Đền Trinh Hưởng nằm ở phía Tây xã Thiên Hương huyện Thuỷ Nguyên. Đền thờ 3 anh em họ Đào là những người đã có công trong cuộc kháng chiến chống quân tống xâm lược do Lê Hoàn lãnh đạo trên sông Bạch Đằng năm 981. Ngày 12 tháng Giêng âm lịch là ngày lễ chính của làng, đó là ngày các vị thắng trận trở về quê hương, khao thưởng dân làng. Ngày đó đã trở thành ngày hội làng hàng năm. Hội làng Trinh Hưởng bắt đầu từ ngày 11 tháng 1 đến hết ngày 13 tháng 1 âm lịch.
Sáng 11 tháng 1, các giáp rước kiệu thánh từ các đền ra đình, người khiêng kiệu là những thanh niên trai tráng khoẻ mạnh, ăn chay một ngày trước khi có rước, họ mặc áo the, quần trắng, gia đình phải không có tang trở.
Trình tự đám rước thường là cờ quạt đi đầu tiên, rồi đến người mang chấp kích, bát biểu, tiếp theo là kiệu. Sau kiệu là các quan viên, dân trong giáp ngoài làng. Người điều khiển đám rước là ông Đám do các bô lão trong làng cử ra. Vì rước kiệu 3 nơi về đình nên kiệu giáp Cả bao giờ cũng về đình trước rồi đến giáp Bắc cuối cùng là giáp Đoài. Đám rước đi tới đâu đều thu hút và kéo theo mọi người xem hội đến đó làm cho đám rước mỗi lúc một đông vui. Vì ngày 12 tháng 1 là ngày hội chính nên buổi sáng thường dành cho khách thập phương tới lễ, còn các giáp sẽ rước cỗ tế lễ vào buổi chiều, mâm lễ cũng thật đơn giản và có ý nghĩa: một mâm bánh chưng, một mâm bánh dày và một mâm hoa quả. Lễ cúng được tiến hành ba tuần: tuần đầu dâng hương hoa, tuần hai dâng nến, toà bát tiên, tuần ba dâng oản quả. Trong tế lễ, người ta đọc chúc tuyên dương công đứccủa các vị được dân làng tôn thờ. Ngoài nghi lễ, trong ngày hội làng còn có các trò vui, nhiều người đi xem hội đồng thời cũng là người than gia vào các trò vui của hội. Người ta tổ chức đấu vật để đọ sức, đánh cờ người để đấu trí, hát chèo, hát ca trù và hò đối đáp của thanh niên nam nữ. Vào khoảng 5 giờ chiều ngày 13 tháng 1 nhân dân các giáp tới đình rước kiệu các vị được thờ về đền của giáp mình. Đám rước được tản về các ngả của thôn xóm trong tiếng trống rước và tiếng bát âm rộn ràng như báo hiệu ngày hội làng sắp kết thúc. Đám rước tiếp tục đi trong ánh đuốc bập bùng và dưới ánh trăng trong đêm khuya.
Đền Trinh Hưởng đã được Bộ Văn hoá thông tin xếp hạng là một di tích lịch sử văn hoá, cho đến ngày nay người dân làng Trinh Hưởng vẫn duy trì lễ hội truyền thống tốt đẹp của mình với tình cảm uống nước nhớ nguồn trong dịp đầu xuân.
Kỳ Sơn là một trong 4 làng của xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy. Cùng với lễ hội Vật cầu của làng Kim Sơn, lễ hội Rước lợn "ông Bồ" và chạy đá của Kỳ Sơn gợi mở cho du khách cuộc kiếm tìm ý nghĩa của một sinh hoạt văn hóa dân gian, một minh chứng sức sống mãnh liệt của hội làng truyền thống.
Ngoài đặc điểm chung là "lễ hội của nông dân", lễ Rước lợn "ông Bồ" (tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng âm lịch) còn mang sắc thái địa phương với nguyện ước mong sao cuộc sống thanh bình, mùa màng tốt tươi, cây trồng vật nuôi sinh sôi nảy nở. Tìm hiểu về lễ Rước lợn "ông Bồ" của Kỳ Sơn, nhiều nhà nghiên cứu sưu tầm văn hóa văn nghệ dân gian không muốn chỉ dừng lại ở các hình thức tế rước...
Theo các bậc cao niên trong làng thì ông Bồ" không phải là tên một cá nhân mà có nghĩa là "to". Người ta vẫn viết hoa chữ "Bồ", bởi đó là một thành tố tạo nên tên riêng của một lễ hội vốn có từ lâu đời ở Kỳ Sơn. Về dự lễ hội ai cũng thấy cách giải thích trên là có lý, bởi con lợn trong lễ rước rất to, cho dù đã được mổ thịt và làm sạch sẽ.
Nhiều cụ cao tuổi của địa phương cho biết, ở Kỳ Sơn từ những năm xa xưa, các giáp trong làng rất khuyến khích việc nuôi lợn giỏi, nhất là chuẩn bị lợn cho lễ tế đám. Dịp ấy, làng quy định gia đình nào sinh con trai phải gánh tế đám thì người ấy có nhiệm vụ nuôi một con lợn to (do trong giáp đóng tiền ra mua giống và quy định về trọng lượng lợn mà người nuôi phải đạt tới). Lợn nuôi nhiều hay ít là do các giáp quyết và đều có treo giải (bằng cái thủ lợn) tùy theo trọng lượng lợn. Sau khi được nuôi trong chuồng sạch sẽ, đến mùng 9 tháng Giêng thì chủ lợn mở cửa chuồng để bà con biết. Lợn mổ thịt xong mới cân để ghi điểm, ai là người có lợn nuôi nặng cân nhất sẽ được thủ lợn mang về... Lợn đem vào tế đám tính theo trọng lượng móc hàm. Trong khi mổ lợn, các giáp cũng giã bánh dày.Vì thế, vào lễ rước, làng Kỳ Sơn có đủ lợn to, bánh dày, ai cũng hoan hỉ vì có công sức mình trong đó.
Cũng giống như lễ Vật cầu của Kim Sơn, các nghi lễ tế Rước lợn "ông Bồ" của Kỳ Sơn cũng được tiến hành tại đình làng. Lợn được làm sạch sẽ, đặt trên mâm cho xoãi cả bốn chân, có giấy hồng điều trang trí. Mâm bánh dày cũng được xếp đẹp mắt, lại thêm mâm ngũ quả nhiều màu sắc. Tất cả đặt lên kiệu rước trong tiếng trống hội làng và đội âm nhạc. Không có sự can thiệp của đạo diễn nào dàn dựng. Toàn bộ lễ rước diễn ra trong sự điều hành chung của các bậc cao niên và dân làng.
Lược ghi một vài "quy ước" như vậy để thấy từ rất lâu, 18 giáp trong làng Kỳ Sơn rất coi trọng việc nuôi lợn và lễ rước lợn. Đặc biệt, Kỳ Sơn không rước lợn đã được làm chín (quay vàng cả con) và mâm xôi đầy như ta thường thấy trong các mâm lễ vật ở các lễ hội. Lợn rước ở đây nặng cân đã mổ thịt và để nguyên tươi sống. Với dân làng Kỳ Sơn, đó là hình ảnh tượng trưng của một lễ hội mà ở đó cộng lại tất cả các nhu cầu tự nhiên của dân làng. Đó là nhu cầu cuộc sống, tâm linh, ước vọng, quyền lợi. Đây cũng là một trong những đặc điểm của lễ hội truyền thống của Hải Phòng. Chỉ cần nhìn con lợn to, mâm bánh dày trắng ngần thơm dẻo, đủ biết người Kỳ Sơn luôn ước mong sự phồn thịnh, năm này, tháng này được mùa cả trồng trọt lẫn chăn nuôi.
