Lễ hội Lồng tồng (còn gọi là lễ xuống đồng)- là lễ hội quan trọng bậc nhất vào dịp đầu năm mới, gắn liền với nền nông nghiệp trồng trọt, được tổ chức nhằm gửi gắm những mong ước của con người, cầu cho mưa thuận gió hòa, cây lúa dưới ruộng, củ sắn trên nương luôn luôn tốt tươi, mang lại thật nhiều no ấm, là một biểu hiện sinh động của nền văn hóa phong phú, đa dạng và giàu bản sắc. Lễ hội Lồng tồng Ba Bể đã nổi tiếng ở Việt Bắc từ lâu. Sau hàng chục năm bị gián đoạn vì chiến tranh, vì cách nhìn phiến diện của một thời về văn hóa lễ hội và tín ngưỡng dân gian, nên từ năm 1995, Hội mới được khôi phục và được tổ chức hàng năm vào ngày mồng 10 tháng 1âm lịch tại ven hồ Ba Bể, phía dưới chân núi Bó Lù, thuộc xã Nam Mẫu huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Cạn..
Lễ hội Lồng tồng có rất nhiều nghi thức và thành phần lễ hội sinh động. Ðó là ngày hội của mọi nhà, vì nhà nhà đều tham gia làm lễ. Mà mỗi nhà lại có một mâm cúng riêng. Trên mâm cúng có gà trống luộc, có thịt lợn nạc, có cặp bánh chưng (mon hua) gói bằng lá dong; rồi trứng gà luộc nhuộm phẩm với bốn mầu đỏ - tím - vàng - xanh. Rồi xôi đỏ tượng trưng cho mặt trời, xôi vàng tượng trưng cho mặt trăng, trên mỗi đĩa xôi lại có một con chim én làm bằng giấy đỏ đậu trên, mang theo biểu tượng của mùa xuân, như để gửi gắm ước mơ về sự no ấm, sinh sôi nảy nở, cuộc sống an lành. Vào buổi sáng diễn ra hội Lồng tồng, các gia đình ở bản tổ chức lễ hội cùng nhau đội mâm cúng ra thửa ruộng lớn nhất trên cánh đồng của bản. Các mâm cúng được xếp lần lượt theo hàng, mâm trên cùng là mâm cúng của thầy mo già được kính trọng nhất trong vùng và cũng là người chủ trì lễ hội.
Mọi người đứng vòng tròn quanh mâm cúng. Khi những nén hương được thắp lên, thầy mo đọc bài khấn và thực hiện các nghi thức cầu cúng, lễ tạ thiên địa, cầu thần Nông, thần Phục Hy, Sơn thần, Thủy thần (những vị thần chi phối việc trồng trỉa) và thành hoàng (vị thần bảo hộ cho dân làng) độ trì cho mưa thuận gió hòa, gia cầm sinh sôi, bản, làng bình yên no ấm... Các cô gái đẹp nhất trong vùng sẽ dâng nước cúng đựng trong các vỏ quả bầu. Ðây được coi là nước thiêng, phải lấy từ đầu nguồn. Rồi thầy mo ngửa mặt lên trời, tay bưng cao các "nậm" nước thiêng của các mâm cúng, cầu mong nước từ "mương trời" tưới khắp trần gian, cho ruộng nương. Khấn xong, thầy mo tưới nước ra khắp bốn phương trời, mọi người cùng nhau hứng nước để được hưởng phúc...
Sau phần nghi lễ là phần hội, được mở đầu bằng hội tung còn. Những quả còn được khâu bằng vải, bên trong có hạt thóc, hạt bông được nén chặt, ngoài có tua ngũ sắc, được các nam thanh nữ tú thi ném lên vòng tròn trên ngọn cây nêu. Ðó là hai biểu tượng đặc sắc của Dương và Âm, cái gốc của vũ trụ và vạn vật. Khi quả còn xuyên thủng hồng tâm của vòng tròn, là Âm - Dương đã giao hòa, cuộc sống sẽ sinh sôi, mùa màng sẽ bội thu. Bởi vậy, ở bất cứ hội Lồng tồng nào, việc ném còn trúng hồng tâm cũng là một nghi thức bắt buộc, bởi đồng bào quan niệm rằng, nếu Âm - Dương không giao hòa, năm ấy làng, bản sẽ không may mắn, mùa màng sẽ thất bát. Người ném trúng hồng tâm sẽ được thưởng một mâm cỗ đầy.
