+84 983 035 435

KHÁM PHÁ VIỆT NAM

Hãy khám phá việt nam qua những địa điểm phượt vô cùng thú vị, thơ mộng và hùng vĩ.

Lễ hội Nàng Hai của dân tộc Tày

Khám phá Lễ hội Nàng Hai của dân tộc Tày Việt Nam

.

Nét đẹp Lễ hội Nàng Hai của dân tộc Tày

Hội được bắt đầu vào tháng giêng và kéo dài đến trung tuần tháng ba.Theo tín ngưỡng dân gian dân tộc Tày thì trên cung trăng có Mẹ Trăng và mười hai nàng tiên - con gái của mẹ. Mẹ cùng các nàng hằng năm chăm lo bảo vệ mùa màng cho dân. Hội Nàng Hai được tổ chức với ý nghĩa tượng trưng các mẹ các nàng ở dưới trần gian hành trình lên trời đón Mẹ Trăng và các nàng tiên xuống thăm trần gian và giúp trần gian trong công việc làm ăn để sinh sống.

Thời gian tổ chức hội Nàng Hai phụ thuộc vào thời gian đã quy định ở từng xóm từ thời xa xưa truyền lại; như ở Bản Guống đón trăng vào ngày mùng 6 tháng hai và đưa tiễn trăng vào ngày 24 tháng 3. Bản Nưa Khau đón trăng vào ngày 11 tháng 2 và đưa tiễn trăng vào ngày 22 tháng 3. Bản Ngườm Cuông đón trăng vào ngày 15 tháng 2 và đưa tiễn trăng vào ngày 21 tháng 3.

Để tổ chức hội Nàng Hai, các cụ già trong bản chọn một bà mẹ có cuộc sống gia đình hoàn thiện, hát giỏi để làm Mẹ Trăng, tiếng địa phương gọi là "Mụ cốc" và chọn lấy 12 đến 18 cô gái trẻ đóng vai nàng tiên. Trong các cô này chọn ra hai cô gái chưa chồng để đóng hai chị em trăng. Cô chị gọi là "Nàng Slở", cô em gọi là "Nàng Gường". Chọn lấy hai thiếu niên nam mang lễ đi trước mở đường cho cuộc hành trình các nàng và mẹ trăng đi lên trời.

Về trang phục: Mẹ Trăng (Mụ cốc) mặc quần áo chàm, trên đầu buộc một dẻ vải đỏ vắt chéo qua trên khăn. Khi hành lễ, đến đoạn múa lên đường, mẹ trăng tay cầm ngọn mía, trên ngọn mía có treo một túi đựng trầu nhỏ, một chiếc mù soa, và một bát nước có đặt một lá bưởi. Bát nước và ngọn mía có ý nghĩa tượng trưng cho việc tẩy uế.

Hai thiếu niên nam mặc quần áo chàm, trên đầu buộc hai dẻ vải đỏ, ngang hông buộc thắt lưng bằng vải đỏ. Đến khi Mẹ Trăng và các nàng tiên làm cuộc hành trình thì hai thiếu niên tay cầm mỗi người một cây trúc nhỏ tỉa cành, chỉ để lại mấy cành ở ngọn, trên ngọn buộc một chiếc khăn tay. Theo tiếng dân tộc hai cây trúc này gọi là cây "cụ tiến". Cây "cụ tiến" với ý nghĩa là mở đường cho Mẹ Trăng và các nàng tiên lên trời cầu các mẹ trăng xuống giúp trần gian trong các công việc làm ăn.

Hai nàng trăng, trăng chị (nàng Slở) thì mặc áo vàng, trên đầu vấn khăn có buộc một dẻ vải màu vàng chéo qua trên khăn, trăng em (nàng Gường) thì mặc áo đỏ, trên đầu buộc dẻ vải màu đỏ. Theo sau trăng chị, trăng em là sáu hoặc tám cô gái mặc áo chàm, trên đầu cô nào cũng buộc dẻ vải màu đỏ, hoặc màu vàng. Các cô này gọi là các mụ nàng đi phục vụ cho hai nàng trăng. Trong lễ hội còn có ông Tào làm lễ cúng các thần để cho lễ hội diễn ra và kết thúc an toàn.

Khi đã chuẩn bị xong mọi thứ, dân bản dựng một cái lều ở nơi khô ráo trong bản, gọi là lều trăng, tiếng địa phương gọi là "Thiêng hai". Lều được dựng sơ sài lợp rơm, trong lều kê mấy tấm phản dùng làm chỗ ngồi cho mẹ trăng và các nàng tiên khi làm lễ. Trước lều các cô gái vào rừng hái các hoa rừng như: Bioóc Mạ, hoa cây Khảo Quang, hoa Guột, hoa Chuối... về buộc lại từng bó vắt lên sào treo trước lều trăng. Trước khi hành lễ những người đóng vai Mẹ Trăng (Mụ cốc) và các nàng đứng trước bàn thờ để ông Tào làm lễ hóa thân. Theo trình tự, mỗi người hít thở ba lần khói hương để tống khứ linh hồn của người ra để linh hồn Mẹ Trăng và các nàng tiên nhập vào. Sau lễ nhập hồn việc hành lễ đón trăng bắt dầu. Sau ngày lễ đón trăng, Mẹ Trăng và các nàng đã làm lễ nhập hồn rồi về nhà không được làm những công việc uế tạp như gánh phân, vào chuồng gia súc...

