+84 983 035 435

KHÁM PHÁ VIỆT NAM

Hãy khám phá việt nam qua những địa điểm phượt vô cùng thú vị, thơ mộng và hùng vĩ.

Lễ hội Miếu Mạch Lũng

Khám phá Lễ hội Miếu Mạch Lũng Việt Nam

.

Nét đẹp Lễ hội Miếu Mạch Lũng

Lễ hội Miếu Mạch Lũng được tổ chức trong 3 ngày từ 10 đến 12/2 âm lịch hàng năm, tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh. Miếu Mạch Lũng là di tích lịch sử thờ ba vị anh hùng dân tộc thời Hùng Vương thứ 18.

Thần phả lưu ở miếu Mạch Lũng cho biết: Nước Văn Lang có người em vua tên là Hùng Trang, là Trưởng quan đạo Hải Dương lấy con gái Trưởng quan hộ chủ Cửu Chân là là Soa Nương. Về nhà chồng đã tám, chín năm nhưng đã vẫn chưa sinh nở lần nào. Soa Nương ngày đêm thắp nhang cầu nguyệt trời đất 3, 4 năm ròng. Kết quả là vào một đêm nọ, Soa Nương nằm mơ thấy có ba con rồng từ ngoài vào, hoá thành ba người con trai. Người anh xưng là chàng Cả, em xưng chàng Hai, em út xưng là chàng Ba, tất cả đều ở Thuỷ cung tình nguyện xin đầu thai làm con. Thế rồi bà có mang. Ngày 14 tháng 8 năm Nhâm Tý, bà sinh được một bọc, nở ra được ba người con trai đều có thiên tư xuất chúng lạ thường. Lớn lên, cả ba anh em đều thông minh, học vài năm mà thiên kinh vạn quyển đều đã tinh thông, trên tường thiên văn, dưới thông địa lí, không việc gì không biết, không vật gì không hay. Ba anh em có công giúp dân chống lũ lụt, hạn hán, dạy dân ca hát, học hành, trồng dâu, chăn tằm... Ba anh em được nhà vua phong thưởng rất hậu. Ba vị ra ở trang Mạch Lũng, lập một cung khác để đón mẹ là Soa Nương đến ở. Dân trong vùng từ già đến trẻ đều rất đỗi mến yêu. Ba anh em còn giúp nhà vua chỉ huy thuỷ quân đánh tan quân ngoại xâm, bảo vệ nguyên vẹn bờ cõi. Nhà Vua ban chiếu triệu hồi. Lúc đó, ba vị về trước điện làm lễ bá tạ rồi ai nấy đều cỡi bỏ cân đai... hoá phép biến thành rồng, biến mất. Hôm ấy là ngày 13 tháng 7, trời đất tối sầm, khói hương thơm ngát. Vua bèn phong sắc cả ba anh em là Minh Mỗ Đại vương Thượng đẳng thần, sai sứ thần đón về trang Mạch Lũng thờ phụng. Từ đó về sau, các vị thường hiển linh giúp nước, cứu dân, cầu mưa, cầu tạnh đều rất linh ứng, cho nên các đế vương đều phong mỹ tự để hương khói...

Miếu được trùng tu, mở rộng nhiều lần. Lần được biết rõ nhất là vào thời Lê Trung Hưng, quy mô bề thế, có giá trị nghệ thuật cao. Kiến trúc của miếu làm theo kiểu chuôi vồ, cửa mở về hướng Tây - Nam, nhìn ra sông Hồng.

Trong suốt 3 ngày lễ hội, các đoàn đại diện cho các tổ đội sản xuất, nhóm đồng niên, đông ngũ, đồng môn…và các gia đình lần lượt mang lễ lên miếu làm lễ dâng hương. Những gia đình làm ăn khá giả có thể dâng đến 5 mâm lớn với thủ lợn, xôi, gà, trầu cau, bánh cốm…và những gia đình nghèo nhất cũng thể hiện lòng thành với đĩa xôi, khoanh thịt. Tất cả các việc đại sự trong các gia đình như hiếu, hỉ, xây nhà…đều phải dừng lại để tập trung cho ngày Thánh.

Phần lễ với các nghi lễ truyền thống như tế nam, tế nữ, tế cáo, rước kiệu. Phần hội có nhiều hoạt động văn hóa dân gian như: chọi gà, cờ tướng, bịt mắt đập niêu, hát quan họ… thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.