Song, thường thì người thắng cuộc chỉ nhận về mình cái danh thơm, còn mâm cỗ lại mang ra khao làng! Một điều thú vị nữa là khi các nam thanh nữ tú bắt được quả còn của nhau thì xem như đã được Trời se duyên đôi lứa, bởi vậy, hội Lồng tồng cũng là dịp để trai gái xa gần tìm hiểu nhau và bén duyên vợ chồng. Sau hội tung còn là các trò chơi như đánh yến, đánh quay, kéo co, bịt mắt bắt dê... Ðêm lễ hội Lồng tồng, trai gái hát sli, hát lượn thâu đêm suốt sáng với lượn mời, lượn nghênh đón, lượn xe kết, lượn mừng và lượn tạm biệt...
Nét độc đáo của hội Lồng tồng Ba Bể là bà con đi hội không chỉ để chơi, mà còn để bán những nông sản do nhà mình tự làm ra, khiến hội Lồng tồng còn có mầu sắc của hội chợ nông sản.
Lễ hội Lồng tồng Ba Bể thực sự là một lễ hội dân gian, giàu bản sắc, đa dạng trong hình thức hoạt động tạo nên sức hút với du khách thập phương về miền đất này.
Lễ hội Xuân Ba Bể được tổ chức tại xã Nam Mẫu huyện Ba Bể, Bắc Kạn vào ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Đây là Lễ hội truyền thống đầu năm, thể hiện những nét văn hoá đặc trưng của người dân địa phương.
Vào những ngày này, bà con vừa ăn Tết, vừa chuẩn bị cho ngày hội. Bà con làm nhiều loại bánh khác nhau từ bột gạo nếp ngâm với các loại lá rừng như bánh trời, bánh khảo, bánh nếp... rồi đặc sản rượu Khưa Quang cất từ ngô trồng trên đỉnh núi được chưng cất bằng men lá, uống vào sẽ có cảm giác lâng lâng như đi trên mây suốt mấy ngày.
Vào ngày hội, mỗi xã, thị trấn trong huyện Ba Bể đều dựng trại và bày bán đủ thứ đặc sản của địa phương mình. Vải thổ cẩm, quần áo dân tộc, nấm hương, mộc nhĩ, mật ong, rượu ngô, măng khô, thậm chí cả khoai, sắn, bí ngô, đỗ mèo dân dã cũng được trang trọng bày ở bàn giới thiệu đặc sản địa phương.
Sáng ngày mùng Mười, lễ hội chính thức khai mạc. Mở đầu là màn dâng lễ của 16 xã. Lễ vật của các xã chỉ đơn giản có xôi, gà, nải chuối, bánh khảo và một chai rượu ngô. Mười sáu mâm lễ này được các thôn nữ kính cẩn dâng lên thần núi, thần sông, thần hồ để cầu một năm bình an với mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi nảy nở.
Sau tiếng trống khai hội, các tiết mục văn nghệ chào mừng với những câu sli, điệu lượn, lời then, tiếng tính… làm say lòng du khách bởi sự hấp dẫn kỳ diệu, đượm bản sắc văn hoá vùng cao. Sau phần lễ là phần hội. Lễ hội năm nào cũng là nơi phô diễn những bản sắc dân tộc của đồng bào địa phương với nhiều trò chơi hấp dẫn như: đua thuyền độc mộc, ném còn, đấu võ dân tộc, bắn cung và biểu diễn múa, hát truyền thống của các dân tộc…, thu hút nhiều bà con các dân tộc trong vùng đến vui. Lễ hội cũng giúp cho khách thập phương hiểu thêm về con người và truyền thống văn hoá nơi đây. Sôi động nhất là đua thuyền trên hồ Ba Bể, một trong những trò chơi hấp dẫn thu hút nhiều người đến xem, đặc biệt là du khách đến tham quan du lịch tại vùng hồ, người xem vòng trong, vòng ngoài reo hò cổ vũ cho những “vận động viên” của làng mình, bản mình. Những cô gái dẻo tay trong bộ váy của dân tộc Tày, những chàng trai khỏe tay cùng nhau đua thuyền độc mộc trên hồ, những chiếc thuyền lao vun vút để lại phía sau dòng nước trắng xóa.
