+84 983 035 435

KHÁM PHÁ VIỆT NAM

Hãy khám phá việt nam qua những địa điểm phượt vô cùng thú vị, thơ mộng và hùng vĩ.

Lễ hội Lồng Tồng

Khám phá Lễ hội Lồng Tồng Việt Nam

.

Nét đẹp Lễ hội Lồng Tồng

Lễ hội Lồng tồng (còn gọi là lễ xuống đồng) là lễ hội quan trọng bậc nhất vào dịp đầu năm mới, gắn liền với nền nông nghiệp trồng trọt, được tổ chức trong các bản làng để cầu cúng thần nông - vị thần cai quản ruộng đồng, vườn tược, gia súc, làng bản cho được cây cối xanh tươi, mùa màng bội thu, gia súc sinh sôi, mọi người no ấm, bản làng yên lành.Lễ hội Lồng tồng đã có từ rất lâu đời, được truyền từ đời này sang đời khác trong cộng đồng người dân tộc Tày, Nùng ở các tỉnh miền núi phía Bắc – Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn và một số tỉnh Tây Bắc. Lễ hội của dân tộc Tày - Nùng ở Cao Bằng diễn ra từ ngày 2 đến 30 tháng giêng âm lịch để mở mùa gieo trồng mới (tùy theo từng địa phương).

Hội tổ chức ngoài trời, trên một thửa ruộng lớn gọi là ruộng xuống đồng. Vẫn theo lệ từ ngàn xưa, Hội chia thành hai phần: Phần lễ có tạ thiên địa, cầu thần Nông, thần Phục Hy độ trì cho mưa thuận gió hoà, gia cầm sinh sôi, bản làng bình yên no ấm... Chủ trì hội là ông thại đinh (người coi đình) hay người coi việc thờ cúng Thần Nông của bản. Tất cả gia đình tham dự hội đều mang theo cỗ để làm lễ vật cúng thần đất, thần núi, Thần Nông và Thành Hoàng : đó là những mâm cỗ thịnh soạn, trình bày đẹp. Mâm lễ thường có xôi nếp, thịt lợn, rượu trắng và các loại bánh như khẩu sli, khẩu slec, bánh khảo, bánh dày, chè lam...Ở một số hội qui mô lớn, người chủ trì còn cho tổ chức lễ hiến tam sinh (trâu, heo, gà hay heo, dê, gà). Trên thửa ruộng xuống đồng đàn tế Thần Nông và các thần khác được trần thiết. Lễ hội bắt đầu khi chiêng trống nổi lên, rồi các bô lão và tráng đinh rước Thần Nông và Thành Hoàng từ đình ra ruộng, còn các gia đình thì rước cỗ bày ra trên bãi hội. Người chủ trì hội xướng bài mo cúng chư thần rồi tuyên bố phá cỗ . Gia đình nào có cỗ thịnh soạn và mời được nhiều khách dự hội đến thưởng thức cỗ nhà mình thì xem đó là điều may mắn cho cả năm. Có nơi các vị bô lão được mời đi thưởng cỗ , có thanh niên gái trai đi theo múa hát, chúc cho từng gia đình vạn sự tốt lành. Ăn cỗ xong, mọi người tiếp tục ca hát và tham gia các trò chơi dân gian : cuớp còn (như người Mường, người Việt vùng trung du chơi cướp nõn nường ), ném còn, kéo co, đánh quay, đánh yến, đánh đu, múa kỳ lân, múa sư tử, múa võ, múa giáo, bịt mắt bắt dê, hát giao duyên(hát lượn), thi sản vật địa phương, cờ tướng …

Ném còn là trò chơi vui nhất, đông người tham gia nhất, người dân quan niệm rằng, trong hội phải có người tung được quả còn ngũ sắc xuyên thủng hồng tâm thì năm đó bản làng mới có thể làm ăn thuận lợi. Gái trai chia làm hai phe để hát sli, lượn, là hai hình thức đối ca giao duyên nam nữ, thể hiện tục cầu mùa, còn trò chơi kéo co giữa các cô gái chàng trai Tày Nùng vừa mang tính chất cầu mùa, cầu mưa, cầu nước như một nghi lễ tín ngưỡng nông nghiệp lâu đời. Đặc biệt các điệu hát Sli ( Nùng ) , Lượn ( Tày ) quen thuộc được biểu diễn một cách tự nhiên trong làng , ở khe suối hay ở các cánh rừng. Là lễ hội quan trọng nhất của vùng Đông Bắc nên mọi người đều mặc y phục sắc tộc đẹp nhất, các bà, các cô được tô điểm bằng đồ trang sức quí nhất. Điệu múa tiêu biểu của hội lồng tồng là múa sư tử . Những điệu múa lễ hội khác của người Tày Nùng là xòe chiêng , múa then. Khi trời tối cũng là lúc không khí hội chuyển sang sự hấp dẫn khác. Lửa trại được nhóm bùng lên. Những là hát cọi vang lên. Câu ca "Gốc cọi ở mường trời, tổ cọi ở xứ tiên" từ miệng hoa của người con gái thường được mở đầu cho các làng hát cọi đối đáp nhau. Ngoài ra, hội còn tổ chức thi hát lượn, hát sli, thu hút đông người tham gia.

Trong những năm gần đây đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà Nước lễ hội Lồng Tồng của đồng bào Tày diễn ra càng sôi nổi, phong phú hơn, đảm bảo các yếu tố văn hoá dân gian, đã thu hút du khách cả nước đến thăm quan, dự hội ngày một đông.