Lễ hội Rước lợn "ông Bồ" được khôi phục lại vào năm 1997. So với trước đây, làng không còn nuôi lợn treo giải, nhưng vẫn cơ bản bảo đảm các quy trình như chọn gia đình nuôi lợn giống tốt để khi vào lễ đúng là lợn "ông Bồ" nặng cân, nhiều thịt, đẹp mắt. Và không thể thiếu bánh dày, ngũ quả. Phần tế trong hội được tiến hành dưới sự huớng dẫn của cụ Phạm Văn Mão và một số cụ đại diện trong làng. Đội tế của người lớn (bồi tế) chủ yếu là thành viên họ Vũ. Bên cạnh đó có 5 em nam thiếu niên học giỏi, khỏe mạnh tham gia.
Trong khói hương nơi cửa đình, các em nghe bài văn tế của các cụ, trang nghiêm trong nghi lễ dân gian để thấm sâu hơn ý nghĩa của một lễ hội quê nhà. Đó là tính kế thừa tinh thần yêu lao động, tạo sự no ấm trên mảnh đất quê hương mình. Sau lễ tế là đoàn khiêng kiệu rước lợn trên những đoạn đường mà làng quy định để trở về đình làng. Rước lợn xong, dân làng được "thụ lộc "thịt lợn, bánh dày và hoa quả. Các hộ chăn nuôi giỏi được biểu dương và khen thưởng. Dân làng ai cũng phấn khởi.
Từ vật nuôi bình thường, ở một thời khắc nhất định được gắn liền với các nghi thức của một lễ hội (mở ba năm một lần như hiện nay), con lợn ở Kỳ Sơn trở nên linh thiêng bởi thấm đẫm các yếu tố tâm linh.Và chính đó là nét đặc sắc của lễ hội Rước lợn ông Bồ ở Kỳ Sơn, Kiến Thụy
Xã Đồng Minh huyện Vĩnh Bảo tỉnh Hải Phòng có hai di tích nổi tiếng là chùa Bảo Hà và miếu Bảo Hà đều có liên quan trực tiếp tới hội làng Đồng Minh. Hàng năm hội làng Đồng Minh thường được tổ chức ở Miếu Bảo Hà vào các ngày : từ mồng 10 đến 15 tháng 3 âm lịch là ngày lễ chính của làng, còn ngày 18 tháng 6 âm lịch là ngày giỗ Nguyễn Công Huệ. các phường thợ như điêu khắc, sơn mài, ngải cứu, rối cạn đều tập trung ở miếu để cúng ông tổ của nghề mình.
Theo lệ làng, hai thôn Linh Đông và Bảo Hà mỗi thôn được cử một người làm mạnh bái để tế. Hàng năm hai nơi Linh Đông và Hà Cầu cử người luân phiên nuôi “ lợn hỗng” lợn to béo, đẹp. Người nuôi lợn là các cụ cao tuổi, những người có danh vọng, uy tín có điều kiện kinh tế khá. Trước ngày tổ chức lễ hội 3 ngày, những nơi nuôi lợn hỗng thường cho lợn hỗng ăn trứng gà, mía cây, tắm bằng nước ngũ vị. Hôm rước, lợn được đưa vào cũi, có lọng che, các trai đinh khỏe mạnh không có tang trở, mạc quần dài, áo nâu khiêng cũi lợn.
Đám rước "lợn hỗng" thường được diễn ra như sau: Theo sau cờ ngũ sắc là đoàn khiêng lợn hỗng, mâm ngũ quả, phường nhạc bát âm,các cụ cao tuổi rồi đến các chức sắc sau cùng là nhân dân trong thôn xã...Sau khi rước lợn hỗng ra miếu xong, làng tổ chức tế lợn ông hỗng và tổ chức thi chấm điểm cho lợn hỗng. Nếu đem cân lợn của ai năm nay có trọng lượng lớn hơn dịp lễ hội năm trước thì người nuôi lợn được nhận giải thưởng của làng, phần thưởng là một sào ruộng có chân điền tốt.
Ngoài ra trong lễ hội Đồng Minh còn có múa rối cạn, nếu như ở Cựu Điện, Nhân Mục nay là xã Nhân Hòa có múa rối nước thì ở Đồng Minh có rối cạn. Con rối do các phường thợ điêu khắc ở đây tự chế tạo lấy và diễn theo các tích cổ. Con rối làm bằng gỗ, tay rối làm bằng bông, toàn thân rối cao khoảng 30 cm. Cũng giồng như nhiều lễ hội khác , lễ hội Đồng Minh có các trò đấu võ, đấu cờ vào ban ngày; hát chèo, hát ả đào vào ban đêm...
Đã thành thông lệ, lễ hội truyền thống Núi Voi ở huyện An Lão, thành phố Hải Phòng mang màu sắc văn hoá của người dân miền biển diễn ra từ ngày 12 đến 14/2. Đây là dịp để du khách được tìm hiểu về vùng đất cổ có bề dày lịch sử và tham gia các hoạt động văn hoá độc đáo. Trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Núi Voi đã trở thành huyền thoại với hình ảnh “Những cô gái dân quân treo mình bên vách đá, lưng chừng trời ngắm bắn máy bay rơi”.
Núi Voi và lễ hội Núi Voi gắn liền với sự phát triển vùng đất, con người An Lão. Trải qua nhiều biến động, thăng trầm lịch sử, quy mô tổ chức có thể to, nhỏ khác nhau nhưng lễ hội Núi Voi vẫn luôn được duy trì từ hàng trăm năm qua. Lễ hội là dịp người dân tôn vinh, tưởng nhớ những vị anh hùng dân tộc, lớp lớp thế hệ người An Lão đã chiến đấu, xây dựng lên vùng đất này. Nên đã thành tục lệ, lễ hội Núi Voi luôn được mở đầu bằng nghi thức tế lễ trang nghiêm tại đền thờ nữ tướng Lê Chân nằm bên phía nam núi Voi và lễ tế thần hoàng tại chùa, đình Chi Lai nằm phía bên kia dãy núi. Khu danh thắng, di tích núi Voi vốn ẩn chứa trong mình nhiều dấu tích và những truyền thuyết lịch sử độc đáo, càng trở nên linh thiêng trong không gian lễ hội.
Không chỉ để tôn vinh, tưởng nhớ các vị anh hùng, người có công với đất nước, quê hương, lễ hội Núi Voi là dịp mỗi làng quê giới thiệu đến du khách xa gần những tiềm năng quê hương mình. Ngay trong những ngày đầu năm mới, khắp các làng trên, xóm dưới trong huyện đồng thời diễn ra rất nhiều lễ hội truyền thống, những liên hoan văn nghệ, thể thao, để từ đó lựa chọn những tiết mục đặc sắc nhất, những diễn viên, vận động viên tiêu biểu nhất tham dự lễ hội.