Ném còn cũng là trò chơi thu hút nhiều nam thanh, nữ tú vì qua trò chơi này họ có thể giao duyên, tìm bạn, nếu nhặt được quả còn của nhau, họ sẽ có cuộc hẹn hò trong những ngày Xuân ấm áp. Thế nên mỗi khi mùa lễ hội đến, ở Ba Bể lại có thêm nhiều đôi nên vợ nên chồng. Người đi trảy hội còn có thể tham gia các điệu hát và múa trong điệu nhạc dân tộc du dương trầm bổng.
Đến lễ hội mùa Xuân, du khách còn có thể đi du lịch trên hồ bằng thuyền để ngắm cảnh hồ, thả mình giữa những rừng cây chen đá, lá chen hoa, đặc biệt là đi thuyền độc mộc giữa một vùng núi đá muôn hình, muôn vẻ. Mặc dù chỉ diễn ra trong 1 ngày nhưng Lễ hội Xuân Ba Bể đã thu hút hàng vạn du khách tới tham dự.
Mỗi năm phong tục lễ hội càng thêm phong phú nhưng nét truyền thống vẫn được giữ gìn, đảm bảo bản sắc của các dân tộc miền núi phía Bắc nói chung và Bắc Kạn nói riêng.
Hội xuân Phủ Thông tổ chức hàng năm vào ngày 10 tháng Giêng, tại thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông. Đây là lễ hội truyền thống mang đậm nét văn hoá dân tộc Tày, cũng là dịp để các địa phương trong toàn huyện và các xã giáp ranh với huyện Bạch Thông giao lưu những sắc màu văn hoá riêng, góp phần gìn giữ những nét đẹp cổ truyền của dân tộc.
Trong ngày Hội, từ sáng sớm, trên khắp các nẻo đường dẫn về thị trấn Phủ Thông, từng dòng người nô nức kéo nhau đi trẩy hội, những bé trai bé gái xúng xính áo quần đủ màu sắc, đôi má hây hây hồng nắm tay mẹ, háo hức ngắm nhìn những quả bóng bay xanh đỏ.
Lễ hội gồm hai phần: Phần Lễ và Phần Hội
Phần Lễ, được diễn ra trong không khí trang nghiêm của lễ dâng hương tại đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Phủ Thông, để tỏ lòng biết ơn những người con anh hùng của dân tộc, và cũng là cầu chúc một năm mưa thuận gió hoà, lao động sản xuất gặp nhiều may mắn.
Phần Hội với trò chơi dân gian phổ biến nhất trong các lễ hội xuân ở Bắc Kạn đó là Tung còn. Tung còn vừa là trò chơi, đồng thời cũng là một nghi lễ cầu may cho năm mới. Trong ngày hội, giữa bãi rộng người ta chôn một cái cây, thường là cây mai. Phần ngọn dùng một thanh tre vót nhỏ uốn thành một vòng tròn rồi dùng giấy màu dán kín, ở giữa khoét một lỗ tròn nhỏ. Buộc vòng tròn vào phần ngọn của cây mai. Nam thanh, nữ tú đứng dàn hai bên sẽ tung còn, sao cho trúng và làm thủng mảnh giấy bịt vòng tròn trên ngọn tre, ai đón được quả còn sẽ có nhiều may mắn. Niềm vui ngắm quả còn ngũ sắc bay trên nền trời xuân mang lại cảm xúc thật khó diễn tả.
Hay, Trò đi cà kheo thì chỉ cần hai đoạn tre có đục lỗ, đóng cá để đặt chân lên. Đứng trên cây cà kheo cao lênh khênh đã khó, để đi thật nhanh về đích còn khó hơn. Trò chơi này vui nhộn hơn khi người chơi mặc trang phục truyền thống màu sắc bắt mắt, đứng ở xa cũng có thể quan sát ai về đích trước.
