+84 983 035 435

KHÁM PHÁ VIỆT NAM

Hãy khám phá việt nam qua những địa điểm phượt vô cùng thú vị, thơ mộng và hùng vĩ.

Lễ hội “Nhặn Sồng” & “Nào Sồng”

Khám phá Lễ hội “Nhặn Sồng” & “Nào Sồng” Việt Nam

.

Nét đẹp Lễ hội “Nhặn Sồng” & “Nào Sồng”

Đây là Lễ hội của người Dao đỏ ở làng Tả Chải (Tả Van – Sa Pa). Trước đây, vào những ngày tốt của tháng đầu năm hàng năm, người Dao ở Giàng Tả Chải thường tổ chức lễ “Nhặn Sồng” ở khu rừng cấm của làng. Từ đầu thập kỷ 50, do sự gia tăng dân số, nạn phá rừng làm nương rẫy cũng phát triển, nên chỉ năm nào rừng bị phá nhiều, trâu ngựa thả rông phá vườn tược hoa mầu, người Dao mới tổ chức lễ “Nhặn Sồng”. Đồ cúng lễ là một con lợn (to hay nhỏ tuỳ thuộc số người đến dự nhiều hay ít). Con lợn này luân phiên hàng năm từng hộ gia đình trong làng nuôi dưỡng. Lợn dâng cúng phải là lợn có lông đen tuyền, khoẻ mạnh, béo tốt.

Ngày làm lễ, mỗi hội gia đình cử từ một hay hai người nam giới đi dự. Người đi dự lễ đều mặc quần áo đẹp, mang theo nửa lít rượu và một bát gạo, nét mặt hồ hởi tiến vào khu rừng hay bị phá nhất. Địa điểm họp có khi cũng chọn ngôi nhà gần khu rừng bị phá (vì theo quan niệm của đồng bào, nhà ở gần rừng hay thả rông gia súc và hay phá rừng nhiều hơn).

Khi mọi người đến đông đủ, dân làng bầu ra một người làm gốc, “Chẩu chiếu” - người đứng đầu trông coi rừng trong năm. Người “Chẩu chiếu” phải là người có sức khoẻ, giỏi lý lẽ, hiểu biết lệ tục. Sau khi được bầu “Chẩu chiếu” làm lễ cúng thần thổ địa “Thủ Ti” - Vị thần cai quản cộng đồng làng. Sau đó ông ta trịnh trọng đọc quy ước của làng.

Sau khi “Chẩu chiếu” đọc xong một điều quy định, đại diện các gia đình thảo luận. Cuối cùng, “Chẩu chiếu” tổng hợp các ý kiến thành quy ước riêng của làng về bảo vệ rừng, mọi người dân trong làng Giàng Tả Chải đều có trách nhiệm thực hiện. Quy ước của làng đã được “Thiêng” hoá vì có sự chứng kiến, công nhận của thần thổ địa. Quy ước của làng là nguyện vọng của cả làng, trở thành “luật lệ” của làng, mọi dân làng đều tự giác tuân theo. Trong niềm vui thống nhất được quy ước, mọi người đều ăn chung một bữa ăn cộng đồng. Thịt, cơm bầy ra lá rừng, rượu uống bằng ống bương nhưng mọi người đều hân hoan trong niềm vui chung của cả làng.

Người Mông ở Séo Mí Tỷ, ở Dền Thàng Tả Van cũng như ở Lao Chải, Hầu Thào, trước đây đều tổ chức lễ ăn ước tương tự như lễ “Nhặn Sồng” của người Dao. Nhưng ngày cúng thường là ngày Thìn của tháng giêng (với ý niệm mong mưa thuận gió hoà).

Địa điểm cúng thường tổ chức ở khu rừng cấm của cả làng – nơi thờ thần thổ địa, thần thường ngự ở một gốc cây to hoặc một hòn đá lớn trong rừng cấm. Sau khi ông “Chứ lồng” - người chủ lễ dâng cúng thần, đọc lời quy ước. Người dân đến dự đều có quyền tự do thảo luận, bàn bạc.

Nội dung quy ước của lễ “Nào Sồng” tại các làng dân tộc H’Mông có sự mở rộng phạm vi điều chỉnh hơn làng người Dao. Bên cạnh việc bảo vệ rừng, chống thả rông gia súc, quy ước còn đề cập đến các vấn đề phòng chống trộm cắp, bảo vệ mùa màng, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau...