+84 983 035 435

KHÁM PHÁ VIỆT NAM

Hãy khám phá việt nam qua những địa điểm phượt vô cùng thú vị, thơ mộng và hùng vĩ.

Lễ hội Đền Lương Văn Chánh

Khám phá Lễ hội Đền Lương Văn Chánh Việt Nam

.

Nét đẹp Lễ hội Đền Lương Văn Chánh

Di tích Mộ và Đền thờ Lương Văn Chánh nằm ở thôn Long Phụng I, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên. Lương Văn Chánh quê ở Thanh Hóa, lúc khởi nghiệp theo giúp chúa Trịnh Tùng lập được nhiều chiến công nên được phong chức “Thiên võ vệ Đô chỉ huy sứ”.

Cuối thế kỷ XVI, Lương Văn Chánh theo Nguyễn Hoàng vào mở mang vùng đất phương Nam, do lập nhiều công lớn, ông được thăng chức “Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân” tước Phù Nghĩa Hầu, sau đó được giao quyền điều hành huyện Tuy Viễn, trấn An Biên (nay thuộc tỉnh Bình Định). Trong khoảng thời gian từ năm 1578 đến năm 1611 Lương Văn Chánh theo lệnh của chúa Nguyễn Hoàng đã chiêu mộ lưu dân từ các vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh và Thuận Quảng đưa vào vùng đất nằm giữa đèo Cù Mông và Đèo Cả khẩn hoang, lập làng để hình thành nên vùng đất biên viễn phía Nam của Đại Việt với tên gọi là Trấn Biên. Đó là cơ sở để năm 1611, chúa Nguyễn cho thành lập phủ Phú Yên với hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa.

Lương Văn Chánh mất ngày 19/9 (âm lịch) năm 1611, ông được tôn vinh là Thành Hoàng của vùng đất Phú Yên. Để tỏ lòng ghi nhớ công lao to lớn của ông, Mộ và Đền thờ Lương Văn Chánh được xây dựng vào những năm 30 của thế kỷ 17. Đến năm 1822 dưới thời vua Minh Mạng được xây dựng lại lớn hơn đồng thời cắt người trông coi, chăm sóc.

Đền thờ Lương Văn Chánh được xây dựng trên một vùng đất cao ráo, mặt quay về hướng Nam, sau lưng là Núi Cấm, trước mặt có sông Bến Lội. Trước đền có cổng ra vào rêu phong cổ kính, án phong trước mặt đền ghi câu đối ca ngợi công lao của bậc tiền nhân: Huân danh thiên cổ ngưỡng/Chính khí vạn niên phong. Tạm dịch: Danh thơm ngàn đời ngưỡng mộ/Chính khí muôn thuở tôn vinh. Trong khuôn viên còn có cây bồ đề cổ thụ cành lá xum xuê, che mát cả một góc đền. Do có nhiều công lao trong quá trình mở đất, Lương Văn Chánh được phong tặng nhiều sắc phong, đặc biệt ban sắc gia phong Lương Văn Chánh đến Thượng đẳng thần. Tại đền thờ hiện còn lưu giữ 14 sắc phong, sắc lệnh của các đời vua thuộc triều Lê và triều Nguyễn ban cho Lương Văn Chánh, trong đó đáng chú ý nhất là tờ sắc lệnh năm 1597 của Nguyễn Hoàng giao Lương Văn Chánh chiêu tập lưu dân đến khai khẩn vùng đất nằm giữa đèo Cù Mông và Đèo Cả.

Mộ Lương Văn Chánh được xây ở phía Bắc thôn Long Phụng, nằm cách đền khoảng 500m, trên một gò đất cao, quay mặt ra dòng sông Bến Lội, hướng thẳng về núi Chóp Chài. Mộ xây theo lối cổ, nấm mộ đắp hình mai rùa, xung quanh có tường bao bọc, bốn góc tường có bốn cột lớn, đỉnh cột đắp hình búp sen, phía trước mộ có hương án và bình phong.

Khi đến di tích Mộ và Đền thờ Lương Văn Chánh, du khách được tham quan tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp của ông qua các tư liệu sắc lệnh, sắc phong. Để tưởng nhớ người có công lao to lớn đối với vùng đất Phú Yên, vào ngày mùng 6/2 âm lịch (ngày nhận sắc lệnh) và ngày 19/9 âm lịch (ngày mất) hằng năm, Phú Yên tổ chức Lễ hội Đền thờ Lương Văn Chánh với sự tham gia đông đảo của bà con nhân dân và du khách gần xa. Du khách có thể tham gia vào các trò chơi dân gian như đánh bài chòi, kéo co, thi nấu cơm, bắt vịt dưới sông, thi đấu cờ tướng, cờ người, đập ấm đất… thể hiện nét văn hóa truyền thống của người dân sinh sống trên vùng đất Phú Yên.