+84 983 035 435

KHÁM PHÁ VIỆT NAM

Hãy khám phá việt nam qua những địa điểm phượt vô cùng thú vị, thơ mộng và hùng vĩ.

Lễ hội đền Huyền Trân

Khám phá Lễ hội đền Huyền Trân Việt Nam

.

Nét đẹp Lễ hội đền Huyền Trân

Lễ hội đền Huyền Trân công chúa được tổ chức hàng năm vào ngày mồng 9 tháng 1 Âm lịch, tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, phường An Tây, thành phố Huế. Đây là một hoạt động thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc nhằm tri ân các bậc tiền nhân đã có công với dân, với nước trong việc mở mang bờ cõi.

Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 2 năm 1285, hai vương triều Đại Việt và Champa đã kề vai sát cánh trên trận tuyến chống kẻ thù chung. Sự liên minh khắng khít đã làm cho thượng hoàng Trần Nhân Tông trong chuyến vân du Chiêm Thành năm 1301 đã hứa gả công chúa út của mình cho vị vua ln bang trẻ tuổi có chí lớn. Lúc đó Huyền Trân khoảng 14 tuổi. Năm năm sau, khi Huyền Trân đã trưởng thành, sứ bộ đã đến kinh đô xin định sính lễ. Triều đình Đại Việt phân vân, rốt cục vua Anh Tông đã thực hiện lời hứa của thượng hoàng, và công chúa Huyền Trân đã hy sinh tình riêng, vì dân tộc chấp nhận kết hôn cùng với Chế Mân. Sứ bộ đã dâng sính lễ trọng hậu là đất hai châu Ô, Lý (vùng đất Thuận Hóa - Phú xuân - Thừa Thiên Huế ngày nay) và rước công chúa vu quy về Vijaya. Tháng 7 năm 1306, đoàn hải thuyền vượt biển về Nam. Đến cửa Ô Long, đoàn thuyền ghé nghỉ. Xúc động vì sự xuất giá của em gái, vua Anh Tông đã cho đổi tên cửa biển này là Tư Dung hải môn, để bày tỏ nỗi niềm của mình và nhắc nhở cho đời sau mãi mãi nhớ đến sự hi sinh vì nghĩa lớn của nàng công chúa Việt Nam. Lễ hội đền Huyền Trân được tổ chức chức định kỳ hàng năm vào ngày mùng 9 tháng Giêng - ngày giỗ của Công chúa Huyền Trân, với ý nghĩa tri ân công đức của bà vì sự phát triển của nước Đại Việt.

Mở đầu cho chuỗi hoạt động của lễ hội là Đại lễ cầu nguyện “Quốc thái dân an”, Lễ Hội hoa đăng, Ca múa nhạc Phật Giáo... Tiếp đến là lễ khai mạc với phần nghi lễ chính dâng hương tại Điện Huyền Trân công chúa, đền thờ vua Trần Nhân Tông và vãng cảnh.

Ngoài ra, trong khuôn khổ Lễ hội còn tổ chức triển lãm, trưng bày và giới thiệu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề truyền thống Huế, như: đúc đồng Phường Đúc, chạm khắc Mỹ Xuyên, gốm Phước Tích, hương nhang Tự Đức, nón lá, mây tre đan Bao La, đệm bàng Phò Trạch, thổ cẩm A Lưới, sơn mài Huế và bánh kẹo Huế; các trò chơi dân gian; triển lãm thư pháp…

Bên cạnh đó, là một số hoạt động dân gian như: cờ tướng, cờ người, võ thuật cổ truyền Vạn An, thư pháp, hò giã gạo, nghệ thuật ca múa, vẽ chân dung, vẽ tranh thiếu nhi, thi cắm hoa... cũng được tổ chức trong khuôn khổ của lễ hội.

Trung tâm Văn Hóa Huyền Trân là quần thể kiến trúc gồm ngôi đền thờ Đức vua Trần Nhân Tông và ngôi đền thờ Huyền Trân Công Chúa rất nhiệm mầu tại thôn Ngũ Tây, phường An Tây, nằm cách đàn Nam Giao chừng 6 km về phía Tây nam thành phố Huế. Tọa lạc trên đỉnh núi Ngũ Phong ở độ cao 108 mét là tháp chuông Hoà Bình với một quả chuông được đúc bằng đồng nguyên chất nặng 1,6 tấn, cao 2,16 mét. Giữa bốn bề mây núi giao hoà, tháp chuông Hòa Bình là nơi tịnh tâm của du khách thập phương. Từ đây phóng tầm mắt xuống, du khách sẽ có bức tranh toàn cảnh thiên nhiên như vẽ của thành phố Huế với sông Hương và núi Ngự. Năm mới du xuân cùng gióng một hồi chuông ngân xa, lan toả âm thanh tri giác vào thinh không vũ trụ để cầu nguyện cho thế giới hoà bình và nhân loại được hạnh phúc.

Việc mở hội Đền Huyền Trân tại Thừa Thiên Huế nhằm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tưởng nhớ, tôn vinh công chúa Huyền Trân và các bậc tiền nhân của dân tộc đã có công dựng nước, mở mang bờ cõi. Lễ hội thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, bà con tăng ni phật tử, các chức sắc tôn giáo và du khách gần xa về dự.