+84 983 035 435

KHÁM PHÁ VIỆT NAM

Hãy khám phá việt nam qua những địa điểm phượt vô cùng thú vị, thơ mộng và hùng vĩ.

Lễ hội đền Măng Sơn

Khám phá Lễ hội đền Măng Sơn Việt Nam

.

Nét đẹp Lễ hội đền Măng Sơn

Đền Măng Sơn là đền cổ thờ Đức Thánh Tản Viên của cả tổng Tường Phiêu xưa. Tương truyền: Đức Tản Viên từ núi Ba Vì đi thăm thú các nơi. Một hôm, ngài đến đất Sơn Đông, thấy cảnh sắc nên thơ, nhân dân đôn hậu, đời sống lại khá giả, liền ở lại, cho lập một cung điện ở đồi Măng Sơn .Nhân dân quanh vùng học được nghề săn bắt của ngài nên nhiều người săn bắt chim muông rất giỏi. Sau ngày ngài rời quê hương, dân làng nhớ công lao lớn đó, lập đền thờ và tổ chức lễ hội hàng năm ở đền Măng Sơn. Hội đền Măng Sơn từ ngày mồng 6 đến mồng 12 tháng Giêng.

Vào ngày hội, 5 xã trong tổng gồm: Sơn Đông, Sơn Trung, Tường Phiêu, Trạch Lôi, Thuần Mỹ cử các đại diện mang lễ tập trung ở đỉnh Sơn Trung. Lễ vật là một hộp quả hình lục lăng chồng 8 tầng do 4 người khênh.

Trai đinh các xã về đông đủ ở đình Sơn Trung, các cụ cắt cử họ rước 3 cỗ kiệu trong đặt long ngai bài vị của Tam vị Đức Thánh Tản (Tản Viên, con ông bác và hai anh em Cao Sơn, Quý Minh, con ông chú) lên đền Măng Sơn. Cứ 8 người đóng một kiệu, đi ngoài một người cầm lọng, một người cầm cờ múa dẫn đường, một người đánh trống khẩu dẹp đám, thành một cỗ. Riêng kiệu Thánh Tản Viên có thêm hai quạt vả lớn che hai bên. Đây là 3 cỗ kiệu hiếm có ở trong vùng. Việc trang trí quần áo cho 3 cỗ ngai cũng khá đặc biệt. Cả Tam vị đều đội mũ Kim Ngạc, quần áo vóc trắng, choàng áo vóc đỏ, ngoài là áo hoàng bào màu hoàng yến, thắt đai lưng cổn long, đi hia hổ túc. Mỗi năm rước kiệu các ngài là dịp để nhân dân chiêm ngưỡng vẻ đẹp lỗng lẫy, cao siêu của dung nhan các vị do nhân dân tưởng tượng sáng tạo ra.

Một nghi lễ lớn bày tỏ tấm lòng thành kính của dân thôn toàn tổng được tổ chức tại đền. Các xã đều có đại diện vào tế. Chủ tế là một cụ già của làng Sơn Đông. Bên cạnh chủ tế là ba bồi tế, một đọc văn, năm người dẫn rượu, năm người dẫn đèn. Thường là người cao tuổi, vợ chồng song toàn, con cháu đầy đặn, lại có phẩm hạnh mới được chọn làm vai tế. Người dân Sơn Đông quan niệm việc tế là rất hệ trọng, ảnh hưởng đến phúc lành của mọi nhà nên không thể tùy tiện chọn người vào vai tế.

Điều đáng lưu ý là có một mâm ngũ quả dâng lên thờ thần, trong đó bày các thứ quả sẵn có trong vùng. Nhất thiết là phải có mít xanh, ở Sơn Đông có loại mít ra quả sớm, dân gọi là mít chiêm. Sau quả mít là quả dứa non, quả bưởi, quả chuối, quả cam hoặc quả quít…

Lại nữa, một mâm cỗ khác tế thần không thể thiếu thú rừng. Tương truyền: Xưa kia là loại thịt thú rừng săn bắt được để khô. Sau này, việc săn bắt thú rừng khó người ta thay thế bằng ba miếng thịt lợn sống. Quá trình cử tế, ông chủ tế thay mặt cộng đồng, diễn lại nghi thức dân làng hưởng lộc do Đức Thánh Tản săn bắt được thú cho dân. Khi văn tế đọc đến câu ẩm phước, chủ tế dừng lời, trân trọng nâng chén nhà ngài nghiêng người sang một bên giả uống. Đến đoạn thụ tộ thì ông thành kính nâng chén đặt vào mâm lễ. Văn tế đọc tiếp đến thù tạc, chủ tế dùng đũa gắp lật đi lật lại 3 miếng thịt coi như đã hưởng lộc ngài.

Cuộc tế thần ở đền Măng Sơn xong, 1 giờ chiều, dân hàng tổng rước ba cỗ kiệu từ đền về bãi dộc Thày, hạ kiệu xếp ngay ngắn, sau đó toàn dân tỏa ra bãi tổ chức các sinh hoạt vui chơi của ngày hội. Tại đây, nam nữ hát ví đúm giao duyên. Các đô vật của các xã tham gia vật giải. Ngoài bãi có bắn nỏ, đánh đu cây. Cuộc vui chơi suốt chiều hôm đó. Tối đến đốt đuốc ca vui đến nửa đêm, sang đến giờ Tý (quá nửa đêm) mới tổ chức rước kiệu ba ngài về đình. Đèn đuốc sáng trưng. Dọc đường về qua xóm có cây đa ở cổng làng đã trồng sẵn cây đuốc lớn (gọi là cây đình liệu), tiếp lửa đốt lên để đón kiệu ngài cho đám rước càng lung linh, huyền ảo.

Truyền rằng: Dân làng làm vậy để diễn lại sự tích Đức Thánh Tản đi săn, diệt được thú, nghỉ đêm ở bãi Thày, dân các xã mang rượu tới ca hát, vui chơi mừng thắng lợi
Rước về đến đỉnh Sơn Trung, đưa các ngài vào yên vị, lễ hội Tản Viên chưa chấm dứt. Các bô lão trong làng còn phải tế trực vào các buổi tối đến ngày 12 tháng giêng âm lịch mới tế giã.

Ấy là hội ở đình Sơn Trung.

Sang ngày 8 tháng Giêng, dân làng Sơn Đông cũng diễn lại hội Thánh Tản như hôm 6 tháng Giêng nhưng không dừng ở bãi Thày mà về thẳng đình, quy mô cũng nhỏ hơn.
Tóm lại, lễ hội Tản Viên xưa kia ở xã Sơn Đông rất lớn, mang màu sắc riêng của một vùng, đặc biệt nghi thức rước đêm để lại dấu ấn khó phai mờ với ai đó đã một lần dự hội ở Sơn Trung, qua đó phản ánh niềm tự hào của nhân dân về truyền thống văn hóa ở địa phương.