+84 983 035 435

KHÁM PHÁ VIỆT NAM

Hãy khám phá việt nam qua những địa điểm phượt vô cùng thú vị, thơ mộng và hùng vĩ.

Lễ hội đình Cậy

Khám phá Lễ hội đình Cậy Việt Nam

.

Nét đẹp Lễ hội đình Cậy

Lễ hội đình Cậy được tổ chức vào ngày 22/2 âm lịch hàng năm, tại xã Long Xuyên, huyện Bình Giang. Đây là hoạt động nhằm kỷ niệm ngày sinh của Thành hoàng.

Dưới thời phong kiến lễ hội được tổ chức vào ngày 9 tháng 3 âm lịch. Hai làng Hương Gián và Kệ Gián tổ chức hội thi bơi chải. Hội thi bơi chải bắt nguồn từ truyền thuyết: sau khi đánh thắng nhà Thục, Vua Hùng Vương thứ 18 đã lấy ngày 10 tháng 3 là ngày giỗ tổ. Vào ngày đó tất cả các Lạc hầu, Lạc tướng trị vì ở các địa phương đều phải trở về kinh đô Phong Châu (Vĩnh Phúc) để dự lễ.

Bảo Phúc Đại vương là một tướng của vua Hùng lúc này đóng quân ở Hương Gián, Kệ Gián cũng lên đường về kinh dự lễ. Ngày mồng 9 tháng 3 dân làng mở hội đua thuyền để tiễn đưa ngài. Từ đó về sau, hàng năm cứ vào ngày mồng 9 tháng 3 dân hai làng Hương Gián, Kệ Gián lại tổ chức lễ hội thi bơi chải để tưởng nhớ đến sự kiện lịch sử đó.

Trước đây đội hình đua thuyền được tổ chức theo các xóm; Hai thôn có 6 xóm được tổ chức thành 6 thuyền đua. Mỗi thuyền đua có 18 người là nam giới mặc đồng phục, không hạn chế tuổi tác bao gồm một người cầm mõ, một người cầm lái, 1 người cầm cờ, một người tát nước, một người thổi tù và và 13 tay chèo (một người chèo mũi); hai bên mạn thuyền mỗi bên 6 tay chèo. Do kinh tế khó khăn nên các xóm không tự đóng hoặc mua sắm được thuyền, mỗi năm đến kỳ lễ hội các xóm phải đi thuê thuyền đua của nơi khác, chủ yếu thuê của làng Quát (xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc). Đường bơi dài khoảng 1.500 m. Điểm xuất phát từ cây đa Đống ếch (cách cầu Cậy hiện nay khoảng 500m về phía đông), ngược theo sông Kẻ Sặt về phía tây đến hết địa giới làng Cậy, các thuyền bơi 3 vòng. Đội của xóm nào giành giải nhất được làng thưởng cho một tối hát chèo. Các xóm khác không đạt được giải phải đi xem nhờ, việc treo giải như vậy đã tạo không khí ganh đua giữa các xóm quyết tâm đoạt giải trong các kỳ thi bơi chải.

Từ khi di tích đình Cậy được xếp hạng cấp quốc gia và lễ hội tại đình Cậy được phục hồi, chính quyền và nhân dân làng Cậy đã xây dựng quy chế tổ chức lễ hội, thống nhất lồng ghép lễ hội thi bơi chải vào lễ hội kỷ niệm ngày sinh mồng 10 tháng 2 và hai năm mới tổ chức thi bơi chải một lần.

Lễ hội diễn ra trong 7 ngày:

Sáng 10 tháng 2 mở cửa đình, bao sái đồ thờ, chồng kiệu vào làm các bước chuẩn bị cho rước. Đi đầu đoàn rước là đội múa lân, tiếp theo đến đội mang cờ thần và cờ Tổ quốc, tiếp theo nữa đến đoàn các cháu học sinh, đội nhạc của hội Cựu chiến binh, sau đó đến đoàn rước kiệu thánh, kiệu lục lộ, kiệu long đình... Thành phần những người khiêng kiệu không phải lựa chọn qua tục cắt phù giá như trước kia mà giao cho các đoàn thể (chủ yếu là Đoàn thanh niên) và các xóm lựa chọn. Thành phần các đội tế cũng thay đổi, các thành viên đội tế do hội Phụ lão của xã cử ra, từ 50 tuổi trở lên không có tang cha, mẹ, vợ (trước kia kiêng 3 năm, nay chỉ kiêng 1 năm). Trước đây, chỉ có đội tế nam, nay có cả đội tế nữ. Ngày nay, do cơ chế thị trường, con em làng Cậy nhiều người đi làm ăn buôn bán xa, không có dịp về quê dự lễ hội. Do đó, số lượng người tham gia đoàn rước chỉ bằng một nửa thời Phong kiến.

Sáng 11 tháng 2, Ban tổ chức làm lễ dâng hương tại đình, sau đó ra thắp hương tại nghĩa trang liệt sỹ của xã. Ngoài ra, buổi sáng còn tổ chức tế thần tại đình, buổi chiều rước tập ngơi từ đình ra nghè. Toàn bộ đồ rước được để tại nghè một đêm để hôm sau tế công đồng.

Ngày 12 tháng 2, buổi sáng tổ chức tế công đồng tại nghè, buổi chiều rước Thánh từ nghè về đình. Buổi tối tổ chức hát chèo tại sân đình.

Ngày 13 tháng 2, buổi sáng chuẩn bị, buổi chiều tổ chức thi bơi chải. Buổi tối tiếp tục có hát chèo tại sân đình.

Ngày 14 tháng 2, ban ngày nhân dân trong thôn tiếp tục ra lễ tại đình và nghè. Buổi chiều tổ chức tế nữ tại đình. Buổi tối tiếp tục hát chèo.

Ngày 15 tháng 2, nhân dân tiếp tục ra lễ tại đình và nghè, tổ chức các trò chơi dân gian như: Chọi gà, đi cầu thùm...

Ngày 16 tháng 2, buổi chiều tổ chức lễ tạ, đóng cửa đình, cất đồ thờ. Kết thúc lễ hội.

Bên cạnh, những phong tục như: Tế, lễ, rước kiệu... Lễ hội còn bảo lưu được nhiều loại hình văn hóa dân gian như: Hát chéo, bơi chải...