+84 983 035 435

KHÁM PHÁ VIỆT NAM

Hãy khám phá việt nam qua những địa điểm phượt vô cùng thú vị, thơ mộng và hùng vĩ.

Lễ mừng cơm mới của người Si La

Khám phá Lễ mừng cơm mới của người Si La Việt Nam

.

Nét đẹp Lễ mừng cơm mới của người Si La

Dân tộc Si La chỉ có khoảng 700 người sống chủ yếu ở hai bản Seo Hai, xã Kan Hồ, huyện Mường Tè tỉnh Lai Châu và bản Nậm Sin, xã Cung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Cuộc sống của người Si La gắn chặt với núi rừng, điều kiện canh tác rất khó khăn nên đồng bào luôn mơ ước về sự no đủ. Đó là lý do ra đời của Lễ mừng cơm mới (ổm khe) của đồng bào dân tộc Si La. Lễ mừng cơm mới của đồng bào Si La được tổ chức đầu vụ thu hoạch (tháng Tám âm lịch), vào ngày hợi, ngọ, tị, thân hoặc thìn. Nếu ngày cúng trùng vào ngày giỗ của gia đình trưởng họ thì phải lui lại nhưng vẫn phải chọn vào một trong những ngày kể trên.

Khi lúa trên nương chín, trưởng dòng họ đi hái một nắm lúa đem về phơi khô rồi giã lấy gạo nấu một bát xôi làm lễ vật cúng chính. Những người con trai đã ra ở riêng, nếu bố đã mất phải đem lễ vật đến bàn thờ đặt ở nhà trưởng họ để cúng tổ tiên (nếu còn bố thì bố làm thay). Lễ vật bắt buộc phải có là một gói cơm mới (được lấy từ nương lúa của gia đình đem về phơi rồi đồ lên), hai con sóc, hai con cua, hai con cá.

Lễ cúng thường làm vào buổi chiều. Cách thức tổ chức và những lễ vật của các dòng họ đều giống nhau. Khi lễ vật được các gia đình trong dòng họ đem đến, trưởng họ bày ra một mâm tròn và bắt đầu làm lễ cúng. Con cháu sẽ quây tròn quanh mâm cúng, trưởng họ vừa cúng vừa đọc những câu cầu cho mùa màng năm sau được tốt tươi, cho thu hoạch bội thu. Lễ cúng không thắp hương mà chỉ thắp nến.

Khi cúng xong các gia đình sẽ cùng nhau ăn mừng lúa mới. Gia đình nào khó khăn, trưởng dòng họ cho đem lễ vật đã cúng về nhà ăn cùng con cái và người thân. Người Si La rất coi trọng Lễ mừng cơm mới nên các dòng họ thường tổ chức rất chu đáo. Lễ cúng xong, sáng hôm sau các gia đình lên nương thu hoạch lúa.

Lễ mừng cơm mới của dân tộc Si La ở Lai Châu ngoài ý nghĩa tín ngưỡng còn là dịp để các dòng họ tưởng nhớ những người đã khuất và là dịp để anh em họ hàng hội tụ, biểu thị sự đoàn kết và sức mạnh cộng đồng. Các điệu hát và tiếng sáo, tiếng đàn vang lên khắp núi rừng báo hiệu một mùa bội thu, an lành, no ấm. Đây là nét đẹp văn hóa của đồng bào Si La.