+84 983 035 435

KHÁM PHÁ VIỆT NAM

Hãy khám phá việt nam qua những địa điểm phượt vô cùng thú vị, thơ mộng và hùng vĩ.

Lễ hội Ramưwan của người Chăm

Khám phá Lễ hội Ramưwan của người Chăm Việt Nam

.

Nét đẹp Lễ hội Ramưwan của người Chăm

Diễn ra vào tháng 9 hàng năm, tính theo lịch Hồi, Lễ hội Ramưwan của người Chăm ở Ninh Thuận là một lễ hội khá quan trọng. Để mừng lễ hội này, người ta cũng có nhiều chuẩn bị trước đó cả tháng. Trước đây, người ta biết đến Lễ hội Ramưwan của người Chăm như tháng chay tịnh, gắn với những hoạt động âm thầm, một trong những mục đích của lễ hội là chia sẻ về một cuộc sống nghèo khó, để thêm quý trọng những giá trị đang có được, bằng các hình thức chay tịnh, cầu nguyện và nhiều lễ tục như đổi gạo và nhiều lễ tục khác. Vào dịp lễ hội, các chức sắc, tu sĩ phải tuân thủ nghiêm ngặt những lễ nghi trong Lễ hội, để bảo đảm rằng mình có một mùa lễ hội thật sự ý nghĩa.

Được diễn ra trong thời gian một tháng, trước khi vào lễ họ thường tổ chức lễ hội trong 3 ngày đầu. Lễ hội diễn ra được chia làm 3 phần: lễ tảo mộ, lễ cúng gia tiên và lễ chay niệm tại thánh đường.

Lễ tảo mộ: Khi chuẩn bị bước vào lễ Ramưwan, người Chăm tổ chức đi tảo mộ. Đây là lễ khởi đầu cho mùa lễ Ramưwan, thường được tổ chức vào cuối tháng tám hồi lịch.Họ thường đi tảo mộ thành từng tộc họ, thành từng làng, với trang phục chỉnh tề và lễ vật đơn giản như bánh trái, ấm trà, rượu trứng. Sau đó họ sẽ đến nghĩa địa từng gia tộc để làm sạch cỏ, vun đất phần mộ, làm lễ tẩy uế phần mộ và mời tổ tiên về dự lễ cúng gia tiên nhân ngày lễ Ramưwan. Nghi lễ được thực hiện bằng những lời cầu kinh được rút ra từ kinh Koran và một số người đàn ông thuộc kinh kệ cũng ăn mặc chỉnh tề cùng với những người phụ nữ van vái mời tổ tiên, ông bà về dự lễ Ramưwan.

Lễ cúng gia tiên: Sau khi đi tảo mộ về, người Chăm đạo Bàni chọn một nơi trang trọng nhất trong nhà để làm bàn tổ. Bàn này được trải chiếu hoa, để khay trầu, ấm trà, 2 cái gối nằm…Đây là nơi yên vị của tổ tiên về hưởng lễ Ramưwan.Sau khi lập bàn tổ xong, họ dâng lễ vật lên cúng tổ tiên như bánh tét, bánh ít, chè, xôi bánh, gà luộc, cơm canh, cá khô…Lễ vật được dâng cúng thành nhiều mâm.Mỗi thành viên trong gia đình cúng một mâm lễ vật.Mỗi lần dâng lễ thì các thành viên trong gia đình đều cầu khấn để mong hương hồn tổ tiên phù hộ độ trì cho họ.Mâm lễ còn được dâng thành nhiều đợt.Mỗi đợt dâng lên 2 mâm (mâm ngọt và mâm mặn).Trong mỗi lần dâng lễ vật người cúng lễ luôn đọc kinh, vừa rót rượu, vừa khấn vái trong hương trầm tỏa ra nghi ngút.Các vị thần linh được mời về hưởng là tổ tiên bên nội và cả bên ngoại, sau đó là những người thân trong gia đình đã khuất.Trong ngày cúng gia tiên, những thành viên trong gia đình đều họp mặt đông đủ với hương hồn tổ tiên.Họ luôn cầu khấn và hi vọng tổ tiên sẽ phù hộ độ trì cho gia đình được khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt và con đàn cháu đống. Kết thúc lễ gia tiên, họ mời bà con, bạn bè dự lễ để cùng hưởng lễ vật, họ cùng ăn, cùng chúc tụng lẫn nhau. Trong 3 ngày lễ cúng gia tiên họ thường tổ chức ngày hội.

Thời điểm này, làng Chăm Bàni đều tổ chức giao lưu bóng đá, văn nghệ, các trò chơi dân gian như tổ chức thi đội nước, bò kéo xe, kéo cày, giã gạo… Các trò chơi không chỉ lôi cuốn các thành viên trong làng mà còn có nhiều thành viên ở các làng Chăm Bàni khác tham gia. Ba ngày đầu cúng lễ gia tiên của người Chăm đạo Bà ni thật sự là ngày hội mở đầu cho lễ Ramưwan. Sau khi kết thúc 3 ngày cúng gia tiên, người Chăm lại chìm lắng trong không khí trang nghiêm.Tất cả các tín đồ Hồi giáo - Bani phải làm lễ tẩy uế cho thân thể sạch sẽ và tâm hồn thanh thản. Họ không được sát sinh, ca hát, nhảy múa nữa, mà luôn để cho tâm hồn trong sạch, mặc áo quần sạch sẽ, nam nữ đều mặc áo lễ màu trắng truyền thống để vào thánh đường dự lễ Ramưwan.

Lễ chay niệm tại thánh đường: Lễ Ramưwan tại thánh đường do các tu sĩ Po Acar thực hiện. Tất cả các tu sĩ Po Acar phải tập trung vào thánh đường.Trong suốt tháng lễ họ không được trở về nhà sinh hoạt cùng với gia đình. Họ phải nhịn đói suốt tháng lễ, chỉ được ăn lúc về đêm.

Lễ hội Ramưwan là sợi dây giao cảm với Thượng đế và ông bà tổ tiên trong đời sống tâm linh của mỗi tín đồ Chăm Bàni. Lễ hội này còn mang ý nghĩa kế thừa và bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa của tôn giáo bản địa người Chăm, góp phần nâng cao giá trị nhân văn và bản sắc văn hóa Việt Nam.