Đã thành truyền thống, ngày mồng 4 tháng Giêng hằng năm, xã Thái Sơn, nơi có sới vật nổi tiếng của huyện, tổ chức hội vật mùa xuân, lựa chọn những đồ vật tiêu biểu tham gia Hội vật tự do Núi Voi. Ngày mồng 3 Tết, xã Bát Trang tổ chức giải bóng chuyền, xã Quang Trung liên hoan văn nghệ, xã An Thọ có giải cờ tướng,… Đây đều là những nội dung nằm trong chương trình hoạt động của lễ hội Núi Voi. Đến với lễ hội Núi Voi du khách được sống trong không gian văn hóa truyền thống
Ngoài ra, tại lễ hội Núi Voi du khách sẽ được thưởng thức các sản vật, món ăn nổi tiếng mang đậm hương vị quê hương: chè Chi Lai, khoai Tiên Hội…
Sự hòa quyện không gian đẹp của danh thắng Núi Voi với hoạt động mang đậm nét dân gian truyền thống của người dân An Lão tạo nên nét riêng hấp dẫn du khách đến lễ hội này.
Làng Vân Tra thuộc xã An Đồng, huyện An Dương tỉnh hải Phòng. Là địa phương giáp ranh với thành phố nhưng làng Vân Tra từ lâu vẫn duy trì được nét đẹp văn hoá trong các hội đình, hội chùa và là điểm đến của nhiều du khách thập phương mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Hội chùa tổ chức hàng năm trong hai ngày 14 và 15 tháng giêng. Cùng với lễ mở cửa chùa, nhiều hoạt động văn hoá thể thao giàu bản sắc văn hoá dân tộc được Làng văn hoá Vân Tra tổ chức đã thu hút đông đảo du khách quanh vùng.
Phần hội tổ chức nhiều trò chơi dân gian như chọi gà, bịt mắt đập niêu hoặc thi đấu cờ tướng đã hấp dẫn cả người chơi và người xem. Sôi động và cuốn hút nhiều người xem nhất vẫn là đấu vật., nhiều đô vật ở các địa phương khác như An Lão, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng cũng về đây đọ sức, đua tài.
Sau hội chùa, vào trung tuần tháng 2, Làng văn hoá Vân Tra sẽ tổ chức hội đình để tưởng nhớ công lao đức thánh Đào Lôi, người có công đánh đuổi quân xâm lược nhà Tống. Cùng với chùa Vân Tra, ngôi đình này đã tạo thành 1 quần thể di tích văn hoá lịch sử, là niềm tự hào của các thế hệ người dân làng văn hoá Vân Tra.
Chùa Hàm Long là một công trình tôn giáo đạo Phật do nhân dân xã Thuỷ Đường, huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng xây dựng từ thế kỷ 17, thời hậu Lê. Chùa được xây dựng trên sườn núi Vân Ô. Chùa Hàm Long không chỉ nổi tiếng là chốn có cảnh đẹp vào hạng nhất của chốn Hải Dương, mà còn nổi tiếng bởi lễ hội hằng năm diễn ra từ ngày 23 đến ngày 25 tháng Giêng. Đây là lễ hội chùa của tôn giáo đạo Phật nên công việc chuẩn bị cũng như việc rước tế hầu như không có. Tại lễ hội này, con người như được thoát khỏi thế giới trần tục để hoà nhập vào cõi phật linh thiêng.
Trước khi vào hội chính khoảng một đến hai ngày nhà chùa đã làm một số công việc như quét dọn, vệ sinh cảnh chùa. Việc quan trọng nhất là lễ tắm các pho tượng thờ. Tham gia việc làm này là những người trong sạch, có phẩm chất tốt, không có tang gia. Vào những năm được mùa, nhân dân công đức nhiều thì nhà chùa còn tổ chức tô tượng, đồ thờ và các trang trí trong kiến trúc của chùa.
Vào ngày lễ hội, trước phật điện chùa Hàm Long sư trụ trì tụng kinh gõ mõ, dưới sân chùa các đệ tử làm lễ theo kinh Nam Hoa. Ngược lên phía trên theo độ dốc của núi Vân Ô, có một ngôi chùa nhỏ, đó là chùa Cao, phật điện của chùa Cao chỉ duy nhất có một pho tượng Quan âm Nam Hải tạc theo phong cách " Thiên thủ thiên nhỡn ". Nơi đây thu hút rất nhiều người dân làm nghề sông nước thuộc các xã như Tam Hưng, Phục Lễ, Phả Lễ, An Lư, Minh Đức... đến làm lễ cầu mong sóng yên biển lặng và sự bình an cho người thân trong gia đình khi lênh đênh trên các cửa sông, cửa biển. Vào buổi tối của những ngày lễ hội, các hoạt động văn hoá diễn ra sôi nổi như hát chèo, kể hạnh mà nội dung chủ yếu vẫn là kể lại các công đức của nhà Phật, khuyên răn dạy dỗ các Phật tử tu nhân tích đức, chăm lo việc thiền. Đặc biệt là sự tích ông tổ Non Đông được chuyển thể thành thơ lục bát với kiểu lối kể truyền miệng nên được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Ngoài các nghi lễ chủ yếu đã diễn ra trtước các Phật điện, toà thờ tổ của khu di tích chùa Hàm Long, ở đây hầu như không thấy một trò chơi mang tính dân gian nào. Lớp trẻ đến với lễ hội cũng chủ yếu cầu mong cho cuộc sống phồn thịnh, ước vọng của bản thân thành hiện thực.
Lễ hội chùa Hàm Long không ồn ào náo nhiệt như các lễ hội khác nhưng nó chứa đựng những tinh thần lớn lao nên đã có sức cuốn hút mọi người tham gia rất đông đảo không chỉ trong giới tăng ni phật tử mà còn cả những tầng lớp dân cư khác. Bởi nơi đây không chỉ là nơi có lễ hội tháng Giêng nổi tiếng mà còn là một chốn tổ của đạo Phật Việt Nam đang dành được sự quan tâm, nghiên cứu tìm hiểu của các nhà nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam nói chung và lịch sử Phật giáo Hải Phòng nói riêng.
Đình Vĩnh Khê thuộc làng Vĩnh Khê, xã An Đồng, huyện An Dương, ngoại thành Hải Phòng. Lễ hội Đình Vĩnh Khê mở hàng năm vào ngày mồng 7 tháng giêng, kỷ niệm ngày sinh của Vũ Trung và Vũ Giao, là hai vị tướng tài trí mưu lược triều vua Trần Nghệ Tông (1370-1372), để thể hiện lòng tôn kính, tưởng nhớ cội nguồn, noi gương trung liệt, hiếu nghĩa của hai vị tướng họ Vũ. Hội làng gắn liền với hội thi đấu vật, chỉ diễn ra một ngày nhưng cũng thu hút nhiều đô vật của nhiều lò vật nổi tiếng ở Vĩnh Bảo, Tiên Lãng tới so tài.
Vào trước hôm khai cuộc, các vị cao tuổi trong các dòng họ tiến cử ra hai cụ già làng có đủ tiêu chuẩn: đạo đức tốt, nhà của, con cái song toàn, không vướng tang gia, trang phục gọn gàng, làm lễ "Giao điệt" trước của đình. Hai vị cao tuổi được bình chọn, có trang phục giống nhau và tiến hành biểu diễn những miếng, trò, vờn, chào cơ bản trong thi đấu của một keo vật.
