+84 983 035 435

KHÁM PHÁ VIỆT NAM

Hãy khám phá việt nam qua những địa điểm phượt vô cùng thú vị, thơ mộng và hùng vĩ.

Lễ hội Từ Hả

Khám phá Lễ hội Từ Hả Việt Nam

.

Nét đẹp Lễ hội Từ Hả

Lễ hội Đền Từ Hả được tổ chức từ ngày 6 đến 8 tháng Giêng âm lịch, tại xã Hồng Giang huyện Lục Ngạn, nơi thờ thượng tướng quân Thân Cảnh Phúc, người có công trong cuộc chống quân Tống xâm lược thế kỷ thứ XI (1075-1077).

Tương truyền cách đây hàng nghìn năm, vào đời nhà Lý (thế kỷ X - XI), tại xã Hả Hộ thuộc Động Giáp, là Châu Lạng của nước Đại Việt, đây là một động lớn của vùng Bắc Giang, dòng họ Giáp sống ở động này đã từng nổi tiếng trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Các tù trưởng, tộc trưởng vùng này đều thuộc dòng họ Giáp được kế tiếp nhau qua nhiều thế kỷ. Vào thời Lý họ Giáp ba đời có người làm phò mã cho nhà Lý, như: thời Lý Thái Tổ có Giáp Thừa Quý; thời Lý Thái Tông, Thân Thiệu Thái (1029) lấy công chúa Bình Dương; Thời Lý Nhân Tông Thân Cảnh Phúc (1066) lấy công chúa Thiên Thành, các phò mã họ Giáp giỏi đánh giặc đã được nhân dân tôn sùng và lịch sử đã ghi là những “Thiên Thần Động Giáp”. Hội Từ Hả là lễ hội thờ tướng quân Vũ Thành (Thân Cảnh Phúc) phò mã nhà Lý (1066) đã có công chống giặc ngoại xâm phương Bắc.

Để ghi nhớ đến công lao to lớn của người, hàng năm nhân dân trong vùng mở hội từ mồng 6 đến mồng 8 tháng giêng, trong đó có rước hội, cuộc rước là diễn lại sự tích đi đánh giặc của Người.

Theo lệ xưa, tổ chức lễ hội đền Hả được chia cho 4 giáp: Kép, Trong, Hăng và Nguộm. Mỗi năm, 4 giáp chọn ra một giáp đăng cai, 4 giáp chọn ra một ban khánh tiết. Ban khánh tiết gồm: hội chủ; thầy cả; đương cai; thư văn; bồi tế; chắp hiện; hỏa khí; đạo tràng; các bậc trưởng lão; thủ từ; và 4 nhà chức trách của làng.

Ban khánh tiết có trách nhiệm tổ chức lễ hội theo nghi lễ và nghi thức của nhà thánh đã truyền lại từ xưa đến nay. Hội được tổ chức vào 3 ngày, mồng 7, mồng 8 và mồng 9 tháng Giêng hàng năm. Ngày mồng 8 là ngày chính hội. Trong cả 3 ngày đều có tổ chức tế, lễ tại đền và chùa. Riêng ngày mồng 8 được tổ chức tại Bãi Dược, vừa tế lễ, vừa diễn ra các trò vui.

Cuộc rước và tế ở Bãi Dược được tiến hành từ giỡ Mão đến giờ Ngọ của ngày mồng 8 tháng giêng. Đây là một màn diễn lại tích đức thánh Vũ Thành cầm quân đi đánh giặc giữ nước. Tích diễn này chính là nét độc đáo nhất và tiêu biểu nhất của lễ hội Từ Hả.

Nghi thức và nghi lễ ngày mồng 8 tháng Giêng được bắt đầu bằng nghi lễ giao tín

Lễ giao tín được tế vào giờ Mão (6 -7 giờ sáng) do các quan viên đảm nhận. Đây là lễ dâng cỗ chay trình nhà Thánh, và mời thánh cầm quân ra trận. Các nghi lễ được tổ chức trang nghiêm, tôn kính. Cỗ chay của các giáp được đưa lên bàn thờ của thánh để cúng gồm: bánh dày, bánh ít, bánh mật, bánh đậu nhừ, bánh bìa, giang, bánh chay, chè lam, chè mật, bánh mã, xôi, cơm, cam sành, trầu cau. Sau khi làm lễ các đồ rước như kiệu, hương án, bát bửu, binh khí, cờ quạt, ngựa hồng, ngựa bạch… được sắp xếp chỉnh tề, đầy đủ ở sân đền để chuẩn bị rước.

