+84 983 035 435

KHÁM PHÁ VIỆT NAM

Hãy khám phá việt nam qua những địa điểm phượt vô cùng thú vị, thơ mộng và hùng vĩ.

Lễ hội Ok Om Bok

Khám phá Lễ hội Ok Om Bok Việt Nam

.

Nét đẹp Lễ hội Ok Om Bok

Ok Om Bok, hay còn gọi là lễ hội Cúng Trăng, là một trong ba lễ hội tiêu biểu của đồng bào dân tộc Khmer theo chu kỳ một năm. Theo quan niệm tín ngưỡng của người Khmer, Mặt Trăng là vị thần cai quản thời tiết và mùa màng trong năm. Lễ hội này diễn ra vào ngày Rằm tháng Cađấc theo Phật lịch, tức ngày Rằm tháng Mười âm lịch, là thời điểm mùa mưa chuyển sang mùa khô, mùa gieo trồng chuyển sang mùa thu hoạch. Do vậy, Ok Om Bok có những điểm tương đồng với lễ Thượng điền của người Việt. Lễ hội Ok Om Bok của mỗi phum sóc diễn ra tại sân chùa, còn trên phạm vi cả tỉnh diễn ra tại Ao Bà Om thuộc khóm 3 phường 8 thị xã Trà Vinh.

Khi vị thần Mặt Trăng lên cao, người ta dâng cúng các phẩm vật là những loại nông sản vừa thu hoạch như cốm dẹp, chuối, mía… vừa để tạ ơn vừa cầu mong thần linh tiếp tục phò trợ cho năm sau mưa thuận gió hòa, mùa màng xanh tốt. Sau đó, các bậc bô lão bốc từng nắm cốm dẹp đút vào mồm trẻ con với lời chúc mạnh ăn chóng lớn (Ok Om Bok dịch sát nghĩa là ăn cốm dẹp bằng cách nắm cốm dẹp đút vô miệng).

Trong lễ hội Ok Om Bok vào buổi tối diễn ra cuộc thi thả đèn gió. Đèn gió làm bằng khung tre, dán giấy chung quanh, dùng bùi nhùi quấn phía dưới và đốt cháy đưa chiếc đèn bay bổng lên cao. Đèn gió bay lên, bay lên mãi như mang cả ước vọng, niềm tin của người nông dân Khmer đến với vị thần Mặt Trăng đang vạch mây nhìn xuống. Tại Ao Bà Om, nghi thức thả đèn gió đã trở thành cuộc thi sôi động với sự tham gia của hàng chục ngôi chùa trong tỉnh, dưới sự cổ vũ của hàng chục ngàn người trẩy hội.

Trước đó, trưa ngày 14/10 âm lịch, trên dòng sông Long Bình diễn ra cuộc đua ghe Ngo sôi nổi giữa tiếng nhạc Ngũ âm vang lừng, tiếng hò reo cổ vũ vang dậy của hàng chục ngàn người dự khán. Các đội đua từ các huyện thị trong tỉnh và các tỉnh lân cận mang đến lễ hội không khí tưng bừng, cuồng nhiệt. Ghe Ngo vừa là trò chơi dân gian, vừa tỏ sức mạnh và sự đoàn kết, vừa là nghi thức truyền thống tiễn đưa thần Nước sau mùa gieo trồng về với biển cả cũng là nghi thức tôn giáo của người Khmer tưởng nhớ rắn thần Nagar xưa từng biến thành đoạn gỗ đưa đức Phật qua sông.