngày mùng 5 quan trọng nhất là lễ "Trình thập cúng". Trong lễ này người ta dâng lên Bà 10 món bao gồm: Hương, đèn, hoa quả, trà bánh, rượu... Trong suốt ngày mùng 5, các vị sư thay nhau tụng kinh liên tục trước bàn thờ Bà.
Ngày mùng 6 dành cho việc cúng các cô hồn, uổng tử và chẩn tế cho bá tánh. Ngày cúng này có sự tham dự của các sư sải, để đọc kinh sám hối siêu độ cho các oan hồn. Những khách về tham dự, vào điện Bà tiếp tục cầu khấn, dâng hương. Buổi chiều sau lễ cúng ngọ, là lễ thí thực cô muối. Ban đêm các nhà sư tiếp tục các chầu kinh siêu độ cho bá tánh... Những ngày sau đó du khách vẫn tiếp tục hành hương về thăm Núi Bà và hành lễ ở Điện Bà.
Những ngày hội Núi Bà trong năm có rất đông du khách trong và ngoài tỉnh về tham dự, cùng với các sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, đông vui. Những nghi lễ trong lễ hội Núi Bà vừa mang tính chất của các hoạt động tín ngưỡng và của Phật giáo, thể hiện những mong ước của đại chúng về một cuộc sống thịnh vượng, an khang