Trò chơi kéo co cũng không thể thiếu trong lễ hội. Trên sân, người ta chuẩn bị sẵn một sợi dây thừng lớn, dài khoảng 20m làm dây kéo, ở giữa buộc một chiếc khăn màu đỏ. Các bạn trẻ chia thành hai phe đều là nữ hoặc nam, có số lượng bằng nhau nắm dây kéo sẵn sàng. Khi trống lệnh phát ra, mỗi người chân bên co, bên duỗi cố kéo phe đối phương lấn qua mốc vạch vôi. Cuộc tranh tài đua sức căng thẳng với tiếng reo hò cổ vũ của hàng dài những người xung quanh. Dù thắng hay thua thì tất cả đều vui vẻ.
Trò chơi đẩy gậy có lẽ chỉ dành riêng cho nam giới. Trên một khoảng đất phẳng, người ta dùng vôi kẻ một vòng tròn. Chỉ cần một đoạn tre thẳng, vót nhẵn hai đầu được buộc chiếc khăn đỏ ở giữa là trò chơi có thể bắt đầu. Đẩy gậy thực sự là cuộc phô diễn sức mạnh của những chàng trai núi rừng. Những cánh tay vồng cơ bắp, những bàn chân vững chãi lấy đà để đẩy lui đối phương khỏi vòng đấu đem lại sự hồi hộp đến ngẹt thở.
Bên cạnh đó một số môn thể thao hiện đại như: bóng chuyền, trò chơi “hái hoa dân chủ” cũng mang lại không khí tươi vui, ấm áp cho lễ hội xuân Phủ Thông.
Lễ hội chọi hồ Ba Bể được tổ chức vào ngày mùng 10 Tết âm lịch hằng năm, tại xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể. Đây là lễ hội truyền thống của dân tộc Mông.
Chọi bò được tổ chức vào năm 1997 ở Ba Bể và được duy trì hằng năm từ đó đến nay. Mục đích chính của cuộc thi là thể hiện tình yêu thương, sự công phu và nghệ thuật chăm sóc bò của người chủ.
Để được tham gia thi đấu tại lễ hội chọi bò này, bò chọi đều được tuyển chọn từ các bản làng của người Mông. Những chú bò mộng khỏe, sừng nhọn, tai to, vó cao… sẽ được tuyển chọn để thi đấu.
Từ sáng sớm, các chú bò mộng được chủ dắt ra một đấu trường bằng phẳng, phủ đầy cỏ non. Hình thức thi đấu vòng tròn, con nào thắng nhiều đối thủ sẽ giành giải nhất. Trong một trận đấu, con nào bỏ chạy sẽ bị xử thua.
Để cho bò húc nhau, khi dắt vào sới, ngoài việc để hai con sát nhau, các chủ bò còn phải làm động tác khui bò (kích thích để bò húc nhau).
Theo kinh nghiệm thi đấu bò của người Mông. Do bản tính vốn hiền lành của con bò, không hung dữ như con trâu nên khi tham gia thi đâu không được cho nó làm quen với nhau. Nếu chúng nó quen nhau sẽ không húc nhau vì vậy người Mông có mẹo bôi rượu vào yếm của bò thì nó mới hăng.
Một điều khác biệt giữa chọi trâu và chọi bò là: nếu những Ông trâu trước khi chọi được chăm sóc cẩn thận thì những con bò chọi nơi đây vẫn phải đi cày bừa ruộng nương trước khi ra trận.
Trước khi vào chọi, bò được đánh số thứ tự. Sau đó Bò được dắt vào sới chọi. Để bò húc nhau, người ta phải lấy gậy chọc (khui bò) và thoa rượu vào yếm bò
Dạo đầu cuộc đấu sẽ là màn khiêu khích bằng mắt giữa hai chú bò, rồi cả hai sẽ tỉ thí sức lực bằng chiếc sừng nhọn hoắc. Luật chọi bò quy định con bò nào bỏ chạy hoặc bị húc ngã sẽ bị loại. Khác với chọi trâu, các "đấu sĩ bò" vô địch hoặc không vô địch đều được nuôi dưỡng để phục vụ việc đồng áng, nương rẫy.