Hội làng Vĩnh Khê ngày trước rất đông vui, bởi ngoài lễ rước thành hoàng còn có đấu vật, thi bơi thuyền trên khúc sông chảy từ sông Sái (Lai Vu - Hải Dương) qua huyện lỵ.
Lễ hội Minh thề diễn ra vào ngày 14 tháng Giêng hàng năm, tại Miếu thờ Thành hoàng bản thổ, thôn Hoà Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thuỵ. Lễ hội là sự kết hợp giữa tín ngưỡng với giáo dục đạo lý nhân cách.
Tương truyền, chùa Hoà Liễu là một ngôi chùa cổ được xây dựng từ thế kỷ XIII, có tên là Thiên Phúc Tự. Giữa thế kỷ XVI, vợ của Thái Thượng hoàng Mạc Đăng Dung là Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản đã đến ấp Lan Niểu (thôn Hoà Liễu ngày nay) tự bỏ tiền và vận động hoàng thân quốc thích, quan lại triều Mạc cả thảy 35 vị góp tiền của để tu tạo lại ngôi chùa cổ. Thái Hoàng Thái Hậu xuất tiền mua 25 mẫu 8 sào 2 thước cúng dâng Tam Bảo. Nhiều người theo gương bà cũng tậu ruộng cúng chùa tăng số diện tích lên đến 47 mẫu 5 sào. Số ruộng này làng gọi là Thánh điền, một phần diện tích dành cho nhà chùa cấy, một phần dùng vào việc tuần tiết lễ hội, còn lại để chia cho dân đinh cày cấy hưởng lộc và cho cấy đấu thầu lấy thóc lập quỹ nghĩa thương phòng khi đói khó cấp đỡ cho người nghèo, cố nhân, quả phụ… Cũng chính từ đây, Thái hoàng Thái hậu đã cùng với dân làng lập ra một Hịch văn hội Minh thề quy định lấy chí công làm trọng - người nông dân không phân biệt giàu - nghèo đẳng cấp xã hội, với khí phách kẻ sĩ giữ tiết tháo không vì cơ hàn mà xâm phạm của công. Và, lễ hội Minh thề đã ra đời, được nhân dân làng Hoà Liễu gìn giữ trong suốt nhiều thế kỷ qua.
Hội Hoà Liễu kéo dài tới 3 ngày, vào 14, 15 và 16 tháng Giêng, nhưng “Minh thề” được tổ chức ngay buổi khai hội. Xưa kia, trước khi khai mạc “Hội thề” dân làng tế Thánh tại miếu chính thường có chức dịch hàng tổng, quan lại hàng phủ về dự chứng kiến.
Các nghi lễ được tiến hành trang trọng, chủ lễ và các vị bồi lễ đọc chúc văn lai lịch công đức của Thánh vương. Sau đó làm lễ dâng hương, dâng rượu, dâng nước trong tiếng nhạc bát âm réo rắt. Tế thần xong các bô lão, quan khách và dân làng, chức dịch, quần áo chỉnh tề tập trung quanh sân miếu theo thứ bậc. Chủ tế dùng động tác “chỉ trời vạch đất” mô phỏng theo phép biến trong Kinh dịch rồi vẽ một vòng tròn lớn đường kính khoảng 2m ở giữa sân miếu gọi là Đài thề. Trước Đài thề đặt một bàn thờ hướng về cửa miếu thâm nghiêm.
Ba vị đại diện cho hàng ngũ chức dịch, hội tư văn và bô lão trong làng do ban tổ chức lễ hội thề và hội đồng bô lão tuyển chọn bước lên Đài thề làm lễ thắp hương khấn vái trời đất bách thần. Đại diện tư văn dõng dạc đọc Minh thề có Hịch văn. Mọi người trong làng từ hương chức đến nhân dân, trên là bô lão, dưới từ 18 tuổi trở lên, ai dùng của công dùng vào việc công xin thần linh ủng hộ, ai lấy của công dùng vào việc tư, cầu thần linh đả tử… làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt. Sau khi mọi người cùng hô vang câu “y như lời thề” hoặc “y như miệng thề”, vị chủ tế cầm dao bầu cắm mạnh xuống trong vòng tròn Đài thề để biểu thị sự quyết tâm.
Tiếp đến là nghi lễ cắt tiết gà để uống máu ăn thề diễn ra rất cầu kì theo một quy định truyền thống từ ngàn đời. Máu gà trống được hòa vào bình rượu lớn, mỗi người truyền tay nhau uống một ngụm khẳng định sự đoàn kết thực hiện đúng lời thề. Sau lễ hội Minh thề trang nghiêm, dân làng Hoà Liễu như được tiếp thêm sức mạnh, rũ bỏ mọi ưu phiền của một năm qua để tiếp tục bước vào năm mới, với niềm tin tưởng những điều tốt đẹp đang chờ ở phía trước.
Lễ hội Từ Lương Xâm được diễn ra trong các ngày 14, 15 và 16 tháng Giêng hàng năm tại phường Nam Hải, quận Hải An. Đây là dịp để nhân dân ta ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc và tấm gương, công đức của người anh hùng dân tộc Ngô Quyền.
Lịch sử thành văn khẳng định: Vào cuối năm 938, sau khi diệt trừ bè lũ phản bội Kiều Công Tiễn, ở Đại La (Hà Nội ngày nay), Ngô Quyền kéo đại quân về vùng cửa sông Bạch Đằng xây dựng thế trận đón đánh quân xâm lược Nam Hán. Ông đã triệt để lợi dụng đặc điểm địa hình phức tạp ở vùng cửa biển này để thiết lập trận địa thủy chiến quy mô lớn, đủ khả năng chôn vùi toàn bộ hàng trăm thuyền chiến giặc.
Ông huy động quân dân đẵn gỗ, vót nhọn, bịt sắt đóng thành một bãi cọc ở cửa sông Bạch Đằng. Quân thủy bộ với sự tham gia của các lực lượng dân binh, bố trí mai phục sẵn phía bên trong bãi cọc, vùng hạ lưu sông. Một đội thuyền nhẹ dưới sự chỉ huy của người thanh niên Gia Viên là Ngô Tất Tố, vốn giỏi bơi lội và quen thuộc sông nước, được giao nhiệm vụ khiêu chiến, nhân lúc nước triều lên nhử giặc vượt qua bãi cọc, dấn thân vào cạm bẫy của ta. Và điều diệu kỳ đã đến, đó là trận đánh diễn ra đúng như diệu kế của Ngô Quyền.
Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 nhanh gọn, bất ngờ đến mức vua Nam Hán đang cầm quân tiếp ứng đóng ở biên giới mà không kịp trở tay đối phó. Chiến thắng Bạch Đằng gấp lại trang sử hào hùng của dân tộc ta trên con đường đấu tranh chống Bắc thuộc, chống đồng hóa, đấu tranh giành lại độc lập dân tộc.
Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và sự gắn kết máu thịt Nhà - Làng - Nước nên rất tự nhiên Ngô Quyền trở thành thành hoàng, thần chủ của vùng đất cửa sông Bạch Đằng. Ở vùng đất này, mặc dù nhiều làng xã cũ không còn, nhiều làng mới xuất hiện, dân cư đã trải qua nhiều lần thay đổi, xáo trộn nhưng hầu như không có làng nào, xã nào, phố nào không thờ Ngô Quyền.