Đúng giờ Tỵ có lệnh cho đoàn rước khởi giá. Đoàn rước tượng trưng cho đoàn quân lên đường đi đánh trận. Vì thế, đoàn rước phải đi rất trật tự âm thầm, cờ sai, quân rẹp đường chỉ lấy hiệu lệnh chuyền nhau 27 lá cờ ngũ hành được quấn lại vào cột cờ, trống, chiêng phải thu hết dùi không được đánh. Kỳ lân, sư tử cũng im lìm bước, ngựa đóng yên cương cũng từ từ bước. Hộ vệ vác đao, bát bửu nghiêm trang, đi đều không được nói. Kiệu ông, kiệu bà chậm rãi rước theo đoàn quân. Đoàn rước cứ im lặng thế đi qua miếu Bà Lão Hậu ở dưới gốc đa rồi qua bãi trống, bãi chiêng, bãi lá cờ… rồi tiến quân vào chân đồi bãi Dược dừng lại. Đây là nơi ém quân chờ thời cơ xung trận.
Sau lễ vật thờ các cuộc tế lần lượt diễn ra. Lễ vật dâng lên thánh ở bãi Dược cũng được chuẩn bị chu đáo, đúng nghi thức và đẹp mắt. Sau tế lễ mừng công thì tiếp đến là lễ đảo cờ lần một và lần hai. Lễ đảo cờ đặc trưng cho 2 lần đi đánh giặc của tướng quân Vũ Thành.

27 lá cờ được chia thành hai hàng ở trước kiệu thánh, 13 lá một hàng, còn 1 lá cắm riêng một chỗ. Các trai đinh của giáp đăng cai ở đúng vị trí và sẵn sàng chờ lệnh đảo cờ. Khi lệnh phát, 13 lá cờ bên tả chạy sang chỗ của 13 lá cờ bên hữu và ngược lại. Thời gian đảo cờ rất nhanh, cự ly chạy bên này sang bên kia là 100m, nên các trai đinh phải vận động nhanh nhẹn. Đảo cờ là biểu diễn của một trận đánh. Lễ đảo cờ lần hai được diễn ra vào lúc 13 giờ và cũng tiến trình như vậy, chỉ khác sau lần đảo cờ thứ hai thì rước thánh hồi cung. Việc đảo cờ lần hai được truyền lại, là đức thánh Vũ Thành đánh quân phương Bắc 9 trận thắng, đến trận thứ 10 thì bị thương, phải chạy về phía sau; vì thế khi thánh hoàn cung qua miếu Lão Hậu bên gốc đa thì phải dừng lại để tưởng nhớ việc tướng quân Vũ Thành khi bị thương có qua đây và hỏi bà già bán nước là “Mất đầu thì sống hay chết”... Sau đó kiệu thánh tiếp tục được hoàn cung.

Tại bãi Dược, sau khi tế lễ xong các trò chơi được tổ chức, như: đu tiên, đá cầu chinh, kéo co, đẩy gậy, vật cổ truyền, võ dân tộc. Ngày nay còn thêm bóng đá, cầu lông và hát múa. Khi thánh đã hồi cung thì dưới bóng cây cổ thụ, 2 thảo xá được dựng lên trước sân để chờ đoàn rước vào lễ hỏa xá và lễ mộc dục. Lễ thảo xá là nghi thức hóa sinh cho nhà thánh về cõi vĩnh hằng. Nơi đây chính là nơi con ngựa bạch đưa tướng quân Vũ Thành về hóa tại đó. Để tượng trưng cho sự hóa sinh ấy người ta đã chặt cây gác vào nhau (gọi là thảo xá) đến giờ dậu thì thảo xá được đốt đi và tiễn thánh về với cõi hư vô.

Anh lính của đức thánh được nhân dân tổ chức lễ mộc dục (tắm gội), tẩy hết bụi trần để siêu thoát về nơi tịnh độ. Lễ này được tổ chức ở ao mộc dục và đài mộc dục. Ao mộc dục được tượng trưng là bãi đất bằng có cỏ mọc, đài mộc dục là gò đất trước cổng, xây gạch vuông vắn. Nghi lễ mộc dục được diễn ra ở đây vào tối mồng 8 tháng Giêng, sau lễ hóa thảo xá. Tối mồng 9 tháng Giêng còn tổ chức lễ cầu siêu ở chùa Từ Hả (còn gọi là chùa Thiên Đài) để mãi mãi sinh linh của đức thánh Vũ Thành phù hộ độ trì cho con cháu làm ăn thịnh vượng

Lễ hội Từ Hả diễn rã nhằm ôn lại quá khứ hào hùng của cha ông ta và tinh thần đoàn kết đáu tranh của dân tộc. Đây là một lễ hội lớn của nhân dân trong vùng nói riêng và huyện Lục Ngạn nói chung, lễ hội đã lôi kéo thu hút đông đảo quần chúng nhân dân và du khách thập phương về chảy hội.