Việc hành lễ hội: Sau lễ đón trăng xuống, các đêm tiếp theo là làm lễ cúng các Mẹ Trăng. Lễ cũng làm trong mười hai đêm. Mỗi đêm cúng mời một Mẹ Trăng xuống giúp cho trần gian làm ăn. Lễ cúng được miêu tả là cuộc hành trình các nàng tiên lên trời đến các cửa của các Mẹ Trăng như cửa mẹ Lạn Ba, mẹ Khắc Cơ, mẹ Bích Lam, mẹ Bích Vân, mẹ Lưỡng Tàm, mẹ Mạ Mỳ... Theo dân gian thì mỗi mẹ phụ trách một công việc; như mẹ Khắc Cơ bảo quản giống lúa, mẹ Bích Lan thì coi giống bông, mẹ Lưỡng Tàm thì quản giống Tằm, mẹ Mạ Mỳ thì trông coi các loại sâu bọ, cầu mẹ nhốt các loại sâu bọ lại không cho nó phá hoa màu...

Sau khi đã cầu hết các cửa, xin các mẹ được đầy đủ các giống cây, con, các điều kiện mưa gió thuận cho việc trồng trọt, làm ăn ở trần gian thì dân bản lại tổ chức đưa tiễn các nàng trăng về trời. Lễ này được tổ chức chu đáo và là ngày hội chính thức trong năm của bản, lễ hội này thu hút nhiều người ở địa phương khác đến chơi.

Tổ chức lễ tiễn các nàng trăng về trời, dân bản lại dựng một lều trăng thứ hai ở ngoài cổng. Lễ này được tổ chức trong một ngày. Trước khi ra hành lễ đưa tiễn các nàng trăng về trời ở ngoài đồng, Mẹ Trăng và các nàng trăng phải làm lễ chia tay trong lều đón trăng ở trong bản, họ hát các bài hát chia tay và vừa đi vừa dùng tay du mạnh những cột lều để cho lều đổ, mục du lều đổ này gọi là mục "Trụ trại". Sau lễ "Trụ trại", Mẹ Trăng và các nàng trăng ra cầu thần trông coi đầu bản và cuối bản mở cửa cho Mẹ Trăng và các nàng trăng về trời.

"Lều trăng" ở giữa đồng cũng dựng sơ sài như lều trăng ở trong bản, phía trước lều có đặt các mâm cỗ, trong đó có ba mâm to, một mâm có thủ lợn, xôi, rượu, hai mâm có con gà, xôi, các mâm khác chỉ có xôi ngũ sắc. Bên cạnh các mâm có đặt những chiếc thuyền đẽo bằng gỗ, trong đó có một chiếc to, trang trí đẹp hơn. Các thuyền này tượng trưng là những con thuyền chở của cải, hoa trái của dưới dương gian đưa lên tiến cho các Mẹ Trăng lên trời. Trước cửa "lều trăng" là những hàng cọc dựng lên thành khung, mỗi khung cách nhau chừng hai mét, trên những khung đó được trải những tấm vải lợp qua, tạo thành một đường vòng quanh sân. Những khung lợp vải này gọi là "trại mùng mành". Khi hành lễ đoàn các mẹ và các nàng trăng đi qua dưới những tấm vải lợp này. Trong "lều trăng" có trên những sào hoa rừng ở trước lều, những sào hoa này được các nàng phụ đi theo hai nàng trăng khiêng từ lều đón trăng trong bản ra. Trước lều đặt một mâm hương có ba bát gạo một bát có quả trứng gà, một bát có cắm ba con én gấp bằng giấy, ba chiếc thía dùng đựng rượu và một số các loại giống hoa màu. Trong lễ tiễn trăng này, sau khi làm xong lễ đưa tiễn, múa, đưa của cải lên thuyền cho các mẹ và các nàng trăng về trời thì các nàng phụ khiêng hai sào hoa và một người già cầm chiếc thuyền to nhất đi xuống trước bản thả. Sau khi thả thuyền và đặt hoa ở bên suối, thầy Tào làm phép tách vía cho mẹ và các nàng trăng, cùng với thầy Tào, thân nhân, bạn bè của hai cô đóng vai trăng chị và trăng em, gọi hồn vía người ở trần gian nhập lại vào người để trở về người trần. Hai cô phải rũ bỏ khăn vấn trên đầu và ra khỏi chỗ làm lễ tách nhập hồn.

Sau mấy chục năm lễ hội Nàng Hai của người Tày ở Cao Bằng không có điều kiện tổ chức, đến năm 1996 Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Cao Bằng đã đồng ý cho bà con ở xã Tiên Thành tổ chức lại lễ hội này. Lễ Hội Nàng Hai ở Tiên Thành tuy mới được khôi phục lại nhưng đã có sức cuốn hút nhiều người. Cái độc đáo nhất là lễ hội vừa thể hiện tín ngưỡng dân tộc, vừa phản ánh nguyện vọng của dân tộc Tày nói riêng và các dân tộc miền núi nói chung trong sự sinh tồn, trong bối cảnh nông thôn miền núi. Việc khôi phục lại lễ hội Nàng hai là gìn giữ cho dân tộc Tày một lễ hội cổ truyền mang tính văn hóa, đồng thời gìn giữ được làn điệu dân ca "lượn hai" mà lâu nay trong các làn điệu dân ca dân tộc Tày, người sưu tầm gần như đã quên lãng.