+84 983 035 435

KHÁM PHÁ VIỆT NAM

Hãy khám phá việt nam qua những địa điểm phượt vô cùng thú vị, thơ mộng và hùng vĩ.

Lễ lên nhà mới của người Kor

Khám phá Lễ lên nhà mới của người Kor Việt Nam

.

Nét đẹp Lễ lên nhà mới của người Kor

Người Kor, huyện Trà Thủy tổ chức lễ lên nhà mới một lần duy nhất đối với ngôi nhà mới của mình. Bởi vậy, họ rất coi trọng và chuẩn bị khá kỹ lưỡng với nhiều lễ cúng để mong muốn tổ tiên và thần linh phù hộ cho gia đình, dòng tộc khỏe mạnh, mùa màng bội thu, anh em thuận hòa…

Đầu tiên là lễ cúng sống, đồ lễ gồm một con heo, ba con gà sống, gạo, muối, trầu cau... để báo với thần linh (thần Cờy Vắt), ông bà biết nhà mình hôm nay chính thức lên nhà mới.

Sau lễ cúng sống, các đồ lễ heo sống, gà sống được đem làm thịt và chế biến thành các món ăn của người Cor để tiến hành lễ cúng chín. Trong thời gian chuẩn bị cho lễ cúng chín, chủ nhà tiếp khách đến chơi, mừng nhà mới.

Việc chuẩn bị cho lễ cúng chín cũng khá cầu kỳ, lễ được chia làm 3 mâm: gồm các loại bánh: bánh lá đót, bánh lá tốp, bánh rồng (cơm lam), cá nướng, trầu cau, thịt lợn, gà đã luộc, gạo muối… Tất cả đã được bày sẵn để già làng chủ trì lễ cúng. Lễ cúng chín một lần nữa khẳng định và thông báo với ông bà, thần linh là gia đình người Kor đã chính thức lên nhà mới.

Trước lễ cúng chín, chân gà sẽ được làm “phép”, ngâm vào nước, nếu chân gà co đều có nghĩa thần linh phù hộ, ngược lại nếu chỉ có ngón chân giữa co có nghĩa thần linh không đồng ý. Tiếp đó, già làng và những người tham gia cùng nâng ly rượu phép trước khi cử hành lễ cúng chín.

Lễ cúng chính với tất cả các đồ chín đã được bày ra, các thành viên trong gia đình ngồi quanh mâm cúng vừa cầu nguyện những điều tốt đẹp vừa rắc muối gạo quanh mâm cúng. Hương trầm hòa quyện vào ánh lửa, tiếng cầu nguyện khiến không gian ngôi nhà thêm linh thiêng mà ấm cúng.

Sau khoảng 20 phút lễ cúng kết thúc. Già làng và các thành viên của gia đình đem lửa, nước rắc lên nhà tum (phòng ở của từng gia đình trong ngôi nhà lớn). Kết thúc lễ cúng, người Kor đánh cồng chiêng rồi cùng múa Cà Đáu để cầu mong thần linh và tổ tiên phù hộ cho đại gia đình người Kor luôn mạnh khỏe, mùa mang tươi tốt…

Tiếp sau phần lễ là phần giao lưu với hàng xóm. Mọi người đều tập trung đông đủ trước nhà sàn người Kor, trong trang phục truyền thống dân tộc mình nhưng tất cả đều hòa vào điệu múa Cà Đáu của người Kor. Điệu múa của sắc màu, mềm mại nhưng cũng rất khỏe khoắn. Trong phần giao lưu, ấn tượng và hấp dẫn nhất là màn đấu chiêng của hai chàng trai Kor. Họ cùng đọ “tiếng”, tiếng chiêng dồn dập lúc nhanh, lúc chậm, lúc nhẹ nhàng lúc mạnh mẽ như trạng thái của hai chàng trai. Tiếng vỗ tay hưởng ứng mỗi lúc một to hơn, người xem thích thú vì lần đầu tiên được chứng kiến màn đấu chiêng này.

Sau khi cả chủ và khách đã “mãn nhãn” với các tiết mục múa, đấu chiêng tất cả cùng thưởng thức những món đặc sản, dân dã, cùng nhâm nhi chén rượu quế người Kor tự làm và mang ra.