Hình ảnh Ngô Quyền đã trở thành gần gũi, thân thuộc với mỗi xóm thôn, làng xã, phố phường và người dân vùng đất ông lập chiến công xưa. Ở vùng đất này, mỗi làng mới được lập ra là lại thêm một làng thờ Ngô Quyền. Nhân dân nhiều làng xã vẫn còn giữ được đạo sắc của vua Tự Đức phong cho 17 xã thờ Ngô Vương vào năm 1880.
Nội dung bản “Tiền Ngô Vương thiên tử ngọc phả lục” hiện lưu tại Từ Lương Xâm cho biết: Khi kéo quân về cửa biển Bạch Đằng bố trí thế trận, Ngô Quyền sớm nhận ra vị trí chiến lược quan trọng của làng Dầm - tức làng Lương Xâm (tên cũ là Lãng Thâm) bây giờ.
Tại đây, ông đặt một đồn quân lớn là đại bản doanh chỉ huy tiền phương (còn đồn chỉ huy sở được đặt tại làng Cấm (tên chữ là Gia Viên) - khu vực trụ sở UBND TP hiện nay), huy động nhân dân đắp thành vành kiệu, dấu vết nay vẫn còn.
Trong trường tồn, có không ít giai đoạn, thời kỳ lịch sử, lễ hội Từ Lương Xâm (tổ chức từ ngày 16 đến 18 tháng Giêng) đã trở thành ý thức tình cảm cao nhất khi tâm linh người Hải Phòng hướng về tổ tiên, nguồn cội của mình. Lễ hội Từ Lương Xâm đã trở thành lời nhắc nhở, tiếng thúc giục hàng triệu con tim, khối óc từ già, trẻ, gái, trai tìm về ngưỡng vọng, nhất là mỗi khi nền độc lập dân tộc bị đe dọa, đất nước lâm nguy trước giặc ngoại xâm, trời làm hạn hán, gặp bão dông biển động, nghề nông - ngư thất bát.
Khác với lễ hội của các làng xã khác, lễ hội Từ Lương Xâm được tiến hành với sự tham gia của hầu hết các làng xã trong vùng.
Xưa kia, sau khi đã tiến hành nghi thức quốc lễ tại từ Lương Xâm thì đến lượt các tổng, các làng xã xung quanh tổ chức tế lễ Ngô Vương; về cấp độ, việc tế lễ Ngô Quyền do 3 cấp tiến hành: của nhà nước (thời Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần) sau này do hàng huyện đảm nhiệm, của hàng tổng và của dân làng sở tại.
Trong lễ hội từ Lương Xâm, cuộc hành lễ của hàng chục làng xã rước kiệu từ đình làng mình tới chầu đã tạo nên sự xúc động tâm linh hướng về cội nguồn mạnh mẽ. Tất cả các kiệu đều đặt ở khu đất rộng trước cửa Linh từ Lương Xâm để chấm giải. Kiệu nào nhất thì lần sau được vinh dự thay mặt cả đoàn kiệu đứng dâng lễ Thánh Vương trước long sàng.
Nghi thức tế đám Ngô Vương ở từ Lương Xâm khá đặc biệt: lễ phẩm phải có một bò, một lợn, một dê mổ tế sống (cỗ thái lao), tế xong đem số thịt đó làm cỗ ăn tại đền và chia cho dân đinh; vào những năm “phong đăng hòa cốc” ở từ Lương Xâm còn có lệ hợp tế hàng huyện, hợp tế hàng tổng.
Trong lễ hội có nhiều tiết mục văn nghệ, biểu diễn ca múa nhạc dân tộc tái hiện lại chiến thắng Bạch Đằng, các trò chơi dân gian: bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt dê, đu xuân, cờ tướng, cờ người, tổ chức giải bóng đá, bóng chuyền…
Hội thi kéo xe ngựa Hoàng Châu được tổ chức vào ngày 10 tháng 6 âm lịch hàng năm, tại xã Hoàng Châu, huyện Cát Hải. Vào dịp kỷ niệm ngày sinh hoặc ngày mất của các vị thành hoàng, ngôi đình làng Hoàng Châu thực sự trở thành tụ điểm sinh hoạt văn hóa cổ truyền ở địa phương. Người làng cùng nhau xum họp, thành kính dâng hương, tế lễ trước ban thờ các vị thành hoàng cầu mong điều may mắn, an bình trong cuộc sống và tỏ lòng biết ơn công đức tổ tiên.
Trong ngày Hội, làng tổ chức đám rước linh vị hai vị thành hoàng từ hai miếu giáp Đông, giáp Đoài về đình mở hội tế lễ.
Đỉnh cao của lễ hội Hoàng Châu phải kể đến trò thi kéo ngựa chiến hay còn gọi là xa mã giữa hai bên giáp Đông và giáp Đoài. Để cho trò thi điều khiển xa mã được diễn ra suôn sẻ, người ta chuẩn bị rất chu đáo: chiếc xa mã mang dáng dấp một đôi ngựa chiến thực thụ có đầy đủ dây cương, yếm hoa, cổ đeo nhạc, cơ động trên bánh xe bằng gỗ. Thành viên của hai giáp tham gia vào cuộc thi đều mang trang phục gọn gàng, quần ống chẽn, đầu chít khăn kiểu đầu rìu màu xanh hoặc đỏ khác nhau. Người chỉ huy tay cầm cờ nhỏ có màu sắc để phân biệt với bên đối phương, mỗi đội sẽ có quân số từ 12 đến 15 người tham gia với trang phục đội ngũ chỉnh tề theo đúng quy định của hội làng.
Cuộc chơi chỉ bắt đầu khi có hiệu lệnh phát ra từ vị chủ quản, hai ngựa gỗ dưới sự điều khiển khéo léo, nhịp nhàng của người chỉ huy chuyển động lúc nhanh lúc chậm, lượn vòng rất điệu nghệ. Quy định của cuộc chơi bên nào muốn giành giải thưởng của lang phải kéo ngựa chạy đủ 3 vòng, không chạm vạch. Điều tối kỵ không làm tổn thương đến xa mã đối phương cùng các thành viên nắm giữ, đẩy, kéo chiếc xa mã. Ngày xưa phần thưởng được trao cho đội thắng chỉ là chút lộc phẩm của hội đình. Cả bên thắng, bên thua cùng hòa đồng trước sự cổ vũ reo hò của dân làng và du khách thập phương; sau đó cùng uống trà, thụ lộc thánh, hẹn mùa lễ hội sang năm.
Đây thật sự là một trò vui mang đầy tính thượng võ, đậm đà bản sắc văn hóa dân gian mà làng xã Hoàng Châu huyện đảo Cát Hải còn bảo lưu được cho đến ngày nay.
Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn là lễ hội truyền thống của người dân quận Đồ Sơn – TP Hải Phòng, được tổ chức chính thức vào 9/8 âm lịch hàng năm, trước đó còn có hai cuộc đấu loại vào trung tuần tháng 5 và 8/6 âm lịch. Đây không chỉ là một ngày hội gắn với tục thờ cúng thuỷ thần và tục hiến sinh mà còn thể hiện tinh thần thượng võ của người dân miền biển, Hải Phòng.
