+84 983 035 435

KHÁM PHÁ VIỆT NAM

Hãy khám phá việt nam qua những địa điểm phượt vô cùng thú vị, thơ mộng và hùng vĩ.

Lễ Pơ Thi (Lễ bỏ mả)

Khám phá Lễ Pơ Thi (Lễ bỏ mả) Việt Nam

.

Nét đẹp Lễ Pơ Thi (Lễ bỏ mả)

Hàng năm khi mùa mưa vừa chấm dứt (từ tháng 11 đến hết tháng 4 dương lịch năm sau), khi muà màng thu hoạch xong, cả hai tộc người Bahnar và Jrai ở tỉnh Gia Lai tổ chức Lễ bỏ mả và họ cùng gọi là Pơ thi. Lễ bỏ mả là lễ hội lớn nhất, đông vui và dài ngày nhất.

Theo quan niệm của cư dân bản địa, người sống đều có hồn, khi người chết hồn biến thành ma. Hàng ngày, người thân của người chết phải đem cơm nước đến nhà mồ, quét dọn nhà mồ. Mục đích của lễ hội chính là tiễn đưa các tinh linh (ma mới) về với thế giới tổ tiên, về với "ma cũ". Chỉ sau khi làm Lễ bỏ mả người chết mới đi về với thế giới tổ tiên, chấm dứt mọi ràng buộc giữa người sống với người chết.

Ngày xưa người Jrai tổ chức lễ hội bỏ mả trong 7 ngày, nay chỉ còn 4 ngày:

Ngày thứ nhất gọi là ngày vào hội

Ngày thứ hai là ngày vỡ hội

Ngày thứ ba là ngày rửa nồi

Ngày thứ tư là ngày giải phóng cho người goá bụa.

Công việc chuẩn bị khá công phu: đốn cây to làm hàng rào quanh mồ, đẵn gỗ để đẽo tượng dựng quanh nhà mồ. Cuối cùng làm nhà mồ.

Lễ bỏ mả thường diễn ra vào buổi chiều, đó là một cuộc trình diễn lớn quanh nhà mồ. Sau khi già làng làm lễ cúng xong, thân nhân của người quá cố vào nhà mồ khóc than lần cuối với người đã chết. Tiếng cồng chiêng, tiếng trống nổi lên tiễn đưa người chết đi về thế giới bên kia, đoàn đưa tiễn gồm những người đánh khiêng và đánh trống, người đánh cồng chiêng, người đeo mặt nạ, người trình diễn những con rối, phụ nữ thì múa, họ đi vòng quanh nhà mồ biểu diễn những động tác theo tiếng nhạc. Trang phục của những người tham gia đều rất trang nghiêm và sặc sỡ.

Có thể nói, lễ hội bỏ mả là biểu tượng nổi trội nhất, hấp dẫn nhất trong các lễ hội nói riêng và những sắc thái văn hoá của người Jrai nói chung. Bởi lẽ, Lễ hội bỏ mả là cuộc trình diễn nghệ thuật lớn nhất, mang tính chất tổng hợp trong tất cả các loại hình nghệ thuật dân gian của dân tộc Jrai. Bữa ăn bên nhà mồ là bức tranh đầy đủ về "văn hoá ẩm thực" của tộc người Jrai. Đây là bữa ăn mang tính cộng đồng lớn nhất về quy mô những người tham dự, về sự phong phú của các món ăn và cả về nghi thức tín ngưỡng đời thường. Nghệ thuật nhà mồ cũng là hình thức tổng hợp bao gồm nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau như: kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ, trang trí, nghệ thuật đan. Nghệ thuật nhà mồ đề cao tính nhân văn của con người, lấy con người làm trung tâm vũ trụ. Những ngày Lễ bỏ mả thực sự là những ngày hội văn hóa tưng bừng đầy chất nghệ thuật. Trong những ngày này, người sống ăn bữa ăn cộng cảm cuối cùng với người chết để rồi lưu luyến tiễn đưa người chết về thế giới bên kia bằng bài nhạc cồng chiêng, bằng những con rối... Sau khi làm lễ giải phóng, người sống không còn ràng buộc gì với người thân đã chết. Họ có thể lấy vợ, lấy chồng, có thể dự những cuộc vui của dân làng. Đến đây lễ bỏ mả chấm dứt, ngôi nhà mồ cũng bị bỏ luôn, không còn được chăm sóc.

Xét dưới góc độ tôn giáo tín ngưỡng thì Lễ bỏ mả là một nghi thức tang ma. Thế nhưng nhìn ở khía cạnh văn hóa thì Lễ bỏ mả của người Tây Nguyên mà điển hình nhất của người Jrai và người Bahnar ở tỉnh Gia Lai là đỉnh điểm của những hoạt động văn hóa truyền thống. Đương nhiên thông qua lễ hội, chủ lễ nhằm giải quyết mối quan hệ giữa con người với con người và giữa con người với thế giới tự nhiên.

Có thể nói, Lễ bỏ mả là một trong những đặc trưng văn hóa tiêu biểu nhất của các dân tộc tỉnh Gia Lai. Đến với Lễ bỏ mả, du khách còn được chiêm ngưỡng nghệ thuật kiến trúc nhà mồ, điêu khắc tượng nhà mồ - những giá trị có một không hai của đất nước Việt Nam.