Cứ đến tháng bảy âm lịch hàng năm, đồng bào Tày ở khắp các bản làng của Bắc Kạn lại rậm rịch chuẩn bị cho cái tết lớn thứ hai sau tết Nguyên Đán: Tết Rằm tháng bảy (đồng bào gọi là Tết Slip slí).
Cùng với ngày Xá tội vong nhân (Tết Vu Lan) của người Kinh, Tết Rằm tháng bảy của người dân tộc Tày ngoài ý nghĩa thờ cúng tổ tiên, cúng các vong hồn còn là dịp để gia đình, dòng họ xum họp, con cái thể hiện lòng biết ơn, tình cảm và lòng hiếu thuận đối với cha mẹ.
Vào những ngày này, đồng bào dân tộc Tày thường gác lại các công việc khác, tất cả dồn vào chuẩn bị cho ngày tết. Phiên chợ ngày trước tết cũng náo nhiệt hơn với các mặt hàng đặc trưng như: Lá bánh, đỗ xanh, củ chuối rừng…và một món ăn không thể thiếu đối với người Tày trong rằm tháng bảy đó là thịt Vịt.
Theo tục lệ, cứ đến rằm tháng bảy, người Tày ở Bắc Kạn sẽ làm bánh “Pẻng Tải”, bánh chưng nhân cá lá gừng, làm bún tươi, thịt vịt…để thờ cúng tổ tiên, cúng các vong hồn, cầu chúc sức khỏe, an lành đến với tất cả các thành viên trong gia đình, dòng họ.
Bánh Pẻng Tải được làm giống với chiếc bánh gai của người Kinh. Bánh làm từ bột của thứ gạo nếp thơm dẻo nhất, trộn với củ chuối rừng hoặc lá gai được băm nhỏ, nấu kỹ. Dùng lá chuối rừng tươi hơ nóng cho mềm, đặt 2 chiếc bánh nặn tròn bằng cái chén cuộn cùng một lá. Bánh đồ xong, đem cúng tổ tiên, còn lại đem treo lên sào để ăn dần. Rằm tháng bảy, người Tày còn làm thêm bánh chưng (còn gọi là Pẻng Hó). Bánh Chưng được gói bằng lá dong rừng, với nhân cá chép, lá gừng tươi. Ngoài Pẻng Tải, Pẻng Hó, làm bún…, Tết Rằm tháng bảy, người Tày thường ăn thịt Vịt. Những con vịt ngon, béo nhất đàn sẽ được thịt để cúng tổ tiên, cúng thổ địa… để cầu chúc những điều may mắn, tốt đẹp cho gia đình.
Cũng trong những ngày này, người dân tộc Tày có phong tục: Con rể của gia đình sẽ đem biếu bố mẹ vợ một đôi vịt để tỏ lòng biết ơn, kính trọng và hiếu thuận, cảm ơn công dưỡng dục vợ mình. Ngày 14, 15 tháng bảy, đại gia đình sẽ quây quần cùng nhau ăn bữa cơm sum họp. Đây là một nét văn hóa đặc sắc của người Tày, thể hiện tình cảm yêu thương, gắn bó và lòng hiếu thuận của con cái đối với cha mẹ.
Đến với các bản làng người Tày ở Bắc Kạn trong những ngày rằm tháng bảy này, khách thập phương sẽ được hòa mình trong không khí đầm ấm, vui vẻ nhưng trang trọng của bà con dân tộc nơi đây. Khách sẽ cùng ngồi ăn những món ăn của vùng núi rừng Bắc Kạn với măng nhồi thịt, trám kho cá, thịt vịt xào măng…
Qua thời gian, tục lệ ăn Tết Rằm tháng bảy của người Tày Bắc Kạn vẫn giữ nguyên được những nét truyền thống từ ngàn xưa. Đây là một trong những nét văn hóa đặc sắc của người Tày cần được gìn giữ, bảo tồn và phát triển.