Việc chuẩn bị cho lễ hội này thật là công phu, phải chọn mua, nuôi và luyện trâu. Trâu chọi phải là" ức rộng, háng to, cổ cò, đuôi trai, đít nhọn, sừng cánh cung, trường đùi...", trâu từ 4 đến 5 năm tuổi trở lên. Trâu chọi được nuôi ở chuồng riêng, không tiếp xúc với trâu thường.
Lễ hội chọi trâu cũng như nhiều lễ hội khác có hai phần, phần lễ và phần hội đan xen. Từ ngày mùng một đầu tháng, các vị cao niên trong làng đã ra làm lễ tế thần Điểm Tước ở đình Tổng. Lúc này, các làng có trâu chọi đều phải ra làm lễ. Sau đó là lễ rước nước ( có gắn với tục tế Thuỷ Thần). Lọ nước thần mỗi năm thay một lần được từng làng ( phường ) mang về đình riêng. Tại đình làng, các chủ trâu được cho trâu ra làm lễ Thành Hoàng. Sau khi làm lễ thần, trâu chọi đã chính thức được gọi là "Ông trâu", là biểu tượng của tâm linh, là niềm tin, và là ước vọng của người dân nơi đây. Sáng ngày chính hội, 9/8 âm lịch, dân cư trong phường đều kéo ra đình. Từ đây, lễ rước các "Ông trâu" ra sới đấu với kiệu bát cống, long đình bát biểu, cờ thần bay phấp phới, rộn rã trong tiếng nhạc bát âm.
Phần hội diễn ra vào chính hội (9/8) với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc dân tộc. Điệu múa khai hội được 24 tráng niên của làng chia thành hai hàng trình diễn vừa uyển chuyển, vừa mạnh mẽ, màu sắc biến hoá linh hoạt và huyền ảo trong những âm thanh của trống, thanh la. Theo cách nói của các lão làng, tiếng trống, tiếng thanh la có tác dụng tạo không khí trong sân bãi thúc giục các “ông trâu” thi đấu thêm phần quyết liệt. Với màn múa cờ, những lá cờ vung lên quật xuống mạnh mẽ, dứt khoát, nhịp nhàng, có lúc đan chéo vào nhau như hai đội quân đang giao chiến, thể hiện sự dũng cảm của con người chống chọi với biển khơi.
Đúng 8 giờ, tiếng trống, tiếng chiêng khai hội, dịch loa gọi các “ông trâu” vào trận vang lên. Từ hai cổng bắc - nam của sới đấu, từng đôi trâu được dắt ra đứng dưới chân cột cờ Ngũ Phụng (ở hai bên). Hiệu lệnh phát ra thì hai trâu từ hai phía di chuyển lại gần nhau hơn, cách nhau chừng 20 m. Hiệu lệnh tiếp theo người dắt trâu đột nhiên rút dây mũi, hai trâu liền lao vào nhau bắt đầu trận so tài.
Khi đã phân thắng bại, cảnh "Thu trâu" cũng diễn ra vô cùng hấp dẫn bắt bằng được con thắng để phải thi đấu xếp loại, phân ngôi nhất nhì...
Theo quan niệm cổ xưa, nếu trâu làng nào thắng trận trong lễ hội, năm ấy cả làng sẽ gặp nhiều may mắn, mưa thuận gió hoà, mọi người bình yên trong suốt hành trình đi biển. Và đặc biệt hơn nữa là cho dù thắng hay thua, sau khi kết thúc lễ hội, các trâu đều được mổ thịt tế lễ trời đất, cầu mùa màng thuận hoà. Người ta cũng tin rằng, nếu được ăn thịt trâu chọi trong dịp lễ hội, sẽ gặp nhiều điều may mắn.
Lễ hội chọi trâu mang đậm nét văn hoá tâm linh của người dân miền biển, góp phần tạo nên phong cách rất riêng cho một vùng duyên hải.
Phủ Thượng Đoạn là nơi thờ Mẫu một trong “ Tứ linh từ ” theo tín ngưỡng của người Việt. Phủ Thượng Đoạn nằm trên đất phường Đông Hải – Quận Hải An, Hải Phòng.Lễ hội truyền thống Phủ Thượng Đoạn mở vào tháng 3 âm lịch hàng năm.
Lễ hội được tổ chức theo lối cách nhật. Ngày mồng Một bắt đầu vào hội với tế lễ nhập tịch do dân làng thượng Đoạn thực hiện. Trước một ngày nhập tịch, dùng lễ trầu, rượu, gà, xôi cáo yết rồi dùng nước thơm tắm thần vị, tắm xong lại lau phủ nước trầm hương một lượt nữa, gọi là lễ mộc dục. Tắm xong thì phong áo mũ đại trào, có thể bằng vải, có thể bằng giấy, xong tế một tuần, gọi là tế gia quan. Ngày mồng hai hợp tế 3 xã là Đoạn Xá, Vạn Mỹ, Thượng Đoạn. Tối mồng hai tổng Hạ Đoạn cử một đoàn chức sắc, chức dịch, lão hạng đến làm lễ yết. Ngày mồng ba tế hàng huyện vì đây là một trong những ngũ linh từ của huyện An Dương. Sau đó đóng cửa Phủ từ ngày mồng bốn cho đến hết ngày mồng bảy.
Ngày mồng 8 mở cửa từ sáng sớm, hội lại tiếp diễn, nghi thức tế lễ giống như lần trước. Đặc biệt sáng ngày 11 hội tổ chức đám rước thần tượng chúa Liễu từ Phủ Thượng Đoạn ra chùa tân ( nay là chùa Vẽ ) để làm lễ chư Phật, xin nghênh rước kinh sách về Phủ để phối thờ hưởng hội lễ. Đến ngày 14 tháng ba thì tổ chức rước trả lại chùa. Tương truyền trong một kiếp hóa thân, chúa Liễu đã quy Tam Bảo nên lễ hội của Phủ có việc rước kinh phật này nhằm nhắc lại sự tích của Thánh Mẫu.
Hôm tổ chức đám nghênh rước,mọi người cùng tham dự, ai được phân công mang vác cái gì đều phải trai khiết, ăn mặc đồ mới, đồ tốt. Người thủ hiệu phải đánh trống từ đêm, để ai nấy vào việc gì sắp sẵn mà đi rước. Rước long kiệu ra đến cửa tam quan thì phải dừng lại chờ các xã trong tổng giao hiếu đến đủ, xếp hàng đâu đấy mới rước đi. Trong khi rước, các xã giao hiếu, xã nào đàn anh thì đi đầu tiên, kế đến là các xã theo thứ tự lần lượt mà đi cuối cùng mới chính là dân Thượng Đoạn. Trong những ngày này, du khách bốn phương từ khắp nẻo đường đổ về tấp nập, áo quần đua sắc ai nấy đều hồ hởi, vui tươi. Trong Phủ khói hương nghi ngút, ngoài sân cờ tán bay phấp phới, người vào Phủ kẻ đến chùa, kẻ ra đền chen chúc ngược xuôi. Ngoài hoạt động tế lễ trang nghiêm, rước sách kính cẩn và vui nhộn, ngày h ội Phủ Thượng Đoạn còn tổ chức một số trò chơi dân gian như : tổ tôm điếm, đánh cờ, hát ca trù, hát chèo, múa rối nước ...để du khách cùng tham dự, đông nhất vẫn là đám hát chầu Thánh Mẫu. Đến ngày 15 tháng ba thì tổ chức lễ tạ cuốn cờ kết thúc.
