+84 983 035 435

KHÁM PHÁ VIỆT NAM

Hãy khám phá việt nam qua những địa điểm phượt vô cùng thú vị, thơ mộng và hùng vĩ.

Lễ hội đua thuyền Lý Sơn

Khám phá Lễ hội đua thuyền Lý Sơn Việt Nam

.

Nét đẹp Lễ hội đua thuyền Lý Sơn

Lễ hội đua thuyền truyền thống ở đảo Lý Sơn có những nét tương đồng nhưng đồng thời cũng có những nét dị biệt so với lễ hội đua thuyền ở Tịnh Long. Lễ hội đua thuyền ở Lý Sơn có thể xuất hiện sau lễ hội người Tịnh Long, cũng không thể thu hút nhiều người ở vùng khác đến như Tịnh Long, vì Lý Sơn là một đảo nhỏ, cách đất liền 25 km, nhưng chắc chắn việc đua thuyền ở đây có quy mô và qui củ hơn nhiều. Lễ hội được tổ chức từ ngày mồng 4 đến ngày mồng 8 tháng giêng âm lịch hàng năm, ngoài ra vào rằm tháng Bảy, cúng tế các vị tiền hiền, người ta cũng tổ chức đua thuyền.

Lý Sơn có 2 đơn vị hành chính ngang nhau là 2 xã trước kia là Bình Vĩnh và Bình Yến, sau lập huyện đổi lại là Lý Vĩnh và Lý Hải và mỗi xã đều hình thành 4 thuyền, đủ bộ "tứ linh" (long, ly, qui, phụng). Các thuyền cũng đặt ở nơi am miếu để thờ cúng: ở xã Lý Vĩnh, thuyền long thờ tại miếu Hoà Lân, thuyền phụng tại lăng Cồn, thuyền ly tại Dinh Chàm, thuyền qui ở lăng Nghĩa Tự. Ở xã Lý Hải, thuyền long thờ ở lăng Cồn, thuyền ly đặt ở Trung Hoà, thuyền qui ở Trung Yên, thuyền phụng ở dinh Tam Toà. Cũng như ở Tịnh Long, thuyền đua ở Lý Sơn có dáng thon dài, ngang nơi rộng nhất 1,4 mét, dài 9,5 mét; trước kia thuyền được làm bằng khung gỗ, mê tre (tất nhiên có trát đầu rái); sau này mê tre được thay bằng mê nhôm hoặc đuya-ra, vừa bảo quản được lâu, vừa đỡ được sức cản của nước hơn. Trên thuyền các phần được trang trí công phu hơn ở sự chạm khắc (chứ không chỉ vẽ như ở Tịnh Long). Khi ghe được đưa đi hạ thuỷ, người ta cũng tổ chức cầu cúng vào đêm trước, sáng sớm trước khi đua và sau khi đua, để tạ ơn tổ tiên và các vị thần linh. Mỗi thuyền đua có từ 18 đến 20 người, trong đó có người Đập then (còn gọn là lái nhịp) và Tổng lái (đội trưởng). Cũng như ở Tịnh Long, mỗi thuyền đua ở Lý Sơn đều có một đồng phục riêng tùy thích, nhưng bao giờ các vận động viên cũng chít khăn đỏ trên đầu. Cách tính điểm đua cũng tương tự như ở Tịnh Long, tuy nhiên trường đua ở đây dài hơn (từ 800 đến 1000 mét) và kéo dài ngày gấp đôi ở Tịnh Long. Tất nhiên, sự thắng bại trong cuộc đua tùy thuộc ở toàn đội, ở sự khoẻ mạnh, dẻo dai của các thành viên trong đội; nhưng ở đây không thể không kể đến người lái nhịp và tổng lái. Người lái nhịp đứng ở giữa thuyền, giữ một trọng trách lớn, là phải dùng then (thanh tre) đánh nhịp rõ to để các thuyền viên bơi đúng theo nhịp. Nhiệm vụ của người đạp then nặng nề ở chỗ, phải đứng ở giữa thuyền, giữ được thăng bằng và phải bằng sức vóc mà liên tục đánh nhịp. Nhịp đánh thưa quá thì thuyền đi chậm, nhặt quá có thể làm các thuyền viên đuối sức, nhịp không đều thì dẫn đến chuệch choạc. Một khi nhịp đã vừa mà có thuyền viên không theo đúng nhịp, gây lực cản thì phải kịp thời phát hiện để thay bằng người khác. Tổng lái là người đứng ở cuối thuyền quan sát đều khắp, đồng thời đảm đương nhiệm vụ lái thuyền. Thuyền đua ở biển có đặc điểm là thủy truờng không êm như ở sông, bởi vậy, tổng lái vừa phải nhắm thẳng đến cột tiêu, đồng thời phải lượn tránh sóng. Đến giáp cọc tiêu rồi phải bẻ lái thế nào đó để không phải mất công vòng rộng, lại không quá gấp thuyền dễ bị chòng chành và nhọc công sức của thuyền viên. Cách quyên góp để tổ chức hội đua thuyền cũng tương tự như ở Tịnh Long, nhưng việc tập dượt để chuẩn bị đua lại hoàn toàn khác. Nếu như để bước vào cuộc đua chính thức, các thuyền viên ở Tịnh Long phải bỏ ra nhiều ngày tập dượt, thì ở đây chỉ cần vài ba ngày. Khi cả đội tập luyện, đội trưởng sẽ xem xét mực ghe để có thể thay thuyền viên cho vừa, mực ghe vừa rồi thì tập cho nhịp nhàng và quen tay. Sở dĩ chỉ cần ít ngày tập luyện bởi những người tham gia đua thuyền đều là những người hàng ngày đánh bắt cá trên biển, rất thông thạo với nghề đi biển.

Tuy không thu hút được dân nhiều địa phương khác đến, nhưng để đổi lại, những ngày đua thuyền thật sự là những ngày hội của người dân toàn đảo. Cùng với tiếng trống giục, cờ phất là tiếng reo hò vang dậy suốt dọc bờ biển trong những ngày đầu Xuân khiến không khí ắng lặng hàng ngày đã hoàn toàn được xua tan, thay vào đó là niềm vui tươi, phấn chấn. Người ta tin rằng những thuyền đua thắng cuộc thì việc làm ăn trong năm sẽ được khấm khá, phát đạt và gặp nhiều may mắn.

Lớp tín ngưỡng xa xưa của lễ hội đua thuyền có thể là tín ngưỡng thờ mặt trăng, nếu cần tìm ở một tầng sâu hơn sẽ là tín ngưỡng thờ thần biển, nhưng hiện tại, lớp tín ngưỡng ấy đã nhạt nhoà. Vì vậy, trên lát cắt đồng đại, lễ hội đua thuyền chỉ còn lắng đọng niềm tin tín ngưỡng của người dân.

Lễ hội đua thuyền hàng năm ở Tịnh Long và Lý Sơn, ngoài những ý nghĩa như đã nói, còn là nơi tập luyện và thử thách sự dẻo dai, rèn luyện ý chí, kích thích con người phấn đấu vươn lên làm ăn, xây dựng quê hương giàu đẹp.