+84 983 035 435

KHÁM PHÁ VIỆT NAM

Hãy khám phá việt nam qua những địa điểm phượt vô cùng thú vị, thơ mộng và hùng vĩ.

Tết Chol Chnăm Thmây

Khám phá Tết Chol Chnăm Thmây Việt Nam

.

Nét đẹp Tết Chol Chnăm Thmây

Lễ Chôl Chnăm Thmây được tổ chức vào ngày 13 đến 15 tháng 4 dương lịch hàng năm. Ngoài những nghi lễ truyền thống như: lễ rước Mahaskan, lễ dâng hương hoa quả, lễ đắp núi cát, đắp núi lúa, gạo, lễ tắm tượng Phật, lễ cầu siêu cho ông bà quá cố. Lễ hội còn có những trò chơi dân gian như: bịt mắt dập nồi, thả vịt trên sông, thả thuyền rược bắt, múa hát room-vông.

Chôl Chnăm Thmây có nghĩa là “Vào năm mới”, “Lễ chịu tuổi”, là lễ tết lớn nhất trong năm của người Khmer được diễn ra vào giữa tháng Tư Dương lịch, lúc giao mùa giữa mùa nắng và mùa mưa ở Nam bộ. Giai đoạn này trời đất giao hòa, cỏ cây trở nên tươi tốt đầy sức sống. Sự đâm chồi nảy lộc của cỏ cây được người Khmer quan niệm như là sự khởi đầu của một năm mới. Người Khmer chịu ảnh hưởng nhiều từ nền văn hóa Ấn Độ, nên đa số theo Phật Giáo tiểu thừa. Vì thế, họ ăn tết khác với những nước trong vùng Đông Nam Á và thế giới. Người Khmer ở Kiên Giang chuẩn bị ngày Tết cổ truyền của họ thật trang trọng, nhà cửa được dọn dẹp sạch sẽ, quần áo may mới cho mọi người trong gia đình như Tết Nguyên Đán nước ta.

 

Lễ hội vào năm mới của người Khmer thường kéo dài trong 3 ngày, năm nhuận kéo dài 4 ngày, mỗi ngày có tên gọi khác nhau. Ngoài việc thờ phụng Phật, người Khmer còn tin rằng mỗi năm có một vị thần trên trời (Têvôđa) được trời sai xuống để chăm lo cho cuộc sống và con người trong năm đó, hết năm lại về trời để vị thần khác xuống hạ giới. Vì thế, trong đêm Giao Thừa, nhà nào cũng làm cỗ, thắp hương, đốt đèn, cúng lễ tiễn đưa vị Têvôđa cũ, đón rước Têvôđa mới. Cả gia đình ngồi xếp chân trước bàn thờ tổ tiên, khấn vái, mong và tin rằng sẽ được thần ban phước lành.

Trong Tết Chôl Chnam Thmây, một tục lệ không thể thiếu của người Khme là đắp núi cát tại các ngôi chùa. Người Khmer quan niệm rằng mỗi hạt cát được đắp lên là xoá được một tội lỗi và giải thoát được một linh hồn ở dưới địa ngục. Núi cát cũng như những đám mây mang mưa cho vụ mùa mới sau 5-6 tháng khô hạn.

Gia đình nào cũng vậy, dù rất nghèo cũng có nồi bánh nùm-chrụt (gần giống bánh tét của người Kinh Nam Bộ) và bánh nùm-tiên (gần giống bánh ít Nam Bộ). Hai loại bánh này tượng trưng cho sự no ấm, làm ăn thịnh vượng, được mùa của người Khmer. Nó cũng như bánh chưng, bánh dầy của người Kinh vùng đồng bằng Bắc Bộ dùng trong ngày tết Nguyên đán. Ngoài ra còn có các loại bánh như: nùm-chết (bánh dừa nhân chuối), nùm- niềng- nóc, sùm-bóc-cháp (bánh bột nhân dừa).

 

Đến dịp Tết Chôl Chnăm Thmây của người Khmer – Kiên Giang, chúng ta sẽ được tận hưởng một không khí náo nhiệt và đầy sinh động. Những điệu múa rô băm, múa lăm thôn, múa dù kê và tục thả lồng đèn trời là những nét văn hoá đặc sắc không thể nào thiếu trong lễ hội này. Những chiếc đèn lồng được thả lên cao, mang theo cả ước nguyện của người dân Khmer về một cuộc sống ấm no, an lành và hạnh phúc.

Tết Chôl-chnăm-thmây, đồng bào Khmer tập trung tại các ngôi chùa, cùng thờ cúng ông bà, vui chơi và cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt. Nhà chùa nào cũng cùng đồng bào chuẩn bị cho các nghi lễ, các họat động văn hóa, thể thao trong những ngày tết. Ở chùa Thủy Liễu, huyện Gò Quao năm nay ngòai các lễ mừng năm mới còn có hội thi bơi xuồng ba lá, đẩy gậy, đập nồi đất…đang được bà con háo hức chờ đón.

 

Ở Kiên Giang, bà con Khmer sống xen lẫn, chan hòa, đòan kết với người Kinh, người Hoa, tiếng Khmer có thể nói không sõi nhưng phong tục tập quán của đồng bào Khmer thì luôn được gìn giữ, phát huy. Tết cổ truyền Chôl-chnăm-thmây là một trong những dịp để đồng bào Khmer đưa con cháu mình cùng đến chùa và giảng giải cho chúng phong tục của dân tộc.

Cứ như thế, không khí ngày tết cổ truyền Chôl-chnăm-thmây của đồng bào Khmer ở Kiên Giang đến từ rất sớm, mang đầy đủ ý nghĩa và hương vị. Một năm mới với nhiều niềm vui mới, thắng lợi mới đang được đồng bào tưng bừng chào đón.