Đã từ lâu, cứ vào ngày mùng 4 đến ngày mùng 10 tháng giêng âm lịch hàng năm, Tổng Phục lại mở Hội làng. Hội làng đầu xuân có rất nhiều cuộc thi: Thi cỗ bánh, thi dệt cửi, thi đánh đu, đánh vật, đánh cờ...nhưng cuốn hút nhất vẫn là thi hát Đúm. Đây là lễ hội có truyền thống từ xa xưa và được duy trì đến tận hôm nay trong niềm đam mê không chỉ của các nghệ nhân có tuổi, mà cả ở tầng lớp thanh, thiếu niên.
Theo truyền thống, ngày bắt đầu của hội hát đúm đồng thời cũng là ngày những cô gái của Tổng Phục bỏ chiếc khăn mỏ quạ bịt mặt trong suốt cả năm. Vì thế, hội hát đúm ngày xuân cũng còn là ngày hội mở mặt. Trong những ngày này, các chàng trai, cô gái Tổng Phục (trước đây, ba xã Phục Lễ, Phả Lễ và Lập Lễ thuộc Tổng Phục) thường tập trung để hát đúm tại đình Phục Lễ, một trong những ngôi đình lớn.
Hát đúm cũng có thể diễn ra ở trên đường đi, ngoài cánh đồng khi các tốp trai thanh, gái lịch trong những bộ quần áo truyền thống ngày hội gặp nhau. Họ nắm tay nhau say sưa hát đối những làn điệu giao duyên thể hiện khát vọng về tình yêu đôi lứa thông qua nhiều câu hát ví von mang đậm chất dân gian của vùng quê.
Bài bản của hát đúm rất phong phú. Đầu tiên, khi mới gặp nhau là những câu hát chào, những câu hát mừng. Tiếp sau đó có thể là hát hỏi, hát đố, hát họa, hát huê tình, hát cưới... và cuối cùng là hát ra về.
Hát đúm kéo dài từ sáng tới trưa, từ trưa tới tối. Giữa các canh hát, các cô mời trầu nước, tặng vật kỷ niệm cho các chàng để tỏ lòng mến mộ. Chiều, các cô mời các chàng về nhà mình ăn bữa cơm đầu xuân để biết nhà cửa và có sức tiếp tục hát tới khuya. Cứ như vậy, ngày này qua ngày khác, cuộc hát đúm kéo dài đến Mồng 10. Qua những buổi hát, nhiều đôi đã kết nhau để cuối năm nên duyên chồng vợ.
Bởi có tục lệ ấy mà các cô gái ở đây cô nào cũng thuộc một số bài hát ví để đi hội gặp các chàng trai mời hát mà mở khăn đối đáp. Hát ví thường chỉ dựa vào hai thể thơ lục bát và song thất lục bát. Tuy không nhiều làn điệu, nhưng lại rất phong phú về đề tài, đòi hỏi người hát phải rất giỏi về đối đáp.
Trong ngày hội “Hát đúm”, tại sân chùa Phục Lễ, nhiều bàn hát đúm mọc lên, mỗi bàn kê hai bộ tràng kỷ đối diện nhau. Giữa bàn để nhiều hộp trầu và khăn tay thêu cành hồng (tặng phẩm). Một bên trai, một bên gái ngồi hai bên dãy tràng kỷ. Mặt nhìn mặt, tay cầm tay. Thường thì cả hai bên trai gái vào hát đều di động để nếu nhỡ một anh hát bí hay bị hỏi, đố, lúng túng không trả lời được thì ra hiệu cho anh kia hát đỡ, gỡ bí cho. Khi hát có nhạc bát âm. Hai bên trai gái đối đáp. Bên nào không đối đáp được là thua. Đây là một hình thức thử tài văn chương, kiến thức của nhau, ướm lời yêu đương "tìm hiểu" bằng nghệ thuật, phải thuộc làu tục ngữ, truyện tích.
Hát đúm vui nhất là hôm hát giã đám. Lúc này họ trao giữ kỷ vật cho nhau, nấn ná đến tận khuya, mà đưa ra toàn những bài hát hay, mới nhất từ nỗi lòng sâu kín của họ. Hôm đó hai bên ít hát đối đáp mà toàn những bài trữ tình, bâng khuâng, lưu luyến… Những yêu đương, thương nhớ, những xa cách, chia ly, những hứa hẹn, đợi chờ và hy vọng… Họ mong đợi mùa hội sau, để lại được say đắm trong tiếng hát của nhau.
Vào những ngày xuân, hát đúm như trỗi dậy một sức sống mới vốn tiềm ẩn từ lâu trong tâm trí và tấm lòng của những người con quê hương hát đúm. Các chàng trai, cô gái vẫn duyên dáng, say sưa trong những làn điệu hát đúm ngày xuân. Hát đúm cũng như một số hình thái sinh hoạt văn hóa dân gian khác đã phải trải qua những bước thăng trầm. Vậy mà, sức sống lâu bền, mãnh liệt của nó vẫn còn đến ngày hôm nay
Đua thuyền rồng là một lễ hội truyền thống của ngư dân đi biển các huyên Cát Bà, Cát Hải, Đồ Sơn… (Hải Phòng) được tổ chức vào khoảng tháng 4,5 dương lịch hằng năm khi kết thúc vụ cá Bắc mở đầu vụ cá Nam. Lễ hội là hình ảnh đặc trưng, độc đáo của những người đi biển nhằm cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, sóng yên biển lặng trong năm để ngư dân ra khơi đánh cá đầy khoang, làm ăn phát đạt.
Thuyền rồng để vua dùng gọi là "thuyền ngự". Thuyền rồng trong lễ hội dân gian mang ý nghĩa linh thiêng, trang trọng. Đặc biệt, ở những lễ hội thờ các vị anh hùng dân tộc, võ tướng, có công đức thì theo ý niệm dân gian, chính các Ngài đã về "ngự" trên thuyền để việc cầu phúc, cầu sức khỏe, an khang thịnh vượng của người tổ chức hội, dự hội, xem hội được như ý nguyện.
Thuyền rồng đua biển có hình thoi dài 11m, rộng 1,5m được đóng rất kỳ công. Mỗi thuyền có từ 22 đến 26 người. Mờ đầu cuộc thi là tiết mục kéo co giữa các đội thuyền trên biển. Sau tiết mục kéo co là lắc thúng thuyền không mái của những người ngư dân đến từ vùng biển Nam Trung bộ. Tiếp đến là đua thuyền rồng. Đường đua dài 1km có cắm cờ báo hiệu ở hai đầu, thuyền đua sẽ phải đi 3 hoặc 4 vòng, thuyền nào về đích trước sẽ đoạt giải.
Có thể nói, lễ hội đua thuyền rồng là hình ảnh đặc trưng, độc đáo của những người đi biển với mục đích cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, sóng yên biển lặng trong năm để ngư dân ra khơi đánh cá đầy khoang, làm ăn phát đạt đã tạo nên nét văn hóa biển độc đáo ở Hải Phòng.
