+84 983 035 435

KHÁM PHÁ VIỆT NAM

Hãy khám phá việt nam qua những địa điểm phượt vô cùng thú vị, thơ mộng và hùng vĩ.

Lễ hội Thành Bàn Phủ

Khám phá Lễ hội Thành Bàn Phủ Việt Nam

.

Nét đẹp Lễ hội Thành Bàn Phủ

Lễ hội Thành Bàn Phủ được tổ chức hàng năm vào các ngày 24 và 25/2 Âm lịch, tại xã Noọng Hẹt, huyện Điện Biên nhằm tưởng nhớ anh hùng Hoàng Công Chất.

Năm 1754, thủ lĩnh Hoàng Công Chất cùng 2 vị tướng người dân tộc thiểu số là Lò Ngải và Lò Khanh phất cờ khởi nghĩa đánh tan giặc Phẻ và tàn quân Thái Bình Thiên Quốc do chậu Phạ Tin Tòng cầm đầu, giải phóng xứ Mường Thanh (Điện Biên), chấn ải biên cương Tổ quốc.

Lễ hội thành Bản Phủ được tổ chức hằng năm vào ngày giỗ tướng quân Hoàng Công Chất, là dịp để tăng cường tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc; khơi dậy tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, tình nghĩa miền ngược với miền xuôi. Lễ hội kêu gọi nhân dân các dân tộc phát huy truyền thống, tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Thông qua lễ hội giới thiệu nhằm quảng bá đến du khách trong nước và quốc tế về hình ảnh, truyền thống nghìn năm hội tụ đất và người Mường Thanh - Điện Biên.

Lễ hội gồm hai phần: Phần Lễ và Phần Hội

Phần lễ: Mở đầu phần lễ, âm vang tiếng trống oai hùng, trang nghiêm nổi lên trong không khí tưng bừng của ngày hội. Sau nghi thức chào cờ là một phút mặc niệm, tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh bảo vệ Tổ quốc. Chúc văn giỗ tướng quân gồm 3 phần: nhạc đệm hùng tráng, anh linh, tiếp đến là nghi lễ rước, dâng lễ vật và màn tái hiện lịch sử bằng sân khấu hóa.

Chỉ huy đoàn lễ rước là người đứng tuổi, trang phục uy nghiêm, bước đi oai phong, thể hiện tình cảm quý trọng, biết ơn sâu sắc của đồng bào các dân tộc đối với người nông dân áo vải Hoàng Công Chất và 2 vị tướng Ngải, Khanh đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm. Đoàn lễ rước gồm đội múa lân, múa rồng, đội rước kiệu mặc trang phục lễ hội. Đoàn tế lính nghĩa quân mặc trang phục lính trận, tay cầm giáo mác chĩa lên trời. Các lực lượng tham gia cầm cờ, lực lượng quần chúng nghiêm trang.

Màn tái hiện lịch sử bằng sân khấu hoá gồm 3 phần: bối cảnh lịch sử, tướng quân lãnh đạo nhân dân đánh giặc, Mường Thanh được giải phóng; với sự tham gia của các diễn viên tỉnh nhà làm nổi bật vai trò, tôn vinh người thủ lĩnh miền xuôi cứu dân miền ngược, tinh thần đoàn kết của đồng bào Tây Bắc, diễn tả hình ảnh đồng bào nô nức ủng hộ đánh giặc. Dàn trống, cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc, âm thanh hoành tráng, rộn ràng, trầm hùng và linh thiêng; cầu cho quốc thái dân an...

Bên cạnh văn hoá tín ngưỡng truyền thống, phần hội là sân chơi lành mạnh, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho đồng bào trên địa bàn với đa dạng các hoạt động văn hoá, văn nghệ; trưng bày triển lãm tranh, ảnh “các di vật của nghĩa quân Hoàng Công Chất”, thi trò chơi dân gian như: đua ngựa giết Phẻ, kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy, đi cà kheo, tung còn truyền thống, thi nấu ăn nuôi quân, ẩm thực văn hoá dân tộc; Liên hoan văn nghệ với sự tham gia biểu diễn của các đoàn nghệ thuật quần chúng. Những thiếu nữ dân tộc Thái duyên dáng, dịu dàng trong trang phục váy đen dài chấm gót, áo cóm với hàng cúc bướm lóng lánh ánh bạc, trên tay cầm chiếc quạt sặc sỡ, nhịp nhàng trong điều múa uyển chuyển, đằm thắm, tạo sự lôi cuốn đối với khán giả. Vòng xoè đoàn kết là đặc trưng của dân tộc Thái trong lễ hội.