Lễ hội đua ghe ngo là dịp tập trung người Khmer đông đảo nhất, không chỉ từ một tỉnh thành mà từ nhiều tỉnh thành trong khu vực.
Đua ghe ngo của người Khmer gồm hai loại: đua trên cạn và đua dưới nước. Đua ghe ngo trên cạn chủ yếu là sự tái hiện, mô phỏng lại cuộc đua ghe dưới nước. Nó thường được tổ chức gắn liền với các lễ hội truyền thống và đó là một trò chơi thường xuất hiện trong phần hội sau các lễ thức truyền thống.
Gắn liền với lễ cúng trăng (rằm tháng 10 âm lịch), người Khmer Sóc Trăng tổ chức đua ghe ngo. Đây được coi là hoạt động rước nước đặc thù của cư dân nông nghiệp lúa nước. Điều này chứng tỏ rằng, người Khmer khát khao có một mùa màng bội thu thể hiện qua hoạt động đua ghe, rước nước này.
Theo phong tục, cũng vào ngày rằm tháng 10 âm lịch hằng năm, người Khmer Nam bộ (chủ yếu ở Sóc Trăng, một số tỉnh như Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang...) hăm hở tham gia lễ hội đua ghe ngo, đây là lễ hội lớn của tộc người này và cũng là một lễ hội truyền thống.
Về nguồn gốc của lễ hội này có truyện tích Sự tích đua ghe Ngo. Nội dung câu chuyện được kể như sau: “Ngày xưa, khi các bộ tộc còn đánh nhau vì tranh giành quyền lực, các cuộc đánh nhau giữa các bộ tộc của người Thái, Miến Điện, Chămpa và Khmer thường xuyên diễn ra không chỉ trên bộ mà còn cả trên biển, trên các con sông.
Lúc này để phục vụ nhu cầu chiến trận, người Khmer đã chế ra một loại thuyền thân dài, thon, đầu ngóc lên tiến về phía trước rất tiện lợi cho việc di chuyển nhanh trên sông để giết kẻ thù và cùng lúc loại ghe này có thể chở được nhiều binh lính. Thế là họ tiến hành tập trận vào mùa nước nổi. Ban đầu rất ít người, sau đó, họ chọn người chỉ huy và xếp thành hàng ngũ nghênh trận rất hiên ngang.
Khi chiến trận diễn ra, bằng loại ghe này, người Khmer đã giữ được đất nước của mình. Hoà bình, người Khmer rất ít dùng loại ghe này.
Mãi cho đến đời con cháu của họ, nhớ lại chiến công cha ông xưa kia, nhân ngày lễ Óc om bok - vào ngày 15 tháng 10, trăng sáng, nước lớn đầy sông, họ tổ chức hội đua ghe Ngo để tưởng nhớ người xưa đã khuất.
Lễ hội Quan Thánh Đế QuânLễ hội Quan Thánh Đế Quân là một lễ hội của người Việt gốc Hoa tại Vị Thanh. Lễ hội được cộng đồng người Việt gốc Hoa tại Vị Thanh tổ chức các ngày mùng 10,11,12 và 13 tháng Giêng âm lịch hàng năm.
Đây là dịp để cộng đồng người Việt gốc Hoa đến cúng viếng, thắp hương bày tỏ lòng thành kính đối với Quan Công. Lễ hội dần dần được bà con tham gia khá đông với nhiều hoạt động phong phú như: múa lân, thả hoa đăng…
Lễ hội Quan Thánh Đế Quân là nét đẹp văn hóa của cộng đồng người Việt gốc Hoa được duy trì nhiều năm qua, là lễ hội văn hóa mang đậm ý nghĩa của cộng đồng người Việt gốc Hoa tại Thành Phố Vị Thanh.