Về Vĩnh Bảo (Hải Phòng) mùa thu, bạn sẽ được xem một hội làng truyền thống - Hội đánh pháo đất. Hội thi được tổ chức vào ngày 3 tháng 8 âm lịch hằng năm tại các xã Tân Hưng, Tam Đa, Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng.
Tương truyền cuộc thi này đã được tổ chức lần đầu từ giữa thế kỷ thứ I sau Công Nguyên. Pháo đất Vĩnh Bảo gồm hai loại: pháo tung và pháo đập úp (dài hơn pháo tung).
Đất làm pháo lấy từ đáy sông, loại đất đã được gạt hết lớp bùn từ chiều hôm trước, phơi cho se mặt. Sáng hôm sau lấy chày hoặc tay luyện đất. Luyện nhào đến khi nó dẻo lại như kẹo, nhuyễn như bột làm bánh, từ màu đen chuyển sang màu hồng mịn óng ánh như sáp thì chuyển đến giai đoạn làm pháo. Pháo được nặn thành hình khối chữ nhật, miệng hình tròn hay hình chữ nhật, trong trong đó đặt " cạnh pháo " là một thoi đất mềm dài, nối hai thành pháo.
Mọi người đều có thể tham gia đánh pháo, nhưng phần đông là những chàng trai và người ta chia những người dự thi thành nhiều "cỗ pháo". Mỗi cỗ gồm ba bốn người, được nhận từ 25 kg đến 30 kg đất để thi làm pháo nhanh. Đất được dàn ra, lên khuôn. Đầu tiên làm cánh pháo, sau đó bấu "mép" - chỗ mỏng nhất ở cánh pháo - để khi tung cánh pháo sẽ mở ra. Đồng thời làm những "nắm kế" - nắm đất tròn như quả cam - để đỡ cho cánh pháo khỏi bị rã. Chuốt bụng pháo, xem lại cánh pháo, thế là chiếc pháo đã làm xong, oai vệ trên mười nắm kê, trông như một cỗ xe mười bánh.
Vào cuộc thi, ông quản pháo - người có uy tín nhất trong các lần đánh pháo thúc một hồi trống. Tiếng trống giong lên rộn rã, các cỗ pháo lần lượt tiến ra sân bãi bằng phẳng, rắn chắc giữa tiếng reo hò của người xem. Mỗi cỗ chọn một người khỏe mạnh nhất vào thi, số người còn lại đứng cạnh để nâng pháo. Đầu tiên thì tung pháo. Người dự thi nhận pháo của bạn củng cố, nâng pháo lên ngang mặt đoạn xoay mạnh hai tay mà tung pháo lên, sao cho càng cao càng tốt và pháo không bị chao đảo. Sau ba lần tung quả pháo lên như vậy thì chuyển sang thi ba lần đập úp ba quả pháo khác. Người dự thi nâng pháo lên ngang ngực, đâp úp thật nhanh quả pháo xuống mặt đất, miệng pháo rơi nhanh mạnh xuống mặt bãi bằng phẳng rắn chắc, không khí trong lòng pháo sẽ bị nén lại tạo sự chênh lệch áp suất trong lòng pháo với ngoài thân pháo, làm cho hộp pháo mỏng bị phá vỡ mà phát ra tiếng nổ. Khi tung pháo lên hoặc đập úp pháo xuống như trên, cánh pháo làm bằng đất mềm theo thành pháo vỡ toang và mở ra theo chiều dài thường trên dưới một mét, có khi dài tới hai mét, xoắn lại nằm vắt ngang thân pháo. Pháo nổ càng to cánh pháo càng mở dài, càng nói lên sức khỏe, nghệ thuật cao của người đánh pháo và kỹ thuật giỏi của người làm pháo. Ban tổ chức cộng chiều dài cánh pháo của ba lần tung pháo và ba lần đập pháo mà xếp giải.
Đình Hàng Kênh tên chữ là Nhân Thọ Đình nằm trên địa bàn xã Dư Hàng Kênh – huyện An Dương ( nay thuộc phường Hàng Kênh – quận Lê Chân ) thành phố Hải Phòng. Đình Hàng Kênh là một công trình kiến trúc nghệ thuật điêu khắc có giá trị của thành phố. Lễ hội ở đình Hàng Kênh thường tổ chức trong 5 ngày vào trung tuần tháng 2 âm lịch ( từ ngày 16 đến 20).
Theo như trước đây thì vào khoảng 7 giờ tối ngày hôm trước, dân làng phải tập trung ở đình để tế nhập tịch ở bên trong đình ( tế nội tán ). Ngày trước thì thường không có tế nữ quan – các quan viên tế đều là nam giới, ban tế có khi lên tới 26 người, trong đó có một mạnh bái và 5 bồi tế. Nhưng khi tế đến đoạn tiến tước và quân hiến thì có đôi nữ đi sau ( mỗi bên một người ) vừa đi vừa múa tay không theo điệu nhạc lưu thủy. Ngày lễ chính thức ( 16/2 âm lịch ) trừ mấy vị chức sắc và tế đám thì người được phân công chịu trách nhiệm ngày hội phải ngủ lại đình từ tối hôm trước, và tất cả dân làng phải tập trung sớm ở đình từ 5 giờ sáng để đi rước sắc.
Trình tự đám rước ở đình Hàng Kênh như sau: Đi đầu là 5 cờ ngũ hành rồi đến đôi càm cạp đi giữ trật tự, tiếp theo là đoàn người mang bát biểu, chiêng, trống, long đình, chấp kích, phường bát âm rồi đến kiệu thần tượng Ngô Quyền. Sau liệu là các vị chức sắc rồi mới đến dân làng. Những người mang vác, khiêng các đồ vật đi rước thường mặc áo nâu, sau khi rước sắc về đình thì tiến hành ngoại tán.
Các buổi chiều trong khoảng thời gian từ 14 giờ, hội còn tổ chức đánh vật cùng nhiều trò chơi khác, người làng tham gia đấu vật trước rồi mới đến người ngoài. Đô vật đóng khố xanh, đỏ, thắt lưng buộc một dải băng vải bện tròn kiểu dây thừng to để giắt khố cho đẹp. Trước khi vật, đôi đô vật vái thần 4 lần, rồi vờn nhau tìm miếng vật. Lệ vật ở đây đô vật nào bị nhấc bổng lên hoặc bị vật nằm ngửa là thua. Giải treo vật gồm lụa, vải, tiền. Đánh vật 5 ngày liền, đô vật nào giữ giải trong ngày, ngồi có lọng che. Ngày cuối cùng, chung kết các đô vật của 5 ngày vật với nhau.
Bên cạnh đó Lễ hội đình Hàng Kênh còn tổ chức chơi cờ người. Một bên nam, một bên nữ đều chưa vợ, chưa chồng. “ Quân cờ” người như thế thường chọn con nhà khá giả trong làng để còn mang quần áo đẹp, người làm trọng tài có bàn cờ con bên trong theo dõi. Ngoài ra tại lễ hội còn có tổ tôm điếm (làm chòi ) tìm người tận bên Mỹ Cụ - Thủy Nguyên để xướng bài, tam cúc điếm ( kê bàn ngồi ), hát đúm, bắt vịt, cầu hùm...Buổi tối tại lễ hội còn có hát chèo, đêm hát ca trù.